Hôm nay, 21/02/2011, báo chí chính thức Trung Quốc cho biết là ngày hôm qua, « một vài phần tử bị kích động » ở Bắc Kinh, Thượng Hải và nhiều thành phố khác tại Trung Quốc đã cố gắng bắt chước cuộc Cách mạng Hoa Nhài tại Tunisia. Thế nhưng, theo các tờ báo này, một cuộc cách mạng như vậy không thể xẩy ra tại Trung Quốc
Xã luận của Hoàn cầu Thời báo, một tờ báo nổi tiếng có tư tưởng dân tộc chủ nghĩa, được AFP trích dẫn, viết, « Không có quyết tâm tập thể thực hiện một cuộc cách mạng tại Trung Quốc ». Chỉ có « một vài người ở Bắc Kinh, Thượng Hải và nhiều thành phố khác tại Trung Quốc đã cố gắng bắt chước cuộc Cách mạng Hoa Nhài ».
Tờ báo chỉ trích gay gắt, coi những người biểu tình như hiện tượng có những người ăn mày, không bao giờ biến mất, trong lúc Trung Quốc vẫn tiến về phía trước. Theo Hoàn cầu Thời báo thì một vài người hô khẩu hiệu, ném hoa nhài ra đường phố không làm giảm nhịp độ tiến bước của đất nước.
Trong khi đó, Nhân dân Nhật báo, kêu gọi người dân hãy tỏ thái độ « chín chắn » và thúc đẩy « tình liên đới gắn bó xã hội ». Theo tờ báo, các nhà trí thức nghĩ rằng nhiệm vụ của họ là phê phán. Quan điểm này là phiến diện và bị những kẻ vô trách nhiệm lợi dụng.
Cơ quan ngôn luận của đảng Cộng sản Trung Quốc khẳng định là đất nước vẫn tiến về phía trước cho dù còn nhiều vấn đề và không một ai trong số người dân được phép sử dụng luận điểm đòi xem xét lại cách thức lãnh đạo xã hội.
Ngày hôm qua, một lực lượng công an đông đảo đã được triển khai ở 13 thành phố nhằm ngăn chặn mọi cuộc biểu tình, sau khi trên mạng internet, xuất hiện một thông điệp kêu gọi biểu tình, theo gương Cách mạng Hoa Nhài. Trước đó, nhiều nhà tranh đấu cho nhân quyền, dân chủ đã bị bắt, hoặc quản thúc tại gia trên thực tế, điện thoại của họ bị cắt.
Theo giới quan sát, làn sóng đấu tranh chống các chế độ chuyên quyền, độc đoán tại nhiều nước Bắc Phi và Cận Đông đang làm cho chính quyền Bắc Kinh lo ngại, cho dù, nguy cơ một cuộc nổi dậy tương tự tại Trung Quốc chưa thể xẩy ra.Làn sóng biểu tình chống chính quyền lây lan sang Trung Quốc ?
Liệu làn sóng biểu tình của người dân chống lại những chế độ chuyên quyền, độc đoán tại Bắc Phi và Trung Đông có lây lan sang Trung Quốc và dẫn tới sự sụp đổ của chế độ hay không ? Đối với nhiều nhà phân tích ngoại quốc, chuyên nghiên cứu về Trung Quốc thì câu trả lời là không – hay thận trọng hơn – thì chưa thể xẩy ra vào lúc này.
Nhìn vào mức độ phản ứng, triển khai lực lượng công an ngày hôm qua, 20/02/2011, tại 13 thành phố, do có một thông điệp trên internet kêu gọi người dân biểu tình, noi gương Cách mạng Hoa Nhài, giới quan sát nhấn mạnh : Bắc Kinh sẵn sàng bóp chết từ trong trứng mọi ý đồ nổi dậy.
Có thể nói, đảng Cộng sản Trung Quốc đã rút ra những bài học trong cuộc biểu tình đòi dân chủ ở Thiên An Môn năm 1989. Vào thời điểm đó, gần như mọi hoạt động ở thủ đô bị tê liệt và cuối cùng, Bắc Kinh phải điều động quân đội đến trấn áp dìm cuộc biểu tình trong biển máu.
Nếu nhìn vào hiện tượng, thì hầu như tất cả những yếu tố mầm mống dẫn đến những cuộc nổi dậy trong thế giới Ả Rập đều có tại Trung Quốc : chế độ chuyên quyền độc đoán trấn áp giới ly khai, nạn tham nhũng, gia đình trị, hố ngăn cách giàu nghèo ngày càng tăng, đời sống đắt đỏ, giá cả lương thực, thực phẩm tăng cao. Hơn nữa, gần một nửa tỷ người Trung Quốc tiếp cận, sử dụng internet.
Thế nhưng, ông Perry Link, thuộc đại học California, Hoa Kỳ, được AFP trích dẫn, lại không cho rằng Trung Quốc sẽ là quân bài domino bị sụp đổ trong thời gian tới.
Đối với chuyên gia Daniel Bell, đại học Thanh Hoa, Bắc Kinh thì đúng là tại Trung Quốc có một mong muốn mở cửa hơn nữa ra bên ngoài, tự do ngôn luận, công lý, thế nhưng, đó không phải là mong muốn làm cách mạng giống như ở Trung Đông. Đồng thời, xã hội Trung Quốc lại có những cơ hội mà ở Trung Đông thì thiếu vắng.
Nhà xã hội học Jean Louis Rocca, cũng thuộc đại học Thanh Hoa, bổ sung : tình hình tại Trung Quốc không giống như bên Trung Đông, « ở đây, sự ủng hộ đối với chế độ rất cao, cho dù người dân không hài lòng. Ở đây không có ý muốn thay đổi chế độ ».
Trong ba thập niên cải cách và phát triển kinh tế một cách ngoạn mục, chính quyền đã đưa được hàng trăm triệu dân thoát ra khỏi cảnh đói nghèo và làm xuất hiện một tầng lớp trung lưu hàng trăm triệu người.
Theo chuyên gia Rocca, thì cho dù vẫn còn nhiều khó khăn nhưng nhìn trong tổng thể, tại Trung Quốc, người ta không có cảm giác bị khủng hoảng sâu sắc, khi so sánh với những gì xẩy ra tại Ai Cập hay Tunisia. Nói một các khác, người ta không mất hy vọng hay có cảm tưởng là không có tương lai, đặc biệt là đối với giới trẻ, mặc dù tỷ lệ sinh viên ra trường, có bằng cấp, bị thất nghiệp khá cao. Mong ước chủ yếu của người dân Trung Quốc là chính quyền hãy làm những gì đã hứa, như giảm chênh lệch giầu nghèo, thiết lập một nhà nước pháp quyền, phát triển hệ thống bảo hiểm y tế v.v.
Về phần mình, chuyên gia Jean Pierre Cabestan, ở đại học Baptist Hồng Kông nhận định, những người thuộc tầng lớp trung lưu có xu hướng mong muốn sự ổn định. Do vậy, đối với một bộ phận dân chúng, « bây giờ không phải là thời điểm để lật chìm con thuyền » và tại Trung Quốc, « chưa hội đủ các điều kiện để tạo ra một cuộc đối đầu trực diện. Có thể còn quá sớm vào lúc này ». Tuy nhiên, ông Cabestan cho rằng cũng không nên loại trừ khả năng xẩy ra những cuộc biểu tình ở thủ phủ các tỉnh lỵ, ví dụ, chống lại nạn tham nhũng của các quan chức địa phương.
Còn có một yếu tố khác biệt nữa giữa Trung Quốc và Tunisia, Ai Cập, Libya hay một số nước Trung Đông, đó là quyền lực trong chế độ cộng sản không tập trung trong tay một cá nhân, một gia đình. Ông Rocca giải thích : « ở đây, người ta không thể hô khẩu hiệu Hồ Cẩm Đào biến đi. Ông Hồ Cẩm Đào chẳng có quyền lực cá nhân nào, bởi vì Bộ Chính trị lãnh đạo ». Chuyên gia Cabestan nói thêm, tại Trung Quốc, cứ khoảng 10 năm thì lại có thay đổi nhân vật lãnh đạo số một. Vả lại, không chỉ có một gia đình làm giầu như ở Bắc Phi hay Trung Đông.
Ngoài ra, còn có một thực tế khác là quảng trường Thiên An Môn khó có thể trở thành một quảng trường Giải phóng – Tahrir Ai Cập : Từ năm 2008 đến nay, công an Trung Quốc lập hàng rào kiểm soát an ninh mọi lối vào quảng trường Thiên An Môn.
Thế nhưng, tất cả những yếu tố trên đây cũng không làm giới ly khai Trung Quốc mất niềm tin và mơ ước. Tuần trước, nhà tranh đấu cho nhân quyền, luật sư Đăng Bưu nói với AFP rằng ông vẫn tin tưởng là sẽ có một sự thay đổi tại Trung Quốc. Từ hôm đó đến nay, không ai có thể liên lạc được với ông qua điện thoại nữa.
Nhân viên an ninh gác tại phố mua sắm Vương Phủ Tỉnh ở Bắc Kinh - Ảnh: Reuters |
Trong một bài bình luận đăng hôm qua, báo Global Times của Đảng Cộng sản Trung Quốc viết: “Các cuộc nổi dậy ở Tunisia và Ai Cập đã lây lan ở Trung Đông và một số người muốn Trung Quốc trở thành “Ai Cập kế tiếp”. Điều này tuyệt đối không thể xảy ra”. Theo tờ này, công an ở Bắc Kinh, Thượng Hải và nhiều thành phố khác đã được triển khai hôm 20.2 sau khi xuất hiện những thông điệp trên mạng và tin nhắn điện thoại vận động dân chúng xuống đường, thực hiện một cuộc “cách mạng hoa nhài” ở Trung Quốc.
Thế giới Ả Rập tiếp tục rúng động Hôm qua, khoảng 10.000 người Bahrain cắm trại tại Quảng trường Ngọc trai ở thủ đô Manama tiếp tục gây sức ép đòi lập chính phủ mới. Tại Libya, người biểu tình đụng độ với lực lượng an ninh ở thủ đô Tripoli trong khi vài thành phố khác đã nằm dưới sự kiểm soát của phe chống đối, AFP dẫn một số nguồn tin tại chỗ cho hay. Theo các tổ chức nhân quyền, số người thiệt mạng trong mấy ngày qua là từ hơn 200 đến 400 người. Cũng trong hôm qua, Thủ tướng Anh David Cameron bất ngờ đến Ai Cập, trở thành lãnh đạo nước ngoài đầu tiên thăm nước này sau khi Tổng thống Hosni Mubarak bị lật đổ. |
Công an đã bắt giữ một số người, tăng cường tuần tra trên đường phố và kiểm soát chặt chẽ dịch vụ tin nhắn và internet tại thủ đô và các thành phố lớn. Tại Bắc Kinh, một đám đông tụ tập bên ngoài một cửa hàng ăn nhanh McDonald vào lúc 14 giờ (giờ địa phương) ngày 20.2, theo Tân Hoa xã. Công an đã áp giải 2 người về đồn và đám đông sau đó bị giải tán vào lúc 14 giờ 50 phút. Tại Thượng Hải, vài người tụ tập ở Quảng trường Nhân dân và 3 người bị bắt giữ.
Báo Global Times gọi chiến dịch kêu gọi biểu tình qua mạng cuối tuần qua là “nghệ thuật trình diễn” và khẳng định mọi ý định như vậy sẽ thất bại. Tờ China Daily tỏ ra thận trọng hơn khi viết rằng Trung Quốc đang đối mặt với những nguy cơ căng thẳng xã hội bao gồm bất mãn của người dân về lạm phát, tranh chấp đất đai, cách biệt giàu nghèo ngày càng lớn và tình trạng tham nhũng. Trong bài phát biểu tại cuộc họp với các quan chức cấp cao hôm 20.2, Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào nói bất chấp những thành quả đạt được về kinh tế - xã hội, nước này “vẫn đang trong giai đoạn mà nhiều xung đột có thể gia tăng” và “vẫn còn nhiều vấn đề về quản lý xã hội”. Cùng ngày, ông Chu Vĩnh Khang, Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Trung Quốc kêu gọi cải thiện trình độ quản lý để bảo đảm ổn định lâu dài. “Phải giải tỏa tranh cãi và mâu thuẫn xã hội ngay từ trong trứng nước”, tờ China Police Daily dẫn lời ông Chu nói.
Trung Quốc giảm nhẹ những cuộc biểu tình Hoa Nhài
Hình: YONHAP NEWS
Truyền thông nhà nước Trung Quốc coi nhẹ các cuộc biểu tình lẻ tẻ tại hơn một chục thành phố Trung Quốc, so sánh các vụ này với “những kẻ ăn mày trên đường phố” và khẳng định rằng chính phủ sẽ áp dụng các biện pháp mạnh được công chúng ủng hộ để chống lại bất cứ ai tìm cách gây mầm mống cho một cuộc nổi dậy giống như những cuộc biểu tình rộng lớn đang lan tràn tại vùng Trung Đông.
Trong một bài bình luận hôm Thứ Hai, nhật báo Global Times do đảng Cộng Sản kiểm soát nói rằng, những cuộc biểu tình hôm Chủ Nhật tại Bắc Kinh, Thượng Hải, và 11 thành phố khác chỉ lên tới mức hơn một “cuộc trình diễn văn nghệ” chút ít và lý luận rằng chính phủ được sự ủng hộ rộng rãi của công chúng.
Tuy nhiên, hôm Chủ Nhật, giới hữu trách đã có vẻ ít chắc chắn hơn khi huy động hằng chục ngàn nhân viên an ninh tới những địa điểm biểu tình được nhận diện qua các loan tải không rõ nguồn gốc trên mạng internet. Các tổ chức nhân quyền nói rằng ít nhất đã có 80 nhà hoạt động có tiếng tăm và các nhân vật bất đồng chánh kiến bị bắt hoặc bị giam giữ tại nhà trước ngày diễn ra những cuộc biểu tình của “Cuộc Cách Mạng Hoa Nhài.”
Người biểu tình được kêu gọi nói lên những đòi hỏi về nhà ở, công lý, tự do và dân chủ, thay đổi, và lên tới khoảng vài trăm người tại mỗi địa điểm, đi kèm với nhiều người tò mò đứng xem. Ít nhất đã có hai người bị bắt tại Bắc Kinh và ba người bị bắt tại Thượng Hải.
Ông Mike Chinoy, một cựu ký giả và cũng là một nhà nghiên cứu lão thành của Viện Hoa Kỳ-Trung Quốc tại trường đại học Nam California, đã nói với đài VOA rằng, ông không tin là những cuộc biểu tình này gây ra mối đe dọa nghiêm trọng nào đối với chính phủ Trung Quốc. Nhưng ông cũng nói rằng, đáp ứng về an ninh mạnh mẽ cho thấy giới hữu trách Trung Quốc lo ngại về các biến cố tại vùng Trung Đông “có thể trở thành chất xúc tác cho các nhóm muốn kết hợp thành những tổ chức chống chính phủ.”
Cuộc cách mạng Hoa Lài bắt đầu nở ở Trung Quốc?
RFA 20.02.2011
Như chúng tôi đã tường trình trong bản tin tối hôm qua, ảnh hưởng của cuộc cách mạng hoa Lài từ Tunisia không chỉ lan tràn ở vùng Trung Đông, mà có dấu hiệu đã chớm nở ngay ở Trung Quốc.
Chỉ trong vòng 36 tiếng đồng hồ qua, chính quyền Bắc Kinh đã bắt giữ ít nhất 100 nhà tranh đấu và những luật sư về nhân quyền. Cuộc bố ráp này xảy ra ngay sau khi một số lời kêu gọi dân chúng biểu tình đòi tự do dân chủ được phổ biến trên internet tại Hoa Lục.
Tin tức đài chúng tôi ghi nhận được nói rằng không ai biết những người bị bắt giữ từ tối Thứ Bảy đến giờ đang bị giam giữ ở đâu, trong khi chính phủ Trung Quốc đang gia tăng hoạt động kiểm soát internet và tin nhắn, chứng tỏ giới lãnh đạo Bắc Kinh e ngại ảnh hưởng của cuộc cách mạng hoa Lài cũng như làn sóng tranh đấu cho dân chủ ở Trung Đông có thể lan tràn sang Hoa Lục.
Xin nhắc lại là từ ngày thứ Bảy vừa rồi, lời kêu gọi dân chúng tham gia biểu tình đòi dân chủ đã xuất hiện trên nhiều trang mạng khác nhau ở Hoa Lục.
Một trong những lời kêu gọi trên mạng internet viết nguyên văn như sau: “chúng tôi kêu gọi những công nhân đang thất nghiệp, những người bị chính phủ dùng áp lực để lấy nhà đất, cùng nhau tham gia vào các cuộc biểu tình, hô to những khẩu hiệu đòi tự do, dân chủ, đổi mới chính trị và chấm dứt chế độ độc đảng”.
Lời kêu gọi trên internet cũng kêu gọi những người tham gia hô to các khẩu hiệu với nội dung đòi cơm ăn, nhà ở, đòi việc làm và cổ vũ tự do, dân chủ.
Tại Bắc Kinh cũng như ở các thành phố lớn khác như Thượng Hải, Cáp Nhĩ Tân, Quảng Châu, Thành Đô, cảnh sát đã tràn ngập ngay tại địa điểm mà những cuộc biểu tình dự trù diễn ra.
Trong một bản tin của Tân Hoa Xã phổ biến cho biết một nhóm người đã tụ ở Quảng Trường Nhân Dân ở Thượng Hải để nghe một người đàn ông khoảng 30 tuổi phát biểu. Khi cảnh sát đến nơi, ông này bỏ đi và đám đông cũng giải tán.
Tại Bắc Kinh, hãng thông tấn AFP cho hay có 2 người bị bắt.
Ông Lý Kim Tống, một trong những luật sư chuyên biện hộ cho các nhà dân chủ ở Trung Quốc nói rằng vì lực lượng cảnh sát, công an quá đông nên dân chúng không thể tham gia biểu tình.
Tuy nhiên, ông nói tiếp rằng sự kiện chính quyền huy động công an và cảnh sát chứng tỏ nhà cầm quyền Bắc Kinh e ngại cuộc cách mạng hoa Lài ở Tunisia có thể gây bất ổn xã hội tại Trung Quốc.
Từ hôm qua đến sáng sớm hôm nay, tất cả những cố gắng để liên lạc với các nhà tranh đấu hàng đầu của Trung Quốc đều không thành công. Ngay chính các nhà báo nước ngoài đang làm việc tại Bắc Kinh cũng nói rằng đã gọi điện thoại cho những nhân vật này nhưng không có ai trả lời. Bạn bè và những người thân của họ nói rằng họ đã bị cảnh sát bắt giữ.
Tại Hồng Kông, thông cáo do Trung Tâm Nhân Quyền Và Dân Chủ phổ biến viết rằng rất nhiều nhà tranh đấu đã biến mất hay đang bị quản chế, và Trung Tâm tin tưởng sự việc này xảy ra sau khi có lời kêu gọi dân chúng tham gia biểu tình.
Cho đến khuya ngày hôm qua, tất cả những từ khóa “hoa Lài” hay “cách mạng hoa Lài” trên web ở Trung Quốc đều bị chặn.
No comments:
Post a Comment