Nhà Báo Việt Thường

Nhà Báo Việt Thường

Tìm kiếm bài Blog than huu cua Nha Bao Việt Thường xin gõ chữ vào đây

Tuesday, July 7, 2009

McNamara, Bộ trưởng Quốc phòng sợ chiến tranh-Đinh Từ Thức

http://upload.wikimedia.org/wikipedia/commons/a/a5/Dean_Rusk,_Lyndon_B._Johnson_and_Robert_McNamara_in_Cabinet_Room_meeting_February_1968.jpg

McNamara, Bộ trưởng Quốc phòng sợ chiến tranh

Đinh Từ Thức

Qua đời trong giấc ngủ sáng 6 tháng 7, 2009, tại thủ đô Washington ở tuổi 93, Robert McNamara từng là Bộ trưởng Quốc phòng lâu nhất, và điều khiển cuộc chiến không đem lại thắng lợi đầu tiên trong lịch sử Hoa Kỳ.

Sau khi đắc cử vào tháng 11 năm 1960, người đầu tiên John Kennedy muốn mời làm Bộ trưởng Quốc phòng là Robert Lovett, thuộc Đảng Cộng hòa, vốn là phụ tá Bộ trưởng Chiến tranh dưới quyền Tướng Marshall thời Roosevelt, và Bộ trưởng Quốc phòng thời Truman. Nhưng ông Lovett không nhận, đã giới thiệu McNamara, một chuyên viên thống kê xuất sắc, từng làm việc tại Bộ Quốc phòng thời Đệ nhị Thế chiến, và mới được cử làm Chủ tịch công ty xe hơi Ford một ngày sau khi Kennedy đắc cử.

Tuy hơn Kennedy một tuổi, khi được Tổng thống đắc cử đề nghị chức Bộ trưởng Quốc phòng, McNamara đã kêu lên: “Thưa Tổng thống, đó là điều vô lý, tôi không đủ khả năng” (Mr. President, it’s absurd, I’m not qualified). Nhưng Kennedy đã trả lời: “Này, Bob, tôi cũng không nghĩ rằng có trường nào dạy làm tổng thống” (Look, Bob, I don’t think there’s any school for presidents, either). Sau này, McNamara nửa đùa nửa thật kể lại rằng, khi tới Washington, ông chỉ có thể phân biệt được một đầu đạn nguyên tử với chiếc xe gia đình.

Có lẽ McNamara là người biết mình hơn ai hết. Kết quả là nước Mỹ đã có một Bộ trưởng Quốc phòng sợ chiến tranh.

Khi vận động tranh cử, John Kennedy đã lớn tiếng nói rằng có một khoảng cách về võ khí chiến lược giữa Hoa Kỳ và Liên Xô, và chỉ trích Tổng thống Eisenhower về vấn đề này. Do đó, nhiệm vụ đầu tiên của tân Bộ trưởng Quốc phòng là tìm hiểu sự thật, và đề nghị biện pháp để lấp khoảng cách. Chỉ trong ba tuần, McNamara kết luận có khoảng cách thật, nhưng phía mạnh là Mỹ, không phải Liên Xô.

Nhiệm vụ thứ nhì là vụ yểm trợ người Cuba lưu vong đổ bộ tại Vịnh Con Heo (Bay of Pigs) để giải phóng Cuba. Vì nội vụ đã được CIA chuẩn bị từ thời chính quyền Eisenhower, McNamara tuy có thắc mắc, cũng đồng ý cho tiến hành.

Sau vụ thảm bại tại Vịnh Con Heo, Kennedy yêu cầu McNamara thảo kế hoạch lật đổ chính quyền Cuba bằng lực lượng quân sự Hoa Kỳ. Chỉ trong mười ngày, McNamara đề nghị kế hoạch tấn công gồm 60.000 quân, chưa kể hải và không quân. Nhưng McNamara đe dọa: Chính quyền không bao giờ nên khởi sự, trừ khi có thể hoàn tất, hoặc sẵn sàng chịu hậu quả nếu thất bại. Kế hoạch đã không được thi hành.

Đầu tháng 11, 1961, Tổng thống Kennedy đã cho thi hành một kế hoạch mới, gọi là “Chiến dịch Mongoose” để phá chính quyền Castro. McNamara được chỉ định giúp Bộ trưởng Tư pháp Robert Kennedy tìm cách thực hiện kế hoạch bằng các biện pháp như “quấy rối đảo quốc bằng gián điệp, phá hoại, tổng xáo trộn”. Chiến dịch này cũng không có kết quả.

Năm 1962, Phủ Tổng thống và Bộ Quốc phòng lại thảo chiến lược mới chống nổi dậy, để đối phó với điều McNamara gọi là chiến thuật “khủng bố, tống tiền, và ám sát” của du kích quân cộng sản. Kế hoạch này đã tạo ra những lực lượng đặc biệt như Mũ Xanh (Green Berets) và các chiến dịch bán quân sự bí mật hoạt động tại Đông Nam Á, và Nam Mỹ. Kết quả, sự thành công của lực lượng Mũ Xanh chỉ thấy rõ trong phim ảnh do John Wayne đóng.

Trong vụ căng thẳng về hỏa tiễn tại Cuba giữa Mỹ và Liên Xô, ngày 27 tháng 10, 1962, Bộ Tham mưu Liên quân Mỹ đề nghị đổ bộ vào Cuba trong vòng 36 giờ. McNamara cho rằng khi Mỹ tấn công toàn diện Cuba, thì Liên Xô cũng tấn công các giàn hỏa tiễn Mỹ tại Turky. Rồi Mỹ lại phải tấn công các tầu Liên Xô hoặc căn cứ tại Hắc Hải. Đại chiến có thể bùng nổ. Ông nghĩ như thế là nguy hiểm. Ông đề nghị có thể tránh điều này bằng cách gỡ bỏ hỏa tiễn tại Turky trước khi tấn công Cuba. Đây là ý tưởng khá lạ. Người ta thường bố trí thêm võ khí nhằm vào đối phương trước khi tấn công, nhưng Bộ trưởng Quốc phòng sợ chiến tranh đã chủ trương ngược lại.

Điều đặc biệt là thái độ sợ chiến tranh của McNamara đã tránh được chiến tranh. Kennedy đã dùng ý kiến của McNamara, đề nghị với Khrushchev là Mỹ sẽ gỡ các giàn hỏa tiễn có đầu đạn nguyên tử hướng vào Liên Xô đặt tại Turky, nếu Liên Xô chịu bốc các hỏa tiễn tại Cuba mang về. Khrushchev đồng ý. Thế là, do không biết được các thương lượng trong bí mật, dân Mỹ coi Kennedy như anh hùng đã thắng Khrushchev. Dân Liên Xô coi Khrushchev là anh hùng đã thắng Kennedy.

Là Bộ trưởng Quốc phòng của cường quốc số một về võ khí nguyên tử, khi về hưu, McNamara cho rằng “Võ khí nguyên tử chẳng ích gì cho các mục tiêu quân sự. Chúng hoàn toàn vô dụng - chỉ trừ khi làm cho đối phương sợ mà không dám dùng đến”.

*

Sau chuyến đi quan sát tình hình Việt Nam lần đầu vào tháng Tư 1962, McNamara tuyên bố cuộc chiến Việt Nam có thể giải quyết thắng lợi từ ba tới bốn năm. McNamara không đứng về phe chủ trương đảo chánh loại bỏ Tổng thống Ngô Đình Diệm; ông đồng ý cần áp lực ông Diệm để loại bỏ vai trò của ông bà Ngô Đình Nhu. Ông hối tiếc là Hoa Kỳ đã không cứu xét đề nghị trung lập toàn cõi Đông Dương theo đề nghị của Tướng Charles de Gaulle. Sau chuyến đi Việt Nam quan sát tình hình vào đầu tháng 10, 1963 cùng với Tướng Taylor, McNamara đã đề nghị, và được Kennedy chấp thuận, Hoa Kỳ sẽ rút khỏi Việt Nam 1.000 quân vào cuối năm 1963. Theo McNamara, vụ Tổng thống Diệm bị giết đã làm Tổng thống Kennedy bàng hoàng, nhưng điều kinh khủng hơn là khoảng trống để lại sau cuộc đảo chính.

Sau khi Tổng thống Kennedy bị ám sát vào 22 tháng 11, 1963, tân Tổng thống Lyndon Johnson hoàn toàn trông cậy vào Bộ trưởng Quốc phòng McNamara về vấn đề Việt Nam. Johnson đã ngỏ ý mời McNamara đứng chung liên danh tranh cử vào năm 1964, nhưng McNamara từ chối. Ông nói không nên bắt đầu cuộc đời dân cử bằng cách tranh cử chức Phó Tổng thống.

Đầu tháng Tám 1964 xẩy ra biến cố còn tranh cãi đến ngày nay, đó là vụ Bắc Việt tấn công tầu Maddox, khiến Quốc hội ra nghị quyết cho Tổng thống được quyền sử dụng biện pháp quân sự đối phó với tình thế khi cần thiết, mở đầu cho Tổng thống Johnson đưa quân Mỹ vào tham chiến ở Việt Nam. Theo quan điểm của McNamara, vụ tấn công tầu Maddox lần thứ nhất vào ngày 2 tháng 8 có bằng chứng rõ ràng đã xẩy ra; vụ thứ hai xẩy ra vào ngày 4 tháng 8 thì không chắc, có thể có sai lầm trong việc nhận tín hiệu báo động.

Năm 1965, Tổng thống Johnson đã quyết định gia tăng chiến tranh tại Việt Nam. Ngoài việc đem hàng chục ngàn, rồi hàng trăm ngàn binh sĩ chiến đấu vào Nam Việt Nam, chiến dịch oanh tạc Sấm Động (Rolling Thunder) đã phát xuất 55.000 phi vụ, thả 33.000 tấn bom xuống Bắc Việt, với 171 phi cơ bị hạ. Năm sau, số phi vụ tăng lên 148.000, với 128.000 tấn bom, và 318 phi cơ bị hạ. Gặp riêng các ký giả ở Honolulu vào tháng Hai 1966, McNamara có vẻ chán nản, cho biết: “Không lượng bom nào có thể chấm dứt được chiến tranh”.

Cho đến 1966, McNamara đã có kế hoạch thiết lập chiến lũy điện tử dọc theo vùng phi quân sự, được gọi là “Đường ranh McNamara” (McNamara Line), nhưng quân Bắc Việt xâm nhập qua ngả Lào và Cao Miên, khiến đường ranh này vô dụng.

Vào thời chiến tranh cao độ, điều khá đặc biệt là, trong khi Bộ trưởng Ngoai giao Dean Rush chủ trương phải chiến thắng bằng quân sự, Bộ trưởng Quốc phòng McNamara lại chủ trương nên rút lui, hay giải quyết cuộc chiến bằng thương thuyết.

Ngày 19 tháng 6, 1966, McNamara gọi điện thoại cho Tổng thống Johnson: “Càng ngày tôi càng tin rằng chắc chắn chúng ta phải có kế hoạch chấm dứt dội bom Bắc Việt”. Và “Tôi không nghĩ là chúng ta cứ mãi nhìn về tương lai và nói sẽ tăng quân thêm nữa, thêm nữa và thêm nữa - sáu trăm ngàn, bảy trăm ngàn…”

Trong khoảng thời gian từ cuối 1966 sang 1967, McNamara đã phải đối diện với nhiều áp lực phản chiến. Một buổi chiều tới nói chuyện tại lớp của Kissinger ở Đại học Harvard, McNamara đã bị sinh viên biểu tình bao vây, chửi bới, phải bỏ chạy thoát thân. Một lần khác, đi leo núi với gia đình ở Seattle, bị một phụ nữ tới nhổ nước miếng vào mặt, mắng là kẻ có bàn tay vấy máu con nít. Ngay những người rất gần gũi thân thiết, như cựu Đệ nhất Phu nhân Jackie Kennedy cũng một lần nổi giận, đấm ngực McNamara, đòi phải sớm chấm dứt chuyện chém giết ở Việt Nam.

Ngày 19 tháng 5, 1967, McNamara viết cho Tổng thống Johnson một thư dài phân tích tình hình: “Chiến tranh Việt Nam thất nhân tâm, và nó càng thất nhân tâm khi gia tăng… Hầu hết dân Mỹ cho rằng chúng ta không nên can dự sâu đậm như thế này. Tất cả đều muốn chiến tranh chấm dứt và mong đợi Tổng thống chấm dứt nó. Bất kể thắng hay không”.

Bộ trưởng Quốc phòng mà chán ghét chiến tranh, ông Johnson chịu hết nổi, ông cho rằng McNamara đã âm mưu để ủng hộ con bồ câu Robert Kennedy trong cuộc bầu cử năm 1968. Ông ngấm ngầm dàn xếp, và tuyên bố vào ngày 29 tháng 11, 1967: McNamara sẽ rời Bộ Quốc phòng để làm Chủ tịch Ngân hàng Thế giới (World Bank). McNamara ra đi hai tháng sau, 29 tháng Hai, 1968, không biết mình đã từ chức hay bị sa thải.

Khi đã hoàn toàn thất vọng về cuộc chiến, vào tháng Sáu 1967, McNamara đã quyết định thành lập một nhóm sưu tầm và ghi lại tất cả những tài liệu Bộ Quốc phòng có thể có được về Việt Nam từ 1954 đến 1967. Kết quả là chồng tài liệu dầy 7.000 trang, một nửa là văn kiện gốc, một nửa được viết lại, và năm 1971 được viết lại lần nữa khi đăng trên các báo The New York Times, và The Washington Post, được gọi là “Tài liệu mật Bộ Quốc phòng” (The Pentagon Papers).

McNamara đã cho rằng Hoa Kỳ không thể thắng cuộc chiến Việt Nam, vì: “Không hiểu đối phương, không biết giới hạn của võ khí kỹ thuật cao (high-tech weapons), không nói thật với dân chúng, và không nắm vững thực trạng mối đe dọa của cộng sản”. Có lẽ McNamara không biết rằng chính vì không nói thật với dân chúng mà cộng sản thắng trận.

McNamara không tin vào thuyết domino được nói nhiều từ thời Eisenhower. Ông nói: “Tôi chắc là chúng ta đã phóng đại sự đe dọa. Bây giờ tôi nghi ngờ rằng nếu chúng ta không can thiệp thì những con bài domino đã đổ; tôi ngờ rằng cả Á châu đều nằm dưới sự kiểm soát của cộng sản”. Có lẽ ông McNamara đã không nghĩ tới trường hợp: nếu cộng sản Việt Nam không bị ngăn chặn trong 21 năm, nếu họ chiếm cả nước từ năm 54 hay 55, liệu Á châu có như ngày nay không?

Theo McNamara: “Chiến tranh quá nhiêu khê, nó vượt ra ngoài khả năng của trí óc con người để hiểu. Sự phán xét của chúng ta, sự hiểu biết của chúng ta không đầy đủ. Và chúng ta giết người không cần thiết”.

Một Bộ trưởng Quốc phòng phát biểu như thế. Thật vô lý! “It’s absurd!”. Đó chính là lời McNamara tự nói về mình khi được chọn làm Bộ trưởng Quốc phòng.

Đinh Từ Thức

No comments:

Thời Sự "Nóng"





------------------------------------------

---------------------------------------------------------
Vân Anh -Ngày 1 tháng 10 Hà Nội Chính Thức Bán Nước Cho Bắc Kinh
----------------------------------------