Nhà Báo Việt Thường

Nhà Báo Việt Thường

Tìm kiếm bài Blog than huu cua Nha Bao Việt Thường xin gõ chữ vào đây

Friday, July 17, 2009

VGCS-Chuyện tù cải tạo

Chuyện tù cải tạo

Hình ảnh

Sau khi Cộng-Sản chiếm miền Nam, thành-phần chế-độ cũ và Sĩ-Quan VNCH được tập-trung tại nhiều nơi. Tháng 10 năm 1975 sau bài học chính-trị cuối cùng của giai-đoạn 1 xong thì mỗi người tù phải tự viết bài "Thu-Hoạch". Tự khai ra hết tội lỗi của mình, cũng từ đó bọn Cán-Bộ Chính-Trị phân-loại và biên-chế dồn trại để chuẩn-bị cho kế-hoạch lớn sắp tới. Đầu năm 1976 một mặt thì khuyến-dụ học-tập tốt để mau về, một mặt thì Chính-Phủ VC Huỳnh-Tấn-Phát đưa ra chính-sách " khoan-hồng " 3 năm làm mốc. Cứ ở tù hết 3 năm này thì đến 3 năm khác.

Trong thời-gian cùng ở tù tại trại Vĩnh-Phú Vĩnh-Quang B miền Bắc từ năm 1978 đến năm 1982 thì chuyển trại.Tôi có nhận xét về Tr/Tá Hùng như sau: ông là một đàn anh mẫu-mực, trầm-lặng, rất đáng được kính-trọng. Khi trại biên-chế từng đội, mỗi đội 30 người, một nhà 2 đội nhốt chung là 60 người. Trại có 8 nhà như vậy có tổng-cộng khoảng gần 500 tù chính-trị. Còn tù hình-sự cách 1 hàng rào kẽm gai có khoảng 200. Ông được xếp vào đội rau xanh. Sáng gánh phân ra, chiều gánh rau về ( phân là loại phân tươi của tù thải ra từ ngày hôm trước ). Đội rau xanh, ngoại trừ đội-trưởng,còn lại ai cũng phải luân-phiên gánh phân ra khu canh-tác, phân phải ủ vài tuần lễ. Xong phải quậy nát và trộn với nước để tưới rau muống và rau Tiểu-Bạch-Khẩu. Rau Tiểu-Bạch-Khẩu là một loại rau gốc từ Trung-Cộng, mùa đông chịu được khí lạnh, miền nam không thấy có loại rau này. Nhìn thấy đội rau xanh sắp hàng quang-gánh trên vai chuẩn-bị ra cổng trại, mà trong hàng đó toàn là Thiếu-Tá, Trung-Tá, chức-vụ Tiểu-Đoàn-Trưởng, Trung-Đoàn-Trưởng, Chỉ-Huy-Trưởng, Hạm-Trưởng, Tham-Mưu-Trưởng, Trưởng-Phòng, Quận-Trưởng, v.v . Nhìn ông thầy mà thấy thương cho đàn anh. Mới ngày nào thầy là 1 Trung-Tá Hạm-Trưởng chỉ-huy một Soái-Hạm của Lực-Lượng HQVNCH, cuộc đời thật khó nói giữa Thiên-Đường và Địa-Ngục chỉ cách nhau có một Window, như trở bàn tay. Ông từng là giáo-sư của trường Sĩ-Quan Hải-Quân Nhatrang, ông đã dạy chúng tôi về môn Điện-Kỹ-Nghệ năm thứ 1 và môn Hàng-Hải Thiên-Văn năm thứ 2. Tôi thì cũng không khá gì hơn, được sắp xếp vào đội cưa xẻ gỗ suốt 6 năm ( kể luôn 2 năm làm thợ-xẻ tại núi rừng Yên-Bái Hoàng-Liên-Sơn ),mà thức ăn chỉ là Sắn tươi, Sắn khô, Bo Bo, lâu lâu mới có chén cơm ăn với muối hột. Đội tôi cũng 30 người, vừa cưa xẻ gỗ vừa đảm-trách hàng tuần gánh gạo, muối cho nhà tù từ phân-trại A về phân-trại B. Hai trại cách nhau hơn 3 cây số, phải qua 2 con suối, cũng còn đảm-trách các công việc khuân-vác đột-xuất, vật-liệu linh-tinh. Có lần chúng tôi gánh quà cho trại tù, đây là quà của thân-nhân gia-đình từ trong Nam gởi ra. Có đợt quà từ lúc gởi cho đến lúc nhận là 3 tháng, vì đường đi gián-đoạn do bão lụt. Khi đó chỉ có các món mặn như mắm ruốt, hay mực muối là không bị mốc xanh. Tuy nhiên tù vẫn ăn hết. Đợt này thầy Hùng có 1 gói 5 ký, tôi cũng có 1 gói. Trước khi được lãnh ai cũng phải qua 1 cuộc khám quà rất kỹ. Cai-tù mở tung gói qùa, rạch nát các gói bao bì đựng quà, xem có món nào cấm thì tịch-thu tại chỗ. Đến lượt thầy Hùng sau khi khám xong, thầy ngồi tại chổ ăn liền một cục đường thẻ. Vì từ lâu nay trong người quá thiếu chất ngọt mà phải lao-động nặng nhọc. Chất mặn thì có muối nhà bếp hằng ngày. Còn chất béo thì vài tuần lễ có chừng 2 kílô thịt mỡ bằm nhỏ bỏ vào chảo nước lớn nấu chia cho 500 người. Nói đến chất đạm thì lại càng khan-hiếm, mỗi năm Việt-Cộng có 3 ngày lễ lớn đó là: ngày Tết Âm-Lịch, ngày quốc-khánh VC mùng 2 tháng 9 và ngày thành-lập Quân-Đội nhân-dân 22 tháng 12 dương-lịch. Tù được bồi-dưỡng chất-đạm bằng 1 con trâu phế-canh cho toàn trại 500 người. Con trâu làm thịt cho tù ăn kể cả da trâu cũng hầm nhừ chia đều cho mỗi người. Ngoài những ngày đó ra, nếu tù muốn bồi-dưỡng phải tự kiếm cào-cào, châu-chấu, rắn rết, cuốn chiếu, cóc, nhái, ểnh-ương, mèo, chuột, con nào tới số gặp đám tù đói là coi như tuyệt-chủng. Cũng nhờ các thứ đó mà thời-gian lây-lất chờ cho đến ngày có tin quà đến trại. Còn thuốc men thì chẳng có gì, mọi thứ đều xin gia-đình gởi cho. Khi hay tin quà sẽ được chuyển về trại là coi như đêm đó có nhiều người mất ngủ, vì vừa mừng vừa lo không có tên. Lo lắng nhất là những anh bị vợ bỏ, niềm hy-vọng rất mong manh vì trở thành kẻ mồ côi. Tuy nhiên có những anh nhiều vợ cũng lo không kém, thư từ nhắn gởi thì nhiều nhưng kết-quả thì rất hạn hẹp. Đó là chưa kể xảy ra những tai-họa bất ngờ do các bà đến thăm-nuôi tình cờ gặp nhau ngoài trại tù rồi đánh lộn nhau. Đương nhiên khi xảy ra như vậy thì cai-tù không cho thăm mà phần thiệt-hại thuộc về đương-sự cũng đành chịu thôi. Để tránh tình trạng tương-tự, khi vợ đến thăm tù phải mang theo giấy hôn-thú.

Có 2 trường-hợp khi đám tù được chuyển-trại về Nam năm 1982, thì có 2 người bỏ chồng theo tù về Nam. Người thứ nhất là nữ công-an coi trại tù Vĩnh-Phú Vĩnh-Quang A, cô ta có chồng là 1 công-an coi cùng trại tù. Còn người tù là 1 cấp tá, anh ta có nghề tay trái là một thợ may ( Tailor ), anh ta thuộc trại B như chúng tôi nhưng được trại A xin qua làm việc cho gian hàng may cắt. Cai tù trông coi gian hàng này là 1 nữ cán-bộ như tôi đã đề cập ở trên. Làm việc tại nhà may này được 2 năm thì trại có lệnh di-chuyển về Nam. Không biết anh ta may ngày, may đêm, may máy, may tay làm sao mà sau ngày chuyển trại, cô ta cũng xin ly-dị chồng vào nam sống tại nhà người thân của anh ta. Người tù thứ 2 cũng là một cấp tá, anh này được đẻ bọc điều, có vợ và con sau 30.04.75 định-cư bên Mỹ. Thường xuyên gởỉ quà và tiền bạc về cho thân-nhân thăm-nuôi dùm. Anh ta có điều-kiện lo lót, nên cai-tù phân trại A cho anh ta 1 " Job " chăn một đàn trâu của trại vừa lớn vừa bé khoảng chục con. Suốt ngày anh ta cứ tà tà khoẻ re, được tự-do ngồi trên lưng trâu, vuốt đuôi trâu, rờ sừng trâu, ngồi gốc cây này tới gốc cây khác. Khi no cơm ấm cật thì tình-duyên lại đến với anh ta, chỗ mà anh ta thường ngồi là 1 lối đi, một cô giáo làng cũng đã có chồng thường hay qua lại khi tan trường về. Có 1 ngày anh ta thủ sẳn một chai dầu thơm " Made in USA " trao tặng cô giáo làm quà, dĩ nhiên ngày lại ngày còn có thứ khác nữa. Khi chuyển trại thì cũng như trường hợp trên.

Trong trại tù việc lao-động khổ-sai là thường tình, là vinh-dự của mỗi chiến-sĩ phải trả nợ cho quê-hương Tổ-Quốc khi bị lọt vào tay địch. Đó chỉ nói sơ sơ về sự khổ-nhục và cái đói của các đồng-nghiệp lỡ sa chân vào tay chế-độ man-rợ. Tuy nhiên tinh-thần thầy Hùng vẫn bình-thản, trầm-lặng, ít nghe ông nói gì, mà cũng chẳng hề than vãn hoặc xin xỏ ai cái gì.

Có lần đội xẻ gỗ của tôi đi ngang qua đội rau xanh của ông, thì thấy 1 đội tù hình-sự đi phía trước, chúng toàn là lớp trẻ, có lẽ trước đây chúng cũng là cháu ngoan của "bác". Chúng thấy đám rau muống tươi tốt vừa được tưới phân, chúng tranh nhau hái các đọt non dọc theo đường đi, rảy rảy mấy cái rồi bỏ vào miệng ăn ngon lành. Chiều thì đội rau thu-hoạch đem về trại, cân tính tiền vào sổ chi-phí nuôi tù, rồi giao cho nhà bếp. Anh nuôi nhà bếp xúm lại lặt xong rửa sơ sơ bỏ vào chảo luộc, luộc xong thì vớt rau ra để riêng, nước múc riêng, tất cả chia đều ra từng thau rồi gọi các Trực-Buồng đến lãnh cơm chiều chung cho đội. Lãnh xong về Trực-Buồng chia cho từng cá nhân. Mỗi người cuối cùng được lưng chừng chén nước rau, một dúm rau luộc nhừ. Khi ăn thì trời cũng gần tối, thỉnh thoãng có người gắp ra mảnh vãi màu sẫm sẫm như rau. Gắp vãi bỏ đi tiếp tục ăn và uống. Chuyện này xảy ra trong 1 trại tù cũng thường tình thôi, bởi vì khi đi đại-tiện tù không còn giấy thì xé quần áo cũ rách thay thế. Ăn uống thiếu vệ-sinh cho nên căn bệnh giết chết tù nhiều nhất là " kiết-lỵ ". Lây lan rất nhanh do ruồi. Khi tôi còn ở trại tù Yên-Bái, thời kỳ này mới được chuyển ra Bắc, chưa quen lối sống mới. Toàn trại có 300 tù, mà số bị bệnh kiết-lỵ trên 200, trong đó có 3 người chết vì thiếu thuốc men, sống trong rừng không có bệnh-viện chữa trị.

Cán-Bộ chính-trị luôn ca ngợi chế-độ, đảng là sáng suốt: Lịch-sử loài người từ thời-kỳ sơ-khai, thời-kỳ đồ-đá, đến thời-kỳ nông-nô, rồi thời-kỳ cơ-khí, qua đến tư-bản, giờ đây là chế-độ xã-hội chủ-nghiã, sau này tiến tới thế-giới " Đại-Đồng ". Khi đó thì mọi người sẽ " làm theo năng-lực hưởng theo nhu-cầu". Đó là sự tiến-hoá tất-yếu của con người Xã-Hội Chủ-Nghĩa,là tiến-bộ là văn-minh. Mọi vật đều tiến-hoá như " hình xoắn trôn-ốc đi lên ". Đảng đã dạy rằng các nhà nghiên-cứu cho biết con người là do một loài " Vượn " biến-hoá thành, trong quá-trình phải mất trên mấy triệu năm mới có con người hoàn-chỉnh như ngày nay !!!

Tuy nhiên ! nếu chúng ta lỡ sa chân vào chế-độ " Ưu-Việt " này thì từ con người biến trở lại thành Vượn theo một tiến-trình quá nhanh, đó là con đường bao-tử xã-hội chủ-nghiã, không phải 3 năm mà là chừng 3 tháng. Có khi nhanh hơn nếu chịu khó chấp nhận mọi thử-thách để biến thành đất. Đã có không ít tù-nhân hồ-hởi phấn-khởi để chọn giải-pháp này rồi !

Còn một người nữa cũng xứng-đáng được vinh-danh là HQ Tr/Tá Hà-Hiếu- Diệp ( Khoá 10 SQHQ/NT ). Anh Diệp nguyên là Chỉ-Huy-Trưởng Ty Quân-Cảng Saigòn. Ngày 30.04.75, anh đã từng giúp cho nhiều vị xử-dụng tầu dòng của Ty Quân-Cảng ra tầu lớn để đi. Anh cùng ở tù chung chỗ của chúng tôi. Anh là một người chống-cộng nổi nét hơn tất cả. Từ việc làm cho đến lời nói. Anh bị bọn cai- tù trù-dập, anh sẵn sàng chấp-nhận mọi hậu-quả. Bọn cai-tù biết thế nhưng chưa tìm được cơ-hội gì để nhốt anh. Có 1 ngày trong khi chúng tôi xẻ gỗ tại trại mộc Vĩnh-Phú Vĩnh-Quang B. Anh là 1 người của lò-rèn thuộc đội mộc. Sau giờ lao- động là 5 giờ chiều, anh lấy mấy miếng gỗ phế-thải bó lại thành 1 bó bằng bắp chân. Xong đút vào lỗ hàng rào của trại để sau khi ra suối tắm xong thì vào lấy. Chỉ có vậy thôi, đối với người khác thì đâu có sao, nhưng đối với anh Diệp thì từ lâu nhất cử nhất động. Bọn cai-tù để ý và làm to chuyện. Hắn báo-động làm rần lên, cho rằng anh Diệp vi-phạm nội-quy trại. Đem anh Diệp nhốt vào phòng biệt- giam 1 tháng. Khi mãn hạn ra khỏi nhà đá nhìn thấy anh gầy nhom và xanh xao. Tuy nhiên tinh-thần anh vẫn cương-quyết không khuất-phục chế-độ.

Hết

NHỮNG CON SỐ LỊCH SỬ

Giao Chỉ-San José

Sau ngày 30 tháng 4 năm 1975, tất cả quân cán chính Việt Nam Cộng Hòa đều trở thành đối tượng của “chế độ lao động cải tạo”, một chính sách do CSVN du nhập từ CSTQ và được tôi luyện từ miền Tây Bá Lợi Á của thiên đường Sô viết. Tài liệu của Viện Bảo Tàng Việt Nam tại San Jose ghi nhận số lượng tù cải tạo như sau: – Năm 1975 QLVNCH có 980.000 quân nhân gồm 1/10 cấp Tá và cấp Tướng tổng cộng 9.600, cấp úy là 80.000, còn lại là hạ sỹ quan và binh sĩ .

Binh sĩ VNCH bị bắt đi cải tạo sau ngày 30 tháng 4, 1975.AFP/Getty Images

– Cấp Tướng tại ngũ đến 30 tháng 4 năm 75 là 112; bị tù cải tạo: 32 vị, 80 tướng lãnh di tản và 1 số nhỏ không bị bắt giam. – Ðại tá có 600, bị tù 366. – Trung tá có 2.500, bị tù 1.700. – Thiếu tá có 6.500, bị tù 5.500. – Cấp úy có 80.000, bị tù 72.000. Trong số này bao gồm cả nữ quân nhân cũng như thành viên đảng phái và các cấp chính quyền. Ðây là con số ghi nhận được từ phía Hoa Kỳ và Việt Nam Cộng Hòa, không có tài liệu của các trại giam phía cộng sản để đối chiếu; và không có con số chính xác tù cải tạo bị chết trong khi giam cầm. Ghi chú: Tất cả danh từ “cải tạo” thực sự đều là tù chính trị.

NHỮNG NGƯỜI TÙ KHÔNG ÁN
Không kể thành phần bị bắt trước 1975 nhưng không được trao trả tù binh sau 1973, thì thời gian tù “cải tạo” kéo dài từ 1 năm đến 17 năm. Từ 1975 đến 1992.
Năm 1988 gần như là năm cuối cùng, hầu hết tù được trả tự do.
Suốt 4 năm tiếp theo chỉ còn lại 120 tù bị giam tại Z30D gọi là Trại Thủ Ðức tại Hàm tân. Trong số này có 9 vị tướng lãnh. Ðại tá Phạm Duy Khang khóa 6 Võ bị, làm thư ký Trại còn nhớ tên từng người. 4 Thiếu tướng : Lê Minh Ðảo, Ðỗ kế Giai, Trần Bá Di, Nguyễn Ngọc Sang, và 5 Chuẩn Tướng: Lê Văn Thân, Hoàng Lạc, Mạch Văn Trường, Trần Quang Khôi, Phạm Duy Tất.
Cấp Ðại tá có 22 người, 20 thiếu tá và các thành viên cảnh sát, đảng phái
Thiếu tướng Ðỗ Kế Giai tả lại quang cảnh khi tất cả mọi người được thả hết chỉ còn mấy ông Tướng. Trại Hàm Tân hoàn toàn vắng lặng. Cộng sản cho xe chở 5 ông tướng về chuyến cuối cùng. Vì đường đi thuận tiện, xe về Saigon đến nhà các vị Tướng khác hết 1 vòng, Thiếu Tướng Ðỗ Kế Giai là người về sau cùng. Ông bước xuống xe, tâm trạng thực băn khoăn khó tả. Tù vừa tròn 17 năm. Những ông tướng khác về trước ông chừng nửa giờ nên tướng Giai là người sau cùng, theo ý nghĩa tiêu biểu của lịch sử .
Hỏi chuyện ngục tù, ông Giai nhắc lại câu danh ngôn của người xưa: “ Bại binh chi tướng, bất khả ngôn dũng “ (Tướng quân thua trận, không thể nói mạnh)
Lại hỏi rằng, suốt thời kỳ 17 năm có thấy cộng sản hay thế giới tự do vào quay phim hay chụp hình để bây giờ có thể đi tìm dấu tích của những năm dài “cải tạo”; vị chỉ huy trưởng binh chủng Biệt động quân cho biết, dường như chẳng thấy gì.

NHỮNG NĂM THÁNG KHÔNG QUÊN
1975: Hàng trăm ngàn quân cán chính Việt Nam Cộng Hòa bị cộng sản tập trung “cải tạo”.
1980: Sau 5 năm tranh đấu, dư luận Mỹ và thế giới áp lực Hà Nội phải thả tù.
1982: Tại Pháp, Phạm văn Ðồng, Thủ tướng Hà Nội thách thức sẽ trả tự do nếu Mỹ nhận hết tù cải tạo.
1982: Ngoại trưỡng Mỹ điều trần tại Quốc hội cho biết sẽ nhận 10.000 tù chính trị Việt Nam và gia đình.
1985: Lần đầu tiên , cơ quan IRCC,Inc. tại San Jose nhận được 1 video tape do phóng viên tự do Hoa Kỳ quay tại Việt Nam. Trong đó có ba đoạn hết sức đặc biệt:
1) Phi công Việt Nam Cộng Hòa, vừa được tự do.
2) Vợ con tù thăm nuôi tại Hàm tân;
3) Ban văn nghệ của Trại Hàm Tân;
4) Phỏng vấn 1 người tù cụt chân cấp Thiếu tá.
1985: Hoa Kỳ và Việt Nam gặp nhau tại New York bàn về việc thả tù cải tạo.
1987: Lần đầu tiên nhà báo Thụy Ðiển được vào làm phóng sự tại Trại Nam Hà, tiếp theo Hà Nội bắt đầu chuyển thêm tù cải tạo vào Nam và trả tự do từng đợt .
Tháng 7 năm 1988: Phái đoàn Funseth đi Hà nội họp về việc nhận tù cải tạo.
Tháng 8 năm 1988: Hà Nội đơn phương loan báo đình chỉ việc thảo luận.
Tháng 1 năm 1989: Lần đầu tiên Hồng thập tự Hoa Kỳ được phép gửi quà cho tù “cải tạo”.
Một chiến dịch gửi quà được phát động tại hải ngoại.
Tháng 4 năm1989 : Phái đoàn Quốc hội Cali về Việt Nam thảo luận về đề tài xã hội và tù “cải tạo”. Có các thành phần tỵ nạn Việt Nam cùng đi. Ðại diện IRCC trách nhiệm tiểu ban tù chính trị. Phái đoàn yêu cầu trả tự do cho Võ Ðại Tôn. Phỏng vấn thu thanh Phan Nhật Nam vừa được tự do tại Saigon.
Tháng 6 tháng 1989: Thượng viện Mỹ tuyên bố yêu cầu Hà Nội trả tự do cho tù “cải tạo” và Hoa Kỳ sẽ đón nhận.
Tháng 7 năm 1989: Phái đoàn Hoa kỳ về Việt Nam ký thỏa ước nhận định cư tù “cải tạo”
Tháng 8 tháng 1989: Báo San Jose Mercury News gửi phóng viên về Saigon làm một loạt bài phỏng vấn “tù cải tạo” sắp ra đi có gia đình chờ đợi tại San Jose.
Tháng 1 tháng 1990: 15 gia đình H.01 đi chuyến đầu tiên đến phi trường San Francisco, có 4 gia đình về Bắc Cali. 11 gia đình chuyển tiếp đến các tiểu bang khác và Quận Cam Tháng 8 năm1993: Ðại tá Phạm Duy Khang, sau 17 năm tù đã trở về đợt sau cùng với 120 người . Ông đến San Jose và dự lễ thượng kỳ ngày 8/8/1993.
Sau đó các đợt HO bổ túc và chương trình đoàn tụ gia đình HO lần lượt tiếp diễn suốt 15 năm từ 1994 đến 2009. Cho đến tháng 4 năm 2009 vẫn còn gia đình thuộc diện “tù cải tạo” đến Hoa Kỳ.



No comments:

Thời Sự "Nóng"





------------------------------------------

---------------------------------------------------------
Vân Anh -Ngày 1 tháng 10 Hà Nội Chính Thức Bán Nước Cho Bắc Kinh
----------------------------------------