Nhà Báo Việt Thường

Nhà Báo Việt Thường

Tìm kiếm bài Blog than huu cua Nha Bao Việt Thường xin gõ chữ vào đây

Saturday, December 24, 2011

DLHTN -Ý kiến về lời chống chế của GM Nguyễn Văn Khảm






Đức Cha NGUYỄN VĂN KHẢM

Bác sĩ Nguyễn Tiến Cảnh
Hôm nay tôi nhận được Email Gm Khảm trả lời cuộc phỏng vấn do một người tôi không quen biết gửi tới hộp thư của tôi với lời thách thức trả lời.
Bình thường, nếu không có lời thách thức, thì tôi cũng trả lời Gm Khảm thôi, bởi vì tôi vẫn không cảm thấy thoải mái sau khi đọc những trả lời của Gm liên quan đền bài giảng của ngài về ngày Cách Chung.
Bài phỏng vấn do phóng viên của WGPSG thực hiện.Thú thực tôi cũng không biết WGPSG là cơ quan nào và ở đâu, có lẽ ở Saigon (SG)?. Nhưng cái thắc mắc nhất là tên người phỏng vấn lại viết tắt là PV, cho nên coi như là dấu tên hoặc vô danh. Dấu tên hay vô danh trong cuộc phỏng vấn thì là một hiện tượng kỳ lạ trong ngành truyền thông báo chí Công giáo văn minh hiện đại, người ta có thê coi cuộc phỏng vấn này là độc thoại. Tự mình đặt câu hỏi, tự mình trả lời.
1/ Câu trả lời 1 và 2, Gm Khảm nói rằng ngày lễ Kito Vua 20-11-11 ngài không giảng bài đó. Bài được post lên Web của TGP Saigon là bài từ năm 1999, cũng ở nhà thờ chính toà. Điều thắc mắc của chúng tôi là trên Web TGP Saigon, chỗ có audio bài giảng của ngài là ảnh tượng Chúa Kito vua, trên đó có ghi: Baì giảng của ĐGM Nguyễn văn Khảm. Nếu bài giảng này từ năm 1999 thì lúc đó ngài vẫn còn là linh mục, chưa là giám mục. Ngài lai nói ngài không biết ai đã post bài đó lên mạng. Khi ngài bị chỉ trích thì ngài phải thắc mắc và coi trên mạng xem thế nào để sửa đổi cho đúng chứ. Cho đến giờ này, bài đó vẫn nằm yên, không có gì thay đổi.Nhiếu người đàng hoàng ở Saigon cho biết chính ngài là người coi sóc cái mạng này của TGP Saigon về phần nội dung. Vậy mà ngài không biết người nào và tại sao lại post bài của cha giảng từ năm 1999 lên mạng như vậy thì có vẻ kỳ lạ vô cùng. Trả lời câu hỏi này của Gm Khảm lại gây thêm nhiều nghi vấn, thắc mắc cho người đọc. Đưa bài lên mạng như vậy có mục đích gì? Gm khảm có bổn phận tìm hiểu và sửa đổi nếu cần. Không sửa lại tức là đồng ý. Vậy Gm Khảm có dụng ý gì? Ve vãn, ninh bợ nhà cầm quyền csVN? A tòng với cs, phủ dụ giáo dân đi theo cs và đừng có chống đối? Dù thế nào đi nữa Gm Khảm phải hoàn toàn chịu trách nhiệm về bài giảng đó cùng với việc cho post bài ấy lên mạng của TGP Saigon.
2/ Ở câu hỏỉ 3, Gm Khảm cắt nghĩa về danh từ Cánh chung. Ông vẫn cố giằng kéo để cho rằng cs có cánh chung luận bằng cách lấy thí dụ như Trịnh công Sơn (TCS) trong âm nhạc cũng có thắc mắc về cánh chung, nào là TCS ưu tư về cái chết, nào là âm nhạc của TCS luôn luôn bị cái chết ám ảnh. Nên nhớ TCS là một nghệ sĩ tất nhiên có những mông mơ, sâù buồn, lo sợ. Mà chết thì ai chẳng sợ. TCS cũng chẳng phải là Cs thực sự, ông chỉ là loại cs ăn theo, a dua, về hùa, có khi cũng chẳng hiểu thế nào là cs. Nếu TCS với cái tính mộng mơ lãng mạng đó mà sống ở Bắc vào thời kỳ Trăm hoa đua nở, nhân văn giai phẩm thì ông đã bị kiểm thảo nát người rồi, đâu còn nhả ra được những lời nhạc ướt át đau thương ai oán như vậy. Không biết Gm Khảm có nhớ nhà thơ Xuân Diệu, một nhà thơ lãng mạng nổi danh mà sau này với chế độ cs đã không còn làm những vần thơ ướt át như ở thời tiền chiến nữa. Gm Khảm lấy thí dụ về TCS là có ý làm mờ mắt người đọc làm cho họ tưởng là đúng đế qui kết là người cs cũng có cánh chung luận. Nhưng Gm đã sai từ căn bản, ngưới cs chính hiệu như Marx, Lenin, Stalin, Mao trach Đông, Hồ chí Minh....không tin con người có linh hồn, không tin có Chúa, tất nhiên không tin có đời sau như chúng ta thấy chính Đức Giáo Hoàng Biển Đức XVI đã ghi nhận trong phần dẫn chứng của Gm Khảm. Còn Gm gọi cái thiên đàng địa giới của Marx, của cs là cánh chung thì đích thị là mộtgán ghép giả tạo và sai lầm. Nếu Gm cứ nhất quyết cho rằng cs là hữu thần thì ngài nên đọc lại Marx đi. Đừng lẫn lộn giữa đời sau với đời này,giữa thiên đàng địa ngục với thiên đàng địa giới/trần gian.Một đằnghữu hình, một đằng vô hình.
3/ ( câu hỏi 4) Riêng về cái mà Gm Khảm gọi là cánh chung luận nội thế(eschatologie intra mondaine), phải chăng nó cũng là thiên đàng địa giới thì cũng là một thôi. Công nhận đã có thời nó thu hút biết bao nhiêu người, bởi lẽ nó quá lý tưởng đến chỗ không tưởng, chẳng bao giờ có thể thực hiện được. Chính người cs bây giờ cũng chảng ai tin vào nó nữa. Vậy thì hà cớ chi ngài Gm Khảm vẫn cứ ca tụng, mê hoặc người giáo dân như vậy nhỉ? Những đại trí thức VN như một Nguyễn mạnh Tường, một Trần đức Thảo cũng chỉ vì mê cái triết thuyết "lý tưởng" của Marx mà bỏ mọi sự đi theo "bác" để rồi phải kéo lê một đời khốn khổ, dẫn tới cái chết đau thương đã và đang là tấm gương rõ ràng nhất mà giờ này ở thế kỷ 21 vẫn còn có người như Gm Khảm lại ca tụng Marx và cs thì quả là dại khờ và chậm tiến.
4/ (Câu hỏi 5) Sau cùng Gm Khảm vẫn cố giằng co chứng minh sự thu hút của học thuyết Marx, cho rằng phân biệt giữa "ghi nhận" và "lượng giá" còn tùy người và tùy lịch sử. Lịch sử thì đã chứng minh rõ ràng Marx/cs đã thất bại ngay tại đất tổ là Nga Sô Viết, Đông Âu, Đông Đức...rồi đấy. Còn đúng hay sai thì dưa vào kết quả và đường lối thực hành bất nhân và vô đạo đức cái gọi là cánh chung luận nội thế thì cũng cho thây hiển nhiên là nó sai. Ngoài ra Gm Khảm trưng dẫn lời Đức Thánh Cha Biển Đức XVI nói về Marx, Gm Khảm tưởng rằng lời phát biểu của ĐTC sẽ giúp cho lập trường của ngài mạnh hơn, nhưng Gm đã sai lầm.
Lời phát biểu của ĐTC là vào năm 1967, lúc mà chủ thuyết Marx/cs đang trên đà đi lên tưởng như sắp nhuộm đỏ toàn thế giới. Nhưng đó chỉ là bề ngoài thôi, bên trong thì nó đã ung thối rồi để đến năm 1989 thì vỡ tan tành.
Đoạn văn này của Đức Thánh Cha (ĐTC) cho chúng ta thấy lập trường của ngài về Marx rất rõ ràng. Thập niên 50-60 là lúc chủ nghĩa Hiện Sinh đang nở rộ, ảnh hưởng rất mạnh trên sinh viên các trường đại học. ĐTC đã nhận ra cái nguy hiểm của nó, thì cũng là lúc phong trào cộng sản (cs) Marxism lại nổi dậy lôi cuốn các sinh viên thần học đại học Tubingen khá ồn ào.Tương kế tựu kế, lúc đầu ĐTC đã dùng Marx để chống lại thuyết Hiện Sinh (HS). Lấy độc trị độc. Dùng Marx chống Hiện Sinh không có nghĩa là ngài mê Marx, ca tụng Marx như kiểu Gm Khảm làm. Trái lại ngài thấy rõ cái nguy hiểm của nó. Ngài lột mặt nạ, Marx chính là kẻ nội thù rất thâm độc của Kitô giáo và Công Giáo. Bởi vì Marx dùng kinh thánh làm yếu tố chủ đạo cho lý thuyết của hắn để chỉ lý luận mà thôi, còn thực hành thì làm ngược lại. Như vậy Marx quả là quá nguy hiểm. Hắn xâm nhập đạo để phá đạo đến gốc rễ (như hiện nay csVN vẫn dùng những tên công giáo để phá công giáo), để rồi biến chính hắn, chủ thuyết Marxism, chủ nghĩa cộng sản thành một tôn giáo, trong đó chính hắn, đảng cs của hắn là Chúa, một loại “đạo vô thần”. Chúng ta hãy đọc lại thật kỹ lời ĐTC Biển Đức XVI viết:
“Như tôi đã nói trong Kito học của tôi, tôi đã cố gắng chống lại thuyết Hiên Sinh, đặc biệt trong giáo huấn về Thiên Chúa. Tôi đã có những lúc vận dụng cả tư tưởng của Marx để chống lại nó, bởi lẽ trong chủ thuyết Cứu Thế của Do Thái, Marx vẫn còn giữ được những yếu tố chủ đạo của Kinh Thánh. Thế nhưng vì Marx đã chính trị hóa thần học và Kinh thánh trong chủ thuyết của mình, nên ngay đó đã thấy xuất hiện một sự hủy hoại thần học, đồng thời còn hiểm độc hơn nữa là chủ nghĩ Marx lấy niềm tin Hy Vọng trong Kinh Thánh làm nền tảng, nhưng lại đảo ngược niềm Hy Vọng ấy bằng cách vẫn giữ cái nhiệt tình hăng say của tôn giáo mà lại loại trừ Thiên Chúa ra và thay thế vào đó bằng cung cách hoạt động chính trị của con người. Như vậy niềm Hy Vọng thì vẫn còn, nhưng đảng đã chiếm vị trí của Thiên Chúa, và cùng với đảng là chủ nghĩa độc tài chuyên chính, thực hành thứ “tôn giáo vô thần”, sẵn sàng hy sinh tất cả nhân tính, đạo đức cho thần tượng “giả tạo” của nó. Chính tôi đã thấy cái khuôn mặt ghê sợ của thứ đạo đức vô thần này, sự đe dọa của nó về mặt tâm lý, sự “buông thả” khiến con người, một khi đã đạt được mục đích ý thức hệ của mình rồi thì vất bỏ, không cần giữ luân lý đạo đức vì coi đó là cặn bã của tư sản. Tất cả những điều đó tự nó đã cảnh thức chúng ta mà còn trở thành thách đố khủng khiếp hơn nữa đối với các nhà thần học khi thấy ý thức hệ đó được cổ võ nhân danh đức tin và Giáo Hội, bị sử dụng như một công cụ”.(hết trích)
Như vậy, ĐTC đã “ghi nhận” và “lượng giá” rõ ràng chủ thuyết Marx rồi. Bằng cớ là Ngài đã thấy cái hay của Marx trên lý thuyết vì dựa vào Kinh Thánh và cái nguy hiểm của Marx ở chỗ thực hành. Và kết quả ĐTC đã phản đối bằng cách rời Tubingen để về Regensburg .
Gm Khảm đã trích dẫn những ghi nhận và đánh giá về Marx của ĐTC Biển Đức XVI làm bằng cớ chứng minh cho bài giảng của mình, nhưng đó là đánh hỏa mù, tưởng là có thể làm mờ mắt, lòe thiên hạ được, nhưng không kết quả, trái lại đã để lộ cái thiếu sót ma mãnh của ngài. Gm Khảm chỉ làm theo ĐTC ở phần ghi nhận mà lơ đi phần đánh giá là cái nguy hiểm, vô thần, vô đạo đức….của Marx, nghĩa là Gm Khảm chi ca tụng cái hay đẹp trên lý thuyết của Marx mà không nói lên cái độc hại, nguy hiểm của Marx. Như vậy Gm Khảm đâu có khác gì Marx là mượn cái hay đẹp của Kinh Thánh để tô điểm cho lý thuyết của mình, nhưng khi đạt được ý rồi thì đạp đổ Kinh Thánh, dẹp bỏ Thiên Chúa coi là cặn bã của tư sản để coi mình và đảng cs là Chúa, một tôn giáo vô thần, một đảng chính trị độc tôn, độc tài chuyên chính!!!
Buồn thay cho Gm Khảm đã bắt chước cách lý luận và hành động của Marx, dùng chiếc áo nhà tu để che đỡ cho ác tâm của cộng sản.
Nếu những lời này có làm phiền lòng ĐC Khảm thì cũng xin ngài hiểu cho rằng đó là sự thật, cho dù nó có phũ phàng.
“Sự Thật vẫn luôn luôn là Sự Thật” dù có quanh co, lôi kéo…..
Những ai hăm he kết án tôi là chửi cha mắng chúa thì xin hãy nhớ lời Chúa dạy:
“Anh em đừng có sợ. Không có gì có thể che giấu mà sẽ không bị tỏ lộ, không có gì bí mật mà người ta sẽ không biết. Điều thầy nói với anh em lúc ban đêm, thì hãy đem ra giữa ban ngày mà nói; và điều mà anh em nghe thì thầm, rỉ tai thì hãy lên mái nhà mà rao giảng” (Mat. 10: 26-27).
Fleming Island , Florida
Dec 22, 2011
NTC

----------------

câu trả lời của VG Nguyễn Văn Khảm về chủ thuyết Mác Lê giảng tại Nhà Thờ:

PHỎNG VẤN ĐGM PHÊRÔ NGUYỄN VĂN KHẢM VỀ BÀI GIẢNG CÓ NỘI DUNG “CÁNH CHUNG”

WGPSG – Phóng viên của WGPSG (PV) đã có cuộc gặp gỡ và phỏng vấn ĐGM Phêrô Nguyễn Văn Khảm (ĐGM) về Bài giảng có nội dung “Cánh chung” của ngài như sau:
PV: Thưa Đức cha, trong những ngày gần đây, một số anh chị em giáo dân cảm thấy hoang mang khi đọc trên mạng internet những lời phê phán bài giảng của Đức cha dịp lễ Chúa Kitô Vua, ngày 20-11-2011, tại Nhà thờ chính tòa Sàigòn. Con cũng đi dự lễ hôm đó nhưng con nhớ Đức cha không giảng giống như người ta phát trên mạng. Xin Đức cha cho biết rõ hơn.
ĐGM: Đúng thế, ngày lễ Chúa Kitô Vua vừa rồi, 20-11-2011, tôi mới ở Hà Nội về và đến Nhà thờ chính tòa để chủ sự Thánh Lễ khai mạc Công nghị giáo phận. Trong bài giảng hôm đó, tôi gợi ý về định hướng cho Công nghị chứ không nói về Cánh chung. Còn bài người ta phát trên mạng là bài giảng từ năm 1999, cũng ở Nhà thờ chính tòa.
PV: Như vậy là đã 12 năm rồi! Tại sao lại lấy bài giảng của 12 năm trước và gán cho Đức cha mới giảng, kèm theo nhiều lời phê phán như vậy?
ĐGM: Tôi không biết. Điều này chắc anh phải đi hỏi những người đưa tin thôi.
PV: Trong những lời phê bình bài giảng, nhiều người tập trung vào điều mà Đức cha gọi là Cánh chung luận. Đức cha có thể giải thích rõ hơn không?
ĐGM: Đã có nhiều vị giải thích việc này rồi, tôi chỉ xin thêm một chút. Từ “Cánh chung luận”, chúng ta dịch từ eschatologie trong tiếng Pháp hoặc eschatology trong tiếng Anh, được ghép bởi eschaton là sự cuối cùng, và logos là lời, hoặc như Đức Bênêđictô XVI hiện nay hay cắt nghĩa là lý trí, tư tưởng. Như thế, hiểu chung là suy tư về sự cuối cùng.
Với người công giáo, nói đến cánh chung luận là nói đến suy tư về những sự cuối cùng của đời người và thế giới, cụ thể là Chết, Phán Xét, Thiên Đàng, Hỏa Ngục. Cho nên còn gọi là Tứ Chung.
Câu hỏi đặt ra là: Những anh chị em ngoài công giáo, kể cả những người không tín ngưỡng, họ có suy tư về sự cuối cùng không, ví dụ, về cái chết? Và điều gì sẽ xảy ra sau khi chết? Trịnh Công Sơn chắc chắn không phải là người công giáo, tại sao âm nhạc của ông tràn ngập suy tư về cái chết: Bao nhiêu năm rồi còn mãi ra đi, đi đâu loanh quanh cho đời mỏi mệt, trên hai vai ta đôi vầng nhật nguyệt, rọi suốt trăm năm một cõi đi về”? Và nhiều bài khác nữa, đến nỗi có người nói cái chết là nỗi ám ảnh khôn nguôi trong các sáng tác của ông. Mà đâu chỉ một mình Trịnh Công Sơn, hầu như đã làm người, ai cũng có suy nghĩ về sự chết và thế giới sau cái chết.
Nếu ai cũng băn khoăn về cái chết thì các tôn giáo và những hệ thống triết học có thể không quan tâm đến chăng? Đúng hơn là tôn giáo nào cũng cố gắng đưa ra câu trả lời cho những vấn nạn sâu nhất của lòng người, trong đó có câu hỏi về cái chết và về thế giới mai sau. Thế nên, nếu hiểu cánh chung luận là suy tư về sự cuối cùng, thì có thể nói tôn giáo nào và hệ thống triết học nào cũng hàm chứa một cánh chung luận nào đó.
PV: Nhưng còn với chủ nghĩa Marx thì sao?
ĐGM: Karl Marx cũng cung cấp một viễn tượng về thế giới tương lai như điểm đến của lịch sử. Đó là một thế giới lý tưởng, trong đó không còn cảnh người bóc lột người, mọi người bình đẳng với nhau, làm việc theo khả năng và hưởng thụ theo nhu cầu. Một tác giả đã gọi đó là cánh chung luận nội thế (eschatologie intra-mondaine). Và viễn tượng đó thu hút không ít người trên thế giới.
PV: Thưa Đức cha, nhiều người khó chịu về nhận xét này!
ĐGM: Tôi hiểu, nhưng cần phân biệt giữa ghi nhận và lượng giá. Thực tế thế nào, cứ ghi nhận như vậy. Còn lượng giá đúng hay sai, thành công hay thất bại, điều đó tùy mỗi người và lịch sử sẽ chứng minh. Để minh họa điều này, chỉ cần đọc lại một trang sách của nhà thần học Joseph Ratzinger, bây giờ là Đức Giáo Hoàng Bênêđictô XVI. Ngài viết về tác động của chủ nghĩa Marx tại trường đại học Tubingen vào thời điểm 1967 như sau:
“Chủ thuyết hiện sinh đã sụp đổ, và cuộc cách mạng mác-xít thắp lên nhiệt tình cho cả trường đại học, lay động nó đến tận nền tảng. Ít năm trước đây, người ta vẫn còn hi vọng các phân khoa thần học là thành trì chống lại sự cám dỗ của chủ nghĩa Marx. Bây giờ tình hình đảo ngược: những phân khoa thần học lại trở thành trung tâm của hệ ý thức mác-xít. Việc đưa chủ thuyết hiện sinh vào trong thần học, như Bultmann đã làm, không phải là không có những nguy hiểm cho thần học. Như tôi đã nói, trong Kitô học của tôi, tôi đã cố gắng chống lại “phương pháp” giảm trừ của chủ thuyết hiện sinh (existentialist reduction), cách riêng trong giáo huấn về Thiên Chúa. Lúc này lúc khác, tôi còn cố gắng vận dụng cả tư tưởng của Marx để tạo lực đối trọng, bởi lẽ ở cội rễ chủ nghĩa cứu thế – Do thái của nó (Jewish-messianic roots), chủ nghĩa Marx vẫn còn giữ được những yếu tố chủ đạo của Kinh Thánh. Thế nhưng sự phá hủy thần học đang diễn ra (qua việc chính trị hóa thần học như được quan niệm trong chủ nghĩa cứu thế của Marx), lại còn sâu xa hơn, vì chủ nghĩa Marx lấy niềm hi vọng trong Kinh Thánh làm nền tảng nhưng lại đảo ngược niềm hi vọng ấy, bằng cách vẫn giữ nhiệt tình tôn giáo nhưng lại loại trừ Thiên Chúa ra và thay thế vào đó bằng hoạt động chính trị của con người. Niềm hi vọng vẫn còn đó, nhưng đảng chiếm vị trí của Thiên Chúa, và cùng với đảng là chủ nghĩa độc tài chuyên chính, thực hành thứ “tôn giáo” vô thần, sẵn sàng hi sinh tất cả nhân tính cho thần tượng giả tạo của nó. Bản thân tôi đã thấy khuôn mặt kinh sợ của thứ đạo đức vô thần này, sự đe dọa của nó về mặt tâm lý, sự buông thả khiến cho người ta, một khi đã đạt được mục đích ý thức hệ rồi, có thể vứt bỏ mọi quan tâm đạo đức vì coi đó là cặn bã tư sản. Tất cả những điều đó thật đáng báo động ở tự nó, nhưng còn trở thành thách đố khủng khiếp hơn nữa đối với nhà thần học khi thấy hệ ý thức đó lại được cổ võ nhân danh đức tin và Giáo Hội bị sử dụng như một công cụ” (Joseph Ratzinger, Milestones, Memoirs 1927-1977, Ignatius Press, San Francisco: 1998, 137). Cũng vì thế, nhà thần học Joseph Ratzinger quyết định giã từ Tubingen để về Regensburg, nơi ngài giảng dạy cho đến khi được gọi làm giám mục.
Như thế, một đàng, nhà thần học Jospeh Ratzinger ghi nhận sự cuốn hút của chủ nghĩa Marx trong môi trường đại học lúc đó, hơn nữa ngài còn vận dụng tư tưởng của Marx khi giảng dạy thần học. Đàng khác, ngài đánh giá chủ nghĩa ấy ở chiều sâu để thấy được mối nguy hiểm trên nhiều bình diện. Cho nên, cần phân biệt giữa ghi nhận và lượng giá.
PV: Cảm ơn Đức cha đã trích dẫn những nhận định sâu sắc của nhà thần học Joseph Ratzinger. Tại sao Đức cha lại nói về điều này trong bài giảng?
ĐGM: Câu hỏi của anh liên quan đến một câu hỏi khác: Tôi giảng cho ai? Lúc đó, mỗi Chúa nhật, tôi dâng lễ tại Nhà thờ chính tòa lúc 18:30. Cử tọa của tôi là các bạn sinh viên và các anh chị trung niên, phần đông là người học thức. Họ được học về chủ nghĩa Marx ở đại học. Họ không xa lạ gì về những điều tôi nói. Điều quan trọng là khởi đi từ đó, tôi muốn trình bày về Vương quốc Chúa Kitô, Vương quốc của Đấng chịu đóng đinh trên thập giá, Vương quốc của tình yêu chứ không phải hận thù, và chỉ có tình yêu mới đem lại sự sống.
PV: Đức cha có muốn nói gì thêm về vấn đề này không?
ĐGM: Tôi tôn trọng ý kiến mọi người. Nếu mong muốn điều gì, tôi chỉ mong mọi người tôn trọng lẫn nhau khi thảo luận về bất cứ vấn đề gì. Tôi vẫn nhớ lời căn dặn của Đức Bênêđictô XVI về việc truyền thông. Ngài dùng bốn từ để diễn tả sự truyền thông chân chính: trung thực, cởi mở, tôn trọng người khác, có tinh thần trách nhiệm. Giữ được như vậy, các phương tiện truyền thông sẽ là những phương tiện tuyệt vời để loan báo Tin Mừng tình thương và sự sống.
PV: Xin chân thành cảm ơn Đức cha.

No comments:

Thời Sự "Nóng"





------------------------------------------

---------------------------------------------------------
Vân Anh -Ngày 1 tháng 10 Hà Nội Chính Thức Bán Nước Cho Bắc Kinh
----------------------------------------