HẬU CÁNH CHUNG LUẬN MARXIST
Duyên-Lãng Hà Tiến Nhất
Sau khi bài giảng về Cánh Chung Luận Marxist được đăng trên website Tổng Giáo Phận TP.HCM (xin lỗi bạn đọc, tôi sử dụng danh xưng chính thức của TGP Saigon), dư luận nổi lên phê phán kịch liệt. Người giảng thuyết là Gm Nguyễn Văn Khảm liền tung lên cùng trang web một bài ông trả lời phỏng vấn để giải thích. Trái với đường lối ứng xử xưa nay của các vị lãnh đạo thân chính trong Giáo Hội (GH) là cứ mũ ni che tai mỗi khi các ngài bị con chiên bổn đạo phê bình, sự mau mắn bất ngờ của Đ/C Khảm là một thái độ hiếm có rất đáng khen. Người viết ghi nhận việc làm này của Đ/C Khảm và thành thật hoan nghênh ngài.
Việc làm đáng ca ngợi của Gm Khảm không biết có giải tỏa được sự chống đối của con chiên không nhưng lại rơi vào một tình trạng tồi tệ khác, vì bài phỏng vấn của ngài phạm phải hai điểm không rõ ràng về hình thức khiến người đọc không thể không thắc mắc. Điểm thứ nhất là người phỏng vấn không xưng tên thật, mà danh xưng chỉ viết tắt là PV. Điểm thứ hai là cơ quan truyền thông của phóng viên PV cũng lại không minh danh mà chỉ là những chữ viết tắt WGPSG. Hai chữ viết tắt này trở thành hai sự kiện mờ ám, thiếu minh bạch. Đây là điều cấm kỵ trong bất cứ cơ quan truyền thông đứng đắn nào, bởi vì người phóng viên và cơ quan đăng tải phải chịu hoàn toàn trách nhiệm về bài viết được đăng. Gm Nguyễn Văn Khảm, người nắm giữ vai trò trang chủ trang Web, cơ quan truyền thông chính thức của Tổng Giáo Phận (TGP) hẳn phải hiểu rõ điều đó.
Chúng tôi phỏng đoán rằng PV là chữ viết tắt của hai chữ Phóng Viên. Phóng viên là một danh từ chung chỉ bất cứ người nào thường xuyên cung cấp tin tức hoặc phụ trách một mục (article) cho một cơ quan truyền thông. Một bài báo nếu chỉ ghi ký danh là Phóng Viên (PV) mà không ký tên thật đầy đủ (full name) hoặc bút hiệu đã được identified khi cầm bút thì người đọc có thể coi là nặc danh. Bài phỏng vấn Gm Khảm vì thế được coi như nặc danh không đủ điều kiện để tin tưởng và không đáng đọc. Rồi đến chữ viết tắt WGPSG có thể suy đoán làWebsite Giáo Phận SaiGon. Nghi ngờ rằng đây là một trang Web ma, vì người đọc kiếm đỏ con mắt cũng không tìm ra được trang web Giáo Phận Saigon (WGPSG.) Giáo Hội Công Giáo VN miền Nam chỉ có Tổng Giáo Phận Thành Phố Hồ Chí Minh, thường viết tắt là Tổng Giáo Phận TP.HCM, chứ không có Giáo Phận Saigon. Và, cơ quan truyền thông chính thức của Tổng Giáo Phận TP.HCH có danh xưng chính thức là website Tổng Giáo Phận TP.HCM. Nhóm chữ web Giáo Phận Saigon, viết tắt là WGPSG có thể xài trong khi nói chuyện, nhưng không thể sử dụng chính thức cho một bài viết chính thức.
Đ/C Nguyễn Văn Khảm để cho một cái nick ma PV của cơ quan truyền thông ma WGPSG phỏng vấn rồi đưa lên trang web chính thức của Tổng Giáo Phận của ngài thì thật không hiểu nổi. Tại sao ngài không quan tâm đến uy tín của ngài và của cả TGP nữa? Cho dù nội dung bài phỏng vấn có sức thuyết phục mấy đi nữa thì người đọc cũng có quyền nghi ngờ về việc làm này của Đ/C Khảm. Người ta có thể nghi ngờ rằng biết đâu chính Gm Nguyễn Văn Khảm đồng thời vừa đóng vai người phỏng vấn (interviewer), vừa đóng vai người được phỏng vấn (interviewee) để chữa cháy vấn đề. Kinh nghiệm đã có rồi. Câu chuyện nhà báo Trần Dân Tiên viết sách ca tụng Hồ Chí Minh đã từng xẩy ra là một thí dụ điển hình. Chuyện khó hơn gấp mấy ngày nay photoshop còn làm được nữa là. Một anh bạn của tôi làm cho tôi coi tận mắt một người tự đấu pingpong với chính mình y như trận đấu giữa hai người khác nhau thật. Cuối cùng thì cái mánh phỏng vấn mờ mờ ảo ảo của Đ/C Khảm đã không chữa được đám cháy như ngài mong muốn mà đám cháy xem ra càng khó có thể dập tắt hơn.
Một vấn đề khác nữa. Khi phóng viên PV hỏi tại sao lại lấy bài giảng của 12 năm trước đăng lại trên trang web của TGP trong ngày lễ kính Chúa Giêsu Vua, Gm Nguyễn Văn Khảm trả lời không biết. Ngài còn bảo người phóng viên đi hỏi những người đưa tin. Chuyện buồn cười thật. Đ/C Khảm là người nắm giữ cơ quan truyền thông của TGP. Bài vở đăng trên trang web của TGP mà ngài lại không hay, và không biết ai là người đã làm chuyện đó. Có tin nổi không?
Ở trên, người viết mới chỉ là nói về mặt kỹ thuật trong việc giải tỏa dư luận của Gm Nguyễn Văn Khảm. Dưói đây chúng tôi xin đi vào nhận định về phần lý luận của ngài trong bài phỏng vấn. Bước vào phần này, chúng tôi xin xác nhận trước một điểm quan trọng là, chúng tôi hoàn toàn đồng ý với Đ/C Khảm về việc ngài nêu ra phương pháp phê bình. Làm sao để việc phê bình được trung thực, khách quan, và chính xác là điều quan trọng. Ngài nói:
“ cần phân biệt giữa ghi nhận và lượng giá. Thực tế thế nào, cứ ghi nhận như vậy. Còn lượng giá đúng hay sai, thành công hay thất bại, điều đó tùy mỗi người và lịch sử sẽ chứng minh.”
Đúng như Đ/C Khảm nhận định, ghi nhận khách quan và chính xác là điều kiện cần thiết một tác giả cần phải có để có thể đưa ra quan điểm trung thực của mình trong khi phê bình. Ghi nhận chính xác và khách quan thì lượng giá mới trung thực. Đi vào phê bình lý luận của Đ/C Nguyễn Văn Khảm, vì khuôn khổ của bài viết, chúng tôi chỉ bàn đến hai điểm chính quan trọng sau đây. Một là ngài đã lẫn lộn chữ Cánh Chung với Cứu Cánh trong khi nói về Marx. Và hai là việc trích dẫn Ratzinger đã phản lại chính lý luận của ngài.
1. Cánh chung hay Cứu cánh
Trong bài phỏng vấn, Đ/C Khảm giải thích chữ Cánh chung luận như sau:
-“Từ Cánh chung luận, chúng ta dịch từ eschatologie trong tiếng Pháp hoặc eschatology trong tiếng Anh, được ghép bởi eschaton là sự cuối cùng, và logos là lời, hoặc như Đức Bênêđictô XVI hiện nay hay cắt nghĩa là lý trí, tư tưởng.”
Rồi ngài kết luận:
“Như thế, hiểu chung là suy tư về sự cuối cùng.”
Kết luận chung chung chưa đủ nghĩa nên ngay sau đó Đ/C Khảm lại nói thêm:
-“Với người công giáo, nói đến cánh chung luận là nói đến suy tư về những sự cuối cùng của đời người và thế giới, cụ thể là Chết, Phán Xét, Thiên Đàng, Hỏa Ngục. Cho nên còn gọi là Tứ Chung.”
Vậy là đã quá rõ, Đ/C Khảm đã xác nhận, Cánh Chung Luận là luận về những chuyện ở thế giới bên kia của con người sau khi chết, chứ không phải là khoa học bàn về chuyện ở đời này. Bất cứ từ điển thông dụng tiếng Pháp hoặc tiếng Anh nào cũng định nghĩa Cánh Chung Luận là một phân khoa thần học nghiên cứu về các vấn đề thiên đàng, hỏa ngục, linh hồn và sự phán xét. Có thể nói đây là môn thần học đặc biệt của Thiên Chúa Giáo. Hiểu như thế thì mới thấy rằng Marx chẳng có cánh chung luận gì cả, vì ông ta chỉ luận bàn về cái hiện thực của trần gian. Đ/C Khảm sai ở chỗ đó. Biết mình hố, nhưng ngài lại luẩn quẩn chống chế một cách gượng gạo và đầy mâu thẫn nên chẳng giải quyết được gì. Trừ khi ngài tự nhân mình sai và cải chính, chứ còn cỡi hỏa tiễn để bắt lại câu đã nói ra thì không được. Chạy xe tứ mã mà đuổi theo thì vô phương.
Trong câu trả lời người phóng viên, Gm Khảm còn miên man về Trịnh Công Sơn. Ông cho rằng tên nhạc sĩ họ Trịnh cũng để lại nhiều suy tư về cái chết và chuyện gì sẽ xẩy ra sau khi chết trong các sáng tác của hắn. Nêu cái thí dụ Trịnh Công Sơn thật là vô duyên, bởi nó chẳng biện giải được gì cho vấn đề Đ/C Khảm bảo rằng Marx cũng có cánh chung luận, trái lại còn làm cho người ta xác tín hơn nữa rằng thật sự cánh chung luận là khoa học bàn về những chuyện đời sau. Vì, tên nhạc sĩ họ Trịnh kia suy tư về cái chết chứ có suy tư về cái sống đâu mà đem ra để biện giải.
Lý thuyết của Marx không bàn đến những chuyện đời sau, nghĩa là không có cánh chung luận. Chuyện này hiển nhiên rồi. Nhưng nó vẽ ra và hứa hẹn một cuộc sống thiên đường ngay tại trần thế này, ở đó con người sẽ sống hoàn toàn hạnh phúc, không còn bất công, không còn người bóc lột và đầy đọa người, mọi người sống với nhau như anh em, mình vì mọi người và mọi người vì mình, không còn cần đến chính quyền, con người hoàn toàn tự do, tự giác lao động theo tài năng và khả năng, của cải vật chất lúc đó dư thừa nên nhu cầu cần gì thì cứ tự nhiên hưởng dụng. Cái viễn mộng này gọi là cứu cánh của triết lý Marx chứ không gọi là cánh chung. Dù có tác giả nào đó gọi lý thuết của Marx là Cánh Chung Luận Nội Thế hay là gì đi nữa như Đ/C Khảm viện dẫn thì cũng đều là bầy đặt và gượng ép cả. Thiển nghĩ rằng Đ/C Nguyễn Văn Khảm đã lầm lẫn chữ Cánh Chung với chữ Cứu Cánh. Cứu cánh có nghĩa là mục đích cuối cùng. Mục đích cuối cùng của lý thuyết của Marx là xây dựng một xã hội công lý, công bình, sung mãn, và tự do hoàn toàn như chúng tôi trình bầy trên.
2. Gậy giáo hoàng đập lưng giám mục
Chuyện lý thú nhất trong bài phỏng vấn Đ/C Khảm là việc ngài nêu nhận định của Đức Thánh Cha về chủ nghia Marx để tự biện. Nhà thần học nổi tiếng uyên bác hiện là Giáo Hoàng Benedic XVI viết:
“…Lúc này lúc khác, tôi còn cố gắng vận dụng cả tư tưởng của Marx để tạo lực đối trọng, bởi lẽ ở cội rễ chủ nghĩa cứu thế – Do thái của nó (Jewish-messianic roots), chủ nghĩa Marx vẫn còn giữ được những yếu tố chủ đạo của Kinh Thánh.”
Để xem nhà thần học công giáo Ratzinger nói gì với câu trên, chúng ta cần trở về với bối cảnh của nền văn hóa xã hội phương Tây giữa thế kỷ 20.
Sau hai cuộc đại chiến thế giới I và II, kỹ nghệ phát triển mạnh tại Tây phương, người dân Âu Châu đã bị kiệt quệ vì chiến tranh, lại còn bị bóc lột bởi chủ nghĩa tư bản. Vì thế xã hội thời đó xa dần niềm tin và lối sống Thiên Chúa Giáo. Hai trào lưu tư tưỏng khai sinh và ảnh hưởng mạnh thời đó là lý thuyết cộng sản duy vật và triết lý Hiện Sinh. Ông tổ phong trào hiện sinh Kierkergaard nêu ra vấn đề đi tìm sự thật “thực” của cõi nhân sinh, sự sống và cái chết của con người. Ông nói:
“The thing is to find a truth which is true for me, to find the idea for which I can live and die.” (Vấn đề là phải tìm ra sự thật đích thực cho chính mình, phải tìm ra cái ý nghĩa vì sao tôi sống và tôi chết.)
Phần nhiều các triết gia hiện sinh thời đó bi quan về cuộc sống và họ trở thành vô thần (atheist). Có người đi theo thuyết hư vô (nihilism.) Trong khi Tây Phương cần vươn lên để khắc phục hậu quả của chiến tranh thì phong trào hiện sinh gieo rắc những tư tưởng bi quan yếm thế làm băng hoại xã hội. Tư tưởng hiện sinh một thời ảnh hưởng mạnh mẽ tại miền Nam VN trong thời chúng tôi. Hầu hết trong các đại học, các sinh viên tán tụng lối sống và phong cách hiện sinh. Họ sống theo phong cách bất cần đời. Họ để tóc tai bờm xờm, lòng thòng, ăn mặc không giống ai, đi đến đâu miệng cũng ngêu ngao câu “tình cho không biếu không”, hoặc “yêu nhau đi chiều hôm tối rồi….”
Phong trào hiện sinh gây ảnh hưởng và làm hủy hoại giáo lý công giáo vì giáo lý này dậy con người sống tín thác hoàn toàn vào Thiên Chúa, hy vọng vào sự sống tốt đẹp đời sau trên Thiên đàng. Sự sống, cái chết nằm trong bàn tay của Thiên Chúa, con người không cần phải tìm tòi, tra vấn. Do đó nhà thần học Ratzinger mới phải lo lắng, khổ công chống lại nó. Ngài đem triết lý Marx ra so sánh với Hiện Sinh để chống lại hiện Sinh. Ngài cho rằng chủ nghĩa Marx tuy nhiên vẫn còn giữ được những yếu tố chủ đạo của Kinh Thánh.Yếu tố chủ đạo đó là Niềm Hy Vọng của con người trong cuộc sống trần gian. Marx không đánh mất hy vọng như phái hiện sinh. Ông vẫn tràn trề hy vọng. Và bởi vì hy vọng thành công nên Marx mới dốc toàn tâm toàn lực xây dụng thiên đường của ông ngay tại trần thế này. Đ/C Khảm trích dẫn Ratzinger cố ý để biện minh rằng Đức Thánh Cha còn vận dụng cả tư tưởng của Marx thì tại sao ông ta (Gm Khảm) lại không được. Đức Thánh Cha còn khen Marx lấy niềm hy vọng trong Thánh Kinh làm nền tảng cho lý thuyết của mình thì tại sao ông ta (Gm Khảm) lại không có quyền đề cao mơ ước xây dụng thiên đường của Marx. Đó là một yếu tố tích cực kia mà. Có gì sai đâu?
Đến đây chúng tôi thấy cần phải trở lại với phương pháp phê bình hai yếu tố Ghi Nhận và Lượng Giá của Đ/C Khảm để xem Đức Giáo Hoàng đúng hay giám mục Nguyễn Văn Khảm đúng khi trưng dẫn Marx.
Đức Thánh Cha GHI NHẬN giá trị lý thuyết của chủ nghĩa Marx, Ngài viết:
-chủ nghĩa Marx vẫn còn giữ được những yếu tố chủ đạo của Kinh Thánh.
Quả thật đây là một sự ghi nhận chính xác. CS ăn cắp rất nhiều của đạo Công Giáo. Chẳng hạn về tổ chức, Công Giáo thành lập các hội đoàn để thăng tiến đời sống tâm linh thì CS đoàn ngũ hóa người dân tùy theo thành phần hoặc tuổi tác để kiểm soát ho. Về chính sách, Công Giáo lập ra phép xưng tội để thánh hóa con người thì CS bắt kiểm thảo để kiểm soát lẫn nhau. Đúc Thánh Cha không liệt kê hết, Ngài chỉ chỉ ra yếu tố chính của đức tin công giáo mà Marx kiên trì thủ kỹ là niềm hy vọng. Người công giáo hy vọng vào Chúa Cứu Thế phục sinh và sự sống đời sau trong khi Marx hy vọng giai cấp công nhân sẽ xây dựng được cõi thiên đàng hạ giới mà ông ta vẽ ra.
Ngay sau GHI NHẬN như trên về Marx, Đức Thánh Cha LƯỢNG GÍA cái chủ nghĩa Marx như sau:
Thế nhưng sự phá hủy thần học đang diễn ra (qua việc chính trị hóa thần học như được quan niệm trong chủ nghĩa cứu thế của Marx), lại còn sâu xa hơn, vì chủ nghĩa Marx lấy niềm hi vọng trong Kinh Thánh làm nền tảng nhưng lại đảo ngược niềm hi vọng ấy, bằng cách vẫn giữ nhiệt tình tôn giáo nhưng lại loại trừ Thiên Chúa ra và thay thế vào đó bằng hoạt động chính trị của con người. Niềm hi vọng vẫn còn đó, nhưng đảng chiếm vị trí của Thiên Chúa, và cùng với đảng là chủ nghĩa độc tài chuyên chính, thực hành thứ “tôn giáo” vô thần, sẵn sàng hi sinh tất cả nhân tính cho thần tượng giả tạo của nó.
Chính Đ/C Khảm cũng nhìn nhận rằng Đức Thánh Cha phê bình Marx như thế là đúng, ngài (Gm Khảm) nói với phóng viên PV:
Như thế, một đàng, nhà thần học Jospeh Ratzinger ghi nhận sự cuốn hút của chủ nghĩa Marx trong môi trường đại học lúc đó, hơn nữa ngài còn vận dụng tư tưởng của Marx khi giảng dạy thần học. Đàng khác, ngài đánh giá chủ nghĩa ấy ở chiều sâu để thấy được mối nguy hiểm trên nhiều bình diện. Cho nên, cần phân biệt giữa ghi nhận và lượng giá.
Về phần Đ/C Khảm, trong bài giảng Cánh Chung Luận, ngài GHI NHẬN Marx như sau:
Dĩ nhiên, bất cứ một tôn giáo nào cũng hàm chứa bên trong một cánh chung luận, triết thuyết nào có khả năng cung cấp cho con người một cánh chung luận hấp dẫn, cũng có nghĩa là cung cấp một niềm hy vọng có sức thuyết phục thì triết thuyết đó cuốn hút con người. Tôi lấy một cái thí dụ, ta đang sống rất là cụ thể trong một đất nước xã hội chủ nghĩa, dựa trên cái nền tảng triết học của Marx. Thế thì có nhiều người có thể nghĩ Mác xít vốn là một hệ tư tưởng vô thần cho nên là không có cánh chung luận. Không phải thế, trái lại nó có một cánh chung luận rất là hấp dẫn, rất là cụ thể, nó đã trình bày cái điểm tới của lịch sử nhân loại, là một xã hội cộng sản hoàn hảo trong đó:
- không còn cảnh người bóc lột người,
- mà mỗi một người trong anh chị em và tôi chỉ cần làm việc theo khả năng còn như cầu có bao nhiêu là cứ việc xài.
- Người ta sống với nhau trong tình huynh đệ, một thiên đàng tại thế, và khi mà có cái điểm tới của lịch sử cả nhân loại như thế, thì mỗi cá nhân trong lịch sử đó khám phá ra cái ý nghĩa của một sự hy sinh mình chịu. Tôi chết đi nhưng sự nghiệp của tôi vẫn còn tồn tại mãi trong nhân dân. Tôi hy sinh nhưng mà sự hy sinh đấy không vô nghĩa, bởi vì nó xây dựng cho thế hệ tương lai, xây dựng cho nhân dân.
Và ngay sau đó, Đ/C Khảm đưa ra sự LƯỢNG GIÁ của ngài về Cánh Chung Luận của Marx như thế này:
Trong cái cánh chung luận rất là cụ thể và hấp dẫn và chính vì thế nó đã cuốn hút cả triệu con người chấp nhận bao nhiêu hy sinh để xây dựng tương lai, cho nên có chứ không phải không đâu …
Ghi nhận về những điều Marx mơ ước của Đ/C Khảm không sai, nhưng đó chỉ là ước mơ. Nhưng sự đánh giá của ngài về Marx rõ ràng là một lời ca tụng CS. Đ/C Khảm nói CS hấp dẫn như thế nên mới lôi cuốn được cả hàng triệu người dám hy sinh vì nó. Nếu là bài thuyết trình trước một cử tọa chọn lọc thì ảnh hưởng thiết tưỏng không là bao, vì những người này họ có đầu óc biết suy nghĩ. Nhưng là một bài giảng cho bổn đạo thuộc đủ mọi thành phần (mà thường chỉ có người cao niên mới siêng đi lễ) trong thánh lễ thì vấn đề lại khác. Người tín hữu sẽ suy nghĩ rằng, lời của đức cha là lời của Chúa. Bổn đạo nghe lời đức cha là nghe lời Chúa. Đức cha trình bầy CS tốt đẹp như thế. Ngài còn kể ra có hàng triệu người dám hy sinh bản thân vì CS. Tôi là người công giáo, tại sao tôi lại phải chống CS?
Như trên cho thấy, rõ ràng là có sự khác biệt giữa Đức Giáo Hoàng và giám mục Nguyễn Văn Khảm về sự lượng định lý thuyết của Marx. Đức Giáo Hoàng ghi nhận và khen cái đúng (nuôi hy vọng) của Marx, nhưng Ngài đã chỉ ra và phê phán ngay cái sai của Marx sau đó. Còn Gm Khảm ghi nhận điểm tích cực của lý thuyết của Marx (dù chỉ là ảo tưởng), nhưng khi lượng giá, ông khen nó là hấp dẫn và lôi cuốn, mặc dầu trước mắt và xung quanh ông không thiếu những hậu quả đau thương và thê thảm do CS gây ra. Xem như vậy thì chính cái phương pháp phê bình của Đ/C Khảm nêu lên cho những người phê bình ngài đã phản lại ngài, cũng như việc ngài trích dẫn Ratzinger đã không đem lại ích lợi gì cho ngài, trái lại càng củng cố thêm vững chắc những điều người ta phê phán về ngài.
Câu cuối cùng Đ/C Nguyễn Văn Khảm trả lời người phóng viên PV rằng ngài tôn trọng ý kiến của người khác. Tinh thần đại lượng của Đ/C Khảm rất đáng khen. Nhưng tôn trọng ý kiến của người khác mới là một ý nghĩ trừu tượng. Lắng nghe những ý kiến đó và gạn lọc những điều đúng sai người khác nói để làm và để tránh mới là vấn đề quan trọng đối với người lãnh đạo. Sau nữa Đ/C Khảm còn nhắc nhở công luận giáo dân giáo huấn của Đức Giáo Hoàng về truyền thông chân chính là phải trung thực, cởi mở, tôn trọng người khác, và có tinh thần trách nhiệm. Giáo dân cũng không mong gì hơn là các nhà truyền thông của Hội Đồng Giám Mục VN và cách riêng nhà truyền thông Gm Nguyễn Văn Khảm cũng thực hiện nghiêm chính nền truyền thông đó.
Duyên-Lãng Hà Tiến Nhất
---------------------------------------
câu trả lời của VG Nguyễn Văn Khảm về chủ thuyết Mác Lê giảng tại Nhà Thờ:
PHỎNG VẤN ĐGM PHÊRÔ NGUYỄN VĂN KHẢM VỀ BÀI GIẢNG CÓ NỘI DUNG “CÁNH CHUNG”
WGPSG – Phóng viên của WGPSG (PV) đã có cuộc gặp gỡ và phỏng vấn ĐGM Phêrô Nguyễn Văn Khảm (ĐGM) về Bài giảng có nội dung “Cánh chung” của ngài như sau:
PV: Thưa Đức cha, trong những ngày gần đây, một số anh chị em giáo dân cảm thấy hoang mang khi đọc trên mạng internet những lời phê phán bài giảng của Đức cha dịp lễ Chúa Kitô Vua, ngày 20-11-2011, tại Nhà thờ chính tòa Sàigòn. Con cũng đi dự lễ hôm đó nhưng con nhớ Đức cha không giảng giống như người ta phát trên mạng. Xin Đức cha cho biết rõ hơn.
ĐGM: Đúng thế, ngày lễ Chúa Kitô Vua vừa rồi, 20-11-2011, tôi mới ở Hà Nội về và đến Nhà thờ chính tòa để chủ sự Thánh Lễ khai mạc Công nghị giáo phận. Trong bài giảng hôm đó, tôi gợi ý về định hướng cho Công nghị chứ không nói về Cánh chung. Còn bài người ta phát trên mạng là bài giảng từ năm 1999, cũng ở Nhà thờ chính tòa.
PV: Như vậy là đã 12 năm rồi! Tại sao lại lấy bài giảng của 12 năm trước và gán cho Đức cha mới giảng, kèm theo nhiều lời phê phán như vậy?
ĐGM: Tôi không biết. Điều này chắc anh phải đi hỏi những người đưa tin thôi.
PV: Trong những lời phê bình bài giảng, nhiều người tập trung vào điều mà Đức cha gọi là Cánh chung luận. Đức cha có thể giải thích rõ hơn không?
ĐGM: Đã có nhiều vị giải thích việc này rồi, tôi chỉ xin thêm một chút. Từ “Cánh chung luận”, chúng ta dịch từ eschatologie trong tiếng Pháp hoặc eschatology trong tiếng Anh, được ghép bởi eschaton là sự cuối cùng, và logos là lời, hoặc như Đức Bênêđictô XVI hiện nay hay cắt nghĩa là lý trí, tư tưởng. Như thế, hiểu chung là suy tư về sự cuối cùng.
Với người công giáo, nói đến cánh chung luận là nói đến suy tư về những sự cuối cùng của đời người và thế giới, cụ thể là Chết, Phán Xét, Thiên Đàng, Hỏa Ngục. Cho nên còn gọi là Tứ Chung.
Câu hỏi đặt ra là: Những anh chị em ngoài công giáo, kể cả những người không tín ngưỡng, họ có suy tư về sự cuối cùng không, ví dụ, về cái chết? Và điều gì sẽ xảy ra sau khi chết? Trịnh Công Sơn chắc chắn không phải là người công giáo, tại sao âm nhạc của ông tràn ngập suy tư về cái chết: “Bao nhiêu năm rồi còn mãi ra đi, đi đâu loanh quanh cho đời mỏi mệt, trên hai vai ta đôi vầng nhật nguyệt, rọi suốt trăm năm một cõi đi về”? Và nhiều bài khác nữa, đến nỗi có người nói cái chết là nỗi ám ảnh khôn nguôi trong các sáng tác của ông. Mà đâu chỉ một mình Trịnh Công Sơn, hầu như đã làm người, ai cũng có suy nghĩ về sự chết và thế giới sau cái chết.
Nếu ai cũng băn khoăn về cái chết thì các tôn giáo và những hệ thống triết học có thể không quan tâm đến chăng? Đúng hơn là tôn giáo nào cũng cố gắng đưa ra câu trả lời cho những vấn nạn sâu nhất của lòng người, trong đó có câu hỏi về cái chết và về thế giới mai sau. Thế nên, nếu hiểu cánh chung luận là suy tư về sự cuối cùng, thì có thể nói tôn giáo nào và hệ thống triết học nào cũng hàm chứa một cánh chung luận nào đó.
PV: Nhưng còn với chủ nghĩa Marx thì sao?
ĐGM: Karl Marx cũng cung cấp một viễn tượng về thế giới tương lai như điểm đến của lịch sử. Đó là một thế giới lý tưởng, trong đó không còn cảnh người bóc lột người, mọi người bình đẳng với nhau, làm việc theo khả năng và hưởng thụ theo nhu cầu. Một tác giả đã gọi đó là cánh chung luận nội thế (eschatologie intra-mondaine). Và viễn tượng đó thu hút không ít người trên thế giới.
PV: Thưa Đức cha, nhiều người khó chịu về nhận xét này!
ĐGM: Tôi hiểu, nhưng cần phân biệt giữa ghi nhận và lượng giá. Thực tế thế nào, cứ ghi nhận như vậy. Còn lượng giá đúng hay sai, thành công hay thất bại, điều đó tùy mỗi người và lịch sử sẽ chứng minh. Để minh họa điều này, chỉ cần đọc lại một trang sách của nhà thần học Joseph Ratzinger, bây giờ là Đức Giáo Hoàng Bênêđictô XVI. Ngài viết về tác động của chủ nghĩa Marx tại trường đại học Tubingen vào thời điểm 1967 như sau:
“Chủ thuyết hiện sinh đã sụp đổ, và cuộc cách mạng mác-xít thắp lên nhiệt tình cho cả trường đại học, lay động nó đến tận nền tảng. Ít năm trước đây, người ta vẫn còn hi vọng các phân khoa thần học là thành trì chống lại sự cám dỗ của chủ nghĩa Marx. Bây giờ tình hình đảo ngược: những phân khoa thần học lại trở thành trung tâm của hệ ý thức mác-xít. Việc đưa chủ thuyết hiện sinh vào trong thần học, như Bultmann đã làm, không phải là không có những nguy hiểm cho thần học. Như tôi đã nói, trong Kitô học của tôi, tôi đã cố gắng chống lại “phương pháp” giảm trừ của chủ thuyết hiện sinh (existentialist reduction), cách riêng trong giáo huấn về Thiên Chúa. Lúc này lúc khác, tôi còn cố gắng vận dụng cả tư tưởng của Marx để tạo lực đối trọng, bởi lẽ ở cội rễ chủ nghĩa cứu thế – Do thái của nó (Jewish-messianic roots), chủ nghĩa Marx vẫn còn giữ được những yếu tố chủ đạo của Kinh Thánh. Thế nhưng sự phá hủy thần học đang diễn ra (qua việc chính trị hóa thần học như được quan niệm trong chủ nghĩa cứu thế của Marx), lại còn sâu xa hơn, vì chủ nghĩa Marx lấy niềm hi vọng trong Kinh Thánh làm nền tảng nhưng lại đảo ngược niềm hi vọng ấy, bằng cách vẫn giữ nhiệt tình tôn giáo nhưng lại loại trừ Thiên Chúa ra và thay thế vào đó bằng hoạt động chính trị của con người. Niềm hi vọng vẫn còn đó, nhưng đảng chiếm vị trí của Thiên Chúa, và cùng với đảng là chủ nghĩa độc tài chuyên chính, thực hành thứ “tôn giáo” vô thần, sẵn sàng hi sinh tất cả nhân tính cho thần tượng giả tạo của nó. Bản thân tôi đã thấy khuôn mặt kinh sợ của thứ đạo đức vô thần này, sự đe dọa của nó về mặt tâm lý, sự buông thả khiến cho người ta, một khi đã đạt được mục đích ý thức hệ rồi, có thể vứt bỏ mọi quan tâm đạo đức vì coi đó là cặn bã tư sản. Tất cả những điều đó thật đáng báo động ở tự nó, nhưng còn trở thành thách đố khủng khiếp hơn nữa đối với nhà thần học khi thấy hệ ý thức đó lại được cổ võ nhân danh đức tin và Giáo Hội bị sử dụng như một công cụ” (Joseph Ratzinger, Milestones, Memoirs 1927-1977, Ignatius Press, San Francisco: 1998, 137). Cũng vì thế, nhà thần học Joseph Ratzinger quyết định giã từ Tubingen để về Regensburg, nơi ngài giảng dạy cho đến khi được gọi làm giám mục.
Như thế, một đàng, nhà thần học Jospeh Ratzinger ghi nhận sự cuốn hút của chủ nghĩa Marx trong môi trường đại học lúc đó, hơn nữa ngài còn vận dụng tư tưởng của Marx khi giảng dạy thần học. Đàng khác, ngài đánh giá chủ nghĩa ấy ở chiều sâu để thấy được mối nguy hiểm trên nhiều bình diện. Cho nên, cần phân biệt giữa ghi nhận và lượng giá.
PV: Cảm ơn Đức cha đã trích dẫn những nhận định sâu sắc của nhà thần học Joseph Ratzinger. Tại sao Đức cha lại nói về điều này trong bài giảng?
ĐGM: Câu hỏi của anh liên quan đến một câu hỏi khác: Tôi giảng cho ai? Lúc đó, mỗi Chúa nhật, tôi dâng lễ tại Nhà thờ chính tòa lúc 18:30. Cử tọa của tôi là các bạn sinh viên và các anh chị trung niên, phần đông là người học thức. Họ được học về chủ nghĩa Marx ở đại học. Họ không xa lạ gì về những điều tôi nói. Điều quan trọng là khởi đi từ đó, tôi muốn trình bày về Vương quốc Chúa Kitô, Vương quốc của Đấng chịu đóng đinh trên thập giá, Vương quốc của tình yêu chứ không phải hận thù, và chỉ có tình yêu mới đem lại sự sống.
PV: Đức cha có muốn nói gì thêm về vấn đề này không?
ĐGM: Tôi tôn trọng ý kiến mọi người. Nếu mong muốn điều gì, tôi chỉ mong mọi người tôn trọng lẫn nhau khi thảo luận về bất cứ vấn đề gì. Tôi vẫn nhớ lời căn dặn của Đức Bênêđictô XVI về việc truyền thông. Ngài dùng bốn từ để diễn tả sự truyền thông chân chính: trung thực, cởi mở, tôn trọng người khác, có tinh thần trách nhiệm. Giữ được như vậy, các phương tiện truyền thông sẽ là những phương tiện tuyệt vời để loan báo Tin Mừng tình thương và sự sống.
PV: Xin chân thành cảm ơn Đức cha.
|
-----------------
Bạn đọc viết: Nghĩ gì về Cánh Chung Luận?
..."Những người thân cận với GM Khảm nói rằng ông Khảm rất nhỏ mọn, thích "đá giò lái" những người ông thù ghét ngay cả khi ông đang đứng trên tòa giảng thánh lễ Misa Chúa Nhật trong nhà thờ. Ví dụ, Ngài Khảm khỉa kháy, riả rói :"Lá cờ quốc gia ...làm bên Mỹ ấy mà ..." hoặc "Bên Mỹ cũng cúp điện như VN" . Hoặc trên tờ dollar Mỹ có giòng chữ "In God We Trust" thì ông Khảm xuyên tạc và dịch láo lếu rằng "Người Mỹ chỉ thích và tin tưởng vào đồng TIỀN...".
Mẹ kiếp ! Ông bà và bố mẹ của GM Khảm di cư Bắc vào Nam VN và sống bám chặt vào lá cờ quốc gia màu vàng đó. Rồi GM Khảm ăn học đậu cha cũng nhờ lá cờ quốc gia đó. Bây giờ nhờ có qủy chúa Satan Huỳnh Công Minh (tức Minh hỏa tiễn SAM 122 ly) đỡ đầu nên Ngài Khảm ăn nên làm ra, thăng quan tiến chức nhanh như diều gặp gió và quên hết lá cờ quốc gia lại còn táng tận lương tâm tặng thêm nhiều đòn song cước chí mạng vào lá cờ vàng mà bao nhiêu chiến sĩ QL VNCH đã đổ máu đào hy sinh để đùm bọc và che chở gia đình ông KHẢM....để ông TU ...(TU NHƯNG LÂU LÂU ÔNG LẠI HÚ LÊN RỈA RÓI TRÊN BỤC GIẢNG ĐÊ? LÀM ZUYÊN...VỀ TÀI ĂN NÓI HÙNG BIỆN) và trở thành CHA (NỘI THIÊN HẠ) và thành Giám Mục chễm chệ trấn thủ "chiến lũy ...Huỳnh Công Minh" trực thuộc Tổng Giáo Phận Thành Hồ Già". ..
"
No comments:
Post a Comment