Nhà Báo Việt Thường

Nhà Báo Việt Thường

Tìm kiếm bài Blog than huu cua Nha Bao Việt Thường xin gõ chữ vào đây

Monday, December 19, 2011

DLHTN-ÔNG GIÁM MỤC (nguyễn Văn Khảm và CÁNH CHUNG LUẬN






ÔNG GIÁM MỤC  CÁNH CHUNG LUẬN

 Duyên-Lãng Hà Tiến Nhất


     Giám mục Nguyễn Văn Khảm vốn là một nhân vật nổi tiếng về khoa ăn nói, dân nhà quê như người viết gọi là  lẻo mép, còn bậc trí thức người ta kêu là hùng biện. Một nhà hùng biện làm tới giám mục giáng về vấn đề “Cánh Chung” trong đạo thì nhất định là đúng người, đúng việc rồi chứ có gì mà phải théc méc. Ấy vậy mà sau khi ngài giám mục giảng, con chiên bổn đạo nổi lên nhao nhao phản đối. Sự thể đáng sợ thật, chỉ sợ tội thôi, bởi vì Chúa dậy trong Phúc Âm rằng tất cả những gì họ nói, anh em hãy làm, hãy giữ kia mà. “Họ” ở đây là chỉ các “đấng làm thầy” (tiếng nhà đạo). Dám cãi lại lời đức cha là tội trọng, chết sa hỏa ngục chứ chẳng chơi. Thế nhưng, đọc kỹ lại đoạn Phúc Âm thì mới thấy yên tâm. Chúa khuyên người Do Thái nên nghe lời giảng dậy của các kinh sư khi họ ngồi trên tòa Moyses để giảng lời Chúa, chứ không phải Chúa bảo bổn đạo VN phải nghe lời giảng của giám mục Nguyễn Văn Khảm. Vì rằng, bài giảng của ngài giám mục không dính dáng đến Chúa, mà nói về Marx. Như vậy không những là lạc đề, mà còn đưa đến nhiều nghi ngờ trong con chiên bổn đạo nữa.


      Ngày lễ kính Chúa Kitô Vua (Christ the King), giám mục Khảm không giảng theo nội dung của ngày lễ, mà lại lái sang vấn đề cánh chung, còn là cánh chung của Karl Marx mới chết, không lạc đề thì còn là gì nữa. Nói thế thật ra cũng chưa đúng hẳn, vì Phúc Âm ngày lễ Chúa Kitô Vua theo thánh sử Mathew có đề cập đến vấn đề Cánh Chung. Nhưng cánh chung ở đây là ngày tận thế, Chúa quang lâm ngự xuống phán xét nhân loại, người lành cũng như kẻ dữ. Cuối cùng Thánh Sử kết luận: Thế là họ (kẻ dữ) ra đi để chịu cực hình muôn kiếp, còn những người công chính ra đi để hưởng sự sống muôn đời. Đấy là giáo lý và là học thuyết về Cánh Chung của người công giáo.

     Ít nữa trong ngày lễ này, người tông đồ của Chúa như giám mục Khảm phải giảng thuyết làm sao chứng minh cho giáo dân thấy, và để thuyết phục những người chưa tin Chúa, nhất là bọn cộng sản vô thần chung quanh ông rằng, Chúa Giêsu là một vị đế vương. Ngài xứng đáng là vua thật. Hơn nữa còn là một minh quân, một vị hoàng đế rất thương yêu dân, biết lo cho dân, nhưng vấn đề thưởng phạt của Ngài cũng rất mực công bình, không thiên vị ai bao giờ. Con người chết đi bị Ngài xét xử để được luận thưởng hoặc phạt theo những việc làm của họ khi còn tại thế. Đó là sự cánh chung của người công giáo. Cũng nên nói cho bọn cộng sản chung quanh ông hay rằng tuy Chúa là vua, nhưng chúng mày đừng có sợ. Ngài không tranh quyền đoạt vị của chúng mày đâu, bởi vì chính Ngài đã xác nhận trước mặt Tổng Trấn Philatô, đại diện của Hoàng Đế La Mã rằng, nước của Ngài không phải là quốc gia trần tục, mà là Nước Trời. Tài cán và hùng biện như giám mục Nguyễn Văn Khảm mà sao không vẽ ra được một thiên quốc hấp dẫn để chiêu hồi bọn cộng sản. Rằng, Nước Trời là một quốc gia có tự do, và cũng có kỷ cương, chứ không loạn xà ngầu giống như nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa của chúng mày, bởi vì ở đấy có một vị vua anh minh là Chúa Kitô. Ngài lấy đức mà trị dân. Người dân trong nước của Ngài lấy thương yêu bác ái để đối xử với nhau trong tình huynh đệ. Do đó Nước Tròi của Chúa mới là Thiên Đường thực, khác xa cái thiên đàng viển vông của Karl Marx nơi trần thế.  Ở Nước Trời không bao giờ có chuyện ngưòi bóc lột người. Ở đó mới có công bình và công lý thật. Mọi công dân trong Nước Trời của Chúa mới sống đích thực mình vì mọi người và mọi người vì mình. Họ không phải lao động cực nhọc mà vẫn sung mãn và hạnh phúc tràn trề ……

     Thiếu gì chuyện để diễn giảng về vương quyền và lòng nhân hậu của Vua Giêsu ông giám mục không nói tới, mà lại nói về vấn đề Cánh Chung của Karl Marx, thế mới là trật duộc và sinh chuyện. Cánh Chung là gì thì lời giải thích và thí dụ ông giám mục đưa dẫn chứng cũng lại sai bét luôn. Theo từ điển Thiều Chửu, Cánh có nghĩa là trọn vẹn, sau rốt. Thí dụ như: hữu chí cánh thành nghĩa là có chí sau cùng nhất định sẽ thành công. Hoặc, cứu cánh nghĩa là xét đến cùng của sự việc. Còn chữ Chung có nghĩa là hết hoặc chết. Cánh Chung là một từ kép hán nôm, các nhà dịch giả và chú giải Kinh Thánh dùng để nói về ngày tận thế, Chúa quang lâm để phán xét loài người. Tiếng Anh chữ Cánh Chung là Eschatology, là môn nghiên cứu về những sự việc sau hết ( the study of the “last things”). Last Things trong ngoặc kép muốn nói là những sự việc sau cùng của cuộc đời sau khi con người nhắm mắt xuôi tay. Đây là một luận đề phổ thông trong các tôn giáo, nhất là Thiên Chúa Giáo và Do Thái Giáo. Eschatology bàn về số phận sau cùng của thế giới, của loài người, và của mỗi cá nhân. Cánh Chung trong giáo lý Công Giáo bao gồm các học thuyết về sự chết, sự sống lại, thiên đàng, hỏa ngục, sự trở lại của Chúa Giêsu và việc phán xét của Ngài. Như vậy Cánh Chung luận là luận về sự việc gì xẩy ra ngay sau cái ngày tàn của vũ trụ vạn vật hay cái chết của mỗi con người, hoàn toàn không phải là đường lối giải quyết những vấn đề thực tại của xã hội trần tục. Rõ ràng, một đàng là những vấn đề sau cái chết, còn một đàng là những vấn đề của con người còn đang sống. Hai vấn đề hoàn tòan khác nhau. Giám mục Nguyễn Văn Khảm đã thuyết giảng ra ngoài vấn đề của ngày lễ, và còn giảng sai về đề tài mà ông đề cập tới. Dưới đây xin trích lại phần chính diễn giải chữ Cánh Chung trong bài thuyết giảng của giám mục Nguyễn Văn Khảm:

    “Dĩ nhiên, bất cứ một tôn giáo nào cũng hàm chứa bên trong một cánh chung luận, triết thuyết nào có khả năng cung cấp cho con người một cánh chung luận hấp dẫn, cũng có nghĩa là cung cấp một niềm hy vọng có sức thuyết phục thì triết thuyết đó cuốn hút con người. Tôi lấy một cái thí dụ, ta đang sống rất là cụ thể trong một đất nước xã hội chủ nghĩa, dựa trên cái nền tảng triết học của Marx. Thế thì có nhiều người có thể nghĩ Mác xít vốn là một hệ tư tưởng vô thần cho nên là không có cánh chung luận. Không phải thế, trái lại nó có một cánh chung luận rất là hấp dẫn, rất là cụ thể, nó đã trình bày cái điểm tới của lịch sử nhân loại, là một xã hội cộng sản hoàn hảo trong đó:
-  không còn cảnh người bóc lột người,
-  mà mỗi một người trong anh chị em và tôi chỉ cần làm việc theo khả năng còn như cầu có bao nhiêu là cứ việc xài.
     Người ta sống với nhau trong tình huynh đệ, một thiên đàng tại thế, và khi mà có cái điểm tới của lịch sử cả nhân loại như thế, thì mỗi cá nhân trong lịch sử đó khám phá ra cái ý nghĩa của một sự hy sinh mình chịu. Tôi chết đi nhưng sự nghiệp của tôi vẫn còn tồn tại mãi trong nhân dân. Tôi hy sinh nhưng mà sự hy sinh đấy không vô nghĩa, bởi vì nó xây dựng cho thế hệ tương lai, xây dựng cho nhân dân.
     Trong cái cánh chung luận rất là cụ thể và hấp dẫn và chính vì thế nó đã cuốn hút cả triệu con người chấp nhận bao nhiêu hy sinh để xây dựng tương lai, cho nên có chứ không phải không đâu…”

     Trích đoạn ngắn trên đây có thể nói là bản copy bức tranh cảnh thiên đàng trần thế mà Karl Marx đã tưởng tượng ra. Đó là một xã hội trong đó mọi người yêu thương nhau như anh em, không ai hà hiếp bóc lột ai, mọi người tự giác làm việc đúng khả năng và hưởng cái công lao động tùy theo nhu cầu của mình. Khung cảnh thiên đường tốt đẹp mà Marx vẽ ra hấp dẫn đến độ có hàng triệu con người dám hy sinh cả cuộc đời để kiến tạo nên nó. Những con người này chết đi chẳng cầu Niết Bàn của Đức Phật, cũng không mơ tưởng Thiên Đàng của Chúa. Họ cho là họ đã mãn nguyện rồi vì, “sự nghiệp của tôi vẫn còn tồn tại mãi mãi trong nhân dân.” Vô thần mà, đâu còn cái gì nữa sau khi chết. Câu này nói rõ ý nghĩa “cánh chung” của người vô thần. Đấy là Cánh Chung Luận của CS theo giám mục Nguyễn Văn Khảm. Ông không bình luận, nhưng sự diễn tả của ông cho thấy ông rất ngưõng mộ luận điểm Cánh Chung của Marx. Giám mục Khảm nói: “Trong cái cánh chung luận rất là cụ thể và hấp dẫn và chính vì thế nó đã cuốn hút cả triệu con người chấp nhận bao nhiêu hy sinh để xây dựng tương lai ....” Bởi vì ông giám mục giảng cho bổn đạo trong một thánh lễ, lời giảng của ông tức là lời giáo huấn, cho nên phải hiểu rằng giám mục Khảm chủ tâm dậy bổn đạo nên noi theo hàng triệu con người CS kia mà thực hiện cái cánh chung của Marx: mãi mãi để lại sự nghiệp trong nhân dân. Thế thôi, Thiên đàng là chuyện vớ vẩn chăng?




     Cánh Chung của Marx tốt đẹp và hấp dẫn như thế, nhưng Marx là ai, và người đầu tiên có công lao nhất thực hiện Cánh Chung Luận của Marx là Lenin đã suy nghĩ thế nào về luận điểm này thì giám mục Nguyễn Văn Khảm lại không nói tới cho giáo dân của ông biết.

     Hầu như mọi người trên thế gian này đều cho rằng Marx là một người vô thần (atheist). Điều đó chỉ đúng trên sách vở. Thực ra Marx là một ngưòi hữu thần. Ông ta không tin có Thiên Chúa hay bất cứ thần linh nào, nhưng ông lại là một tín đồ ngoan đạo của giáo phái thờ Satan (Satanist cult). Linh mục Richard Wurmbrand, một tác giả nghiên cứu thâm sâu về Marx, phát giác ra rằng Marx là một đệ tử của giáo chủ Joana Southcott, tông đồ của thần Shiloh tức Satan. Ngay từ hồi còn là sinh viên, Marx đã sáng tác những vần thơ ma quái như thế này:

                        The hellish vapors rise anh fill the brain,
                        Till I go mad and my heart is utterly changed.
                        See the sword?
                        The prince of darkness
                        Sold it to me.
                        For me he beats the time and gives the signs.
                        Ever more boldly I play the dance of death.

(Xin tạm dịch: những luồng gió địa ngục nổi lên tràn đầy cả trí óc, cho đến khi tôi bị điên loạn, và tim tôi hoàn toàn đổi khác. Có thấy không cây kiếm mà vị hoàng tử của tối tăm đã trao nó cho tôi. Nó đánh nhịp và ra dấu cho tôi. Cứ như thế tôi càng hăng tiết đùa dỡn với tử thần.)

     Một câu hỏi đặt ra là, thế thì Karl Marx xướng xuất ra thuyết duy vật vô thần không phải là vô lý sao? Không đâu, lý thuyết Marx đẻ ra chỉ là để triệt hạ các tôn giáo, nhất là Thiên Chúa Giáo, sau đó xây dựng một thế giới mới không còn có thần linh mà chỉ tôn thờ tiền tài, danh vọng, và dục vọng mà thôi.

     Nếu như Cánh Chung Luận của Marx đáng trân quí thật như Gm Nguyễn Văn Khảm ca tụng thì người thực hiện lý thuyết của Marx là Lenin đã chẳng phải hối hận trước khi nhắm mắt lìa đời. Trên giường bệnh, Lenin đã cay đắng thố lộ tâm sự thật của lòng mình như sau: I committed a great error. My nightmare is to have the feeling that I’m lost in an ocean of blood from the imnumerable victims. It is too late to return. To save our country, Russia, we would have needed men like Francis of Assisi (*). With ten men like him, we would have save Russia

(xin tạm dịch: tôi đã phạm phải một sai lầm lớn. Cơn ác mộng của tôi là cảm thấy như mình bị rơi vào trong một đại dương toàn máu của không biết bao nhiêu là nạn nhân. Quá trễ để quay đầu trở lại rồi. Để cứu nước Nga, quê hương của chúng ta, chúng ta cần có những con người như Francis Assisi. Được 10 người như ông ta, chúng ta có thể cứu vãn được nước Nga.)

     Giám mục Nguyễn Văn Khảm nói chắc như định đóng cột rằng, bất cứ một tôn giáo nào cũng hàm chứa bên trong một cánh chung luận. Câu khẳng định này thiết tưởng cần phải được ngài giám mục làm sáng tỏ. Một vị giám mục tiến sĩ thần học không thể nói năng mù mờ được. Nếu hiểu chữ cánh chung trong lý thuyết của Marx như giám mục Khảm diễn giải thì vấn đề khỏi bàn tới, vì sự diễn giải của giám mục sai rồi như chúng tôi đã trình bầy ở trên. Cánh chung trong triết thuyết của Marx là mục tiêu xây dựng xã hội mà ông mơ ước đạt tới. Nhưng nếu hiểu chữ cánh chung như học thuyết công giáo dậy thì quả thật câu nói của giám mục Khảm đã trở nên hàm hồ. Khổng Giáo chẳng hạn thì Cánh Chung Luận của đạo Khổng là gì. Khổng Tử đã chẳng nói: Đạo khả đạo phi thường đạo. Và ông còn muốn cho quan điểm của mình về các vấn đề siêu hình được rõ ràng hơn, cho rằng, với quỉ thần chỉ nên kính nhi viền chi mà không nên đề cập tới. Hay như Phật Giáo thì thật sự Cánh Chung Luận của đạo Phật giải thích ra sao khi mà Đức Phật dậy rằng vũ trụ vạn vật là một chuỗi tiếp nối “sinh diệt - diệt sinh.” Con người chết đi đầu thai vào một kiếp sống khác. Đó có phải là một chung cuộc đâu?

     Cứ cho rằng trong lý thuyết của Marx có bao gồm Cánh Chung Luận như giám mục Nguyễn Văn Khảm khẳng định, nhưng điều khó hiểu là học thuyết này của Marx ngày nay đã bị cả loài người vứt bỏ vì nó sai lầm và không tưởng rồi. Thế nhưng tại sao người môn đệ tông truyền của Chúa lại nhắc lại trong ngày lễ kính Chúa Kitô Vua, vị tôn sư của mình, và còn ca tụng nó ngụ ý là khuyên tín hữu thực hành con đường Marx vạch ra. Hầu như mọi tín hữu đều băn khoăn và thắc mắc về điểm đó. Câu trả lời đã có thể tìm ra được ngay trong Phúc Âm rồi. Chúa dậy: “… Vì lòng có đầy thì miệng mới nói ra. Người tốt thì rút cái tốt từ kho tàng tốt của mình; kẻ xấu thì rút cái xấu từ kho tàng xấu của mình …” (Mt 12, 34-35). Nếu giám mục Khảm không ấp ủ Marx canh cánh bên lòng thì ông đã không rao giảng về Cánh Chung Luận của Marx trong ngày lễ kính Chúa Kitô Vua, người thầy của các tông đồ.

Duyên-Lãng Hà Tiến Nhất

*  Francis of Assisi là một vị Thánh công giáo sống vào đầu thế kỷ thứ 13. Thánh nhân sinh ra trong một gia đình thương buôn giầu có người Ý, nhưng Ngài đã từ bỏ hết của cải, sống đời khó nghèo và lo giúp đõ cho những ngưòi vần cùng và bất hạnh.

LM Đô Xuân Quế Binh luận về Cánh chung luận và con quạ đen Nguyễn Văn Khảm




----------------
câu trả lời của VG Nguyễn Văn Khảm về chủ thuyết Mác Lê giảng tại Nhà Thờ:


Phỏng vấn ĐGM Phêrô Nguyễn Văn Khảm về Bài giảng có nội dung “Cánh chung”

WGPSG – Phóng viên của WGPSG (PV) đã có cuộc gặp gỡ và phỏng vấn ĐGM Phêrô Nguyễn Văn Khảm (ĐGM) về Bài giảng có nội dung “Cánh chung” của ngài như sau:
PV: Thưa Đức cha, trong những ngày gần đây, một số anh chị em giáo dân cảm thấy hoang mang khi đọc trên mạng internet những lời phê phán bài giảng của Đức cha dịp lễ Chúa Kitô Vua, ngày 20-11-2011, tại Nhà thờ chính tòa Sàigòn. Con cũng đi dự lễ hôm đó nhưng con nhớ Đức cha không giảng giống như người ta phát trên mạng. Xin Đức cha cho biết rõ hơn.
ĐGM: Đúng thế, ngày lễ Chúa Kitô Vua vừa rồi, 20-11-2011, tôi mới ở Hà Nội về và đến Nhà thờ chính tòa để chủ sự Thánh Lễ khai mạc Công nghị giáo phận. Trong bài giảng hôm đó, tôi gợi ý về định hướng cho Công nghị chứ không nói về Cánh chung. Còn bài người ta phát trên mạng là bài giảng từ năm 1999, cũng ở Nhà thờ chính tòa.
PV: Như vậy là đã 12 năm rồi! Tại sao lại lấy bài giảng của 12 năm trước và gán cho Đức cha mới giảng, kèm theo nhiều lời phê phán như vậy?
ĐGM: Tôi không biết. Điều này chắc anh phải đi hỏi những người đưa tin thôi.
PV: Trong những lời phê bình bài giảng, nhiều người tập trung vào điều mà Đức cha gọi là Cánh chung luận. Đức cha có thể giải thích rõ hơn không?
ĐGM: Đã có nhiều vị giải thích việc này rồi, tôi chỉ xin thêm một chút. Từ “Cánh chung luận”, chúng ta dịch từ eschatologie trong tiếng Pháp hoặc eschatology trong tiếng Anh, được ghép bởi eschaton là sự cuối cùng, và logos là lời, hoặc như Đức Bênêđictô XVI hiện nay hay cắt nghĩa là lý trí, tư tưởng. Như thế, hiểu chung là suy tư về sự cuối cùng.
Với người công giáo, nói đến cánh chung luận là nói đến suy tư về những sự cuối cùng của đời người và thế giới, cụ thể là Chết, Phán Xét, Thiên Đàng, Hỏa Ngục. Cho nên còn gọi là Tứ Chung.
Câu hỏi đặt ra là: Những anh chị em ngoài công giáo, kể cả những người không tín ngưỡng, họ có suy tư về sự cuối cùng không, ví dụ, về cái chết? Và điều gì sẽ xảy ra sau khi chết? Trịnh Công Sơn chắc chắn không phải là người công giáo, tại sao âm nhạc của ông tràn ngập suy tư về cái chết: “Bao nhiêu năm rồi còn mãi ra đi, đi đâu loanh quanh cho đời mỏi mệt, trên hai vai ta đôi vầng nhật nguyệt, rọi suốt trăm năm một cõi đi về”? Và nhiều bài khác nữa, đến nỗi có người nói cái chết là nỗi ám ảnh khôn nguôi trong các sáng tác của ông. Mà đâu chỉ một mình Trịnh Công Sơn, hầu như đã làm người, ai cũng có suy nghĩ về sự chết và thế giới sau cái chết.
Nếu ai cũng băn khoăn về cái chết thì các tôn giáo và những hệ thống triết học có thể không quan tâm đến chăng? Đúng hơn là tôn giáo nào cũng cố gắng đưa ra câu trả lời cho những vấn nạn sâu nhất của lòng người, trong đó có câu hỏi về cái chết và về thế giới mai sau. Thế nên, nếu hiểu cánh chung luận là suy tư về sự cuối cùng, thì có thể nói tôn giáo nào và hệ thống triết học nào cũng hàm chứa một cánh chung luận nào đó.
PV: Nhưng còn với chủ nghĩa Marx thì sao?
ĐGM: Karl Marx cũng cung cấp một viễn tượng về thế giới tương lai như điểm đến của lịch sử. Đó là một thế giới lý tưởng, trong đó không còn cảnh người bóc lột người, mọi người bình đẳng với nhau, làm việc theo khả năng và hưởng thụ theo nhu cầu. Một tác giả đã gọi đó là cánh chung luận nội thế (eschatologie intra-mondaine). Và viễn tượng đó thu hút không ít người trên thế giới.
PV: Thưa Đức cha, nhiều người khó chịu về nhận xét này!
ĐGM: Tôi hiểu, nhưng cần phân biệt giữa ghi nhận và lượng giá. Thực tế thế nào, cứ ghi nhận như vậy. Còn lượng giá đúng hay sai, thành công hay thất bại, điều đó tùy mỗi người và lịch sử sẽ chứng minh. Để minh họa điều này, chỉ cần đọc lại một trang sách của nhà thần học Joseph Ratzinger, bây giờ là Đức Giáo Hoàng Bênêđictô XVI. Ngài viết về tác động của chủ nghĩa Marx tại trường đại học Tubingen vào thời điểm 1967 như sau:
“Chủ thuyết hiện sinh đã sụp đổ, và cuộc cách mạng mác-xít thắp lên nhiệt tình cho cả trường đại học, lay động nó đến tận nền tảng. Ít năm trước đây, người ta vẫn còn hi vọng các phân khoa thần học là thành trì chống lại sự cám dỗ của chủ nghĩa Marx. Bây giờ tình hình đảo ngược: những phân khoa thần học lại trở thành trung tâm của hệ ý thức mác-xít. Việc đưa chủ thuyết hiện sinh vào trong thần học, như Bultmann đã làm, không phải là không có những nguy hiểm cho thần học. Như tôi đã nói, trong Kitô học của tôi, tôi đã cố gắng chống lại “phương pháp” giảm trừ của chủ thuyết hiện sinh (existentialist reduction), cách riêng trong giáo huấn về Thiên Chúa. Lúc này lúc khác, tôi còn cố gắng vận dụng cả tư tưởng của Marx để tạo lực đối trọng, bởi lẽ ở cội rễ chủ nghĩa cứu thế – Do thái của nó (Jewish-messianic roots), chủ nghĩa Marx vẫn còn giữ được những yếu tố chủ đạo của Kinh Thánh. Thế nhưng sự phá hủy thần học đang diễn ra (qua việc chính trị hóa thần học như được quan niệm trong chủ nghĩa cứu thế của Marx), lại còn sâu xa hơn, vì chủ nghĩa Marx lấy niềm hi vọng trong Kinh Thánh làm nền tảng nhưng lại đảo ngược niềm hi vọng ấy, bằng cách vẫn giữ nhiệt tình tôn giáo nhưng lại loại trừ Thiên Chúa ra và thay thế vào đó bằng hoạt động chính trị của con người. Niềm hi vọng vẫn còn đó, nhưng đảng chiếm vị trí của Thiên Chúa, và cùng với đảng là chủ nghĩa độc tài chuyên chính, thực hành thứ “tôn giáo” vô thần, sẵn sàng hi sinh tất cả nhân tính cho thần tượng giả tạo của nó. Bản thân tôi đã thấy khuôn mặt kinh sợ của thứ đạo đức vô thần này, sự đe dọa của nó về mặt tâm lý, sự buông thả khiến cho người ta, một khi đã đạt được mục đích ý thức hệ rồi, có thể vứt bỏ mọi quan tâm đạo đức vì coi đó là cặn bã tư sản. Tất cả những điều đó thật đáng báo động ở tự nó, nhưng còn trở thành thách đố khủng khiếp hơn nữa đối với nhà thần học khi thấy hệ ý thức đó lại được cổ võ nhân danh đức tin và Giáo Hội bị sử dụng như một công cụ” (Joseph Ratzinger, Milestones, Memoirs 1927-1977, Ignatius Press, San Francisco: 1998, 137). Cũng vì thế, nhà thần học Joseph Ratzinger quyết định giã từ Tubingen để về Regensburg, nơi ngài giảng dạy cho đến khi được gọi làm giám mục.
Như thế, một đàng, nhà thần học Jospeh Ratzinger ghi nhận sự cuốn hút của chủ nghĩa Marx trong môi trường đại học lúc đó, hơn nữa ngài còn vận dụng tư tưởng của Marx khi giảng dạy thần học. Đàng khác, ngài đánh giá chủ nghĩa ấy ở chiều sâu để thấy được mối nguy hiểm trên nhiều bình diện. Cho nên, cần phân biệt giữa ghi nhận và lượng giá.
PV: Cảm ơn Đức cha đã trích dẫn những nhận định sâu sắc của nhà thần học Joseph Ratzinger. Tại sao Đức cha lại nói về điều này trong bài giảng?
ĐGM: Câu hỏi của anh liên quan đến một câu hỏi khác: Tôi giảng cho ai? Lúc đó, mỗi Chúa nhật, tôi dâng lễ tại Nhà thờ chính tòa lúc 18:30. Cử tọa của tôi là các bạn sinh viên và các anh chị trung niên, phần đông là người học thức. Họ được học về chủ nghĩa Marx ở đại học. Họ không xa lạ gì về những điều tôi nói. Điều quan trọng là khởi đi từ đó, tôi muốn trình bày về Vương quốc Chúa Kitô, Vương quốc của Đấng chịu đóng đinh trên thập giá, Vương quốc của tình yêu chứ không phải hận thù, và chỉ có tình yêu mới đem lại sự sống.
PV: Đức cha có muốn nói gì thêm về vấn đề này không?
ĐGM: Tôi tôn trọng ý kiến mọi người. Nếu mong muốn điều gì, tôi chỉ mong mọi người tôn trọng lẫn nhau khi thảo luận về bất cứ vấn đề gì. Tôi vẫn nhớ lời căn dặn của Đức Bênêđictô XVI về việc truyền thông. Ngài dùng bốn từ để diễn tả sự truyền thông chân chính: trung thực, cởi mở, tôn trọng người khác, có tinh thần trách nhiệm. Giữ được như vậy, các phương tiện truyền thông sẽ là những phương tiện tuyệt vời để loan báo Tin Mừng tình thương và sự sống.
PV: Xin chân thành cảm ơn Đức cha.

No comments:

Thời Sự "Nóng"





------------------------------------------

---------------------------------------------------------
Vân Anh -Ngày 1 tháng 10 Hà Nội Chính Thức Bán Nước Cho Bắc Kinh
----------------------------------------