Ngày 30 Tháng Tư đọc lại Boris Pasternak
Đã hơn 40 năm từ ngày tôi cầm đọc cuốn tiểu thuyết nổi tiếng “Bác sĩ Zhivago”, bản dịch của Nguyễn Hữu Hiệu, ở phòng nội trú Bệnh viện Bình Dân Sàigòn cho đến hôm nay đọc lại “Dr Zhivago” của Boris Pasternak bản dịch tiếng Anh mới của Richard Purvear và Larissa Volokhowsky, ấn bản tháng 10 năm 2010, cảm tưởng của tôi vẫn sâu đậm như ngày đầu.
Ấn tượng mạnh mẽ của tôi về một nước Nga vĩ đại, bao la, băng giá trong thời kỳ chiến tranh Âu Châu, cách mạng Cộng Sản qua đến nội chiến với bạo động, bạo lực cách mạng, hình ảnh các chuyến tầu hỏa xuyên qua những cánh rừng tuyết phủ, làng mạc bị đốt cháy, thị trấn bỏ hoang, những người nằm chết đói trong các thành phố lớn, Moscow, St Petersburg.
Trong khi cầm đọc cuốn sách đầu tiên viết về Cách mạng Sô Viết, về những bộ mặt trái và những sự thật trong khung cảnh miền Nam VN đang chống Cộng vào thời kỳ đầu thập niên 1970 giới trẻ chúng tôi đang âu lo về một nước Việt Nam có thể sẽ đi vào vết xe đổ của “Cách mạng và Giải phóng”. Một nước Nga có nền văn hóa cao với các văn hào vĩ đại như Pushkin, Chekhov, Gogol, Tolstoy, Dostoevsky đã bị đập vỡ. Tôi làm quen với những tên Nga lạ lùng như Zhivago, Larissa, Antipov, Komarovsky, Strelnikov ngoài tên Stalin quen thuộc.
Cuốn sách được dịch lại trong thời điểm người Nga đã đối diện với sự thật lịch sử nhờ cách mạng Đông Âu năm 1989 đưa đến sụp đổ đế quốc Sô Viết năm 1991 khác hẳn với Bắc Kinh vừa khánh thành Bảo tàng viện lịch sử trong đó xóa bỏ hình ảnh cách mạng ruộng đất và cách mạng Văn hóa của Mao Trạch Đông. Các thành tích giết người của Stalin và hình ảnh các trại giam Gulag, quần đảo ngục tù được phô bầy sau khi tượng Stalin bị hạ bệ, không như các tượng Mao Trạch Đông và Hồ Chí Minh vẫn còn được thờ ở Trung Hoa và Việt Nam.
Nhà độc tài Stalin giết hơn chục triệu người trong thời kỳ Cách mạng Sô viết và qua các quần đảo ngục tù Gulag. Stalin với câu nói “một mạng người chết là một thảm trạng còn triệu người chết chỉ là con số vô nghĩa” chỉ thua Mao Trạch Đông với hơn 30 triệu người chết qua “Bước nhẩy vọt” và trong các nông trường tập thể.
Người Nga có thể tha thứ nhưng không quên những nạn nhân của Stalin, đối với những người có thân nhân bị giết thảm khốc, họ khó có thể quên hận thù, nói như các sử gia sự khác biệt của lòng thù hận không tha thứ “giữa con số không và số một là con số vô định”.
Con số người bị giết tập thể vì sắc dân hay vì tinh thần quốc gia của CS Sô Viết gần với Đức Quốc Xã. Từ năm 1933 đến 1945, con số người chết trong các trại Gulag là một triệu người. Qua cuộc “Đại khủng bố”, Stalin giết hơn một triệu người. Từ 1930 đến 1933 có hơn năm triệu người chết trong đó nạn nhân người Ukraine lên đến 3.3 triệu. Năm 1937, “Đại khủng bố” có hơn 386,798 người bị bắn, tháng 8 năm 1937 có 111,091 người Nga bị giết vì nghi ngờ làm gián điệp cho Ba Lan. Trước thế chiến thứ hai, Stalin giết người nhiều hơn Đức Quốc Xã. Đến thời kỳ cách mạng, 30 triệu công dân Sô Viết bị chết đói và 10 triệu người bị bắn trong các trại tập trung.
Hai lầm lỗi lớn nhất trong thế kỷ 20 là Holocaust và Gulag. Danh từ Gulag đồng âm với Archipelago (Arkhipelag Gulag) đến từ chủ trại tù Solovki, Gulag đầu tiên trên đảo Kolovetsky, tên Degtyarev, ông này chuyên bắn và giết tù nhân được tặng biệt danh “nhà giải phẫu trại tù”.
Nhà văn Solzhenitsyn nghe danh từ Gulag từ tù nhân khoa học gia Dimitry Likhachev ở nhà tù Silovki. Nhờ nhà văn Solzhenitsyn, thế giới biết đến quần đảo ngục tù nhưng năm 2003 bà Anne Apple baum viết rõ: “Gulag là hệ thống lao động, nô lệ, trại lao động, trại trừng phạt, trại giam phụ nữ, trại tù chính trị, tội phạm. Gulag từ chữ G viết hoa, đổi thành danh từ gulag (chữ g viết thường) đồng nghĩa với hệ thống áp bức Sô Viết, một nhà tù nhỏ trong nhà tù vĩ đại là Sô Viết nhà tù không hàng rào kẽm gai. Tù nhân vào Gulag như vào máy xay thịt “bị bắt, phỏng vấn, tù nhân bị chở trong những xe chở trâu bò không máy sưởi, lao động cưỡng bách, gia đình tan vỡ, vì bị lưu vong, lưu đầy, chết sớm, những cái chết không cần thiết”.
Doctor Zhivago
Cuốn truyện Dr Zhivago được Hollywood biến thành cuốn phim nổi tiếng năm 1965 với Julie Christie trong vai Larissa (Lara, có nghĩa hớn hở) và Omar Sharif trong vai Dr Zhivago (Zhiv, sự sống) đã làm sai lạc nội dung cuốn truyện, biến câu chuyện Dr Zhivago thành chuyện tình với bài hát tuyệt vời “Somewhere my love” và chân dung chàng thi sĩ.
Đạo diễn David Lean nổi tiếng với phim “Cầu sông Kwai” đã làm thất vọng nhà văn Vladimir Nobokov (tác giả truyện Lolita) người đã gọi sách Dr Zhivago là “một trong những sự kiện vĩ đại trong lịch sử văn học và đạo đức của thế giới”.
Câu chuyện xoay quanh hai nhân vật chánh Yuri Zhivago và Lara. Zhivago có máu thi sĩ, thích triết lý và huyền bí, thi sĩ tính của người Nga vớI thơ là: “ánh sáng, không khí, tiếng động của cuộc đời, mùi hoa từ ngoài vào căn phòng qua cánh cửa sổ”. Zhivago không đẹp trai như tài tử Omar Sharif, Lara ngày đầu gặp Zhivago đã bâng khuâng tự hỏi “Yuri có đẹp trai không vì ngoài bộ râu mép, chàng có cái mũi tẹt và hếch (snub-nosed)” Zhivago từ triết lý đi qua tôn giáo. Lara sống thực tế, không tôn giáo trừ khi bị bắt buộc đi nhà thờ thì cũng ngồi “khóc sụt sùi” nhưng sau đó về nhà quên cả thượng đế.
Ý niệm về “con người tự do” của Zhivago từ thi sĩ Boris Pasternak là “sống trên đời phải biết hy sinh”. Cậu bé Yuri Zhivago, ngay trong phần đầu câu chuyện và phần đầu cuốn phim, sau đám tang mẹ, ban đêm thức đứng ở cửa sổ nhìn ra ngoài trời đầy tuyết, cậu bé đã nghĩ về cuộc đời “thế giới bên ngoài chung quanh như cánh rừng vì vậy khi mẹ mất cậu đã rúng động vì cậu đã đi lạc vào cánh rừng với mẹ, nay mẹ mất cậu bơ vơ cô đơn trong cánh rừng, cánh rừng ấy bao gồm tất cả mọi điều trên đời...” Cánh rừng từ đó có ý nghĩa lớn và dính liền với đời của Bs Zhivago. Cánh rừng phủ tuyết trắng mênh mông bên ngoài chuyến xe lửa khi cha của Zhivago nhẩy xuống tự vẫn. Cánh rừng khi Zhivago bị quân cách mạng bắt cóc. Cánh rừng và tuyết ở Moscow khi chàng Yuri trẻ tuổi đi trên xe trượt tuyết băng ngang cùng một tâm cảnh với Lara ngay cả khi Zhivago chưa hề gặp nàng.
Cậu bé Zhivago lớn lên, hay trầm tưởng, thích viết văn, làm luận xuất sắc trong trường, mơ viết sách, thành thi sĩ nhưng sau lại mê vật lý, hóa học, cảm thấy “nghệ thuật đôi khi không hợp vì máu thi sĩ có khi vui buồn quá độ không thể là một nghề để sinh nhai nên cậu chọn y khoa một nghề có thể giúp ích cho xã hội.
Bác sĩ Zhivago sống trong thời cách mạng, không bị dao động vì những xáo trộn gây ra khi cách mạng đã làm “sụp đổ mái nhà của nước Nga, cả dân Nga một ngày thưc dậy thấy mình sống trong căn nhà không mái”. Mái nhà nước Nga đã bị cách mạng Bolsheviks những kẻ sanh ra với máu chiến tranh, không phải vì ý thức hệ cách mạng của giới trí thức Nga năm 1905, Bolsheviks với máu phá hoại phá vỡ tất cả nền tảng tốt đẹp của nước Nga”.
Bác sĩ Zhivago bất đồng với cách mạng xây dựng “con người mới xã hội chủ nghĩa” đi ngược với tự nhiên. Thuyết sống hiện hữu của Zhivago là “con người sinh ra để sống, không sửa soạn trước cho cuộc đời”, con người không sửa soạn ấy thờ ơ với cách mạng vì “cách mạng là căn bịnh của thời đại chúng ta”.
Cách mạng và chiến tranh đem đến quyền lực cho thiểu số lãnh đạo còn đối với những người dân vô tội họ là nạn nhân. Bs Zhivago sống một cuộc đời trôi nổi, không tự mình làm chủ cuộc đời, làm bác sĩ đúng với lương tâm, làm việc tốt, tham dự vào chiến tranh vì bị cưỡng bức nhưng hoàn toàn không dính dáng với bất cứ những xáo trộn của xã hội và con người, ngay cả Lara cũng bị ngọn sóng định mệnh đẩy đi ra khỏi cuộc đời của Yuri Zhivago.
Gia đình Zhivago giầu có nổi tiếng nhưng bị phá sản trước cách mạng. Sau khi mẹ mất Yuri Zhivago về sống với gia đình Gromeko. Hôn nhân đầu tiên với Tonya Gromeko đến từ tình bạn. Trước khi mất, bà Anna mẹ của Tonya cầm tay Yuri và Tonya bắt hai cô cậu hứa sẽ gắn liền hai cuộc đời của họ. Cảm thấy trung thành với vợ nhưng Zhivago không tìm thấy tình yêu như đối với Lara. Có máu nghệ sĩ, ông bác sĩ Zhivago không tự chủ, cuộc đời tình ái nghiêng về thơ hơn là về khoa học. Cuối cùng Zhivago có năm con, ngoài Tonya, Lara, Zhivago còn một bà vợ thứ ba với một đứa con, chàng sống lơ mơ không để ý đến bất cứ đứa con nào.
Lara, sống trong gia đình tiểu tư sản, hứa hôn với Pasha Antipov, dạy học ba năm trong nhà gia đình Kologrivovs, đủ tiền để trả nợ cờ bạc 700 “Rup” cho ông anh. Luật sư chủ nợ Komarovsky lợi dụng sự ngây thơ của Lara, dùng Lara như nô lệ tình dục. Tiền, Tình, Dục vọng, Viktor Komarovsky điển hình một luật sư lạnh lùng, quyến rũ, dụ dỗ Lara cũng là người đã đẩy cha của Yuri Zhivago vào con đường tự vẫn trên chuyến xe lửa. Con quỷ Komarovsky và định mệnh đã đưa đẩy Lara và Bs Zhivago đến với nhau. Tiếng súng của Lara bắn vào Komarovsky ở đêm dạ tiệc giáng sinh nhà Sventisky cũng là tiếng súng Lara tự bắn vào mình và bắn vào định mệnh. Định mệnh của Lara và cũng là định mệnh của nước Nga. Tiếng súng bắn hụt vào Komarovsky đã làm Zhivago nhớ đến một Lara bị Komarovsky khống chế trong căn phòng cạnh bà mẹ của Lara khi Bs Zhivago đến cứu khi bà uống thuốc độc quyên sinh.
Lara bỏ nghề cô giáo, trở thành y tá trong khi đi tìm người chồng mất tích Pasha Antipov. Pasha không mất tích nhưng theo cách mạng bỏ hai mẹ con Lara sau khi biết chuyện cũ giữa Lara và Komarovsky. Lara và Zhivago cùng làm việc ở bệnh viện dã chiến (trong biệt thự bị cách mạng tịch thu) bắt đầu yêu nhau nhưng khác với cuốn phim của David Lean bắt đầu chuyện tình của Zhivago với cái hôn nồng cháy khi Lara ủi quần áo ở bệnh viện, lỡ làm cháy áo trên bàn ủi.
Trong truyện, Bs Zhivago nói rất nhiều, thích biện luận, tranh cãi. Hai người yêu nhau nhưng không “sấm sét” như phim Hollywood. Họ sống theo cuộc đời trôi cuốn nhưng nói nhiều về định mệnh nước Nga, về triết lý cách mạng. Zhivago biện luận giữa Marx và khoa học “Chủ nghĩa Marx không phải là khoa học tích cực, không phải là khoa học vì khoa học quân bình hơn lý luận Marx. Con người khi nắm quyền luôn luôn vì quyền lợi của họ quay mặt đi với sự thật, tôi không thích những kẻ thờ ơ với sự thật”. Còn Lara nhận thấy “Dối trá đã đến trên đất nước Nga, dân bắt đầu hát một bài hát giống nhau, không biết lúc nào sự thật sẽ đến hay lúc nào sự thật được chấp nhận ở nước Xã hội Chủ nghĩa đầu tiên trên thế giới”.
Zhivago và Lara chỉ sống chung khi về tỉnh Yuriatin (một thành phố tưởng tượng ở Urals). Zhivago tình cờ gặp lại Lara trong thư viện, đi theo về nhà gia đình Lara bị Hội đồng Cách mạng chiếm, những gia đình chia nhau chen chúc sống trong thời “cách mạng”. Ông Bs Zhivago từ khi dọn về Urals từ Moscow không về nhà với vợ, ở với Lara trong hai tháng trước khi bị quân Bolsheviks bắt cóc. Ba lần tìm cách trốn nhưng bị bắt lại ông không còn tìm cách trốn nữa. Quân cách mạng di chuyển liên tục, Bs Zhivago trở thành tù nhân “trong một nhà tù không hàng rào kẽm gai, không có lính canh, không có tháp canh, người bị tù và cai tù sống chung” Boris Pasternak tả cảnh tù giống như dân Nga hay dân Việt sống trong xã hội chủ nghĩa, một nhà tù lớn.
Những kẻ giải phóng Bs Zhivago “chìm đắm trong sự ngu dốt và nghèo đói. Họ lúc nào cũng nghĩ sẽ giải phóng dân, sẽ làm dân sung sướng hạnh phúc mặc dù dân chúng không yêu cầu họ. Họ nghĩ rằng không nơi nào trên thế giới có hạnh phúc hơn trại giam của họ.”
Cuộc cách mạng được Bs Zhivago chứng kiến đầy đủ với những thảm cảnh như tháng 2, 1917, ở mặt trận miền Tây, người chỉ huy quân Cách mạng Nga bắn giết không mục đích, vài năm sau cũng chính kẻ ấy ở Urals trong trận nội chiến đã trở nên điên khùng vì những ký ức cũ đã làm hắn mất trí, giết người không lý do, nhiều khi giết chỉ vì kẻ đối diện cười dễ ghét. Cuối cùng viên chỉ huy Bolsheviks tự bắn vào đầu để tránh cơn khủng hoảng thần kinh.
Định mệnh tách Lara ra khỏi cuộc đời Zhivago. Lara đi khỏi Yuriatin với Ls Komarovsky, Bs Zhivago về lại Moscow, viết văn, dửng dưng với cuộc đời và với chính mình, yêu Moscow thành phố tan nát sau cách mạng “nàng đã giúp tôi trưởng thành”, nàng là Moscow chứ không phải là Lara.
Cuối cùng thì Lara sống một cuộc đời cô độc. Ông chồng Pasha bí danh Strelnikov (kẻ bắn sẻ) tự sát. Dr Zhivago chết vì chấn động cơ tim. Kẻ đáng lẽ bị bắn chết, Ls Komarovsky, lại được Boris Paternak cho sống.
Lara trở về thăm Bs Zhivago ngày tang lễ, thầm thì khóc cạnh quan tài “họ yêu nhau vì mọi sự chung quanh muốn họ yêu nhau: đất dưới chân, bầu trời ở trên cao, mây, cây cối, rừng và hầu như mọi sự chung quanh vui với tình yêu của họ hơn là chính họ”.
Cuốn truyện Dr Zhivago xuất bản đầu tiên ở Ý năm 1957, năm sau có bản tiếng Anh, mãi đến 30 năm sau nhờ “Đổi Mới” sách mới được xuất bản ở Nga. Boris Pasternak mất 10 năm mới viết xong truyện, nhờ TBT Nikita Krushchev qua bài “diễn văn bí mật” vạch trần tội ác Stalin năm 1956. Tác giả bị quản thúc tại gia. Tờ báo Pravda (Sự Thật) tấn công Pasternak nhưng con của Pasternak thay bố đi lãnh giải Nobel Văn chương ở Thụy Điển khác với trường hợp của Lưu Hiểu Ba ở Trung Cộng 51 năm sau.
Cách mạng xẩy ra ở Trung Hoa, và ở Việt Nam giống y như ở Nga qua truyện Bs Zhivago.
Khi Mao Trạch Đông được các nhà báo Tây phương hỏi: “Theo ông hậu quả của cuộc cách mạng Pháp năm 1789 như thế nào?” Mao Trạch Đông trả lời “Chưa ai rõ!”
Hậu quả của cuộc cách mạng 1789 đối với Mao chưa rõ nhưng hậu quả của những cuộc cách mạng Cộng sản đã rõ: phải mất nhiều thế hệ, Trung Hoa và Việt Nam mới xây dựng lại được căn nhà đổ nát từ trong ra ngoài.
Việt Nguyên
No comments:
Post a Comment