Thượng nghị sĩ Ted Kennedy qua đời, hưởng thọ 77 tuổi
Nguyễn Khanh, phóng viên RFA
2009-08-26
Thượng Nghị Sĩ Edawrd Kennedy, một trong những chính trị gia hàng đầu của nước Mỹ vừa từ trần tối hôm qua, thọ 77 tuổi.
Nhân vật cuối cùng của dòng họ Kennedy
Sau hơn một năm trời chống chọi với chứng ung thư não, Thượng Nghị Sĩ Dân Chủ Edward Kennedy, một trong những chính trị gia hàng đầu và kỳ cựu của Hoa Kỳ đã qua đời tối hôm qua tại nhà riêng, hưởng thọ 77 tuổi.
Thông báo của gia đình ông viết rằng: “Gia đình mất đi cột trụ không thể thay thế và nguồn ánh sáng vui tươi của cuộc đời, nhưng cảm hứng về niềm tin, sự lạc quan và tính kiên định của ông sẽ sống mãi trong tim của chúng tôi”.
Không chỉ nổi tiếng trong cương vị của một nhà lãnh đạo có tài thuyết phục để tạo liên kết giữa hai đảng Dân Chủ và Cộng Hòa, ông còn là được thế giới biết đến vì là người em út đồng thời cũng là nhân vật cuối cùng của dòng họ danh giá Kennedy.
Dòng họ này góp mặt với chính trường trường trong nhiều thập kỷ qua, khởi đầu với thân phụ của ông, sau đó là người anh trai John F. Kennedy đắc cử Tổng Thống và một người anh trai khác là Nghị Sĩ Robert F. Kennedy bị ám sát lúc đang trên đường dự cuộc đua tiến về Nhà Trắng.
Gia đình mất đi cột trụ không thể thay thế và nguồn ánh sáng vui tươi của cuộc đời, nhưng cảm hứng về niềm tin, sự lạc quan và tính kiên định của ông sẽ sống mãi trong tim của chúng tôi.
Thông báo của gia đình Kennedy
Ông cũng còn một người anh trai nữa tên Joseph tử nạn trong một tai nạn máy bay thời thế chiến thứ 2, và cách đây chỉ vài tuần, bà Eunice Kennedy Shriver, chị ông cũng vừa mất.
Sự nghiệp chính trị
Là con trai duy nhất còn sót lại của gia đình danh giá này, đương nhiên, ông được nhiều người mong đợi sẽ tiếp nối bước đi của các người anh để làm chủ Nhà Trắng.
Ước mơ này không trở thành sự thật, sau một vụ việc đến giờ vẫn còn được nhiều người xem là bí ẩn, khi chiếc xe ông cầm lái đâm xuống một con rạch nhỏ ở Chappaquiddick khiến người phụ nữ đi cùng xe với ông bị chết đuối.
Tai nạn được chú ý đến nhiều hơn nữa khi tin tức được loan tải nói ông tự ý rời khỏi địa điểm xảy ra tai nạn thay vì phải báo cho cảnh sát biết. Trước tòa, ông nhận lỗi của mình và được hưởng án treo.Các nhà quan sát chính trị đều tin vụ án đã cản đường tiến về Nhà Trắng của ông. Năm 1980, ông ghi tên tranh cử sơ bộ đối đầu với đương kim Tổng Thống Jimmy Carter. Cuộc vận động không được dân chúng Hoa Kỳ ủng hộ ngay từ phút đầu, buộc ông phải tuyên bố rút lui.
Trong bài diễn văn nhìn nhận thất bại, ông nói rằng có thể thua một trận chiến cá nhân nhưng không vì thế mà bỏ dở cuộc chiến ông đã vạch ra là tranh đấu cho mọi người. Ông bảo rõ “ước mơ và hy vọng vẫn còn đó”
“Ước mơ và hy vọng” đó được ông thể hiện trong suốt khoảng thời gian kéo dài gần 50 năm hoạt động và trở thành một thế lực lớn, một khuôn mặt nổi bật trong chính trường của nước Mỹ.
Trong cương vị của một Nghị Sĩ điều khiển nhiều ủy ban khác nhau, có thể nói không sai là các quyết định của ông ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của mọi tầng lớp dân chúng.
Tài lãnh đạo và sự khéo léo của ông đã liên kết được các thành phần chính trị khác nhau ở Quốc Hội, điển hình ông đã thuyết phục được Tổng Thống George Bush ủng hộ chính sách cải tổ an sinh xã hội, cùng với Thượng Nghị Sĩ John McCain đưa ra đề nghị cải tổ luật di trú với hy vọng giải quyết được tình trạng của nhiều triệu người đang cư ngụ bất hợp pháp trên đất Mỹ.
Ông từng được tạp chí TIME vinh danh là “một trong 10 Nghị Sĩ tuyêt diệu nhất của Hoa Kỳ”, được chính bạn đồng viện Cộng Hòa John McCain ngợi khen là “chính trị gia làm việc hữu hiệu nhất ở Thượng Viện Liên Bang”.
Bên cạnh những thành quả đó, ông còn được biết đến vì là người lên tiếng kết án Tổng Thống George W. Bush rất nặng nề về cuộc chiến Iraq, khi cáo buộc ông Bush cố ý dùng những bằng chứng không xác thực để đưa quân vào Baghdad và những bê bối chung quanh việc cho phép Cơ Quan Tình Báo Trung Ương CIA tra tấn tù nhân.
Ted Kennedy và Việt Nam
Người ta cũng không quên trước 1975, ông nhiều lần ra trước diễn đàn Thượng Viện để đặt những câu hỏi khá lớn về sự hiện diện và chiến lược quân sự của Hoa Kỳ ở chiến trường Việt Nam.
Nhưng sau ngày cuộc chiến kết thúc, ông hết lòng ủng hộ các dự luật để đưa người tỵ nạn Việt Nam vào Mỹ và hỗ trợ cho những đạo luật giúp họ nhanh chóng hội nhập với cuộc sống mới.
Ông là vị Nghị Sĩ Dân Chủ đầu tiên lên tiếng đòi Hà Nội trả tự do cho những quân nhân, công chức Việt Nam bị giam giữ trong trại cải tạo, và cũng là người đầu tiên của Đảng Dân Chủ triệt để ủng hộ tất cả những nỗ lực để đưa những người Việt mới ra khỏi tù đó sang Mỹ định cư qua chương trình thường được biết đến với tên Chương Trình H.O.
Không đầy 2 năm trước đây, ông là chính trị gia tầm cỡ đầu tiên lên tiếng ủng hộ ứng viên Barack Obama giữa lúc cuộc tranh cử giữa ông Obama và Bà Hillary Clinton đang ở trong giai đoạn gây cấn nhấn. Vì thế, khi nghe tin ông từ trần, Tổng Thống Obama đã phát biểu rằng “vừa mất đi một người bạn chân tình nhất”.
Nghị Sĩ Edward Kennedy mất đi để lại một sự nghiệp chính trị quá lớn. Người dân Hoa Kỳ còn nhớ trong điếu văn đọc nhân lễ tang anh ông là Cố Tổng Thống John F. Kennedy, ông bảo rằng những anh ông để lại đều là những điều thật đơn giản.
Đơn giản đó là “thấy điều sai thì sửa cho đúng, thấy khổ đau thì tìm cách đem lại hạnh phúc, và thấy chiến tranh thì tìm cách ngăn chận”.
Và chính cá nhân ông cũng đã làm những điều này cho đến ngày nhắm mắt.
No comments:
Post a Comment