Duyên-Lãng Hà Tiến Nhất
Năm nay lễ Giáng Sinh đến, khắp nơi trên nước Mỹ, mưa dầm dề, tuyết đổ, trời lạnh thấu xương. Kẻ hèn này vốn là thứ dân “đầu đường xó chợ”, tối ngày lang thang ngoài đường mà phải nằm bẹp ở nhà là một cực hình không chịu nổi. Nhưng vậy mà cũng có cái hay. Nằm nhà có thì giờ đi chu du khắp nơi trên “thế giới ảo” xem người ta mừng Giáng Sinh ra sao cũng là một cái thú. Cặp mắt lội bộ trên con đường vạn nẻo, ghé từng trang web, vô mấy tờ báo quen, không khí Giáng Sinh náo nhiệt đáo để, mặc dầu giữa lúc khung trời kinh tế mây đen vần vũ chẳng khác gì bầu trời xám xịt bên ngoài. Người ta nghỉ làm việc thì có nghỉ, ăn chơi thì có ăn chơi, mua sắm thì có mua sắm, quà cáp thì có quà cáp, vân vân và vân vân, nhưng việc thực hiện cái nội dung chính của một ngày lễ mang ý nghĩa tôn giáo thì rất ít. Đó là điểm đáng buồn nói chung. Và, cũng còn có những điểm nói riêng chẳng vui tí nào đối với những con chiên còn ngoan ngoãn trong đàn.
Trước hết, phải kể đến chuyện trang web Nữ Vương Công Lý đăng một cái tin rất lạ: báo An Ninh Thủ Đô (ANTĐ) của VGCS đăng thư chúc mừng Giáng Sinh của Ủy Ban Đàn Két Công Giáo (UBĐKCG). Lá thư mang hình thức một cương lĩnh đại hội đảng và rất đạt tiêu chuẩn “tốt đời đẹp đạo” không chê vào đâu được. Chúa ngự trên trời cao chắc cũng phải hài lòng và mỉm cười.
Chưa bao giờ kẻ hèn này thấy chuyện lạ lùng như thế này xẩy ra bao giờ: VGCS yểm trợ người Công Giáo tổ chức mừng lễ Chúa Giáng Sinh. Chẳng khác gì chuyện Liêu Trai chí dị. Thực tế còn lạ hơn chuyện Liêu Trai nhiều nữa. Thật vậy, CS là một chế độ nổi tiếng thù ghét các tôn giáo, nhất là Công Giáo. Báo ANTĐ là tờ báo của đảng bộ đảng CS tại Hànội lại trịnh trọng đăng thư chúc mừng lễ Giáng Sinh không phải là chuyện lạ sao? Nhà nước VGCS không dẹp bỏ việc tổ chức mừng lễ Giáng Sinh đã là may rồi. Chúng tham gia mừng Birthday của Chúa với người công giáo là điều chưa từng xẩy ra. Có phải sói đã thành chiên rồi không? Đáng vui hay đáng buồn. Đây không phải là kết quả nhãn tiền của hành vi xưa nay cúi gằm mặt đối thoại với VGCS của ngài TGM Nguyễn Văn Nhơn, chủ tịch Hội Đồng Giám Mục VN và một số các ngài Hồng Y, Giám Mục chức sắc trong đạo sao? Nhờ có việc cúi đầu đối thoại như thế, tôn giáo (xin hiểu là Công Giáo) không những đã không bị cấm cản, mà còn được nhà nước lo cho hết mình.
Nhớ chuyện Giáng Sinh 1954, cũng tại Hànội, bọn cán bộ CS cũng có ý yểm trợ nhà thờ chính tòa tổ chức lễ Giáng Sinh. Chúng đem hoa, đèn đến trang trí chung quanh thánh đường, nhưng cha chính Vinh ngài không cho. Thế là cha Vinh “được” đi học tập cải tạo mút mùa lệ thủy ở trại Cổng Trời và bỏ xác tại đó. Cha chính Vinh thật là dại, nhẹ không ưa lại ưa nặng, khổ thân mình mà giáo dân cũng khổ lây. Mọi chuyện cứ phó mặc để nhà nước “no” cho như Ủy Ban Đàn Két và ngài TGM Nguyễn Văn Nhơn có phải khỏe re như con bò kéo xe không.
Qua sự việc này, người viết suy nghĩ, chắc Chúa trên trời cũng đã rút ra được một bài học kinh nghiệm từ các môn đệ hậu duệ VN của Ngài. Hai ngàn năm trước đây, nếu Chúa cũng biết nhẫn nhục cúi đầu đối thoại với các kỳ mục Do Thái, đừng lớn tiếng công kích “thói đời” bất chính của họ, nhẫn nhục thuần phục và xu theo lối sống của họ, thì chắc là Chúa đã khỏe rồi, đâu có phải chết một cách nhục nhã như những tên trộm cướp. Đàng khác, đạo của Ngài còn dễ dàng bành trướng trong dân Do Thái, thu hút cả các chức sắc trong dân nữa chưa biết chừng. Kẻ hèn này, một con chiên lạc xa xứ, xin chân thành có lời chúc mừng Ủy Ban Đàn Két và Hội Đồng Giám Mục VN.
Chuyện khác xin kể là việc xẩy ra ở nước Mỹ. Thông tín viên Nina Totenberg của hệ thống phát thanh NPR nói trên một chương trình địa phương “Inside Washington”, sáng 20-12 đã xin lỗi thính giả vì dùng chữ “Christmas party” trong khi on air. Trang Web Western Journalism đặt câu hỏi: Chữ Christmas có phải đã thật sự trở thành một danh từ bẩn thỉu không (Christmas has really been turned into a dirty word.) Việc làm của TTV Totenberg là một hành động phủ nhận ngày Christmas, tức chối bỏ việc Chúa sinh ra làm người. Ở Mỹ này, người ta không lạ gì cái hiện tượng vô thần này. Nước Mỹ là một xã hội đang từng bước đi đến vô thần hóa, một thoái trào tư tưởng khi con người tưởng rằng khoa học có thể làm chủ được thiên nhiên và được tất cả. Thực tế cho thấy, trên mục tiêu vô thần hóa đời sống con người, chủ nghĩa CS đã tỏ ra thua kém chủ nghĩa tư bản xa lắc. Tiền bạc và lối sống buông thả dụ khị con người bỏ rơi Thượng Đế dễ dàng hơn áp bức và ép buộc nhiều. Ở các nước tư bản, con người tự động chối bỏ tôn giáo chứ không cần phải đàn áp, cấm đoán như dưới chủ nghĩa CS.
Để ý hơn một chút thôi, người ta sẽ thấy trên nước Mỹ, một trào lưu không rầm rộ, nhưng âm thầm chối bỏ kỷ niệm mừng ngày Thiên Chúa giáng sinh làm người. Cũng cùng một ý hướng như TTV Totenberg, từ ngữ thông dụng xưa nay “Merry Christmas” trước các sở làm, trong các cửa tiệm, trên các gói quà nay đã biến mất, và được thay thế bằng hàng chữ “Happy Holydays Season.” Mấy hôm trước, báo chí Mỹ đăng, cây thông Giáng Sinh (Christmas tree) tại một chi nhánh ngân hàng Bank of America buộc phải dời đi chỗ khác, lý do vì “nó không thích hợp.” Chả là vì khu vực đó có nhiều người Hồi giáo cư ngụ. Người ta sợ khách hàng Hồi giáo kỵ mà đi chỗ khác. Thì ra tiền là Tiên là Phật, là sức bật của cả đến ý thức tôn giáo nơi con người.
Rõ ràng chúng ta thấy có một hiện tượng đảo nghịch giữa VN và Hoa Kỳ: nơi được tự do tôn giáo thì con người có khuynh hướng chối bỏ Thượng Đế, và nơi không được tự do tôn giáo thì Thương Đế lại được nhà nước vô thần giúp đem đến cho con người. Có phải Marx có lý khi nói: Tôn giáo là tiếng thở dài của những con người bị áp bức. VGCS đang vận dụng nhuần nguyễn nhận định đó của Marx. Chúng thừa hiểu rằng, diệt hết mọi mầm mống tôn giáo là không thể được. Và, để giữ vững chuyên chính, chế độ nhất định phải dùng biện pháp đàn áp. Hai đường lối không thể đi song hành, như vậy thì chỉ còn cách tương kế tựu kế là hay nhất: vừa đàn áp, bóc lột, vừa tạo môi trường cho kẻ bị đàn áp có chỗ trút tiếng thở dài. Để tạo ra môi trường không gì bằng cách ban phát cơ hội cho tôn giáo khuếch trương, giúp phương tiện cho tôn giáo phát triển, và nuôi các chức sắc các tôn giáo bằng địa vị và quyền lợi thật sung mãn. Chính sách này xưa nay VGCS gọi là “tốt đời đẹp đạo.” Chắc chắn không phải là tự nhiên hay vì tốt bụng, báo ANTĐ đăng thư chúc mừng Giáng Sinh của Ủy Ban Đàn Két Công Giáo.
Duyên-Lãng Hà Tiến Nhất
Đòi lại đất tôn giáo - hy vọng mong manh
Khánh An, phóng viên RFA
2010-12-22
Dòng Chúa Cứu Thế Việt Nam vừa công bố Văn thư phản đối Quyết định của UBND tỉnh Lâm Đồng về quy hoạch đối với khu đất của nhà dòng tại TP. Đà Lạt.
Theo đó, UBND tỉnh Lâm Đồng đã tổ chức họp dân để thông báo về việc quy hoạch nhưng lại không mời Dòng Chúa Cứu Thế là chủ sở hữu của khu đất. Phía nhà dòng cho đây là một hành động vi phạm pháp luật.
Khánh An phỏng vấn Linh mục Giuse Đinh Hữu Thoại, chánh văn phòng DCCT xung quanh sự việc này.
Đã kiến nghị nhiều lần
Trước hết, LM. Đinh Hữu Thoại cho biết:
Tại TP. Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng, Dòng Chúa Cứu Thế Việt Nam đã tạo lập được một miếng đất có diện tích khoảng 35 ha, địa điểm ở Cam Ly, Đà Lạt. Nhà dòng đã xây dựng một tu viện vào năm 1950. Những năm tiếp sau đó, nhà dòng có lập một trang trại trong khu vực đó gọi là Trại gà Scala và một trường học tên Trường Trung học Minh Đức. Sau năm 1975, chính quyền tỉnh Lâm Đồng chiếm dụng hầu hết các cơ sở này của Dòng Chúa Cứu Thế mà không có một căn cứ pháp luật nào đúng đắn. Họ đã dùng tu viện của chúng tôi trước đây làm Phân viện Sinh học, sau này họ đổi tên là Viện Sinh học Tây Nguyên.
Trường Minh Đức thì họ lấy làm Trường THPT Đống Đa hiện nay, trại gà Scala thì bây giờ trở thành Công ty cổ phần chăn nuôi gà Đà Lạt. Đã từ rất lâu, Dòng Chúa Cứu Thế liên tục lên tiếng đề nghị chính quyền trao trả lại các cơ sở trên để nhà dòng có nơi để phục vụ cho việc tu học của các tu sĩ của dòng và phục vụ cho giáo dân. Nhưng chính quyền tỉnh Lâm Đồng không đếm xỉa gì những nhu cầu đó mà luôn luôn họ chỉ trả lời có một câu vỏn vẹn là "Không có cơ sở để giải quyết."
Thực sự chúng tôi không biết là nhà nước, chính quyền có thay đổi lập trường để đoái hoài đến những nhu cầu chính đáng của chúng tôi không, chúng tôi đã gửi văn thư trao đổi qua lại suốt 3 năm nay rồi.
LM. Đinh Hữu Thoại
Khánh An: Vâng thưa linh mục, như vậy thì Dòng Chúa Cứu Thế sẽ làm gì đối với quyết định sẽ đưa vào quy hoạch khu đất của nhà dòng?
LM. Đinh Hữu Thoại: Trước mắt chúng tôi phản đối quy hoạch đó bởi vì theo luật pháp nhà nước, khi muốn quy hoạch thì phải có mời nhân dân để có ý kiến, nhất là những người có liên quan. Chúng tôi cho đến nay vẫn là chủ sở hữu của khu đất đó, mà khi họ tổ chức họp dân để thông báo về quy hoạch thì họ đã không mời chúng tôi. Chúng tôi phát hiện ra có dựng bảng quy hoạch đó và họ đơn phương họ làm. Cái này là hành vi vi phạm pháp luật rất rõ ràng. Chúng tôi lên tiếng để xem trong những ngày sắp tới họ trả lời như thế nào.
Khánh An: Hiện nay vẫn chưa nhận được câu trả lời từ phía cơ quan chính quyền phải không ạ?
LM. Đinh Hữu Thoại: Chưa. Gửi đi từ hôm 14/12 đến giờ vẫn chưa nhận được văn thư nào hết.
Khánh An: Thưa linh mục, từ trước đến nay đã có rất nhiều đất đai của Giáo hội Công Giáo bị chính quyền tịch thu và cũng đã có rất nhiều kiến nghị, phản đối thế nhưng cũng không giải quyết được vấn đề. Như vậy, Dòng Chúa Cứu Thế có thấy chút hy vọng nào trong việc xin trao trả lại tài sản của nhà dòng không?
LM. Đinh Hữu Thoại: Thực sự chúng tôi không biết là nhà nước, chính quyền có thay đổi lập trường để đoái hoài đến những nhu cầu chính đáng của chúng tôi không, chúng tôi đã gửi văn thư trao đổi qua lại suốt 3 năm nay rồi. Một câu chuyện rất dài. Trao đổi với UBND tỉnh Lâm Đồng, sau đó họ ra quyết định 208/QĐUBNĐ bác hết những yêu cầu, đề nghị của Dòng Chúa Cứu Thế và họ nói chúng tôi nếu có gì khiếu nại thì cứ khiếu nại lên Bộ trưởng Bộ Xây Dựng.
Nhưng chúng tôi phải tìm cách để đối thoại với chính quyền bởi vì họ có luật pháp, luật pháp họ đề ra mà, chỉ thị mới nhất là chỉ thị 1940 liên quan đến việc trao trả lại các tài sản tôn giáo đã bị chiếm dụng mà sử dụng không đúng mục đích, hay là phải quan tâm đến nhu cầu chính đáng của các tổ chức tôn giáo. Trong chỉ thị đó có nói rõ là không làm ảnh hưởng đến các công trình tôn giáo của các nơi bị lấy các cơ sở.
Chúng tôi cũng nại vô chỉ thị 1940 mới nhất để nhắc họ là tất cả các cơ sở họ sử dụng như vậy là không đúng với mục đích. Có thể họ nại vô chuyện “phục vụ công ích”, nhưng cái đó cũng không rõ ràng. Ví dụ như vừa rồi họ muốn lấy một miếng đất, cũng nằm trong khu đất này, diện tích 470 m2 để làm một trạm cho bưu điện tỉnh Lâm Đồng. Bưu điện tỉnh Lâm Đồng là một cơ sở kinh doanh, không phải là phục vụ công ích. Thứ hai là trại gà Scala cũng là một cơ sở kinh doanh. Còn Viện Sinh học Tây Nguyên thì quỹ đất của Lâm Đồng đâu có thiếu. Đất đai của họ rất rộng. Nhưng họ cứ chiếm những cơ sở tôn giáo để làm những chuyện như vậy.
Hy vọng mong manh
Khánh An: Vâng thưa linh mục, đối với quyết định của UBND tỉnh Lâm Đồng quy hoạch khu đất của nhà dòng như vậy, thì việc Dòng Chúa Cứu Thế đưa vụ việc ra trước công luận như thế có thể làm nóng hơn mối quan hệ vốn được xem là khá căng thẳng giữa Dòng Chúa Cứu Thế với chính quyền?
Lên tiếng thì phải lên tiếng thôi, chứ cũng có người nói là lên tiếng xong thì nó biến thành công viên giống như ngoài Thái Hà nữa thì cũng không biết được.
LM. Đinh Hữu Thoại
LM. Đinh Hữu Thoại: Tôi nghĩ nếu mà chính quyền tôn trọng sự thật, tôn trọng pháp luật thì phải cân nhắc lại vấn đề, chứ thực ra thì chúng tôi cũng âm thầm trao đổi văn bản, công văn qua lại suốt mấy năm nay. Chúng tôi đâu có làm nóng lên bằng cách đưa lên truyền thông. Chúng tôi đã đối thoại kiên nhẫn và liên tục suốt 3 năm nay. Nhưng lần này, với quyết định đơn phương của chính quyền Đà Lạt quy hoạch và coi thường chủ sở hữu như vậy thì chúng tôi mới quyết định công bố lên cho công luận biết. Chúng tôi đã kiên nhẫn lắm rồi. Đến giờ này nếu mình không lên tiếng nữa thì chắc chắn họ sẽ quy hoạch giống như là Học viên Pio X của Đà Lạt thôi.
Khánh An: Như vậy thì vẫn còn một hy vọng mong manh nhờ việc lên tiếng phải không ạ?
LM. Đinh Hữu Thoại: Vâng, lên tiếng thì phải lên tiếng thôi, chứ cũng có người nói là lên tiếng xong thì nó biến thành công viên giống như ngoài Thái Hà nữa thì cũng không biết được, phải để xem như thế nào.
Thứ ba 21 Tháng Mười Hai 2010
Ngày hôm qua, 20/12/2010, một số trang web tiếng Việt đưa tin, tại huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định, đã xảy ra một vụ xô xát lớn giữa lực lượng cưỡng chế giải tỏa mặt bằng cho khu công nghiệp Bảo Minh và các hộ gia đình thuộc ba xã Liên Minh, Liên Bảo và Kim Thái. Hàng nghìn người dân đã đem chăn màn, bạt và đồ ăn lên túc trực ngay sát đường quốc lộ 10, với ý định chống lệnh cưỡng chế của chính quyền đến cùng. Lực lượng công an và quân đội được huy động rất đông đảo để hỗ trợ cho công việc giải tỏa.
Theo báo chí trong nước, dự án khu công nghiệp Bảo Minh của chủ đầu tư là Vinatex thuộc tập đoàn dệt may Việt Nam, đã được thủ tướng phê duyệt vào năm 2006, với tổng diện tích hơn 150 hecta.
Đánh giá của nhiều cơ quan chính quyền được báo chí trong nước đăng tải cho biết : Khu công nghiệp này khi đi vào hoạt động sẽ thu hút hàng trăm dự án đầu tư, tạo việc làm cho khoảng 20 000 lao động, đem lại một nguồn ngân sách quan trọng cho Vụ Bản, một huyện được đánh giá là nghèo nhất tỉnh Nam Định hiện nay.
Theo thông tin từ phía chính quyền, 970 hộ dân đã nhận tiền đền bù, với mức kinh phí được coi là cao nhất từ trước đến nay trong huyện. Thế nhưng, cho đến đầu tháng 12, vẫn còn nhiều hộ không chấp nhận đền bù với lý do số tiền nhận được quá thấp so với các địa phương khác. Mâu thuẫn về quyền lợi chưa được giải quyết giữa hai phía là nguồn gốc dẫn đến xung đột ngày hôm qua tại khu vực này.
Để có thêm thông tin về vụ việc, RFI phỏng vấn linh mục Giuse Nguyễn An Khang, phó xứ đạo Công giáo Xuân Bảng, thuộc huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định.
Linh mục Nguyễn An Khang : Hiện trạng bây giờ họ đã làm, mà dân không đấu tranh được nữa. Bây giờ họ đã tiến hành rào giậu, xây tường. Hôm qua lúc 7 giờ tối, có người báo cho tôi biết, có một thanh niên bị chết. Tôi buồn quá. Sau đó, giáo dân ra ngoài đó, đến 10 giờ họ tin về, anh ấy đã tỉnh lại rồi không chết, thế là tôi mừng quá. Tôi tưởng, thế tốt rồi, ngày mai sẽ tiếp tục đấu tranh. Thế nhưng không được. Sáng hôm nay, lực lượng họ đến gấp ba lần dân chúng xã Liên Minh. Cuối cùng thì dân chúng mệt nhoài, vì mưa rét, không thể làm gì được. Người dân cứ lấn xuống hàng rào dây thép gai thì người của họ lại đẩy lên.
RFI : Những người dân tham gia vào cuộc đấu tranh ngày hôm qua, ý kiến của họ ra sao và họ đang làm gì, thưa linh mục ?
Linh mục Nguyễn An Khang : Họ buồn và bất mãn, vì đó là sự bất công. Một giáo dân ở Mỹ Lộc biết ở đây xảy ra sự việc, họ mới đến khoe với tôi là chỗ họ cũng giải tỏa để giải phóng mặt bằng, nhưng mỗi sào người ta trả 130 triệu, nếu dân không đồng ý, người ta dừng, chưa làm vội, nhưng ở đây, trả có 27 triệu. Nhưng dù người dân không thỏa thuận, họ vẫn cứ áp đảo họ làm. Họ dùng quân đội, công an bắt phải ký nhận. Người ta không ký nhận, thì đem quân lực đến bắt phải giải tỏa. Họ vin vào cớ cách đây mấy năm, họ trả 10 triệu. Nhưng lúc ấy người ta chưa nhận. Có người nhận, người không, nên bây giờ người ta đòi. Nên bây giờ phía đầu tư mới nêng mức đền bù lên 27 triệu. Nhưng người dân bảo trả 27 triệu thì mua được gì bây giờ. Một bà già có một sào đất nói với tôi, bây giờ chúng con bán đi lấy 27 triệu, thì bây giờ chẳng biết tiêu gì, độ mấy năm nữa chúng con lấy gì chúng con ăn và sinh sống được.
RFI : Một bài báo trong nước có ghi là 970 hộ đã ký nhận tiền hỗ trợ rồi, thì thực hư chuyện này ra sao ?
Linh mục Nguyễn An Khang : Tôi cũng không rõ, vì tôi không đi sát. Nhưng nếu như người ta ký thì tại sao người ta lại phải đấu tranh. 150 hécta ruộng cấy 2 vụ ở đây, đất đẹp lắm. Nếu như nhà nước thỏa thuận với dân, đền bù một cách phải chăng thì tôi nghĩ chắc người ta cũng hài lòng. Tôi thấy rằng nhà nước không tôn trọng nhân quyền. Và bản thân tôi là linh mục, tôi rất thương những người nghèo khổ của Việt Nam, họ không có tự do. Ngay đất cát của họ, quyền của họ, mà họ còn bị áp đặt như thế, chưa nói các tự do khác.
RFI : Riêng về phần việc mâu thuẫn xung quanh chuyện đất đai này, thì cha nghĩ sắp tới sẽ có giải pháp nào khác không ?
Linh mục Nguyễn An Khang : Không có giải pháp gì hết. Vì quyền của họ, chính quyền trong tay họ. Dân làm cái gì được. Đấy, bốn năm nay đấu tranh mà không được. Dân chỉ lo khi bán hết ruộng rồi, không còn nữa thì đói, có thế thôi. Mọi người sẽ không có công ăn việc làm. Nếu có công ăn việc làm, thì cũng chỉ có một vài các cháu học hết lớp 12 đi làm cho các công ty, làm được 5, 10 năm, nhưng mà nếu đồng lương thấp, các cháu này rồi không làm được nữa, thì cũng sẽ không biết sống bằng cái gì. Mà không phải chỉ ở đây, mà nhiều nơi khác, bên Hưng Yên cũng thế, người ta cũng cảnh ngộ như thế. Người ta cũng đã từng lên trung ương để khiếu nại.
RFI : Nếu mà có một tiếng nói với những cấp cao hơn, thì linh mục có thể có ý kiến gì ?
Linh mục Nguyễn An Khang : Ở đây, thì có một người bảo là người ta đã lên trung ương, người ta gặp một ông cấp cao, thì ông cấp cao trên đó nói là các ông có ruộng, các ông cố gắng mà giữ lấy. Thấy họ nói chuyện với tôi như thế. Thế nhưng, bây giờ giữ không được, thì chịu, biết làm thế nào.
No comments:
Post a Comment