Khi nhà báo "ngoại quốc" nhập cuộc
(Hồi II)
Mai Loan
Gọi là Hồi 2, hay Tập 2, nói theo ngôn ngữ phổ thông của dân ghiền xem phim bộ dài nhiều tập, vì sự nhập cuộc đầu tiên của giới truyền thông "ngoại quốc" đã xảy ra vào cuối tháng 5 vừa qua, và đã được tường thuật cũng trên trang báo này với hai bài viết mang bài tựa "Khi nhà báo 'ngoại quốc' nhập cuộc" đề ngày 25-5 và "Ði tìm sự thật về cái gọi là 'vi phạm nghi thức ngoại giao' đối với các viên chức chính quyền" đề ngày 1-6 vừa qua. Nội dung các bài viết này là nhằm vạch trần ra những sự thật phũ phàng về những hành động tào lao nhưng táo bạo và ẩu tả của một chính trị gia gốc Việt, tuy chỉ mới nhậm chức nghị viên đại diện cho đơn vị F chỉ mới được mấy tháng và chưa chắc đã học đầy đủ kinh nghiệm trong chức vụ mới, nhưng lại tỏ ra rất nhanh nhẹn và ma đầu trong các đòn phép "nổ" hoặc hù doạ những đồng hương thiếu hiểu biết hoặc kém ngoại ngữ.
Ðó là sự kiện ông nghị Al Hoang, tức là Hoàng Duy Hùng, dám lộng ngôn hù doạ ban tổ chức trong đêm tưởng niệm 30-4 (với sự đồng loã tiếp tay của cô em là luật sư Teresa Hoàng) phải cho ông lên sân khấu phát biểu vì là đại diện của Thị trưởng thành phố Houston sau khi đã thấy ban đại diện phớt lờ không cho ông được cái vinh dự đọc diễn văn vì bực mình trước thái độ của ông ta đã ủng hộ cho Danny Nguyễn Quốc Ðoàn trong cuộc bầu cử nghị viên thành phố Missouri City. Ông Danny này bị nhiều người Việt tị nạn tại địa phương cực lực chống đối vì thành tích đã huênh hoang bắt tay với ông đại sứ Lê Công Phụng của Việt Cộng và cổ võ cho việc làm ăn với nhà cầm quyền Việt Cộng.
Ðiều đáng nói là ông Hùng đã quá táo tợn và xem thường trí khôn và óc phán đoán của mọi người khi đứng thao thao bất tuyệt đọc 4 điểm bằng tiếng Anh, rồi sau đó tự dịch sang tiếng Việt, và nói đó là những lời ca ngợi và chúc mừng của bà thị trưởng Annise Parker đến cộng đồng người Việt, khiến cho cả ngàn người nghe cảm thấy khoái chí và vỗ tay vang rân vì được thoả mãn tự ái. Nhưng ông Hùng khôn mà không ngoan, hoặc giả ông nổi hứng "tới luôn bác tài" vì được nhiều người vỗ tay ca ngợi như là một lãnh tụ tài ba
"sau nhiều tuần lễ mọi người đều oán hận chửi rủa ông là kẻ phản bội vì đã dám ủng hộ Danny Nguyễn Quốc Ðoàn" nên đã vọt miệng kêu gọi luôn mọi người cùng đến toà lãnh sự Việt Cộng để biểu tình trong ngày 30-4 (trong lúc đang đứng nói ở cương vị đại diện của bà thị trưởng).
Vì bị ló cái đuôi chồn quá lộ liễu như vậy, nên sự việc đã bị nhà báo Mai Loan điều tra bằng cách chất vấn chính thức thẳng đến văn phòng thị trưởng để rồi sau này phát ngôn viên Janice Evans của thị trưởng Parker đành phải thú nhận hành động tiếm danh đại diện để phát ngôn một cách láo khoét này khi bị nhà báo Lisa Falkenberg của tờ Houston Chronicle hỏi cho ra lẽ sau khi biết chuyện. Tuy vậy, ông nghị viên trẻ và háo thắng này vẫn tiếp tục giở trò "tháu cáy" khi tố ngược lại ban tổ chức và hội đồng đại diện cộng đồng người Việt tại Houston là đã vi phạm nghi thức ngoại giao khiến cho ông nghị viên bị bẽ mặt, và qua đó là bà thị trưởng cũng bị coi thường lây, khi quyết định lúc ban đầu là không cho ông ta lên phát biểu, dù biết rõ rằng ông ta có cái tật là thích cầm micro trước đám đông chẳng khác gì như lân thấy pháo.
Do đó, ông Hùng đã vận động và áp lực nhiều người trong ban tổ chức và hội đồng đại diện phải có cảm tưởng như mình đã hành xử không đúng, và do đó nên cần phải có một nghĩa cử nào đó mang tính cách như xoa dịu tự ái và lên tiếng xin lỗi ông. Một trong những trò "ma-nớp" mang tính cách tháu cáy này là ông tự động phát biểu trên nhiều diễn đàn truyền thông rằng ông sẽ không ra tái tranh cử vào năm 2011 cho một nhiệm kỳ thứ hai (ra vẻ như ông ta chẳng màng danh lợi và quyền uy, và đã chán nản trước nhân tình thế thái của cử tri gốc Việt tại Houston đã đối xử tệ bạc với ông). Ðể từ đó những kẻ tà lọt, hoặc những người vẫn còn mê ngủ nên tiếp tục thần-tượng-hoá ông HDH, đã xoay xở để tổ chức một phiên họp khoáng đại cộng đồng với nội dung chính thức là xem xét một số vấn đề gây tranh cãi. Nhưng hậu ý của phiên họp này là lèo lái để thông qua một sự ngỏ lời chính thức xin lỗi ông Hùng và nếu có thể được, xin ông hãy bỏ qua những lỗi lầm của chúng tôi mà rút lại lời hăm doạ không ra tái tranh cử để tiếp tục "hy sinh" cho tập thể người Việt!
Ðiều nực cười là cái dụng ý đầy gian manh đó cũng được hoàn thành một cách tốt đẹp với sự tiếp tay của nhiều thành phần trong cộng đồng với những hậu ý và quyền lợi khác nhau cùng với sự thờ ơ của nhiều người, tuy đến tham dự phiên họp nhưng không hiểu rõ hoặc không dám cất tiếng để phản đối việc thông qua một quyết nghị hết sức ngu xuẩn và phản dân chủ, phản ảnh một tư duy đầy hủ lậu và chậm tiến. Ðó là cái quyết nghị được thông qua gồm 3 điểm trong đó có việc cho phép những vị dân cử gốc Việt được quyền "kề vai cạ má" với các viên chức của toà lãnh sự Việt Cộng tại Houston, nhưng lại không cho phép người dân được quyền chỉ trích những hành động này vì cho rằng nó gây phá rối mất đoàn kết trong cộng đồng.
Kết quả của việc thông qua quyết nghị này, là do chính sách tuyên truyền của ông HDH đã thành công đánh phủ đầu để nhồi sọ cho nhiều người dân ở Houston nghĩ rằng vì đại cuộc cho quyền lợi của cư dân tại thành phố Houston nên ông phải cần xuất hiện và đến bắt tay trò chuyện hay nâng ly với các viên chức của toà lãnh sự Việt Cộng trong cương vị và trách nhiệm của một nghị viên thành phố. Ông làm cho người dân có cảm tưởng như ông phải miễn cưỡng để làm những công việc này, tuy rằng ông vẫn khoe từ trước tới nay là một con người có tinh thần chống Cộng dứt khoát. Và ý của ông muốn trách cứ những người lên tiếng chỉ trích ông về hành động bắt tay trò chuyện với Việt Cộng là những người quá khích, không thông hiểu về đường lối sinh hoạt trong một xã hội dân chủ và tiến bộ.
Tuy nhiên, việc làm này cũng đã bị một nhà báo Mỹ khui ra qua một bài báo được đăng trên tờ nhật báo lớn nhất trong vùng là tờ Houston Chronicle. Nhờ vậy mà cả triệu cư dân tại thành phố lớn thứ tư trên nước Mỹ mới được dịp "chiêm ngưỡng" dung nhan của ông tân nghị viên gốc Việt, với một thành tích mà chỉ khiến cho mọi người Việt khi đi làm trong hãng xưởng hay công, tư sở đều phải xấu hổ mỗi khi nghe các đồng nghiệp hỏi thăm về nhân vật này. Nhà báo Mỹ cũng phải ngạc nhiên khi không ngờ có một nhân vật gốc Việt tại địa phương được nhắc đến nhiều như vậy. Thật vậy, chỉ cần vào Google trên mạng Internet, và bấm vào những chữ như "Hoàng Duy Hùng" hoặc "Mặt thật Hoàng Duy Hùng", người ta sẽ thấy hiện ra ngày khoảng trên 1 triệu rưởi entries nói về nhân vật rất ly kỳ này.
Hoàng Duy Hùng và vợ Hoàng Trâm vui mừng sau kết quả thắng cử nghị viên.
Ðiều đáng chú ý nhất là nhà báo Lisa Falkenberg đã tự nguyện bỏ ra vài tiếng đồng hồ trong một buổi chiều ngày Chủ nhật để đến tham dự một cuộc họp trong nội bộ của Cộng đồng Người Việt tại Houston, vốn không phải là một chuyện bình thường chút nào, để từ đó viết một bài bình luận sau khi kiểm chứng và điều tra. Vì khách quan mà nói, trong một vùng rộng lớn của Harris County bao gồm thành phố Houston với dân số tổng cộng trên 4 triệu người, tờ nhật báo lớn duy nhất là Houston Chronicle phát hành mỗi ngày trên nửa triệu số, nhưng số người Việt mua hoặc đọc tờ báo này thường xuyên không phải là con số đáng kể. Cộng đồng người Việt tuy có dân số đông đứng hàng thứ ba về ngôn ngữ (sau tiếng Anh và tiếng Mễ) nhưng cũng chưa đông để chiếm tỉ lệ đáng kể như tại các thành phố ở Orange County. Do đó, nhu cầu tìm hiểu về đời sống và sinh hoạt của người Việt để tường thuật và viết bài trên tờ Houston Chronicle để phục vụ cho nhu cầu của một khối độc giả (gốc Việt) nhỏ nhoi này có lẽ không đáng kể để cho ban chủ biên và bà Falkenberg quyết định hy sinh một buổi chiều để đến trung tâm sinh hoạt của Cộng đồng Người Việt nằm trên đường Clarewood vào cuối tuần qua.
Lần này, nhà báo Lisa Falkenberg cũng lại nhập cuộc lần nữa, với một bài bình luận có tựa đề "A lawsuit in name of what?" đề ngày 27-7 vừa qua để tường thuật về việc ông Hùng đã đứng đơn kiện các vị trong hội bô lão xuyên qua bà Nguyễn Kim (thường gọi là Kim Nguyễn, cựu chủ tịch Cộng đồng người Việt trước đây) về tội đã sử dụng danh xưng là Vietnamese Community Services Inc. (VCSI) khiến nhiều người lầm lẫn với tên của Cộng đồng là Vietnamese Community of Houston and Vicinities, thường viết tắt là VNCH. Trên lý thuyết và nguyên tắc, ông Hùng không còn có quyền xía vào công chuyện của Cộng đồng kể từ sau ngày ông đắc cử nghị viên và bàn giao lại cho tân chủ tịch là ông Joe Phan (Phan Như Học). Trong thực tế, người ta càng ngày càng thấy ông Học này dường như trở thành một tên bù nhìn chỉ biết vâng lời theo những chỉ dẫn rất ư là u tối và tai hại của hai anh em luật sư của ông Hùng, để rồi sau đó ông lại lên các làn sóng phát thanh để xin lỗi trối chết với mọi người.
Trong vụ ra quyết nghị để thông qua 3 điểm phi lý và phản dân chủ kể trên, ông Học đã nhân danh Cộng đồng người Việt để xin lỗi ông nghị viên Al Hoàng vì cho rằng ban tổ chức lễ tưởng niệm 30-4 đã làm sai sót. Nhưng nếu ông biết cách làm việc đứng đắn, và liên lạc thẳng với văn phòng thị trưởng như nhà báo Mai Loan đã làm, có lẽ ông đã không có những hành động hồ đồ như vậy, và có thể đã được nghe lời của bà Madeleine Apple đã nhân danh văn phòng bà thị trưởng để ngỏ lời xin lỗi Cộng đồng người Việt về những đáng tiếc xảy ra một phần từ sự sơ sót của phía chính quyền.
Lần này, đến phiên ông Học cũng lên tiếng xin lỗi các cụ bô lão khi nhận được giấy của Cộng Ðồng đòi đuổi các cụ cao niên đi chỗ khác thay vì tiếp tục sinh hoạt tại trung tâm Cộng đồng theo như thoả thuận thuê mướn đã được ký bởi ông Hoàng Duy Hùng vào năm 2009 cho một thời hạn ba năm. Nhưng rồi cuối cùng, ông Học lại để cho ông Hùng áp lực hoặc điều động để đứng đơn kiện Hội Bô Lão và bà Kim Nguyễn với luật sư đại diện cho ông là HDH. Nhưng có lẽ thiên bất dung gian, nên phía HDH không ngờ có một luật sư khác là ông Ngô Quốc Lân đã đứng ra đại diện cho phía bà Kim Nguyễn và các cụ bô lão trong vụ kiện này.
Tưởng cũng nên nhắc lại sự kiện luật sư Lân trước đây cũng đã đụng độ với luật sư Hùng trong một vụ kiện khác mà thân chủ của ông Hùng đã bị toà xử thua và phải bồi thường tiền thiệt hại. Kỳ đó, ông Lân đại diện cho ông Ðỗ Minh Ðức và ban đại diện Cộng đồng trong khi ông Hùng đại diện cho nhóm những người tự xưng là Uỷ Ban Ổn Ðịnh Cộng Ðồng (nhưng bị nhiều người dân cho rằng phải mang đúng tên là Phá Rối Cộng Ðồng thì đúng hơn). Ông luật sư Lân này cũng là người từng sinh hoạt và góp phần trong việc tu chính nội quy của cơ chế cộng đồng, và do đó coi như đã biết làm "homework" khá kỹ lưỡng dù chỉ mới nhập cuộc trong vụ kiện có vài ngày trước khi ra toà.
Ðiều này giải thích vì sao mà đơn kiện của Cộng đồng do luật sư HDH đại diện đã bị toà bác bỏ (case dismissed) và nội vụ đã được tường thuật trên tờ Houston Chronicle vào ngày hôm sau. Ðiều đáng trách và đáng xấu hổ nhất cho ngành truyền thông tiếng Việt tại địa phương, nhất là hai đài phát thanh lớn và hai đài truyền hình chiếu cả ngày, lại chẳng có một lời nào tường thuật về những sự kiện này, trong khi tờ báo lớn nhất trong vùng là Houston Chronicle lại giành ra hai bài báo trong hai ngày liền. Ðặc biệt là với đài Sàigòn Houston của chủ nhân là vợ chồng ông bà cựu phóng viên tại Việt Nam trước đây, thường hay khoe khoang về thành tích làm truyền thông chuyên nghiệp và lâu đời của mình, người ta đã ngạc nhiên không thấy có nhắc một lời gì trong phần đọc tin thời sự địa phương mỗi buổi sáng.
Nhiều người bực mình thì lên tiếng phê phán và chỉ trích rằng có lẽ tất cả các xướng ngôn viên của đài này, kể cả ông giám đốc chủ nhân đài thường hay rất tự hào về khả năng phỏng vấn gắt gao nhiều người, dường như đã bị mắt toét hết nên không nhìn thấy các bài viết nói về cộng đồng người Việt đăng trên tờ Houston Chronicle. Những người khác đùa nghịch thì bình luận rằng một vị bác sĩ nhãn khoa thường có chương trình hội thoại trên đài và hay nói về một công tác từ thiện quyên góp để tặng các cặp kính cho những người nghèo khó nhưng không có tiền để mua kính, có lẽ nên giành ra vài cặp để tặng cho những ông bà xướng ngôn viên của đài Sàigòn Houston. Tinh thần làm việc của đài này cũng như nhiều cơ quan truyền thông khác, mang đầy dấu ấn thiếu trách nhiệm và đáng trách, sẽ là đề tài có thể được khai triển sâu hơn vào một dịp khác.
VAI TRÒ VÀ TRÁCH NHIỆM CỦA MỘT NGHỊ VIÊN ÐƠN VỊ.
Gần đây, ông nghị viên Al Hoang thường đưa ra nhiều lời lẽ thật kêu trong những lần nói chuyện trên các đài phát thanh hoặc truyền hình để khoe ngầm một cách gián tiếp về những việc làm mang tầm vóc to lớn và quan trọng của ông để biện minh cho việc ông có thể phải bắt tay với các viên chức của toà lãnh sự Việt Cộng, và nếu cần, thì cũng có thể đi về Việt Nam cùng với các viên chức khác hoặc phái đoàn của chính quyền Houston để hoàn thành những công tác và dịch vụ đáp ứng quyền lợi của thành phố.
Thật ra, đây chỉ là một lập luận mị dân và láo khoét rẻ tiền, không đủ sức thuyết phục được những người có chút ít suy nghĩ và phán đoán sự việc một cách khách quan. Thứ nhất, ông Hùng chỉ là một nghị viên cho một đơn vị F, đại diện cho một số dân chiếm một góc nhỏ trong thành phố nằm ở vùng tây nam trong số 9 nghị viên đại diện cho những vùng khác. Do đó, quyền hạn và ảnh hưởng của những người này không bằng với những nghị viên toàn thành phố (councilman-at-large) đại diện cho toàn thể gần 2 triệu cư dân tại Houston, và đương nhiên không thể nào so sánh với quyền hạn của thị trưởng như bà Annise Parker.
Hơn nữa, hệ thống chính quyền địa phương ở Houston không giống nhiều thành phố khác ở chỗ không có vị "quản lý thành phố" (city manager) là viên chức điều hành cao cấp nhất. Thay vào đó, thị trưởng là người nắm toàn quyền, cả ở hai ngành hành pháp (điều hành chính quyền thành phố) và lập pháp (bỏ phiếu để biểu quyết cho những chính sách hay đạo luật). Trong khi đó, các nghị viên chỉ giữ được quyền lập pháp và chỉ sử dụng được sức mạnh của mình khi cần biểu quyết các đạo luật. Thông thường, trong một hệ thống chính quyền có city manager, các nghị viên và thị trưởng chỉ có quyền hạn lập pháp và gần như ngang ngửa, nhưng lại có quyền biểu quyết để thuê mướn vị city manager.
Nhưng dù gì đi nữa, trách nhiệm của một vị nghị viên cắc ké cỡ như các ông Danny Quốc Ðoàn, Hoàng Duy Hùng tại Texas hoặc Andy Quách, Diệp Miên Trường, bà Madison Nguyễn thì cũng chỉ là chăm lo những việc tiện lợi công ích cho đời sống hàng ngày của người dân chứ không phải là những chuyện quốc gia đại sự ở cấp tiểu bang hoặc liên bang. Nói một cách cụ thể hơn, một nghị viên là để lắng nghe những lời than phiền của người dân khi thấy đường xá có nhiều ổ gà cần phải sửa chữa, nhiều ống nước hoặc ống cống bị bể gây ra khó khăn bực mình v.v. . . chứ không phải là để đi đây đi đó, bắt tay với các đại diện của các quốc gia khác như ông Hùng và nhiều chính trị gia trẻ ma mãnh khác thường hay đem ra khoe khoang để "nổ" với những người dân nhẹ dạ và thiếu hiểu biết.
Từ cấp nghị viên thành phố là chức vụ hành pháp nhỏ nhất rồi mới leo lên chức vụ uỷ viên quận hạt (couty commissioner) và thường bị quen gọi một cách sai lầm là giám sát viên (supervisor) như tại California. Rồi sau đó mới đến chức vụ ở cấp cao hơn là dân biểu và nghị sĩ tiểu bang (như các ông Hubert Vo và Trần Thái Văn) để sau cùng là chức vụ cấp liên bang như ông dân biểu Joseph Cao Quang Ánh. Nhưng ngay cả một dân biểu liên bang cũng phải có trách nhiệm chính là lo cho quyền lợi và đời sống của cử tri tại địa phương mình, chứ không phải chỉ để lo những chuyện có tính cách đối ngoại, dù rằng các vị này có được đặc quyền cao hơn trong các chuyến công tác ở hải ngoại và có thể xen vào nhiều hồ sơ từ thương mại đến văn hoá và nhân quyền.
QUYỀN TỰ DO HÀNH XỬ CHÍNH TRỊ CỦA MỘT VỊ DÂN CỬ.
Tuy nhiên, điều cốt lõi của cho dù ông Hùng hay bất cứ một nhân vật nào khác của chính quyền, nhất là ở cương vị một dân cử chứ không phải là một công chức, ông vẫn có toàn quyền hành xử chính trị theo như sự suy nghĩ cá nhân của ông cũng như theo ý nguyện của đa số cử tri tại đơn vị mà ông đại diện. Và ngược lại, ông ta cũng có thể bị bất cứ người dân nào lên tiếng chỉ trích hoặc chống đối, cho dù bằng những ngôn ngữ nặng nề nhất, miễn là hợp pháp một khi họ không hài lòng trước việc làm của ông cho dù ông có muốn viện dẫn đó là vì phải chu toàn trách nhiệm.
Hơn nữa, xã hội tự do tại Hoa Kỳ cho phép người dân có toàn quyền chống đối các quyết định hay chính sách của chính quyền, miễn là họ thực thi theo đúng luật pháp cho phép mà không sợ bị trừng phạt hoặc trả đũa. Chẳng hạn như tuy chính quyền liên bang thuộc cả hai đảng Dân Chủ và Cộng Hoà đều đã bắt tay làm ăn với nhà cầm quyền Việt Cộng kể từ sau khi hai nước thiết lập bang giao vào năm 1995, nhưng điều này không ngăn cấm các chính quyền tiểu bang hoặc thành phố chống đối và chỉ trích mạnh mẽ nhà cầm quyền Hà Nội một cách nhục nhã nhất bằng việc thông qua những quyết nghị chỉ công nhận lá cờ vàng chính nghĩa. Nếu theo đúng nguyên tắc địa phương phải tuân thủ theo quyết định của trung ương, việc này khó có thể được chấp nhận ở những nước độc tài như tại Việt Nam hiện nay, nhưng điều đó đã xảy ra tại nhiều nơi trên nước Mỹ. Và từ đó đến đây, chưa có một vị dân cử nào hoặc là một chính quyền địa phương hay tiểu bang nào đã bị chính quyền liên bang áp lực hay trừng phạt vì những quyết định vinh danh cờ vàng.
Ông Hùng thường hay đưa ra những trường hợp giả dụ để biện minh cho việc ông có thể phải bắt buộc đứng bắt tay với các viên chức của toà lãnh sự Việt Cộng vì không thể làm gì khác trong cương vị một vị dân cử đại diện của thành phố. Xin đơn cử một thí dụ cụ thể để hướng dẫn cho ông biết, cùng với những người còn nhẹ dạ tin theo lời tuyên truyền của ông, rằng bất cứ một người dân hoặc một vị dân cử đều có quyền hành xử chính trị theo đúng với lý tưởng của mình mà không sợ bị chê trách hay trừng phạt.
Ðó là trường hợp của ông Ken Livingstone, thị trưởng thủ đô Luân Ðôn (London) tại Anh, một người thuộc đảng Lao Ðộng có lập trường cấp tiến và chống chính sách tấn công Iraq của TT Bush Con. Mặc dù là người cùng đảng với Thủ tướng Tony Blair vào thời ấy, ông Livingstone và đa số cư dân tại London gần 7 triệu người đều không ưa ông Bush và hứa hẹn sẽ biểu tình chống đối ông Bush nếu ông đến thủ đô này. Trong chuyến công du chính thức của ông Bush Con sang London vào năm 2007, ông Livingstone đã từ chối không thuận theo ý nguyện của phía Hoa Kỳ là hãy cấm các vụ biểu tình xảy ra trên đường phố. Trên danh nghĩa, ông là chủ nhà của thành phố London và là người đứng ra đón tiếp ông Bush. Nhưng ông bất cần "nghi lễ ngoại giao" nên chẳng thèm có mặt trong phái đoàn tiếp đón ông Bush, nhưng chính quyền của Thủ tướng Tony Blair cũng chẳng thể làm gì được, và ông Bush Con chỉ còn đành phải chịu nhục để xuất hiện tại những nơi khác như vùng quê của ông Blair thay vì tại thủ đô.
Ðiều này đã xảy ra là vì ông Livingstone đã biết hành xử cái quyền tự do theo hiến định của mình, nhất là khi nó phản ảnh cái niềm tin sắt son của ông vào chính sách không sử dụng sức mạnh quân sự để giải quyết vấn đề và do đó đã sẵn sàng chống đối mạnh mẽ chế độ của ông Bush, cho dù ông có là tổng thống của đệ nhất siêu cường và là bạn thân được sự ủng hộ đắc lực của Thủ tướng của Anh quốc.
Trong trường hợp của ông HDH và những chính trị gia gốc Việt khác đã sống nhờ vào những lá phiếu của cử tri gốc Việt để được chức quyền và vinh dự ngày nay, họ cũng có quyền bầy tỏ niềm tin sắt son của họ là những người Việt chống Cộng mà không cần phải sợ bị trừng phạt hoặc là bị chỉ trích là đã không chu toàn trách nhiệm của mình là một viên chức của chính quyền. Và nếu ông HDH còn có liêm sỉ và tự trọng của một người thường hay hô hào về thành tích chống Cộng của mình với những lời thề đanh thép, ông vẫn có khả năng bầy tỏ sự chống đối mạnh mẽ của mình đối với phía Việt Cộng mỗi khi có dịp tiếp xúc hoặc phải làm việc với phía toà lãnh sự Việt Cộng. Trong trường hợp tệ nhất ông không muốn mang mầu sắc cực đoan, ông có thể tìm đủ cách để tránh né hoặc thoái thác (abstain) từ chối vào những dịp gặp gỡ này, thay vì tìm đủ cách để rào trước đón sau, nhưng thực chất là những lời lẽ nguỵ biện không che giấu được thâm ý phản thùng của mình.
Ðiều đáng buồn nhất hiện nay là những cơ quan truyền thông tiếng Việt tại địa phương và nhiều nhà báo biết khá rõ những sự việc liên quan đến thái độ "phản thùng" khá lộ liễu gần đây của ông HDH, vì nhiều lý do khác nhau có thể vì quyền lợi hoặc vì ngần ngại, bị tự ái cá nhân, nên đã không dám lên tiếng tố cáo những việc làm sai trái này, mặc dù đã thú nhận trong chốn riêng tư là rất bất bình hoặc không đồng ý với việc làm của vị nghị viên gây ra rất nhiều sóng gió này.
Cộng vào đó, trong số những người lên tiếng chống đối ông HDH thì cũng lại có những tên tuổi chẳng lấy gì tạo được uy tín và sự nể phục của đa số đồng hương do bởi những thành tích chẳng lấy gì làm sáng giá, nếu không muốn nói là bết bát của họ trong quá khứ. Vì thế nên những người còn ủng hộ HDH đã khéo léo lợi dụng thời cơ để tố cáo những thành phần này, và từ đó có thể lớn tiếng biện minh rằng những kẻ chống đối ông ta toàn là những thành phần chẳng ra gì. Những lập luận này cũng có nhiều điều dễ thuyết phục nhiều người tin và do đó khiến cho mọi người đều đâm ra chán nản ở cả hai phía.
Và đó mới là cái vận xui cho tập thể người Việt quốc gia chúng ta, cũng như là cái vận xui nên mới bị thất bại thảm thương để phải bỏ nước ra đi sau ngày 30-4 năm 1975.
Mai Loan
Mailoan74@yahoo.com
Houston, Texas 03-08-2010
No comments:
Post a Comment