Nhà Báo Việt Thường

Nhà Báo Việt Thường

Tìm kiếm bài Blog than huu cua Nha Bao Việt Thường xin gõ chữ vào đây

Thursday, October 1, 2009

VGCS-Đập nước hủy diệt sông Mekong

Diện mạo các đập nước trên sông Mekong

TT - Chỉ tính riêng phần chảy qua tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) có tên là sông Lan Thương, chiều dài 1.240km đã có trữ lượng tiềm ẩn năng lượng thủy năng là 25.500MW. Nên không có gì ngạc nhiên khi đang có một cuộc chạy đua xây đập nước trên sông Mekong.

Sơ đồ 19 đập nước đã, đang và có kế hoạch xây dựng trên sông Mekong - Đồ họa: NHƯ KHANH

8 con đập khổng lồ ở Trung Quốc

Từ những năm 1980, Trung Quốc đã có kế hoạch xây dựng hệ thống đập thủy điện theo dạng bậc thang trên phần sông Mekong chảy qua nước này.

Hiện có bốn con đập đã và đang được đưa vào sử dụng. Việc Trung Quốc xây những con đập trên sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường sinh thái của các nước nằm ở hạ nguồn con sông này như Myanmar, Thái Lan, Lào, VN. Xây đập ngăn dòng sẽ làm hệ sinh thái tự nhiên ở lưu vực sông Mekong tổn hại nghiêm trọng, nguồn cá tự nhiên giảm, nguồn nước biến đổi thất thường gây khó khăn cho cuộc sống của người dân các nước hạ nguồn.

Các chuyên gia môi trường đánh giá việc xây hàng loạt con đập trên sông Mekong là tác nhân chính gây nên biến động thất thường của dòng nước và hiện tượng xói mòn ở các nước hạ lưu sông Mekong.

Mạng tin tức thủy điện tỉnh Vân Nam đã liệt kê tám công trình thủy điện chính trên sông Lan Thương của tỉnh này. Trong đó đập Công Quả Kiều (công suất 4,04 triệu MW/năm) do Công ty TNHH thủy điện năng lượng sông Lan Thương, tỉnh Vân Nam là chủ đầu tư đã tiến hành thăm dò địa chất vào ngày 7-11-2008. Đây là công trình thủy điện cấp 1 thuộc công trình khai thác dạng bậc thang đoạn trung - hạ lưu sông Lan Thương, đập cao 105m. Theo kế hoạch, Trung Quốc bắt đầu trữ nước vào tháng 6-2011.

Nằm tiếp nối đập Công Quả Kiều là đập Tiểu Loan (19 triệu MW/năm). Đây là đập lớn thứ hai sau đập Tam Hiệp của Trung Quốc nằm ở trung du lưu vực sông Lan Thương. Bắt đầu thi công vào năm 2006, đập cao 292m và sẽ chính thức đưa vào hoạt động vào tháng 10-2009.

Tiếp theo là đập Mạn Loan (6,2 triệu MW/năm), khởi công xây dựng vào tháng 5-1986 và đưa vào hoạt động năm 1993. Đập cao 132m với tổng dung tích chứa nước 920 triệu m3. Nằm kế tiếp là đập Đại Triều Sơn (5,9 triệu MW/năm), cách thành phố Côn Minh 600km, cao 111m, tổng dung lượng 940 triệu m3. Tháng 8-1997, bắt đầu thi công và đưa vào hoạt động cuối năm 2001.

Sau Đại Triều Sơn là đập Cảnh Hồng (7,85 triệu MW/năm) - con đập cấp 6 trong dự án hệ thống đập thủy điện bậc thang trên sông Lan Thương. Đập được khởi công vào giữa năm 2003, cao 108m và được đưa vào hoạt động một phần vào giữa năm 2008, đến năm 2009 đã chính thức hoạt động toàn bộ công suất.

Ngoài ra, trong dự án ngăn dòng khai thác nguồn tài nguyên sông Lan Thương còn ba con đập khác đang trong quá trình hình thành từ nay đến năm 2011 là đập Nọa Trát Độ (nằm giữa đập Đại Triều Sơn và Cảnh Hồng, 23,9 triệu MW/năm), Cảm Lãm (0,87 triệu MW/năm) và Mãnh Tống (55.110 MW/năm) nằm ở đoạn cuối tỉnh Vân Nam giáp với Lào.

Lào, Campuchia, Thái Lan không chịu kém

Lào, nơi sông Mekong chảy dường như xuyên suốt từ bắc chí nam, có đến 23 dự án đập thủy điện. Chín đập chính tập trung ở miền bắc như Pak Beng, Luang Prabang, Xayaboury, Pak Lay, Sanakham, Pak Chom và miền nam có các đập Lat Sua, Donsahong, Ban Koum. Trong đó đập Ban Koum có công suất lớn nhất, khoảng 2.000 MW.

Tại Thái Lan, ngoài hai con đập Sekamen 1 và 3, vào cuối tháng 3-2009 chính phủ đã tuyên bố tái khởi động kế hoạch xây dựng một số con đập trên sông Mekong trị giá khoảng 400 tỉ baht (11 tỉ USD). Theo Bộ Tài nguyên thiên nhiên và môi trường nước này, các con đập dự kiến cho sản lượng điện khoảng 4.000 MW. Theo báo Bangkok Post, những con đập này còn góp phần cung cấp nguồn nước tưới tiêu ở Thái Lan.

Ở khu vực hạ nguồn, Campuchia cũng có hai dự án đập thủy điện là Sambor và Stung Treng, với tổng công suất khoảng 3.600 MW.


Đập nước hủy diệt các con sông

TT - Đã có rất nhiều bằng chứng cho thấy các đập nước đã gây hại như thế nào với các dòng sông. Ấy vậy mà trên sông Mekong đã có hàng chục con đập mọc lên... Hầu hết các nghiên cứu khoa học quốc tế nhiều năm qua đều đưa ra kết luận: đập nước gây ra những tác động hết sức nghiêm trọng tới hệ sinh thái các con sông.

Đập Hoover trên sông Colorado (Mỹ) - Ảnh: Wikipedia

Theo Tổ chức môi trường International Rivers (Mỹ), hiện có khoảng 400.000 con đập, hầu hết được xây trong 50 năm qua, đang chắn các con sông trên thế giới. Hồ chứa nước của các con đập hiện chiếm hơn 400.000km2 diện tích mặt đất. Hồ nhân tạo lớn nhất thế giới Volta đằng sau đập Akasombo ở Ghana chiếm tới 4% diện tích quốc gia này.

Phá vỡ hệ sinh thái

Một con đập lớn dựng trên sông sẽ phá vỡ mối liên hệ tự nhiên giữa con sông và vùng đất nó chảy qua, tác động đến toàn bộ lưu vực sông và hệ thống sinh thái nó hỗ trợ. Hệ sinh thái sông và đồng bằng thích nghi chặt chẽ với chu kỳ lũ của con sông. Động thực vật dựa vào lũ để sinh sản, ấp trứng, di trú. Lũ hằng năm đưa dưỡng chất vào đất.

Trong khi đó các con đập cản trở lũ xuống hạ lưu sông. Nghiên cứu của International Rivers và nhiều tổ chức môi trường khác cho thấy các con đập trở thành tường rào ngăn chặn sự di chuyển của các loài sinh vật di trú giữa thượng nguồn và hạ lưu sông. Ví dụ như các loài cá hồi, các con đập cản trở chúng di trú lên thượng nguồn để đẻ trứng, qua đó đẩy số lượng sinh vật di trú giảm xuống.

Mỹ ngừng xây đập từ giữa thập niên 1990

Ở Mỹ, nơi có 5.500 con đập, chính quyền đã ngừng xây đập từ giữa thập niên 1990 và đang đổ tiền để giải quyết những vấn đề lớn do các con đập gây ra. Một nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới (WB) cho thấy 58% các dự án thủy điện trên thế giới được lên kế hoạch và xây dựng mà không hề tính đến tác động môi trường, kể cả khi các tác động này có thể dẫn đến tình trạng ô nhiễm, xói mòn nghiêm trọng...

Cửa sông, nơi nước ngọt chảy ra biển, là hệ thống sinh thái rất đa dạng. Khoảng 80% lượng cá con người đánh bắt được đến từ khu vực này. Việc các con đập thay đổi dòng chảy đến cửa sông là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến sự sụt giảm nghiêm trọng nguồn cá tại vịnh Mexico, biển Đen và Caspian, vịnh San Francisco ở California...

Sự xuất hiện của con đập Akasombo đã hủy diệt ngành đánh bắt trai sò một thời vô cùng hưng thịnh ở cửa sông Volta, và khiến số lượng các loài cá nhồng ở đây giảm hẳn.

Các con đập cũng làm thay đổi nhiệt độ nước sông, qua đó tạo ra môi trường phi tự nhiên đối với các loài sinh vật địa phương. Các nghiên cứu cho thấy số lượng cá hồi trên sông Towy (Xứ Wales) sụt giảm mạnh có liên quan đến sự thay đổi nhiệt độ nước sông do đập Llyn Brianne, xây trong thập niên 1960, gây ra. Vấn đề tương tự cũng xảy ra ở sông Rắn và vùng Klamath (bang Oregon, Mỹ).

Theo các nhà sinh học, đập là hình thức gây tác hại lớn nhất trong số các tác động dẫn tới sự sụt giảm của các loài sinh vật nước ngọt. Khoảng 20% trong tổng số 8.000 loài sinh vật nước ngọt hiện đang đứng trên bờ vực tuyệt chủng.

Cắt đứt nguồn trầm tích

Thông thường các con sông mang theo bốn loại trầm tích xuống đáy sông, cho phép sự hình thành bờ sông, châu thổ, phù sa, hồ, đê tự nhiên, đường bờ biển. Các con đập ngăn chặn dòng trầm tích chảy xuống hạ lưu sông. Mất đi nguồn trầm tích, dòng nước sẽ ăn vào bờ và lòng sông, khiến hệ thống bờ sông suy yếu và đáy sông tụt xuống. Khoảng chín năm sau khi hoạt động, đập Hoover trên sông Colorado (Mỹ) khiến đáy sông tụt xuống 4m.

Đáy sông bị tụt xuống kéo theo mực nước ngầm dọc sông xuống thấp, đe dọa hệ thực vật quanh sông và giảm số lượng cá đẻ trứng trên mặt lớp sỏi đáy sông cũng như số động vật không xương sống. Tại Bắc Mỹ, 93% hiện tượng suy giảm số lượng hệ động vật nước ngọt bắt nguồn từ nguyên nhân này.

Trước khi đập Aswan xuất hiện, sông Nile (Ai Cập) mang 124 triệu tấn trầm tích ra biển mỗi năm và gần 10 triệu tấn đến vùng đồng bằng hạ lưu sông. Ngày nay, tới 98% lượng trầm tích đó bị đọng lại đằng sau con đập. Hậu quả là chất lượng đất sụt giảm, ngành nông nghiệp vùng hạ lưu sông Nile bị ảnh hưởng nặng nề. Đập Aswan cũng gây xói mòn nghiêm trọng đường bờ biển. Vấn đề tương tự xảy ra đối với sông Volta. Đập Akasombo cắt đứt nguồn cung cấp trầm tích tới cửa sông Volta, ảnh hưởng đến cả hai nước láng giềng là Togo và Benin. Hiện mỗi năm, đường bờ biển Togo và Benin bị xói mòn 10-15m. Chính quyền Togo phải chi 3,5 triệu USD để bảo vệ mỗi kilômet đường bờ biển.

Các vùng châu thổ cũng chịu ảnh hưởng trực tiếp từ các con đập. Nghiên cứu vùng đồng bằng sông Pongolo ở Nam Phi cho thấy số lượng sinh vật rừng sụt giảm sau khi một con đập được dựng lên. Và các cánh rừng dọc sông Tana ở Kenya cũng đang chết dần. Các con đập cũng phá vỡ quang cảnh thiên nhiên, đặc biệt khi được xây dựng tại vùng núi.


Bức tử” sông Mekong với đập cao 292m

TT - Việc Trung Quốc xây dựng một loạt đập thủy điện trên sông Mekong sẽ là mối đe dọa lớn cho tương lai của con sông này, vốn là nguồn nước quan trọng cho Đông Nam Á, theo một báo cáo của Liên Hiệp Quốc (LHQ) được công bố ngày 21-5.

Đập Tiểu Loan, tỉnh Vân Nam, Trung Quốc - Ảnh: Gzhgj

Theo AP, Trung Quốc đã xây tám đập nước ở phần thượng lưu sông Mekong, thuộc tỉnh Vân Nam và mới đây đã hoàn thành đập nước Tiểu Loan cao 292m, cao nhất thế giới. Theo báo cáo của LHQ, sức chứa của đập này tương đương với toàn bộ các hồ chứa của vùng Đông Nam Á cộng lại.

Cùng lúc, ở hạ lưu, Lào bắt đầu xây dựng 23 đập nước trên sông Mekong và các phụ lưu sông này. Việc xây dựng sẽ hoàn thành vào năm 2010.

Báo cáo của LHQ nhận định chỉ riêng việc xây đập Tiểu Loan cũng sẽ làm thay đổi lượng nước và nhịp độ của dòng sông, làm giảm chất lượng nước và làm mất tính đa dạng sinh thái của con sông chảy qua sáu nước này.

Trong một cuộc họp báo, phát ngôn viên Mã Triệu Húc của Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói Chính phủ Trung Quốc coi trọng việc khai thác và bảo vệ các con sông xuyên biên giới, và có chính sách vừa quan tâm đến phát triển vừa bảo vệ nguồn nước.

Ông Young Woo Park, giám đốc vùng của Chương trình Môi trường LHQ (UNEP), cảnh báo các chính phủ cần quan tâm đến vấn đề sông Mekong, bởi nếu không sự tăng trưởng và phát triển có thể gây hậu quả cho khả năng chứa nước của lưu vực sông, và do vậy đe dọa đến việc cung cấp nhu cầu nước trong tương lai.


Sông Cửu Long sẽ khát nước... ngọt

Nông dân ĐBSCL đã phải đối mặt với nước mặn xâm nhập. Trong ảnh: nông dân xã Tăng Hòa, huyện Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang cắt bỏ lúa bị khô cháy do nhiễm mặn, mang về cho trâu bò ăn - Ảnh: N.C.T.
TT - Trước thông tin sông Mekong bị “bức tử” bởi đập Tiểu Loan cao 292m ở Trung Quốc (theo báo cáo của Liên Hiệp Quốc ngày 21-5), thạc sĩ Kỷ Quang Vinh, giám đốc Trung tâm Quan trắc tài nguyên - môi trường (Sở Tài nguyên - môi trường TP Cần Thơ), nói về những tác hại của nó liên quan tới khu vực hạ lưu, đặc biệt là vùng đồng bằng sông Cửu Long.


Ông KỶ QUANG VINH vô cùng bức xúc:

- Trước đây những con đập có chiều cao 15m là đã khá lớn rồi. Nay con đập này cao tới 292m là không thể tưởng tượng nổi. Có thể đập này có tác dụng điều tiết nước phục vụ vài vùng khô hạn của Trung Quốc hoặc sau đó khai thác thủy điện, mở rộng diện tích sản xuất lương thực... Nhưng tác hại trước mắt có thể thấy rõ ngay chính tại vùng trên con đập là sẽ có một vùng đất rộng lớn bị ngập nước. Điều đó sẽ tạo ra biến đổi cả hệ sinh thái ở vùng này do phát sinh tình trạng yếm khí. Một số loài động thực vật sẽ gặp nguy hiểm, có thể biến mất, không loại trừ trong đó có cả những động thực vật quý hiếm.

* Sông Mekong sẽ bị ảnh hưởng như thế nào?

Ông Kỷ Quang Vinh - Ảnh: D.T.Hùng

- Thực tế sông Mekong đang bị cắt vụn ra, không chỉ do đập Tiểu Loan mà chạy dài về hạ lưu qua các nước Lào, Thái Lan và Campuchia. Chính phủ các nước này cũng đang có kế hoạch xây dựng 11 đập thủy điện trên dòng chảy chính của con sông. Những con đập đó sẽ ngăn cản các luồng cá di cư và gây xáo trộn lớn tới dòng sông, tạo ra nguy cơ cho hàng triệu người đang sống dựa vào nguồn thu nhập và thực phẩm do dòng sông đem lại.

Mặt khác, các công trình xây đập trên vùng thượng nguồn sông Mekong (Lan Thương) của Trung Quốc đã gây nên những vấn đề nghiêm trọng về môi trường cho khu vực hạ lưu như Myanmar, bắc Thái Lan và bắc Lào. Trữ lượng cá giảm sút và mực nước sông biến đổi không dự đoán được sẽ làm cuộc sống của người dân quanh vùng càng thêm khó khăn.

Sông Mekong chảy tự do đang sở hữu sự đa dạng vô cùng to lớn về thủy sinh vật, chỉ đứng sau sông Amazon. Sông Mekong là một trong những vựa cá nước ngọt giàu có nhất thế giới đang nuôi sống hơn 60 triệu người. Các ước tính chính thức về giá trị của dòng sông này là hơn 3 tỉ USD/năm. Tuy nhiên, con số to tát đó vẫn chưa nêu hết được giá trị thực, bởi vì vựa cá này là nơi tập trung nguồn dinh dưỡng chủ yếu và bảo đảm an toàn lương thực cho hàng chục triệu người.

Việc xây dựng hàng loạt con đập trên dòng chảy chính của sông Mekong sẽ làm các loài quý hiếm nhanh chóng tới bờ diệt chủng như: cá heo nước ngọt Irrawaddy, cá catfish khổng lồ Mekong và vô số loài cá di cư khác. Mất đi sự giàu có về sinh thái này sẽ là thảm họa mang tính toàn cầu.

* Cảm giác của ông như thế nào khi điều đó sẽ ảnh hưởng đến dòng sông Cửu Long của chúng ta?

Nông dân huyện Ngã Năm (Sóc Trăng) bơm nước ngọt cứu lúa vì nhiều cánh đồng bị nhiễm mặn - Ảnh: Duy Khang

- Tôi cảm thấy trăn trở và đau lòng. Sông Cửu Long cũng sẽ bị xáo trộn lớn về mặt sinh thái. Hằng năm vào mùa lũ, một lượng cá khổng lồ di cư về đây sinh sản, cùng với nguồn cá linh, cá sặt, các loại cá quý hiếm khác như cá hô, thờn bơn, thác lác, tôm càng, mè vinh... đổ về tạo nguồn sống cho cư dân hai bờ sông. Nay nếu đập xây lên thì đồng nghĩa với nguồn lợi thủy sản sẽ không còn. Ngoài ra còn có các nguồn thủy sinh, rong tảo, vi sinh vật, có khả năng điều hòa, cân bằng sinh thái sẽ bị sụt giảm nghiêm trọng.

Có thể ngay cả mùa lũ - mùa nước nổi đặc trưng của vùng ĐBSCL - cũng không còn, bởi vì nước có về nhiều nữa đâu mà còn mùa lũ.

* Nếu các con đập ở thượng lưu xây lên thì điều gì sẽ xảy ra cho ĐBSCL?

- Điều dễ thấy nhất sẽ là thiếu nguồn nước ngọt nghiêm trọng. Điều đó đã xảy ra vào mùa khô giữa tháng tư vừa qua và trong những năm tới sẽ còn tiếp tục gay gắt. Vào mùa lũ, lượng nước cũng đã sụt giảm chứ không dồi dào như nhiều người lầm tưởng. Thấy nhiều vậy chứ không còn bao nhiêu đâu. Kết quả đo nước hồi tháng 10-2008 cho thấy lưu lượng nước chỉ còn ở mức 28.000m3/s trong khi trước đây tới 40.000m3/s.

Vụ đông xuân 2009 vừa qua, lưu lượng nước trên sông Tiền và sông Hậu chỉ đạt mức 1.600m3/s, so với nhu cầu của 1,5 triệu ha lúa phải là 1.700m3/s. Vì vậy mà vụ lúa vừa rồi ta thấy ở một số vùng hạ lưu sông Cửu Long nông dân phải chạy vạy kiếm nước tưới ruộng rất khổ sở. Đặc biệt là những vùng duyên hải các tỉnh Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau... nước mặn xâm nhập sâu trong đất liền có nơi tới 70km.

Riêng ở thị xã Vị Thanh (Hậu Giang), lần đầu tiên trong lịch sử, người dân nội ô thị xã “nếm mùi” nước mặn 3-4 ngày liền, do nước mặn tràn vô mà ngành cấp nước không hay biết, cứ tưởng còn ngọt nên vẫn lấy nước mặt cung cấp.

Sông Mekong trải dài qua 6 nước

Lưu vực sông Mekong trải dài qua lãnh thổ sáu nước: Trung Quốc, Myanmar, Lào, Thái Lan, Campuchia và VN. Với chiều dài 4.800km và diện tích 795.000km2, lưu vực sông Mekong rộng gần bằng nước Pháp và Đức cộng lại. Sông Mekong bắt nguồn trên vùng núi cao 5.000m của cao nguyên Tây Tạng. Vùng hạ lưu sông thuộc bốn nước Campuchia, Lào, Thái Lan và VN.

Trên lãnh thổ VN có năm vùng riêng biệt thuộc lưu vực sông Mekong gồm những diện tích rộng lớn thuộc đồng bằng sông Cửu Long, vùng Tây nguyên và những vùng đầu nguồn diện tích nhỏ tại Hướng Hóa (Quảng Trị), A Lưới (Thừa Thiên - Huế), Điện Biên, Lai Châu.


Quanh co như sông Mekong

TT - Sông Mekong dài 4.800km, diện tích lưu vực 595.000km2, do phụ thuộc vào địa hình, địa chất và thủy thế nên chảy quanh co, uốn khúc qua sáu nước Trung Quốc, Myanmar, Thái Lan, Lào, Campuchia và Việt Nam. Các nước có dòng sông Mekong chảy qua đều có chiến lược, kế hoạch khai thác nguồn nước vì mục đích phát triển kinh tế - xã hội.


Hoạt động hợp tác sông Mekong có từ cuối thập niên 1950 cho đến nay, trải qua nhiều giai đoạn thăng trầm của lịch sử, thậm chí còn phụ thuộc vào thiện chí của các nước thành viên cho nên người ta nhận xét hoạt động này đôi khi quanh co như dòng sông Mekong!

Tuy nhiên, Mekong là con sông quốc tế, đòi hỏi có sự hợp tác, khai thác sử dụng nguồn tài nguyên vì quyền lợi chung của tất cả các quốc gia trong lưu vực. Hiệp định hợp tác Mekong giữa bốn nước hạ lưu Mekong bao gồm Thái Lan, Lào, Campuchia và VN năm 1995 (MRC) là cơ sở pháp lý để các nước ven sông cùng nhau xây dựng các chương trình chung như quy hoạch phát triển lưu vực (BDP), chương trình môi trường (EP), chương trình quản lý lũ giảm nhẹ thiên tai...

Riêng hai nước thượng lưu là Trung Quốc và Myanmar vì lý do riêng vẫn từ chối tham gia hoạt động của Ủy hội sông Mekong (MRC) nên thực tế vẫn chưa nhất trí được dòng chảy môi trường về mùa khô của cả lưu vực.

Thời gian gần đây, công luận cả trong và ngoài nước đều quan tâm, lo ngại về việc các nước ở thượng lưu Mekong tiến hành xây dựng các nhà máy thủy điện và đập dâng sẽ gây tác động đến dòng chảy và môi trường sinh thái. Người ta quan ngại nhất là Trung Quốc đang xây dựng tám đập thủy điện ở Lan Thương (thượng nguồn Mekong nằm trong tỉnh Vân Nam) có khả năng chứa hơn 23 tỉ m3 nước.

Trước đây, khi Trung Quốc hoàn thành hai đập thủy điện đầu tiên có quy mô vừa phải là Manwan và Dachaoshan cũng đã gây lo ngại cho các nước hạ lưu. Theo báo cáo ngày 21-5 của Liên Hiệp Quốc, việc Trung Quốc xây dựng một loạt đập lớn ở thượng lưu sông Mekong, trong đó mới hoàn thành đập thứ ba Tiểu Loan cao nhất thế giới 292m với công suất 4.200 MW, sẽ là mối đe dọa nghiêm trọng cho con sông vốn là nguồn nước trọng yếu nhất khu vực Đông Nam Á.

Chắc chắn các đập thủy điện sẽ gây thiệt hại cho các nước thượng lưu như mất đất làm hồ chứa, di chuyển dân cư, thay đổi môi trường. Tác hại lớn hơn cả là ảnh hưởng trực tiếp đến các nước hạ lưu như thay đổi chế độ dòng chảy, giảm lượng phù sa, ngăn cản luồng cá di cư, đảo lộn quá trình sinh sản, nhiều loài thủy sinh sẽ biến mất vì không thể thích ứng với môi trường sinh thái mới.

Điều đáng lo nhất là các nước hạ lưu không ai nắm được cụ thể quy trình vận hành các nhà máy thủy điện của các nước nằm ở thượng lưu. Theo tôi biết, phía Trung Quốc chỉ có thông báo một số thông tin từ hai trạm thủy văn về mùa lũ, không có số liệu về mùa khô cho nên muốn tính toán, kiểm tra lại quy trình vận hành là rất khó khăn, nan giải.

Mặc dù thiên nhiên đã ưu ái cho chúng ta một công trình điều tiết tự nhiên vô giá đó là Biển Hồ, nhưng theo tác động dây chuyền domino và sự khai thác sử dụng dòng sông Mekong ồ ạt cho mục đích phát điện và nông nghiệp ở các nước thượng lưu sẽ ảnh hưởng tác hại cả về số lượng và chất lượng nước của ĐBSCL.

Trong xu thế hội nhập của thế giới, việc khai thác sử dụng nguồn nước sông Mekong là quyền lợi chung của tất cả các nước trong lưu vực. Cần quan tâm, thúc đẩy việc xây dựng cơ sở pháp lý của hợp tác quốc tế trong việc khai thác sử dụng các lưu vực sông quốc tế và quảng bá các nguyên tắc này nhằm thiết lập một hệ thống quốc gia cho các hoạt động khai thác nguồn nước; theo dõi việc sử dụng nguồn nước sông quốc tế trong lãnh thổ VN cả về số lượng và chất lượng, cụ thể là hai trạm chính ở Tân Châu và Châu Đốc; quảng bá kinh nghiệm của VN trong các diễn đàn quốc tế nhằm nâng cao uy tín của VN trong việc giải quyết các vấn đề cần thương lượng.

Con sông Mekong có thể quanh co nhưng thái độ hợp tác của các nước ven sông phải rõ ràng vì quyền lợi chung của cả lưu vực. Ngoài việc tăng cường hợp tác hoạt động qua khuôn khổ bốn nước hạ lưu của MRC, cần có sự phối hợp đồng bộ giữa các cấp, các ngành của VN qua các chương trình hợp tác song phương và đặc biệt là Sáng kiến tiểu vùng Mekong mở rộng (GMS) có đầy đủ cả sáu thành viên Mekong.

Trong tương lai, thế giới sẽ phải đối phó với cuộc khủng hoảng về nước, không hẳn chỉ vì thiếu lượng nước để dùng mà còn vì chất lượng nước tồi tệ đến mức không sử dụng được. Ban đầu là con người không thể uống được, kế đến là không thể nuôi trồng thủy sản và tiếp nữa là không thể tưới tiêu.

Nếu không có các biện pháp đối phó thích hợp thì chẳng bao lâu câu ta thán nổi tiếng của người phương Tây “Water, water everywhere, not a drop to drink” (Nước, nước ở mọi nơi, nhưng không một giọt uống được) sẽ trở thành hiện thực ở vùng châu thổ sông Mekong!


Phá đập thủy điện, trả lại dòng sông xưa

TT - 28 tổ chức đã đạt được thỏa thuận sơ bộ hôm 1-10 về việc phá bỏ bốn đập thủy điện để trả lại nguyên vẹn dòng sông Klamath chảy dọc ranh giới hai bang California - Oregon (Mỹ) như trước kia.


Đập Copco 1 ngăn dòng Klamath ở gần Hornbrook, California - Ảnh: Christian Science Monitor

Quyết định phá bỏ bốn đập nước hiện do Công ty PacifiCorp vận hành được đưa ra sau nhiều năm gây áp lực từ các nhóm môi trường. Họ cho rằng những đập thủy điện lớn nhất miền tây nước Mỹ này gây ra hàng loạt vấn đề về môi trường như cản trở sự di trú của cá hồi và các loài cá khác cũng như tạo ra các loại tảo độc trong dòng nước.

28 tổ chức liên quan ký vào thỏa thuận sơ bộ bao gồm Công ty PacifiCorp, chính quyền California, Oregon, các bộ lạc da đỏ châu Mỹ sống dọc dòng sông, các cơ quan liên bang và những nhóm bảo vệ môi trường.

Theo đó, đến năm 2020, các đập nước khổng lồ sẽ được phá bỏ để trả lại dòng sông như nguyên trạng lịch sử của nó. “Đây sẽ là dự án phá bỏ đập thủy điện lớn nhất trên thế giới. Thật đáng chờ đợi việc khôi phục dòng sông lịch sử này, không chỉ giúp dòng sông khỏe mạnh hơn mà còn lấy lại sức sống cho cả các cộng đồng ở đây” - Steve Rothert, giám đốc nhóm môi trường Các dòng sông nước Mỹ có trụ sở tại California, nói.

Tuy nhiên, chi phí cho dự án này sẽ không rẻ chút nào. PacifiCorp tính toán tổng cộng cần tới 450 triệu USD để di dời các đập thủy điện. Bang Oregon đã chấp nhận bỏ ra 180 triệu USD. Còn bang California có thể bỏ ra 250 triệu USD dù bản thân đang phải vật lộn với tình trạng thâm hụt ngân sách.

Dẫu sao, tất cả các bên đều cho thấy quyết tâm thực hiện thỏa thuận đã đạt được. “Thỏa thuận này cho thấy một bước tiến lớn trong việc khôi phục sông Klamath. Chúng tôi trông chờ tất cả các cộng đồng bộ lạc, nông nghiệp và ngư nghiệp ở lưu vực sông Klamath sẽ tham gia triển khai các giải pháp khôi phục dòng sông” - Troy Fletcher, một thành viên của bộ lạc Yurok sống ở lưu vực sông Klamath, nói.

Sông Klamath dài hơn 420km bắt nguồn từ hồ Thượng Klamath, chảy dọc biên giới hai bang Oregon - California miền tây nước Mỹ và đổ ra Thái Bình Dương.



No comments:

Thời Sự "Nóng"





------------------------------------------

---------------------------------------------------------
Vân Anh -Ngày 1 tháng 10 Hà Nội Chính Thức Bán Nước Cho Bắc Kinh
----------------------------------------