Nhà Báo Việt Thường

Nhà Báo Việt Thường

Tìm kiếm bài Blog than huu cua Nha Bao Việt Thường xin gõ chữ vào đây

Thursday, October 22, 2009

Dân oan-150 dự án thủy điện lớn nhỏ Quảng Nam, Thừa Thiên - Huế

Đánh cược với thiên nhiên - Kỳ 1:

Chi chít thủy điện ở miền Trung

TT - Chỉ với hai tỉnh miền Trung là Quảng Nam, Thừa Thiên - Huế cùng hai tỉnh ở Tây nguyên là Kontum và Đắc Nông mà có gần 150 dự án thủy điện lớn nhỏ đã, đang và sẽ triển khai. Dân khoa học ví von việc triển khai tràn lan các dự án thủy điện ở miền Trung và Tây nguyên là đánh cược với thiên nhiên, mà phần thua chắc chắn thuộc về con người.

Bão số 9 vừa qua, lũ ầm ầm dội về. Những thân gỗ từ thượng nguồn trôi về kín hạ lưu sông Vu Gia (Quảng Nam). Thêm vào đó là chuyện đập thủy điện A Vương xả lũ đã thôi thúc chúng tôi lên đường đi tìm câu chuyện về các dự án thủy điện ở miền Trung đang mọc lên như nấm sau mưa...

Chi chít các nhà máy thủy điện đã và đang xây dựng trên các sông của Quảng Nam (Nguồn: Sở Công thương Quảng Nam) - Đồ họa: V.Cường

Tan hoang rừng già

"Mới triển khai bốn dự án thủy điện mà rừng đã mất hơn 4.000ha, chưa kể 6.000ha rừng phải bị chặt bỏ để kéo đường dây điện. Nếu Quảng Nam triển khai hết số thủy điện đã phê duyệt thì mọi chuyện sẽ không tưởng tượng được"

Ông DƯƠNG CHÍ CÔNG
(giám đốc Sở Tài nguyên - môi trường Quảng Nam)

Ngày 18 -10, chúng tôi vào công trường thủy điện A Lưới (huyện A Lưới, Thừa Thiên - Huế) bằng tuyến đường công vụ còn nguyên dấu đất bùn đỏ. Con đường mới mở nhỏ và rất dốc men theo sườn núi cao với những cánh rừng già bạt ngàn, bên dưới là vực sâu hun hút. Để có được con đường này, đơn vị thi công đã tìm mọi cách đốn bỏ hàng chục hecta rừng già mà dấu tích để lại là những gốc cây to tươm nhựa đỏ bầm như máu.

Khoảng 2km trước khi đến công trường nhà máy là một cảnh tượng hùng vĩ hiện ra gồm ba tầng bậc taluy đỏ thẫm, loang lổ, xé toạc những thảm xanh nối tiếp của rừng. Trên suốt chiều dài 10km của tuyến đường công vụ có rất nhiều thân gỗ lớn đã bị đốn hạ còn trơ gốc ven đường. Cạnh đó, nhiều phách gỗ đã được xẻ chờ cơ hội chuyển đi.

Càng đi sâu vào trong, những phách gỗ đỏ tươi nằm ngổn ngang càng nhiều... Ông Lê Viết Ngọc Vinh, hạt trưởng Hạt kiểm lâm A Lưới, cho biết chưa thống kê được chính xác bao nhiêu hecta rừng bị triệt hạ để phục vụ công trình này, nhưng nó là một mối nguy lớn cho tương lai.

Trên trục đường Hồ Chí Minh đoạn qua xã Mà Cooih (huyện Đông Giang, Quảng Nam), dù lòng hồ đã được dọn dẹp, khai thác, tận thu gỗ trước khi tích nước đúng kế hoạch, thế nhưng vào những ngày này trên con đường công vụ dẫn vào đập chính của thủy điện A Vương, cảnh những khoảnh rừng xanh thẳm đang bị chìm dần trong lòng hồ khiến nhiều người xót xa.

Sau trận bão số 9 vừa qua, hàng ngàn thân gỗ lớn từ khắp các thượng nguồn theo nước trôi về nằm lềnh bềnh trên mặt hồ. Ngay tại khu vực cửa nhận nước nhà máy, nhân viên vận hành phải vất vả dùng những thùng phuy rỗng kết lại với nhau tạo nên dây phao nhằm ngăn thân gỗ, củi tràn vào cửa nhận nước phá hỏng nhà máy.

Trận lũ vừa rồi gỗ trôi về lòng hồ nhiều đến mức ông Nguyễn Văn Lê - chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Thủy điện A Vương - phải thốt lên: “Nếu cảnh này còn tái diễn thì chừng mười năm sau hồ A Vương sẽ không còn nước để phát điện”.

Theo ông Lê, mới sau một cơn lũ mà lòng hồ thủy điện đã bị bồi lắng một lượng bùn dày ước đến 10m. Như vậy không lâu nữa lòng hồ A Vương sẽ bị bồi lắng lấp đầy, do vậy không còn chỗ chứa nước để phát điện. Theo ông Lê, nguyên nhân chính do rừng đầu nguồn mất quá nhiều nên không giữ được nước dẫn đến xói lở đất rừng.

Rừng già bị san ủi không thương tiếc để mở đường vào công trình thủy điện A Lưới (Thừa Thiên - Huế) - Ảnh: Trần Dung Quất

Một giọt nước qua bốn cửa tuôcbin

Với chiều dài trải dọc từ Kontum đến Quảng Nam trước khi hợp vào sông Vu Gia đổ ra biển, sông Đăk Mi với nhiều tên gọi như sông Cái, sông Nước Mỹ hay sông Bung được đánh giá là hệ sông có tiềm năng thủy điện lớn nhất Quảng Nam.

Trên con sông Đăk Mi dài chưa đến 100km dự kiến ban đầu chỉ có hai nhà máy thủy điện là Đăk Mi 1 (225MW) và Đăk Mi 4 (210MW). Tuy nhiên một thời gian sau, dự án Đăk Mi 1 đã bị “xẻ” ra thành ba dự án theo bậc thang gồm Đăk Mi 1 (58MW, nằm trên địa phận tỉnh Kontum), Đăk Mi 2 (90MW) và Đăk Mi 3 (45MW).

Riêng thủy điện Đăk Mi 4 vẫn giữ nguyên quy hoạch. Cả ba dự án này đều nằm trên địa phận huyện Phước Sơn (Quảng Nam). “Với quy hoạch theo kiểu dày đặc như vậy thì một giọt nước từ nguồn chảy về đến biển phải qua bốn cửa tuôcbin” - ông Dương Chí Công, giám đốc Sở Tài nguyên - môi trường Quảng Nam, ví von. Theo báo cáo, đến thời điểm này toàn tỉnh Quảng Nam đã có tổng cộng 62 dự án thủy điện được phê duyệt, trong đó riêng trên sông Vu Gia - Thu Bồn là 10 dự án. 47 dự án thủy điện vừa và nhỏ khác cũng đã được địa phương này cho phép lập nghiên cứu, đầu tư.

Trong khi đó tại Thừa Thiên - Huế, một loạt nhà máy thủy điện nằm trên các nhánh của sông Hương đang được thi công ồ ạt nhằm kịp tiến độ phát điện vào cuối năm 2011 như thủy điện Bình Điền (44MW), A Lưới (170MW), Hương Điền (81MW), Thượng Nhật (6,5MW). Theo ông Nguyễn Duy Thành - phó giám đốc Sở Công thương Thừa Thiên - Huế, tỉnh đã thông qua quy hoạch phát triển hệ thống thủy điện vừa và nhỏ của địa phương từ nay đến năm 2015 bao gồm 12 nhà máy, trong đó riêng trên sông Bồ có bảy dự án.

Chỉ trên một hệ thống sông Bung (Quảng Nam) đã có đến 10 công trình thủy điện (dấu chấm) - Đồ họa: Hữu Tiến - Vĩ Cường

NHÓM PV MIỀN TRUNG
(còn tiếp)

Đầu tư thủy điện: ngon ăn, ít rủi ro

Hơn hai năm trở lại đây, phong trào đầu tư vào các dự án thủy điện đang trở nên rất “hot” khi hàng loạt doanh nghiệp trong và ngoài ngành ồ ạt nhảy vào mà không cần chờ địa phương tiếp thị.

Theo một cán bộ tài chính trong ngành điện, việc đầu tư thủy điện hiện đang rất “ngon ăn” bởi hiệu quả kinh tế cao, thu hồi vốn nhanh. Thủy điện công suất càng lớn, địa hình tốt thì suất đầu tư thấp. Cũng theo vị này, với suất đầu tư bình quân 25 tỉ đồng/MW thì một dự án chỉ từ 8-10 năm là thu hồi vốn.

Tập đoàn Công nghiệp cao su VN cũng tham gia làm chủ đầu tư thủy điện Sông Côn 2 - Ảnh: Đ.Nam

Một chuyên gia ngân hàng cho biết phần lớn dự án thủy điện luôn được các ngân hàng ưu ái tài trợ vốn. Hợp đồng giải ngân nhanh và thuận lợi hơn các dự án khác. Lý do là đầu tư thủy điện có lợi nhuận trên vốn cao và ít rủi ro, lãi suất thu được ổn định.

Bà Trần Thị Oanh, tổng giám đốc Công ty cổ phần Sông Côn, cho hay mới gần hai tháng phát điện nhưng thủy điện Sông Côn 2 đã đưa lên lưới hơn 60 triệu kWh. Với điện lượng hơn 210 triệu kWh/năm thì sau chín năm thủy điện Sông Côn 2 sẽ thu hồi 1.050 tỉ đồng đã đầu tư trước đó. Trong khi đó một cán bộ của thủy điện A Lưới cho rằng nếu kịp phát điện trong quý 1-2011 thì chỉ sau chín năm nhà máy sẽ thu hồi đủ 3.234 tỉ đồng đã đầu tư.

Điều đáng nói, theo cán bộ thủy điện A Lưới, trong khi các nhà máy thủy điện lớn như Hòa Bình, Trị An... đều phải giảm công suất vào mùa khô kiệt (từ tháng 9 đến tháng 12) do hết nước, thì ngược lại thời điểm này miền Trung đang vào mùa mưa, các nhà máy điện đều chạy hết công suất nên rất kinh tế, lợi nhuận mang lại rất cao.

Sức hấp dẫn từ các dự án thủy điện cũng đã thu hút nhiều doanh nghiệp ngoài ngành điện quan tâm. Mới đây, Công ty Phú Thạnh Mỹ đã khởi công thủy điện Sông Bung 4A với tổng vốn đầu tư 1.200 tỉ đồng.

Tương tự, Công ty xây dựng tổng hợp Trường Thịnh (một đơn vị tư nhân ở Quảng Bình) tham gia 308 tỉ đồng đầu tư thủy điện La Trọng (thượng nguồn sông Gianh). Tại Bắc Trà My (Quảng Nam), Công ty cơ khí áp lực Mạnh Nam đầu tư thủy điện Tà Vi. Trong khi đó tại huyện Phước Sơn, Tổng công ty Đầu tư phát triển đô thị và khu công nghiệp VN làm chủ hai dự án thủy điện Đăk Mi 4 và Đăk Mi 4C.

Qua huyện miền núi Nam Giang, Tổng công ty cổ phần Xây dựng điện VN làm chủ đầu tư các dự án thủy điện Đăc Pring, Sông Bung 4...Tổng công ty Cơ điện nông nghiệp và thủy lợi đầu tư thủy điện Đăk Mi 2, Công ty cổ phần Đạt Phương đầu tư thủy điện Sông Bung 6, Công ty cổ phần Hoàng Anh Quảng Nam thì thủy điện Sông Cùng hay Công ty cổ phần Xây dựng 699 là dự án Trà Linh 3...

NHÓM PV

Ý kiến bạn đọc:

TTO - Không hiểu sao các cơ quan chức năng lại phê duyệt hàng chục công trình thủy điện tại miền Trung - nơi vẫn luôn là cái rốn lũ của cả nước?

Đành rằng ưu tiên phát triển kinh tế cho các vùng miền Trung còn khó khăn, nhưng đổi lại một cái giá quá đắt thì có nên không? Với những dự án có tầm ảnh hưởng đến môi trường lớn như thế, thiết nghĩ cần phải có Sở tài nguyên - môi trường hay các nhà khoa học về môi trường tư vấn.

Cần kiểm tra lại việc có nên thực thi những dự án sắp triển khai không? hoặc chuyển đổi mục đích của các dự án này sang hướng điện gió, điện hạt nhân, hoặc có cơ chế thuế đặc biệt đối với các dự án này để làm chùn tay những nhà đầu tư.

Không thể để diễn ra cảnh người dân năm nào cũng quyên góp cứu trợ cho đồng bào miền Trung, trong khi những tác nhân góp phần gây ra hậu quả đó lại cứ ung dung thu lợi nhuận và các dự án cứ tiếp tục được phê duyệt. Mong mỏi lắm một sự phản biện của các nhà khoa học về các dự án này...


Mô hình nhà máy thủy điện sông Bung 4A - Công suất 45MW

- Các dự án thủy điện vừa và nhỏ thuộc hệ thống sông Vu Gia - Thu Bồn, tỉnh Quảng Nam và một số dự án thủy điện tại Lào.


Kỳ 2:

Tây nguyên: nhà nhà làm thủy điện

TT - Tây nguyên có 11 nhà máy thủy điện lớn đang vận hành với tổng công suất hơn 5.000MW, chiếm khoảng 25% tổng công suất nguồn điện của cả nước. Quy hoạch của ba tỉnh Gia Lai, Đắc Nông và Kontum có đến 257 nhà máy thủy điện vừa và nhỏ!

Anh Nguyễn Phan - trưởng văn phòng đại diện báo Tuổi Trẻ khu vực Tây nguyên - đã lắc đầu ngao ngán: “Không một nhà chuyên môn, cơ quan chức năng nào giúp được chúng tôi trong việc lập sơ đồ vị trí các nhà máy thủy điện ở Tây nguyên. Đơn giản vì nhiều quá! Nhiều đến độ các nhà chuyên môn bảo rằng chấm đâu trên bản đồ cũng trúng”!

Đằng sau Nhà máy thủy điện Dak Ru có công suất chỉ 7,5MW là một ngọn đồi bị phạt sạch! Công trình này đã ngốn cả trăm hecta rừng - Ảnh: Lê Bình

>> Kỳ 1: Chi chít thủy điện ở miền Trung

Tây nguyên có 11 nhà máy thủy điện lớn đang vận hành với tổng công suất hơn 5.000MW, chiếm khoảng 25% tổng công suất nguồn điện của cả nước. Tuy nhiên, vấn đề đáng bàn ở đây không phải nằm ở chỗ các nhà máy lớn này, điều đáng ngại là tình trạng nhà nhà làm thủy điện. Dựa vào quy hoạch của ba tỉnh Gia Lai, Đắc Nông và Kontum, chúng tôi thật sự choáng với con số 257 nhà máy thủy điện vừa và nhỏ!

Hàng trăm hecta rừng đổi lấy nhà máy 7,5MW!

"Đến thời điểm này tỉnh mới chỉ cấp giấy phép xây dựng cho 32 dự án thủy điện vừa và nhỏ trong số 70 dự án đã quy hoạch. Nhiều con suối ở địa phương này có rất nhiều tiềm năng để xây dựng các công trình thủy điện nhỏ"

Ông Nguyễn Thanh Sơn, giám đốc Sở Kế hoạch - đầu tư tỉnh Đắc Nông

Câu chuyện đáng nói của vấn đề thủy điện ở Tây nguyên là việc nhà nhà đua nhau làm thủy điện. Những con sông lớn hết chỗ vì dành cho những công trình lớn của ngành điện thì người ta tấn công các con suối! Chúng tôi đã tìm đến một nhà máy nhỏ như thế nằm trên địa bàn xã Dak Ru, huyện Đắc R’Lấp, tỉnh Đắc Nông.

Nhà máy thủy điện Dak Ru có công suất chỉ 7,5MW với ba tổ máy do Công ty TNHH N&S làm chủ đầu tư, được khởi công tháng 6-2006 và tháng 4-2008 chính thức đi vào hoạt động. Chúng ta hãy so sánh công suất này với công suất bình quân của 11 nhà máy thủy điện lớn tại Tây nguyên (khoảng 5.000MW) mới thấy nó quá nhỏ bé. Để xây dựng nhà máy này, ông Hoàng Anh Tuấn - giám đốc Công ty N&S - cho biết tổng nguồn vốn đầu tư để xây dựng nhà máy trên 250 tỉ đồng, trong đó phần lớn được vay từ Ngân hàng Đầu tư và phát triển chi nhánh Đắc Nông.

Điều đáng quan tâm là một nhà máy nhỏ như thế nhưng Công ty N&S đã phải phá hàng trăm hecta rừng dọc suối Dak Ru, đào xới, làm đảo lộn cảnh quan cả một vùng rừng núi thâm u để xây dựng đập ngăn hồ chứa và hệ thống kênh dẫn dòng dài hơn 5km. Nên nhớ, Dak Ru là một dòng suối nhỏ, lưu lượng nước thấp. Và khi nhà máy thủy điện này ra đời, nhiều người dân trong vùng đã dắt díu nhau đến các khu vực xa hơn tại các xã Quảng Tín, Đắc Ngo (huyện Tuy Đức) để mua đất canh tác do thiếu nước.

Có đặt chân đến những nhà máy thủy điện có công suất nhỏ hoặc vừa như Dak Ru, bạn mới thấy xót xa đến dường nào với việc con người đã tàn phá thiên nhiên vì những món lợi nhỏ nhoi!

Thủy điện Ayun Hạ chỉ có công suất 3MW, được xây dựng trên địa bàn huyện Phú Thiện, tỉnh Gia Lai - Ảnh: Thảo My

Những con số biết nói

Theo Sở Công thương tỉnh Gia Lai, hiện tỉnh có bảy công trình thủy điện lớn do Tập đoàn Điện lực VN (EVN) đầu tư với công suất 1.871MW, trong đó trên dòng Sê San có bốn công trình (ba đang vận hành, một đang thi công), trên sông Ba có ba công trình đang thi công. Trong khi đó tổng số thủy điện vừa và nhỏ trên địa bàn Gia Lai là 113 với tổng công suất 549,781MW (chỉ bằng 1/10 tổng công suất 11 nhà máy thủy điện của EVN), trong đó có 21 nhà máy thủy điện đã vận hành.

Tại Đắc Nông, trên lưu vực sông Đồng Nai (đoạn qua Đắc Nông) đang xây dựng ba nhà máy thủy điện lớn là Đồng Nai 3, 4 (tổng công suất 520MW, EVN làm chủ đầu tư), Đắc R’Tih (144MW - Tổng công ty Xây dựng I làm chủ đầu tư). Các dự án này đều sẽ hoàn thành và phát điện lên lưới quốc gia trước năm 2012. Còn trên dòng Krông Nô - Sêrêpôk có các nhà máy thủy điện vừa và lớn đã và đang được xây dựng: Buôn Tua Srah (86MW, EVN làm chủ đầu tư), Buôn Kuốp (280MW, EVN làm chủ đầu tư), Đray H’Linh II (16MW, Công ty cổ phần Điện lực 3 làm chủ đầu tư), Sêrêpôk III (220MW, EVN làm chủ đầu tư), Sêrêpôk IV (70MW, Công ty TNHH Đại Hải làm chủ đầu tư)...

Đối với hệ thống thủy điện vừa và nhỏ thuộc tỉnh Đắc Nông quản lý, ông Trần Phương - phó chủ tịch UBND tỉnh - cho biết đã quy hoạch 70 dự án với tổng công suất 241,07MW và đến thời điểm này có 26 dự án đã vận hành.

Tỉnh Kontum được xem là có nguồn thủy năng phong phú để phát triển thủy điện, chưa tính các công trình thủy điện quốc gia được đầu tư xây dựng trên hệ thống sông Sê San, Pô Kô, Đăk SNghé... Tỉnh này đã quy hoạch phát triển 74 công trình thủy điện vừa và nhỏ, với tổng công suất khoảng 300MW.

Đến nay đã có hai công trình thủy điện vừa và nhỏ khánh thành và đi vào hoạt động. Đó là thủy điện Đăk Rơ Sa nằm trên địa bàn hai xã Đăk Trăm và Ngọc Tụ, huyện Đăk Tô, có công suất 7,5MW. Kế đến là Nhà máy thủy điện Đăk Pô Ne 2 do Công ty TNHH Gia Nghi đầu tư xây dựng trên địa bàn xã Đăk Pờ Ne, huyện Kon Rẫy, tổng công suất 3,6MW!

Nhóm PV Tây Nguyên



Đánh cược với thiên nhiên - Kỳ cuối:

Thủy điện - chuyện xứ người

Đã có rất nhiều quốc gia trên thế giới phải trả giá đắt vì các đập nước thủy điện. Giờ đây nhiều nước đã chấm dứt chuyện xây đập làm thủy điện, thậm chí có nơi còn chấp nhận tốn tiền để phá bỏ. Trong khi đó, VN lại dẫn đầu về thủy điện trong khu vực Đông Nam Á...

Đập Hoover đã làm thay đổi nghiêm trọng dòng chảy sông Colorado, Mỹ. Số phận nó đã được quyết định: phá bỏ! - Ảnh: wikimedia.org


1. Phá bỏ và ngưng làm mới

Đầu tháng 10-2009, The New York Times đưa tin 29 tổ chức ở Mỹ đã đạt được thỏa thuận sơ bộ về việc phá bỏ bốn đập thủy điện để trả lại nguyên vẹn dòng sông Klamath chảy dọc ranh giới hai bang California - Oregon. Quyết định này được đưa ra sau nhiều năm gây áp lực từ các nhóm bảo vệ môi trường.

Lý lẽ của họ rằng các đập nước phá hoại môi trường tự nhiên của sông Klamath, ngăn cản sự di trú của cá hồi và các loài cá khác cũng như làm nhiễm độc dòng nước. Dự kiến đến năm 2020, các đập nước khổng lồ sẽ được phá bỏ để trả lại dòng sông như nguyên trạng lịch sử của nó. Đây là dự án phá bỏ đập thủy điện lớn nhất thế giới với tổng chi phí lên tới 450 triệu USD.

Tại Nhật Bản, theo Hãng tin Kyodo News, ngay sau khi vừa thắng cử vào tháng 9-2009, chính quyền của tân Thủ tướng Yukio Hatoyama đã ngừng ngay 48 trong số 56 dự án đập thủy điện, thủy lợi trên toàn nước Nhật. Trong số các dự án bị hủy bỏ, nổi bật nhất là dự án xây đập Yamba có chi phí dự kiến lên đến 5 tỉ USD và hiện đã hoàn tất 70%.

Dự án Yamba được khởi động từ tận năm... 1952 nhưng không thể hoàn tất do những cuộc phản đối lớn của người dân và các nhóm môi trường muốn giữ nguyên trạng dòng sông Agatsuma xinh đẹp tại tỉnh Gunma.

Trang mạng của Hiệp hội Những công dân quan tâm đến vấn đề đập thủy điện Yamba (http://www.yamba-net.org/eng/) cho biết dự án này sẽ khiến một vùng 316ha bị ngập lụt, 422 gia đình phải tái định cư và ảnh hưởng tới đời sống 1.000 người dân trong vùng.

2. Hậu quả lớn hơn hiệu quả!

"Không lẽ chúng ta không nhìn thấy bất cứ một kinh nghiệm nào từ các nước, để cứ loay hoay trong một canh bạc với thiên nhiên mà chắc chắn chúng ta sẽ là người thua cuộc?"

NGUYỄN ĐẠI ANH TUẤN
(Th.S quản lý tài nguyên)

Vào đầu tháng 10 năm nay, Tổ chức Nông lương Liên Hiệp Quốc (FAO) thông báo rằng vụ mùa năm 2009, thu hoạch ngũ cốc tại Iraq chỉ bằng một phần ba so với mức trung bình mười năm trước.

Nguyên nhân do các đập thủy điện Thổ Nhĩ Kỳ xây dựng ồ ạt ở thượng nguồn hai dòng sông Euphrates và Tigris đã khiến vùng hạ lưu trở nên khô hạn. Thổ Nhĩ Kỳ đã chi 25 tỉ USD để xây 22 đập nước, 19 nhà máy thủy điện trên hai dòng sông lớn nhất khu vực Trung Đông.

Trích dẫn nghiên cứu “Các dòng sông câm lặng: Sinh thái học và chính trị các đập nước lớn” của Patrick McCully đăng trên International Rivers cho thấy trong vòng chín năm sau khi xây đập thủy điện Hoover ở Mỹ, 110 triệu mét khối đất từ lòng sông và hai bên bờ sông Colarado đã bị cuốn phăng. Một ví dụ khác, đập nước Aswan Thượng trên sông Nile khiến dòng sông sau đó cuốn mất 124 triệu tấn phù sa ra biển mỗi năm, khiến chất đất ở đồng bằng Ai Cập trở nên cằn cỗi hơn rất nhiều so với trước khi xây đập.

Một vấn đề khác từ các đập thủy điện là làm suy giảm nghiêm trọng chất lượng nguồn nước. McCully cho biết đập Glen Canyon, cũng trên sông Colarado, làm nhiệt độ nước giảm trung bình 8OC ở khu vực trước và sau đập, đồng nghĩa với việc đảo lộn môi trường sống của các loài thủy sản và thực vật dựa vào con sông.

Cuối cùng, các đập nước lớn làm thay đổi kết cấu địa chất dữ dội đến mức đó có thể là nguyên nhân dẫn đến các thảm họa kinh khủng như động đất hay lũ lụt. Một nghiên cứu của các nhà khoa học thuộc Đại học Columbia (Mỹ) được New York Times trích dẫn cho thấy trận động đất kinh hoàng làm 80.000 người chết và mất tích ở Tứ Xuyên (Trung Quốc) có thể khởi nguồn sâu xa từ việc tích trữ 320 triệu tấn nước ở hồ chứa Zipingpu, cách nơi xảy ra động đất hơn 1,5km.

Lời giải thích là việc nén một lượng nước quá lớn ở một khu vực chật hẹp có thể gây ra những nứt gãy bên dưới các lớp địa chất mới hình thành.

3. VN đứng đầu Đông Nam Á về thủy điện

Thống kê từ trang web của Cơ quan Thông tin năng lượng Mỹ (EIA) cho thấy ở hầu hết các nước phát triển, năng lượng thủy điện chỉ chiếm vai trò thứ yếu. Ví dụ với Nhật Bản, thủy điện chỉ chiếm 3% nguồn cung cấp năng lượng trong năm 2005, so với 20% từ năng lượng than đá và 13% năng lượng nguyên tử.

Ở các nước có nhiều điểm tương đồng với VN như Indonesia và Malaysia, theo số liệu của EIA năm 2009, thủy điện chỉ chiếm 2% nhu cầu năng lượng quốc gia. Còn Trung Quốc, mặc dù các nhà máy thủy điện đã được chính quyền Bắc Kinh xây dựng khá rầm rộ, nhưng thống kê của EIA cho thấy trên thực tế năng lượng thủy điện chỉ chiếm 6% tổng nguồn cung cấp năng lượng của nước này.

Trong khi đó, thống kê của EIA cũng cho biết thủy điện chiếm 20% nguồn năng lượng cung cấp ở VN, cao nhất ở Đông Nam Á.

Vậy các nước dựa vào nguồn năng lượng nào để thay thế thủy điện? Chúng ta hãy tham khảo người láng giềng Trung Quốc: năm 2007, quốc gia này đã khởi động chiến dịch đầy tham vọng là đến năm 2010, họ sẽ đáp ứng 10% nhu cầu năng lượng cả nước từ các nguồn năng lượng sạch (gió, thủy triều, năng lượng sinh học và các năng lượng có thể tái chế khác) và năm 2015 sẽ là 15%.

HẢI MINH

..............................

Hạn chế thủy điện để dân vùng hạ bớt lo

- Khi đập thủy điện A Vương xả lũ trong đợt bão số 9 góp phần làm tan hoang cuộc sống một bộ phận người dân miền Trung, các phóng viên Tuổi Trẻ đã giật mình nghĩ đến phong trào thủy điện “trăm hoa đua nở”.

Mặc dù đã biết trước miền Trung chi chít thủy điện, Tây nguyên nhà nhà làm thủy điện, nhưng chúng tôi cũng không khỏi giật mình khi tiếp cận các con số chính thức từ những cơ quan chức năng về số lượng đập thủy điện vừa và nhỏ đã, đang và sẽ xây dựng:

Quảng Nam có 62 nhà máy, Đắc Nông 70, Đắc Lắc 104, Gia Lai 113...

Nhưng một người bạn của tôi có trang trại vài chục hecta ở Tây nguyên đã cho biết:

“Đó là mấy ông chỉ mới tính loại nhà máy thủy điện nhỏ và vừa, có công suất 3MW đến dưới 20MW chứ còn loại nhỏ (dưới 3MW) thì bạt ngàn đếm không xuể”!

Nói đâu xa, chính trong trang trại của anh bạn này có một con suối chảy qua. Thế là ngăn dòng, đắp đập, mua tuôcbin Trung Quốc giá rẻ bèo về lắp đặt, không chỉ đảm bảo nguồn điện phục vụ mình mà còn bán được cho một số hộ dân cư lân cận.

Đó là cái được, còn tác hại? Anh ngần ngừ một hồi rồi mới nói: “Lợi thì chỉ mình tôi, nhưng những người sống cạnh con suối dưới tôi thì bị ảnh hưởng, thiếu nước tưới cà phê. Chưa kể con suối giờ đây cũng không còn như xưa, cá cua đã mất sạch, thảm thực vật cũng biến mất sau gần năm năm khi nhà máy mini của tôi ra đời”.

Anh bạn của tôi có lợi thế được con suối chảy qua nông trại của mình nên không có chuyện đốn cây phá rừng. Nghĩa là thiệt hại thuộc vào loại giảm thiểu. Nhưng nếu tính trên lợi ích chung của cộng đồng, nhà máy mini 1MW là một sự đầu tư chỉ biết đến mình. Từ nhà máy mini này, chúng ta sẽ hình dung được thiệt hại khủng khiếp thế nào với hàng ngàn cái như thế ở Tây nguyên, với trên 300 nhà máy vừa và nhỏ ở bốn tỉnh nói trên.

Nhưng cũng có người đặt ngược lại vấn đề: nói thủy điện tác hại như thế, không lẽ phủ nhận hết những công trình đã “cứu” đất nước thoát khỏi nạn thiếu điện trầm trọng như Hòa Bình, Trị An? Không. Không ai phủ nhận lợi ích của những công trình đó, đặc biệt vào thời kỳ mà ngay chính các nước tiên tiến cũng chưa lường được hậu quả của thủy điện.

Nói đâu xa, Liên Xô (cũ) cùng Trung Quốc được mệnh danh là “vua thủy điện”, nay cũng đã nhận ra được cái lợi không đủ để chi trả cho điều hại. Hiện tại Trung Quốc và Nga đã có chính sách hạn chế thủy điện, tập trung chuyển sang khai thác năng lượng xanh như gió, mặt trời, thủy triều.

Rồi cũng phải đến lúc VN chuyển hướng sang năng lượng xanh như Nga, Trung Quốc. Nhưng trong khi chờ đến cái ngày đẹp trời ấy thì việc trước tiên, khẩn cấp phải làm là cần có sự phối hợp chặt chẽ khi cấp phép làm thủy điện.

Phải xem thủy điện là ngành kinh doanh có điều kiện và Bộ Nông nghiệp - phát triển nông thôn cũng như Bộ Tài nguyên - môi trường phải được tham khảo, có ý kiến trước khi Bộ Công thương cấp phép. Có thế dân ở vùng hạ mới bớt lo những tai họa từ trên cao đổ xuống.

HUY THỌ

No comments:

Thời Sự "Nóng"





------------------------------------------

---------------------------------------------------------
Vân Anh -Ngày 1 tháng 10 Hà Nội Chính Thức Bán Nước Cho Bắc Kinh
----------------------------------------