Nhà Báo Việt Thường

Nhà Báo Việt Thường

Tìm kiếm bài Blog than huu cua Nha Bao Việt Thường xin gõ chữ vào đây

Sunday, August 15, 2010

HDH-Mai Loan-Khi ông nghị viên người Việt quậy nát cộng đồng (Hoang Duy Hung

Khi ông nghị viên người Việt quậy nát cộng đồng

Mai Loan

Có lẽ khó ai phủ nhận sự kiện ông tân nghị viên Al Hoang, tức là Hoàng Duy Hùng (HDH), là một chính trị gia "trẻ" nổi tiếng nhất trong việc gây ồn ào tranh cãi náo loạn nhất trong cộng đồng người Việt tại hải ngoại, dù rằng ông chưa tạo được một thành tích gì cụ thể được coi là có "ích quốc lợi dân".

Khách quan mà nói, ông tân nghị viên này (mới đắc cử vào đầu năm nay) còn thuộc loại "lính mới tò te", theo ngôn ngữ phổ thông thường gọi tại Hoa Kỳ là "rookie", hoặc nói theo ngôn ngữ bình dân là "hỉ mũi còn chưa sạch" trên chính trường Hoa Kỳ vì chưa đủ khôn lớn để hiểu biết rành rẽ trong cơ chế chính quyền mà ông mới nhập cuộc. Từ trước tới nay, ông thường chỉ hay thích "lấy le" trong cộng đồng người Việt nhờ có cái "mác" là luật sư cộng với cái thành tích đã từng bị cầm tù bởi Việt Cộng, và đa số những người thần tượng ông như là một chính trị gia trẻ có tài và tinh thần đấu tranh nhiệt tình. Mãi đến gần đây thì những sự thật phũ phàng mới bắt đầu được hé lộ và biết bao người đã phải ngậm đắng nuốt cay khi nhận ra mình đã bị một cậu nhóc ma đầu xỏ mũi và khôn khéo lợi dụng trong khi mình cứ luôn nghĩ tốt về anh ta, hoặc có khi còn hoang tưởng nghĩ rằng cậu ta coi mình như là một thứ đàn anh, một bậc trưởng thượng, như lời nói quen thuộc ở cửa miệng của anh trước đây.

Thông thường, những vị dân cử loại "tân binh" này còn phải tập sự học nghề rất nhiều trong guồng máy chính quyền cũng như trong cơ chế nghị trường trước khi có thể múa may để tạo ra tiếng vang cho mình, và từ đó mới bắt đầu nói đến việc đề ra những sáng kiến hay dự luật mang tên tuổi hoặc ảnh hưởng của mình. Trong nhiều trường hợp, những vị dân cử mới tập sự này còn phải thuê mướn lại những nhân viên (staff) của vị dân cử tiền nhiệm để có thể giúp đỡ công việc điều hành và qua đó, giúp mình dần dần học được việc và biết rõ hơn về sinh hoạt và thủ tục nghị trường vốn rất chi tiết và nhiêu khê, rắc rối.

Phần đông những vị dân cử "tân binh" thường được một số các vị dân cử khác cùng đảng với mình đứng ra bảo bọc trong thời gian đầu ở vai trò đàn anh hay đàn chị "mentor" để hướng dẫn một cách mau lẹ và truyền cho những mánh lới trong nghề để có thể nhanh chóng nhập cuộc. Tuy nhiên, tất cả các vị này đều phải trải qua kinh nghiệm của thời gian để mỗi ngày một học khôn ra, tương tự như bất cứ một nhân viên nào mới nhận một công việc mới hoặc gia nhập vào một công ty mới. Và hiện tượng "ma cũ ăn hiếp ma mới" không bao giờ tránh khỏi, huống chi là trong chính trường, các nhà dân cử cũng là những chính trị gia rất ma đầu, bao giờ cũng chỉ biết lo nghĩ đến quyền lợi của mình trước tiên, và thường ít khi nào dễ dãi để giúp đỡ cho những người thuộc phe đảng đối lập với mình.

Trừ các vị nghị sĩ liên bang có nhiệm kỳ là 6 năm và một số các vị dân cử khác có nhiệm kỳ là 4 năm như các nghị sĩ tiểu bang hoặc uỷ viên quận hạt (county commissioners hay supervisors), hầu hết các vị dân biểu và nghị viên thường có nhiệm kỳ là 2 năm. Tuy vậy, thời hạn này rất ngắn ngủi vì qua đến năm thứ nhì, tất cả các vị dân cử này không còn hoàn toàn chú tâm đến việc bàn luận ở nghị trường mà phải bắt đầu chú ý đến việc vận động gây quỹ cho việc tái tranh cử (bởi vì không được tái đắc cử thì coi như đã thất bại).

Từ đó, mọi việc làm của các vị dân cử này cũng thường bị chi phối bởi những tính toán liên quan đến triển vọng được tái đắc cử của họ. Do vậy, thời gian làm việc và học nghề thực sự của những vị dân cử "tân binh" như ông HDH quá ngắn ngủi chỉ có vài tháng, chưa chắc đã học đầy đủ mánh lới trong nghị trường cũng như tạo nhiều vây cánh hoặc đồng minh cần thiết, chưa kể đến việc ông Hùng đã trở thành trò cười cho các vị đồng viện vì vụ bê bối dám mạo danh bà thị trưởng Annise Parker để tự tiện phát ngôn bừa bãi và láo lếu trong một dịp sinh hoạt tại địa phương là buổi lễ tưởng niệm 30-4 vừa qua, nhưng đã bị đổ bể và khui ra bởi báo giới chỉ vì cái tính háo thắng của ông.

SO SÁNH NHỮNG VỊ DÂN CỬ GỐC VIỆT ÐÃ CÓ THÀNH TÍCH.

So với các vị dân cử gốc Việt khác, ông HDH có chức vụ, uy tín và thành tích yếu kém hơn nhiều, nếu không muốn nói là ông chưa có được thành tích gì cụ thể và tốt đẹp. (Ông Barack Obama ít ra cũng còn thông qua được 2 dự luật cải tổ lớn lao chưa từng thấy trong lịch sử về y tế và tài chánh, và bổ nhiệm 2 phụ nữ làm thẩm phán Tối Cao Pháp Viện; ấy vậy mà cũng còn bị nhiều người Việt trung thành với đảng Cộng Hoà vẫn thường lớn tiếng đả kích là chưa làm được việc gì cho ra trò).

Ðã có hai chính trị gia gốc Việt đắc cử trước ông HDH rất nhiều và ở chức vụ cao hơn, cũng như tạo được uy tín và ảnh hưởng nhiều hơn. Ðó là dân biểu tiểu bang Trần Thái Văn của California và dân biểu Hubert Võ của Texas đã cùng đắc cử lần đầu vào cuối năm 2004, trở thành những vị dân cử gốc Việt cao cấp nhất tại Hoa Kỳ cho đến khi ông Joseph Cao Quang Ánh đắc cử dân biểu liên bang vào cuối năm 2008. Dù có bênh vực hay chống đối hai vị dân biểu tiểu bang này vì sự lựa chọn riêng biệt theo đảng phái của từng cử tri, người ta cũng phải công nhận rằng hai vị này cũng đã có tiếng nói để có thể ảnh hưởng đến đời sống và sự phát triển của cả một tiểu bang đông dân cả trên 30 triệu người, đương nhiên phải có tầm cỡ hơn là một thành phố như Houston chỉ có khoảng 2 triệu người, là nơi mà ông HDH đang phục vụ trong hội đồng thị chính trong cương vị là một nghị viên cho đơn vị F (nằm ở góc tây nam thành phố).

Dân biểu tiểu bang California Trần Thái Văn (hình Wikipedia).

Tuy thuộc vào hai đảng chính trị nằm ở vị thế thiểu số trong mỗi quốc hội tiểu bang, hai ông Trần Thái Văn (Cộng Hoà) và Hubert Võ (Dân Chủ) cũng gây được tiếng vang khiến những vị đồng nhiệm khác thuộc phe đối lập cũng phải kiêng nể hoặc tôn trọng. Vì thế nên ông Văn cũng tạo được thành tích là thông qua một số đạo luật tại Hạ viện California như AB 199 (phát triển khu doanh nghiệp và tạo công ăn việc làm) và AB 38 (cắt bớt tiền lương cho nhiều thành viên trong các uỷ ban), hoặc là AB 2214 (thường được quen gọi là đạo luật về bánh chưng, bánh trung thu v.v. . .) Ông Văn cũng được các chính trị gia phe bảo thủ nể trọng về khả năng kiếm phiếu rất thành công và đáng kể của ông trong cộng đồng người Việt, nên Trung ương Ðảng Cộng Hoà đã quyết định đầu tư công sức và tiền bạc để chuẩn bị và khuyến khích ông ra tranh cử đối đầu với đương kim dân biểu Loretta Sanchez vào cuối năm nay.

Tương tự như vậy, dân biểu Hubert Võ cũng bảo trợ hoặc đồng bảo trợ để thông qua nhiều đạo luật tại Hạ viện Texas mặc dù phe Dân Chủ không nắm quyền đa số tại đây. Ðó là một lô những đạo luật như HB 14 (lập ra trung tâm nghiên cứu và phòng ngừa ung thư), HB 3175 (giúp đỡ cho chủ nhà khi bị giá bảo hiểm tăng cao), HB 2890 (nhằm kiểm soát mức độ ô nhiễm môi sinh), HB 476 (giúp đỡ giới tiểu thương gia không bị đánh thuế quá cao vì trị giá cơ sở thương mại tăng vọt). Ông Hubert Võ cũng đứng về phe cư dân tại đơn vị để tranh đấu chống lại nỗ lực của Bộ Giao Thông Texas muốn xây thêm hai cây cầu, hoặc là của giới tài phiệt muốn xây thêm nhiều khu chung cư đông dân, trong vùng gần Xa lộ số 6 vì nó có thể làm giảm giá trị của khu này. Riêng đối với cộng đồng người Việt trên toàn tiểu bang, ông Hubert Võ đã tạo được một thành tích sáng chói, đáng đề cao và khâm phục nhất, đó là đã vận động được tất cả 150 dân biểu thuộc cả hai đảng đồng ý ký tên vào một quyết nghị đòi các trường đại học công lập trên toàn tiểu bang Texas chỉ công nhận có lá cờ vàng chính nghĩa (của Việt Nam Cộng Hoà) thay vì lá cờ đỏ sao vàng của nhà cầm quyền Việt Cộng.

Dân biểu tiểu bang Texas Hubert Võ (hình website HubertVo.com).

Nếu so sánh với thành quả cụ thể của hai vị dân biểu gốc Việt này, thành tích của ông HDH là một con số không to tướng. Ngay cả ông Trần Thái Văn cũng là phó chủ tịch Uỷ ban Tư pháp tại Hạ viện California, đồng thời cũng là chủ tịch Uỷ ban Mậu dịch Quốc tế (Assembly Select Committee on International Trade), nhưng người ta lại ít khi nghe thấy ông khoe về chuyện này như ông HDH thường hay "nổ" gần đây về cái chức vụ gọi là Phó chủ tịch của Uỷ ban Quốc tế Vận gì đó trong thành phố Houston.

Dù cho có kém hiểu biết đến đâu đi chăng nữa, mọi người đều nhìn thấy là nhu cầu và mức độ trao đổi thương mại giữa tiểu bang California và các quốc gia khác, nhất là các nước châu Á, chắc chắn phải lớn gấp bội lần con số mậu dịch của một thành phố Houston, bởi lý do đơn giản là số người gốc Á tại California rất đông và vùng này cũng là cửa ngõ đi vào lục địa Hoa Kỳ đối với các nước Á châu. Thế nhưng, nào có ai thấy ông Văn rêu rao về việc tranh đấu cho quyền lợi kinh tế của người dân và tiểu bang California vì trách nhiệm to lớn của một vị dân cử như ông? Trong lúc đó, ông HDH gần đây cứ hay "nổ", kiểu hù doạ những người dân kém hiểu biết tại địa phương để tưởng lầm rằng ông đang mang trọng trách rất to lớn là tranh đấu cho quyền lợi kinh tế thiết thực của cả thành phố Houston, và do đó yêu cầu những người "chống Cộng theo kiểu xưa" là hãy đừng tiếp tục chống đối cực đoan nữa và quay sang cáo buộc ông là Việt gian, sửa soạn bắt tay với Việt Cộng. Có lẽ ông Văn cũng còn đủ khôn ngoan để không đưa ra những lập luận quá ấu trĩ và nguỵ biện như những lời của ông HDH nhằm tìm cách biện bạch cho một con đường phát triển mậu dịch giữa California và Việt Nam, theo kiểu như ông Hùng muốn đề cao xa gần về chuyện nối dài đường bay giữa Houston và Việt Nam!

Tuy kém thành tích như thế so với hai vị dân biểu lâu đời kể trên, nhưng ông HDH đã bứt xa các đàn anh trong một lãnh vực khác: đó là tạo nên tiếng vang lớn nhất, trở thành nhân vật được bàn tán và gây tranh cãi ồn ào nhất trong cộng đồng người Việt hải ngoại từ nhiều năm qua. Khách quan mà nói, ngay cả trước khi đắc cử vào chức vụ nghị viên thành phố đại diện cho đơn vị F, tức là một góc nhỏ phía tây nam của thành phố Houston, ông HDH cũng tự mình tạo được nhiều tiếng vang, xấu nhiều hơn tốt, trong cương vị là chủ tịch Hội đồng đại diện Cộng đồng Người Việt tại Houston kể từ năm 2008.

Từ nhiều năm trước, ông HDH đã được biết đến như là một chính trị gia trẻ tuổi nhưng đầy mưu mô và tham vọng, theo như kẻ viết bài này đã từng nhận định cách nay khoảng 10 năm nhân khi viết trên bán nguyệt san Ngày Nay của cố chủ nhiệm Trương Trọng Trác về chuyện ra tranh cử của một chính trị gia khác cũng có liên hệ xa gần đến ông Hùng, đó là cựu dân biểu Vũ Công thời VNCH. Ông HDH từng lên tiếng đả kích thậm tệ Mặt trận Kháng chiến của tướng Hoàng Cơ Minh để rồi sau đó lại quay sang bắt tay với ông Lý Thái Hùng của đảng Việt Tân là hậu thân của Mặt trận Kháng chiến, và sau này còn lên tiếng ca ngợi cho tướng Minh như là bậc thánh tử đạo nhân một dịp lễ giỗ cho vị lãnh tụ này (khiến những người ghét ông HDH đã phải chê bai ông làm cái việc gọi là "nhổ rồi lại liếm").

Nhiều người tranh luận về nhân vật HDH gần đây gần như có cảm tưởng rằng ông là một khuôn mặt mới với viễn kiến mới lạ trên chính trường, vạch ra một hướng đi mới, nên do đó rất dễ khiến cho nhiều người không đồng ý và quay sang chống đối ông ta (có lẽ vì họ đã quen với đường lối đấu tranh cũ, theo như gợi ý hoặc trách cứ của những người ủng hộ ông Hùng?) Trong thực tế, từ hơn 5 năm trước, thành phố Houston đã có một vị dân cử tiên phong, tạo được một thành tích oanh liệt hơn nhiều khi hất cẳng được một vị dân biểu đương nhiệm kỳ cựu, đó là ông Hubert Võ. Ðiều đáng nói là trong suốt 5 năm qua, ông dân biểu họ Võ được số người yêu mến, nể phục và ủng hộ mỗi ngày một tăng hơn vì ông đã tạo được những thành tích cụ thể và sáng giá dù rằng ông này không thích khoe khoang và phô trương ồn ào. Trong khi đó, ông tân nghị viên HDH mới đắc cử chỉ hơn nửa năm, chưa tạo được thành tích gì mà còn phạm nhiều sai lầm đạo đức đáng chê trách, chẳng hạn như khi mạo danh bà thị trưởng, đã vậy lại còn lớn lối xem thường thiên hạ và đòi mọi người phải kính nể, và đã gây ra chia rẽ trầm trọng trong cộng đồng người Việt.

Hoàng Duy Hùng trong một cuộc diễn hành trên đường phố Bellaire.

VAI TRÒ VÀ CÔNG VIỆC TRONG THÀNH PHỐ HOUSTON.

Trong thời gian gần đây, ông HDH thường hay khoe khoang về chức vụ và trách nhiệm của ông với những tên gọi nghe rất kêu để dễ khơi lên một tầm mức quan trọng trong khi thực chất lại chẳng phải như vậy. Ông thích nói đến chức vụ của ông là một nghị viên, là phó chủ tịch của Uỷ Ban Quốc Tế Vận của thành phố Houston, khiến những người yếu bóng vía và kém hiểu biết cũng như ngoại ngữ có thể giật mình. Trong thực tế, nó không có ghê gớm và to lớn như nhiều người lầm tưởng.

Cái tên của Uỷ ban mà ông Hùng có mặt có tên là International Business Initiatives do nghị viên toàn vùng Jolanda Jones đảm nhiệm chức vụ chủ tịch, ông Hùng làm phó và thêm 5 nghị viên khác là Johnson, Sullivan, Rodriguez, Gonzalez và Bradford cùng có mặt. Nhiệm vụ chính của Uỷ ban này là đề ra "những chiến lược nhằm khuyến khích việc trao đổi mậu dịch và đầu tư vào cộng đồng tại Houston, bắc nhịp cầu liên lạc với Uỷ ban đặc trách về nghi thức ngoại giao quốc tế cũng như ngoại giao đoàn tại Houston và chương trình kết nghĩa chị em quốc tế giữa các thành phố", theo như thông tin chính thức ghi trên website của hội đồng thành phố. Nói một cách ngắn gọn, nó là một uỷ ban có tính cách cố vấn nhằm cổ động những sáng kiến (initiatives) cho việc phát huy mậu dịch quốc tế cho một thành phố lớn hàng thứ tư tại Hoa Kỳ với dân số khoảng 2 triệu người thuộc nhiều quốc gia khác nhau, và do đó cũng có rất nhiều toà lãnh sự khác nhau. Nó có thể được coi như là một uỷ ban có tính cách tư vấn, tìm hiểu để biết rõ hơn về những cơ hội mới về việc phát triển các thương vụ quốc tế do bởi sự có mặt của nhiều sắc dân tại Houston, chứ không phải là một văn phòng đặc trách phát triển thương mại quốc tế kiểu như là một bộ phận giống như là bộ thương mại của chính quyền thành phố.

Chương trình nghị sự chính thức gần đây nhất của Uỷ ban này (được ghi trên website của chính quyền Houston) là phiên họp xảy ra vào chiều ngày 22-4-2010 vừa qua, trong đó người ta nhận thấy có những tiết mục như giới thiệu các công tác chính của những văn phòng đặc trách về liên hệ ngoại giao của thị trưởng; về mậu dịch và phát triển quốc tế; về nghi thức ngoại giao quốc tế; về dịch vụ du lịch và thăm viếng thành phố Houston; về chương trình kết nghĩa chị em giữa Houston và những thành phố khác. Phần giới thiệu này được tuần tự đảm trách bởi những vị trưởng ty (hoặc giám đốc) của các văn phòng này như Terence O'Neil, Helen Chang, Deana LeFlore, Jorge Franz, Ellen Goldberg. Và sau đó là phần phát biểu tự do của dân chúng trước khi buổi họp kết thúc.

Nếu nhìn qua nội dung này, người ta thấy rõ đây toàn là những chuyện giới thiệu một cách tổng quát về chức năng của Uỷ Ban này, như là một hình thức giới thiệu cho mọi người biết một cách tổng quát, tuyệt nhiên chẳng có điều gì nói đến chuyện hợp tác làm ăn to tát kiểu như mở đường bay thẳng từ Houston đến Việt Nam như ông HDH đã thổi phồng quá lố qua các bài báo của ông. Lạ một điều là bài viết của ông nghị Al Hoang chỉ được viết bằng tiếng Việt, thay vì đúng ra cũng phải nên viết bằng tiếng Anh để cho mọi cư dân trong District F cũng được hiểu rõ về nhiệm vụ và công tác "to lớn" mà ông sắp đảm đương, trong khi ông thường hay lên tiếng chê trách những người chống đối ông là những người chỉ biết đến quyền lợi của cử tri gốc Việt (quyết chống Cộng) mà quên rằng ông cũng có trách nhiệm với mọi cử tri trong đơn vị này.

Về mặt hành pháp, chính quyền Houston được chia ra thành 24 ty (departments) khác nhau dưới sự điều hành của các vị trưởng ty (như Ty Cảnh Sát; Ty Cứu Hoả; Ty Hàng Không, tức là phi trường và nhiều ty khác) và nằm dưới sự lãnh đạo của thị trưởng Annise Parker. Trong khi đó, Hội đồng thị chính Houston (trong chức vụ lập pháp) được chia ra thành 12 uỷ ban (committees) khác nhau để bàn thảo về các chính sách và dự luật cho từng lãnh vực riêng biệt trước khi đưa ra đại hội đồng thành phố biểu quyết với bà thị trưởng. Có những uỷ ban có khoảng 7, 8 người nhưng cũng có những uỷ ban gồm đến 14 người, tức là bao gồm toàn thể nghị viên tham dự, thường là những uỷ ban quan trọng như đặc trách về ngân sách và thuế khoá (Budget & Fiscal affairs); về an ninh nội địa (Public safety & Homeland security). Do đó, việc có mặt trong những uỷ ban này chỉ là công việc bình thường của tất cả các nghị viên (ông Al Hoang có mặt trong tất cả 8 uỷ ban trong số 12 uỷ ban của thành phố, tương tự như nhiều vị khác).

Trên nguyên tắc, một vị trưởng ty (bên ngành hành pháp) làm việc song song song với uỷ ban (bên ngành lập pháp), và đương nhiên không thể ra lệnh hoặc kêu gọi một nghị viên phải làm theo ý mình, như lời của ông Hùng ngụ ý nói rằng trưởng ty hàng không của thành phố Houston là Mario Diaz đã yêu cầu ông ta tháp tùng trong phái đoàn về VN (ông Hùng dường như còn viết sai chính tả tên của ông này). Ðúng lý ra, vị trưởng ty này còn phải nằm "dưới quyền" của các nghị viên, vì các nghị viên này có thể bỏ phiếu ủng hộ hoặc chống đối các kế hoạch của các vị trưởng ty này. Ðiều này đã khiến cho những người hiểu chuyện khi mới nghe qua những lời phát biểu bất nhất của ông HDH đã ngửi ngay những điều gì đó rất "fishy", tức là không mấy bình thường, tương tự như khi ông nói mình đại diện cho bà thị trưởng Houston mà lại đi kêu gọi người dân đi đến biểu tình tại toà lãnh sự Việt Cộng! Tiếc thay, nhiều người vẫn còn quá thần tượng hoá ông HDH nên đã chấp nhận những lời phán ra của ông Hùng như là những điều có thật. Và từ đó mới dẫn đến những sự tranh luận có thể làm quậy nát cái cộng đồng người Việt quốc gia tại đây.

NHỮNG ANH MÙ SỜ VOI.

Sự kiện cả thành phố Houston trong thời gian gần đây đã bàn tán nhiều đến hiện tượng Al Hoang (với nhiều bài bình luận và tường thuật tin tức dính líu đến ông ta được đăng trên tờ nhật báo lớn nhất trong vùng là Houston Chronicle, tuy rằng dưới những hình ảnh chẳng lấy gì làm hãnh diện cho tập thể người Việt) có thể được kết luận rằng ông HDH chắc chắn phải là "Man of the Year" tại Houston, nếu như có một giải thưởng tương tự như là hình bìa của tạp chí Time. Ðiều đáng nói là trong cuộc tranh luận sôi nổi, ồn ào và gay gắt nhất hiện nay về hiện tượng HDH, nhiều người không để ý rằng cả cái cộng đồng người Việt tại Houston hiện nay đang có cơ nguy bị lâm vào một tình trạng chia rẽ trầm trọng, với những người thuộc hai phía bênh vực hoặc chống đối đang tìm đủ cách để tấn công hoặc chỉ trích, hoặc một số khác cũng nhảy vào ăn có (như các cơ quan truyền thông và một vài bình luận gia) với những lập luận ba phải. Nhưng hầu như không ai chịu tìm hiểu rõ vấn đề từ nguồn gốc để biết thực hư, để từ đó mới nghiệm ra rằng chúng ta có đáng bỏ công sức và giấy bút hay không (như kẻ viết bài này) để nhập cuộc vào việc tranh luận này.

Nói một cách tóm gọn và đơn giản, nhiều người đã nhảy vào cuộc tranh luận này, kể cả những đài phát thanh và đài truyền hình tại địa phương, hoàn toàn dựa trên những lời nói được phát ngôn tứ tung bởi ông Hùng trên những làn sóng hoặc những bữa tiệc tại tư gia và một số bài báo được phát tán sau này với những nội dung mở đường cho một sự chuyển hướng, đại khái như là "Từ Cựu Thù đến Ðối Tác; Cách Mạng Trắng; Tâm Tình Ðường Bay Houston và Việt Nam". Mọi người đều hầu như coi đó là những sự kiện có thật (facts) để rồi từ đó suy luận theo cảm tính và kinh nghiệm riêng tư của mình, và quyết định lên tiếng chống đối hoặc chỉ trích; và ngược lại những người ủng hộ theo ông HDH (cho dù là theo đóm ăn tàn, hoặc vì những hậu ý chính trị khác nhau) cũng tìm cách quay sang tấn công mạnh bạo những kẻ nào chống đối ông HDH.

Nhưng điều đáng tiếc là cho đến nay, hầu như chưa có cá nhân hoặc tổ chức, cơ quan truyền thông nào đã chịu bỏ công ra để đi tìm thực sự nguồn gốc của vấn đề để phối kiểm sự kiện, tức là đi thẳng lên Hội đồng thành phố Houston và thị trưởng Annise Parker, hoặc là văn phòng của cái ông trưởng ty hàng không (hoặc là giám đốc phi trường) Mario Diaz tại Houston, để tự mình điều tra những sự việc và từ đó phối kiểm xem những điều này có đúng với những lời phát ngôn của ông HDH được bao nhiêu phần trăm. Thậm chí, nếu người ta thử đặt vấn đề thẳng với vị chánh văn phòng của ông nghị viên Al Hoang (một người Mỹ) thì sẽ được nghe kể những chi tiết không hoàn toàn giống với những tiết lộ của ông HDH đối với người Việt!

Ðây là một sự kiện "những anh mù sờ voi" được tái diễn trong cộng đồng người Việt tại Houston chỉ trong vòng có vài tháng qua, và dường như những người đã bị lường gạt vẫn chưa học được bài học quí giá. Lần thứ nhất xảy ra sau vụ tổ chức lễ tưởng niệm 30-4 như đã kể ở trên, và nhiều người trong cộng đồng xôn xao với những màn tấn công trên các diễn đàn Internet và các phương tiện truyền thông về cái gọi là "vi phạm nghi thức ngoại giao" của ban tổ chức vì đã hành xử không đúng đối với thị trưởng Houston khi không giành cho ông nghị viên Al Hoang được phát biểu trên sân khấu. Ðể rồi từ đó, Hội đồng Ðại diện Cộng đồng phải ra một phiên họp khoáng đại để cuối cùng thông qua một quyết nghị gồm 3 điểm với nội dung hết sức ngu xuẩn và phản dân chủ khi cho rằng người dân không nên có thái độ chống đối các vị dân cử nếu như họ phải "kề vai cạ má" với các viên chức của Toà Lãnh Sự Việt Cộng vì họ phải thi hành công vụ. Và ông chủ tịch Cộng đồng Phan Như Học đã phải hết lời tạ lỗi với ông nghị viên Al Hoang và gia đình vì đã lỡ không biết thủ tục ngoại giao, khiến ông nghị phải tức giận đến xém không thèm ra tái tranh cử nữa, làm cho nhiều người ủng hộ ông buồn lòng vì nhiều người Việt không chịu ủng hộ cho một người có nhiều tài ba và nhiệt huyết.

Trớ trêu là ông chủ tịch Phan Như Học này cũng như nhiều người trong cộng đồng, cũng như các vị giám đốc của hai đài truyền hình và hai đài phát thanh tại Houston, không ai chịu khó bỏ công ra để gửi một văn thư hoặc một cú gọi điện thoại đến văn phòng thị trưởng để hỏi cho ra lẽ, thay vì phải để cho nội vụ được khui ra bởi nhà báo Lisa Falkenberg trên tờ Houston Chronicle, để từ đó người ta mới bắt đầu nhận diện ra ông nghị viên Al Hoang quả xứng danh với biệt hiệu "Jekyll & Hyde" (Con Người Hai Mặt). Giá mà ông Học này có gọi đến văn phòng thị trưởng, thì có lẽ ông ta đã không hồ đồ làm cái chuyện tào lao là xin lỗi ông HDH và nhờ ông nghị viên chuyển lời xin lỗi của Cộng đồng người Việt đến bà thị trưởng, mà đúng ra là văn phòng thị trưởng đã ngỏ lời xin lỗi đến Cộng đồng vì những sự thiếu sót gây ra lúng túng cho mọi người (xuyên qua một đại diện của thị trưởng đã nói chuyện qua điện thoại với nhà báo này).

Lần này cũng vậy, cũng không có một nhân vật nào, đặc biệt là những người trong giới truyền thông và 4 cơ quan truyền thanh và truyền hình tại Houston gồm có Little Saigon Radio, đài Sàigòn Houston, đài truyền hình VAN 55.2 và đài truyền hình BYN 57.3, đã chịu khó điều tra, tìm hiểu những chương trình nghị sự bàn họp của hội đồng thành phố, những văn kiện gọi là bổ nhiệm hoặc yêu cầu ông nghị Al Hoang phải làm thế này, thế kia v.v. để biết là những điều đó có thật sự xảy ra hay không. Phần lớn những loại thông tin này đều thuộc loại "public record", tức là hồ sơ công cộng và mọi người dân, đặc biệt là giới truyền thông, được toàn quyền biết đến, nhất là trong truyền thống trong sáng (transparency) đã có từ lâu trong chính quyền và xã hội tại Hoa Kỳ.

Gần như mọi người đều coi những gì ông nghị Al Hoang tuyên bố tứ tung (mỗi ngày mỗi khác) là những sự kiện có thật và đã xảy ra. Không ai đòi hỏi ông ta đưa ra những văn kiện chứng minh, những biên bản đúc kết các buổi họp và các quyết định của hội đồng thành phố, nhất là trước những vấn đề có tính cách khá quan trọng như việc mở mang hoặc phát triển mậu dịch giữa Houston và Việt Nam qua một đường bay thẳng nối liền hai nơi. Người ta chỉ cần nghe loáng thoáng những lời nói của ông HDH tại vài nơi, rồi cộng vào một số điều được ghi trong một số các bài viết của ông, rồi từ đó rút ra kết luận cho chính mình và có những quyết định chống đối hoặc ủng hộ. Chính vì vậy mà ông HDH và những người ủng hộ ông có thể biện minh bằng đủ cách, có lúc thì nói rằng mình đã quyết định đi về Việt Nam (nên mới khiến nhà báo Nguyễn Ðạt Thịnh tuyên bố không còn coi là bạn nữa), lúc thì nói là chưa có quyết định, muốn hỏi ý kiến của đồng hương (từ đó mới nảy ra cái sáng kiến khôi hài gọi là trưng cầu dân ý), nhưng cần phải gấp gáp vì phải quyết định trước ngày 15-8 v.v.

Thật ra đối với những chương trình nghị sự của các viên chức thành phố, nhất là việc quyết định gửi một phái đoàn đi ra hải ngoại, đây không phải là một chuyện tuỳ hứng và quyết định chớp nhoáng. Thông thường, phải có nhiều cuộc nghiên cứu về triển vọng hoặc tiềm năng lợi ích, những đề nghị cần nên áp dụng, đi kèm với những phí tổn lúc ban đầu do văn phòng các ty, sở trong thành phố tính toán v.v. để cho các vị dân cử có thể cứu xét cẩn thận trước khi chi tiêu tiền của dân thọ thuế. Trong nhiều trường hợp, một số các khối thương gia cũng có thể đề nghị bảo trợ chi phí cho những chuyến công du này (nhằm bớt tạo sự e dè hoặc chống đối vì không muốn tốn kém cho công quỹ) vì những lợi ích riêng tư của giới này. Nói chung, tất cả những điều này là cả một khối tài liệu và dữ kiện kéo dài trong nhiều ngày tháng, và chắc chắn phải có và phải được công bố cho người dân hoặc giới truyền thông nếu muốn tìm hiểu tận tường vấn đề.

THÁI ÐỘ ÐÁNG TRÁCH CỦA GIỚI TRUYỀN THÔNG.

Trong một chừng mực nào đó, người ta có thể nói rằng sự kiện tranh cãi gay gắt hiện nay liên quan đến chuyện có nên để cho ông nghị viên Al Hoang đi hoặc không đi về Việt Nam là một việc quậy nát cộng đồng người Việt tại đây (trước một sự việc mà nhiều người vẫn chưa rõ thực hư đến mức nào), và rồi từ đó những người bênh vực và chống đối, tuy cùng là thành phần người Việt tị nạn cộng sản, bỗng trở thành thù ghét nhau vì những lời lẽ chỉ trích càng ngày càng gay gắt hơn đến mức khó thể hàn gắn những đổ vỡ trong tương lai.

Vì thế đây là trách nhiệm chung của mọi người trong cộng đồng, và cũng là trách nhiệm lớn nhất của những người làm trong ngành truyền thông đã không chu toàn trách nhiệm của mình để hướng dẫn cho công chúng có được một cái nhìn đầy đủ và chính xác. Nếu so với ngân sách điều hành khá tốn kém của hai đài phát thanh và hai đài truyền hình tiếng Việt tại Houston, nhiều người phải buồn lòng về trình độ chuyên môn và thiên chức nghề nghiệp của các đài này, đã tốn kém thuê mướn nhiều nhân viên để thực hiện đủ loại tin tức, phóng sự từ Âu sang Á, nhưng rồi lại gần như mù tịt (dù là vô tình hoặc cố ý) trước những diễn biến xảy ra ngay tại địa phương mình và ảnh hưởng trực tiếp đến tập thể người Việt tại đây.

Ðài Little Saigon Radio từ nhiều năm qua đã bị coi là một đài quá tệ trước những vấn đề liên quan đến cộng đồng địa phương vì gần như không thèm quan tâm đến, và do đó đã dần dần mất sự ủng hộ to lớn lúc ban đầu từ số đông khán giả. Kể từ sau ngày đài này bị tắt tiếng và chuyển sang làn sóng mới (1230 AM) với những giờ giấc không thuận lợi (từ 11 giờ sáng đến 5 giờ chiều), thì đài này coi như đã không còn được mấy ai đón nghe.

Cũng nhờ vậy mà đài đối thủ Sàigòn Houston đã trở thành gần như là đài phát thanh độc quyền tại đây từ vài tháng qua. Nhưng ban giám đốc đài này cũng đã chứng tỏ sự yếu kém chuyên môn của mình (dù rằng ông bà chủ của đài này thường hay tìm cách khoe khoang về thành tích của họ đã làm trong ngành truyền thông lâu đời) trong vụ tìm hiểu về những vụ tai tiếng gây khó chịu trong cộng đồng, nhất là về những chuyện liên quan đến các nhân vật như Danny Nguyễn Quốc Ðoàn và Hoàng Duy Hùng. Những người tinh ý sẽ nhận ra những thái độ khó hiểu của ông giám đốc kiêm xướng ngôn viên chính của đài là Dương Phục (DP), thường hãnh diện vì được nổi tiếng là một tay phỏng vấn cứng cựa với những câu hỏi hóc búa cho những diễn giả mà ông ta muốn quay. Thế nhưng, không hiểu sao ông ta lại thường chỉ đưa ra những câu hỏi rất nhẹ nhàng (soft questions) về phía các đối tượng Danny và HDH trong thời gian gần đây. Trong nhiều trường hợp, đài này cũng thường dùng một tiểu xảo rẻ tiền là nhờ những người khác, hoặc là để cho thính giả gọi vào, để "tấn công" với những câu hỏi khó cho các diễn giả như Danny Quốc Ðoàn hoặc HDH, thay vì tự mình hỏi thẳng và dồn các diễn giả này phải trả lời những câu hỏi hóc búa nhưng rất cần thiết.

Trong vụ đối xử với HDH, trong thời gian tranh cử, có lúc ông DP đã mở đầu cuộc phỏng vấn bằng cách nhận định rằng HDH là một người chủ tịch cộng đồng gây ồn ào tranh cãi và bị chống đối nhiều nhất từ trước tới nay. Khi HDH đáp trả rằng một ông thánh hay chúa Giêsu làm việc thiện cũng còn bị nhiều người chống đối nữa huống gì là ông ta, ông DP đã cắt ngang lập tức để hỏi móc rằng phải chăng HDH tự ví mình như một ông thánh. Có lẽ cũng hơi bị cáu và sau một lúc bị "quay" với những câu hỏi khó, HDH đã vọt miệng đưa ra câu hỏi ngược lại rằng giả sử như có người nào đó tố cáo ông giám đốc đài phát thanh DP đã hãm hiếp con gái 18 tuổi thì ông nghĩ sao (ý muốn nói là mọi người đều có thể bị kẻ xấu tung tin bậy bạ để tấn công), ông DP đã không ngăn được sự tức giận và đe doạ là có thể cúp ngang cuộc phỏng vấn khiến cho ông HDH phải lên tiếng xin lỗi.

Tiếc thay, trong một cuộc hội thoại mới đây trên làn sóng của đài này, liên quan đến chuyện ông HDH giật giây ban đại diện Cộng đồng để đuổi Hội Bô Lão và bà giám đốc Nguyễn Kim ra khỏi trụ sở cộng đồng (dù đã được ông HDH ký giấy tờ cho thuê hợp pháp và có trả tiền thuê nhà), ông DP đã không có phản ứng can thiệp đúng mức khi ông HDH đã dùng những lời lẽ chẳng khác gì bọn côn đồ để nhục mạ những người cao niên (để hù doạ họ không nên mang nội vụ ra trước hội đồng thành phố) và đe doạ cá nhân bà Kim với những lời lẽ của dân đầu đường xó chợ hoặc đứng bến hơn là ngôn từ của một luật sư kiêm nghị viên thành phố, kiểu như (bà rất cà chớn, bà chơi tui tới đâu, tui chơi bà tới đó, gấp 10 lần hơn nữa. . .)

Ðiều đáng tiếc và đáng ngạc nhiên là ông DP, trong cương vị là người điều hợp chương trình, đã im lặng hoàn toàn thay vì phải lên tiếng can thiệp, vì trong một chừng mực nào đó, có thể ông đã để cho làn sóng của đài Sàigòn Houston vi phạm vào những tiêu chuẩn đạo đức và chừng mực của cơ quan liên bang FCC liên quan đến việc sử dụng ngôn từ trên các làn sóng công cộng. Cho dù ông có thể mãn nguyện ngầm vì cho rằng HDH càng lớn tiếng theo kiểu "giận quá mất khôn" và càng tự đốt cháy mình, nhưng đạo đức nghề nghiệp không cho phép ông im tiếng và phải lên tiếng để chỉnh sửa hoặc cảnh cáo ông Hùng, tương tự như ông đã làm khi bị HDH chỉ trích ông bằng lời ví von hồ đồ rằng có thể ông đã hãm hiếp con gái 18 tuổi. Hay là phải chăng ông giám đốc chỉ phản ứng cần thiết khi mình bị chỉ trích, và làm ngơ khi người khác bị chỉ trích, dù rằng ngay trên làn sóng của mình.

Ðiều đáng trách to lớn hơn nữa là đài Sàigòn Houston đã phớt lờ không loan báo gì về những tin tức được đăng trên tờ Houston Chronicle (có nội dung bất lợi cho HDH) xuyên qua một bài bình luận và một bài tường thuật về vụ ông Hùng bị thất bại trong vụ kiện Hội Bô Lão được đăng trong hai ngày liền. Ngay cả trong phần lược dịch tin tức địa phương cũng không thấy ai nhắc tới, dù rằng đáng lý ra những tin tức này sẽ gây chú ý hơn là những loại tin tức tạp nhạp khác như kiểu chó cán xe mà các xướng ngôn viên đã đọc mỗi ngày. Và trong phần tìm hiểu các vấn đề thời sự mỗi ngày (khi các ông Dương Phục và Quan Hưng tại Dallas đã thường xuyên phỏng vấn đủ loại diễn giả khác nhau từ nhiều nơi xa xôi như Canada đến Việt Nam), trong hai ngày này hai ông xướng ngôn viên thích làm tài khôn này lại không nghĩ ra đến việc mời những người trong cuộc tại ngay địa phương mình để phỏng vấn và tìm hiểu cho ra lẽ một vụ án khiến cho tờ Houston Chronicle phải nhập cuộc.

Ấy vậy mà qua đến ngày thứ ba, đài này lại giành thời giờ của chương trình này để mời HDH lên một mình thao thao bất tuyệt (để xì ra quả bóng về chuyện "trưng cầu dân ý" về chuyến đi về VN) để từ đó dẫn đến những chuyện tranh cãi ồn ào trong cộng đồng sau đó. Với khả năng chuyên môn kỳ cựu, kiến thức và suy luận sắc bén, không ai nghĩ rằng ông DP không có khả năng biết đặt ra những câu hỏi cần phải có đối với HDH trong trường hợp này, nhất là trước một bản tin chắc chắn phải gây chấn động lớn trong cộng đồng người Việt tị nạn chống cộng tại địa phương. Tuy nhiên, ông DP đã gần như im lặng theo kiểu dọn sẵn sân chơi, chỉ đưa ra những câu hỏi nhẹ nhàng (soft questions) mà có lẽ nhiều vị diễn giả khác khó lòng được ông "tha tào" để hưởng cái ân huệ này.

Ðể rồi sau đó đài này đã lợi dụng để quảng bá cho một thông cáo kêu gọi đại hội toàn dân để "trưng cầu dân ý" về việc nên hay không nên đi về VN của ông HDH, và từ đó mở thêm nhiều cuộc hội thoại khác để cho nhiều thính giả gọi vào chỉ trích hoặc bênh vực. Sau đó cả ông và bà chủ đài cũng lần lượt đọc hai bài bình luận về vấn đề này, mục đích là để chứng tỏ cho mọi người thấy là mình cũng có tinh thần chống Cộng như ai, một hình thức bào chữa khá rẻ tiền và vụng về.

Trách nhiệm đáng tiếc và cũng đáng chê trách này cũng có thể đổ lên đầu một cơ quan truyền thông khác là đài truyền hình BYN 57.3. Dù mang tiếng là đài tuổi trẻ hải ngoại, với đủ loại phóng sự có nội dung chống cộng được thu hình từ nhiều nơi khác nhau trên thế giới (với những "chuyên gia" thích bình luận như Quốc Bình, Hưng Yên, Xuân Phương), người ta cũng không hiểu vì sao ban giám đốc cũng như các xướng ngôn viên của đài này đã im lặng một cách khó hiểu trong thời gian qua trước những việc làm gây nhiều tranh cãi của ông HDH. Tệ hơn nữa, đài này còn dọn đường và dọn sân chơi một cách dễ dàng thoải mái để cho ông HDH độc diễn những bài diễn văn kể lể tâm tình để lấy sự thông cảm và tội nghiệp của khán giả (nếu chỉ biết nghe có một chiều). Người ta không hiểu vì sao không một người nào trong đài này (trước đó thường hay phân tích và bình luận sôi nổi về nhiều vấn đề rắc rối) lại chịu xuất hiện để đặt ra những câu hỏi cần thiết đối với ông HDH thay vì để cho ông ta một mình một chợ, và tự tung tự tác để khoác lác không khác gì như ông ta đã bỏ tiền ra mua chương trình quảng cáo kiểu sơn đông mãi võ.

Ðây là một đài truyền hình bị nhiều người trong cộng đồng đồn đãi rằng đã có bàn tay của đảng Việt Tân dính vào, và do đó đã khiến cho nhiều người ngần ngại không muốn hợp tác theo kiểu "kính nhi viễn chi". Trong những năm gần đây, đảng Việt Tân và ông Trương Như Phùng của Uỷ Ban Bảo Vệ Chính Nghĩa chỉ thích lo tổ chức các vụ biểu tình mà mình nắm phần chủ động, và thường bỏ tiền ra để mua rất nhiều lá cờ Việt - Mỹ. Ấy vậy mà gần 2 tháng qua khi Ban đại diện Cộng đồng đã âm thầm kéo xuống hai lá cờ (vì đã rách nát) tại trung tâm sinh hoạt cộng đồng, và sau đó không treo hai lá cờ khác để thay thế, đảng Việt Tân và ông Phùng gần như cũng "thủ khẩu như bình" mặc dù vụ này đã được nhiều người lên tiếng báo động và phản đối, nhất là các cụ bô lão đến sinh hoạt hàng ngày.

Sự kiện này khiến nhiều người tự hỏi là phải chăng các vị chỉ lo chống Cộng vì quyền lợi riêng tư, hơn là vì danh dự chung của tập thể người Việt tại Houston. Nhất là không ai có thể nghe nổi cái lý luận biện minh khiên cưỡng của ông HDH khi cho rằng những lá cờ này cần phải được "special order" từ gần hai tháng qua, và ban đại diện giờ đây đã hết tiền vì dân chúng không còn ủng hộ nên không đủ tiền để mua cờ thay thế! Những sự kiện này chắc chắn sẽ càng khiến cho đảng Việt Tân khó lòng xoá tan được những nỗi ngờ vực của nhiều người trong cộng đồng, nhất là từ khởi thuỷ, nhiều người vẫn còn giữ lại những ấn tượng không tốt về Mặt trận Kháng chiến.

NHỮNG LẬP LUẬN RẤT NGÂY THƠ VÀ TAI HẠI.

Trong vụ tranh luận sôi nổi và gay gắt hiện nay liên quan đến chuyện nên hay không ủng hộ việc ông nghị viên Al Hoang, tức Hoàng Duy Hùng, đi về Việt Nam để bắt tay làm ăn với nhà cầm quyền Việt Cộng, một trong những lập luận rất ngây thơ đến tội nghiệp thường được đưa ra để biện minh cho thái độ trở cờ của ông HDH, được nguỵ biện dưới những chiêu bài mới như "vì quyền lợi của người dân Mỹ trong thành phố", "vì chức vụ dân cử của thành phố", "vì đường hướng đấu tranh mới phải thích ứng theo trào lưu mới" v.v. . .

Ðại khái, những lập luận này đều cho rằng mọi sự trên đời này đều có thể thay đổi theo thời gian, và do đó công cuộc đấu tranh chống Cộng nếu có thay đổi thì cũng là chuyện tất nhiên không tránh khỏi, tựa như kiểu đưa ra hình ảnh những cựu thù như Hoa Kỳ và Ðức với Nhật trong Ðệ Nhị Thế Chiến sau này cũng có thể trở thành những đồng minh thân thiết. Hoặc còn có những người cho rằng cứ để cho ông HDH đi về VN thay vì cứ lên tiếng chỉ trích quá sớm, và đợi đến khi ông về trở lại và đưa ra những lời lẽ hay hành động gì đó sai trái thì cũng không muộn để lên tiếng phản đối.

Thoạt mới nhìn, những lời lẽ biện minh kiểu này hoàn toàn hợp lý, nhưng là một thứ hợp lý của những kẻ ngây thơ hoặc khờ khạo, chẳng khác gì con trẻ mới lớn. Lập luận thơ ngây như trên có thể được áp dụng cho những người chưa bao giờ biết đến những thủ đoạn gian hùng của Cộng sản cũng như của những kẻ tay sai. Hãy thử tưởng tượng một ngày nào đó, những con cháu chúng ta mới lớn lên ở xứ này và lý luận rằng mọi người đều được quyền tự do và bình đẳng khi phát biểu theo như quyền hạn cho phép của Hiến pháp Hoa Kỳ. Do đó, bọn trẻ chúng nó sẽ không thấy có gì là ngạc nhiên hay nguy hiểm khi để cho vị tổng lãnh sự của Việt Cộng được đến trung tâm sinh hoạt của người Việt quốc gia để phát biểu, và nếu như ông ta có nói điều gì sai trái thì chúng ta cũng có dư sức để đưa ra những lời phản biện sau đó. Ðứng trước tình cảnh này, liệu những người đang bênh vực cho cái lập luận (là hãy chờ ông HDH đi về VN rồi xem sao và có phản ứng sau đó) có thấy rằng họ không khác gì những đứa trẻ ngây thơ kể trên hay không.

Người lớn khác con nít ở chỗ là biết dùng kinh nghiệm sống của mình để có thể nhìn thấy trước những hậu quả có thể đến dựa trên một số những dữ kiện nào đó đã hoặc sắp sửa xảy ra, chứ không cần phải đợi đến khi hiện hữu rồi mới phản ứng. Sự thông minh (intelligence) có thể tuỳ từng cá nhân, nhưng trí khôn hoặc sự khôn ngoan (wisdom) là do những kinh nghiệm xương máu kết tụ lại sau một thời gian chứng nghiệm và học hỏi. Sự cương quyết chống đối tới cùng những gì liên quan đến Việt Cộng không phải bắt nguồn từ những người còn có "quan niệm chống Cộng kiểu xưa" như lời nhận định hồ đồ và hỗn xược của HDH, dẫu rằng những khuôn mặt của những ông cựu đại tá giành lấy vai trò đại diện những người chống HDH cũng dễ khiến cho nhiều người không có cảm tình với họ vì bị đánh giá là thiếu suy xét sâu rộng. Nó là kết quả của bao nhiêu năm xương máu đã khiến cho người ta có thể đánh hơi được ngay khi nào kẻ gian bắt đầu ló đuôi chồn của những hành động gian manh dối trá.

Một lập luận thứ hai cũng đáng chê trách của nhiều người khi cho rằng họ vẫn không thể nào tin rằng con người như HDH có thể phản bội vì quá trình và bề dày đấu tranh của ông ta, với những thành tích đã từng ở tù cộng sản, theo như lời nhận định của ông Andy Nguyễn Xuân Hùng, một vị dân cử trẻ khác trên Dallas thường sinh hoạt với ông HDH trong quá khứ. Hoặc có nhiều người vẫn nói rằng họ còn tin tưởng vào con người của HDH v.v. . . Ðây cũng là một loại lý luận ngu xuẩn và ngây thơ khác cần phải loại bỏ ngay tức khắc, bởi lý do đơn giản là bất cứ người nào cũng có thể phản bội lại những lý tưởng ban đầu vì nhiều lý do khác nhau, mà phần lớn là vì hám lợi hoặc hám danh.

Thử hỏi trong những người Việt tị nạn ra đi sau ngày Việt Cộng cưỡng chiếm miền Nam, có người nào có thể tự hào với thành tích chống Cộng kiên cường và mãnh liệt cho bằng ông cựu thiếu tướng Không quân Nguyễn Cao Kỳ, một thời từng làm thủ tướng và sau đó là phó tổng thống của VNCH. Ấy vậy mà đến lúc gần cuối đời, ông tướng râu kẽm tài hoa này cũng đã để cho những quyền lợi vật chất dụ dỗ để bán đứng lương tâm mình, mặc dù bị người đời nguyền rủa và rẻ khinh. Một khi Nguyễn Cao Kỳ còn có thể phản bội lại lý tưởng và chính nghĩa quốc gia thì bất cứ kẻ nào cũng có thể có những hành động phản bội, xá gì một anh chính trị gia ma đầu như HDH, mà thành tích ở tù Việt Cộng còn là một nghi vấn to lớn chưa có câu giải đáp thoả đáng.

Ngày nào mà cộng đồng người Việt hải ngoại còn chưa bỏ được những lập luận ngây thơ rất nguy hiểm như trên, công cuộc tranh đấu chống Cộng chắc chắn sẽ phải còn phải gian nan từ trong phía nội bộ của chính mình, chưa nói đến những đòn tấn công hiểm độc từ phía kẻ thù.

Mai Loan

Mailoan74@...

Houston, Texas 10-08-2010

No comments:

Thời Sự "Nóng"





------------------------------------------

---------------------------------------------------------
Vân Anh -Ngày 1 tháng 10 Hà Nội Chính Thức Bán Nước Cho Bắc Kinh
----------------------------------------