Vì sao mực nước hạ lưu sông Mêkông xuống thấp?
Khánh An, phóng viên RFA
2010-08-26
Ảnh hưởng của các đập thủy điện Trung Quốc trên khu vực hạ lưu sông Mêkông vẫn là mối quan tâm rất lớn của các chính phủ, chuyên gia và người dân ở khu vực.
Hiện tượng tự nhiên?
Đài Á châu Tự do có cuộc phỏng vấn với nhà sử học, tác giả người Úc, cũng là một cố vấn về vấn đề Đông Nam Á – ông Milton Osborne – xung quanh vấn đề sông Mêkông. Trước hết, ông Milton Osborne cho biết:
Chúng ta không có những dữ liệu chắc chắn để khẳng định điều đó, cho nên đó vẫn là một câu hỏi. Tốt nhất chúng ta nên nói đập thủy điện có thể là nguyên nhân.
Ông Milton Osborne
Ông Milton Osborne: Tôi chưa nhìn thấy đập thủy điện và thực sự đó là một trong những vấn đề của bất cứ cuộc bàn thảo diễn ra nào vào lúc này. Sự thật là không có chính phủ Đông Nam Á nào, cũng không có đại diện của tổ chức phi chính phủ nào có thể đến và thấy tận mắt các con đập. Vì vậy, những ý kiến của tôi là dựa vào những điều mà người ta nói cho tôi.
Theo đánh giá của tổng giám đốc Ủy hội sông Mêkông Jeremy Bird thì đập Tiểu Loan không phải là nguyên nhân làm mực nước xuống thấp. Kể từ tháng 7 năm ngoái, chúng ta đã bị đợt hạn hán khủng khiếp và đó mới thực sự là vấn đề.
Những người gắn bó nhiều với sông Mêkông từ nhiều năm nay, kể cả trong Ủy hội sông Mêkông lẫn các nhà khoa học độc lập, nói chung đều chia sẻ quan điểm của ông Jeremy Bird. Chỉ có điều chúng ta không có những dữ liệu chắc chắn để khẳng định điều đó, cho nên đó vẫn là một câu hỏi. Tốt nhất chúng ta nên nói đập thủy điện có thể là nguyên nhân và tất cả những gì chúng ta đang nhìn thấy là hiện tượng tự nhiên.
Khánh An: Nhiều ý kiến cho rằng các nước tiểu vùng sông Mêkông không biết cái gì đang thực sự diễn ra ở khu vực thượng lưu và ngay cả khi Trung Quốc và Miến Điện tham gia vào Ủy hội sông Mêkông, điều đó cũng không có gì chắc chắn rằng những thông tin về dòng sông sẽ được chia sẻ. Như vậy, có phải có sự thiếu chia sẻ thông tin trong khu vực?
Ông Milton Osborne: Dĩ nhiên, việc chia sẻ thông tin là cực kỳ quan trọng và Trung Quốc đã không ngần ngại chia sẻ thông tin trong thời gian qua. Hai, ba năm trước, lần đầu tiên họ đồng ý chia sẻ thông tin về mùa lũ trong năm. Trước đó, họ cho thông tin về mức lũ trong khu vực của họ, nơi dòng sông Mêkông chảy qua. Và bây giờ, họ đồng ý cung cấp thông tin, ít nhất là vào lúc này, về cả mùa khô nữa.
Trung Quốc cũng không giành bất cứ ưu tiên nào khi họ cứ khăng khăng rằng không thể đổ trách nhiệm lên đầu họ về những gì đang diễn ra, thứ nhất là bởi vì đã từng có một trận hạn hán, thứ hai là vì chỉ có 12,5 hoặc 13 hay 14% nước chảy vào dòng Mêkông là từ Trung Quốc mà thôi.
Tôi thấy một thí dụ thú vị về cách các dự liệu được sử dụng. Đó là vào trước lúc tôi đi công tác nước ngoài vào tháng tư, tại viện Lowy, chúng tôi đón tiếp nhiều chuyên gia Trung Quốc, từ các cố vấn cao cấp đến Bộ ngoại giao Trung Quốc. Và dữ liệu chỉ có 12 – 14% nước chảy vào sông Mêkông đã được các thành viên cao cấp đưa ra. Tất nhiên, điều này chẳng là gì cả và tôi đủ khôn để không chỉ ra điều đó.
Vấn đề ở đây là trong mùa khô, có đến 40% nước sông Mêkông ở khu vực Viêng Chăn là đến từ Trung Quốc. Thậm chí, ngay cả hồ Tonle Sap của Campuchia ở xa phía hạ lưu có nhiều chỗ cũng có khoảng 10% nước hồ là đến từ Trung Quốc. Vì vậy, không rõ là Trung Quốc có nhận thức ra là những khẳng định của họ đã gây hiểu nhầm hay không, hay những người đưa ra các nhận định liên quan đến đập thủy điện của Trung Quốc có am hiểu về các vấn đề sinh thái và môi trường, vì thật ra tất cả họ đều là các kỹ sư và chuyên gia về thủy lợi. Những vấn đề về sinh thái ở khu vực hạ lưu không phải là sở trường của họ.
Do đập thủy điện?
Khánh An: Ông đã làm việc về khu vực này từ 51 năm trước, ông có thể kể cho chúng tôi nghe về kinh nghiệm của ông?
Càng đọc nhiều về những con đập mà Trung Quốc đang xây dựng, tôi càng thấy rằng các con đập này sẽ là những vấn đề nền tảng trong tương lai của sông Mêkông.
Ông Milton Osborne
Ông Milton Osborne: Tôi được gửi đi Campuchia làm một đại sứ trẻ của Úc vào năm 1959. Lúc đó, tôi biết rất ít về Campuchia hay dòng sông Mêkông. Tôi chỉ dần dần hiểu biết hơn về điều kiện tự nhiên của khu vực này sau 2 năm rưỡi kể từ khi đến sống ở Phnôm Pênh. Tôi đã chèo thuyền trên sông, đã lướt ván, tôi không biết gì về những vấn đề sinh thái và môi trường của dòng sông nhưng tôi biết nó đóng vai trò quan yếu trong cuộc sống của người dân dọc 2 bên sông. Tôi nhận thức rất rõ về vai trò của nó ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long của Việt Nam và những sản phẩm nông nghiệp trù phú của vùng này.
Khi tôi biết sau khi thời hạn công tác ở Phnôm Pênh, tôi có thể không bị cắt vai trò đại sứ, tôi đã nghiên cứu làm Tiến sĩ tại Đại học Cornell để xem ảnh hưởng của chủ nghĩa thực dân Pháp tại Campuchia và ở miền nam Việt Nam. Trong nghiên cứu mà tôi thực hiện ở Paris, Phnôm Pênh và Sài Gòn, tôi tình cờ đọc câu chuyện về những khám phá về dòng sông Mêkông trong một cuộc thám hiểm sông Mêkông được thực hiện vào khoảng giữa thập niên 60 của thế kỷ 19. Và điều này đã khiến tôi viết cuốn “River Road to China” (tạm dịch “Đường thủy đến Trung Quốc), xuất bản vào năm 1975. Sau đó, tôi nghiên cứu về sông Mêkông với tư cách là một nhà phân tích chính trị và nghiên cứu lịch sử. Thập niên 90, tôi quyết định viết tiểu sử của dòng sông.
Cũng trong thập niên 90, tôi bắt đầu nhận thức về những gì đang diễn ra ở Trung Quốc. Đó là lần đầu tiên. Các đập thủy điện của Trung Quốc bắt đầu được xây dựng từ thập niên 80. Hầu hết mọi người lúc đó đều không nhận thức được rằng dòng Mêkông (vốn được xem là dòng sông lớn nhất khu vực Đông Nam Á) có đến 44% chiều dài nằm ở Trung Quốc. Càng đọc nhiều về những con đập mà Trung Quốc đang xây dựng, tôi càng thấy rằng các con đập này sẽ là những vấn đề nền tảng trong tương lai của sông Mêkông.
Các đập thủy điện của Trung Quốc, 3 đã hoàn thành, đập thứ tư Tiểu Loan gần xong và những đập khác trên bản vẽ hay đang sửa chữa, tất cả sẽ có ảnh hưởng lâu dài đến sông Mêkông. Có thể không phải là 5 hay 10 năm để nhìn thấy những ảnh hưởng cụ thể nhưng nó sẽ có ảnh hưởng lớn, bởi vì cấu trúc dòng chảy đang bị thay đổi. Sẽ có ít những trận lũ lớn và sông sẽ có nhiều nước hơn vào mùa khô. Mới nghe thì tưởng là tốt. Lũ đối với nhiều người là một điều tệ hại nhưng thực sự ra không phải vậy. Có lũ, sẽ hạn chế những đợt hạn hán lớn, đây là một điều tốt. Lũ còn giúp mang chất dinh dưỡng xuống khu vực hạ lưu, tẩy bớt độc chất trên các cánh đồng. Nói chung, nó đóng một vai trò cực kỳ quan trọng. Nhịp lũ như thường lệ cũng rất quan trọng đối với mùa đẻ trứng của cá. Vì vậy, xét về lâu dài, những con đập của Trung Quốc đang mang đến những ảnh hưởng tiêu cực.
Thêm vào đó, điều đáng lo nữa là chính quyền Viêng Chăn và Phnôm Pênh đang bàn bạc về những con đập riêng sắp xây của họ trên dòng chính của sông Mêkông. Đây quả là một mối lo lớn vì nó sẽ cản đường di trú của cá vốn đóng vai trò rất quan trọng trong vấn đề lương thực của dân cư cả hai nước khu vực lòng chảo hạ lưu sông Mêkông. Chỉ cần lấy một thí dụ nhỏ, gần 80% hoặc có người nói là hơn 80% lượng protein của dân chúng Campuchia đến từ cá của sông Mêkông hay các nhánh sông liên quan, bao gồm cả Đại hồ.
Khánh An: Xin cám ơn Ông.
Nhật ký sông Mêkông (phần 1): Cội nguồn
Gia Minh, biên tập viên RFA
2010-02-22
Đài Á Châu Tự do vừa thực hiện một chuyến đi suốt từ đầu nguồn Dòng Sông Mêkông phát xuất trên Cao nguyên Tây Tạng cho đến cuối nguồn ở Đồng Bằng Sông Cửu Long,Việt Nam.
Mục đích chuyến đi nhằm ghi nhận mọi sinh hoạt của người dân dọc hai bên dòng sông lớn này, đặc biệt là các đổi thay gây tác động đến đời sống dân chúng địa phương.
Chuyên mục Khoa học- Môi trường vào mỗi sáng thứ hai hằng tuần kể từ hôm nay sẽ gửi đến quí vị những ghi nhận tại từng đoạn Sông Mê Kông chảy qua mỗi quốc gia.
Hôm nay mời quí vị theo dõi phần ở Cao nguyên Tây Tạng.
Dòng Dzachu
Sông Mê Kông là con sông dài vào hàng thứ 10 trên thế giới, nuôi sống 70 triệu con người, và khởi nguồn từ đây, vùng Dzachu - nơi được đặt theo tên Dòng Sông Đá Tây Tạng.
Tại trung tâm của một bình nguyên thoai thoải rộng lớn, những lá cờ thiêng đánh dấu Suối Zaxiqiwa, một trong những suối nguồn linh thiêng của Dòng Sông.
Tôi không thể mô tả Dòng sông Dzachu, thế nhưng những vị cao niên hơn kể nhiều câu chuyện về nó. Theo họ thì nguồn cội dòng sông ở sâu lắm, và nơi tận cùng của nó xa tít mù khơi.
Một người du mục.
Một người du mục địa phương chuyên chăn gia súc, tự cho là người gìn giữ nguồn suối đó đã đồng ý dẫn lối chúng tôi đến nơi này.
Và đây là khởi điểm của chuyến hành trình từ Cao nguyên Tây Tạng xuôi dọc dặm dài Dòng MêKông.
Một người du mục cho biết: “Thường chúng tôi không gặp những người nước khác tại đây. Không có đường sá, lại xa xôi và nhiệt độ thấp. Đó là lý do chúng tôi không thấy có mấy người ngoại quốc lui tới chốn này. Một vùng thật vĩ đại - Vùng Đất Tuyết, nơi mà những truyền thống Tây Tạng vẫn còn tinh tuyền.”
Chúng tôi đã phải vượt hơn 1.500 kilômét để đến nơi đây, qua tỉnh Thanh Hải cô lập nhất của Hoa Lục, lên cao gần 3.000 mét đến vùng núi non có những ngọn cao hơn 5 ngàn mét.
Đôi khi người ta mệnh danh Cao Nguyên Tây Tạng là Vùng Cực Thứ ba trên Trái Đất bởi đó là nơi có nguồn nước ngọt đứng vào hàng thứ ba thế giới. Đây là nguồn nước cho hầu hết những hệ thống sông lớn tại Châu Á từ Trung Quốc cho đến Pakistan.
Tỉnh Thanh Hải là vùng đất của dân du mục Tây Tạng, là chiếc nôi của ba dòng sông lớn Trung Quốc: Sông Mê Kông, Sông Dương Tử, và Hoàng Hà.
Bộ tộc người du mục Khampa chăn thả đàn gia súc của họ trên những cách đồng cỏ quanh thượng nguồn Mê Kông từ hằng ngàn năm nay.
Người dân du mục nói: “Tôi không thể mô tả Dòng sông Dzachu, thế nhưng những vị cao niên hơn kể nhiều câu chuyện về nó. Theo họ thì nguồn cội dòng sông ở sâu lắm, và nơi tận cùng của nó xa tít mù khơi. Họ nói đến cách thức mà Dòng sông không cạn, khi hè đến Sông trở thành màu đỏ, và lúc đông sang Sông ngã màu xanh. Người ta cho biết Dòng Dzachu rất linh thiêng.”
Vị thế cô lập của Cao nguyên Tây Tạng cho đến những năm gần đây đã giúp giấu che nguồn cội của Dòng Mê Kông.
Theo niềm tin Phật giáo Tây Tạng, thì Dòng Sông Mê Kông có ba nguồn cội thánh thiêng, trong đó có Dòng suối nơi chúng ta đã đến.
Hiện vẫn còn có những tranh cãi đối với xuất phát về mặt địa lý của dòng sông.
Viện Khoa học Trung Quốc công nhận hai dải băng hà, và xem cả hai là nguồn xuất phát thực sự của Dòng Mêkông thượng.
Người dân du mục cho biết: “Đến được đây lạnh và giá buốt lắm. Băng phủ quanh năm. Nếu đi xe đến tận cùng đường, thì phải đi ngựa thêm mấy tiếng đồng hồ nữa. Tuy nhiên, ngựa cũng không thể đến ngay tại nguồn sông chỗ đầy tuyết; do đó lại phải đi bộ chừng thêm một tiếng đồng hồ nữa.”
Bảo vệ cội nguồn
Người ta cho chúng tôi biết trước đây băng luôn phủ kín những ngọn đồi này quanh năm suốt tháng, thế nhưng trong những năm gần đây, băng đã tan lùi lên núi.
Dân du mục đã quen dần với những nhà khoa học khắp nơi trên thế giới đến đo mực tan chảy của băng trong những năm gần đây.
Các chuyên gia về khí hậu ước tính rằng trong 50 năm qua có đến 82% băng hà tại Cao Nguyên Tây Tạng đã tan chảy.
Một phụ nữ du mục: “Theo tôi thì Dòng Dzachu đang chịu đựng gian khó. Dòng sông khi chảy ở đây thật là hạnh phúc, thế nhưng khi xuống đến những đất nước khác, người ta tận dụng nó. Chắc chắn nó đang phải khổ sở nhiều lắm. Khi sông chảy qua cầu, nước sông hỏng mất, bẩn đi. Lúc này khi sông chảy đi từ Dzachu, nó vẫn hạnh phúc.”
Bởi lẽ đây là dòng sông chính, nếu chúng tôi bảo vệ tốt vùng này, những nhánh khác của nó sẽ được bảo vệ. Đây là mục tiêu của tôi.
Một người du mục.
Số phận của những dòng chảy nhỏ bé này gắn chặt với nhiều triệu cuộc sống dưới xuôi.
Rời khỏi dòng nước nhỏ, chúng tôi nhảy qua một suối lớn hơn mà đến một ngày nào đó trở nên sông rộng đến cả mấy kilômét.
Người dân du mục: “Lý do mà chúng tôi phải bảo vệ cội nguồn của Dòng sông Dzachu ở tại xứ sở của đất và tuyết này, là vì dòng sông chảy đến nhiều nơi. Lịch sử cha ông người Tây Tạng truyền đời cho biết đây là Nguồn cội Dòng sông. Bởi lẽ đây là dòng sông chính, nếu chúng tôi bảo vệ tốt vùng này, những nhánh khác của nó sẽ được bảo vệ. Đây là mục tiêu của tôi.”
Một vài nhà lều đen nằm trên sườn một thung lũng nhỏ, từ mái lều những làn khói bay lên trong ánh chiều tà.
Đó là cảnh trí gần như chẳng có gì đổi khác trong suốt cả ngàn năm.
Trong khi đi tìm cội nguồn của Dòng Sông Mê Kông ở mạn tây tỉnh Thanh Hải, chúng tôi được dẫn đến vùng đất tổ của những người du mục Khampa.
Chúng tôi được mời vào lều của một gia đình trẻ, được mời uống trà bơ, ăn thịt bò, sữa chua và bánh mì.
Nữ chủ nhân cho biết: “Cuộc sống tốt đẹp, chúng tôi hạnh phúc. Riêng vào mùa hè cuộc sống thật tuyệt. Chúng tôi có những vị thần và các vị lạt ma. Chúng tôi tận hưởng kỳ họp mặt mùa hè. Chúng tôi thả súc vật cho gặm cỏ và họp nhau cầu nguyện. Khi mùa đông đến, chúng tôi đưa gia súc vào trang trại nhốt trong những bãi có rào chắn. Đây là cách mọi thứ diễn ra. Không có nơi nào hạnh phúc như chốn này. Súc vật có cỏ ăn, chúng tôi có lương thực để dùng, có bò để lấy sữa. Và tại tu viện của chúng tôi có hơn 70 tu sĩ để giúp chúng tôi hành đạo của mình.”
Dường như đây là một lối sống chưa hề bị lịch sử chạm đến, tuy vậy đời sống của những người dân du mục là một trong những nền văn hóa bị đe dọa nhất trên thế giới.
Vào tháng tám năm nay, Thông tấn xã Nhà nước Trung Quốc loan tin rằng trong bốn năm qua hầu hết 50 ngàn người dân du mục Tây Tạng đã được định cư trên Cao Nguyên.
Chính quyền Trung Quốc cho rằng hoạt động chăn thả quá mức tại tỉnh Thanh Hải đang gây đe dọa đến nguồn của ba dòng sông chính tại Hoa Lục: Sông Dương Tử, Hoàng Hà và Sông Mê Kông.
Phía những người dân du mục thì cho rằng họ là những người giữ gìn tốt nhất vùng đất đó.
Ngày càng có thêm những bằng chứng khoa học cho thấy lối sống chăn thả súc vật của người dân du mục thực sự giúp bảo vệ những vùng đồng cỏ ở cao độ đó.
Một người dân du mục cho biết: “Chúng tôi lưu lại đây chừng một tháng từ tháng chín qua tháng 10. Vào mùa hè từ tháng sáu đến tháng chín, chúng tôi đi ngược lên trên núi. Thế rồi kể từ tháng 10, chúng tôi chuyển về lại và lưu lại trong những căn nhà trú đông đó của chúng tôi cho đến tháng sáu. Sau đó qua tháng sáu lại di chuyển đến trại hè. Như thế trong một năm chúng tôi di chuyển ba lần.”
Không còn người du mục?
Không bò, không lều, không gia đình tức không còn người dân du mục.
Một người du mục.
Theo truyền thông Nhà nước Trung Quốc thì chính quyền nhắm đến mục tiêu vào năm 2010 chuyển 80% dân du mục Tây Tạng sang định cư trong nhà.
Khi chúng tôi lái xe đi qua Cao Nguyên Tây Tạng, dọc đường điểm xuyết những thị trấn đơn lẻ mới như thế.
Chúng tôi dừng lại tại một làng tái định cư, nơi đó có hơn chục dãy nhà gạch nhỏ nằm sau tường bê tông.
Đối với người dân du mục thì những thị trấn mới như thế gây thêm cho họ những vấn đề mới, bởi lẽ nơi đó không có công ăn việc làm, không có sinh hoạt kinh tế.
Có một phụ nữ gọi chúng tôi lại giúp. Bà đưa ngón tay đầy máu chỉ vào một đầu bò nằm ở góc sân nhà bà. Đó là lương thực duy nhất của bà, và bà đang lóc số thịt còn sót lại nơi chiếc đầu bò đó.
Một người đàn ông địa phương nói với chúng tôi rằng người đàn bà không chỉ kêu la cho bản thân bà mà là cho tương lai nữa. Bà không muốn con cháu của bà sống một cuộc sống như thế.
Người đàn ông nói : “Không bò, không lều, không gia đình tức không còn người dân du mục”.
Ông nói thêm: “Vào mùa hè, khi đi trên đồng cỏ chúng tôi thấy hoa lá. Súc vật của chúng tôi cũng cảm thấy hạnh phúc khi hè đến. Và rồi chúng tôi có sữa tươi để uống, sữa chua để ăn. Chúng tôi có thể bắt ngựa, thả bò gặm cỏ, và chúng tôi cảm thấy hạnh phúc bởi đó là lối sống thân quen với chúng tôi rồi. Những người khác như người Hoa không thích lối sống như thế; tuy nhiên đối với những người Tây Tạng chúng tôi thì chúng tôi yêu cuộc sống đó, bởi đó là lối sống của chúng tôi.”
Video "Nhật ký sông MêKông (phần 1): Cội Nguồn", do RFA thực hiện.
Xuôi Dòng Mê Kông ra khỏi nơi nguồn cội xuất phát dòng sông, Cao nguyên Tây Tạng ngập tràn bóng dáng Đạo Phật. Khắp mọi nơi đều thấy những dấu hiệu: tháp, cờ, đền thờ, tu viện; cả trên núi, ngoài thảo nguyên, dọc ven sông, nơi nào cũng có.
Người hành hương Tây Tạng cho biết: “Hãy nói cho họ rằng đây là Cao nguyên Tây Tạng, vùng đất thuộc Phật giáo Tây Tạng.”
Trên một con đường sỏi lạnh, có một đoàn những người hành hương đang tiến về Lhasa. Mỗi chuyến hành hương như thế có thể kéo dài đến sáu tháng trời, vì mỗi khách hành hương tiến về nơi sẽ đến bằng cách chuồi người nằm xuống phía trước, và cứ như thế suốt đoạn đường gập gềnh sỏi đá.
Một người hành hương cho biết: “Chúng tôi phủ phục vì các chư Phật và nguyện cầu cho Vị Phật quí giá của chúng tôi trở lại ngai báu của người. Chúng tôi thực hành lời nguyện cầu này và rồi trở lại quê nhà. Chúng tôi không sợ lạnh, không sợ đói khát, không sợ chết.”
Dòng Mê Kông là một phần thiết yếu của khung cảnh thiêng liêng này. Người ta kể cho chúng tôi nghe tập tục thủy táng các trẻ con của người Tây Tạng; bởi lẽ họ cho rằng trẻ sơ sinh có những tấm lòng tinh tuyền, thơ ngây, chúng được cho vào dòng sông như một thủy thể tinh tuyền. Từ đó có tục lệ là người Tây Tạng không ăn cá sống bắt từ sông lên, và các thầy tu thường ra chợ mua hết cá đem thả lại xuống dòng nước Mêkông.
Người hành hương nói: “Chúng tôi thường lấy ra một hay hai túi cá. Khi chúng tôi thả chúng xuống nước, có một số con chết rồi. Các vị lạt ma cho biết có thể ăn những con đã chết. Những con còn sống được thả xuống sông rồi bơi đi.”
Chúng tôi đến thăm một khu nghĩa trang thiên táng của người Tây Tạng. Theo một truyền thống xuất phát từ niềm tin đầu thai trong đạo Phật, cơ thể của những người vừa mới qua đời được xẻ ra cho loài kên kên cao nguyên đến ăn.
Tuy nhiên tục lệ này bị người Tây Tạng đương thời ghê sợ và đã biến mất. Tại nơi chúng tôi đến thăm, người ta xây dựng hàng rào chung quanh để không cho thực hiện hình thức đó nữa, cũng như ngăn không cho chim vào.
Người du mục Tây Tạng cho hay: “Hàng rào không tốt cho linh hồn những người đã khuất. Ở Tây Tạng, chúng tôi tin rằng hồn người chết sợ đến cả những loài cỏ cao. Nay lại dựng lên những hàng rào như thế khiến hồm nay khổ sở.Nếu người ta bảo tôi phải ngồi tù để đổi lại việc không dựng hàng rào, tôi sẽ chịu ngay. Quan trọng lắm. Tôi thấy quá đỗi buồn, thực sự như thế.”
Khu an táng có hàng rào bao quanh, một trong những điểm dừng cuối cùng của chúng tôi trước khi Dòng Mêkông ra khỏi biên giới Cao nguyên Tây Tạng, đã hoàn thành bức tranh về một nền văn hóa đang bị tiêu diệt một cách có hệ thống. Như lời của một cư dân địa phương nói với chúng tôi: Trước hết chính quyền sẽ ngăn chặn tôn giáo của họ, sau đó đến đến phong tục của họ, và trong tương lai tất cả mọi người sẽ thành người Hoa, không còn người Tây Tạng nào còn lại nữa.
Thật khó có thể hy vọng với tất cả những khó khăn, bất lợi dồn dập lên họ, sự tận hiến kiên trì của những khách hành hương và người dân bình thường Tây Tạng có thể duy trì niềm tin tưởng rằng quê hương của họ là một miền đất trên các tầng mây.
Người hành hương phát biểu: “Điều cơ bản đối với những Phật tử Tây Tạng là sự quan tâm đến đời sống tương lai. Một khi bạn quan tâm đến cuộc sống mai hậu, bạn sẽ không chỉ nghĩ đến hiện tại mà còn nghĩ đến cuộc sống tương lai. Chúng tôi cũng làm điều này để giúp cho ông bà, cha mẹ những người đã qua đời. Chúng tôi nổ lực cũng để giúp họ. Chúng tôi cũng thực thi điều này để giúp cho nhân sinh hạnh phúc. Đó là mục tiêu của chúng tôi.”
Quí vị vừa cùng chúng tôi qua địa phận Dòng Mêkông tại Cao nguyên Tây Tạng. Trên trang web mạng của Đài Á Châu Tự Do - www.rfa.org/vietnamese/multimedia/, cũng có những clip video về hành trình dọc Dòng Sông Mêkông của Đài RFA. Mời quí vị vào xem.
Trong chương trình tuần tới, chúng ta sẽ xuôi theo phần Dòng Mêkông ở địa phận còn lại của Hoa Lục.
Mục Khoa học- Môi trường kỳ này tạm dừng tại đây. Hẹn gặp lại quí vị và các bạn trong chương trình kỳ tới.
Nhật ký sông Mê Kông (phần 2): Địa phận Hoa Lục
Gia Minh, biên tập viên RFA
2010-03-02
Tiếp tục chuyến đi dọc Dòng Mê Kông từ thượng nguồn ở Cao Nguyên Tây Tạng đến hạ nguồn ở Đồng bằng Sông Cửu Long, Việt Nam, chúng ta cùng tìm hiểu phần sông Mê Kông còn lại trên đất Hoa Lục.
Chúng tôi lái xe xuôi nam dọc theo Lan Thương Giang (tên gọi sông Mê Kông ở khu vực này) về hướng Vị Tây, đi qua những làng mạc Tây Tạng và các cánh đồng trên dải thung lũng hẹp hai bên sông.
Hoạt động quay phim tại địa phận Hoa Lục gặp nhiều khó khăn bởi hầu như những người dân được chúng tôi hỏi đến đều từ chối trả lời phỏng vấn do sợ hậu quả từ chuyện phát biểu với truyền thông.
Phát triển đập thủy điện
Những cộng đồng dân cư tại bắc tỉnh Vân Nam là một trang sử sống động. Một lão ông người Tây Tạng cho chúng tôi biết gia tộc của ông đã sống sáu đời trong căn nhà của họ.
Tuy nhiên vào khi Trung Quốc chuyển đổi từ một quá khứ nông nghiệp sang tương lai công nghiệp hóa thì những thay đổi đáng kể đã xảy đến cho dòng sông cũng như người dân sống ven sông khi những dự án thủy điện và đập nước được dựng lên.
Anh Kevin Li, một chuyên gia nghiên cứu về Sông Mê Kông, cho chúng tôi biết: Nguyên nhân chính ở Trung Quốc là kinh tế, đã có sự tăng trưởng rất lớn. Nhu cầu về năng lượng ngày càng nhiều nên phải gia tăng sản xuất năng lượng. Người ta phải xây dựng, phát triển thật nhiều đập thủy điện.
Nhu cầu về năng lượng ngày càng nhiều nên phải gia tăng sản xuất năng lượng. Người ta phải xây dựng, phát triển thật nhiều đập thủy điện.
Anh Kevin Li
Tại bắc Vị Tây chúng tôi phát hiện thấy một số cơ sở đang xây dở chừng, đó là dấu hiệu một đập thủy điện khác đang được xây trên dòng Mê Kông.
Đập mới này sẽ có tên là Đập Lý Để, một đập cao nhất ở tỉnh Vân Nam. Đập này sẽ thêm vào với ba đập trên dòng chính Mê Kông đã được đưa vào hoạt động tại Vân Nam. Và qui mô thật sư của kế hoạch xây đập thủy điện của Trung Quốc trên Dòng sông Mê Kông phải nói thật đáng kinh ngạc.
Truyền thông Nhà Nước Trung Quốc cho biết chỉ riêng tại tỉnh Vân Nam đã có 12 đập đang được xây dựng.
Dân làng sống gần khu Đập Lý Để thấy được viễn cảnh làng của họ cũng như lối sống làng mạc đó sắp bị xóa sổ.
Anh Kevin phát biểu tiếp: Chính quyền địa phương hoặc công ty xây dựng sẽ thông báo cho dân làng phải di dời. Theo lối nói của người Trung Quốc thì phải hy sinh bản thân để góp phần xây dựng đất nước.
Chạy đến tận cuối một con đường chơ vơ, chúng tôi lại phát hiện thấy thêm Đập Man Loan.
Cho đến năm 1995, chưa hề có những đập nào trên chính dòng Mêkông; và Đập Man Loan là đập nước đầu tiên như thế.
Một chuyến đi thuyền trên hồ đập nước cho thấy những nguồn nước ở khu vực bắc tỉnh Vân Nam đang dồn lại với bao rác thải và chất độc.
Chúng tôi tưởng tượng thấy nhiều làng mạc phải sống phía dưới nguồn nước bẩn đục đó.
Anh Kevin cho biết: Có chừng từ năm đến sáu ngàn người phải rời làng mạc đến khu tái định cư trên núi.
Tác động đối với những quốc gia dưới hạ nguồn khi dòng Mê Kông bị biến thành những dòng nước dốc khi xây đập thủy điện, hiếm thấy được phản ánh ở Trung Quốc.
Trong khi đó người dân tại những quốc gia hạ nguồn Mê Kông cho biết họ đã trải nghiệm thấy những thay đổi đối với dòng sông khi Trung Quốc mới xây mấy đập thủy điện đầu tiên trên đó.
Thay đổi buộc phải trả giá; và đối với người dân sống ven dòng Mê Kông uốn khúc vạn dặm, thì tỉnh Vân Nam là nơi khởi sự câu chuyện về đập thủy điện, về tình hình phát triển và những giá phải trả thông qua chuyện kể từ nhiều triệu mảnh đời sống ở hạ lưu dòng Mê Kông.
Cũng theo lời Kevin: Chúng tôi tin rằng Lan Thương Giang, hay Sông Mê Kông, sẽ thay đổi nhanh chóng, đặc biệt trong vòng hai ba năm tới, khi mà hằng loạt những dự án thủy điện hoàn thành. Mức độ tác động đến môi trường thế nào? Theo tôi mức độ đó sẽ rất lớn. Tác động đối với môi trường và con người sẽ vô cùng lớn.
Phá rừng trồng cây cao su
Dòng sông chảy qua thủ phủ Cảnh Hồng của tỉnh Vân Nam. Nhiều cư dân địa phương đánh bắt cá dưới Cầu Hữu Nghị Cảnh Hồng; tuy nhiên rõ ràng rất ít người sống ở ven sông.
Những núi xung quanh là nơi sinh sống của nhiều bộ tộc thiểu số, trong đó nhóm người Đại là đông nhất. Người ta cho chúng tôi biết bộ tộc Đại có mối liên quan với đất nhiều hơn với dòng sông. Có một thực tế là hầu như mọi người dân ở Cảnh Hồng đều có chung một nỗ lực trong nghề cạo mủ cao su.
Những đồn điền cao su công nghiệp phát triển mạnh mẽ vào thập niên 80. Trong hai thập niên sau đó, gần hai phần ba những khu rừng nhiệt đới tại đó trở thành đồn điền trồng cao su. Ngành này có lợi đến nỗi hầu như đã thay thế hoạt động canh tác lúa của địa phương. Những ngôi nhà truyền thống tại nhiều làng mạc địa phương giờ đây được thay thế bằng những căn nhà hiện đại có truyền hình, nước nóng từ nguồn điện mặt trời và điện.
Tất cả tham gia canh tác, cạo mủ và chế biến cao su. Toàn bộ hoạt động kinh tế xoay quanh một loại cây trồng đó mà thôi. Dường như chính sách một chiều đó sẽ rất nguy hiểm nếu như trong tương lai có những yếu tố khiến cho giá trị cao su không còn nữa. Trong khi chúng tôi cố tìm xem có những ý kiến bất đồng hay không, hầu như mọi người đều tỏ ra hài lòng với cây cao su đến với vùng họ.
Chúng tôi tin rằng sông Mê Kông sẽ thay đổi nhanh chóng khi mà hằng loạt những dự án thủy điện hoàn thành. Tác động đối với môi trường và con người sẽ vô cùng lớn.
Anh Kevin Li
Chúng tôi tìm đến Đập Cảnh Hồng. Đây là đập thứ ba đang hoạt động trên chính dòng Mêkông, và nó được xây dựng với mục tiêu duy nhất là để xuất điện bán sang cho Thái Lan. Chúng tôi dành thời gian để xem xét hồ chứa nước. Điều đáng ngạc nhiên là quanh hồ đều trồng cao su. Một làng tái định cư nằm ở bờ phía trên hồ.
Một số cư dân cho biết tiền bồi thường mà họ nhận được không như lời hứa trước đó; tuy nhiên tất cả đều đồng thanh trả lời họ thích sống tại những căn nhà rộng rãi hơn với tiện nghi truyền hình, điện đóm.
Những vị cao niên người Đại nhớ lại những khu rừng rậm và những loài động vật hoang dã phong phú trong vùng. Tuy nhiên ít người muốn đổi lại ngày xưa nhiều xao động đó để lấy tình trạng ổn định hiện nay. Nhiều người dân tộc Đại đều cho đây là thời kỳ thịnh vượng.
Theo lời của một vị cao niên mà chúng tôi nói chuyện thì trong suốt lịch sử dân tộc Đại đây là thời kỳ tốt đẹp, họ có mất đi một số thứ, nhưng lại được nhiều thứ khác. Họ mất rừng, nhưng họ thực sự không quan tâm. Chính bản thân họ đi chặt phá rừng để trồng thêm cây cao su.
Tình trạng băng hà tan chảy
Chúng tôi đến Quận Đức Khâm ở cực bắc tỉnh Vân Nam. Đây là phố đền Fellasi trên rặng núi Maili giáp với Tây Tạng. Đây là nơi mà những tín hữu thuần thành đến để đi vòng quanh chân núi. Ngày nay nhiều du khách cũng tham gia vào đoàn người hành hương. Những du khách đến khu vực này chủ yếu để chụp được những tấm hình cảnh bình minh thật đẹp.
Chúng tôi đến tham quan Băng hà Minh Vĩnh, một băng hà dài đến 12 kilômét nhưng đang tan chảy nhanh chóng hòa vào nước dòng Mê Kông.
Ông Michael Zhao thuộc Sáng hội Châu Á cho biết: Nhìn chung toàn khối băng hà trên Cao nguyên Tây Tạng đã rút giảm chừng 7% về mặt diện tích trong bốn thập niên qua. Vấn đề không phải chúng rút giảm về mặt diện tích mà độ dày của băng hà cũng giảm đi. Như thế khi nói đến khối lượng của toàn khối băng hà đã mất đáng kể hơn 7%.
Tình trạng tan băng trên cao nguyên có tác động ngay tức thời đối với những quốc gia dưới hạ nguồn. Các nhà nghiên cứu về băng hà đưa ra cảnh báo chỉ trong vòng 40 năm tới, sẽ có đến hai phần ba băng hà trên Cao nguyên Tây Tạng sẽ tan chảy. Như thế nguồn sông sẽ cạn đi dẫn đến tình trạng dòng chảy thay đổi hoàn toàn.
Ông Michael Zhao nói tiếp: Như quí vị biết đấy, khi càng hiểu biết về vùng đất này, chúng ta càng thấy nó quan trọng không chỉ cho cư dân địa phương mà cho cả dân chúng ở Châu Á nói chung. Lý do là những hệ thống sông lớn ở Á Châu đều có nguồn nước xuất phát từ Cao nguyên Tây Tạng. Nếu băng hà tan chảy đến lúc nguồn nước đổ vào sông quá ít thì đó là lúc những hậu quả lớn sẽ xảy ra.
Những hệ thống sông lớn ở Á Châu đều có nguồn nước xuất phát từ Cao nguyên Tây Tạng. Nếu băng hà tan chảy đến lúc nguồn nước đổ vào sông quá ít thì đó là lúc những hậu quả lớn sẽ xảy ra.
Ô. Michael Zhao
Cạnh ngoài dải băng hà là những khối nước đá bẩn, từ vô số dòng nước. Những dòng nước thật đáng ngạc nhiên là thật lớn, đầy nước đục màu đá dưới băng. Đây chỉ là một phần của dải băng hà trên Cao nguyên Tây Tạng. Thế nhưng tình trạng tại đó nhắc đến tác động tức thời của hiện tượng biến đổi khí hậu đến khu vực này.
Ông Michael Zhao nói tiếp: Tình trạng nhìn thấy là dấu hiệu cảnh báo đối với tất cả mọi người. Đó là điều mà chúng ta đang gây ra cho hành tinh Trái đất. Và đây là vùng đặc biệt bởi nó cho chúng ta thấy những thay đổi thật nhanh chóng và sớm sủa hơn những gì cũng đang diễn ra khắp địa cầu.
Chúng ta vừa theo dõi một số đổi thay ghi nhận được dọc theo dòng Mê Kông thuộc địa phận tỉnh Vân Nam, Trung Quốc. Trong chương trình kỳ tới, mời quí vị cùng đến với phần dòng Mê Kông trên đất nước Miến Điện.
Nhật ký sông Mêkông (phần 3): Địa phận Thái Lan
Gia Minh, biên tập viên RFA
2010-03-08
Loài cá tra khổng lồ trên Sông Mê Kông có thể dài đến ba mét, và một số con nặng trên 300 kilôgram. Tuy nhiên một trong những loài cá nước ngọt lớn nhất thế giới này, nay chỉ còn là một động vật quí hiếm.
Loài cá tra khổng lồ
Hiện chúng tôi đang có mặt tại Chiang Khoang, trò chuyện cùng những thành viên của một hợp tác xã đánh cá địa phương, và đây là một trong những nhóm còn lại chuyên đánh bắt cá tra Sông Mê kông hằng năm.
Những thành viên của hợp tác xã này tự mệnh danh là những Người yêu Dòng sông Mê kông. Họ cho biết:
Những con cá lớn mà chúng tôi bắt được hiện không thấy ở khu này nữa. Tôi đã từng bắt được một con nặng đến 250 kilôgram, ngay chỗ này của Sông Khong. Quanh khu vực này cũng có thể có, nhưng vị trí này là tốt nhất bởi xung quanh không có đá, không có cây gỗ trôi, không có vật cản nào hết. Tổ tiên chúng tôi từng tin rằng nếu ăn được cá tra khổng lồ thì sẽ sống đến cả 10 ngàn năm tuổi.
Cả những ngư dân và các nhà bảo tồn đều đồng ý với nhau là gần đây số lượng cá tra khổng lồ đã giảm đi một cách đáng kể.
Chính những đổi thay về mực nước dòng sông góp phần vào tình trạng suy giảm loài cá này. Khi nước sông dâng lên một cách bình thường thì cá sẽ đẻ trứng một cách bình thường. Nước sông lên xuống thất thường thì cá sẽ không đẻ trứng nữa.Người dân địa phương
Vào năm 2004, Liên Minh Bảo tồn Thiên nhiên Thế giới, WCU, đưa loài cá tra khổng lồ Sông Mê Kông vào loại cận kề nguy cơ tuyệt chủng.
Những người dân đánh cá địa phương nói tiếp:
Trước đây số người đánh bắt cá tra khổng lồ không nhiều, trong mỗi chuyến đi đánh các như thế chúng tôi không thấy có mấy thuyền cùng nghề. Gần đây cứ mỗi năm tại làng này có thêm chừng bốn năm thuyền làm nghề bắt loại cá tra khổng lồ này. Trước đây cả làng có chừng 50- 60 chiếc.
Một số các nhà bảo tồn thiên nhiên cho rằng việc đánh bắt quá mức là nguyên nhân khiến số lượng cá tra khổng lồ trên Sông Mê Kông giảm đi. Họ cho rằng những thay đổi trên thượng nguồn không có mấy tác động đến nơi sinh đẻ của loài cá này.
Trong khi đó thì những người dân địa phương tự nhận là Người yêu Sông Mê Kông lại không đồng ý như thế, mà cho rằng chính tình trạng phá đá trên sông và thay đổi thất thường của mực nước khiến cho cá tra khổng lồ giảm sút đi. Những hiện tượng vừa nói lại do các đập nước ở thượng nguồn Trung Quốc gây nên.
Những người dân địa phương cho thấy chương trình nuôi cấy của họ là cách thức duy nhất giúp duy trì tương lai cho loài cá tra khổng lồ Mê Kông. Họ nói:
Chính những đổi thay về mực nước dòng sông góp phần vào tình trạng suy giảm loài cá này. Theo tự nhiên, khi nước sông dâng lên một cách bình thường thì cá sẽ đẻ trứng một cách bình thường. Tuy nhiên, khi nước sông lên xuống thất thường không đoán trước được thì cá sẽ không đẻ trứng nữa.
Chúng tôi bắt cá đem về, thụ tinh cho cá đẻ, sau đó thả lại sông tất cả 48 ngàn con. Số cá này từ những con dài chỉ 10 phân cho đến những con nặng tới cả chục ký.
Tình hình xây đập trên thượng nguồn dòng sông là nguyên cớ cho nỗi khiếp đảm của người dân địa phương. Tình trạng khởi sự ập đến từ năm 1996, vào khi dân Chiang Khong một hôm thức giấc dậy thấy dòng sông cạn nước. Đó chính là năm đập thủy điện đầu tiên trên chính dòng Mê Kông, Đập Mạn Loan, bên Trung Quốc được đưa vào hoạt động.
Những Người Yêu Sông Mêkông kể cho chúng tôi nghe rằng dòng chảy của sông trở nên bất thường, như hồi năm 2008 những trận lụt tệ hại nhất trong cả thế kỷ đã xảy ra.
Nếu như mọi chuyện diễn tiến theo hướng mà Trung Quốc vạch ra từ đầu, thì Thái Lan sẽ trở nên một trạm vận chuyển hàng hóa…
Ông Mitti Yaparist
Những người dân đánh cá địa phương cho biết:
Vào năm 2008 lụt đến quá bất ngờ, chúng tôi không kịp vận chuyển mọi thứ. Tất cả đều bị nước cuốn trôi, cả ruộng ngô cũng bị cuốn đi. Hồ của đập đâu có thể chứa hết nước. Trước đây, dòng sông nước chảy tự nhiên không có vấn đề gì xảy ra. Lúc đó chúng tôi có thể xem được nước dâng lên, và rồi di chuyển trước đó ba bốn ngày. Trước đây, nước lên xuống bình thường; nay nước dâng quá đột ngột.
Dòng Mêkông đã vào giai đoạn của những đổi thay không thể nào xoay chuyển được, khi những đập thủy điện được lên kế hoạch xây dựng cả bên trên và bên dưới những nơi sinh đẻ của loài cá tra khổng lồ.
Dường như không chắc gì cuộc sống của loài cá đặc biệt này và những người đánh bắt chúng sẽ không bị thay đổi.
Dân chài địa phương nói tiếp:
Chúng tôi có những nỗi niềm. Niềm yêu thương bảo tồn thiên nhiên, văn hóa và truyền thống của chúng tôi. Chúng tôi cũng yêu làng mạc và lối sống của mình. Đây là lẽ sống của chúng tôi; từ khi còn bé chúng tôi đã làm nghề này rồi.
Khu Tam giác Vàng
Cũng tương tự nhiều khu từng một thời mang tai mang tiếng khác, người ta có thể đến khu Tam giác Vàng của thế kỷ 21 bằng xe buýt du lịch, trong một chiếc áo thun.
Tại nơi này đang xuất hiện một dạng mới thực dân kinh tế của Trung Quốc. Một biểu tượng rõ nét nhất của hoạt động đầu tư là một mái vòm vàng của sòng bài nhô cao lên từ phía bờ sông thuộc địa phận nước Lào.
Ông Mitti Yaparist, một giáo viên và là thành viên của nhóm bảo tồn thiên nhiên địa phương, cho chúng tôi biết:
Có một nhóm các nhà đầu tư Trung Quốc đến Chiang Saen với mong muốn thiết lập nên một lãnh địa công nghiệp. Sau đó, sòng bài được xây dựng phía bên Lào, nằm đối diện với Chiang Saen. Và theo hiệp định mậu dịch tự do Thái Lan - Trung Quốc, Chang Saen được phát triển thành một cảng vận chuyển giữa hai nước Thái và Trung Quốc.
Bên phía bờ Miến Điện là Phức hợp Thiên Đàng cực lớn, trong đó có sòng bài Win Win Win. Phức hợp Thiên Đàng này sẽ chẳng bao lâu nữa phủ sang bờ phía Lào, trở thành trung tâm điểm của một khu kinh tế đặc biệt rộng 20 kilômét, và một cụm công- nông nghiệp.
Những dân làng người Lào bị di dời do dự án phát triển sòng bài này không dám nói chuyện cùng chúng tôi vì quá sợ.
Tuy nhiên, dân bên bờ phía Thái Lan thì tỏ rõ nghi ngờ của họ về những mối lợi sẽ có được khi mà vùng sẽ trở nên một khu phi thuế quan của Hoa Lục.
Ông Mitti cho biết tiếp:
Khi sòng bài mới xây xong, họ thuê người Lào vào làm việc tại đó. Nhưng về sau, họ sa thải nhân viên Lào để tuyển người Hoa, với lý do nhân viên Lào không phù hợp với loại công việc tại đó. Và như thế khu vực sẽ trở nên một lãnh địa mới dành cho người Trung Quốc. Toàn bộ sẽ là người Trung Quốc ở đó.
Dòng sông Mêkông đã bị biến chuyển theo chiến lược thương mại của Trung Quốc. Hồi đầu thập niên này, trong giai đoạn một của Dự án Thông thủy Mêkông, dòng chảy xiết nguy hiểm, với bao đá tảng ở khu vực nam Trung Quốc và Thái Lan được phá đi giúp thông thương cho các loại tàu phà lớn qua lại.
Đối với những cư dân địa phương từng thuộc nằm lòng những nơi nước xiết, những bãi và đảo đá là nơi cư trú từng mùa cho cá sông thì dự án đó gây tác động dữ dội cho nguồn đánh bắt của họ.
Một dân chuyên nghề đánh cá ở sông cho biết:
Ở đây từng có nhiều loài cá khác nhau, nhưng nay không còn nữa. Hệ sinh thái đã thay đổi, không còn như xưa nữa.
Trong khi có thể bao hệ quả dữ dội có thể xảy đến cho cư dân địa phương, hoạt động đầu tư của Trung Quốc tại Khu Tam Giác Vàng không chỉ dừng tại đó mà còn nhắm sử dụng Sông Mêkông như là lối vươn ra những thị trường quốc tế.
Ông Mitti nói tiếp:
Nếu như mọi chuyện diễn tiến theo hướng mà Trung Quốc vạch ra từ đầu, thì Thái Lan sẽ trở nên một trạm vận chuyển hàng hóa… Đó là nơi hàng hóa Trung Quốc sẽ đổ vào Thái Lan trước khi chúng được chuyển đi bán ở những quốc gia khác.
Và một ngư dân sống gần khu Cảng trình bày:
Mọi chuyện diễn ra cả ngày. Tàu thuyền nối đuôi nhau như thế này đây, với chừng từ 30 chiếc hoặc nhiều hơn nữa. Cứ thuyền này rời bến thì chiếc khác thế vào, và suốt ngày như thế.
Những thỏa ước thương mại quốc tế vẫn cứ xa biệt những cư dân địa phương tại Khu vực Tam giác Vàng mà chúng tôi có cơ hội nói chuyện với họ.
Thực tiễn của tình hình đầu tư biến dòng sông này thành một thủy lộ giao thương với những bến cảng, sòng bài, và bao khu công nghiệp đang bỏ rơi cư dân địa phương lại đằng sau.
Người dân làm nghề đánh cá cho biết:
Tôi không cho rằng hoạt động đó tốt đẹp bởi lẽ hàng hóa nhập từ Trung Quốc sang làm cho sản phẩm địa phương rẻ đi. Ví dụ, tỏi nhập của Tàu sang khiến cho giá tỏi địa phương giảm xuống. Nhiều người trong chúng tôi phải đi chuyển sang kiếm việc làm mới là công nhân. Cuộc mưu sinh đã trở nên khó khăn hơn.
Chuyến xuôi dòng Mêkông trên địa phận Xứ Thái còn được tiếp tục trong chương trình kỳ sau, mời quí thính giả tiếp tục đón theo dõi.
Nhật ký sông Mêkông (phần 4): Xuôi dòng địa phận Thái Lan
Gia Minh, biên tập viên RFA
2010-03-16
Tiếp tục cuộc hành trình xuôi dòng Mêkông, phần thuộc địa phận Thái Lan, để biết rõ hơn người dân ở dọc theo hai bờ sông đã phải khó khăn như thế nào nhằm ngăn cản việc xây đập thủy điện.
32 năm đấu tranh
Hồi tháng 10 năm ngoái, một nông dân cao niên sinh sống tại tỉnh Ubon Ratchathani nghèo khó đã thắng trong một cuộc đấu tranh kéo dài 32 năm chống lại một đập thủy điện xây lên khiến cho làng mạc bị ngập lụt.
Cụ Hai năm nay đã ngoài 80 tuổi được nhiều người biết đến vì đã không bao giờ nhụt chí trong việc đòi lại đất đai của gia đình. Và câu chuyện của cụ có thể sẽ không được ai biết đến nếu như cụ đã không ra tay đục thủng một lỗ nơi con đập hồi năm 2004.
Cụ Hai phát biểu:
Hằng năm chúng tôi làm ra đủ gạo ăn có thể chất đầy hai xe tải. Ngoài ra chúng tôi còn trồng các loại khác như nấm, măng, và cây cối. Tất cả đều trong đất nhà tôi trước khi đất đai bị ngập nước.
Hằng năm chúng tôi làm ra đủ gạo ăn có thể chất đầy hai xe tải. Ngoài ra chúng tôi còn trồng các loại khác như nấm, măng, và cây cối. Tất cả đều trong đất nhà tôi trước khi đất đai bị ngập nước.
Cụ Hai
Vào năm 1977, một đập được xây ngang dòng nước chảy qua khu ruộng của Cụ Hai, gây ngập ruộng lúa của cụ và của những dân làng khác.
Cụ Hai từ chối không ký vào văn bản thỏa thuận với dự án; tuy vậy người ta cũng phớt lờ Cụ đi và chẳng bồi thường cho Cụ.
Cụ Hai nói tiếp:
Vào năm 1967 hay 1977 gì đó họ đến thuyết phục chúng tôi ký tên vào. Lúc đó tôi nghĩ sao? Cá nhân tôi không ký vì đó là đất của tôi và tôi biết chúng sẽ bị ngập nước và tôi đã không ký.
Sau khi mất đất, gia đình Cụ Hai bắt đầu phản đối, tuy nhiên chuyện kiện cáo khiến cho gia đình Cụ ngày càng thêm sa sút, nghèo khó.
Cụ kể tiếp:
Vào năm 1977, chúng tôi đến văn phòng huyện, đôi khi chúng tôi đến đó mỗi ngày hai lần. Chúng tôi đã đến tỉnh Udon và văn phòng huyện nhiều lần. Chúng tôi còn đến cả Văn phòng của Bộ, và gia đình tôi cứ làm như thế mãi đến năm 1993.
Cụ Hai không thể kiên nhẫn được nữa sau gần 30 năm tiếng kêu của gia đình bà bị lờ đi cho đến tháng ba năm 2004.
Cụ Hai kể lại:
Tháng thứ tư chúng tôi đi đến con đập, dựng lều ở và sang tháng thứ năm chúng tôi đục phá một lỗ nơi đập. Cảnh sát trưởng và lính của ông đã bắt chúng tôi, chúng tôi không kháng cự; nhưng khi chúng tôi trưng giấy tờ đất ra thì họ quyết định không bắt giữ chúng tôi nữa.
Chính quyền của thủ tướng Thaksin lúc đó đã tiến hành điều tra và chính thức ra lệnh ngưng hoạt động của đập.
Đất đai của Cụ Hai được trả lại.
Và Cụ cho biết:
Chúng tôi lại trồng lúa.Và dần dần nước về làm cho cây trái tốt tươi như thể các thánh thần ra tay phù hộ, độ trì vậy.
Năm năm sau Cụ Hai mới nhận được tiền bồi thường. Chính thủ tướng Abhisit trao cho Cụ khoản tiền bồi thường tương đương 36 ngàn đô la Mỹ.
Mong chờ công lý
Hiện nay chúng tôi phải dựa vào đập thủy điện của Lào. Tôi nghĩ, người dân sống quanh khu vực đập thủy điện bên Lào cũng chịu ảnh hưởng như chúng tôi mà thôi.
Ngư dân Pak Mun
Tại một vùng được xem như là vựa lúa của thế giới, thì mối liên hệ giữa sông ngòi, dòng nước và đất canh tác hết sức quan trọng đối với hằng chục triệu người khắp vùng Đông Nam Á. Với sự phát triển nhanh chóng trên Dòng Mêkông và các phụ lưu của sông, thì cuộc đấu tranh của Cụ Hai đang được tái diễn trong đời của nông dân khắp lưu vực con sông lớn này.
Để thừa nhận vấn nạn đó, tại một buổi lễ Cụ Hai đã trao cho thủ tướng chiếc giỏ tre đan dở, với ý nghĩa rằng người dân quê nghèo đang mong chờ công lý được thực thi tại những quốc gia Châu Á.
Cụ Hai cho biết tiếp:
Tôi sẽ tiếp tục, bởi sứ mạng của tôi vẫn chưa đạt được. Đến nay tôi vẫn chưa thể từ bỏ nhiệm vụ đó được. Ngay cả khi tôi không còn nữa, thì các bạn bè tôi sẽ tiếp tục; như thế chiến dịch đấu tranh chưa kết thúc.
Đập Pak Mun ở tỉnh Ubon Ratchathani tại vùng đông bắc Thái Lan chỉ là một đập thủy điện nhỏ. Tuy nhiên, thất bại của đập này tác động đến kế hoạch xây những đập thủy điện trong lưu vực Mêkông.
Đập Pak Mun được xây dựng trên Sông Mun, cách chỗ hợp lưu của sông với Dòng Mêkông năm kilômét rưỡi. Hậu quả của đập này khiến cho tất cả những dự án xây dựng đập mới bên trong địa phận Thái Lan đều bị ngưng lại.
Một ngư dân tại Pak Mun cho biết:
Vào lúc đó khi quả mìn phá đầu tiên được cho nổ, chúng tôi biết rằng hệ sinh thái và màu nước sông đã thay đổi. Khi có một vụ nổ như thế, các chạy tản mác khắp nơi. Một năm sau đó, người ta xây đập, và chẳng còn con cá nào nữa.
Một nhà hoạt động tại Pak Mun cho biết:
Ngư dân phải rời làng để đi tìm nguồn cá. Trong một số trường hợp, chỉ người chồng đi, có trường hợp vợ đi, có trường hợp cả hai vợ chồng cùng đi để con cái lại cho cha mẹ trông coi giúp. Việc xây đập không giúp gì cho ngươì dân cả, mà chỉ gây nên xáo trộn mà thôi.
Có hơn 1700 gia đình phải di dời để xây đập Pak Mun. Thiệt hại của việc xây đập được tính toán có đến 80% loài cá mất đi, tổng giá trị ước tính hằng năm mà cư dân địa phương chịu thiệt lên đến chừng một tỷ tư đô la.
Trong quá trình xây dựng đập, người ta có bồi thường một khoản giới hạn cho cư dân phải di dời một khoản giới hạn nào đó, nhưng không hề bồi thường cho nguồn cá mất đi, khoản rừng không còn nữa, hoặc đất ven sông không sử dụng được.
Nhà hoạt động cho biết:
Cuối cùng thì tiền bạc cũng hết. Chúng tôi nghĩ mình có những lý do xác đáng để đòi hỏi quyền lợi của chúng tôi. Mọi người tập họp lại, có tất cả hơn 15 ngàn người, yêu cầu mở cổng đập ra.
Tôi sẽ tiếp tục, bởi sứ mạng của tôi vẫn chưa đạt được. Ngay cả khi tôi không còn nữa, thì các bạn bè tôi sẽ tiếp tục; như thế chiến dịch đấu tranh chưa kết thúc.
Cụ Hai
Hồi năm 2001, sau khi biểu tình, dân chúng đã chiếm khu đập đến hơn một năm. Cổng đập được mở để khảo sát tác động đối với hoạt động đánh bắt cá.
Tuy vậy, chính quyền cuối cùng vẫn bác bỏ khuyến cáo từ Đại học Ubon Ratchathani là nên mở cửa đập trong vòng năm năm.
Nhà hoạt động cho biết tiếp:
Quyết định cuối cùng là mỗi năm cho mở cửa đập bốn tháng, và đóng cửa đập trong vòng tám tháng. Tuy nhiên, bốn tháng vẫn chưa được. Không đáng phải xây dựng đập thủy điện này bởi nó chỉ sản xuất ra được một lượng điện ít ỏi thôi, chỉ đủ để chạy một trung tâm thương mại nhỏ.
Ngư dân ở Pak Mun cho biết:
Trước khi xây đập thủy diện, trên Sông Mun thường có đến chừng 265 loài cá. Tôi lập kế hoạch bảo tồn để cho thế hệ trẻ đến xem. Theo tôi thì những loài cá này không chóng thì chầy sẽ biến mất.
Không nên xây đập
Một nghiên cứu về Đập Pak Mun hồi năm 2000 được thực hiện theo yêu cầu của Ủy ban Thế giới về Đập nước của Liên Hiệp Quốc cho thấy rằng lẽ ra không nên xây đập này.
Sau thất bại của Đập Pak Mun, hoạt động xây đập bên trong nội địa Thái Lan bị ngưng lại. Thay vào đó chính phủ Thái chuyển sang nhờ vào nguồn thủy điện trên các sông ở Miến Điện và Lào để đáp ứng nhu cầu của Thái.
Ngư dân Pak Mun nói:
Hiện nay chúng tôi phải dựa vào đập thủy điện của Lào; theo tôi hoàn toàn không cần thiết phải xây thêm đập nào nữa.Tôi nghĩ, người dân sống quanh khu vực đập thủy điện bên Lào cũng chịu ảnh hưởng như chúng tôi mà thôi.
Người dân địa phương trên Dòng Mêkông ở cách đập Pak Mun ít tiếng đồng hồ cũng đang lo lắng về những kế hoạch mới cho xây đập Ban Khum, một trong ba dự án đập thủy điện trên chính dòng Mêkông do Thái Lan đưa ra.
Một người dân Ban Kum cho biết:
Chúng tôi học được kinh nghiệm từ những điều mà dân cư tại Pak Mun đã gặp phải. Đó là một trong những nơi, tôi theo dõi kỹ và thấy ra những chuyện xảy đến cho dân làng. Quả thực họ được bồi thường tiền bạc, thế nhưng họ mất hết mọi nơi để kiếm kế sinh nhai; như thể tay chân bị cắt cụt. Cha ông chúng tôi có câu ‘Có đất tốt hơn có tiền”.
Tại khu vực này Dòng Mêkông là biên giới giữa hai nước Thái Lan và Lào; và bài học Đập Pak Mun là một lời cảnh báo cho các cộng đồng dân cư hai bên bờ dòng sông.
Người ngư dân Pak Mun cho biết:
Là người làm nghề đánh bắt cá, tôi muốn chuyển đến mọi người thông điệp này ‘việc xây dựng đập Ban Kum sẽ không giúp ích gì cho dân chúng’. Xây đập có lợi cho chính phủ, cho các công ty nhà nước, hoặc cho ngành điện. Họ có thể làm ăn, kinh doanh, nhưng đối với dân làng thì không được gì cả.
Mục Khoa học- Môi trường kỳ này tạm dừng tại đây. Mời quí vị tiếp tục theo dõi chuyến xuôi Dòng Mêkông trong kỳ tới với chúng tôi tại địa phận Miến Điện.
Nhật ký sông Mêkông (phần 5): Trong địa phận Miến Điện
Gia Minh, biên tập viên RFA
2010-03-22
Liên tục loạt bài Xuôi Dòng Mêkông do Đài Á Châu Tự do thực hiện, trong chương trình Khoa học- Môi trường tuần này, mời quí vị đến phần sông Mêkông trong địa phận Miến Điện.
Người Lahu bị đàn áp
Chúng tôi đến bang Shan, nằm ở vùng đông bắc Miến Điện. Tại đó chúng tôi gặp sắc dân thiểu số Lahu. Họ là những người có thể lần tìm ra cội nguồn cùng với Dòng Sông Mêkông.
Tương tự những sắc dân thiểu số khác sống dưới chế độ quân phiệt Miến Điện, người Lahu cũng bị cô lập sau biên giới khép kín của xứ này. Họ sống ngay giữa một vùng biến động nhất.
Chúng tôi tìm cách tiếp cận một cách bí mật với những thành viên của cộng đồng người sắc tộc Lahu.
Một người đàn ông Lahu cho chúng tôi biết:
Hiện thời những cộng đồng thiểu số chúng tôi bị chính quyền Miến Điện đối xử rất tệ bạc. Họ xem chúng tôi như súc vật. Chúng tôi không thể chịu đựng được cảnh ngộ này.
Hiện thời những cộng đồng thiểu số chúng tôi bị chính quyền Miến Điện đối xử rất tệ bạc. Họ xem chúng tôi như súc vật. Chúng tôi không thể chịu đựng được cảnh ngộ này.
Một người Lahu
Chính sách của chính quyền Miến Điện để quân đội tự cung tự cấp khiến nhiều tội ác gia tăng. Quân đội tìm cách tăng thu nhập thông qua cướp bóc, chiếm đoạt đất đai, cưỡng bức lao động và buôn lậu thuốc phiện.
Sắc dân Lahu không có nhiều và thường bị cưỡng bức tham gia quân đội chính phủ trong cuộc chiến chống lại dân quân vũ trang của những sắc tộc mạnh.
Một người Lahu khác kể cho chúng tôi nghe:
Từ năm 1980 đến năm 1988, các sắc dân Lahu, Akha và Shan bị buộc làm lao công cho quân đội, họ là lực lượng phải tải mọi vật dụng hậu cần quân đội. Nếu có người sức yếu không kham nổi công tác lao công đó, thì phải trả bằng tiền. Nhiều lao công ốm đau đã bị quân đội bắn bỏ. Trong suốt khoảng thời gian đó, nhiều người trong chúng tôi đã chết như thế.
Khi kế hoạch bầu cử được dự kiến diễn ra trong năm 2010 này, nhiều thỏa ước đình chiến bị hủy, từ đó nhiều thanh niên sắc tộc Lahu đã bị cưỡng bức tham gia quân đội chính phủ.
Ở lại quê nhà chỉ còn phụ nữ, họ phải chật vật kiếm sống để nuôi cả gia đình.
Một phụ nữ Lahu cho biết:
Chồng tôi bị cưỡng bức đi lao công cho quân đội. Gia đình tôi phải vào rừng để sinh sống, chúng tôi đào củ rừng để ăn. Chúng tôi đã ở trong rừng chừng hai ba tháng.
Bi kịch cuối cùng của những bà mẹ sắc tộc Lahu là phải bảo vệ con cái của họ khỏi nạn nghiện hút.
Một số người mà chúng tôi nói chuyện được cho biết là tại một số làng người sắc tộc Lahu, cứ bốn người thì có một con nghiện.
Người phụ nữ sắc tộc Lahu nói:
Các loại thuốc phiện luôn luôn sẵn: amphetamine, bạch phiến, thuốc hít.
Cả hai con trai tôi đều nghiện. Đứa út của tôi bị tù ở bang Wa; tuy nhiên cháu không được cai nghiện mà bị để thế.
Mất đất canh tác
Tương lai của các sắc dân Lahu, Akha, và những người thiểu số khác tại bang Shan cũng bị phủ bóng bởi nhu cầu ngày càng tăng của Trung Quốc về mủ cao su và những loại dược liệu khác.
Họ đã lấy hết đất canh tác của chúng tôi để bán cho dân kinh doanh; chúng tôi chẳng còn trồng trọt hoa màu, gieo cấy lúa mạ gì được nữa.
Một người Lahu
Các nông trường cao su đang lấn mất đất canh tác của người thiểu số; và cùng với nạn săn bắt động vật hoang dã, rừng-nguồn sống cho người dân địa phương- đang bị phá hủy một cách nhanh chóng .
Người đàn ông cho biết:
Họ đã lấy hết đất canh tác của chúng tôi để bán cho dân kinh doanh; chúng tôi chẳng còn trồng trọt hoa màu, gieo cấy lúa mạ gì được nữa.
Theo tướng Than Shwe, người đứng đầu chính quyền quân nhân Miến Điện, thì mục tiêu của một đất nước dân chủ đang đến gần, khi mà cuộc trưng cầu dân ý năm 2008 đã thông qua tân hiến pháp, và trong năm nay người dân sẽ đi bầu.
Tuy nhiên đối với những nhà quan sát, thì những kế hoạch của chính phủ Miến Điện thật đáng ngờ. Người dân thì cho rằng niềm hy vọng duy nhất của họ là ở cải cách dân chủ mà thôi.
Một người dân phát biểu:
Nếu chính phủ đương thời vẫn còn cầm quyền thì họ chẳng thay đổi gì đâu. Tôi không thấy cách gì cuộc sống người dân chúng tôi có thể được cải thiện cả. Sẽ không có đổi thay gì khi không có dân chủ.
Phần Sông Mêkông chảy qua địa phận giữa nước Lào và bang Shan của Miến Điện là Khu Tam Giác Vàng mà nhiều người từng biết tiếng.
Đó là vùng cung ứng nguồn bạch phiến lớn thứ hai trên thế giới. Gần đây Khu Tam Giác Vàng trở thành nơi cung ứng hàng đầu hồng phiến (amphetamine) và các loại ma túy tổng hợp. Do vậy nó được gọi với tên mới ‘Khu Tam Giác Hàng trắng’.
Ông Japhet thuộc Tổ chức Phát triển Sắc tộc Lahu cho biết:
Chính quyền Miến Điện từng tuyên bố là họ có thể kiểm soát hoạt động buôn bán ma túy trong khu vực Tam giác Vàng; thế nhưng trong thực tế thì toàn bộ các loại thuốc cấm có mặt ở thị trường Thái Lan, Kampuchia và Lào đều chủ yếu được sản xuất ra ở Miến Điện.
Những khẩu hiệu tuyên chiến với ma túy đầy dẫy khắp nơi trên đất Miến và về mặt chính thức nhà cầm quyền quân nhân Miến Điện, được sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế,cũng đang quyết tử với những tập đoàn ma túy.
Một người sắc tộc Lahu ẩn danh cho biết:
Sau năm 1996, nhà cầm quyền Miến Điện tuyên bố sẽ không cho canh tác cây thẩu nữa; nhưng trên thực tế thì khác hẳn: loại cây này được trồng nhiều hơn. Họ có cho tiêu hủy khá đấy, nhưng trước khi tiến hành biện phát tiêu hủy thì hầu hết cây đã được thu hoạch. Đến năm nay, cây lại được trồng rộng rãi hơn. Binh lính thấy và biết; thậm chí vào mùa thu hoạch họ còn tham gia hoạt động đó nữa.
Cứ mỗi khi có phái đoàn Liên hiệp quốc đến thì quân đội Miến lại dẫn phái đoàn đến những nơi chỉ còn ít sinh hoạt trồng trọt cây thẩu; hoặc dẫn đến những nơi có thỏa thuận trước với nông dân cho phá hủy để phi tang. Còn lại những nơi khác không có gì thay đổi. Người ta thỏa thuận với nhau như thế.
Làng mang tên Punaco, nơi đó có ít nhất một nhà máy chế biến bạch phiến và một nhà máy chế biến meth trắng, và nơi cổng vào làng có hai tiểu đoàn lính Miến Điện canh phòng.
Ông Kheunsain Jayen
Hồi năm 2005, Đội quân đội Thống nhất Bang Wa ở phía bắc bang Shan, một trong những tổ chức buôn lậu thuốc phiện mạnh nhất thế giới, lên tiếng công bố cấm bạch phiến.
Tuy nhiên, mọi chỉ dấu đều cho thấy mức tăng mạnh trong hoạt động sản xuất các loại ma túy như amphetamine, methamine trắng suốt, và Ketamine, nhanh chóng vô hiệu hóa lệnh cấm vừa nêu.
Người dân tộc Lahu phát biểu:
Ở bang Shan, người ta dùng meth-amphetamine nhiều hơn bạch phiến, lý do là heroin đắt tiền, còn meth-amphetamine chỉ giá khoảng 100 bath một viên mà thôi, tính theo tiền Miến chừng 3700 kyat. Giàu có thì dùng bạch phiến, người bình dân sử dụng hàng trắng thường.
Chính phủ ủng hộ?
Các băng đảng người Hoa thống lĩnh những tập đoàn ma túy, buôn lậu trong nội địa qua đường Sông Mêkông, đi vào Trung Quốc, Thái Lan, Lào và Ấn Độ.
Chúng tôi đi vào phố thị Tachileck nơi có nguồn tin cho biết có một số nhà máy sản xuất amphetamine. Bên ngoài nơi này được quân đội Miến Điện canh phòng.
Ông Kheunsain Jayen, thuộc Hãng thông tấn Người đưa tin bang Shan cho biết:
Ở phía tây của phố thị Tachileck là một ngôi làng nổi tiếng, nổi tiếng cả đối với các cơ quan chống ma túy của Thái Lan. Làng mang tên Punaco, nơi đó có ít nhất một nhà máy chế biến bạch phiến và một nhà máy chế biến meth trắng, và nơi cổng vào làng có hai tiểu đoàn lính Miến Điện canh phòng.
Thật là vô lý ở một quốc gia nơi mà việc đi lại và hội họp bị kiểm soát chặt chẽ như Miến Điện mà chính quyền không hay biết gì về hoạt động kinh doanh ma túy.
Cứ xét theo góc độ chính quyền quân nhân Miến Điện sử dụng hoạt động buôn bán ma túy để kiểm soát bang Shan, thì không thể có bất cứ viện trợ quốc tế nào thành công giúp giải quyết vấn nạn ma túy nếu như không có cải cách chính trị.
Người sắc tộc Lahu cho biết:
Quân đội Miến Điện không hề quan tâm đến ý kiến của những quốc gia khác. Cho dù Liên hiệp quốc và Hoa Kỳ có nói gì đi nữa, họ cũng chẳng quan tâm. Nếu thích, thì họ làm bất cứ chuyện gì mà họ muốn. Ai nghĩ gì thì nghĩ, kể cả Mỹ, họ chẳng quan tâm.
Ông Kheunsain Jayen cho biết:
Cội rễ của vấn đề là hệ thống chính trị từ cấp dưới lên đến cấp chóp bu. Họ không để ý đến vấn đề bởi chúng ta làm ngơ, không để ý đến nó. Tại Miến Điện, có một thực tế không thể chối cãi đó là người nào có súng đều có thể tham gia hoạt động buôn bán ma túy, và lực lượng có nhiều súng nhất lại tham gia mạnh nhất vào hoạt động đó.
Mục Khoa học- Môi trường kỳ này tạm dừng tại đây. Trong chương trình kỳ tới, mời quí vị tiếp tục theo dõi chuyến hành trình dọc Dòng Mêkông qua địa phận nước Lào.
Trên trang chủ của Đài Á Châu Tự Do ở địa chỉ www.rfa.org, cả trên trang tiếng Anh và tiếng Việt, đều có những video clip về chuyến đi dọc Sông Mêkông do Đài chúng tôi thực hiện.
Hẹn gặp lại quí vị và các bạn trong chương trình kỳ tới.
Gia Minh chào tạm biệt.
Nhật ký sông Mêkông (phần 6): Đoạn chảy qua Lào
Gia Minh, biên tập viên RFA
2010-04-05
Tiếp tục phóng sự Xuôi Dòng Mê Kông do Đài Á Châu thực hiện, mời quí vị cùng tạp chí Khoa học - Môi trường theo dõi phần con sông chảy qua xứ Lào.
Vấn đề là làm thế nào để có được sự quân bằng giữa các kế hoạch phát triển do chính phủ đưa ra và đời sống của hàng triệu người dân phụ thuộc vào Dòng sông.
Đe dọa nguồn sống
Cô Premudee Daoroung, thuộc Tổ chức Terra cho biết:
Chúng tôi hiểu rằng Ủy hội Sông Mêkông luôn tuyên bố họa là một tổ chức liên chính phủ. Ngay từ khi mới thành lập, ủy hội đã không xuất phát từ những người dân địa phương sử dụng nguồn nước Dòng Sông. Theo tôi đó là một vấn đề lớn. Tất cả chúng ta đều biết rằng Ủy hội Sông Mêkông là tổ chức có liên quan đến kế hoạch xây dựng 11 đập nước trên Dòng Mêkông ngay từ đầu. Chúng tôi hy vọng Ủy hội Sông Mêkông có thể giúp tạo điều kiện cho những cuộc thương lượng quân bình giữa phía những người có kế hoạch phát triển đập thủy điện và phía những người có nghi vấn về kế hoạch đó.
Đây là khu đánh bắt cá nội địa lớn nhất thế giới. Hàng năm sản lượng lên đến chừng hai triệu rưỡi tấn, giúp nuôi sống hàng triệu người. Nay người ta lại thấy tiềm năng thủy điện.
Ô. Jeremy Bird
Giới chỉ trích Ủy hội Sông Mêkông cho rằng trong khi phát triển kinh tế nhanh chóng làm thay đổi Dòng sông, thì hai quốc gia Trung Quốc và Miến Điện vẫn không tham gia tổ chức này. Như thế hai nước không phải ràng buộc với qui định tham khảo ý kiến các nước khác trong các vấn đề như xây đập thủy điện và chia xẻ nguồn nước. Nay, Ủy hội Sông Mêkông còn đứng trước thách thức những kế hoạch xây đập của nước chủ nhà Lào, bởi lẽ những đập đó đe dọa nguồn cá trên sông giúp nuôi sống dân chúng trong vùng.
Ông Jeremy Bird phát biểu tiếp:
Có thể nói đây là khu đánh bắt cá nội địa lớn nhất thế giới. Hàng năm sản lượng lên đến chừng hai triệu rưỡi tấn, giúp nuôi sống hàng triệu người. Nay người ta lại trông thấy tiềm năng dồi dào về thủy điện trên sông; tuy nhiên cần phải xem xét đến cả mặt lợi và hại trong lĩnh vực này.
Cho dù những ý kiến khác biệt thế nào về dòng chảy hiện thời của Dòng Mêkông, đối với những cư dân Lào sống ven sông thì mọi dự án phát triển đều có những tác động sâu sắc.
Bà Premudee Daoroung phát biểu:
Cần phải có một tiến trình thích hợp để đưa người dân có thể tham gia vào; chứ không thể để sau khi đưa ra quyết định rồi mới cho họ có ý kiến. Sáng kiến về một tiến trình như thế thật cần thiết nhằm bảo vệ cuộc sống của cư dân ven sông.
Vị trung niên địa phương có ý kiến:
Chúng tôi cảm thấy có mối quan hệ mật thiết hết sức với Dòng sông. Nếu có ngày nào đó không thể đến chạm vào Dòng sông được nữa, chắc chắn chúng tôi thấy mất mát điều gì; không xuống với Sông được đó là điều thiếu thốn. Dòng sông mang lại cho chúng tôi niềm vui thú; ngày nào chúng tôi cũng xuống sông ít nhất một hoặc hai tiếng đồng hồ.
Mặt tích cực
Sau nửa ngày chạy xe ra khỏi thủ đô Vientiane, chúng tôi đến Cao nguyên Nakai, nơi có đập thủy điện Nam Theun 2, một dự án hạ tầng thuộc loại lớn nhất trong lịch sử Xứ Lào. Hơn sáu ngàn dân được tái định cư trong những căn nhà mới quan hồ chứa nước của đập cho thấy những thay đổi tích cực trong đời sống của họ. Đập Nam Theum 2 bán đến 90% sản lượng điện sang cho Thái Lan.
Giờ đây chúng tôi có cơ sở hạ tầng tốt, có nước máy, có điện và đường xá. Cuộc sống tốt đẹp và chúng tôi cũng có đủ tiền bạc.
Người dân địa phương
Một ngư dân địa phương cho biết:
Giờ đây chúng tôi có cơ sở hạ tầng tốt, có nước máy, có điện và đường xá. Cuộc sống tốt đẹp và chúng tôi cũng có đủ tiền bạc.
Một người dân khác cho biết:
Chúng tôi có điện dùng suốt cả ngày, rồi nước máy và như thế là rất nhiều tiện nghi.
Chuyển dòng nước vào Sông Xe Bangfai, đập thủy điện này gây tác động đến hơn 100 ngàn dân trong năm nay là thời điểm đập đi vào hoạt động đầy đủ. Dự án được Ngân hàng Thế giới và Ngân hàng Phát triển Châu á hỗ trợ, và Công ty Điện Nam Theum chịu trách nhiệm bồi thường cho người dân bị mất đất và nguồn sống do việc thực hiện dự án gây nên.
Ông Aiden Gledinning thuộc Công ty Điện Nam Theun 2 cho biết:
Nguyên tắc cơ bản của dự án là giúp cho những cộng đồng dân cư bị tác động chí ít phải khá lên so với trước đây. Lý tưởng hơn nữa là cải thiện cuộc sống cho họ. Dự án không chỉ bồi thường cho những gì mất đi mà thực sự đã cải thiện mọi điều kiện sống.
Một người dân phía dưới đập cho biết:
Họ đã đến và cho chúng tôi xem sơ đồ, bản vẽ. Họ chụp hình và các chuyên viên đo đạc khu vực. Họ cho biết sẽ bồi thường cho đất đai bị lấy đi, trong đó có cả nhà cửa. Nếu ai muốn chăn nuôi, sẽ có dự án hỗ trợ chăn nuôi gia súc, như muốn nuôi heo sẽ có cán bộ dự án đến chỉ nuôi heo.
Tuy nhiên không phải tất cả những người dân khi chúng tôi nói chuyện đều tỏ ra thấy an tâm về cuộc sống mới của họ.
Một ngư dân địa phương cho biết:
Nay vẫn còn nhiều cá, chúng tôi chỉ việc thả câu và bắt được cá. Nhưng tôi e ngại một điều là nguồn cá sẽ cạn, sẽ hết. Đến cuối vụ này, sẽ cạn hết. Như thế tôi không còn nguồn sống nào nữa; trước đây có nhiều nguồn để mưu sinh.
Hồi cuối năm ngoái, Tổ chức Sông Quốc tế công bố phúc trình nêu ra những vấn nạn như mất hồ nuôi cá, gia súc, và không còn đủ đất canh tác lúa. Khi mà Công trình thủy điện Nam Theun 2 chưa hoạt động hết công suất thì mọi tác động cho hạ nguồn vẫn chưa thấy rõ.
Chúng tôi chọn thủy điện làm một ưu tiên phát triển của chúng tôi. Lý do đất nước chúng tôi không có nguồn tài nguyên quan trọng nào khác.
Ô. Daovong Phonekeo
Cô Ikuko Matsumoto thuộc Tổ chức Sông Quốc tế phát biểu:
Đáng ngại không chỉ là tác động đối với nghề cá hoặc phải di dời người dân, mà việc thay đổi dòng chảy của sông sẽ gây ảnh hưởng đến tất cả mọi người dân sống ven sông. Đó là những người phải nhờ vào lượng phù sa màu mỡ từ thượng nguồn để canh tác lúa hay rau màu trên đất ven sông. Đập thủy điện sẽ có tác động đến hết thảy. Trong hầu hết mọi trường hợp, những người phát triển thủy điện không thể ước tính được mọi tác động đến dòng sông.
Xuất khẩu điện
Điều nâng tầm quan trọng của Dự án Thủy điện Nam Theum 2 lên là ở chỗ nó được dùng như một trường hợp để thử chính sách biến Dòng Mêkông và các phụ lưu sông này ở địa phận nước Lào thành một nguồn cung ứng điện cho khu vực Đông Nam Á.
Bộ trưởng Bộ Năng lượng và Mỏ của Lào, ông Daovong Phonekeo, phát biểu:
Chúng tôi chọn thủy điện làm một ưu tiên phát triển của chúng tôi. Lý do đất nước chúng tôi không có nguồn tài nguyên quan trọng nào khác. Chúng tôi muốn thu hút các nhà đầu tư qua việc cho họ thấy là chúng tôi cũng có tài nguyên. Muốn phát triển, đất nước cần có mặt hàng xuất sang nước khác.
Ông Carl Middleton, thuộc Tổ chức Sông Quốc tế, phát biểu:
Quan niệm này xuất phát từ ý tưởng muốn Lào là nguồn cung ứng điện của khu vực Đông Nam Á. Tuy nhiên khi thực hiện điều đó sẽ phá hoại cơ sở nguồn tài nguyên thiên nhiên mà đa số người dân phải nhờ vào để sinh sống. Vấn đề là phải xem xét xem chiến lược đó có thực sự mang lại phát triển cho đa số người dân hay không.
Có quá nhiều kỳ vọng ở dự án thủy điện Nam Theun 2, khi mà chính phủ Lào có kế hoạch xây từ 9 đến 10 dự án thủy điện trên chính dòng Mêkông, và hơn 50 dự án khác trên các phụ lưu Dòng sông; tuy nhiên vẫn còn quá sớm để có thể phát biểu là Dự án Nam Theun 2 có thể trở thành khuôn mẫu như những người ủng hộ xây đập thủy điện kỳ vọng hay không.
Bộ trưởng Năng lượng và Mỏ của Lào, Daovong Phonekeo nói tiếp:
Nếu chúng tôi có được một kiểu mẫu tốt như Nam Theun 2, thì người ta sẽ theo đó.
Một người dân địa phương cũng nói:
Từ khi bắt đầu xây dựng Công trình Nam Theun 2, tôi chưa thấy tác động gì, chưa thấy gì cả, cho nên tôi an tâm và đồng ý với chính phủ. Công trình Nam Theum 2 tốt cho sự thịnh vượng của đất nước chúng tôi.
Chuyến xuôi Dòng Mêkông thuộc địa phận nước Lào đến đây kết thúc. Mời quí vị theo dõi tiếp cuộc hành trình với chúng tôi sang địa phận Kampuchia trong chương trình kỳ tới.
Trên trang web của Đài Á châu Tự do - www.rfa.org, cả tiếng Anh và tiếng Việt, chúng tôi có những video clip về phóng sự xuôi Dòng Mêkông từ thượng nguồn đến hạ nguồn, mời quí vị vào xem.
Mục Khoa học - Môi trường kỳ này tạm dừng tại đây. Hẹn gặp lại quí vị và các bạn trong chương trình kỳ tới. Gia Minh chào tạm biệt.
Đồng Bằng sông Cửu Long: báo động tình trạng nước mặn và hạn hán
RFA-24-03-2010
Nước mặn xâm nhập theo 3 con sông lớn tại Việt Nam gây thiệt hại nghiêm trọng đến sản xụất nông nghiệp và nước sinh họat của hàng chục ngàn dân ven biển.
Tỉnh Bến Tre đang triển khai nhiều giải pháp hổ trợ người dân bảo vệ các cây ăn trái và hoa kiểng, trong khi nhiều quan ngại đang xảy ra chung quanh việc người dân không có đủ nước tiêu dùng.
Chi cục thủy lợi Tiền Giang phải mở 19 vòi nước công cộng cho dân sử dụng và nếu tình trạng không khá hơn thì tỉnh Tiền Gian phải đưa phương tiện chở nước ngọt từ Thành phố Mỹ Tho về.
Thời tiết nắng nóng kéo dài nhiều ngày làm cho tòan bộ rừng ở vùng Kiên Giang khô hạn gay gắt, báo động cháy cấp 5. Những khu rừng ở Long An, Đồng Tháp và Tiền Giang đang chịu chung số phận thiếu nước.
Sông Mekong và biển Đông - hai vấn đề nan giải
Việt Hà, phóng viên RFA
2010-03-25
Việt Nam hiện đang phải đương đầu với Trung Quốc hai vấn đề lớn, đó là tranh chấp biển Đông và những suy thoái về môi trường của sông Mekong do việc xây đập nước hàng loạt tại thượng nguồn.
Việt Hà phỏng vấn Tiến sĩ Richard Cronin, chuyên gia Đông Nam Á thuộc viện chiến lược Stimson của Mỹ về các vấn đề mà Việt Nam đang phải đối mặt.
Những tác hại VN gánh chịu
Các nhà phân tích cho rằng, với việc là nước cuối nguồn, Việt Nam chịu thiệt hại nặng nhất nếu không có những can thiệp tích cực vào quá trình xây đập tràn lan tại thượng nguồn của Trung Quốc.
Việt Hà: Thưa tiến sĩ, với những gì đang diễn ra trên dòng sông Mekong, theo ông chính phủ Việt Nam có hiểu được những tác hại mà Việt Nam phải gánh chịu hay không và ông đánh giá thế nào về những biện pháp mà họ thực hiện nhằm đối phó với vấn đề này?
Chính phủ Việt Nam thực sự lo lắng về tương lai của đồng bằng sông Cửu long, về sản lượng cá, canh tác lúa và mất đất ra biển, tất cả đều là do tác động của việc xây đập nước tràn lan ở Trung Quốc.
TS. Richard Cronin
Richard Cronin: Theo tôi thì chính phủ Việt Nam thực sự lo lắng về tương lai của đồng bằng sông Cửu long, về sản lượng cá, canh tác lúa và mất đất ra biển, tất cả đều là do tác động của việc xây đập nước tràn lan ở Trung Quốc. Ngoài ra Lào, Thái lan và Campuchia cũng đang có kế hoạch để xây dựng thêm 11 đập khác nữa, trong đó 2 đập là ở Campuchia, 9 đập ở Lào, 2 đập ở bắc Lào sẽ là sự phối hợp giữa Thái lan và Lào.
Nhưng đập nước này sẽ làm ảnh hưởng đến việc đánh bắt cá, giảm sản lượng cá. Bản thân các con đập sẽ làm thay đổi môi trường thủy văn của dòng sông theo cách mà không ai có thể biết trước được những ảnh hưởng gì sẽ xảy ra với đồng bằng của dòng sông này. Theo tôi thì chính phủ Việt Nam biết chuyện này.
Những con đập ở thượng nguồn sẽ giữ lại phù sa trên thượng nguồn, thay đổi thủy văn dòng sông, và chắc chắn sông cũng bị ô nhiễm một khi các con đập là một phần của công nghiệp hóa hay kế hoạch thủy nông dẫn nước.
Là một nhà phân tích, tôi nghĩ Việt Nam đã có những động thái ngoại giao tích cực với các nước láng giềng, đặc biệt là Thái lan trong thời gian gần đây. Về mặt công khai thì họ không ồn ào, nhưng Việt Nam cũng không muốn thách thức Trung Quốc bởi vì theo tôi họ nghĩ không thể thay đổi chính sách của Trung Quốc, vì thế họ tìm cách để có thể gây ảnh hưởng đến Trung Quốc mà không làm hỏng mối quan hệ hai nước.
Nên dựa vào ASEAN
Việt Hà: Những biện pháp gì mà Việt Nam đang làm để có thể bảo vệ môi trường sông Mekong, và theo ông họ còn có thể làm gì?
Richard Cronin: Có nhiều việc họ có thể làm, và họ đã thực hiện một số. Họ đang xích lại gần hơn với Thái lan trong vấn đề này. Việt Nam cũng có thể mang vấn đề này ra ASEAN, họ nên đưa vấn đề này ra với Ủy hội sông Mê kông bởi vì Trung Quốc là vấn đề lớn nhất. Nhưng Trung Quốc có ảnh hưởng rất lớn đối việc ra quyết định của Lào và Campuchia.
Việt Nam nên tận dụng cơ hội là nước chủ tịch luân phiên của ASEAN trong năm nay. Đây là cơ hội tốt để họ đưa vấn đề này lên bàn nghị sự của ASEAN.
TS. Richard Cronin
Đây là những khu vực mà Việt Nam phải tận dụng vào các mối quan hệ tốt trong quá khứ với các nước láng giềng. Trung Quốc là khó khăn lớn nhất, nên cách tốt nhất để giải quyết vấn đề là các nước phải đoàn kết cùng nhau. Cách của Trung Quốc là không muốn có ngoại giao đa phương, chỉ có song phương mà thôi. Bây giờ Trung Quốc đang có ảnh hưởng lớn tại Campuchia vì là nước cung cấp trợ giúp phát triển lớn nhất.
Điều này cũng tương tự với Lào. Vùng bắc Lào được các công ty Trung Quốc đầu tư phát triển rất mạnh vì lợi ích của chính Trung Quốc. Cả hai nước này đều đang phụ thuộc vào Trung Quốc một cách không thực sự có lợi cho họ. Vì thế theo tôi Việt Nam nên coi đây là ưu tiên quan trọng để khiến các nước này chú ý đến quan điểm của Việt Nam về vấn đề này.
Việt Hà: Ông nghĩ thế nào về những biện pháp mà Việt Nam đang thực hiện đối với vấn đề tranh chấp biển Đông?
Richard Cronin: Theo tôi biết thì Việt Nam đang tích cực mời gọi các công ty Quốc tế vào khai thác dầu tại vùng biển mà Trung Quốc cũng đòi chủ quyền, mà theo phần lớn luật Quốc tế thì thuộc Việt Nam. Việt Nam thực sự cũng đang xích lại gần hơn với Mỹ trong vấn đề này.
Đang có những mối lo ngại tại Hoa kỳ về việc Trung Quốc đang mở rộng các họat động hải quân của mình trên các vùng đặc quyền kinh tế, và điều này có ảnh hưởng đến quyền lợi của Hoa Kỳ tại đây. Vì thế Hoa kỳ đã không còn nói là chúng tôi không quan tâm đến kết cục tranh chấp chừng nào vẫn có ổn định và hòa bình trong khu vực.
Giờ đây, Hoa Kỳ rõ ràng là đã có quan tâm đến tranh chấp này một cách gián tiếp. Và vì thế Việt Nam đang cố gắng lôi kéo Hoa Kỳ tham gia tích cực hơn vào vấn đề này.
Nguồn lợi thiên nhiên đang trở nên ngày càng quan trọng và Trung Quốc có hoang tưởng về vấn đề an ninh năng lượng.
TS. Richard Cronin
Tôi nghĩ Việt Nam cũng có thể làm hơn nữa với ASEAN, đặc biệt họ nên tận dụng cơ hội là nước chủ tịch luân phiên của ASEAN trong năm nay. Đây là cơ hội tốt để họ đưa vấn đề này lên bàn nghị sự của ASEAN.
Kinh tế và quân sự ở biển Đông
Việt Hà: Liên quan đến vấn đề tranh chấp biển Đông, Trung Quốc bằng mọi cách đang ngăn cản những nỗ lực quốc tế hóa tranh chấp biển đông. Theo ông, liệu tình hình ở đây có thể giống như những gì đã diễn ra ở Tây Tạng hay Đài Loan, tức là Trung Quốc muốn làm gì thì làm, bất chấp quốc tế và thế giới thực sự không thể can thiệp một cách tích cực?
Richard Cronin: Điều này theo tôi phụ thuộc vào 2 yếu tố chính. Một là mong muốn của Trung Quốc để cho thế giới thấy hình ảnh của nước này thế nào, có những hạn chế ở đây. Nhưng mặt khác, nguồn lợi thiên nhiên đang trở nên ngày càng quan trọng và Trung Quốc có hoang tưởng về vấn đề an ninh năng lượng. Vì thế ở Trung Quốc có hai phía đề cập tới là vấn đề kinh tế và vấn đề quân sự.
Phe quân sự thì muốn Trung Quốc nên chủ động hơn, hiếu chiến hơn trong vấn đề này, đó là lý do vì sao mà Hoa Kỳ đang muốn đẩy lùi ảnh hưởng quân sự của Trung Quốc ở đây. Các bạn cũng biết về sự việc giữa tàu Trung Quốc và tàu Hoa kỳ trên biển Đông hồi năm ngoái.
Vì thế, có những lo lắng về việc Trung Quốc đang muốn làm gì thì làm trên biển Đông và vì thế vấn đề này cần phải được quốc tế hóa, cần phải quốc tế hóa các quyền lợi và của không chỉ các nước đòi chủ quyền trên biển Đông mà cả của các nước sử dụng biển Đông. Trung Quốc không muốn quốc tế hóa tranh chấp biển Đông và có thể việc quốc tế hóa không thể xảy ra nhưng dẫu sao đó cũng là một cách tiếp cận.
Việt Hà: Xin cảm ơn ông đã dành cho chúng tôi buổi phỏng vấn.
Thủy điện bức hại sông MeKong
Nam Nguyên, phóng viên RFA
2010-02-05
Đồng bằng sông Cửu Long đang chịu tác động kép, ngập mặn do biến đổi khí hậu và tình trạng khai thác thủy điện tràn lan ở các nước thượng nguồn làm thay đổi dòng chảy sông Mekong.
27 đập thủy điện?
Sự nắn dòng sông Mekong sẽ làm giảm lưu lượng nước, cũng như lượng phù sa quí giá bồi đắp vùng châu thổ Cửu Long. Nguồn lợi thủy sản cũng giảm đáng kể, khi các loài cá và thủy sinh bị chặn đường di chuyển tự nhiên.
Ngày 3-2 vừa qua chính quyền thành phố Cần Thơ và các tổ chức phi chính phủ trong ngoài nước đã tổ chức diễn đàn “Môi trường và nguồn sống trên sông Mekong”. Theo báo Tuổi Trẻ Online, diễn đàn này tìm kiếm những giải pháp để cứu con sông Mekong trước tình trạng Trung Quốc, Lào, Cămpuchia dự kiến xây dựng tới 27 đập thủy điện trên dòng sông. Đọc báo điện tử trong nước tuần này chúng tôi trình bày đề tài liên quan.
Hy vọng là Việt Nam có thể thống nhất với các nước cùng sử dụng nguồn nước sông Mekong hợp tác liên hoàn với nhau, thỏa thuận theo phương thức quốc tế, chứ mạnh ai nấy làm thì tất cả đều bị thiệt hại.
TS Lê Văn Bảnh.
Sông Mekong dài 4.880km bắt nguồn từ Tây Tạng Trung Quốc, chảy qua Lào Miến Điện, Thái Lan, Cămpuchia vào Việt Nam với hai nhánh là Sông Tiền và Sông Hậu. Người Việt Nam gọi tên con sông là Cửu Long, do các phân lưu của sông Mekong vào Việt Nam sau cùng đổ ra biển ở chín cửa sông, tượng trưng cho chín con rồng. Trên thực tế kể từ thập niên 1970, dòng Cửu Long chỉ còn thoát ra biển với 8 cửa sông do cửa Ba Thắc ở Sóc Trăng bị bồi lấp.
Vùng đồng bằng sông Cửu Long với 13 tỉnh thành có diện tích gần 40 ngàn km2, nơi sinh sống của hơn 17 triệu người. Bất kỳ một sự thay đổi nào tác động vào dòng chảy của sông Mê Kông ở phía thượng lưu đều ảnh hưởng tới đời sống của cư dân miền Tây. TS Lê Văn Bảnh, Viện trưởng Viện Lúa vùng Đồng Bằng Sông Cửu Long nói với chúng tôi là vấn đề nước rất quan trọng, do tác động kép về biến đổi khí hậu và chuyện các nước làm ách tắc dòng sông. Ông cho biết:
“Hy vọng là Việt Nam có thể thống nhất với các nước cùng sử dụng nguồn nước sông Mekong hợp tác liên hoàn với nhau, thỏa thuận theo phương thức quốc tế, chứ mạnh ai nấy làm thì tất cả đều bị thiệt hại mà đồng bằng sông Cửu Long sẽ bị thiệt hại nhiều.”
Nước mặn xâm nhập
Nhân tường thuật diễn đàn Cần Thơ về môi trường và nguồn sống trên sông Mekong, Tuổi Trẻ Online nhấn mạnh tới sự kiện đồng bằng sông Cửu Long bị “tác động kép”, vốn chịu ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu, nay với việc xây dựng đập thủy điện ở các quốc gia lân cận thì khu vực này sẽ chịu “tác động kép” . Tờ báo trích lời thạc sĩ Kỳ Quang Vinh, giám đốc Trung tâm quan trắc tài nguyên và môi trường thuộc sở Tài Nguyên Môi Trường Cần Thơ, theo đó kết quả khảo sát năm 2009 cho thấy xâm nhập mặn đã “tấn công” tới huyện Vĩnh Thạnh Cần Thơ, các khu vực thuộc thị xã Vị Thanh Hậu Giang và tỉnh An Giang khiến người dân ở đây không thể dùng nước để trồng trọt.
Cùng về vấn đề liên quan, ông Đào Xuân Học Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp Phát Triển Nông Thôn đã nhận định với đài RFA:
“Đúng là bây giờ mặn xâm nhập ác liệt, không hình dung được. Tôi cứ thắc mắc là tại sao lại như thế. Thí dụ như TP.HCM thì ngập rất thường xuyên, còn Cần Thơ bây giờ ngập trên 50% diện tích, hồi cuối năm 2008 ngập lớn đến mức đó. Thí dụ nữa là Bến Tre, tình trạng xâm nhập mặn đến mức khủng khiếp.”
Theo Tuổi Trẻ Online, trình bày tại cuộc hội thảo Cần Thơ, TS Carl Middleton thuộc Tổ Chức Sông Ngòi Quốc Tế Hoa Kỳ cho rằng, việc xây đập không chỉ ảnh hưởng đến đường đi của thủy sản mà còn đe dọa nghiêm trọng tới an ninh lương thực trong khu vực. Theo sự ước tính của TS Middleton, các nước lưu vực sông Mekong sẽ mất từ 700 ngàn tới 1 triệu 600 ngàn tấn thủy sản mỗi năm do ảnh hưởng của việc xây đập, trong khi người dân không thể ăn gia súc, gia cầm để thay thế lượng đạm từ cá, thủy sản vốn là nguồn thức ăn chính của người dân ở đây.
Đúng là bây giờ mặn xâm nhập ác liệt, không hình dung được. Tôi cứ thắc mắc là tại sao lại như thế.
Ông Đào Xuân Học.
Ảnh hưởng vì ngăn chặn dòng sông Mekong ở thượng lưu mang ý nghĩa đặc biệt quan trọng với vùng đồng bằng sông Cửu Long. Ngoài nguồn lợi thủy sản vựa lúa xuất khẩu của Việt Nam sẽ bị đe dọa vì thiếu nước canh tác. Như một giải pháp đề xuất, người ta nói tới việc giảm bớt diện tích trồng lúa, nhưng xem ra điều này không được ủng hộ. Người nông dân cần phải làm lúa càng nhiều càng tốt để bảo đảm an ninh lương thực và xuất khẩu. TS Lê Văn Bảnh nhận định với đài RFA:
“Tìm giải pháp tiết kiệm nước, đủ nước canh tác, tìm giống chịu khô hạn hoặc giống chịu ngập mặn để thực hiện, kèm theo đó còn giải pháp dùng giống lúa khô như trên vùng cao hoặc tăng cường khoai củ, hoặc lương thực khác để bảo đảm nhu cầu cho bà con, đấy là những giải pháp.”
Giảm phù sa, tăng phân bón
Một diễn giả khác tại Hội Thảo Cần Thơ được báo Tuổi Trẻ Online trích lời, thạc sĩ Nguyễn Hữu Thiện, chuyên gia về đất và ngập nước, cảnh báo nếu 11 đập thủy điện ở Lào và Cămpuchia được xây dựng, việc điều phối dòng chảy, thủy văn của dòng sông này sẽ phụ thuộc vào 11 “ông chủ” thủy điện. Ông Thiện phân tích việc chặn dòng chảy sẽ làm giảm lượng phù sa nên người dân đồng bằng sông Cửu Long phải tăng chi phí cho phân bón và nhiều ngành công nghiệp “ăn theo” nông nghiệp như: chế biến thủy sản, nông sản cũng bị vạ lây. Theo sự tính toán của ông Thiện, tổng thiệt hại về thủy sản, nông sản có thể lớn hơn tổng lợi nhuận mà các nước thu được do việc xây đập thủy điện.
Tây Nam Bộ nằm ở hạ nguồn sông Mekong, nên sự ảnh hưởng là khốc liệt nhất. Nhưng ở chính các quốc gia có dự án xây đập thủy điện như Cămpuchia, dân cư sống bằng nghề cá ở khu vực lân cận bị đổi đời bất đắc dĩ. Phỏng vấn điều tra bên Cămpuchia cho thấy những làng chài bị xóa xổ cư dân được tái định cư ở vùng núi. Câu hỏi đặt ra là với một số tiền đền bù, những người đánh cá trên sông Mekong sẽ xoay xở thế nào với cuộc sống không nghề nghiệp ở vùng cao. Thưa quí thính giả, mọi giải pháp cứu dòng Mekong trên thực tế khó tìm được tiếng nói đồng thuận, một khi các quốc gia đều xem lợi ích của mình là ưu tiên.
Theo Tuổi Trẻ Online ông Đào Trọng Tứ, nguyên tổng thư ký Ủy ban sông Mekong Việt Nam nhận định, dòng sông Mekong thuộc đia phận quốc gia nào thì việc xây đập thủy điện là quyền lợi của họ nên cần phải tận dụng các cơ chế song phương, đa phương để tác động có hiệu quả. Trong khi đó, ông Trần Văn Tư thuộc liên hiệp các hội khoa học kỹ thuật VN khẳng định việc hủy hoại sự sống của sông Mekong là do con người tạo ra nên phải tìm giải pháp từ con người. Báo Tuổi Trẻ trích lời ông, theo đó “không thể đối đầu với chính quyền các nước mà phải tranh thủ, thuyết phục để họ có quyết định thống nhất với Việt Nam.
No comments:
Post a Comment