Nhà Báo Việt Thường

Nhà Báo Việt Thường

Tìm kiếm bài Blog than huu cua Nha Bao Việt Thường xin gõ chữ vào đây

Tuesday, July 20, 2010

Ký giả Nguyễn Tú từ trần, hưởng thọ 86 tuổi

Audio 1

http://www.youtube.com/watch?v=Ig4i2GqaV0Q


Audio 2

http://www.youtube.com/watch?v=qAL_Hsaf-8I


Audio 3

http://www.youtube.com/watch?v=dgrfvo1UYrE


Ký giả lão thành Nguyễn Tú, cựu biên tập viên của nhật báo Chính Luận trước năm 1975 tại Sài Gòn đã qua đời chiều Chủ nhật 11-7-2010 tại thành phố Alexandria, tiểu bang Virginia, ngoại ô thủ đô Washington, hưởng thọ 86 tuổi.

Sinh tại Hà Nội, ký giả Nguyễn Tú là một trong những nhà báo không những chỉ được độc giả, báo giới của Miền Nam tin cậy vì những bài viết xuất sắc, tin tức chính xác mà còn được nhiều nhà báo nước ngoài có mặt ở miền Nam trong thời gian chiến tranh nể trọng vì ông có tài săn tin và không quản ngại đi tới những mặt trận hiểm nghèo.

Dịp này, nhà báo Phạm Trần của đài VOA tại Washington cho biết: Ký giả Nguyễn Tú từng được các đồng nghiệp của ông và nhiều giới chính trị, ngoại giao thời Việt Nam Cộng Hòa ngưỡng mộ là một ký giả có khả năng đi trước thời cuộc, nhưng chính xác và đáng tin cậy qua lối phân tích nhìn ra trước tình thế của ông. Trong những năm chiến tranh, ông Nguyễn Tú không bao giờ từ nan đi ra mặt trận, bám theo các cuộc hành quân nguy hiểm với Quân lực VNCH và đồng minh trên khắp 4 vùng Chiến thuật. Những bài viết nổi tiếng nhất của sự nghiệp làm phóng viên chiến trường của ông Nguyễn Tú đã ghi lại những giờ phút kinh hoàng trong các trận giao tranh của đôi bên trong trận chiến Tết Mậu Thân 1968 quanh vùng Sài Gòn. Những phóng sự chan hòa nước mắt của ông mang tên 'Ngày Chủ Nhật Buồn' đăng trên báo Chính Luận vào tháng 03 năm 1975 tường thuật tận chỗ về cuộc triệt thoái gây tổn thất nặng nề cho quân và dân khỏi Cao Nguyên của Quân đoàn 2 dọc đường số 7 nối liền Phú Bổn với Tuy Hòa đã gây rúng động tại Sài Gòn vào lúc đó.

Khi còn là phóng viên chiến trường, ký giả Nguyễn Tú được các đồng nghiệp của ông tặng cho danh hiệu Nhanh Như Cắt vì ông là người không thích ở lâu một chỗ, thế mà khi Miền Nam sụp đổ ngày 30 tháng 4, 1975, ông đã phải ở lại để chịu cảnh ngục tù Cộng sản như bao nhiêu người miền Nam khác.

Lý do ông không chạy ra nước ngoài được không phải vì ông thiếu phương tiện lo cho bản thân ông mà vì ông không đành lòng bỏ lại một số anh em làm việc cho báo Chính Luận, những người ông đã hứa lo cho họ chạy thoát nhưng kế họach di tản không thực hiện được vào giờ chót.

Cuối cùng rồi ký giả Nguyễn Tú cũng đã vượt biên bằng thuyền đến Hồng Kông năm 1988 rồi sang Hoa Kỳ định cư ở thành phố Alexandria, tiểu bang Virginia. Tuy ông sống cuộc đời độc thân nhưng lại là người có rất nhiều bạn bè và được nhiều người qúy mến nên căn phòng chật hẹp của ông rất ít khi thiếu vắng anh em vào những ngày cuối tuần.

Làng báo Việt Nam Cộng Hòa đã mất đi một nhà báo gương mẫu và các đồng nghiệp của ông đã mất một người bạn đáng kính.

Tại San Jose, California; nhà báo Đức Hà, một cựu phóng viên Không quân VNCH cho biết:

Đối với anh em Không quân chúng tôi thì cái tên Nguyễn Tú không còn lạ gì. Vào lúc chiến tranh lên cao điểm tại Việt Nam thì nhà báo Nguyễn Tú đã nhiều lần đi bay chung với các phi công khu trục cánh quạt, trực thăng đổ quân và cả máy bay phản lực. Do đó chúng tôi đã có những kỷ niệm rất thân tình với nhà bào Nguyễn Tú. Sự ra đi của ông nhà một mất mát lớn đối với các nhà báo đã từng biết ông trước năm 75. với tư cách là một nhà báo đi sau rất nhiều với cụ Tú thì chúng tôi không quên sự chuyên nghiệp, sốt sắng, tinh thần làm báo của cụ Tú trong thời gian cụ ở với báo Chính Luận.

VietHerald
(07/12/2010)

ALEXANDRIA, Virginia: Nhà báo Nguyễn Tú, cựu phóng viên mặt trận của nhật báo Chính Luận trước 30 tháng 4, 1975 tại Sài Gòn, đã qua đời vào chiều Chủ Nhật, 11 tháng 7, tại Alexandria, Virginia, hưởng thọ 86 tuổi.

Khi còn làm việc với nhật báo Chính Luận, ông nổi tiếng là một nhà báo được tin cậy bởi vì những bài viết của ông về chiến trường miền Trung và Cao Nguyên Trung Phần Việt Nam.

Những bài viết này là những lời kể chân thành về tất cả những gì ông đã gặp, đã chứng kiến tại các mặt trận, tại những xóm làng trong cơn lửa đạn, chuyển tải đầy đủ những nguyện vọng của người lính ở mặt trận, những khát khao hòa bình của dân chúng miền Nam Việt Nam.

Nhưng tên tuổi của ông được coi là sáng chói nhất khi ông tường thuật các trận giao tranh của đôi bên vào Tết Mậu Thân tại những chiến trường chung quanh Sài Gòn và đặc biệt là Chợ Lớn năm 1968.

Ðặc biệt nhất bài phóng sự cuối cùng trong đời làm báo của ông mang tên “Ngày Chủ Nhật buồn” đăng trên nhật báo Chính Luận hồi tháng 3, 1975, viết về cuộc rút quân khỏi Cao Nguyên Trung Phần. Rất nhiều người đã khóc khi đọc bài viết mà ông coi là một lời tạ từ với độc giả.

Nhà báo Vũ Ánh, một phóng viên mặt trận cho Hệ Thống Truyền Thanh Quốc Gia, đã có nhiều dịp đi cùng ông tại các mặt trận ở vùng hỏa tuyến, tức Vùng I Chiến Thuật, nay đang làm việc tại nhật báo Việt Herald, đã nhận định về nhà báo Nguyễn Tú như sau: “Ông là nhà báo thuộc lớp đàn anh của chúng tôi. Vào những năm của thập niên 1960, 1970, ông rất được nể trọng vì những bài tường thuật khách quan của ông về các mặt trận sôi động nhất. Ông lanh lẹ không ai bì kịp, kể cả những nhà báo Mỹ lúc đó như Peter Arnett, Walter Cronkite, Malcom Browne hay Olivier Todd. Khi cần phải lội bộ theo những cánh quân trong 20 cây số liên tiếp, với chiếc ba lô khá nặng sau lưng, ông vẫn sẵn sàng.

Nhà báo Vũ Ánh kể lại những năm tháng dài tù đầy của nhà báo Nguyễn Tú như sau: “Khi bị chuyển đi trại nào, tôi và Nguyễn Tú cũng bị xiềng chung với nhau và luôn luôn bị biên chế vào chung một đội, thường là đội mang sổ đen gồm những người tù cứng đầu nhất. Trong tù, ông bị cán bộ trại giam chú ý vì ông sống lặng lẽ, dường như ít khi nói hay tâm sự với ai ngoại trừ một đồng nghiệp với ông là tôi vào lúc ấy. Nhưng rồi ông cũng phải trải qua một thời gian cũng khá dài trong chuồng cọp của trại A-20 Xuân Phước, một trại trừng giới của Cộng Sản.”

Nhà báo Nguyễn Tú được thả ra sau 12 năm tù. Năm 1988, ông vượt biển sang Hồng Kông rồi định cư ở Alexandria, Virginia.

Thật ra, trước ngày 30 tháng 4, 1975, ông có nhiều cơ hội để có một chỗ ngồi trên những chuyến máy bay của cơ quan DAO rời khỏi Sài Gòn.

Nhà báo Vũ Ánh kể lại lý do tại sao ông bị kẹt lại Sài Gòn vào tối 27 tháng 4, 1975 như sau: “Tối hôm đó, ông Tú gọi điện thoại hỏi tôi có cần đi không, tôi nói: ‘Nhân viên ở đài của em còn đông lắm, bỏ đi sao đành.’ Tôi hỏi lại ông: ‘Anh có đi không.’ Ông nói: ‘Tôi cũng như cậu.’ Khi ở chung với nhau tại trại A-20, tôi hỏi lại ông chuyện này thì được ông trả lời: ‘Ði làm sao được, trong tòa báo còn đầy người, đi thì hèn quá.’”

Nhà báo Nguyễn Tú mất đi, làng báo Việt Nam dù đã thất tán ở hải ngoại cũng bị tổn thất một tấm gương soi về mẫu mực, lòng can đảm, bảo toàn được đạo đức nghề nghiệp và không bao giờ cúi đầu trước độc tài hay cường quyền Cộng Sản. (vht)

No comments:

Thời Sự "Nóng"





------------------------------------------

---------------------------------------------------------
Vân Anh -Ngày 1 tháng 10 Hà Nội Chính Thức Bán Nước Cho Bắc Kinh
----------------------------------------