Nhà Báo Việt Thường

Nhà Báo Việt Thường

Tìm kiếm bài Blog than huu cua Nha Bao Việt Thường xin gõ chữ vào đây

Tuesday, September 1, 2009

Kỷ niệm 20 năm chủ nghĩa cộng sản sụp đổ Phần I-9




Audio 1

Audio 2

Kỷ niệm 20 năm chủ nghĩa cộng sản sụp đổ (Phần I) Hội nghị bàn tròn tại Ba Lan sẽ đưa đối lập lên nắm quyền

Bảo Thạch

Bài đăng ngày 06/02/2009

Ngày mồng 6 tháng 2 năm 1989, cách nay đúng 20 năm, chính quyền cộng sản Ba Lan chấp nhận ngồi vào bàn đàm phán với đối lập. Sự kiện mang tên Hội Nghị Bàn Tròn đánh dấu tiến trình sụp đổ của chủ nghĩa cộng sản.

Toàn cảnh Hội Nghị Bàn Tròn 1989Ảnh : AFP

Toàn cảnh Hội Nghị Bàn Tròn 1989
Ảnh : AFP

Chỉ hai tháng sau, Hội Nghị Bàn Tròn đưa đến kết quả là đôi bên thỏa thuận tổ chức tổng tuyển cử tự do cho một phần Quốc Hội. Nhờ vào cuộc bầu cử này, được tổ chức vào tháng 6, đối lập Ba Lan đã giành được thắng lợi to lớn. Một Quốc Hội chuyển tiếp hình thành và chỉ vài tuần sau, một chính phủ không cộng sản đầu tiên được thành lập tại Ba Lan, kể từ 45 năm.

Ông Tadeusz Mazowiecki, thủ tướng chính phủ không cộng sản đầu tiên, sau Hội Nghị Bàn Tròn 1989Ảnh : AFP

Ông Tadeusz Mazowiecki, thủ tướng chính phủ không cộng sản đầu tiên, sau Hội Nghị Bàn Tròn 1989
Ảnh : AFP

Từ Vaxava, nhà báo Lê Diễn Đức nhận định.


06/02/2009

Để rộng đường dư luận, RFI xin đăng nguyên văn bài viết sau đây của ông Lê Diễn Đức.

Đối thoại và thoả hiệp - con đường dẫn tới dân chủ của Ba Lan

Cách đây 20 năm, 6/02/1989, ngày mở đầu Hội nghị Bàn Tròn lịch sử giữa nhà cầm quyền cộng sản Ba Lan và Công đoàn Đoàn kết.

Hội nghị Bàn Tròn là tiến trình đối thoại, dẫn tới chuyển hoá bất bạo lực từ chế độ cộng sản sang thể chế dân chủ của Ba Lan, tạo nên hiệu ứng đô-mi-nô cho hàng loạt các nước cộng sản khác ở Trung-Đông Âu, làm thay đổi cục diện chính trị toàn châu lục và thế giới.

Bên Bàn Tròn, một phía là những người cộng sản cầm quyền. Phía khác là những nhà hoạt động dân chủ đã từng bị truy bức hoặc ngồi tù bởi chính những người đối diện. Họ không quen biết nhau, không trọng nhau, không tin nhau, thậm chí thù ghét nhau.

Tổng biên tập nhật báo Gazeta Wyborcza (GW), Adam Michnik, bấy giờ là một trong các đại diện của phe đối lập, viết: “Với cả bên này và bên kia đều là cuộc thử thách - chúng ta đừng sợ đại ngôn - trước lòng yêu nước và trách nhiệm với Ba Lan. Tôi nghĩ rằng, trong những ngày ấy, tất cả đều đã vượt qua thử thách này” – (GW 4/04/2006).

Hội nghị Bàn Tròn xuất phát từ sáng kiến của thủ lĩnh Công đoàn Đoàn kết L. Walesa và tướng C. Kiszczak, Bộ trưởng Nội vụ trong cuộc gặp mặt vào tháng 8/1988. Hội nghị diễn ra ở một số địa điểm, kết thúc tại Warszawa, với 452 người tham dự. Chương trình tập trung vào ba vấn đề: Kinh tế và chính sách xã hội; Cải cách chính trị; Đa nguyên cho công đoàn.

Chính quyền cộng sản đồng ý ngồi đàm phán với phe đối lập trước hết do áp lực của làn sóng bãi công, tranh đấu đòi tự do, dân chủ diễn ra liên tục trên toàn quốc từ nhiều năm trước, mãnh liệt nhất vào giai đoạn sau khi ban bố tình trạng chiến tranh ngày 13/12/1981. Thứ đến, kinh tế suy sụp, lạm phát phi mã, nợ chồng chất, khiến nhà cầm quyền không còn căn cước xã hội để giải quyết các nan đề. Họ muốn trút một phần gánh nặng và trách nhiệm cho đối lập, từ đó lấy lại niềm tin của dân chúng, thực hiện các cải cách cứu vãn kinh tế.

Michnik viết: “Chắc chắn bên ngoài chiếc Bàn Tròn là sự yếu đuối. Những người cầm quyền bị suy yếu khó có thể huỷ diệt đối lập dân chủ, những người đối lập thì còn yếu không thể lật đổ chế độ cộng sản. Bên trên sự thoả hiệp lởn vởn bóng đen của nước Nga đang mò mẫm tự do nhưng bị ràng trói bởi chủ nghĩa đế chế và cộng sản. Những người cầm quyền tới Hội nghị Bàn Tròn với niềm tin rằng, phải thay đổi tất cả để làm sao mọi thứ vẫn như cũ. Những người đối lập dân chủ thì tin rằng, cần phải tôn trọng mọi thực tế để làm sao thay đổi tất cả”- (GW 4/04/26).

Tiến trình dân chủ

Qua 2 tháng đàm phán gay go, kết thúc vào ngày 5/04/1989, Hội nghị Bàn Tròn đạt được thoả thuận quan trọng: bảo đảm bầu cử tự do 35% tổng số ghế của quốc hội và tự do hoàn toàn cho 100 ghế của Thượng viện.

Trong cuộc bầu cử 4/06/1989, phe đối lập đã giành được 99 trong 100 ghế của Thượng viện và lấy hết 35% số ghế quốc hội. Quốc hội “chuyển tiếp” hình thành và chỉ định W. Jaruzelski, Bí thư thứ nhất đảng cộng sản, làm tổng thống.

Ba tuần sau, chính phủ không cộng sản đầu tiên được thành lập kể từ 45 năm.

Ngày 9/12/1989, Lech Walesa giành thắng lợi trong cuộc bầu cử tổng thống tự do đầy kịch tính.

Tháng 27/01/1990, đảng cộng sản Ba Lan tuyên bố giải thể. Phần lớn đảng viên chuyển sang hoạt động với khuynh hướng mới trong tổ chức mang tên Liên minh Cánh tả Dân chủ.

Ngày 27/10/1991, bầu cử quốc hội tự do. Hàng trăm đảng phái ra tranh cử. Có 29 đảng lọt vào quốc hội nhưng không đảng nào đạt đa số. Phe đối lập dân chủ thành lập chính phủ liên minh. Từ đây đánh dấu bước chuyển mình khó khăn của nền dân chủ non trẻ Ba Lan.

Có dân chủ, các đảng phái chính trị đua nhau ra đời như nấm mọc sau cơn mưa. Cuộc tranh giành quyền lực lúc nào cũng quyết liệt bởi tham vọng, chia rẽ, cục bộ, quan liêu, tham nhũng. Trong 10 năm đầu thay đổi thủ tướng đến 7 lần! Thế nhưng, những bài học cọ xát đã giúp ý thức dân chủ trưởng thành. Qua 20 năm sàng lọc, các tổ chức yếu kém, cực đoan bị loại dần, chỉ còn từ 4 đến 5 đảng lọt vào quốc hội.

Theo thời gian, sinh hoạt dân chủ Ba Lan phát triển và tự hoàn thiện, an ninh xã hội ổn định, mức sống của người dân được nâng cao rõ rệt. Những năm gần đây Ba Lan đạt mức tăng trưởng hàng đầu ở châu Âu. Từ nền kinh tế cộng sản kiệt quệ, đến năm 2008, Ba Lan có tổng thu nhập GDP 567,4 tỷ đôla (với 38,1 triệu dân), là thành viên quan trọng của Liên hiệp châu Âu (EU) và Khối Quân sự NATO. Trong bối cảnh suy thoái kinh tế thế giới hiện thời, Ba Lan tuy bị ảnh hưởng nhưng đứng khá vững vàng với hệ thống ngân hàng an toàn và cơ hội kích hoạt kinh tế lớn từ việc tận dụng quỹ xây dựng hạ tầng nhiều tỷ euro của EU.

Ai đó nói rằng, đứa trẻ sẽ chẳng bao giờ biết bơi nếu không cho nó xuống nước. Thật chí lý với người Ba Lan khi họ quyết định lội vào dòng dân chủ.

Các giá trị cơ bản của dân chủ và nhân quyền không phải của riêng ai hay do Mỹ và Tây phương áp đặt, mà là sản phẩm chung của nhân loại. Nó cho phép người Ba Lan bằng lá phiếu của mình được quyền đào thải những kẻ bất tài, thất đức và quyền được chọn những người có hạnh kiểm tốt và trí tuệ giỏi điều hành đất nước.

Thắng lợi hay phản bội?

Trong 20 năm qua, Hội nghị Bàn Tròn là một trong những sự kiện thuộc về quá khứ cộng sản vốn vẫn thường xuyên là đề tài nhức nhối, phức tạp trong xã hội Ba Lan.

Không phải ai cũng đánh giá tích cực Hội nghị Bàn Tròn, thậm chí còn phủ nhận nó, kể cả những người đã trực tiếp tham dự.

Truyền thông, báo chí tự do với trách nhiệm làm công bằng và lành mạnh hoá xã hội, đưa các sự kiện ra mổ xẻ, phân tích.

Nhiều người cho rằng, Hội nghị Bàn Tròn là màn kịch do an ninh cộng sản đạo diễn và ngồi chung với cộng sản/kẻ thù là phản bội lại lý tưởng tự do, dân chủ.

J. Olszewski, cựu Thủ tướng Ba Lan (1991-1992) đưa ra các dẫn chứng kết luận Hội nghị Bàn Tròn chỉ nhằm hợp thức những gì an ninh cộng sản đã sắp đặt trước với Lech Walesa - (Tuần báo “Glos”, số 54, 1989).

J. Korwin-Mike, một nhà hoạt động đối lập nhận định Hội nghị Bàn Tròn chẳng qua là sự chấp nhận chuyển chế độ màu đỏ sang hồng.

J. Kurski, dân biểu quốc hội nói: “Tôi sẵn sàng đồng ý với giả thiết rằng, không có Hội nghị Bàn Tròn thì chế độ cộng sản ở Ba Lan cũng sụp đổ” – (GW 4/04/2006).

Đương kim tổng thống L. Kaczynski ôn hoà hơn: “Hội nghị Bàn Tròn có thể và cần phải phê phán. Nhưng dù sao cũng là bước cần thiết, đấy là những thoả thuận nào đó” – (GW 4/04/2006)

Vân vân…

Chính phát biểu của Lech Walesa trong thời gian khai mạc Hội nghị đã lường trước dư luận trên đây:

“Chiếc Bàn Tròn này bao quanh hy vọng và cả hoài nghi. Sẽ có những người không thừa nhận những gì chúng tôi phải làm việc. Chúng tôi không thể không nhìn thấy và không tôn trọng. Thế nhưng chúng tôi mong đợi ở tất cả mọi người sự chia sẻ trung thực những gánh nặng diễn biến của trách nhiệm mà giờ phút ấy đòi hỏi” – (TVN24. PL 30/01/2009)

Đối thoại và thoả hiệp

Không ai có thể phủ nhận được những thành quả và vị thế kinh tế, chính trị hơn hẳn của Ba Lan ngày nay ở châu Âu cũng như trên thế giới sau khi từ bỏ chế độ cộng sản.

Chân lý cuối cùng cũng chiến thắng hoài nghi và đố kỵ. Như T. Mazowiecki, thủ tướng Ba Lan không cộng sản đầu tiên năm 1989 nói: “Không thể có điểm kết của chủ nghĩa cộng sản nếu không có Hội nghị Bàn tròn” - (GW 4/04/2006).

Trong ngày 23/01/2009, quốc hội Ba Lan ra nghị quyết tổ chức trọng thể kỷ niệm 20 năm Hội nghị Bàn Tròn với cuộc hội luận “Đối thoại và thoả hiệp” vào ngày 5/02/2009. Có một đồng thuận tuyệt đối, hiếm hoi giữa tất cả các đảng cầm quyền và đối lập trong quốc hội về nội dung nghị quyết.

Nghị quyết có đoạn:

“ Hội nghị Bàn tròn là sự cố gắng của nhân dân Ba Lan suốt gần 50 năm tranh đấu với mục đích lật đổ chế độ cộng sản. Sự cố gắng này đã không dưới một lần đồng nghĩa với sự căng thẳng và bằng sự đổ máu của các chiến sĩ tự do...”.

“Những con người với chính kiến và nhân sinh quan khác nhau, từ phía Công đoàn Đoàn Kết đối lập và từ phía nhà cầm quyền bấy giờ, đã quyết định đối thoại. Sự sẵn sàng thoả hiệp ấy đã cho phép thực hiện những sứ mệnh của khoảnh khắc lịch sử”.

“Cuộc chuyển hoá quyền lực bất bạo lực đã mở ra con đường xây dựng nền dân chủ ổn định trong một nhà nước với đường biên giới an toàn và quan hệ tốt với các quốc gia láng giềng”.

Cũng nên nhắc lại, rất nhiều người của cả hai phía, đối lập cũng như cộng sản, từng có mặt tại Hội nghị Bàn Tròn, đã hoặc đang nắm những trọng trách trong đất nước Ba Lan dân chủ. Điển hình là: L. Walesa (đối lập), Tổng thống 1991-1995; L. Miller (cộng sản), Thủ tướng 2001-2004; A. Kwaśniewski (cộng sản), Tổng thống 1995-2005; L. Kaczyński (đối lập), Tổng thống 2005-2010, v.v... ●

Lễ Diễn Đức


(Phần II) - Hungari, xã hội thay đổi trước chính quyền

Bảo Thạch

Bài đăng ngày 13/02/2009

Tác động của những cơn sóng ngầm vẫn không ngừng lan tỏa trong xã hội, kể từ khi cuộc nổi dậy năm 1956 của Hung đã bị Hồng Quân Liên Xô dìm trong biển máu và một số lãnh đạo Hung, như ông Imre Nagy bị lén lút hành quyết, thi hài bị giấu kín trong vòng bí mật

Thông tín viên Hoàng Nguyễn, Budapest

13/02/2009

Trong hai thập niên trước năm 1989, Hungari được xem như là gương mặt khả ái nhất trong phe cộng sản Đông Âu. Mức sống của dân Hung cao hơn nơi khác, nước này cũng đỡ ngột ngạt hơn Đông Đức, Roumani hay Bungari.

Tuy nhiên, tác động của những cơn sóng ngầm vẫn không ngừng lan tỏa trong xã hội, kể từ khi cuộc nổi dậy của Hung chống chủ nghĩa Stalin năm 1956 đã bị Hồng Quân dìm trong biển máu và một số lãnh đạo Hung, như ông Imre Nagy bị lén lút hành quyết, thi hài bị giấu kín trong vòng bí mật.

Vào năm 1989, dưới áp lực của công luận, Đảng cộng sản Hung đã phải công nhận cuộc nổi dậy năm 1956 không mang tính phản cách mạng. Đỉnh cao của công cuộc phục hồi cho những nạn nhân diễn ra vào tháng 6 năm 1989, khi gần nửa triệu người Hung tham gia việc tái mai táng cho Imre Nagy tại trung tâm thủ đô Budapest. Hungari, qua đó, đã nối lại với lịch sử đích thực của mình và chủ nghĩa cộng sản, từ đó, không còn lý do tồn tại.

HUNGARY 20 NĂM NHÌN LẠI

Đầu năm 2009, công luận và truyền thông Cộng hòa Hungary có chuỗi nhìn lại những biến cố lớn diễn ra cách đây 20 năm, khiến Hungray từ một quốc gia trong khối XHCN cũ, trở thành một xứ dân chủ vỏn vẹn trọng vòng 10 tháng, mà không hề trải qua những đụng độ, đổ máu.

Tuy nhiên, để đạt được thành quả có thể coi là mẫu mực ấy, phe đối lập dân chủ ở Hung đã có vài chục năm bền bỉ và kiên trì, bắt đầu từ đầu thập niên 70 thế kỷ trước, hoạt động khá mạnh với những ấn phẩm samizdat (tự xuất bản) vào đầu thập niên 80, và đạt được sự tổ chức, đoàn kết và có ý thức ở mức cao khi tổng bí thư Gorbachev lên nắm quyền ở Liên Xô và thực hiện các chính sách cải tổ (perestroika), công khai (glasnost).

Cho đến mốc thời gian 1989, Hungary đã được “dọn đường” về chính trị, xã hội và kinh tế cho những biến chuyển dân chủ sâu rộng. Từ năm 1985-1986, phe đối lập đã có những hội nghị lớn ở vùng Monor, nhằm tìm ra con đường cho tương lai quốc gia – có thể coi đây là những “tiểu Hội nghị Diên Hồng” của Hungary. Năm 1987, bản “Khế ước Xã hội” của các nhân sĩ nổi tiếng đã được ấn hành, đề cập tới những điều kiện để phát triển nền chính trị dân chủ, với đòi hỏi nổi tiếng là lãnh tụ cộng sản Kádár János phải ra đi. Cùng năm, một văn kiện rất quan trọng khác là “Chuyển biến và cải tổ” cũng được ra mắt, đó là một chương trình cải cách, phân tích thể chế và tình hình kinh tế Hungary do 60 chuyên gia kinh tế và chính trị học chấp bút.

Trong hai năm 1987-88, các đảng đối lập lớn như Diễn đàn Dân chủ Hungary MDF, Liên đoàn Thanh niên Dân chủ FIDESZ, Liên đoàn Dân chủ Tự do SZDSZ được thành lập, Đảng Tiểu chủ Độc lập cũng hoạt động trở lại - biến cố này khiến liên minh đối lập trở thành một lực lượng chính trị khá đồng nhất về mục tiêu và ý tưởng cho đất nước. Chính họ đã tổ chức những cuộc biểu tình lớn, thu hút sự tham gia và hưởng ứng của đông đảo nhân dân, vào năm 1988 nhân kỷ niệm cách mạng 1848 (tháng 3), rồi nhân 30 năm ngày thủ tướng Nagy Imre của cuộc cách mạng 1956 bị tử hình (tháng 6).

Cho nên, đến đầu năm 1989, thì xã hội Hungry đã có những biến đổi vô cùng lớn lao so với các nước thuộc phe XHCN thời ấy. Nước Hung đã có những ngân hàng thương mại, người dân Hung từ mùa hè năm 1987 đã được tự do ra nước ngoài với cuốn "hộ chiếu thế giới". Hungary chấp nhận và đồng tình với việc mở cửa thị trường theo hướng tự do, việc chuẩn bị cho quá trình tư hữu hóa được tiến hành với các đạo luật bổ trợ. Một điểm hết sức quan trọng là sự ra đời của Đạo luật Bầu cử mới của Hungary là bắt buộc phải có nhiều ứng viên trong những kỳ bầu cử, là một điều được coi là tiên phong thời đó.

Vào cuối thập niên 80 thế kỷ trước, đổi mới, cải tổ không chỉ là sự nghiệp của phong trào đối lập và cư dân, mà còn là nhu cầu tồn tại của nhóm cởi mở trong nội bộ Đảng Công nhân Xã hội Hungary (MSZMP, tức Đảng Cộng sản Hungary).

Cuối năm 1988, lãnh tụ Kádár János bị thay thế trên cương vị tổng bí thư Đảng, bởi Grósz Károly là một chính khách cộng sản tương đối cởi mở. Đồng thời, nội các Hung - đứng đầu là ông Németh Miklós - cũng theo hướng đổi mới. Với lời tuyên bố của lãnh tụ Liên Xô Gorbachev sẽ giảm các đạo quân Xô-viết đồn trú tại Đông Âu, cũng như những nỗ lực dân chủ hóa của vị chính khách này - như lời khẳng định "người dân Liên Xô cần dân chủ như cần dưỡng khí để thở" - xã hội Hung đã chín muồi cho những biến đổi dân chủ ôn hòa.

Tuy nhiên, những nỗ lực dân chủ của phe đối lập cần một cú hích trong xã hội, và cú hích ấy đã đến rất bất ngờ vào cuối tháng 1-1989. Nhân cơ hội tổng bí thư đảng đi dự Diễn đàn Kinh tế Thế giới Davos ở Thụy Sĩ, một nhân vật cải cách trong đảng là Pozsgay Imre đã đột ngột tuyên bố trước báo giới kết quả nghiên cứu của một ủy ban đặc trách trực thuộc Ủy ban Trung ương Đảng về sự kiện 1956. Theo quan điểm của ủy ban này, thì biến cố 1956, trước nay vẫn chính thức bị coi là "bạo loạn phản cách mạng", thực chất là một cuộc nổi dậy của nhân dân.

Các sử gia Hungary nhận định rằng kể từ thời điểm ấy, thể chế cũ ở Hung đã đánh mất tính chính đáng và phong trào đối lập dân chủ - đặt trên nền tảng những ước vọng và đòi hỏi của cuộc cách mạng 1956 - chính thức được thừa nhận về căn bản.

Tuy nhiên, phải đợi đến phiên họp ngày 10/11-2-1989 của Ủy ban Trung ương Đảng Cộng sản Hungary thì những biến chuyển năm 1989 ở nước Hung mới có diện mạo rõ rệt. Trong phiên họp được đáng giá là lịch sử ấy, Đảng Cộng sản Hungay chính thức thừa nhận tính chất khởi nghĩa nhân dân của cách mạng 1956, đồng thời, chấp nhận sự cần thiết của sự hình thành một thể chế đa đảng và cho biết, họ sẵn sàng tham gia vào quá trình biến đổi ấy.

Với quan điểm như thế, chính Đảng Cộng sản Hungary đã góp phần cho sự thành lập của Bàn tròn Đối lập vào ngày 22-3-1989, là một đại diện chung của phe đối lập, có quan điểm thống nhất trong những cuộc đàm phán với Đảng Cộng sản Hungary, dẫn đến sự hình thành của Đảng Xã hội Hungary (MSZP, xuất thân từ Đảng Cộng sản MSZMP, gồm những nhân vật cải tổ) vào tháng 10-1989.

Cũng cần kể đến những biến cố trọng đại diễn ra trước đó, vào mùa hè 1989 ở Hungary:

- Thứ nhất là lễ mai táng thủ tướng Nagy Imre và các cộng sự, những người đã bị điện Kremlin chỉ thị hành quyết trong cuộc cách mạng 1956. Buổi lễ diễn ra vào ngày 16-6, thu hút đại diện của chính quyền và tất cả các tổ chức đối lập, cũng như gần nửa triệu dân cư tập trung tại Quảng trường Anh hùng, trung tâm thủ đô Budapest. Tất cả đều coi đây là một cuộc "thử lửa" cho một biến chuyển hòa bình, và kết quả là ngày hôm đó đã được dân Hung xem như ngày hòa giải dân tộc, xóa bỏ và hóa giải những oan khiên trong quá khứ,

- Thứ hai, là việc hàng trăm ngàn người tị nạn Đông Đức tràn sang Hungary, vạ vật tại các tòa đại sứ Phương Tây (đặc biệt là ĐSQ CHLB Đức) xin chiếu khán nhập cảnh và họ cho biết, bằng mọi giá, họ không muốn trở lại thể chế bưng bít ở Đông Đức. Ngày 10-9, ngoại trưởng Hungary Horn Gyula (về sau là thủ tướng Hungary trong nhiệm kỳ 1994-98), đã có một quyết định táo bạo và ngoạn mục, là mở biên giới Hung - Áo cho người tị nạn Đông Đức tràn sang Phương Tây. Động thái này, về sau đã được chính giới nước Đức trân trọng đánh giá: "Người Hungary đã dỡ những viên gạch đầu tiên của bức tường Berlin và nước Đức phải biết về điều đó".

Đây đã là tiền đề cho sự thành lập của Đệ tam Cộng hòa Hungary vào ngày 23-10-1989 và việc đảng cầm quyền nhường chỗ cho các chính đảng đối lập trong cuộc bầu cử tự do đầu tiên vào năm 1990.

Nước Hung đã trải qua thời hậu cộng sản một cách khá êm ấm và khá mẫu mực.

- Đạo luật bồi hoàn tài sản tinh thần và vật chất cho những nạn nhân chế độ cũ đã được đưa ra và ông Sólyom László, kiến trúc sư của đạo luật này, người từng giữ chức chánh án Tòa án Hiến pháp Hungary thời kỳ 1990-2000, hiện là tổng thống Hungary, đã coi đây là dấu ấn của Hungary thế kỷ XX trong mắt ông.

- Đạo luật Thanh lọc cho phép kiểm tra quá khứ của những người từng tham gia chế độ cũ trong các cơ quan mật vụ chính trị, công khai hóa ở mức độ chấp nhận được những nhân vật ấy, mà không gây xáo trộn quá đáng trong xã hội. Các đảng viên cộng sản cũ không bị kỳ thị, truy đuổi hay phân biệt đối xử một cách đáng kể.

Từ khi đạo luật này được thông qua và sửa đổi nhiều lần cho phù hợp với hoàn cảnh hiện tại, khá nhiều nhân vật nổi tiếng (chính khách, các nhân sĩ, văn nghệ sĩ, nhà thể thao...) bị phát hiện là từng công tác với cơ quan an ninh mật thời trước. Tuy nhiên, trong từng trường hợp, dư luận xã hội đều tỏ ra công bằng và thấu hiểu, nên những rạn nứt ở mức độ lớn đã không xảy ra.

- Quá trình tư hữu hóa các công sở quốc doanh diễn ra nhanh chóng và triệt để. Tuy nhiên, đây là khâu được coi "có vấn đề" nhất của quá trình chuyển biến: cùng với chủ nghĩa kinh tế thị trường nhiều khi rừng rú ở Hung trong hai thập niên qua, đã khiến một bộ phận có quyền thế trong chính quyền có dịp làm giàu rất nhanh, trong khi nền kinh tế trong nước suy sụp vì những khoản nợ nước ngoài. Và đây cũng là điều khiến người dân Hung, trong dịp 20 năm nhìn lại quá khứ, cảm thấy tiếc.

Tuy nhiên, người dân Hung nói chung không có xu hướng hoài vọng quá khứ, không tiếc rẻ quá khứ "vàng son" như ở nhiều nước XHCN cũ khác. Các thăm dò dư luận cho thấy người dân không muốn trở lại chế độ cũ, không cảm thấy tiếc vì biến cố 20 năm trước, và đều đồng nhất với ý kiến cho rằng biến chuyển dân chủ là đúng đắn, cần thiết và chính là sự tiếp nối những nguyện vọng của dân tộc Hungary từ năm 1956.

(Phần III). Gorbachev, những truân chuyên trong nội trị

Bảo Thạch

Bài đăng ngày 20/02/2009

Mikhail Gorbachev, lãnh tụ duy nhất của đảng Cộng sản Liên Xô đã góp phần đáng kể vào việc thiết lập sự hòa dịu giữa hai khối Cộng sản - Tư bản trên thế giới. Nhưng ông đã thất bại với những chính sách kinh tế, khiến đời sống người dân nước này càng kiệt quệ và bi đát

Thông tín viên Hoàng Linh, từ Budapest.

Ở chính tổ quốc mình, không ít người coi ông Gorbatchev là kẻ phản bội lý tưởng Cộng sản, dẫn đến sự chấm dứt quyền uy tối thượng của ĐCS, làm tan rã Liên bang Xô-viết và khiến nước Nga đánh mất vị trí siêu cường.

Sáu năm tại vị trên cương vị tổng bí thư đảng, cũng như tổng thống đầu tiên và duy nhất của Liên Xô, Gorbachev bị nhìn nhận là đã thất bại với những chính sách kinh tế, khiến đời sống cư dân Liên Xô kiệt quệ và bi đát, những nhu yếu phẩm quan trọng nhất như thịt cá, đường… cũng phải mua theo tem phiếu (và nhiều khi còn không có mà mua).

20 năm nhìn lại.

Gần 20 năm nhìn lại, có thể thấy rằng sự thất bại của Gorbachev đối với những chính sách nội trị và dân sinh có thể coi là “tất yếu”, nếu chúng ta để ý rằng mỗi đường đi nước bước của Gorbachev đều gặp phải sự kháng cự quyết liệt của phe bảo thủ trong đảng.

Và, chính ý đồ muốn dung hòa giữa các phe phái, cải tổ ít nhiều mang tính nửa vời trong khuôn khổ vẫn giữ vai trò lãnh đạo của ĐCS, và vẫn giữ cấu trúc của Liên bang Xô-viết mà không đi đến cùng trong vấn đề sắc tộc, đã khiến Gorbachev phải “chịu trận” trong gọng kìm của cả hai phe, cởi mở cấp tiến và bảo thủ, để rồi mất dần quyền lực vào tay Boris Yeltsin, người từng là đồng chí của ông trong công cuộc đổi mới.

Có thể điểm qua, theo trình tự thời gian, những truân chuyên trong nội trị của Gorbachev kể từ khi lên nắm chức vụ tổng bí thư ĐCS Liên Xô năm 1985.

GlasnostPerestroika.

Ngay sau khi nên nắm quyền, Gorbachev đã tuyên bố tình trạng trì trệ của ĐCS và sa lầy của nền kinh tế quốc dân Liên Xô, và đề ra những mô hình glasnost (mở cửa, công khai hóa), perestroika (tái cơ cấu, đổi mới) và uskoreniye (tăng tốc trong kinh tế).

Cải cách đáng kể đầu tiên được Gorbachev đưa ra trong kinh tế là cải cách về rượu năm 1985, nhằm ngăn chặn tệ nghiện ngập bao trùm Liên bang Xô-viết, ảnh hưởng đến sức lao động và xã hội Liên Xô, bằng cách tăng giá rượu bia và điều tiết việc mua bán, sử dụng đồ uống có chất cồn, cũng như hạn chế hình ảnh rượu bia trên phim ảnh và các phương tiện đại chúng.

Tuy nhiên, đối với một nước Nga truyền thống nghiện ngập và ưa rượu chè, cải cách này đã hoàn toàn thất bại: không những không làm giảm chứng nghiện rượu, nó còn khiến ngân khó quốc gia sụt giảm ghê gớm, và tệ chợ đen tăng mạnh.

Gần một năm sau, ngay sau khi Đại hội lần thứ 26 ĐCS Liên Xô thông qua và đưa lên tầm nghị quyết của đảng những cải cách do Gorbachev đề xuất, tai nạn khủng khiếp của lò phản ứng hạt nhân ở Chernobyl xảy ra và việc Gorbachev không nhận được những thông tin cần thiết để kịp thời đưa sự việc ra trước công luận như ông mong muốn, cho thấy hố sâu giữa phe cởi mở và phe bảo thủ trong nội bộ đảng ngày càng lớn.

Trong vụ này, Gorbachev đã nhận được rất nhiều lời chỉ trích từ thế giới, cho dù ông đã ra chỉ thị cho chính quyền “phải đưa ra ánh sáng toàn bộ sự thật”, nhưng bộ máy quan liêu đã ngăn chặn ông làm điều đó.

Năm 1987, trong phiên họp của Ủy ban Trung ương ĐCS Liên Xô vào tháng Giêng, nhiều cải tổ chính trị cấp tiến của Gorbachev được đưa ra, như khả năng có nhiều ứng viên cho một vị trí trong các cuộc bầu bán, đưa người không phải đảng viên vào Chính phủ, hoặc khả năng mở rộng hệ thống hợp tác xã để cho yếu tố tư nhân tham gia nền kinh tế quốc dân và kinh doanh với ngoại quốc.

Phe cải tổ đối đầu quyết liệt với phe bảo thủ.

Trong năm, rất nhiều đối thủ chính trị của Stalin từng thiệt mạng trong các cuộc thanh trừng thập niên 30 đã được phục hồi danh dự, công cuộc “phi Stalin hóa” được sang một trang mới.

Tuy nhiên, phe bảo thủ - viện cớ Liên Xô bị suy yếu và “mất mặt” sau sự việc một phi công Tây Đức công nhiên hạ cánh với chiếc máy bay cá nhân nhỏ ngay tại Hồng trường – đã lên tiếng công kích đổi mới, cho rằng đó là sự phản bội những nguyên tắc của CNCS.

Sự giành giật giữa Gorbachev và phe cải tổ, với những phần tử bảo thủ trong đảng càng quyết liệt trong năm 1988, khi Gorbachev tuyên bố chính sách glasnost (công khai hóa), cho phép người dân có thể có những quyền tự do, đặc biệt là tự do ngôn luận, tự do báo chí, với hy vọng người dân sẽ ủng hộ nhiều hơn những nỗ lực cải tổ kinh tế thông qua các cuộc tranh luận công khai trong xã hội. Nhiều tù nhân chính trị, những người bất đồng chính kiến, đã được trả tự do trong dịp này.

Đặc biệt, Đạo luật về các cơ sở kinh tế (thường được gọi là Luật Hợp tác xã) có hiệu lực từ tháng 3-1988 – có lẽ là cải cách kinh tế cấp tiến nhất trong những năm đầu của Gorbachev - đã cho phép người dân sở hữu các doanh nghiệp tư nhân trong lĩnh vực dịch vụ, sản xuất và thương mại với nước ngoài. Một số yếu tố căn bản của quá trình tư nhân haó sau này đã được bắt đầu từ đây.

Liên Xô : 10 năm sa lầy tại Afghanistan.

Năm 1988 còn đánh dấu một sự kiện quan trọng khác : quân đội Liên Xô rút quân khỏi Afghanistan sau gần 10 năm sa lầy tại đây, khiến 15 ngàn quân nhân bị thiệt mạng, kinh tế Liên Xô suy sụp và uy tín nước này bị suy giảm nặng nề trên trường quốc tế. Động thái nói trên, kèm việc Gorbachev tuyên bố Liên Xô từ bỏ Học thuyết Brezhnev, không can thiệp vào nội bộ các quốc gia Đông Âu, trở thành những cải cách quan trọng nhất trong chính sách ngoại giao của Gorbachev và là tiền đề cho việc chấm dứt Chiến tranh lạnh.

Cảm nhận được hiểm họa đánh mất quyền lực, sự độc tôn của ĐCS và vai trò đại cường của Liên Xô trên thế giới trước những cởi mở của Gorbachev, phe cứng rắn trong bộ máy đảng và chính quyền Liên Xô đã ngấm ngầm chống phá ông trong 2 năm cuối của thập niên 80.

Đồng thời, những nỗ lực ly khai - hệ quả của quá trình dân chủ hóa - của nhiều nước cộng hòa đã đặt Gorbachev vào tình thế khó xử và cuối cùng, ông vẫn chọn giải pháp níu kéo mô hình Liên bang Xô-viết trên cơ sở những nước cộng hòa độc lập và tự nguyện qua sự đề xuất Hiệp ước Liên bang. Quyết định của Gorbachev không thỏa mãn được phe cấp tiến, và cũng không ngăn chặn được việc một nhóm lãnh đạo bảo thủ trong đảng mở cuộc đảo chính lật đổ ông vào tháng 8/1991.

Cho dù được giải cứu sau 3 ngày bị quản thúc ở Crimea, nhưng quyền lực của Gorbachev lúc đó đã mất, lời nói của ông không còn trọng lượng, và nước Nga đã về tay người anh hùng Boris Yeltsin. Ý định của Gorbachev nhằm giữ ĐCS Liên Xô và biến cải nó theo con đường dân chủ xã hội theo mô hình Thụy Điển cũng phá sản hoàn toàn sau khi Yeltsin đặt ĐCS ra ngoài vòng pháp luật.

Kinh tế trì trệ nhưng giá trị tự do, dân chủ vẫn còn.

Sự ra đi của Gorbachev khi quyền lực thực tế đã không còn vào ngày 25/12/1991 có thể coi là hợp lý và đối với thế giới, ông đã làm tròn những sứ mệnh của mình. Cho dù tại quê hương ông, Gorbachev cho đến giờ vẫn phải nhận nhiều điều tiếng, như kẻ làm tan vỡ đất nước, chôn vùi CNCS và đưa đất nước vào cảnh kinh tế khủng hoảng, nhưng có lẽ những giá trị tự do, dân chủ mà Gorbachev mang lại thì ít ai muốn phủ nhận.

Di sản ông để lại cho nước Nga và Đông Âu, những xứ sở mà Gorbachev đóng vai trò không nhỏ trong biến chuyển dân chủ hai thập niên trước, có lẽ phải một thời gian dài nữa chúng ta mới nhìn nhận và đánh giá được một cách toàn diện !

Kỷ niệm 20 năm chủ nghĩa cộng sản sụp đổ (Phần III). "Liên Xô, với Gorbachev, không còn can thiệp vào các nước Đông Âu''

Bảo Thạch

Bài đăng ngày 20/02/2009

Đối với các nước Đông Âu, thì kể từ 1987, Perestroika mang thông điệp : mỗi Đảng có quyền lựa chọn mô hình phát triển cuả mình mà không cần sao chép Liên Xô. Từ đó, trong tất cả các chế độ cộng sản, giới lãnh đạo và trí thức tranh luận giữa hai đường lối : cải tổ và bảo thủ

Chính là nhằm thoát khỏi sự trì trệ kinh tế và xã hội, mà Gorbachev đã đề ra chủ trương Perestroika năm 1986, sau khi được đề cử vào chức vụ Tổng Bí Thư Đảng Cộng Sản Liên Xô. Dường như ông tin tưởng rằng chủ nghĩa cộng sản có thể được cải tổ sâu rộng, với việc chấp nhận một số quy luật thị trường trong lĩnh vực kinh tế và một số thoả hiệp mang tính dân chủ hoá trong lĩnh vực chính trị.

Đối với các nước Đông Âu, thì kể từ năm 1987, Perestroika mang thông điệp : mỗi Đảng có quyền lựa chọn mô hình phát triển cuả mình mà không cần sao chép Liên Xô. Từ đó trở đi, trong tất cả các chế độ cộng sản, giới lãnh đạo và trí thức tranh luận giữa hai đường lối : cải tổ và bảo thủ.

Hồng quân Liên Xô trên Quảng trường đỏ

Hồng quân Liên Xô trên Quảng trường đỏ

Trong hai năm 1988 và 1989, dường như công luận theo xu hướng cải tổ tại Đông Âu biểu dương Gorbachev. Bằng chứng là tháng 10 năm 1989, Gorbachev được đông đảo dân Đông Đức hoan hô với khẩu hiệu ''Gorbi! Gorbi!'', trong khi lãnh đạo cuả họ là Honecker thì bị chê trách. Vào thời điểm đó, đả rõ ràng là Maxcơva không còn can thiệp vào công việc nội bộ cuả Ba Lan, nơi một chính quyền không cộng sản đã thành hình, hay là Hungari, nơi mà Đảng Cộng Sản cũng đã từ bỏ vai trò lãnh đạo.

Thế nhưng, điều chắc chắn là Gorbachev đã không đảo ngược được xu thế xụp đổ cuả chủ nghĩa cộng sản. Ông đã châm ngòi vào những biến động lịch sữ, sẽ nhanh chóng phá vỡ bức tường Bá Linh năm 1989 và dẫn đến sự tan rã cuả Liên Xô hai năm sau đó.

(Phần IV). Ngòi bút nhỏ máu của Svetlana Alexievitch (1) : "Những kẻ bị mê hoặc vào cõi chết"

Bảo Thạch

Bài đăng ngày 27/02/2009

Chân dung nhà văn Svetlana Alexievitch

Chân dung nhà văn Svetlana Alexievitch

Cách nay 20 năm, sự kiện bức tường Berlin sụp đổ, đã đánh dấu ngày tàn của chủ nghĩa cộng sản Đông Âu. Hai năm sau, đến lượt Liên Xô tan vỡ. Chế độ cộng sản sụp đổ, kèm theo các đảo lộn trong thời kỳ hậu Xô Viết, đã tạo ra chấn thương tâm lý nặng nề trong xã hội Nga, đẩy nhiều người vào con đường tự sát. Trong tập ký sự ''Những kẻ bị mê hoặc vào cõi chết'', qua những trường hợp cụ thể, nữ văn sĩ Belarus Svetlana Alexievitch đã chẩn đoán căn nguyên của các hành động tuyệt vọng : tâm trạng đau đớn của những người cảm thấy mình bị đánh lừa.

« Một thời đại đã đi qua, thời đại của những lời nói dối tuyệt vời », nhà văn người Belarus Svetlana Alexievitch đã viết như vậy trong lời mở đầu tác phẩm Ensorcelés par la mort – Những kẻ bị mê hoặc vào cõi chết. Quyển sách này tập hợp chân dung của 14 nhân vật có thật. Đặc điểm chung của các nhân vật này là họ đã tự vẫn, có khi tự vẫn hụt, nhưng tất cả đều đã thành người thiên cổ.

Hình bìa ấn bản tiếng Pháp của tác phẩm ''Những kẻ bị mê hoặc vào cõi chết''

Hình bìa ấn bản tiếng Pháp của tác phẩm ''Những kẻ bị mê hoặc vào cõi chết''

Svetlana Alexievitch đã điều tra, tìm gặp những kẻ sống sót hoặc những người thân của kẻ quá cố. Mỗi người một hoàn cảnh, nhưng tất cả đều chia sẻ tâm trạng hoài niệm chế độ Xô Viết. Chế độ này từ khi tan vỡ năm 1991 đã biến họ thành những kẻ lạc loài, những người vô căn cước, không bản sắc, những đồ thừa, những thành phần phế thải.

Động cơ khiến cho Svetlana Alexievitch tìm hiểu về làn sóng tự tử ở Nga trong thời kỳ hậu Xô Viết là một mẩu tin đăng trên nhật báo Đức Frankfurter Rundschau với tựa Số người tự tử ở Nga gia tăng. Báo này viết ngày 28/03/1992 rằng năm 1991, 60.000 người Nga đã tự kết liễu đời mình, như vậy là so với năm trước, đã có thêm 20.000 trường hợp. Ông Guennady Ossipov, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Khoa học Chính trị và Xã hội tuyên bố : « Nước Nga đứng trên bờ vực thẳm, một triệu người Nga đã toan tự vẫn và 20% dân số, tức là 1/5 của dân tộc này, mơ tưởng được xuất cảnh định cư ở nước ngoài ».

Từ xưa đến nay, hành động tự sát là hiện tượng cá nhân thời nào cũng có, cộng đồng nào cũng có. Các nhà xã hội học chứng minh, đôi lúc trong lịch sử, tự sát là hành động tập thể, một hiện tượng xã hội. Điều này lâu lâu xuất hiện ở Tây Âu trong các giáo phái sống cách ly. Nhưng trong trường hợp nước Nga hậu Xô Viết, Svetlana Alexievitch, qua tác phẩm gom góp chứng từ của 14 kẻ bạc mệnh, đã mô tả hành động tự sát của người Nga là một hiện tượng chính trị.

Nỗi tuyệt vọng vì cảm thấy bị đánh lừa

Ý nghĩa của sự việc này thật đơn giản. Phát hiện ra họ đã bị một huyền thoại đánh lừa, huyền thoại mà họ đã góp công góp sức dựng lên bằng đức độ hy sinh và mù quáng, nhiều người Nga không thể chịu đựng nổi cú sốc này. Sau đây là một số trường hợp tiêu biểu.

Đầu tiên hết là sinh viên Ivan Ivachovest, 33 tuổi, vừa hoàn thành xong luận án tiến sĩ về chủ nghĩa «Marx và tôn giáo ». Cái chết của anh có thể xem là số phận nhà trí thức hoài nghi tuyệt vọng khi nhận thức ra rằng chân lý của chủ nghĩa Marx toàn điều huyễn hoặc. Một người bạn sinh viên học triết, Vladimir Stanokevich cùng ở nội trú với Ivan kể lại rằng :

« Bạn ấy đã muốn ra đi một cách kín đáo, hẳn là như vậy. Lúc đó vào buổi xế chiều, trời đã chạng vạng tối, nhưng nhiều sinh viên trong tòa nhà nội trú bên cạnh đã nhìn thấy bạn tôi nhảy lầu tự tử. Trước đó, bạn ấy đã mở toang cửa sổ. Bạn ấy đã trèo ra ngoài đứng trên cái gờ cửa sổ và nhìn xuống đất một hồi lâu, rồi quay lưng vào khoảng không, nhảy bổng như muốn bay lên không trung từ tầng 11. Ở dưới, một người đàn bà đang dẫn đứa con nhỏ đi ngang qua. Cậu bé ngước nhìn lên và kêu :

- Mẹ,mẹ, nhìn kìa, ông ta muốn làm con chim bay lên trời.

Hôm trước, tôi còn gặp bạn ấy ngoài hành lang. Anh nói : « Mình có chuyện muốn nói với cậu, nhớ sang chỗ tớ nhé ». Tối hôm ấy, tôi đến gõ cửa phòng bạn, anh nhất định không mở. Tôi ở phòng bên cạnh nên tôi nghe bạn ấy ở trong phòng, đi đi lại lại như một con thú bị nhốt trong chuồng. Tôi tự bảo, thôi, ngày mai mình lại cố tạt sang lần nữa. Thế nhưng, ngày hôm sau, tôi phải cùng với anh công an khu phố vào căn phòng này khi bạn tôi không còn nữa. Anh công an hỏi :

- Cái này là cái gì ? và chỉ vào tập hồ sơ dầy.

Tôi liếc nhìn và nói :

- Đây là bản luận án tiến sĩ của bạn tôi. Ông nhìn mà xem, cái tựa đề ghi rõ chủ nghĩa Marx và tôn giáo.

Tôi thấy tất cả các trang đều bị gạch chéo với dòng chữ đỏ viết thật to ở khắp nơi: Đồ dởm, láo toét, nói dối…

Ngày 23/08/1991, bức tượng Lê-nin tại thủ đô Lít Va bị tháo gỡ, dấu hiệu phản ánh sự phân rã của Liên Xô

Ngày 23/08/1991, bức tượng Lê-nin tại thủ đô Lít Va bị tháo gỡ, dấu hiệu phản ánh sự phân rã của Liên Xô

Kẻ xấu số khác là bà Nathalia Pakovich, 55 tuổi, Giáo sư đại học. Bà có thể được xem là trường hợp phân thân tiêu biểu, vừa là nạn nhân vừa là thủ phạm, không giải hóa được căn bệnh vĩ cuồng và nỗi sợ hãi đã ăn sâu vào tâm hồn Xô Viết từ thời Stalin. Bà giáo sư này thú nhận tâm tưởng của bà là bãi chiến trường giằng co xung đột giữa ba con người khác nhau.

Đầu tiên hết là một cô bé yêu Stalin một cách tuyệt đối. Cô bé này lớn lên vào đại học, gây kinh hoàng cho mọi người xung quanh vì cô tố giác tất cả những ai dám phê bình chỉ trích chế độ. Thứ nhì là một thiếu phụ đã biết yêu, đã lấy chồng, thế nhưng cặp vợ chồng luôn luôn sống trong nỗi sợ hãi, trong nỗi ám ảnh bị bắt, bị đày ải, bị thủ tiêu. Trong nhiều năm tháng, cả hai người đều mang trong mình chất độc arsenic để có thể tự vẫn ngay tức khắc nếu bị lọt vào tay công an chính trị. Con người thứ ba là người đàn bà góa bụa luống tuổi hiện nay. Bệnh nhân sống trong nhà thương tâm thần đã hiểu rằng chủ nghĩa cộng sản và chủ nghĩa phát xít trong thực chất không khác biệt nhau lắm. Đó là nỗi đau của kẻ đã thoát khỏi nhà tù ý thức hệ nhưng đã quá muộn.

Tuy vậy, bà không thể quên lúc huy hoàng của thời điểm lòng tin chiến thắng thử thách trong những năm tháng tan băng dưới thời Khroutchev.

Chúng tôi, những đứa con của thời điểm tháng tư tan băng. Ngày nay đức tính tạo bạo của chúng tôi không còn giống như ngày xưa nữa, chân lý của chúng tôi không còn là chân lý nữa. Ngày xưa chúng tôi ngây thơ biết bao. Chúng tôi cho rằng Lê-nin là người tốt và Stalin mới là kẻ xấu, chúng tôi sẽ xây dựng một chủ nghĩa cộng sản mang bộ mặt nhân bản, chúng tôi không mảy may hoài nghi ý tưởng này. Dường như không gì lay chuyển được nó, nó vĩnh viễn tồn tại như bầu trời. Chúng tôi là đội quân đi tiên phong. Một mẻ kim lọai đang đựoc nấu chảy trong chiếc lò nung khổng lồ. Do đó tôi đã rời Leningrad trước những lời trách móc của bạn bè - Mày ngu xuẩn thật, mày sẽ hối tiếc, mọi người đều mơ ước được sống ở đây. Để được như vậy người ta phải chạy chọt đủ mọi cách, kể cả phải làm đám cưới giả, vậy mà mày lại ra đi, để đi đến nơi đâu ? -

Đến Minsk, các giáo sư của tôi gọi Minsk là thành phố xã hội chủ nghĩa nhất. Tôi gửi trả chìa khóa căn hộ ở Leningrad cho cơ quan phụ trách vấn đề nhà ở. Lúc ấy tôi hãnh diện với chính mình. Trong tôi là nhu cầu được hy sinh, được tôn thờ một cái gì đó. Nhu cầu này luân lưu trong dòng máu của tôi. Phải là Freud mới giải thích được nhu cầu đó, có thể nhu cầu này phát sinh từ tinh thần nô lệ hay từ sự yêu chuộng cái chết được xem là mục tiêu tối thượng, hay cũng có thể nhu cầu nói trên phát sinh từ sự yêu thích cái nghèo, sự yêu thích lối sống khổ hạnh.

Chiến công của những người này trong thế chiến thứ hai ngày nay còn ai ghi nhớ ? (Ảnh : lefigaro.fr)

Chiến công của những người này trong thế chiến thứ hai ngày nay còn ai ghi nhớ ?
(Ảnh : lefigaro.fr)

Đáng thương nhất là những người già đã từng oanh liệt một thời. Chiến công hiển hách của họ từ nội chiến đến thế chiến, nay bị ném xuống bùn đen. Huân chương rực rỡ của họ là nghịch lý trêu ngươi xã hội mới. Có ông già kể lại một bọn du côn đã túm lấy ông, đánh một trận nhừ tử khi chúng thấy các huy chương lấp lánh ông vẫn đeo trên ngực. Chúng còn nguyền rủa : « nếu ngày xưa mày bớt hiếu chiến thì ngày nay bọn tao đã được no nê ngồi uống bia ngọai ».

Một người giấu tên, đảng viên đảng cộng sản từ 1920, nay 87 tuổi, đã tâm sự giữa hai lần tự tử (lần thứ nhì ông thành công) : Cuộc đời của ông nhập với cách mạng, hết theo Lê-nin rồi đến Stalin, rồi Khroutchev. Ông vào tù, ra tội, bị xử oan, bị lưư đầy ra Gulag, nhưng vẫn tuyệt đối tin vào đảng cộng sản. Gia đình tan nát, người vợ cũng bị lưu đầy và bỏ mạng, đứa con trai từ lúc bé cũng bị đưa cho một gia đình vô danh nuôi nấng. Phải đợi đến chiến công của ông trong Đệ nhị thế chiến thì người ta mới phục hồi danh dự và trả lại thẻ đảng cho ông :

Người ta đã phục hồi danh dự cho tôi vào năm 1945 khi tôi trở về từ cuộc chiến. Khi ấy tôi bị thương và được tặng thưởng đầy huy chương vì đã tham gia vào cuộc tấn công đánh chiếm Berlin. Tôi được gọi đến chi bộ và tại đây người ta đã trả lại thẻ đảng cho tôi và nói rằng :

- Rủi thay vợ ông không thể trở về đoàn tụ với ông được bởi vì bà ấy đã mất, nhưng chúng tôi phục hồi danh dự cho ông.

Ôi ! bạn có tưởng tượng là tôi vui sướng đến nhường nào không. Dĩ nhiên là ngày nay, có lẽ tôi không nên thú nhận những điều như vậy thế nhưng những giây phút kể trên là lúc tôi hạnh phúc nhất trên đời. Bởi lẽ trước đây chúng tôi đặt đảng lên trên tất cả, trên cả tình yêu, trên cả cuộc sống của chính mình. Chúng tôi xem việc hy sinh tính mạng cho đảng là một vinh dự và tất cả mọi người đều sẵn sàng làm việc này. Tương lai chúng tôi phải huy hoàng, nhưng phải lấy cái chết và sự hy sinh để đổi lấy cái tương lai này. Người ta có thể bắt buộc tất cả mọi người trong chúng tôi phải hy sinh, hy sinh bất cứ lúc nào. Cả ngàn người đã chết xung quanh chúng tôi, việc này đã quá quen thuộc. Vợ tôi cũng đã mất và tôi, tôi cũng có thể chết. Tại sao tôi có thể vui sướng khi vợ tôi đã qua đời.

Không, bạn đừng xin lỗi bởi vì những câu hỏi của bạn không làm tôi phật ý đâu. Trái lại, một lần nữa, những câu hỏi này chứng tỏ tôi đến từ một thế giới khác, một hành tinh khác, cũng có thể từ một hành tinh không còn hiện hữu nữa. Hành tinh này có những quy luật riêng của nó, có lẽ chính vì thế mà chúng tôi đã yêu cái chết. Vâng, chúng tôi đã yêu cái chết. Tôi hiểu ra điều này cách đây không lâu vào một đêm thức trắng…

Tác phẩm « Những kẻ bị mê hoặc vào cõi chết » là bài kinh cầu siêu bên mồ chôn tập thể mang tên Chủ nghĩa Cộng sản. Svetlana Alexievitch đã hòan thành một bản đồng ca được phối âm cho 14 giọng hát về những thất thố của những người từng chót tin tưởng vững chắc họ là điểm tựa của lịch sử.

Nhưng điều dữ dội nhất là tính trung thực của tập ký sự này, trong bản điều tra này, là Svetlana Alexievitch đã ghi lại những điều ngày nay tại Nga, không ai còn màng đến nữa. Người ta muốn quên đi vì thẹn thùng vì mặc cảm. Svetlana đã gợi lại tất cả những mất mát với mục đích đơn giản - bó buộc con người ta soi gương tự vấn và sám hối - Bà nói : « dù là ác quỷ nó cũng cần phải được trao một tấm gương, bằng không nó tưởng rằng nó vô hình ».

(Phần IV). Ngòi bút nhỏ máu của Svetlana Alexievitch (2) : "Những quan tài kẽm"

Bảo Thạch

Bài đăng ngày 06/03/2009

Nhà văn Svetlana Alexievitch(Nguồn : www.aftonbladet.se)

Nhà văn Svetlana Alexievitch
(Nguồn : www.aftonbladet.se)

Trong tác phẩm ''Những quan tài kẽm'', xuất bản năm 1990, Svetlana Alexievitch đã tập hợp lời tường thuật của hàng trăm chứng nhân gồm cựu chiến binh Afghanistan và những người thân của họ. Nhà văn đã đan chéo số phận của họ, qua đó đã phác họa quy mô tấn bi kịch tập thể mà cả người đã chết lẫn người sống sót vẫn dò tìm ý nghĩa.

Bìa ấn bản tiếng Pháp tập ''Những quan tài kẽm''

Bìa ấn bản tiếng Pháp tập ''Những quan tài kẽm''

Sự can thiệp của Matxcơva vào Afghanistan kéo dài 10 năm, đánh dấu cuộc phiêu lưu quân sự cuối cùng của đế chế Xô Viết. Sau Budapest 1956, Praha 1968, người lính Xô Viết đã ồ ạt tràn sang Kaboul từ 1979 đến 1989 để hòan thành việc mà họ lầm tưởng là « nghĩa vụ quốc tế ». Tuy vậy theo lời thổ lộ của một cưụ chiến binh trong tác phẩm Những quan tài kẽm thì : « cuộc chiến này cũng như cuộc sống của chúng ta ở Liên Xô nó chẳng liên quan gì đến với những điều người ta đã ghi chép qua sách vở ».

Afghanistan, một cuộc chiến tranh ô nhục và gớm ghiếc

Chạm trán với cuộc chiến Afghanistan, người lính Xô Viết đã mau chóng tỉnh ngộ. Di hài hàng chục ngàn thanh niên đã hồi hương trong những bộ quan tài kẽm. Huyền thoại của giải phóng quân Xô Viết dần dà sụp đổ, thay vào đó người dân Nga khám phá thấy bộ mặt gớm ghiếc của một cuộc chiến tranh ô nhục, để rồi đến năm 1989, Liên Xô buộc phải rút hết quân về nước.

Xe thiết giáp Liên Xô trên đường rút khỏi Aghanistan năm 1988(Nguồn : Wikipedia)

Xe thiết giáp Liên Xô trên đường rút khỏi Aghanistan năm 1988
(Nguồn : Wikipedia)

Trong tác phẩm Những quan tài kẽm xuất bản năm 1990, Svetlana Alexievitch đã tập hợp lời tường thuật của hàng trăm chứng nhân gồm cựu chiến binh Afghanistan và những người thân của họ. Nhà văn đã đan chéo số phận của họ, qua đó đã phác họa quy mô tấn bi kịch tập thể mà cả người đã chết lẫn người sống sót vẫn dò tìm ý nghĩa.

Có người lính trẻ vẫn không hiểu vì sao nhà nước đã cưỡng ép tân binh sang thẳng Afgnistan mà không cho họ biết trước. Có nữ y tá bàng hòang nhận thấy chiến trường thiếu thốn đủ mọi thứ, đến cả lọai thuốc sát trùng gọi là thuốc đỏ cũng không có nốt. Có những bà mẹ thú nhận đứa con ngoan của họ từ Afghanistan trở về đã biến thành loài thú khát máu đồng lọai. Có nữ nhân viên hành chính thản nhiên thú nhận phụ nữ Nga sang Afghanistan để phục vụ tình dục cho đạo quân viễn chinh đổi lại lấy đồng tiền. Theo lời phụ nữ này, đó mới chính là « nghĩa vụ quốc tế ». Còn một cựu chiến binh nhận xét rằng : « Chiến tranh không làm cho người ta cao đẹp hơn, trái lại nó làm cho con người hèn mọn đi. Tôi chẳng còn có thể sống như trước nữa khi đã chứng kiến trong cùng một chuyến, bên cạnh những quan tài kẽm, người ta đã chở những vali đầy ắp áo lông, quần bò, quần lót cho phụ nữ và những gói trà Tàu đến từ Trung Quốc ».

Đau khổ nhất đối với gia đình những người đã khuất là phải chấp nhận tính chất phi nhân của cuộc chiến này. Phải chịu đựng người khác nói rằng hy sinh mất mát của họ hòan tòan vô nghĩa. Đó là trường hợp sau đây của một góa phụ tên Tamara :

Em đã nhận được bức thư của chồng em. Anh ấy viết em đừng lo lắng nhé. Nếu không nhận được thư anh, em cứ viết thư về địa chỉ cũ. Thế rồi em bặt tin chồng trong vòng hai tháng. Em không thể hình dung là anh ấy đang ở Afghanistan. Trong thư, anh không nói cho em biết anh đang đánh trận. Trước khi lên đường ra trận, chồng em không bao giờ chơi đùa với đứa con gái. Anh không biết thế nào là tình cha con, có thể vì lúc ấy đứa bé vẫn còn nhỏ. Nhưng sau này khi về nghỉ phép, anh ấy ngồi hàng giờ nhìn con bé với ánh mắt buồn da diết khiến em phải sợ hãi. Buổi sáng anh dẫn con đến trường mẫu giáo, anh thích cõng nó trên vai, buổi chiều anh đến đón nó về.

Chúng em có đi coi xi nê, đi xem hát nhưng anh ấy thích ở nhà hơn. Chồng em cũng khát khao thèm muốn chuyện chăn gối hơn trước. Anh ấy cho là chúng em phung phí thời gian bên nhau. Một khi em phải đi làm hay chuẩn bị bữa ăn, anh ấy nói :

- Em hãy ở bên anh thêm một tý nữa, hôm nay chúng mình không cần phải ăn món thịt viên. Lúc này anh được về thăm nhà, em hãy xin cơ quan nghỉ phép nhé ».

Đến khi phải trở về đơn vị, chồng em cố ý đi trễ chuyến bay. Thế là chúng em được ở bên nhau thêm hai ngày nữa. Đêm cuối cùng bên nhau chúng em hạnh phúc biết bao đến nỗi em bật khóc. Em khóc trong khi anh vẫn lặng thinh nhìn em rồi chợt nói:

- Tamara này, một ngày nào đó em đi lấy chồng khác, em cũng đừng quên giây phút này nhé!

Em thốt lên :

- Anh điên rồi ư ? Không, không bao giờ anh chết cả. Em yêu anh vô cùng, tình yêu của em sẽ che chở cho anh.

Chồng em bỗng bật cười. Em đã biết đợi chờ, thế nhưng khi trông thấy một chiếc xe tang bít bùng, em lại cảm thấy lòng mình quặn đau. Em chỉ muốn hét lên thật to và nước mắt chỉ chực tuôn trào, thế rồi em vội vã chạy về nhà, quỳ trước ảnh chúa và cầu khẩn : “Xin ngài hãy cứu lấy chồng con, xin Ngài hãy cứu anh ấy”.

Trực thăng Liên Xô bị bắn hạ tại Afganistan(Nguồn : Wikipedia)

Trực thăng Liên Xô bị bắn hạ tại Afganistan
(Nguồn : Wikipedia)

Có một hôm đi coi xi-nê, em theo dõi cuốn phim mà mắt lại chẳng trông thấy gì cả. Lòng em tràn ngập một nỗi lo khó hiểu, tựa hồ như đang có người chờ em ở đâu đó, như thể em phải đi đến một nơi nào đó. Khó khăn lắm em mới ráng ngồi lại cho hết buổi chiếu. Có lẽ lúc em đang xem phim cũng là lúc chồng em đang đánh trận. Suốt một tuần em không hề hay biết những gì đang xảy ra ở Afghanistan, tuy vậy em nhận được hai lá thư của chồng em. Thường thì trước đây, cứ mỗi lần nhận được thư là lòng em vui rộn rã, em đặt môi hôn lên bức thư, thế mà lần này em nổi giận và tự hỏi mình còn phải đợi anh ấy bao lâu nữa.

Đến ngày thứ 9 lúc 5 giờ sáng. Em nhận được bức điện tín, người ta bỏ nó qua khe cửa. Đấy là bức điện tín của bố mẹ chồng em viết rằng : « Đến ngay đi Pechia đã mất ». Đọc xong hàng chữ này, bất giác em thét lên một tiếng. Nghe tiếng la, con gái em thức giấc. Em phải làm gì bây giờ, em phải đi đâu bây giờ, em không có tiền. Em nhớ là em cuốn con em vào tấm mền nhỏ rồi bế con ra khỏi nhà. Khi đó trời hãy còn sớm nên xe bus chưa chạy. Em vẫy một chiếc taxi và bảo tài xế :

- Ông chở tôi ra phi trường.

- Không được tôi phải mang xe về gara.

Nói xong người tài xế đóng cửa xe lại. Em nói :

- Nhưng chồng tôi đã tử trận ở Afghanistan !

Thế là không nói một lời, người tài xế bước xuống và đỡ mẹ con em lên xe. Em phải ghé qua nhà một người bạn trước để mượn tiền. Ra đến phi trường, đã hết vé đi Maxcơva, nhưng em không muốn đưa bức điện tín cho nhân viên bán vé xem. Em sợ là người ta đã báo tin nhầm. Bởi vì nếu như em cứ tiếp tục tin là chồng em còn sống, thì biết đâu anh ấy lại chẳng bình an vô sự. Em òa khóc và mọi người đều nhìn em. Cuối cùng các nhân viên phi trường cũng đã cho em lên một chiếc máy bay nhỏ cũ kỹ để đi đến Maxcơva.

Đêm hôm sau em đến Minsk. Tại đây không một tài xế taxi nào muốn chở em về nhà bố mẹ chồng em bởi vì đường đi quá xa xôi, bố mẹ chồng em ở cách đó 150 km. Em nài nỉ, cuối cùng một tài xế taxi đã ưng thuận, ông nói :

- Đưa tôi 50 rúp tôi sẽ chở cô đi. Hai tiếng đồng hồ sau em về đến nhà bố mẹ chồng. Tại đây tất cả mọi người đều khóc. Em nói có thể người ta đã báo tin lầm.

- Không đâu Tamara ạ, đúng là Pechia đã mất.

Sáng hôm sau cả nhà cùng đến văn phòng tuyển quân. Ở đó người ta trả lời chúng em vắn tắt theo kiểu nhà binh : “ khi nào xác anh ấy được mang về đây chúng tôi sẽ thông báo cho thân nhân”. Cả nhà phải đợi thêm hai ngày nữa. Sau đó gia đình nhà chồng em điện thọai đến văn phòng tuyển quân của Minsk và nhận được câu trả lời hãy đến nhận xác anh ấy. Thế là cả nhà lại ra đi. Nhưng khi đến nơi, người ta lại bảo do có sự nhầm lẫn nên xác đã được mang đến Paranovitchi rồi. Paranovitchi ở cách Minsk đến 100 km mà chiếc xe chở cả nhà em lại không đủ xăng. Cuối cùng rồi chúng em cũng đến được Paranovitchi. Lúc ấy chẳng còn nhân viên nào ở phi trường cả bởi vì đã hết giờ làm việc, chỉ còn một nhân viên bảo vệ đứng ở chốt canh. Ông ta chỉ tay và nói :

- Ở đằng kia có một cái hòm, cứ đến xem đã. Nếu đúng là thân nhân của cô thì cô cứ việc mang về.

Qủa thực trên đường băng của phi trường có một chiếc hòm bẩn trên đó có ghi hàng chữ bằng phấn “ Trung úy Dopna”. Em đến giật miếng ván đậy hòm ra. Đúng là chồng em đây, gương mặt anh ấy còn nguyên vẹn nhưng bẩn và râu ria lởm chởm. Mùi tử khí bốc lên từ cái quan tài quá chật hẹp so với thân hình anh, vì vậy em không thể nào cúi xuống hôn anh. Người ta đã trả xác chồng em về như thế đó. Em đã quỳ xuống bên cạnh mảnh hình hài mà em yêu thương nhất trên đời.

Quan tài của chồng em là quan tài đầu tiên được đưa về làng Grazin thuộc huyện Starie Doroghi, một huyện của vùng Minsk. Quan tài của chồng em đã được hạ huyệt, nhưng khi những chiếc dây cu-roa vừa được kéo lên thì một cơn giông dữ dội kéo đến. Mưa đá đổ ập xuống những cây tử đinh hương đang mùa ra hoa. Những hạt mưa đá kêu sột sọat dưới bước chân người đi, tựa như người ta dẫm lên đá cuội trắng. Đất trời như phản đối cái chết của chồng em.

Em không thể nào rời khỏi ngôi nhà anh ấy bởi vì linh hồn anh hiện hữu nơi này. Bố anh tựa hồ như người điên, ông hét lên : « một thằng như Pechia mà chúng nó lại đem vào chỗ chết, chính chúng nó đã giết con tôi ». Mẹ anh và em cố giải thích với ông rằng Pechia đã được tặng huânn chương, rằng nước Nga cần đến Afghanistan vì nước Nga phải bảo vệ vùng biên giới phía nam. Nhưng ông bỏ ngoài tai những lời giải thích và lớn giọng chửi : « Bọn khốn nạn ».

Sau khi chôn cất chồng xong, em phải sống qua một thời kỳ khủng khiếp. Nhưng điều khủng khiếp nhất là em phải làm quen với cái ý tưởng : mình không nên chờ đợi nữa, mình không còn ai để đợi chờ nữa. Phải mất một thời gian dài em mới hiểu ra rằng, từ nay em chỉ còn một mình trên đời với Oleska, con gái em. Em chẳng thiết gì đến lễ lạc, tiệc tùng nữa, em cũng không còn lui tới thăm viếng bạn bè nữa. Trong em chỉ còn lại kỷ niệm, những kỷ niệm đẹp nhất. Nhiều năm liền, trong cơn mơ em vẫn thấy lại buổi đầu gặp gỡ. Anh ấy vĩnh viễn ra đi đã được tám năm, vậy mà em vẫn thường chiêm bao thấy anh, trong mơ em luôn van xin anh hãy cưới em một lần nữa. Nhưng lần nào cũng vậy anh xua đuổi em và bảo : « Không, không ! ».

Em vẫn nuối tiếc anh ấy, không phải vì anh ấy chỉ là chồng em, mà anh ấy còn là một người đàn ông thật tuyệt vời, một thân hình cao lớn lực lưỡng. Em tiếc là không có với anh ấy một đứa con trai. Em trở thành thiếu phụ khi mới hai mươi bốn tuổi.

Một tháng đầu sau khi anh ấy mất, em nghĩ là mình có thể ưng thuận bất cứ một người đàn ông nào. Lúc đấy em điên mất rồi, em không biết phải bám víu vào đâu. Quanh em cuộc sống vẫn cứ tiếp tục như trước, người thì xây nhà nghỉ mát hay sắm xe, kẻ thì dọn đến căn hộ mới, cần sắm thảm hay gạch hồng lát bếp... Cuộc sống bình thường của những người quanh em luôn nhắc cho em rằng cuộc sống của chính bản thân mình không bình thường chút nào.

Vào thời Đệ nhị thế chiến, tất cả mọi người đều sống trong bất hạnh, cả đất nước sống trong khổ đau, ai cũng mất đi một người thân và mọi người đều biết rõ vì sao. Thời ấy tất cả phụ nữ đều đồng lọat cất lên tiếng than ai oán. Ngày nay trong trường dạy nấu ăn, nơi em làm việc, có một trăm nữ nhân viên. Em là người duy nhất có chồng bỏ mình trong một cuộc chiến mà những người khác chỉ được biết đến qua báo chí. Lần đầu tiên trên truyền hình, khi nghe thấy người ta giải thích chiến tranh Afghanistan là một cuộc chiến ô nhục thì xuýt nữa em đã đạp vỡ tivi rồi. Hôm ấy em có cảm tưởng là chồng em đã chết đi lần thứ hai.

Svetlana Alexievitch viết : « Người Xô Viết chịu số phận của một con bươm bướm bị sa vào đống vữa bê tông do đó người Xô Viết bị vướng mắc trong vòng luẩn quẩn của những suy nghĩ và hành vi xơ cứng. Với chiến tranh Afghanistan, chất bê tông này bắt đầu rạn nứt ».

Thật vậy hai năm sau khi Maxcơva triệt thóai quân đội khỏi Afghanistan, một năm sau khi tác phẩm ''Những quan tài kẽm'' được xuất bản, Liên Xô không còn nữa. Thế nhưng hậu quả của những « lời nói dối tuyệt vời », dư chấn của những thảm họa vùi lấp quá lâu trong ký ức, vẫn để lại trong tâm hồn Nga nhiều vết thương không lành.

Sau tác phẩm Những quan tài kẽm, Svetlana Alexievitch đã tiếp tục lục sóat những điều ẩn giấu trong sâu thẳm đáy lòng người Nga. Với tập sách Những kẻ bị mê hoặc vào cõi chết - 1995Cuộc điều tra về Tchernobyl, chứng từ thế giới sau ngày tận thế - 1997, sự nghiệp văn học của Svetlana Alexievitch có thể được xem là cố gắng phi thường của một ngòi bút nhỏ máu để đối chiếu tâm hồn Nga với những bộ mặt khác nhau của cái ác đã xuất hiện trong cuộc sống người Xô Viết ở thế kỷ 20.

(Phần V) : Thủ lĩnh Cộng sản cuối cùng của Đông Đức viết nhật ký trong tù

Hoàng Nguyễn

Bài đăng ngày 12/03/2009

Lãnh tụ Đông Đức Egon KrenzPhoto: Wikipedia

Lãnh tụ Đông Đức Egon Krenz
Photo: Wikipedia

“Chúng tôi định mở cửa biên giới chậm hơn 1 ngày, nhưng Günter Schabowski đã vội vàng tuyên bố điều đó” - Egon Krenz (71 tuổi), nhà lãnh đạo Đảng và Nhà nước Đông Đức một thời khẳng định như vậy trong cuốn nhật ký ông viết trong tù, mới được ấn hành và ra mắt vào trung tuần tháng 2-2009 vừa qua.

Từ thủ lĩnh cộng sản đến một tù nhân

Là vị thủ lĩnh cộng sản cuối cùng của CHDC Đức, Egon Krenz là người kế nghiệp lãnh tụ Erich Honecker - nổi tiếng với lời tiên tri bất thành “bức tường Berlin có thể sẽ còn tồn tại 50, 100 năm nữa, nếu những lý do khiến nó xuất hiện vẫn còn” -, khi ông này phải từ chức vào mùa thu năm 1989. Tuy nhiên, Krenz cũng chỉ tại vị được một thời gian rất ngắn: những biến cố dồn dập diễn ra vào thượng tuần tháng 11-1989, dẫn đến sự sụp đổ của bức tường Berlin, đã nhấn chìm ông và các đồng chí khác trong Đảng Công nhân Xã hội Thống nhất Đức (tức Đảng Cộng sản Đông Đức).

Ngày 6-12-1989, ông phải từ chức chủ tịch Hội đồng Nhà nước và tới tháng 1-1990, ông còn bị khai trừ khỏi đảng. Sau khi nước Đức thống nhất, nhiều thành viên Ban lãnh đạo thượng đỉnh Đảng Cộng sản Đông Đức đã bị đưa ra tòa như những kẻ phải chịu trách nhiệm trực tiếp vì cái chết của nhiều công dân Đông Đức tại đường biên giới Đông – Tây, thông qua việc ra chỉ thị nổ súng không thương tiếc và do dự vào người di tản. Riêng Egon Krenz còn bị cáo buộc về tội giả mạo các kết quả bầu cử chính quyền tự quản ở CHDC Đức năm 1989, trên cương vị chủ tịch Ủy ban Bầu cử Quốc gia.

Trong một vụ án kéo dài từ năm 1992, vào năm 1997, Krenz đã bị án tù 6 năm 6 tháng, nhưng thực tế ông được phóng thích 18 ngày sau khi bản án được tuyên vì trước đó, trong suốt thời gian diễn ra phiên tòa, ông bị tạm giam.

Nhưng chưa hết, năm 1999, Tòa án Liên bang đã mở phiên tòa xé lại phán quyết năm 1997. Đến năm 2000, tòa lại tuyên án 6 năm rưỡi tù giam đối với Krenz. Sau gần 4 năm ngồi tù trong những điều kiện rất “lý tưởng”, tháng 12-2003, ông đã được tại ngoại, hưởng án tù treo trong thời gian thử thách. Thời gian thụ án, Egon Krenz đã viết hồi ký “Ghi chép trong tù” - một thứ “ngục trung nhật ký” chứa chan những cảm xúc hoài niệm.

Buổi ra mắt sách gây tiếng vang

Sách của Egon Krenz được ra mắt vào một ngày thứ Tư trung tuần tháng Hai 2009. Báo chí Đức đưa tin: tối hôm đó, tại phòng biên tập trước kia của tờ “Neues Deutschland” - từng là cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Đông Đức, nay đã được khoác lên mình tấm áo mới -, người tới dự có cảm giác như được đi ngược dòng thời gian để trở về bầu không khí Đông Đức thuở nào. Chừng 300 người đã tới dự buổi ra mắt sách có tiếng vang lớn này.

Các nhân chứng cho hay: cử tọa gồm toàn những người hưu trí, đa phần từng là đảng viên cộng sản. Nhiều tờ báo còn cho rằng, trong số họ có rất nhiều cựu mật vụ Stasi (Cơ quan An ninh Quốc gia Đông Đức). Điều này không phải hoàn toàn vô cơ sở nếu chúng ta biết rằng, trong những năm qua, NXB ấn hành cuốn hồi ký của Krenz đã xuất bản nhiều cuốn sách của các cựu nhân viên Stasi và các cựu cán bộ đảng Đông Đức. (Các tác giả này, hầu như không có ngoại lệ, đều tìm cách lý giải cho sự hiện diện và tồn tại của bức tường Berlin, cho chỉ thị nổ súng vào những người di tản và nói chung, cho sự đàn áp tàn bạo đối với những người bất đồng chính kiến trong thể chế cũ).

Cố nhiên, “nhật ký trong tù” của Egon Krenz cũng thuộc hàng những tác phẩm kể trên, trong đó, vị cựu thủ lĩnh cộng sản này đã tiết lộ nhiều sự kiện theo chiều hướng nửa thú nhận, nửa biện bạch cho quá khứ.

Hoài nhớ thời XHCN Đông Đức

Chẳng hạn, ông khẳng định: Ban lãnh đạo đảng dự định tuyên bố mở biên giới Đông Đức vào ngày 10-11-1989, chỉ thị mở biên giới được ấn định vào ngày đó. Tuy nhiên, một đồng chí của ông, Günther Schabowski, thời đó cũng là ủy biên Bộ Chính trị, đã “thiếu tập trung” đến mức ngay trong chương trình TV được truyền hình trực tiếp, ông đã vội vã tuyên bố mở biên giới “có hiệu lực ngay lập tức”. Chỉ đến khoảng 21 giờ tối cùng ngày, Krenz mới được biết về những gì đã xảy ra, nhưng khi đó đã quá muộn và ông đành bất lực.

Theo lời Krenz trong buổi ra mắt sách, với việc đảm bảo quyền tự do đi lại của các công dân Đông Đức, Ban lãnh đạo Đảng muốn “cải tổ nước Đức”. Được cử tọa vỗ tay vang dội hưởng ứng, Egon Krenz đòi hỏi những công dân Đông Đức cũ phải được hưởng sự tôn trọng ở mức độ cao hơn. “Những ai đã sống ở CHDC Đức đều không cần phải hổ thẹn”, ông phát biểu và khẳng định: nhiều người Đông Đức cũ hiện nay vẫn bị gạt bỏ ra khỏi đời sống xã hội.

Trong hồi ký, vị cựu chính khách – từng trải qua 3 nhà tù ở Berlin – đã dùng những lời lẽ gay gắt khi phàn nàn về thái độ “lên mặt” của đội ngũ lính canh tù. Theo ông Krenz, nhất là vào thời gian đầu, họ không coi ông ra gì và nhiều lần còn hạ nhục ông. Cứ mỗi lần ông muốn hỏi bất cứ điều gì, đám lính canh lại bảo “đây không phải là Đông Đức!” Như Krenz hồi tường, ấn tượng khủng khiếp nhất mà ông phải trải qua là khi ông phải cởi hết quần áo, và các lính canh dùng găng ca su để khám xem ông có giấu gì trong hậu môn hay không. Krenz châm biếm: “Có lẽ người ta tò mò, xem ở đó có tên lửa bí mật có thể khiến tôi đào tẩu xuyên qua bức tường trại giam? Hay họ hy vọng rằng bao nhiêu tỉ Mark thất lạc của Đảng Cộng sản Đức sẽ được tìm thấy ở đó?” Ngoài ra, như lời Krenz khẳng định trong buổi ra mắt sách, “cám ơn những lời thăm hỏi, tôi khỏe”.

Hiện ông sống tại một ngôi nhà không lớn lắm, nhưng tuyệt đẹp, tại một làng ven biển đầy nắng và gió ở tỉnh Mecklenburg. “Đặc biệt, mỗi khi hè đến, người dân lại đứng ngoài cánh cửa vườn nhà tôi, họ xin tôi chữ ký và chụp ảnh cùng tôi”, Krenz tự hào kể, và cho biết hiện tại ông ít quan tâm đến tương lại: “Chủ yếu tôi để tâm tới quá khứ, tôi muốn giải nghĩa quá khứ”. Tuy nhiên, ông già 71 tuổi này vẫn có quan điểm trước sau như một đối với lời cáo buộc mà vì nó, ông đã phải ngồi tù nhiều năm: theo ông, lệnh xả súng vào những người vượt biên là hợp hiến và phù hợp với “luật pháp nhân dân”!

(Phần VI) : Sự bù đắp của lịch sử Tiệp Khắc thông qua một vụ xét xử mang tính tiền lệ

Bài đăng ngày 20/03/2009

Bà Ludmila, cựu Công tố viên Nhà nước Tiệp Khắc bị xử phạt 6 năm tù giam

Bà Ludmila, cựu Công tố viên Nhà nước Tiệp Khắc bị xử phạt 6 năm tù giam

Đó là trường hợp tiêu biểu cuả bà Ludmila Brozova - Polednova, cựu Công tố viên Nhà nước Tiệp Khắc thời cộng sản. Tuy đã rất cao tuổi, nhưng bà Ludmila vẫn bị kết án 6 năm tù giam, vì bà đã từng tham gia vào các vụ án ngụy tạo vào những năm 1950

Thông tín viên Hoàng Nguyễn, Budapest

20/03/2009

Ngày 20-3-2009 là thời hạn mà Tòa án Praha (Cộng hòa Czech) buộc một bị cáo đã 87 tuổi - bà Ludmila Brozová-Polednová - phải vào tù thọ án. Đồng thời, tòa cũng tính đến khả năng phải đưa ngay người phụ nữ đứng tuổi này vào một bệnh viện dành cho tù nhân và dựa trên kết quả kiểm tra sức khỏe tại đó để có quyết định về những tháng ngày sắp tới của bà.

Vậy, bà Brozová-Polednová là ai, và đã làm gì để cơ quan tư pháp và hành pháp của Cộng hòa Czech phải có thái độ quyết liệt như vậy, ngay cả khi người phụ nữ này đã ở tuổi rất gần đất xa trời? Thông tín viên Hoàng Nguyễn tường trình từ Budapest.

Án tử hình ngụy tạo cho một nữ chính khách

Để trả lời câu hỏi đó, phải trở lại những năm đầu của thập niên 50 thế kỷ trước. Theo hình mẫu của các vụ án ngụy tạo Moscow những năm 30, các nước Đông Âu – dưới sự lãnh đạo của các Đảng Cộng sản do Liên Xô đỡ đầu - đều có những “sản phẩm” riêng của mình.

Nhiều yếu nhân của Đảng Cộng sản các quốc gia Đông Âu – như Kostov (Bulgaria), Slánský (Tiệp Khắc), Rajk László (Hungary)… -, cùng các chính khách đối lập đương thời, đã trở thành nạn nhân trong những phiên tòa được dàn dựng công phu và ngoạn mục, mang tính “trình diễn”, để bị tù đày hoặc thậm chí tử hình với những lời buộc tội bịa đặt.

Chỉ riêng tại Tiệp Khắc thời gian ấy, đã có chừng 250 người trở thành nạn nhân trong các phiên tòa ngụy tạo. Một trong những phiên tòa lớn nhất, được công luận để ý nhất, đã diễn ra vào năm 1950 dưới sự thông đồng của chính quyền CS và nhóm công tố viên nhà nước, trong đó, có một nữ công tố viên hiện vẫn còn sống.

Đó là bà Ludmila Brozová-Polednová, đã bị bản án 6 năm tù giam có hiệu lực pháp lý từ tháng Chín năm ngoái.

Nhân vật trụ cột của phiên tòa ngụy tạo

Trong vụ án ngụy tạo nhắc tới ở trên, bà Polednová là một trong 4 công tố viên nhà nước và được coi như một trụ cột của vụ án.

Theo các tư liệu mới được bạch hóa, sở dĩ nữ công tố viên Polednová được chính quyền đưa vào thành phần của nhóm công tố nhà nước để trong phiên tòa, trước đông đảo cử tọa, bà ta sẽ nhận phần buộc tội một nữ chính khách tên là Milada Horáková, bị cáo nữ duy nhất bị án tử hình trong các vụ án ngụy tạo thời đó ở Tiệp Khắc.

Horáková là một nhân vật sáng giá trên chính trường Tiệp Khắc và quốc tế. Trước khi Đảng Cộng sản Tiệp Khắc lên nắm quyền vào năm 1948, bà Horáková là một chính khách uy tín của Đảng Xã hội Quốc gia Tiệp Khắc, một chính đảng có quan điểm chống phát-xít triệt để.

Tuy nhiên, sau 1948, những người cộng sản lại coi các thành viên đảng này là kẻ thù. Trong phiên tòa xét xử bà Horáková và một số chính khách khác, có 4 án tử hình đã được tuyên, bên cạnh 3 án tù chung thân; 5 bị cáo khác bị tù giam 15-28 năm. Mặc dù bản án tử hình đối với bà Horáková đã bị rất nhiều nhân sĩ nổi tiếng trên thế giới phản đối, trong đó có nhà bác học Albert Einstein, bản án vẫn được thi hành vào ngày 27-6-1950.

Những phán quyết của phiên tòa kể trên - dựa trên các bằng cứ ngụy tạo – đã được xóa bỏ trong Mùa xuân Praha 1968, tuy nhiên, cá nhân bà Horáková chỉ được phục hồi sau khi Tiệp Khắc thay đổi thể chế chính trị năm 1989.

Mọi việc tưởng như trôi vào quên lãng, khi vào năm 2007, tức là sau 57 năm, Cộng hòa Czech đã phát hiện ra những bằng cứ cho thấy, cựu công tố viên nhà nước Polednová đã tham gia quá trình khởi thảo bản cáo trạng ngụy tạo khiến bà Horáková phải chịu án tử hình!

Theo những tư liệu được bạch hóa bởi Cục Điều tra và Thu thập những Tội ác của Chủ nghĩa Cộng sản (Cộng hòa Czech), bà Polednová không chỉ đã tích cực tham gia trong vụ án được dàn dựng, mà những hành động của bà còn đi ngược lại những điều khoản của Bộ Luật Hình sự đương thời.

Qua nhiều phiên tranh tụng căng thẳng, phiên tòa chung thẩm vào tháng 9-2008 đã kết luận: vì những tội trạng góp phần gây nên án tử hình đối với nữ chính khách Horáková, bà Polednová có tội tham dự hành vi giết người và phải chịu bản án 6 năm tù giam!

Sự bù đặp của lịch sử thông qua một phán quyết mang tính tiền lệ

Tại Cộng hòa Czech, vụ án trên được công luận coi là mang tính biểu tượng và tiền lệ, ở chỗ nó chứng tỏ rằng những tội lỗi nghiêm trọng nhất của quá khứ không bao giờ hết thời hiệu! Như nhận định của một nhật báo Czech, “mục đích cao nhất không phải là để những thủ phạm hiện nay đã rất cao tuổi phải vào tù, mà là một sự đền bù của lịch sử”.

Một trong rất nhiều ý kiến hưởng ứng phán quyết của cơ quan tư pháp Czech cho rằng, rất cần để bị cáo phải vào tù, chỉ cần trong một ngày, để hiểu được sự bi thảm của tấn thảm kịch mà bà ta đã gây ra cho các thủ phạm.

Trực diện và sòng phẳng với quá khứ, để những thủ phạm phải chịu trách nhiệm với những gì đã gây ra, không chỉ là vấn đề của Cộng hòa Czech. Tại Hungary, Ba Lan, CHLB Đức…, trong một số vụ án tương tự, các bị cáo đã viện cớ “chỉ thực hiện bổn phận mà cấp trên giao phó”, “chuyện xảy ra lâu quá rồi, đã hết thời hiệu”… để tránh tội và trong nhiều trường hợp, họ đã thành công trong bối cảnh Đông Âu đã thiết lập được những nền tư pháp tương đối dân chủ, công bằng và không nhằm mục đích “báo thù”.

Tuy nhiên, như trường hợp đối với bà Brozová - Polednová cũng cho thấy, trong những trường hợp này, phán quyết của cơ quan tư pháp vẫn có thể khiến lương tâm các thủ phạm luôn phải ám ảnh về những tội lỗi của họ. Những tội ác không bao giờ hết thời hiệu !

(phần VII) - Günter Schabowski, ủy viên bộ chính trị đảng Cộng sản Đông Đức : "Bức Tường Berlin sụp đổ là một tất yếu lịch sử"

Trọng Nghĩa

Bài đăng ngày 10/04/2009

Người Đông Đức trèo tường qua Tây Berlin vào tháng 11 năm 1989

Người Đông Đức trèo tường qua Tây Berlin vào tháng 11 năm 1989

Hai mươi năm sau ngày bức tường Berlin sụp đổ, người công bố lệnh cho dân Đông Đức tự do qua phương Tây vào lúc ấy, ông Günter Schabowski vừa xuất bản hồi ký và thừa nhận sự kiện đó là một ''tất yếu lịch sử''. Thông tín viên Hoàng Nguyễn tường trình từ Budapest.

Trong một bài phỏng vấn về vai trò của ông trong những sự kiện cách đây 20 năm, ông Günter Schabowski, một cựu lãnh tụ cộng sản Đông Đức đã tuyên bố vào trung tuần tháng 3/2009 rằng vụ vức tường Berlin “sụp đổ là tất yếu lịch sử !”

Trên cương vị ủy viên Bộ Chính trị Đảng Công nhân Xã hội Thống nhất Đức (Đảng Cộng sản Đông Đức), vào ngày 09/11/1989 định mệnh, ông Schabowski đã thay mặt Đảng thông báo những biện pháp của nhà nước cộng sản Đông Đức để “tạo điều kiện” cho công dân nước này “xuất ngoại” một cách dễ dàng hơn.

Trả lời một câu hỏi bất ngờ của giới ký giả về hiệu lực pháp lý của quyết định kể trên, do bối rối nên ông đáp “có hiệu lực tức thì”. (*) Câu trả lời ấy được cư dân Đông Đức hiểu theo nghĩa biên giới ngăn cách Đông – Tây đã được mở. Hàng trăm ngàn người dân đã “phong tỏa” các cửa khẩu, bắt đầu công cuộc dỡ bức tường Berlin.

"Chúng ta đã làm hỏng mọi thứ"

Năm nay đã 80 tuổi, ông Schabowski vừa cho ra mắt cuốn sách “Hầu như chúng ta đã làm hỏng mọi thứ” (Wir haben fast alles falsch gemacht) về những ngày tàn của Cộng hòa Dân chủ Đức. Liên quan đến những sự kiện đã xảy ra, nhắc đến vai trò của mình, cựu chính khách cộng sản này cho rằng, trong thực tế, ông đã xử sự như một “công cụ của lịch sử”. Trong một dịp trả lời phỏng vấn, Schabowski khẳng định: “Sự sụp đổ của bức tường Berlin là một tất yếu lịch sử”, nhưng ông cũng nhấn mạnh: “Thời đó, cả tôi, cả các chính khách Phương Tây đều chưa ý thức được tác động của việc bức tường sụp đổ”.

Schabowski nhắc tới một thực tế: thể chế cộng sản đương thời không chỉ cáo chung tại Cộng hòa Dân chủ Đức, mà sự sụp đổ của nó cũng đang ở giai đoạn cuối tại Liên Xô. Chính quá trình diễn ra ở trung tâm của chủ nghĩa Cộng sản ở Maxcơva – cho dù có phần chậm trễ hơn - nhưng đã góp phần để các “quốc gia sen đầm” buộc phải rời vũ trường chính trị trước thời hạn.

Trong những năm cuối cùng của Cộng hòa Dân chủ Đức cộng sản, ông Schabowski là thành viên nhóm cải tổ trong Đảng Cộng sản Đông Đức. Ông là lãnh tụ cộng sản duy nhất ở Đức đã đứng về phía phong trào phản kháng của cư dân nước này, dẫn tới sự sụp đổ của Đông Đức. Đầu tháng 12-1989, Schabowski ra khỏi Ban lãnh đạo đảng, rồi ông bị khai trừ khỏi đảng vào cuối tháng 1-1990.

Cựu lãnh đạo Đông Đức duy nhất thửa nhận lỗi lầm quá khứ

Do những tuyên bố mang tính “phản tỉnh”, phê phán bản thân và chế độ độc đoán thời cộng sản ở Cộng hòa Dân chủ Đức, sau khi nước Đức thống nhất, quan hệ giữa Schabowski và các đồng chí cũ tồi đi trông thấy. Thời gian 1992-1999, ông ra một tờ báo địa phương tại vùng Hessen. Năm 1993, Schabowski bị buộc tội giả mạo kết quả bầu cử thời Đông Đức, nhưng đến năm 1997 lời cáo buộc này được đình chỉ. Cũng trong thời gian đó, cùng nhiều thành viên Ban lãnh đạo thượng đỉnh Đảng Cộng sản Đông Đức, Schabowski còn bị ra tòa và chịu bản án 3 năm tù giam (tháng 8-1997) bởi lệnh nổ súng không thương tiếc vào những người di tản bên bức tường Berlin. Trái với các đồng sự, Schabowski chấp nhận phán quyết này và thừa nhận trách nhiệm đạo đức trước cái chết của những người vượt biên. Ông phải thụ án tại nhà tù Berlin-Spandau và được phóng thích ngày 2-12-2000.

Là một chứng nhân quan trọng của những sự kiện 20 năm trước, nhưng đồng thời, Schabowski cũng là lãnh tụ Đông Đức duy nhất thừa nhận những tội lỗi đã phạm phải dưới chế độ cộng sản. Trong cuốn sách mới ấn hành mới đây, ông vẫn bảo lưu cái nhìn này, một quan điểm trái ngược với Egon Krenz và nhiều nhân vật cộng sản “chính thống” khác của Cộng hòa Dân chủ Đức.

-----------------------------------------------------------

(*) Theo hồi ký được ra mắt vào trung tuần tháng 2-2009 của Egon Krenz, cựu tổng bí thư cuối cùng của Đảng Cộng sản Đông Đức, nước này “ định mở cửa biên giới chậm hơn 1 ngày, nhưng Günter Schabowski đã vội vàng tuyên bố điều đó.

(Phần VIII). Mồng 2/5/1989 : Bức màn sắt bắt đầu bị dỡ bỏ tại biên giới Áo-Hung

Bảo Thạch, Hoàng Nguyễn

Bài đăng ngày 01/05/2009 Cập nhật lần cuối ngày 02/05/2009 10:42 TU

Hai ngoại trưởng Hungary và Áo dùng kềm để cắt hàng rào kẻm gai tại Sopron, năm 1989 (DR)

Hai ngoại trưởng Hungary và Áo dùng kềm để cắt hàng rào kẻm gai tại Sopron, năm 1989 (DR)

Những người lính biên phòng của Hung, vào lúc đó, đã dùng những cái kềm to lớn để cắt bỏ các hàng rào kẽm gai dày đặc. Họ không ngờ rằng hành động này sẽ thúc đẩy hàng trăm ngàn người dân Đông Đức bỏ phiếu bằng chân, đi tìm Tự Do và dẫn đến sự sụp đổ của bức tường Berlin sáu tháng sau.

Vì sao mồng 2 tháng 5, cách nay đúng 20 năm, Hungary lại đơn phương trong khối xã hội chủ nghĩa, khởi công việc giải thể Bức màn sắt này ?

Đây là một hành động có tính toán hay chỉ là một trong nhiều thao tác đã tạo nên dây chuyền sụp đổ của chủ nghĩa cộng sản ?

Ngày nay những người lính biên phòng Hung là các chứng nhân của sự kiện này, kể lại : vào tháng hai năm 1989, họ bắt đầu tháo gỡ các hàng rào kẽm gai có gài điện, tại bốn địa điểm trên bức màn sắt chia đôi Hungari và Áo, vì bức màn sắt này quá cũ kỹ, còi báo động cứ cất lên liên tục khi có mưa bão hay khi bị một con thú rừng nào chạm phải.

Lý do thứ hai là theo lệnh cấp trên, họ phải chuẩn bị tân trang lại các cửa khẩu biên giới với nước Áo.

Vào tháng bảy, họ lại được lệnh phá bỏ toàn bộ bức màn sắt này trên suốt chiều dài 260 cây số với nước Áo. Nhưng thay vào đó là gì ? Biên giới với nước Áo sẽ ra sao ? Kỳ thật, theo các người lính biên phòng này kể lại, vào tháng tám 1989, trong tình trạng chia rẽ trong nội bộ khiến guồng máy chính quyền tê liệt, họ mới nhận được câu trả lời : không cần làm gì nữa ! Từ đó, biên giới với Áo kể như không hiện hữu.

Làn ranh đen trên bản đồ : bức màn sắt phân chia hai khối Đông-Tây (DR)

Làn ranh đen trên bản đồ : bức màn sắt phân chia hai khối Đông-Tây (DR)

Việc dỡ bỏ một phần và sau đó, toàn bộ Bức màn sắt được ông Imre Pozsgay, lúc đó là nhân vật thứ hai của chế độ cộng sản Hung, sau lãnh đạo kỳ cựu Janos Kadar, ngày nay giải thích như sau : ‘’Kể từ giữa thập niên 80, tôi đã chắc chắn là cải tổ chế độ cộng sản là điều bất khả và Hungari phải đi theo chế độ đa đảng dân chủ theo kiểu phương Tây’’.

Ông Pozsgay tuyên bố với báo chí trên mạng Vif/ l’Express rằng vào tháng giêng 1989, nhân cơ hội một bản báo cáo về tình trạng lạc hậu của Bức màn sắt được lưu hành và sự cần thiết phải tân trang lại, ông đã tìm cách khởi động việc giải thể các hàng rào biên giới cũ kỹ này với ý định víết trang sử mới. Nhìn lại khoảnh khắc 1989 tại Hungari, có thể thấy ba động lực hỗ tương với nhau, tạo thành tích mà ít ai lường trước.

Dân Đông Đức mượn cánh cửa Hungari để vượt biên, tìm tự do tại Tây Đức (DR)

Dân Đông Đức mượn cánh cửa Hungari để vượt biên, tìm tự do tại Tây Đức (DR)

Thứ nhất : về mặt kỹ thuật, bức màn sắt tại Hungari có gài điện đã quá cũ kỹ, không thể sử dụng như trước.

Thứ nhì : về mặt chính trị, trong lòng chế độ, sự bật dậy của các xu hướng đòi cải tổ hay thay đổi thể chế.

Thứ ba : về mặt kinh tế, lãnh đạo Hung cần phát triển trao đổi mậu dịch, văn hóa, du lịch với phương Tây và cần đầu tư của các nước tư bản.

Nhưng rất mau chóng có một hiện tượng sẽ thay đổi toàn cục diện : đó là hàng trăm ngàn dân Đông Đức ồ ạt mượn cánh cửa Hungari để vượt biên, tìm tự do tại Tây Đức. Đỉnh cao của phong trào này diễn ra tại ‘’Pich-nich toàn Âu’’ tháng 8 năm 1989.

20 năm trước tại Hungari : từ dỡ bỏ“Bức màn sắt" đến mở biên giới cho một Châu Âu thống nhất - Thông tín viên Hoàng Nguyễn, Budapest

Thông tín viên Hoàng Nguyễn, Budapest

01/05/2009

“Bức màn sắt” - có thể hiểu theo cả nghĩa vật lý lẫn biểu tượng của từ này - là một ẩn dụ về chính trị để chỉ sự chia cắt thời Chiến tranh lạnh của Châu Âu, bắt đầu từ cuối Đệ nhị Thế chiến đến năm 1991, khi CNCS sụp đổ tại Liên Xô và khối Đông Âu.

Thuật ngữ này được phổ biến từ khi được thủ tướng Anh Churchill sử dụng trong bài phát biểu "Nguồn tiếp sức cho Hòa bình" (đọc ngày 5-3-1946 tại Đại học Westminster, Fulton, Missouri): “Từ Szczecin ở Baltic cho đến Trieste ở Adriatic, có một "bức màn sắt" đã chạy dọc theo Lục địa. Phía sau bức màn đó là tất cả những thủ đô của những quốc gia cổ ở vùng Trung và Đông Âu. Warszawa, Berlin, Praha, Wien, Budapest, Beograd, Bucharest và Sofia.

Tất cả những đô thị nổi tiếng này cùng dân cư lân cận đang nằm trong thứ mà tôi phải gọi là vùng ảnh hưởng của Liên Xô, và tất cả đều phải lệ thuộc, bằng cách này hay cách khác, vào không chỉ sự ảnh hưởng của Liên Xô, mà còn vào sự kiểm soát rất chặt chẽ và trong một số trường hợp, ngày càng tăng, từ Moscow”.

Hungary: Bức màn sắt qua 4 thập kỷ

Dài 260km, bức màn sắt phân cách Hungary - Áo ngăn cách nước này với cái gọi là “thế giới tư bản” được dựng lên từ năm 1949 để ngăn chặn những vụ vượt biên không được chính quyền cộng sản cho phép. Bức màn sắt này, tất nhiên, còn nhiệm vụ hạn chế thông tin và mọi ảnh hưởng đến từ Phương Tây.

Về mặt thực thể, cần hình dung đó là một hàng rào dây thép gai kèm một số giải pháp kỹ thuật, như bãi mìn dọc biên giới hoặc hệ thống báo động có thể cách biên giới hàng chục cây số, nhằm phát hiện kịp thời những ai lạc vào "vùng cấm địa".

Tại Hungary, cho đến những năm cuối của thập niên 80 thế kỷ trước, bức màn sắt cùng hệ thống kiểm tra kèm theo đã tỏ ra lạc hậu cả về mặt kỹ thuật lẫn chính trị. Một thống kê cho thấy hai phần ba số lần báo động ở biên giới, thực ra do mưa bão hoặc thú hoang gây ra. Sự khôi phục bức màn thép, về mặt tài chính, là rất tốn kém (hàng tỉ Forint) vì một điều thú vị là hàng rào thép không rỉ cũng như phương tiện kỹ thuật lại phải mua từ Phương Tây.

Hơn nữa, năm 1987, dân Hungary đã có “hộ chiếu thế giới” và có thể “xuất ngoại” một cách hợp pháp, nên Hungary dần dần trở thành quốc gia tiếp nhận dân nhập cư từ Romania và Tiệp Khắc; hơn 90% thử nghiệm vượt biên là theo chiều ngược lại, tức là từ nước ngoài vào Hungary. Hàng năm, chỉ còn 100-150 người Hung vượt biên trái phép tại biên giới Áo - Hung, vì những lý do bất thường như say xỉn, thi trượt… Ngoài ra, bức màn sắt còn ngăn cản giao thương, du lịch và gây phiền hà cho cư dân sống trong vùng biên, vì họ chỉ được xuất nhập cảnh tại một vài cửa khẩu, trong thời gian hạn chế.

Như vậy, 2 năm trước khi Hungary thay đổi thể chế chính trị, lãnh đạo Cơ quan Biên phòng Hungary đã đề xuất dỡ bỏ “bức màn sắt” vì nó không còn lý do tồn tại, cả về mặt chính trị, đạo đức và kỹ thuật. Như lời ông Székely János, Tư lệnh Cơ quan Biên phòng Quốc gia Hungary thời ấy: nếu dân Hungary đã có “hộ chiếu thế giới” thì việc “bao bọc nửa đất nước” bằng bức màn sắt là vô cơ sở!

“Dỡ thử” bức màn sắt : dè dặt và chờ đợi

Đề xuất năm 1987 của Cơ quan Biên phòng Hungary đã nhanh chóng nhận được sự ủng hộ của Bộ Nội vụ nước này. Đảng Cộng sản và chính phủ Hung đương thời cũng tỏ ra đồng ý với sự cần thiết phải dỡ bỏ bức màn sắt, tuy nhiên, ý thức được rằng đây là một vấn đề lớn, mang tính chính trị và có tầm ảnh hưởng đáng kể trong cả khối XHCN, nên họ đã chờ đợi cho đến đầu năm 1989.

Ngoài ra, một điều thú vị là không ai muốn nhận về mình nhiệm vụ “nhạy cảm” này. Chính phủ Hungary chờ đợi một quyết định chính trị từ Đảng Cộng sản, trong khi Ban lãnh đạo đảng lại cho rằng, bức màn sát quả thực đã được xây dựng trên cơ sở một nghị quyết của Bộ Chính trị, nhưng trong thực tế, nó thuộc thẩm quyền của chính phủ, do đó việc dỡ bỏ nó phải do chính phủ công bố.

Ngày 28-2-1989, khi Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Hungary thông qua quyết định hủy bỏ bức màn sắt, thì nước Hung đã kinh qua những sự kiện lớn, như công nhận sự kiện 1956 là một cuộc khỏi nghĩa nhân dân. Trong những ngày tháng sau đó, xã hội dân sự của Hung đã có những bước chuyển lớn, qua sự hình thành và hoạt động của Bàn tròn Đối lập, hoặc với những cuộc biểu tình, tuần hành lớn, thu hút sự quan tâm của đông đảo cư dân. Tuy nhiên, để biến một nghị quyết mang tính “taboo” như trên thành hiện thực, Hungary vẫn phải nhìn trước ngó sau, dù họ không tính đến sự can thiệp theo chiều hướng bất lợi của “Ông anh cả” Liên Xô trong vấn đề này.

1989, xe hơi trabant nối đuôi nhau sang Tây Âu (DR)

1989, xe hơi trabant nối đuôi nhau sang Tây Âu (DR)

Những động thái dè dặt đầu tiên được Cơ quan Biên phòng Hungary thực hiện tại biên giới Hungary – Áo vào ngày 18-4-1989. “Thử nghiệm” không chính thức này – không được đài báo, truyền thông công bố - mang tính thăm dò thái độ của Điện Kremlin: theo hồi tưởng của tướng Nováky Balázs, Tổng tham mưu trưởng Cơ quan Biên phòng thời ấy, do không thấy có dấu hiệu gì đáng ngại nên “thượng cấp” của ông đã ra chỉ thị, “cần tiếp tục thử nghiệm” những phương tiện kỹ thuật dùng để dỡ bỏ bức màn sắt, tránh trường hợp khi cần lại không sử dụng được.

Có lẽ ít ai ngờ rằng Ban lãnh đạo Cộng sản Hungary đã không xin phép Liên Xô khi bắt tay vào việc thực hiện nghị quyết “tầy trời” này: Tổng bí thư Đảng Cộng sản Hungary lúc đó, ông Grósz Károly, đơn thuần chỉ thông báo quyết định dỡ bỏ bức màn sắt với lãnh tụ Mikail Gorbachev. Thậm chí, khi bắt đầu khởi công “dỡ thử”, thông qua Bộ Ngoại giao Hungary, lãnh đạo Cơ quan Biên phòng nước này còn gửi thông báo cho đại sứ các nước XHCN, nhưng phía Hung cũng không hề nhận được một hồi âm nào, cho dù chỉ là một câu hỏi, thắc mắc!

Sự kiện chấn động ngày 2-5-1989

Như vậy, có thể thấy rằng việc dỡ bỏ bức màn sắt vào thời điểm đầu hè năm 1989 đã không gây xáo thật đáng kể trong khối XHCN, một phần vì chính quyền các quốc gia cộng sản thời ấy đều phải lo những vấn đề riêng của họ.

Không thể tiếp tục giấu giếm những dư âm của các cuộc “dỡ thử” được tiến hành trong khuôn khổ “nội bộ”, Bộ Nội vụ Hungary đã tổ chức một cuộc họp báo quốc tế vào ngày 2-5-1989, tại đó, giới lãnh đạo Cơ quan Biên phòng long trọng tuyên bố khởi công “dỡ thử” bức màn sắt ngăn cách Hungary – Áo tại cửa khẩu chính Hegyeshalom. Đáng chú ý là cho đến thời điểm đó, vẫn chưa hề có một quyết định chính trị - mang tính chính thức - đến từ lãnh đạo đảng hay chính phủ Hungary!

Tướng Vidus Tibor, một chứng nhân của sự kiện 2-5-1989, giờ đây hồi tưởng rằng sự quan tâm đặc biệt của báo chí thế giới sau khi tuyên bố được dưa ra đã góp phần đáng kể để hơn 2 tuần sau, vào ngày 18-5-1989, chính phủ Hungary chính thức ra quyết định dỡ bỏ biểu tượng của CNXH và của sự chia cắt Đông – Tây thời Chiến tranh lạnh. Thậm chí, bất ngờ trước quyết định của phía Hungary, ngay tối hôm 2-5, đại sứ Hungary tại Vienna và người đứng đầu lực lượng an ninh, trị an bang Burgenland (Áo) còn đề nghị gặp ông Vidus để biết rằng, phía Hungary quyết tâm đến mức nào trong việc dỡ bỏ màn sắt.

Sau thời điểm 2-5, với sự hỗ trợ của quân đội Hungary, việc dỡ bỏ hàng rào sắt diễn ra nhanh chóng, chỉ trong vòng 3-4 tháng thay vì 1 năm như dự tính ban đầu của Cơ quan Biên phòng. Thậm chí, tại nhiều đoạn dọc biên giới, nó còn được dỡ nhanh… quá mức cần thiết. Chẳng hạn, vào ngày 27-7-1989, sau cuộc hội đàm giữa ngoại trưởng Hungary Horn Gyula và người đồng nhiệm Áo, ông

Alois Mock, lễ tháo dỡ trọng thể được tổ chức tại thành phố biên giới phía Tây Sopron thì hầu như… không còn hàng rào dây thép gai để cắt! Do đó, lãnh đạo Biên phòng đã phải huy động các nhân viên làm việc cật lực để tái dựng bức màn sắt trên một đoạn biên giới khá dài: tấm ảnh hai ngoại trưởng dùng kéo (*) cắt hàng rào dây thép gai được lan truyền trên truyền hình và báo chí thế giới, chính là ở đoạn màn sắt “ngụy tạo” đó!

Sự kiện "Pích-ních Toàn Âu"

Việc tháo dỡ bức màn sắt mới chỉ là bước tiến mang tính biểu tượng cho một Châu Âu không biên giới. Trước những sự kiện diễn ra vào mùa hè 1989, 160 ngàn công dân Đông Đức đã tràn sang Cộng hòa Hungary để từ đó, tìm đường sang Phương Tây bằng cách xin chiếu khán tại tòa đại sứ Tây Đức, hoặc vượt biên trái phép qua biên giới Áo. Trong thực tế, những người di tản Đông Đức không phải chịu mạo hiểm gì đáng kể: đã từ lâu lính biên phòng Hungary chỉ dùng vũ khí để tự vệ và theo quyết định của Bộ Nội vụ Hung, công dân Đông Đức bị bắt giữ tại Hungary không còn bị trao trả cho cơ quan mật vụ chính trị Stasi.

Lần đầu tiên, xe trabant của Đông Đức vào Tây Đức sau khi bức tường Berlin sụp đổ (DR)

Lần đầu tiên, xe trabant của Đông Đức vào Tây Đức sau khi bức tường Berlin sụp đổ (DR)

Nhiều công dân Đông Đức, sau những lần vượt biên không thành và hết hạn thị thực tại Hung, phải ở tạm thời trong những trại tị nạn. Số người bị mắc kẹt ở tòa đại sứ Tây Đức cũng ngày một tăng. Chính phủ Hungary, trước tình cảnh nan giải ấy, đã khôn khéo tận dụng đường lối "cải tổ" của Gorbachev: một mặt, tránh những xung đột có thể xảy ra từ phía Đông Đức và phe Hiệp ước Warszawa; mặt khác, tìm cách đáp ứng từng bước những đề nghị hợp lý, hợp tình của Tây Đức, cụ thể là: bằng mọi giá, không trục xuất những người tị nạn Đông Đức về tổ quốc của họ và không giam giữ họ trong các trại tị nạn ở Hung.

Tuy nhiên, động thái quan trọng đầu tiên theo hướng này lại đến từ đề xuất của phe đối lập, vẫn tại thành phố Sopron đã được nhắc tới ở trên. Ngày 19-8-1989, dưới sự tổ chức của các đảng phái đối lập, một buổi lễ lớn (dưới hình thức một cuộc dã ngoại, mang tên "Pích-ních Toàn Âu") với sự tham gia của khoảng 20 ngàn người, đã diễn ra tại Sopron, biên giới Hungary - Áo. Nhằm cổ động cho mục tiêu "hòa nhập với châu Âu", "Châu Âu không biên giới"..., BTC đã lựa chọn một cửa khẩu nhỏ (không được sử dụng từ 45 năm nay), tại đó có thể thấy rõ giải biên giới và phần còn sót lại hàng rào dây thép gai ngăn cách Hung-Áo.

Những người tham dự, trong số đó có nhiều nhân vật nổi tiếng như văn hào Kondrád György và các vị đại sứ, lãnh sự nước ngoài ở Hung, đã dùng tay tháo bỏ "tấm màn thép" ấy. Đây là một hành động mang tính chất tượng trưng, tuy nhiên, tận dụng bầu không khí cởi mở đó, trước sự hiện diện và chứng kiến của các tổ chức ngoại giao, các hãng thông tấn và báo chí phương Tây, khoảng một ngàn công dân Đức tị nạn ở Hung đã tràn qua cửa khẩu, chạy sang Áo và họ đã không bị lính biên phòng Hung ngăn cản.

“Lỗ hổng đầu tiên trong bức tường” tại thành phố Sopron

Sau sự kiện ngày 19-8, đối với chính phủ Hung, việc mở cửa biên giới Hungary – Áo chỉ còn là vấn đề thời gian. Vài ngày sau, những người Đức cư trú tạm bợ trong tòa đại sứ Tây Đức ở Budapest đã được sang Áo với sự giúp đỡ của Hồng thập tự. Và điều ai nấy hằng mong đợi đã diễn ra đêm 10-9-1989; bằng hành động mở cửa biên giới, nước Hung đã khẳng định một thông điệp trước thế giới: họ đã lựa chọn châu Âu và những giá trị nhân bản, dân chủ phổ quát!

Thành phố nhỏ Sopron, vào năm 1921, sau Hiệp ước hòa bình Trianon khiến Hungary đánh mất hai phần ba diện tích và dân số, đã quyết định ở lại với Hungary sau một cuộc trưng cầu dân ý và khi đó, nước Hung đã phong danh hiệu “Thành phố trung thành nhất” (Civitas fidelissima) cho Sopron. Sau sự kiện ngày 19-8-1989, một lần nữa, Sopron được Châu Âu trao tặng danh hiệu "Thành phố của lòng chung thủy". Năm 1990, ông Lothar de Maiziere, thủ tướng cuối cùng của Đông Đức, thừa nhận: "Sự sụp đổ của bức tường Berlin khởi đầu ở Sopron".

Đánh giá tầm quan trọng của việc Hungary dỡ bỏ bức màn sắt và mở cửa biên giới trước dòng người tị nạn Đông Đức, trong buổi lễ trọng thể ngày 3-10-1990, thủ tướng Helmut Kohl đã phát biểu cô đọng và chính xác: "Chúng ta hãy đừng quên rằng đất dưới Cổng Brandenburg là đất của Hung! Người Hung đã dỡ viên gạch đầu tiên của bức tường Berlin…

Hai mươi năm nhìn lại, trong cuốn sách mới mang tựa đề "Lỗ hổng đầu tiên trong bức tường" (Der erste Riss in der Mauer), được ra mắt ngày 30-4-2009 tại CHLB Đức, ký giả Thụy Sỹ Andreas Oplatka khẳng định: quyết định hai thập niên trước của phía Hung đã khởi động một "phản ứng dây chuyền mang tính cách mạng", dẫn đến sự thống nhất của nước Đức, sự sụp đổ của CNCS tại Liên Xô, khiến các quốc gia Đông Âu có cơ hội gia nhập khối Minh ước Bắc Đại Tay Dương NATO và trở về với "mái nhà chung", Liên hiệp Châu Âu!

(*) Theo hồi tưởng của tướng Nováky Balázs, ngoại trưởng Hungary Horn Gyula còn phàn nàn rằng ông phải cắt rào sắt bằng chiếc kéo quá cùn !

(Phần IX). Mùa hè 1989 : Đông Đức bừng tỉnh

Bảo Thạch

Bài đăng ngày 08/05/2009 Cập nhật lần cuối ngày 10/05/2009 09:25 TU

Các cuộc tuần hành tại Leipzig nhằm tẩy chay chế độ (DR)

Các cuộc tuần hành tại Leipzig nhằm tẩy chay chế độ (DR)

Vào tháng 8, chỉ riêng tại Hungary, hàng ngàn người Đông Đức chen chúc nhau, sống trong cảnh thiếu thốn, chờ mong ngày vượt Bức màn sắt. Nhân cơ hội cuộc píc níc toàn Âu, tại biên giới Áo-Hung, hàng ngàn người Đông Đức đã chạy sang Áo. Việc này diễn ra trong vài tiếng đồng hồ trước khi đôi bên đóng lại cửa biên giới vì lo sợ bất trắc.

Tạp chí đặc biệt : Mùa hè 1989, Đông Đức bừng tỉnh

08/05/2009

Viếng thăm Berlin nhân dịp kỷ niệm 40 năm ngày thành lập nước Cộng hoà Dân chủ Đức, lãnh đạo Liên Xô Mikhail Gorbachev tuyên bố : “Cuộc đời sẽ trừng phạt những kẻ chậm chân”. Lúc đó, vào đầu tháng 10 năm 1989, người dân Đông Đức biểu tình đông đảo hoan hô Gorbachev với những khẩu hiệu như “Gorbi ! Gorbi !”, trong khi lãnh đạo của họ, Erich Honecker bị tẩy chay ra mặt, khi người xuống đường hô khẩu hiệu : “Wir sind das Volk (Chúng tôi là nhân dân)”.

Chỉ trong vòng 5 tháng, chế độ Honecker, từ chỗ tự khẳng định là một tiền đồn vững chắc của chủ nghiã xã hội, sẽ bị triệt tiêu khi người dân Đông Đức biến khẩu hiệu của họ thành “Wir sind ein Volk (Chúng ta là một dân tộc)”. Từ đó, triển vọng thống nhất hai miền Đông và Tây Đức không còn xa.

Khởi điểm : làn sóng tỵ nạn

Theo nhà sử học François Fejtö (1), tháng 5 năm 1989, Erich Honecker tỏ vẻ khó chịu trước sự kiện nước Hungary bắt đầu dỡ bỏ một phần bức màn sắt ở biên giới với nước Áo. Nhưng chưa ai có thể ngờ rằng đây là khởi điểm của một cuộc vượt biên ồ ạt sẽ rất mau chóng kết liễu sự hiện hữu của Nhà nước Cộng sản Đông Đức.

Vào thời ấy, trong phe xã hội chủ nghĩa Đông Âu, mỗi năm hàng trăm ngàn người dân Đông Đức thường sang Hungary nghỉ hè bên bờ hồ Balaton, vừa là dịp nghỉ mát tại một nước có truyền thống và có hạ tầng phục vụ du lịch, vừa để tiếp xúc với các người thân trong gia đình từ Tây Đức sang. Kể từ tháng 7 năm 1989, khủng hoảng người tỵ nạn Đông Đức bùng nổ ở một quy mô chưa từng thấy tại Đông Âu.

Vào tháng 7 năm 1989, hàng ngàn người Đông Đức, trong các dòng xe Trabant, đi thẳng đến biên giới Hungary và Áo (DR)

Vào tháng 7 năm 1989, hàng ngàn người Đông Đức, trong các dòng xe Trabant, đi thẳng đến biên giới Hungary và Áo (DR)

Tháng 7, khoảng 100 người du lịch Đông Đức đột nhập vào Đại sứ quán Tây Đức tại Budapest xin tỵ nạn. Trong khi đó, hàng ngàn người Đông Đức khác, trong các dòng xe Trabant, đi thẳng đến biên giới Hungary và Áo. Rất mau chóng, từ đó trở đi cho đến tháng 9, phong trào vượt biên tăng tốc. Thanh niên, công nhân, trí thức, cán bộ cấp trung... từ Đông Đức bỏ nước ra đi ào ạt. Một số dừng chân ở Tiệp Khắc, người khác trốn qua ngã Ba Lan, một số đột nhập vào phái bộ ngoại giao của Tây Đức đặt tại Đông Berlin. Tất cả cùng nhắm tới một mục đích : sang Tây Đức.

Vào tháng 8, chỉ riêng tại Hungary, hàng ngàn người Đông Đức chen chúc nhau, sinh hoạt trong điều kiện hết sức thiếu thốn, chờ mong ngày vượt Bức màn sắt. Nhân cơ hội cuộc píc níc toàn Âu, tại biên giới Áo-Hung, hàng ngàn người Đông Đức đã chạy sang Áo. Việc này diễn ra trong vài tiếng đồng hồ trước khi đôi bên đóng lại cửa biên giới vì lo sợ bất trắc. Tháng 8, phong trào vượt biên tìm tự do của người Đông Đức đã lên đến đỉnh điểm, trong khi hình ảnh người tỵ nạn loan tải qua truyền hình của Tây Đức đánh thức giấc mộng đổi đời trong lòng người dân Đông Đức còn ở lại quê hương.

Vào mùa hè năm 1989, tại Ba Lan, quyền lực không còn nằm trong tay Đảng Cộng sản, tại Hungary, công cuộc chuyển tiếp sang thể chế đa đảng cũng đã bắt đầu trong hoà bình. Người Đông Đức bừng tỉnh và đặt câu hỏi : Vì sao hàng chục ngàn đồng bào của họ vượt biên ? Vì sao các nước ''anh em'' như Ba Lan hay Hungary ngả theo một chế độ dân chủ mà kh^$ong đổ một giọt máu ? Trong khi đó thì tại Đông Đức không mảy may xuất hiện một cơ may dân chủ hoá nào ?

Erich Honecker, người đứng đầu một Nhà nước lão hoá

Erich Honecker, 77 tuổi, người đứng đầu Đông Đức cũng đồng thời là nhân vật điển hình cho một Nhà nước lão hoá, đã từ lâu không còn dự báo nổi tương lai. Ông đã nắm quyền gần hai thập niên, cùng với bộ sậu lãnh đạo Đông Đức mà trong đó ai cũng đã ngoài 70. Erich Honecker lãnh đạo Đảng Cộng sản Đông Đức kể từ năm 1971, và Erich Mielke đã được bổ nhiệm bộ trưởng An ninh kể từ năm 1957. Tính bảo thủ và giáo điều của chế độ đi đôi với bàn tay sắt của cơ quan mật vụ STASI, đã thiết lập hồ sơ theo dõi 4 triệu công dân của họ trên tổng số 17 triệu người (2).

Khác hẳn với Ba Lan hay Hungary, nơi mà nội bộ Đảng Cộng sản cũng bị chia rẽ giữa hai xu hướng bảo thủ và cải tổ, lãnh đạo Đông Đức gắn bó mật thiết với nhau và đồng chia sẻ quan điểm : phải trung thành với các nguyên lý của chủ nghiã xã hội, không thể “tái cấu trúc (Perestroika)” hay là “trong sáng hoá (Glasnost)” như Gorbachev chủ trương. Có thể nói rằng chủ nghĩa cộng sản giáo điều là cột sống của Đông Đức, một chế độ rất tin vào chính mình.

Ngày 10/11/1989, người Đức đổ về cổng Brandenburg chào mừng sự kiện Bức Tường Berlin sụp đổ (DR)

Ngày 10/11/1989, người Đức đổ về cổng Brandenburg chào mừng sự kiện Bức Tường Berlin sụp đổ (DR)

Hai năm trước, tháng 9/1987, Erich Honecker trong chuyến viếng thăm Tây Đức còn khẳng định : “Chế độ tư bản và chủ nghĩa Mác đối kỵ nhau như nước với lửa.” Hơn nữa, Erich Honecker tự hào với thành tích : mức sống tại Đông Đức cao hơn các nước xã hội chủ nghiã ''anh em'' khác, nền kinh tế Đông Đức không bị phá sản như tại Ba Lan. Đối lập và ly khai cũng vắng bóng chứ không như ở Hungary. Trí thức và văn nghệ sĩ Đông Đức có ''tiến bộ'' lắm cũng chỉ dám mơ tường đến một ''con đường thứ ba'' giữa tư bản và cộng sản, chứ nào ai dám tiên đoán sự sụp đổ của chế độ.

Như vậy, theo tính toán của ông Honecker, nguy cơ đối lập trong nước không có, và nguy cơ từ bên ngoài cũng chẳng hề vì trên lãnh thổ Đông Đức, 400.000 lính Liên Xô vẫn được trang bị tên lửa để bảo vệ phe xã hội chủ nghĩa. Vả lại, các nước phương Tây, theo phân tích của ông Erich Honecker, chẳng muốn thấy nước Đức thống nhất. Viễn ảnh này sẽ làm đảo lộn cán cân lực lượng tại châu Âu, nói chi đến việc Liên Bang Đức lo sợ việc thống nhất sẽ gây nhiều tổn hại tài chánh và kinh tế khó lường. Nói tóm lại, chế độ Honecker tự mãn, các lãnh đạo Đông Đức bình thản nhìn thời cuộc.

Có thể họ bình thản đến nỗi guồng máy lãnh đạo đã xơ cứng mà họ không dè. Từ mồng 2 tháng 5 đến mồng 5 tháng 9 năm 1989, khi hàng trăm ngàn người Đông Đức ăn chực ngồi chờ trên khắp nẻo đường vượt biên tại Ba Lan, Tiệp Khắc, Hungary, giới lãnh đạo vẫn xem thường tình trạng này. Bốn tháng sau, vào đầu tháng 9, bộ Chính trị Đông Đức mới thực sự quan tâm. Nhưng đã quá muộn.

Cùng lúc, đầu tháng 9, một động lực thứ nhì sau làn sóng di dân, đã được kích hoạt : chế độ bắt đầu lung lay với các cuộc xuống đường biểu tình rầm rộ.

Người ra đi vượt biên, người ở lại xuống đường tẩy chay chế độ

Ngày 07/05/1989 là thời điểm châm ngòi cho các cuộc biểu tình sẽ khuynh đảo chế độ. Hôm ấy, Đông Đức tổ chức bầu cử các hội đồng đîa phương. Theo le Monde, khoảng 1000 người đã biểu tình ở thành phố Leipzig theo lời kêu gọi của một tổ chức bảo vệ quyền công dân gần gũi với nhà thờ Tin Lành. Tuy vậy chính quyền vẫn coi thường.

Phải đợi đến ngày mồng 2 tháng 9, khi Hội nghị các Nhà thờ Tin lành gởi kiến nghị yêu cầu cải tổ và đòi quyền tự do đi ra nước ngoài cho các công dân, và hai ngày sau đó là một cuộc biểu tình khác trước Giáo đường Saint Nicolas ở Leipzig, thì các lãnh đạo cộng sản mới bắt đầu nhận thức được tầm nghiêm trọng của tình hình. Nhưng họ không còn thời gian để trở tay.

Một cuộc tập hợp biểu tình của người dân thành phố Dresden (DR)

Một cuộc tập hợp biểu tình của người dân thành phố Dresden (DR)

Từ đầu tháng 9, chỉ trong vòng vài tuần lễ, các cuộc tuần hành diễn ra tại Leipzig vào mỗi tối thứ hai, sẽ tập hợp hàng trăm ngàn người, và lan rộng như vết dấu loang. Một tháng sau, váo tháng 10, con số người biểu tình tại Leipzig đã lên đến 300.000. Đông Berlin và các thành phố khác cũng đã vào cuộc. Chính quyền kêu gọi đối thoại với tổ chức ly khai Diễn Đàn Mới vừa được thành lập.

Erich Honecker từ chức, Egon Krenz lên thay thế và đồng ý với hàng loạt yêu sách của người biểu tình, quyền tự do du lịch ra nước ngoài được công nhận. Đảng Cộng sản cũng hứa hẹn cải tổ và xem xét tự do báo chí, tự do lập hội, lập đảng... Đông Đức như con thuyền say sóng, và người thuyền trưởng đã mất hết phương hướng.

Vào tháng 11, ngày mồng 8, lời khẩn cầu bi thiết của nữ văn sĩ Christa Wolf : “Chúng tôi cần các bạn, mỗi người bỏ nước ra đi làm cạn kiệt thêm hy vọng của chúng ta” vang lên như nỗi tuyệt vọng của những kẻ còn muốn cứu vãn cho chế độ cộng sản. Ngày mồng 9, Đông Đức đơn phương mở cửa khẩu tại bức tường Berlin, trong không khí lãnh đạo hoảng loạn, còn người dân thì tràn sang Tây Đức như đi trẩy hội.

28 năm và 91 ngày sau khi được xây lên vào tháng 8 năm 1961, biểu tượng của nước Đức chia cắt và của thế giới lưỡng cực không còn nữa.
-----------------------------------------------------------------------------

(1) François Fejtö : La fin des démocraties populaires.
(2) Mathilde Aycard & Pierre Vallaud : ''Les dossiers de la guerre froide : La chute du Mur''. 1969-2009.

Thông tín viên Phạm Đăng Hiếu, Berlin

08/05/2009

Thông tín viên Phạm Đăng Hiếu, từ Berlin, tường thuật về những buổi lễ kỷ niệm Bức tường sụp đổ và ý nghĩa ngày mồng 7 tháng 5 năm 1989, khi người Đông Đức khởi đầu cho phong trào phản đối chế độ cộng sản.





No comments:

Thời Sự "Nóng"





------------------------------------------

---------------------------------------------------------
Vân Anh -Ngày 1 tháng 10 Hà Nội Chính Thức Bán Nước Cho Bắc Kinh
----------------------------------------