Ai Là Người Đã Gửi Tiền Về Việt Nam Để Xây Mộ
Cố Tổng Thống Ngô Đình Diệm Và Nhị Vị Bào Đệ?
Lệ Tuyền.
Như quý độc giả đã biết, trước đây, qua bài viết: Nền Đệ Nhất Cộng Hòa Sụp Đổ: Miền Nam Tự Do Sụp Đổ, hiện vẫn còn lưu giữ trên trang điện báo Hồn Việt: http://hon-viet.co.uk; khi nói đến ba ngôi Mộ của Cố Tổng Thống Ngô Đình Diệm cùng nhị vị Bào đệ là Ông Cố vấn Ngô Đình Nhu và Ông Ngô Đình Cẩn, tôi đã viết như sau:
Nên biết, ba ngôi mộ của ba vị tại Lái Thiêu, Việt Nam, là không phải do các con, các cháu của ba vị đã bỏ công, bỏ của ra để xây ba ngội mộ đó.
Nhưng, tôi đã không viết thêm ai là người thực sự đã bỏ tiền ra để xây ba ngôi mộ đó. Vậy, hôm nay, tôi tự thấy, cần phải nói cho thật rõ ràng: Người đã gửi tiền về Việt Nam để xây ba ngôi mộ của Cố Tổng Thống Ngô Đình Diệm, cùng nhị vị bào đệ là Ông Cố vấn Ngô Đình Nhu và Ông Ngô Đình Cẩn, chính là Ông Hồ Anh Nguyễn Thanh Hoàng, Chủ nhiệm kiêm Chủ bút Bán nguyệt san Văn Nghệ Tiền Phong. Một tờ báo đã do ông Nguyễn Thanh Hoàng khai sinh ra từ năm 1956.
Và để quý độc giả đều được biết một cách chính xác, nên nhân đây, tôi xin ghi lại đầy đủ từ bước khởi đầu trong việc di dời cả ba ngôi mộ như sau:
Chắc mọi người còn nhớ, vào những năm, sau ngày 30-4-1975, do « Lệnh cấm vận » của Hoa Kỳ, nên những người Việt ở Mỹ, không thể gửi tiền về Việt Nam, mà họ phải qua những đường giây chuyển tiền tại Pháp. Song lúc đó, mặc dù Pháp là nước đã « trợ cấp nhân đạo » cho Việt Nam nhiều nhất, nhưng cũng không cho phép chuyển một lần với số tiền nhiều, nên đã có một số đường giây chỉ chuyển những thùng thuốc Tây về Việt Nam, và những người Việt bên Mỹ cũng đã gửi cho thân nhân còn ở quê nhà bằng tiền, và những thùng thuốc Tây qua những đường giây này, để người thân của họ ở Việt Nam, sau khi nhận những thùng thuốc Tây, thì đã đem bán để lấy tiền. Nghĩa là họ phải chuyển tiền, hay thuốc Tây về Việt Nam qua những đường giây tại Pháp.
Sau đó, phía Mỹ đã nới lỏng hơn là cho phép những người Việt được gửi về Việt Nam, mà tôi nhớ là không quá 500 Mỹ kim. Cho đến mãi sau này, khi « Lệnh cấm vận » đã được bãi bỏ, thì mọi người mới được gửi tiền về Việt Nam một cách tự do.
Chính vì thế, khi được tin bọn việt-gian-cộng-sản sẽ phá bỏ nghĩa trang Mạc Đỉnh Chi, đồng thời đã được biết về chuyện tên cộng sản ác ôn là « Hòa thượng » Thích Trí Dũng, thuộc Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất, tức Ấn Quang, đã từng cạy nắp mộ của Ông Ngô Đình Cẩn để bỏ vũ khí của Lữ đoàn 316, và đã nuôi tên Thiếu tướng việt công, là Trần Hải Phụng và nhiều tên khác ở trong chùa Phổ Quang, và đã bắt cái xác chết của Ông Ngô Đình Cẩn, mà lúc sinh tiền Ông là một người chống cộng tuyệt đối, phải giữ một số súng đạn của Lữ đoàn 316, và Biệt Động Thành Sài Gòn-Gia Định. Xin quý độc giả hãy đọc lại bài viết: Tưởng Niệm Bốn Mươi Năm Cuộc Thảm Sát Mậu Thân, 1968-2008, mà tôi đã viết vào ngày 26-01-2008, hiện vẫn còn lưu giữ trên trang điện báo Hồn Việt: http://hon-viet.co.uk để biết một cách rõ ràng hơn về những hành vi tàn ác của Phật giáo Ấn Quang trong cuộc thảm sát Mậu Thân.
Và chính vì biết được những tin trên, nên ông Nguyễn Thanh Hoàng vì rất sợ bọn việt-gian-cộng-sản sẽ phá bỏ mộ phần của ba vị, nên đã tìm cách gửi tiền về Việt Nam để di dời cả ba Ngôi mộ của Cố Tổng Thống Ngô Đình Diệm cùng nhị vị bào đệ là Ông Cố Vấn Ngô Đình Nhu và Ông Ngô Đình Cẩn, và sau đó cũng đã di dời cả mộ phần của Mẫu Thân của ba vị về tại Lái Thiêu. Tôi xin ghi lại từ đầu như sau:
Lần đầu tiên, do Ông Trần Trung Quân, là Tác giả của nhiều cuốn sách có giá trị như: Trong Lòng Địch, Cụm A 22: Tình Báo Dinh Độc Lập v…v… Ngoài ra, còn có cuốn sách đã ký dưới một bút danh khác.
Và sau đây, là những lần chuyển tiền:
Lần thứ nhất, do chính tay của Ông Trần Trung Quân, là một người thân thiết của Ông Hồ Anh Nguyễn Thanh Hoàng, đã trao tận tay cho ông Trần Tam Tiệp, vì ông Trần Tam Tiệp biết cách gửi tiền về Việt Nam, vào tháng 10 năm 1977, tại tiệm Café Balto, 15, Rue Mazarine, 75006 Paris, với số tiền là $9,000 (chín ngàn Mỹ kim).
Lần thứ hai, vào tháng 7 năm 1978, cũng do Ông Trần Trung Quân trao tận tay cho Ông Trần Tam Tiệp tại Thánh Thất Cao Đài của Cô Ba Lê Kim Huê, tức Bà Lễ Sanh Lê Kim Huê, tại địa chỉ số 12, Rue Xavie Privas, 75005 Paris, với số tiền là $10,000 (mười ngàn Mỹ kim).
Riêng một lần khác, vào tháng 3 năm 1978, tại tiệm Café Notre – Dame de Paris, 03, Boulevard du Palais 75004 Paris. Nhưng lần này đã do chính Ông Hồ Anh Nguyễn Thanh Hoàng đã trao tận tay cho Ông Trần Tam Tiệp với số tiền là $6,000 (sáu ngàn Mỹ kim) trước sự chứng kiến của Ông Trần Trung Quân.
Như vậy, tổng cộng tất cả ba lần, ông Trần Tam Tiệp đã nhận của Ông Hồ Anh Nguyễn Thanh Hoàng với số tiền là $25,000 ( hai mươi lăm ngàn Mỹ kim ).
Tưởng cũng nên nói rõ, là với số tiền $ 25,000 (hai mươi lăm ngàn Mỹ kim), mà ông Trần Tam Tiệp đã nhận hai lần qua Ông Trần Trung Quân và một lần do chính tay của ông Nguyễn Thanh Hoàng, là do tiền bán báo Văn Nghệ tiền Phong, mà Ông Trần Trung Quân thu được. Bởi lúc đó, Ông Trần Trung Quân là đại diện cho báo văn Nghệ Tiền Phong của Ông Nguyễn Thanh Hoàng tại Pháp.
Sau đó, ông Trần Tam Tiệp đã chuyển số tiền trên về Việt Nam, để cho người của Ông Nguyễn Thanh Hoàng lo liệu việc di dời ba ngôi mộ của Cố Tổng Thống Ngô Đình Diệm và nhị vị Bào đệ là Ông Cố vấn Ngô Đình Nhu và Ông Ngô Đình Cẩn về tại Lái Thiêu.
Những việc làm âm thầm của Ông Hồ Anh Nguyễn Thanh Hoàng ít ai được biết, kể cả gia đình của Bà Ngô Đình Nhu. Cho đến năm 1980, thì Ông Ngô Đình Luyện mới biết, và Ông Nguyễn Thanh Hoàng và Ông Trần Trung Quân, đã được Ông Ngô Đình Luyện tiếp tại tư gia. Trong dịp này, Ông Ngô Đình Luyện đã ngỏ lời cám ơn Nguyễn Thanh Hoàng và Ông Trần Trung Quân.
Sau đó, từ Hoa Kỳ, Ông Nguyễn Thanh Hoàng cũng đã âm thầm chuyển thêm những số tiền khác nữa về Việt Nam, để bốc mộ của Cụ bà Thân Mẫu của Cố Tổng Thống Ngô Đình Diệm và nhị vị bào đệ về tại Lái Thiêu, để cả gia đình được nằm cạnh bên nhau. Mặc dù vậy, nhưng ít có người biết những việc làm của Ông Nguyễn Thanh Hoàng.
Tuy nhiên, những người thân thiết của Ông đều biết như Đại tá Nguyễn Hữu Duệ, tác giả của cuốn sách: Nhớ Lại Những Ngày Ở Cạnh Cố Tổng Thống Ngô Đình Diệm, tức Nhật Lệ Nguyễn Hữu Duệ trên Văn Nghệ Tiền Phong, sau khi ba ngôi mộ hoàn thành, thì Đại tá Nguyễn Hữu Duệ, từ Hoa Kỳ Ông đã tìm cách trở về Việt Nam để viếng mộ của Cố Tổng Thống Ngô Đình Diệm cùng nhị vị bào đệ, là Ông Có vấn Ngô Đình Nhu và Ông ngô Đình Cẩn.
Về phần ông Trần Tam Tiệp, ngày xưa, ông cũng đã từng kêu gọi nhiều người đóng góp tiền bạc cho ông chuyển về Việt Nam để giúp đỡ các văn nghệ sĩ, đang còn ở tại Việt Nam. Nhưng riêng về ba ngôi mộ của Cố Tổng Thống Ngô Đình Diệm cùng nhị vị bào đệ là Ông Cố Vấn Ngô Đình Nhu và Ông Ngô Đình Cẩn là hoàn toàn do số tiền bán báo Văn Nghệ Tiền Phong của Ông Nguyễn Thanh Hoàng đã chuyển nhiều lần về Việt Nam để xây ba ngôi mộ của ba vị anh hùng đã Vị Quốc Vong Thân.
Và chắc quý độc giả, khi đọc cuốn sách Trong Lòng Địch của Ông Trần Trung Quân đều đã thấy phía sau bìa sách những dòng này của Ông Trần Trung Quân:
« Trong suốt thời gian ba năm ở hải ngoại và nhiều năm ở trong nước để hoàn thành thiên hồi ký Trong Lòng Địch này, tôi hết sức biết ơn anh Nguyễn Thanh Hoàng, chủ nhiệm tuần báo Văn Nghệ Tiền Phong đã hướng dẫn tôi, giúp đỡ tôi về cách sắp xếp cũng như sửa chữa và viết lại bản thảo…. »
Nghĩa là, qua những dòng này, đã cho mọi người thấy được mối giao tình thân thiết giữa Ông Nguyễn Thanh Hoàng và Ông Trần Trung Quân.
Và hôm nay, người viết bài này, cũng là người thân thiết với cả hai vị là Ông Nguyễn Thanh Hoàng và Ông Trần Trung Quân, mà cũng ít người biết được, vì ngày xưa khi viết trên Văn Nghệ Tiền Phong tôi đã ký dưới bút danh là Hàn Giang, rồi sau đó đã có kẻ phản đối « thằng Hàn Giang », có người còn đòi đi « kiện thằng Hàn Giang ra tòa » nữa. Vì thế, Ông Nguyễn Thanh Hoàng đã cho tôi làm « thằng Hàn Giang » luôn, mà tôi cũng đã im lặng, bởi thấy vui, khi tự nhiên, mà mình trở thành một « đấng tu mi nam tử », chứ không phải vì sợ ra tòa mà không dám cho mọi người biết rằng mình là một phụ nữ.
Tạm thay lời kết:
Với một bài viết ngắn này, người viết muốn nói: Sỡ dĩ ngày xưa Ông Nguyễn Thanh Hoàng đã âm thầm làm những việc ấy, mà không muốn cho mọi người biết một cách rộng rãi, chỉ trừ một số người thân. Bởi đã có nhiều kẻ, trong đó, có Võ Văn Ái, từng là « Tổng Thư ký Trung ương Phật tử Việt kiều tại Hải ngoại, từ những năm đầu của thập niên 1960, và đã từng viết « Lời tựa » cho cuốn ngụy thư « Hoa Sen trong Biển Lửa » của Thích Nhất Hạnh vào thắng 6-1967, tại Paris, Võ Văn Ái đã từng nói « Ông Nguyễn Thanh Hoàng-Văn Nghệ Tiền Phong, là tờ báo của Cần Lao, nên đánh phá Phật giáo ».
Nhưng thật ra, Ông Nguyễn Thanh Hoàng – Văn Nghệ Tiền Phong – Ông Trần Trung Quân và kẻ viết bài này, cũng như hiện nay, trên trang điện báo Hồn việt, đã có những bài viết của các vị về những hành vi tàn ác của những tên cộng sản khoác áo cà sa để làm giặc, với những hành vi giết người vô tội, chẳng những thế, mà chúng đã từng liên thủ với nhau, để đánh đổ cả hai nền Cộng Hòa Việt Nam, cho đến trước và sau ngày 30-4-1975, thì chính những tên ác tăng này đã công khai đưa từng đoàn xe ra tận vùng giặc để đón rước cộng quân vào các thành phố, trên khắp miền Nam tự do, chứ không có vị nào lại « đánh Phật giáo giáo » cả. Bởi không ai nói đến Phật – Pháp, mà chỉ nói đến bọn Tăng Phỉ mà thôi. Chắc nhiều người còn nhớ, ngày xưa Cư sĩ nỗi tiếng tại miền Nam là: Cụ Mai Thọ Truyền, từng giữ chức: Quốc Vụ Khanh, thời Đệ Nhị Việt Nam Cộng Hòa, đã từng tuyên bố:
« Tôi chỉ quy y Nhị Bảo, chứ không quy y Tam Bảo, vì tôi chỉ Quy Y Phật, quy y Pháp, chứ không bao giờ quy y Tăng ».
Trở lại với nguyên do mà Ông Nguyễn Thanh Hoàng không muốn phổ biến rộng rãi, về chuyện xây mộ của Cố Tổng Thống Ngô Đình Diệm, thì Ông Nguyễn Thanh Hoàng và cả Ông Trần Trung Quân đã nói với người viết bài này như sau:
« Khi viết, hay làm một điều gì về Cố Tổng Thống Ngô Đình Diệm, không phải để « Phục hồi Đảng Cần Lao » như những kẻ có tâm địa hắc ám kia đã cố tình xuyên tạc, mà vì chúng ta muốn nói lên những công nghiệp vĩ đại của Cố Tổng Thống Ngô Đình Diệm, Người đã khai sáng Nước Việt Nam Cộng Hòa, đồng thời đã xây dựng được một miền Nam Tự Do Thanh Bình thực sự, như người dân miền Nam đã chứng kiến vào buổi bình minh của lịch sử: Nền Đệ Nhất Việt Nam Cộng Hòa. Và để cho hậu thế còn biết đến ba tấm gương ngời sáng của Cố Tổng Thống Ngô Đình Diệm cùng nhị vị bào đệ là Ông Cố Vấn Ngô Đình Nhu và Ông Ngô Đình Cẩn, là ba vị đã quên mình để chỉ biết phụng sự Tổ Quốc và Dân Tộc Việt Nam, và rồi cuối cùng; sau khi đã Vị Quốc Vong Thân, thì đã trở thành ba vị Anh Hùng Bất Tử ».
04-01-2010
Hai quan tài: ông Ngô Đình Nhu (bên trái) và ông Ngô Đình Diệm (bên phải)
Thi hài ông Diệm, ông Nhu được chôn lại tại nghĩa trang Lái Thiêu (Bình Hòa, Thuận An, Bình Dương), với áo quan loại tốt và kim tĩnh. Mộ ông Ngô Đình Cẩn được chôn tại nghĩa trang Tân Sơn Nhất sau khi bị xử bắn vào năm 1965, và mộ bà thân mẫu Phạm Thị Thân (mất năm 1964) cũng được quy tụ về đây. Trong khu đất rộng hàng nghìn hecta với những rặng cây lớn xanh và mát, mộ gia đình họ Ngô nằm cùng một dãy. Mộ bà Phạm Thị Thân nằm ở giữa, mộ hai ông Diệm, Nhu hai bên. Cách mộ ông Nhu một quãng là mộ ông Cẩn.
Ba ngôi mộ của gia đình họ Ngô nằm thẳng hàng.
Mộ bà Phạm Thị Thân nằm giữa, mộ hai ông Diệm, Nhu hai bên.
Anh Mâm (người coi mướn nghiã trang) chia nắm nhang cắm trước mộ ông Ngô Đình Diệm khi mộ cỏn được đề đích danh.
Nay mộ không đề tên, mà chỉ ghi “Huynh” để chỉ mộ ông Ngô Đình Diệm,
… “Đệ” để chỉ mộ ông Ngô Đình Nhu
và … “Cẩn” để chỉ mộ ông Ngô Đình Cẩn
Trích Hồi ký “Nhớ lại những ngày ở cạnh Tổng Thống Ngô Đình Diệm” của Đại tá Nguyễn Hữu Duệ:
Tôi đi thăm mộ phần của ông ở Lái Thiêu, ngay cạnh quốc lộ (quốc lộ 13 thì phải). Người lái xe taxi cho tôi chưa biết mộ ông ở đâu, chỉ biết nghĩa trang Lái Thiêu. Đến nơi, tụi tôi phải đậu xe ở một chòi lá để hỏi thăm. Thật may, chỗ ấy chỉ cách mộ độ 200 thước. Một bà khoảng ngoài 50, và một em nhỏ khoảng 16 tuổi, thấy tụi tôi mang theo hoa thì hỏi ngay:
- Chắc ông đến thăm mộ ông huynh đệ phải không ?
- Dạ, thưa đúng, tôi trả lời.
- Kỳ này nhiều người đến thăm mộ các ông lắm, để tôi đưa các ông đi.
Tôi có cảm tưởng bà và em nhỏ này ở đây chỉ để đưa người ta đi thăm mộ trong nghĩa trang lấy tiền thưởng.
Đưa đến mộ, bà nói:
- Các ông thấy không, tụi tôi làm cỏ sạch sẽ lắm.
Tôi biếu bà 50 ngàn (khoảng gần 4 dollars), bà mừng lắm.
Mộ nhỏ bé sơ sài, để một hàng ngoài cùng phía bên trái là mộ đề tên Đệ (mộ ông cố vấn Nhu), rồi đến mộ bà cụ cố, rồi đến mộ đề tên Huynh (mộ tổng thống Diệm), cách thêm ít mộ nữa là mộ ông Cẩn. Đặt hoa ở mộ các ông, tôi thấy lòng buồn và xót xa vô cùng.
Tôi đứng rất lâu cạnh mộ tổng thống, nói thì thầm như khấn nguyện cùng ông:
- Cụ sống giản dị, không ăn cao lương mỹ vị, cụ nằm phản không nệm, cụ không xa hoa phung phí, khi đương thời cụ chỉ lo cho quốc gia, chẳng lo gì cho bản thân, nay cụ được chôn ở đây, nghĩa trang sơ sài này, cạnh đồng bào nghèo khổ của cụ, chắc Chúa định vậy để hợp với đức tính khiêm nhường của cụ. Con mừng vì nơi thiên đàng cụ ở, cụ cũng còn thấy nhiều người nhớ đến cụ và đến thăm viếng cụ. Con từ nơi xa xôi về đây viếng mộ cụ, con thấy vui về nơi an nghĩ cuối cùng của cụ đúng với ý cụ.
Trên đường về và cả ngày hôm ấy, những kỷ niệm cũ cứ hiện lên trước mắt. Thấy mộ của ông, tôi nhớ lại ngày ông bị thảm sát. Đầu tiên chôn ở bộ Tổng tham mưu, sau chuyển ra nghĩa trang Mạc Đỉnh Chi, nay lại về đây. Cả ba nơi tôi đều đi viếng, nơi nào cũng sơ sài giản dị.
* * *
Tôi viếng mộ Cố Tổng Thống Ngô Đình Diệm
Kim Hoa (Từ VietCatholic News)
Đọc trên X Café VN bài “Một nén hương cho Cố Tổng Thống Ngô Đình Diệm”. Tôi biết được mộ Ông TT hiện đang nằm trong Nghĩa Trang Lái Thiêu, thuộc Tỉnh Bình Dương.
Ngay ngày Giỗ 45 năm của Ông tôi đã lên kế hoạch phải đến thắp nhang cho Ông trong ngày Giỗ, nhưng rồi tôi không thực hiện được, mãi đến tối hôm qua nghe ông xã nói:
- Mai rảnh không? Đi Lái Thiêu …
Tôi gật đầu ngay, ông xã biết chắc là không nói ra, nhưng tôi nôn nao có ngày này lắm, ngày anh ấy rãnh rỗi để chở tôi đi viếng mộ Ông TT.
Mười ngày chờ đợi để thực hiện tâm nguyện, sáng nay 12-11-2008, vợ chồng tôi đi honda đến viếng Mộ TT.
Cũng chỉ là địa chỉ Nghĩa Trang Lái Thiêu, Hóa An, Bình Dương, không rỏ ràng lắm, khi người đi đường lại nói Lái Thiêu có nhiều nghĩa trang. Chúng tôi cứ đi đại đến nghĩa trang lớn nhất của Lái Thiêu.
Từ Sài Gòn đi Quốc lộ 13 đến ngã tư Cầu Ông Bố chúng tôi rẽ phải, vào khoảng gần 3km cũng bên tay phải, có một cổng nghĩa trang rất lớn, chúng tôi rẽ vào, có một quán cóc trong nghĩa trang, nhưng chúng tôi không dừng lại, vì thấy bên trong có số người thợ đang xây mộ, bèn ghé hỏi thăm:
- Anh ơi! Anh làm ơn cho biết mộ của Ông Diệm nằm ở đâu anh?
- Anh chị theo con đường này sẽ thấy cái quán, hỏi quán ấy họ chỉ cho, có người dẫn đến tận nơi luôn.
Mừng thầm trong bụng “hỏi thăm dể quá”, chúng tôi đến quán người ta vừa chỉ. Ông xã ra dấu cho tôi im lặng, anh đến hàng nhang lựa gói nhang lớn nhất, mua thêm cái hộp quẹt, trong khi chờ cô bán hàng thối tiền anh hỏi:
- Cô cho tôi hỏi thăm, mộ Ông Diệm nằm chổ nào cô có biết, chỉ giùm chúng tôi.
Cô gái trả lời ngay.
- Biết, con dẫn cô chú đi, cô chú có bà con gì không?
- Không, chúng tôi muốn thăm và thắp nhang cho Ông ấy thôi.
- Cách đây vài ba ngày, có người báo cho chúng con là sẽ có người nước ngoài về thăm mộ Ông ấy, chúng con chờ hoài mà chưa thấy ai.
Thế rồi cô ấy nhanh nhẩu lấy honda đi trước, đưa chúng tôi ra lại đường chính, đi thêm hơn 100m cô dừng lại nơi những ngôi mộ nằm sát bên đường, dựng xe trên thềm đường, cô dẫn vào qua 2 dảy mộ (khoảng 6,7m), cô chỉ “đây là mộ ông Cẩn, mộ Ông Diệm ở bên kia”. Cùng một dãy, cách nhau khoảng hơn 10m, chúng tôi dừng lại Mộ Ông TT bên phải, mộ bà Cố nằm chính giữa, bên trái là mộ ông Nhu.
Còn đang bồi hồi xúc động thì thấy 5,6 người bao quanh chúng tôi. Nhìn họ, tôi nhớ lại những lần đi thăm mộ của ông bà Nội chồng chôn ở nghĩa trang Gò Dưa…
Chúng tôi đốt nhang, vái lạy bà Cố, Ông TT, ông Nhu, tôi dành một ít thắp cho ông Cẩn và bà Xơ tên Isave Trương thị Ba là nữ tu của Dòng Vinh Sơn mà ở đó người ta nói: “Những năm trước chỉ có bà Xơ này đến thắp nhang cho những ngôi Mộ này thôi, giờ bà Xơ ấy đã mất rồi, được chôn ở gần đây”.
Thấy họ vẫn ngồi tại đó như chờ chúng tôi điều gì, tôi nói:
- Đây là mộ của Ông TT ngày xưa của mình, tôi đọc báo thấy họ nói ở đây, nên tìm đến thăm Mộ Ông
Họ nói:
- Chúng tôi ở đây luôn chăm sóc cho phần Mộ của gia đình Ông, cô có tiền đưa chúng tôi để chúng tôi lo cho mộ phần họ.
- Chúng tôi chỉ là người biết tin rồi đi thăm thôi, chúng tôi không là người nhà. Tôi cũng chẳng có tiền, gửi các anh tiền uống cà phê cho vui nhe.
Họ cầm 100 ngàn như không vừa ý, bảo tôi đưa thêm 100 nữa. Họ kể là họ đã chà rửa sạch sẽ những ngôi mộ này như thế nào, có người đặt họ ghi rỏ tên Ngô Đình Diệm, Ngô Đình Nhu trên bia mộ, nhưng họ bị công an Bình Dương gọi lên, bắt xóa hết, chỉ ghi chữ Huynh, chữ Đệ thôi …mộ Ông TT lại bị sứt bể họ phải tô sửa lại …
Tôi lắc đầu, mĩm cười: “Tôi không có tiền, thế nào cũng có người nước ngoài họ về, họ sẽ gởi lại tiền cho các anh”.
Hai chúng tôi đọc kinh, cầu nguyện. Xin Ông TT thương phù hộ, giúp Đất Nước Việt Nam sớm thoát cảnh lầm than, khổ cực …
Tôi thì thầm với Ông TT nhiều điều, thấy họ từ từ bỏ đi hết 4,5 người gì đó. Số còn lại họ than thở:
- Tụi tui mới dọn dẹp chứ tụi nó có làm gì? cô đưa tiền cho tụi nó cũng như không. Chính tui lau chùi, dọn sạch cỏ hai hôm nay, cô mà lên trước ba ngày cũng không thấy đường đi đâu, cỏ bao phủ hết. Giờ cô cho tụi tui tiền đi, chính tui đắp lại chổ bể ấy, rồi sơn lại chữ mới rõ ràng đó chứ phải tụi nó đâu! Công an kêu tui lên chứ phải nó lên đâu, tụi nó nói dốc không hà.
Nhìn người đang ông đang ngồi càm ràm bên cạnh, tôi hiểu ra câu chuyện. Việt Nam mình bây giờ là thế, làm ở đâu cũng có ban bệ, vào trong nghĩa trang cũng thế, có trên, có dưới, có cũ, có mới.
Như trong nhà chồng tôi, anh em đều là công nhân, thầu xây dựng, nhưng không làm sao xây được mộ phần Ông Bà Nội của mình, phải giao toàn bộ cho những người quản lý ở nghĩa trang làm. Nếu mình không làm theo quy định (trong im lặng) đó, thì ngày hôm nay mình xây, sáng mai sẽ thấy thành bình địa tất cả, ngoan cố thêm một hai ngày nữa, cũng trở về con số không (0) thế thôi. Trước khi chúng tôi chưa giao mộ phần cho ông chủ lớn ở đó trông coi, thì mỗi lần đến mộ đều có người hầu chuyện, kể công lao chăm sóc hằng ngày …cho đến khi chúng tôi chi tiền trà nước mới để yên. Từ ngày trả công mỗi năm 300.000$ cho 2 ngôi mộ Ông Bà, chúng tôi không còn bị kèo nài mỗi khi lên thăm mộ nữa.
Phía bên mộ Ông Cẩn, chồng tôi cũng đang lắng nghe những người dọn dẹp, và cô bé dẫn đường phàn nàn,(có anh thanh niên bị câm) họ không dám nói gì khi có mặt nhóm người trước, có lẽ họ được những người kia thuê làm, nhìn chung thì họ cũng chịu khó chăm sóc mộ của Tổng Thống mình, những ngôi mộ mà ít khi có thân nhân lui tới, tiếc rằng mình không khá giả chứ tý quà cho họ cũng là phải đạo.
Gởi cho họ và cô bé dẫn dường thêm 100 ngàn nữa chúng tôi cám ơn và mọi người vui vẻ chia tay ra về.
Tôi quay lại, cúi chào Ông TT, “Từ nay con sẽ thường quay lại thăm Ông”.
Kể lại cho mọi người biết. Nếu muốn viếng mộ TT, thì đến ngã tư cầu Ông Bố quẹo phải vào khoảng 3km thấy cổng nghĩa trang đầu tiên (đừng vào cổng), đi quá khoảng gần 300m nữa sẽ thấy quán cóc bên đường, cạnh nghĩa trang. Dừng xe, có đường mòn, đi qua vài nấm mộ là thấy mộ TT ngay, nếu đi honda dắt vào lối này gần mộ TT, dể trông chừng xe hơn.
Nhìn Mộ một Vị Tổng Thống tài ba, nổi tiếng, khắp thế giới mọi người đều ngưỡng mộ Tài, Đức của ông, mà nằm đơn sơ như thế, tên tuổi cũng không được phép ghi chép rỏ ràng, tôi không sao cầm được nước mắt. Lòng tự hỏi biết đến ngày nào, người dân Việt nghĩ lại công lao của Ông, mà đặt mộ phần Ông vào một nơi xứng đáng hơn, gần gủi hơn, để mọi người yêu mến Ông được thường xuyên thăm viếng Mộ phần Ông???
Sài Gòn 12-11-2008
No comments:
Post a Comment