Nhà Báo Việt Thường

Nhà Báo Việt Thường

Tìm kiếm bài Blog than huu cua Nha Bao Việt Thường xin gõ chữ vào đây

Thursday, July 22, 2010

VNCH-Câu chuyện Biệt Ðội Trưởng Tình Báo Thiên Nga Thiếu Tá Nguyễn Thanh Thủy


Câu chuyện Biệt Ðội Trưởng Tình Báo Thiên Nga

Ngọc Lan/Người Việt



WESTMINSTER
(NV) - Tôi không nhớ chính xác đã nghe đến cụm từ “biệt đội Thiên Nga” từ lúc nào. Chỉ biết rằng, hình ảnh những người con gái, những người phụ nữ từng là “tình báo Thiên Nga” mà tôi được đọc, được xem qua phim ảnh, sách báo, luôn để lại trong tôi dấu ấn khá đậm.

Cũng không biết vì lý do gì. Có thể là sự ngưỡng mộ. Cũng có thể là sự tò mò. Những gì tôi được nghe về họ, cứ như một huyền thoại.

Tôi không biết chính xác lý do.

Cho đến một buổi chiều, suốt một buổi chiều, tôi ngồi nghe một cựu tình báo kể chuyện nghề, chuyện đời của một “Thiên Nga,” tôi bỗng vỡ ra nhiều điều.

Chân dung một tình báo đã trở nên “đời” hơn rất nhiều qua những lời kể của cô, cựu Thiếu Tá Nguyễn Thanh Thủy, biệt đội trưởng Biệt Ðội Thiên Nga.


Cựu Thiếu Tá tình báo Nguyễn Thanh Thủy: “Ông xã tôi nói sao tôi nặng nợ với thế gian này nhiều quá!” (Hình: Ngọc Lan/Người Việt)




Cái nghề là cái nghiệp

Xuất thân trong gia đình không có bất kỳ ai tham gia quân đội hay lực lượng cảnh sát, thế nhưng, hình ảnh nữ y tá duy nhất, Genevieve de Galard, người Pháp, “còn trẻ măng, chưa có gia đình” tham gia trong chiến tranh Ðiện Biên Phủ, được báo chí loan tải, đã đi vào tiềm thức của cô bé Nguyễn Thanh Thủy, khi ấy mới 11 tuổi.

“Tôi thích đi lính từ đó,” cô kể.

Sau khi đỗ tú tài 2 ở trường trung học Mỹ Tho, Thủy không thể theo học Ðại Học Dược bởi lý do sức khỏe. Thay vào đó, Thủy chọn trường Chính Trị Kinh Doanh Ðà Lạt, và trường Sư Phạm Công Giáo.

Tuy nhiên, khi sắp sửa tốt nghiệp thì bên cảnh sát tuyển “sinh viên sĩ quan.” “Vậy là tôi ghi tên dự thi. Lúc đó tôi 21 tuổi.” Cựu thiếu tá tình báo tiếp tục.

Bỏ ngang chuyện học ở Ðà Lạt, đầu năm 1966, Nguyễn Thanh Thủy vào Sài Gòn khởi đầu chương trình học sĩ quan cảnh sát.

Sau một năm huấn luyện, người ta muốn chọn ra năm trong số 18 cô gái được tuyển vào chương trình “biên tập viên cảnh sát” (tức những người phải có bằng đại học hoặc tú tài 2 trở lên), để vào “khối đặc biệt.” Tuy nhiên, không một cô nào muốn mình là người được chọn, ngay cả Thanh Thủy.

“Thế là, Tướng Nguyễn Ngọc Loan, tổng giám đốc Cảnh Sát Quốc Gia khi đó, ra lệnh cả 18 cô biên tập viên mới ra trường đều phải về khối đặc biệt.” Cô nhớ lại.

Sau khóa huấn luyện đặc biệt, “Biệt Ðội Thiên Nga” được thành lập vào tháng 8, 1968, từ một số người trong số 18 cô gái nói trên.

Và, Nguyễn Thanh Thủy chính là một trong những “thiên nga” đầu tiên.

Năm 1969, sĩ quan cảnh sát Nguyễn Thanh Thủy bắt đầu giữ chức vụ đội trưởng đội nữ tình báo cho đến ngày bị bắt vào tháng 5, 1975.

Biệt đội trưởng Biệt Ðội Thiên Nga năm xưa chậm rãi nhận xét: “Tên tôi, số phận tôi gắn liền với Biệt Ðội Thiên Nga nên tôi mới lãnh 13 năm tù và không ít lần tưởng mình khó thoát được lưỡi tử thần trong thời gian đó. Nhưng nếu chọn lại, tôi vẫn chọn làm tình báo bởi cho dù có những lúc khó khăn, cô độc, nhưng đây là nghề luôn luôn mới, công việc ngày hôm nay không hề giống nhau ngày hôm qua.”

'Không nói thật, không bạn bè, không chia sẻ'

Nghe đội trưởng “Biệt Ðội Thiên Nga” kể lại những năm tháng hoạt động của mình, những cách thức tìm hiểu, móc nối, tiếp xúc, đối đầu, xây dựng, tổ chức cả một mạng lưới tình báo “thiên nga” ở khắp mọi nơi, tôi khẽ hỏi: “Làm công việc này, cô có thấy mình đã phải có một sự đánh đổi lớn không?”

Sau vài giây im lặng, cô nói: “Thì đánh đổi cho đến ngày ba tôi mất, năm 1986, lúc tôi còn ở tù, tôi cũng chưa nói rõ ràng với ba tôi là tôi làm cái gì.”

Dường như niềm u uẩn được gợi ra quá bất ngờ, sau một thoáng tư lự, người phụ nữ mà tên tuổi một thời là mối âu lo của kẻ thù, là sự ngưỡng mộ của nhiều người, chậm rãi kể về những tâm tư chưa từng giãi bày bằng giọng run run.

Không ai trong gia đình, kể cả chồng cô, biết Thiếu Tá Nguyễn Thanh Thủy là một “thiên nga,” và hơn thế nữa, là người chỉ huy của những nữ tình báo trong biệt đội “Thiên Nga.”

Người cha, một thầy giáo dạy học, chỉ biết con mình là một thiếu tá cảnh sát.

Người chồng, một sĩ quan xuất thân Võ Bị Ðà Lạt, chỉ biết vợ mình làm ở khối đặc biệt nhưng không biết công việc cụ thể của vợ là gì.

Gia đình chồng chỉ biết, họ có con dâu là một sĩ quan cảnh sát, dạy học ở trường trung học cảnh sát Trung Thu.

Ngoài một số bạn học cùng khóa huấn luyện sĩ quan cảnh sát đặc biệt, và cùng ở chung đội “Thiên Nga,” không mấy ai biết Nguyễn Thanh Thủy là “tình báo,” bởi “nếu nói ra tôi sẽ mất bạn bè. Chỉ nghe nói cảnh sát họ đã sợ rồi chứ đừng nói gì là cảnh sát đặc biệt.”

Chính vì tính chất đặc biệt của nghề, người phụ nữ này dường như không bao giờ thoát khỏi áp lực nặng nề của một con người luôn phải sống trong sự khép kín, không bao giờ được nói thật, và không bao giờ có thể tìm được sự chia sẻ, đồng cảm.

Bởi, rất đơn giản: tình báo là nghề không có quyền tâm sự về công việc của mình, không bộc lộ được tình cảm của mình.

Chia sẻ những “oan ức” này, cô Hà Thị Ðông Nga, trung úy Cảnh Sát, xướng ngôn viên truyền thanh truyền hình Bộ Tư Lệnh Cảnh Sát, và cũng là một cựu “Thiên Nga,” kể rằng: “Ngoài những khó khăn nguy hiểm, người làm công việc tình báo còn phải hy sinh cả tình cảm gia đình và tình cảm cá nhân. Những thiên nga hầu hết đều ở tuổi mười mấy, hai mươi mấy, ai cũng có những tình cảm riêng. Có điều tình cảm riêng đó đôi khi gãy đổ rất oan ức. Nhẹ nhàng thì một buổi chiều mình hẹn người yêu thì công tác dồn tới, hoặc mình chưa ra khỏi được điểm mục tiêu, làm sao giữ được hẹn? Mà nghề tình báo đâu chỉ một ngày một bữa, đó là công việc bất kể giờ giấc. Có thể là 11, 12 giờ đêm có thể là 1, 2 giờ sáng. Lấy lý do gì biện minh cho hành động của mình đây?”

Trung Úy Ðông Nga, tức xướng ngôn viên Hồng Nga nhiều năm làm việc tại đài phát thanh VNCR, tâm sự rằng: “Cay đắng nhất, đôi khi tình cảm gãy đổ mà mình mang một tiếng oan rất nhục nhã. Ðôi khi công tác đòi hỏi mình đóng vai một người ăn chơi trong vũ trường. Mới buổi sáng mình gặp người yêu trong tư cách là một sinh viên ngoan hiền. Ðột nhiên buổi tối, người yêu nhìn thấy mình ăn mặc rất 'sexy' từ trong vũ trường bước ra. Tình huống đó trả lời sao đây? Họ sẽ cho mình là người lừa dối, hai mặt. Nhưng vì công tác, không nói được, mình chỉ biết ngậm ngùi chia tay.”

Trở lại với Biệt Ðội Trưởng Thanh Thủy, cô nói: “Tôi bị đau đầu. Công việc lúc nào cũng mới mẻ. An ninh xã hội cứ biến chuyển, nên cứ phải suy nghĩ hôm nay đặt chương trình này như thế nào, ngày mai giao công việc cho cho người khác ra làm sao.

Chồng tôi làm việc ở xa, mà tôi cũng không thể nói với chồng. Tôi lại phải lo nhà, lo con.

Có nhiều lúc chồng tôi từ Ðà Lạt về bất chợt, nhưng ngày giờ hẹn với tình báo viên từ trong mật khu ra đã có rồi nên đúng ngày giờ tôi phải đi thôi.

Có nhiều khi từ cơ quan về nhà, cả đêm tôi không ngủ được. Ngày mai tôi sẽ tiếp xúc với một cán bộ cao cấp của đối phương. Tôi không biết mình phải nói cái gì, hỏi cái gì, làm như thế nào để họ chịu nói chuyện và cộng tác với tôi, bởi nếu tôi không khéo léo, tôi sẽ mất một đầu mối... Những lo lắng đó, tôi không thể nói được với bất kỳ ai.”

Cũng như một lẽ thông thường, “nói ra những điều để đề nghị khen thưởng, thăng cấp cho cấp dưới dễ bao nhiêu thì khi nói đến chuyện tình cảm lại khó bấy nhiêu.”

Người đội trưởng đội tình báo còn rất trẻ khi đó chia sẻ tiếp:

“Vì công tác, có khi mình phải dùng người của mình tạo tình cảm với đối phương để lấy tin tức. Thế nhưng khi thấy họ bắt đầu có cảm tình với nhau rồi thì mình lại phải yêu cầu người của mình dừng lại, bởi nếu không, sợ cổ sa lầy thì lại nguy hiểm. Lúc đó, thấy rất tội nghiệp, mình là người hướng dẫn họ cách tạo tình cảm, yêu cầu họ phải làm vì công tác. Bây giờ mình lại ngăn cản, chia cắt họ. Thấy tội nghiệp nhưng mình cũng đâu thể nói ra điều đó được.”

“Những điều như vậy cứ khiến mình suy nghĩ. Những điều như vậy, mình biết nói với ai.” Người phụ nữ giàu tình cảm nhưng lại phải sử dụng lý trí để giải quyết những tình huống đó thoáng trầm ngâm.

Cũng vì tính chất đặc thù của nghề tình báo là như vậy, nên “Thiên Nga” Nguyễn Thanh Thủy, người phụ nữ duy nhất mang cấp bậc thiếu tá của khối cảnh sát đặc biệt, đã khuyên con trai mình “nên chọn nghề khác” sau khi nghe con nói ý định theo nghề của mẹ: “Con hãy chọn nghề gì mà có thể nói ra cho anh em vợ con nghe được thì sẽ dễ hơn, chứ tình báo là nghề nghiệp không rõ ràng, cái gì cũng phải giấu diếm, mệt lắm.”

Người đốt hồ sơ Thiên Nga

13 năm tù là thời gian Thiếu Tá Nguyễn Thanh Thủy phải trả cho chức vụ “đội trưởng biệt đội Thiên Nga” của mình.

13 năm đó là thời gian đứa con trai đầu của cô bước chân vào trường học và tốt nghiệp lớp 12 mà hoàn toàn không có bóng dáng yêu thương, vỗ về dạy dỗ của người mẹ. Và đứa con trai cũng chỉ thực sự biết mẹ mình là một “tình báo cao cấp” khi báo chí trong nước đưa tin và lý lịch vào đại học của anh bị “bôi đen.”

13 năm đó cũng là thời gian hai đứa con nhỏ khuyết tật của cô thiếu hẳn hơi ấm người mẹ, phải lớn lên trong sự chăm sóc của ngoại, sau đó là của cha, khi ông trở về từ “trại cải tạo” sau hơn sáu năm bị giam mình.

Tôi im lặng lắng nghe, và quan sát người phụ nữ đang nói chuyện với mình.

Tôi hỏi: “Cuộc sống trong tù của cô có khác gì hơn so với những người khác không, khi mang tiếng là đội trưởng biệt đội Thiên Nga?”

“Khắc nghiệt hơn.” Giọng người phụ nữ miền Tây chậm rãi đáp: “Tôi bị giam một mình, cách ly hơn một năm để thẩm vấn từ tháng 10, 1975 đến tháng 12, 1976. Năm 1981, tôi lại bị biệt giam trong phòng tối ở cơ quan X4 hơn bốn tháng.”

Bảy mươi mấy lần Thiếu Tá Thủy bị hỏi cung chỉ vì phía Việt Cộng “không tìm ra được tài liệu hồ sơ Thiên Nga.”

Ðối phương cứ quanh đi quẩn lại điên tiết nhiều lần với câu hỏi: “Tại sao làm nghề này mà chỉ có nhân viên chính thức thôi mà không có mật báo viên. Không có tình báo viên thì thật là vô lý!”

Ðể có được điều “vô lý” mà Việt Cộng khó lòng truy tìm ra được tất cả những người phụ nữ đã tham gia vào biệt đội “Thiên Nga” là bởi “ngày 29 tháng 4, 1975, chính tay tôi đã đốt toàn bộ hồ sơ, cho nên chúng không còn cái gì để mà kiểm chứng.” Người đội trưởng tiết lộ.

Thiếu Tá Thủy tiếp tục câu chuyện năm xưa. Cô cho biết, trong cơn tranh tối tranh sáng, cô đã “không ngủ được cả tuần lễ để quyết định về đội của mình, làm như thế nào để bảo toàn được bí mật.”

Cách mà đội trưởng tình báo chọn là “hủy hồ sơ trước khi mấy cô này có thể bị bắt.”

Cô lý luận: “Tôi là người biết hết mọi người, tôi lại không nói bất kỳ chuyện gì với ai, thành ra khi tài liệu bị đốt hết, mấy cô muốn khai thế nào thì khai, không có tài liệu để đối chất, nên điều đó vừa đỡ cho các chị, vừa đỡ cho tôi. Bởi tôi muốn khai gì tôi khai, tôi muốn giấu nhẹm chuyện gì là tôi giấu. Họ không nắm được bí số, ám danh của tất cả những người đó, các cộng tác viên, tình báo viên cũng vì thế mà không biết đâu mà soi ra, đối chất lại với các cán bộ điều khiển của họ.”

Làm được điều đó, đội trường biệt đội ‘Thiên Nga” cảm thấy an lòng.

Trở về với đời thường


Thiếu Tá Nguyễn Thanh Thủy, đội trưởng biệt đội Thiên Nga, bên những hình ảnh của ngày xưa: “Nhìn lại thấy đời sao lăn lóc quá!”
(Hình: Ngọc Lan/Người Việt)

Qua những khóa huấn luyện, những ngày tháng nghiên cứu hồ sơ, cùng những trải nghiệm của chính mình, người chỉ huy tình báo “Thiên Nga” chậm rãi nói về cuộc đời, về những thật giả của công việc một người làm tình báo mà vì những phức tạp của nghề nên khi có sự đảo chánh, hay bất cứ sự thay đổi nào, mình phải chấp nhận cảnh đi tù vì những âm mưu chính trị chung.

“Mình làm mình chịu. Tôi làm hết với lương tâm và trách nhiệm với công việc, và chấp nhận sự phán xét theo pháp luật của mỗi thời cuộc. Còn thì ngoài ra, tất cả đều là con người với nhau.”

Tôi nghe tiếp câu chuyện của người sĩ quan tình báo năm nào sau khi ở tù ra, trở về nhìn ba đứa con xơ xác trong ngày 29 Tết.

Tôi nghe tiếp câu chuyện của người đội trường biệt đội Thiên Nga năm nào quăng mình vào chốn nhân gian mà mưu sinh qua từng bữa mua vay buổi sáng trả lãi buổi chiều.

Tôi nghe tiếp câu chuyện của Thiếu Tá Nguyễn Thanh Thủy cùng quán cóc cà phê trở thành tụ điểm của những người sĩ quan xưa, đến tìm sự giúp đỡ bổ túc thêm hồ sơ đi Mỹ.

Và, tôi nghe tiếp câu chuyện của người tị nạn H.O bươn chải trong những ngày đầu đặt chân lên xứ người.

Tư chất của một người tình báo sẵn sàng ẩn mình dưới nhiều vỏ bọc khác nhau đã giúp người đội trưởng Biệt Ðội Thiên Nga khả năng hòa nhập và chấp nhận cuộc sống, dù như thế nào.

Chiến tranh đã qua đi. Quá khứ dần khép lại. Nhưng câu chuyện về thân phận những người đã dự phần trong những biến động lịch sử, nhất là những người làm công tác tình báo, như Biệt Ðội Thiên Nga, vẫn có điều khiến lòng người day dứt.

“Nhìn lại thấy đời sao lăn lóc quá.” Thiếu Tá Nguyễn Thanh Thủy kết luận bằng gương mặt mang nhiều tâm trạng.

Biệt đội trưởng Biệt Ðội Thiên Nga cười buồn: “Ông xã tôi nói sao tôi nặng nợ với thế gian này nhiều quá!”

Âu rằng, đó cũng là tâm trạng chung của những “thiên nga” ngày xưa. Lăn lóc là vậy, nặng nợ là vậy, nhưng họ mang đầy trong lòng niềm tự hào, như lời tâm sự của Ðông Nga, tức Hồng Nga: “Không có gì hối hận, vì đằng sau những vẻ chân yếu tay mềm, những dị nghị đắng cay, mình phải gồng gánh biết bao trách nhiệm nặng nề để đạt được mục tiêu lý tưởng của mình. Ðó là điều hãnh diện.”



NỮ THIẾU TÁ CSQG NGUYỄN-THANH-THỦY
GƯƠNG PHỤ NỮ ANH HÙNG: NỮ THIẾU TÁ CSQG NGUYỄN-THANH-THỦY ( Cựu Biệt Đội Trưởng Tình Báo THIÊN NGA ) Bài của TOÀN NHƯ Lẫn trong đám đông ồn ào của ngày Hội Ngộ Tân Niên Mừng Xuân Giáp Thân 2004 của Hội Ái Hữu Cảnh Sát Quốc Gia Pomona, Nam California, người phụ nữ ấy trông vẻ ngoài cũng bình thường như bao người phụ nữ khác, nhưng đến khi chị được Ban Tổ Chức giới thiệu và mời lên phát biểu thì người ta mới được biết người phụ nữ ấy đã một thời từng chỉ huy một biệt đội tình báo làm cho kẻ thù phải kiêng nể và căm phẫn vì những chiến công lớn lao mà chị đã đóng góp cho cuộc chiến vì Tự Do trước đây. Người phụ nữ ấy là cựu nữ Thiếu Tá Cảnh Sát Quốc Gia Nguyễn Thanh Thủy, người từng chỉ huy một biệt đội tình báo toàn là nữ của ngành CSQG/VNCH có tên là Thiên Nga. Không rõ có phải là định mệnh đã đưa đẩy cô nữ sinh trường trung học Nguyễn Đình Chiểu Mỹ Tho rồi sinh viên Dược Khoa Sàigòn và Chính Trị Kinh Doanh Đà Lạt trở thành một nữ sĩ quan cảnh sát. Năm 1966, cô đã rời bỏ mái trường Đại Học Đà Lạt để trở thành một sinh viên sĩ quan của Học Viện Cảnh Sát Quốc Gia, một ngôi trường đào tạo sĩ quan cho lực lượng CSQG/VNCH vừa mới được thành lập. Vốn là một con người năng động, ham muốn phục vụ tha nhân và xã hội, cô không muốn phải miệt mài nhiều năm trên ghế nhà trường trước khi được phục vụ tha nhân. Ngành Cảnh Sát Quốc Gia Việt Nam Cộng Hòa trước khi thành lập Học Viện CSQG hầu như không có nữ sĩ quan ngoại trừ những nữ nhân viên hành chánh biệt phái. Khóa I Học Viện CSQG là khóa đầu tiên và duy nhất đào tạo nữ sĩ quan cho ngành cảnh sát. Mặc dù sau này do nhu cầu phát triển, ngành cảnh sát có tuyển dụng thêm một số nữ sĩ quan đồng hóa nhưng họ chỉ phải trải qua một thời gian huấn luyện ngắn hạn chứ không phải chịu một thời gian huấn luyện (và huấn nhục) dài 9 tháng (cho cả nam lẫn nữ) như Khóa I Sĩ Quan Cảnh Sát. Cô nữ sinh viên Nguyễn Thanh Thủy, người con gái Mỹ Tho, đã cùng gần 50 bạn nữ khác tình nguyện xếp bút nghiên vào học nội trú trong Học Viện CSQG mà không hề có một khái niệm gì về những hoạt động của ngành này. Sau khi tốt nghiệp, hầu hết số nữ sĩ quan này được phân phối về phục vụ tại Khối Đặc Biệt, một bộ phận chuyên trách về tình báo và phản tình báo của lực lượng CSQG. Từ trước đến nay, công tác tình báo trong ngành cảnh sát vẫn thường do các bạn nam phụ trách, phái nữ chỉ trợ giúp khi có sự yêu cầu và thường do các bạn nam điều động. Nhưng kể từ sau cuộc tổng tấn công của Việt Cộng trong Tết Mậu Thân năm 1968, vai trò an ninh và tình báo đã được chú trọng hơn và nhu cầu cần có một mạng lưới an ninh tình báo toàn phái nữ đã được đặt ra. Trước nhu cầu đó, Bộ Tư Lệnh CSQG đã quyết định thành lập một đơn vị tình báo toàn là nữ nhân viên có tên gọi là “Biệt Đội Thiên Nga”, tên của một loài chim “quý phái”, trực thuộc Khối Đặc Biệt, hoạt động độc lập, song song với các cơ cấu đã có từ trước. Biệt Đội này đã được giao cho chị Nguyễn Thanh Thủy đảm trách, năm đó chị mới ngoài hai mươi tuổi. Nhiệm vụ của Biệt Đội Thiên Nga là sưu tầm và phân tích các tin tức tình báo, tổ chức xâm nhập và phá vỡ các tổ chức và các hạ tầng cơ sở của Việt Cộng tại thủ đô Sài Gòn cũng như tại các tỉnh địa phương trên toàn quốc. Vạn sự khởi đầu nan. Công việc khởi đầu bao giờ cũng khó khăn. Từ việc tổ chức cho đến nhân sự, tất cả đều mới mẻ, nhưng nhờ những năm phục vụ tại Khối Đặc Biệt trước đó đã cho chị Nguyễn Thanh Thủy nhiều kinh nghiệm trong việc hình thành một mạng lưới tình báo nữ xuất sắc cho ngành CSQG. Các nữ nhân viên được tuyển mộ cho Biệt Đội Thiên Nga đều là những người có trình độ văn hóa tối thiểu là văn bằng Trung Học Đệ Nhất Cấp (tốt nghiệp cấp 2 Trung Học) hoặc cao hơn, ngoại trừ các quả phụ cảnh sát chỉ cần có văn bằng tiểu học. Họ được tuyển lựa từ đủ mọi thành phần trong xã hội; từ những cô bán hàng ở chợ, những người bán hàng rong, cho đến các sinh viên, học sinh, cô giáo, thư ký văn phòng, nhân viên nhà hàng, bưu điện, vũ nữ, v.v... Họ sẽ lần lượt được học qua các lớp Tình Báo căn bản, Theo Dõi, Cán Bộ Điều Khiển, Tác Xa, ...ï trước khi được giao công tác. Dưới sự chỉ huy của chị Nguyễn Thanh Thủy, Biệt Đội Thiên Nga đã tổ chức xâm nhập, len lỏi vào các tổ chức của cộng sản, những tổ chức thiên tả thân Cộng như các Hội Phụ Nữ Đòi Quyền Sống, Hội Các Bạn Hàng tại các chợ, các lực lượng đấu tranh thuộc thành phần thứ ba, các tổ chức tôn giáo khuynh tả, các tổ chức thanh niên sinh viên học sinh để kịp thời ngăn chặn và triệt phá những âm mưu có nguy hại cho an ninh quốc gia. Ngoài ra, Biệt Đội còn bí mật tổ chức xâm nhập vào tận mật khu của Việt Cộng để thu thập những tin tức tình báo góp phần tiêu diệt các cơ sở đầu não của Cộng Sản. Mỗi kế hoạch công tác của biệt đội Thiên Nga vì toàn là nữ nên cũng lãng mạn mang một ám danh bằng tên của một loài chim như Sơn Ca, Họa Mi, Hải Âu, Hoàng Oanh, Hoàng Yến, ... Nhưng nếu công tác có tính phối hợp với các cơ quan bạn thì lại mang ám danh của sông núi như Trùng Dương, Trường Sơn, v.v... Mặc dù chỉ mới được thành lập không bao lâu trước ngày 30-4-1975, nhưng Biệt Đội Thiên Nga đã tạo được nhiều chiến công đáng kể mà ngay chính kẻ thù cũng phải kiêng nể. Vì là một đơn vị hoạt động tình báo nên việc ngụy thức và bảo mật luôn được đặt lên hàng đầu. Công tác này các nữ Thiên Nga đã rất thành công, không để lộ tung tích khiến cho kẻ địch phải ngờ vực. Thậm chí đã có trường hợp chúng còn tin tưởng đề cử người của Biệt Đội Thiên Nga vào những chức vụ chủ chốt của chúng hoặc gởi đi học những khóa chuyên môn hoặc tình báo của chúng; chẳng hạn như một cán bộ của biệt đội đã từng được tổ chức Phong Trào Phụ Nữ Đòi Quyền Sống của bà Ngô Bá Thành (vừa qua đời tại Việt Nam), một tổ chức ngoại vi nằm vùng của cộng sản, đề cử vào chức vụ Phụ Tá Phong Trào – tuy nhiên sau khi cân nhắc lợi hại Biệt Đội đã chỉ đạo người nữ nhân viên ấy phải từ chối khéo để tránh bị lộ. Một trong những chiến công mà chị Nguyễn Thanh Thủy cho là lý thú nhất là chị đã tổ chức được một đội tình báo nằm ngay trong lòng bộ chỉ huy của phái đoàn quân sự bốn bên. Theo Hiệp Định Paris về Việt Nam được ký kết vào ngày 27 tháng 01 năm 1973, phái đoàn quân sự bốn bên này gồm có: Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa (Bắc Việt), Mặt Trận Dân Tộc Giải Phóng Miền Nam, Việt Nam Cộng Hòa và Hoa Kỳ. Đội tình báo này chính là nhà thầu cung cấp thực phẩm cho hai phái đoàn Bắc Việt và MTDTGPMN. Đầu tiên, những nhà thầu cung cấp thực phẩm chỉ là những cảm tình viên do chúng ta giới thiệu nhưng đã bị chúng nghi ngờ không chấp nhận. Chúng yêu sách đòi hỏi phải đăng báo để chúng tìm nhà thầu khác ngoài công chúng do chúng tự chọn. Nhưng thật là khôi hài, chị Thủy cho biết, chúng chọn ai không chọn, lại chọn đúng ngay đội tình báo của biệt đội Thiên Nga trá hình làm nhà thầu cung cấp thực phẩm cho chúng. Công tác này được mang ám danh là Trùng Dương, hoạt động mãi cho đến ngày cuối cùng là 28-4-1975. Đối với người phụ nữ Việt Nam, công việc hoạt động tình báo quả là một thử thách khó khăn vì người phụ nữ dù làm việc trong lãnh vực nào cũng vẫn không thề quên cái thiên chức làm vợ, làm mẹ đè nặng trên vai. Hơn nữa người tình báo lại là người muôn mặt. Khi thì là một nữ sinh viên ngây thơ nhí nhảnh, lúc lại là một chị bán hàng rong tất bật lam lũ. Hôm nay là một mệnh phụ đài các, ngày mai lại là một chị nông dân chất phác,... Cái khó khăn là phải biết nhập vai sao cho chính xác mà vẫn không bị lộ. Cho nên để bảo toàn bí mật và để hoàn thành những nhiệm vụ được trao, người nữ cán bộ tình báo nhiều khi đã bị mang tiếng là bỏ bê gia đình bởi do nhu cầu công tác có những lúc họ phải đi sớm về khuya, bỏ mặc con ngóng, chồng trông mà không sao giải thích được. Đó cũng là nỗi khổ tâm của người nữ chiến sĩ tình báo Thiên Nga. Vượt qua được những trở ngại đó, các nữ chiến sĩ Thiên Nga đã nhiều phen tạo được những chiến công to lớn (trong thầm lặng). Họ đã đem hết những hăng say, nhiệt tình, tinh thần chống Cộng mãnh liệt của tuổi trẻ, hiến dâng để bảo vệ đất nước Miền Nam Việt Nam. Cộng sản cũng rất lưu ý đến những hoạt động của Biệt Đội Thiên Nga. Hầu hết những cán bộ điều khiển của biệt đội đều phải trải qua nhiều năm trong những trại tù khắc nghiệt của cộng sản sau ngày 30-4-1975. Mặc dù vậy họ vẫn giữ vững nhân cách, lập trường, vượt qua những gian lao của bao năm tháng tù đày. Trong những ngày cuối cùng khi biết Miền Nam sẽ rơi vào tay Cộng Sản, với tinh thần trách nhiệm cao độ, chị Nguyễn Thanh Thủy đã kịp thời tiêu hủy tất cả các hồ sơ nhân viên, kể cả danh sách các cảm tình viên và những người phía bên kia hoạt động nhị trùng cho biệt đội. Chị cũng thiêu hủy tất cả các kế hoạch công tác đã hoặc chưa thi hành để kẻ thù không thể khai thác khi chúng tiếp quản Miền Nam. Chị Nguyễn Thanh Thủy đã bị chúng giam cầm đến gần 13 năm mới được tha, khi sức khỏe của chị đã quá suy sụp tưởng chừng không gượng dậy nổi, nhưng như một phép lạ chị đã lần lần phục hồi sau một thời gian được trả tự do. Trong thời gian bị giam, chị đã bị kẻ thù hành xác và khủng bố tinh thần qua các thủ đoạn biệt giam, hăm dọa, bỏ đói, ... để moi cung nhưng chúng vẫn không khai thác được gì nơi chị ngoài những điều chúng đã biết. Định cư tại quận Cam, Hoa Kỳ, theo diện H.O. từ năm 1992 đến nay, tuy đã lớn tuổi và sức khỏe có phần nào hạn chế bởi những năm tháng trong ngục tù cộng sản, chị Nguyễn Thanh Thủy vẫn tỏ ra năng động và luôn tích cực trong nhiều sinh hoạt cộng đồng. Mới đây chị vừa được cựu Tướng Lê Minh Đảo, Trung Tâm Trưởng Trung Tâm Điều Hợp Tập Thể Chiến Sĩ VNCH Hải Ngoại đề cử vào chức vụ Trưởng Khối Xã Hội của tổ chức này. Chị nói, đã là người Việt thì ai là người không nặng tình với đất Việt, dân Việt. Được dịp phục vụ Tổ Quốc là một hãnh diện và danh dự thì làm sao chị có thể chối từ, hơn nữa khi “giặc đến nhà, thì đàn bà cũng phải đánh”, đó là lời tâm sự của chị. Là cựu Biệt Đội Trưởng Thiên Nga, một cựu cấp chỉ huy về tình báo, chị cảm nhận được rằng đang có những sự xâm nhập của tình báo cộng sản tại hải ngoại. Chúng đã và đang len lỏi trong cộng đồng bằng những thủ đoạn gây chia rẽ và phá rối dưới nhiều hình thức. Kẻ thù đang giấu mặt. Chị Thủy nói, chúng ta cần cảnh gíác với chúng, bởi vì Cộng sản rất tinh vi và quỷ quyệt, chúng lại sẵn có phương tiện (tài chánh) dồi dào trong tay, nên nếu chúng ta không tỉnh táo sẽ rơi vào bẫy sập của chúng.
TOÀN NHƯ


Biệt Đội Thiên Nga, nữ chiến sĩ tình báo


Tuyết Mai

Tôi được dịp gặp Cựu Thiếu Tá Cảnh Sát Đặc Biệt Nguyễn Thanh Thủy, Nguyên Biệt Đội Trưởng, Biệt Đội Thiên Nga TrungƯơng, một cơ quan tình báo phụ nữ thuộc Bộ Tư Lệnh Cảnh Sát Quốc Gia VNCH, trong ngày Đại Hội Nữ Quân Nhân kỳ IV ở California. Qua cuộc tiếp xúc với Cựu Thiếu Tá Thủy, tôi cảm thấy vô cùng cảm kích và thật hãnh diện về tinh thần phục vụ của những người phụ nữ VN trong Biệt Đội Thiên Nga. Các chị đã can đảm chấp nhận sự nguy hiểm, sẵn sàng hy sinh tính mạng của mình trong cuộc chiến ngăn chặn CS xâm nhập và xâm lăng Miền Nam.

Cựu Thiếu Tá Nguyễn Thanh Thủy cho biết, trong năm 1968, sau cuộc tổng tấn công Tết Mậu Thân và cuộc tấn công vào Tháng Năm, 1968, Chính Phủ VNCH thấy cần tăng cường các lực lượng Cảnh Sát trong việc bảo vệ an ninh đất nuớc để ngăn chận VC xâm nhập Miền Nam bằng đường bộ cũng như đường thủy. Từ đó vai trò của Cảnh Sát quan trọng hơn, đặc biệt là cần có sự bổ sung một số phụ nữ để thành lập một tổ chức toàn những Nữ Cảnh Sát, hoạt động trong các công tác tình báo, hoạt động riêng rẻ hoặc phối hợp với Nam Cảnh Sát.

Do đó Tháng 8, 1968, Bộ Tư Lệnh Cảnh Sát QG quyết định thành lập một tổ chức toàn là phụ nữ có tên là Biệt Đội Thiên Nga , trực thuộc Khối Đặc Biệt, Bộ Tư Lệnh Cảnh Sát QG VNCH. Tổ chức này hoạt động độc lập. Nhiệm vụ của Biệt Đội Thiên Nga là sưu tầm tin tức các tổ chức VC xâm nhập và phá vở các tổ chức hạ tầng cơ sở của VC tại Thủ Đô Saigon cũng như tại địa phương ở các tỉnh trên toàn lãnh thổ Miền Nam VN.

Vế tổ chức thì Biệt Đội Thiên Nga Trung Ương có văn phòng tại Khối Đặc Biệt, Bộ Tư Lệnh CSQG VNCH. Biệt Đội Thiên Nga Thủ Đô gồm mười một quận của Đô Thành, có văn phòng tại Bộ Chỉ Huy Cảnh Sát Quốc Gia Thủ Đô và BCH Cảnh Sát Quốc Gia ở các Quận trong Đô Thành. Ngoài ra còn có Biệt Đội Thiên Nga Vùng I, Vùng II, Vùng III, Vùng IV và tại các tỉnh trong toàn quốc. Từ Quảng Trị đến Cà Mau đều có Biệt Đội Thiên Nga.

Biệt Đội Trung Ương có bốn ban như Ban Hành Chánh, Ban Tổ Chức, Ban Huấn Luyện, Ban Hoạt Vụ. Nhiệm vụ của Biệt Đội Thiên Nga Trung Ương là tuyển mộ và huấn luyện, tìm đầu mối phát triển công tác, đôn đốc và hướng dẫn cán bộ, thành lập đội Thiên Nga địa phương của mười một quận trong Đô Thành và tại các tỉnh.

Các đội Thiên Nga địa phưong tuyển mộ nhân viên gởi về Saigon, Biệt Đội Thiên Nga Trung Ương gởi những chị em mới được tuyển mộ đi thụ huấn các khóa tình báo tại Trường Tình Báo Trung Ương ở đường Cộng Hòa, Saigon.

Về trình độ văn hóa, các chị em Thiên Nga ít nhất phải có bằng Trung Học Đệ Nhất Cấp hay cao hơn. Ngoài trừ quả phụ của Cảnh Sát thì không đòi hỏi điều kiện văn bằng như trên, nhưng ít nhất phải có bằng tiểu học . Các sĩ quan Thiên Nga thì phải có bằng Tú Tài hay cao hơn.

Các nhân viên được tuyển lựa gồm các chị em ở mọi lứa tuổi , mọi thành phần khác nhau trong xã hội, từ người bán hàng rong cho đến thư ký văn phòng hay cô giáo, vũ nữ …các nữ nhân viên tình báo lần luợt được học qua các lớp " tình báo căn bản" là bốn tuần, khóa " theo dõi " sáu tuần và "cán bộ điều khiển " thì tám tuần…các khóa sinh phải đủ điểm ở lớp thấp trước rồi mới được lên lớp kế tiếp và trong thời gian huấn luyện thì các khóa sinh phải ở nội trú và mang ám số.

Việc giảng dạy do các trường tình báo phụ trách, còn giám thị thì do các nhân viên Thiên Nga đảm nhận. Sau khi đã học xong thì các nhân viên tình báo trở về Biệt Đội Trung Ương hoặc địa phương để hoạt động.

Các công tác đều có ám danh, vì là phụ nữ nên các ám danh có tên của các loài chim như sơn ca, hoạ mi, hải âu, hoàng oanh, hoàng yến vv… những công tác phối hợp chung với nam Cảnh Sát thì có tên như Trùng Dương hay Trường Sơn …

Do sự thay đổi của tình hình chính trị, Biệt Đội Thiên Nga có ám danh mới để hoạt động cho dễ. Song song với những công tác được huấn luyện, Biệt Đội Thiên Nga thi hành nhiều công tác như xâm nhập, len lõi vào các hội đoàn phụ nữ VN hoặc hội hè ở các chợ hoặc lên lõi vào những phong trào phụ nữ đòi quyền sống, hoặc lực lượng thứ ba chống chính quyền VNCH… để kịp thời ngăn chận VC nằm vùng và phá vỡ những âm mưu nguy hại an ninh quốc gia. Ngoài ra Biệt Đội Thiên Nga cũng xâm nhập vào tận mật khu của VC để thu thập tin tức tính báo, góp phần tiêu diệt các cơ sở đầu não của CS.

Để thi hành công tác, các chị em Thiên Nga luôn chấp nhận sự hiểm nguy, tính mạng lúc nào cũng bị đe dọa. Qua tài liệu thì VC bị thất bại nhiều từ khi Biệt Đội Thiên Nga được thành lập, vì vậy VC luôn đề cao cảnh giác vè hoạt động của Biệt Đội Thiên Nga. Để đối phó vấn đề này VC luôn tìm cách bắt cốc, gây tai nạn xe, tạo án mạng hay ám sát những ai mà chúng nghi ngờ là thuộc Biệt Đội Thiên Nga.

Các nhân viên Thiên Nga phải có những ngụy tích (lý lịch) và ngụy thức( cách trang phục) để len lõi vào các hội đoàn, tham dự các cuộc biểu tình nên cũng phải chịu hơi cay hay dùi cui của Cảnh Sát.

Một trong những công tác điễn hình là vấn đề cung cấp thực phẩm cho phái đoàn bốn bên VC, CS Bắc Việt, Mỹ và VNCH sau khi hiệp ước đư5ơc ký ở Paris. VC và CS Bắc Việt đòi để họ chọn nhà thầu. Biệt Đội Thiên Nga cử người vào thầu giống như những nhà thầu tư nhân. Đội Thiên Nga đã hoạt động âm thầm cho đến ngày cuối cùng. Công tác đó có ám danh là Trùng Dương.

Cựu Thiếu Tá Nguyễn Thanh Thủy cho biết trong thời gian hoạt động với các cán bộ nằm vùng, các chị em cố thuyết phục và có những người CS đã giác ngộ, quay lại họp tác với các chị em Thiên Nga. Công tác này gọi là công tác Hoàng Oanh.

Biệt Đội Thiên Nga có rất nhiều nhân viên chính thức khắp các vùng chiến thuật, nhưng sau 1975 Cộng sản không tìm ra đuợc nhiều người vì hồ sơ đã được hủy trước khi Miền Nam mất. Vấn đề tình báo luôn được giữ bí mật, trong thời gian thụ huấn ở Trung Tâm Huấn Luyện Tình Báo các chị em có bí danh, bí số. Sau khi ra trường, trở về đơn vị các chị em hoạt động độc lập, nhận lệnh và báo cáo với cấp chỉ huy trực tiếp, chứ giữa các chị em trong Biệt Đội Thiên Nga không có sự liên lạc với nhau như ở các đơn vị Cảnh Sát sắc phục hay các quân binh chủng khác.

Các Nữ chiến sĩ tình báo Thiên Nga bị CS liệt kê là thành phần phản động, nguy hiểm, tích cực chống Cộng chứ không phải vì hoàn cảnh, vì sinh kế mà gia nhập ngành này. Sau 1975, chị em người nào bị bắt thì bị trừng trị rất nặng, ở tù rất lâu. Riêng Cựu Thiếu Tá Nguyễn Thanh Thủy bị tù mười ba năm và bị biệt giam hơn một năm , mãi ba năm sau mới được giam chung với các chị em nữ quân nhân từ cấp bực Đại Uý trở lên.

Các Nữ chiến sĩ tình báo Thiên Nga thật xứng đáng là con cháu của hai Bà Trưng, Bà Triệu; là niềm hãnh diện của người phụ nữ Việt Nam, đã đóng góp một phần không nhỏ trong việc tô thấm màu cờ và làm vẻ vang những trang sử oai hùng của dân tộc Vịệt.

Web Một Thời Phan Châu Trinh Ðà Nẵng


Nhân Ngày Quân Lực 19/06 : Nhớ Đến Biệt Ðội Thiên Nga
Nguyễn Thanh Thủy
, Diễn Đàn HoaTựDo, 17/06/2008

(Đoàn Nữ Quân Nhân QLVNCH)

Biệt Ðội Thiên Nga ra đời trong những năm cao điểm của cuộc chiến tranh bảo quốc của quân dân Miền Nam đối với bọn xâm lược Cộng Sản phương Bắc. Sau năm 1954, nền Ðệ Nhất Cộng Hòa đã được hình thành ở miền Nam Việt Nam, do đó lực lượng Cảnh Sát Quốc Gia cũng được củng cố lại để lo an ninh quốc gia và bảo vệ mọi tầng lớp dân chúng. Thành phần nữ nhân viên trong lực lượng Cảnh Sát vẫn còn được sử dụng hạn chế trong các phần vụ như : văn phòng hành chánh, kiểm soát tài nguyên, cảnh sát an ninh phi cảng, hải cảng, cảnh sát ngoại kiều, tiếp tân, trại giam, giáo dục ... Những nữ nhân viên này dược tuyển dụng tùy theo nhu cầu công tác, theo từng giai đoạn, chớ chưa có một trường lớp chánh qui nào …

Mãi cho đến cuối năm 1965, chính phủ Việt Nam Cộng Hòa mới mở một Học Viện Cảnh Sát Quốc Gia, nhận thi tuyển cả nam và nữ sinh viên sĩ quan Cảnh Sát. Ðiều kiện tối thiểu về trình độ học vấn là có bằng cấp Tú Tài I trở lên. Sau khi tốt nghiệp, các nữ sĩ quan Cảnh Sát được phân phối về Tổng Nha Cảnh Sát, Khối Ðặc Biệt và một số ít được phân phối về các Nha, Tỉnh thuộc bốn vùng chiến thuật của miền Nam Việt Nam.

Sau hai lần đẩy lui các cuộc tổng tấn công của Việt Cộng vào miền Nam Việt Nam trong Tết Mậu Thân và tháng 05/1968, chính phủ Việt Nam Cộng Hòa cần tăng cường lực lượng cảnh sát trong việc bảo vệ an ninh đất nước, ngăn chận Việt Cộng xâm nhập miền Nam Việt Nam bằng đường bộ cũng như đường thủy. Vai trò cảnh sát được đặt nặng và quan trọng hơn, đặc biệt là sự cần thiết để có một tổ chức toàn những nữ cảnh sát để hoạt động trong công tác tình báo, hoạt động riêng rẽ hay phối hợp với các công tác của nam cảnh sát đang hoạt động.

Tháng 08/1968, do một Sự Vụ Văn Thư của Bộ Tư lệnh Cảnh Sát Quốc Gia, quyết định thành lập một tổ chức toàn là nữ nhân viên, có tên gọi là “Biệt Ðội Thiên Nga”, trực thuộc Khối Ðặc Biệt thuộc Bộ Tư Lệnh Cảnh Sát Quốc Gia, hoạt động độc lập, song song với các tổ chức đã được thành lập trước đó. Nhiệm vụ của Biệt Ðội Thiên Nga là sưu tầm, phân tích tin tức, tổ chức xâm nhập và phá vỡ các tổ chức, các hạ tầng cơ sở của Việt Cộng tại thủ đô Sài Gòn cũng như tại các tỉnh địa phương trên toàn miền Nam Việt Nam.

Công việc khởi đầu gặp rất nhiều khó khăn, từ vấn đề tuyển mộ, đào tạo nhân viên... cho đến các công tác tìm đầu mối, xây dựng cơ sở, giám thị …

Biệt Ðội Thiên Nga Trung Ương có văn phòng tại Khối Ðặc Biệt, Biệt Ðội Thiên Nga Thủ Ðô và 11 quận có văn phòng tại Bộ Chỉ Huy Cảnh Sát Quốc Gia Thủ Ðô và tại Bộ Chỉ Huy Cảnh Sát Quận Ðô thành, Biệt Ðội Thiên Nga Vùng I, II, III, IV và tại các tỉnh trên toàn quốc từ Quảng Trị đến Cà Mau.

Biệt Ðội Thiên Nga Trung Ương có 4 ban :

- Ban Hành Chánh
- Ban Tổ Chức Phát Triển
- Ban Huấn Luyện
- Ban Hoạt Vụ

Nhiệm vụ của Thiên Nga Trung Ương là thành lập cơ sở văn phòng, tuyển mộ nhân viên, tổ chức huấn luyện, tìm đầu mối, phát triển công tác. Ðồng thời, Biệt Ðội Thiên Nga Trung Ương đôn đốc và hướng dẫn các Bộ Chỉ Huy Cảnh Sát Quốc Gia, thành lập Biệt Ðội Thiên Nga địa phương ở 11 quận Ðô Thành và tại các tỉnh.

Biệt Ðội Thiên Nga địa phương tuyển mộ nữ nhân viên gửi về Biệt Ðội Thiên Nga Trung Ương ở Sài gòn để đưa đi thụ huấn các khóa học tình báo tại trường Tình Báo Trung Ương. Các phụ nữ được tuyển mộ phải có ít nhất là văn bằng trung học đệ nhất cấp hoặc cao hơn, ngoại trừ các quả phụ của Cảnh Sát không đòi hỏi điều kiện văn bằng như trên, nhưng ít nhất phải có bằng tiểu học.

Các nữ nhân viên được tuyển lựa này gồm đủ mọi lứa tuổi, mọi thành phần khác nhau trong xã hội : có thể là người bán rau cải ở chợ, bán hàng rong, bán vé xe bus, nhân viên bưu điện, điện lực, thư ký văn phòng, học sinh sinh viên, cô giáo và vũ nữ ... Các nữ nhân viên lần lượt được học qua các lớp tình báo căn bản (4 tuần), theo dõi (6 tuần), cán bộ điều khiển (8 tuần) ... và đặc biệt là khóa tác xạ tại trường Tình Báo Trung Ương. Khóa sinh phải đủ điểm cho lớp trước mới có thể lên lớp kế tiếp. Trong thời gian thụ huấn, các khóa sinh phải ở nội trú và mang bí số. Việc giảng dạy do các giảng viên trường tình báo phụ trách, còn giám thị do các nhân viên Thiên Nga Trung Ương đảm nhận. Các khóa sinh sau khi thụ huấn chuyên môn trở về đơn vị tại các địa phương, nơi đã gửi đi học và bắt đầu nhận công tác do các ngành Ðặc Biệt phân nhiệm. Công tác trực thuộc sự hướng dẫn của phụ tá Ðặc Biệt địa phương và báo cáo thành quả công tác về Thiên Nga Trung Ương.

Tại Trung Ương, ngoài các lớp kể trên, các nữ nhân viên Thiên Nga còn theo học các lớp kỹ thuật như : nhiếp ảnh (chụp hình bí mật), học lái xe gắn máy và xe hơi, một số được học thêm các lớp thẩm vấn. Biệt Ðội Trưởng, Phụ Tá Biệt Ðội Trưởng Thiên Nga Trung Ương và các Cán Bộ Ðiều Khiển đều là các nữ sĩ quan Cảnh Sát tốt nghiệp khóa I Học Viện Cảnh Sát Quốc Gia. Riêng Biệt Ðội Trưởng và Phụ Tá đã tốt nghiệp thêm khóa Trưởng Phòng Ðặc Biệt tại trường Tình báo Trung Ương vào các năm 1968-1969.

Ngoài các nữ sĩ quan và nhân viên Cảnh Sát chính thức, Biệt Ðội Thiên Nga còn sử dụng một số rất đông nữ hồi chánh viên, nữ can phạm chính trị, các công nhân hãng xưởng, nhân viên các cơ quan chính phủ (ngoài cơ quan Cảnh Sát), các bạn hàng chợ, các sinh viên trường trung học và đại học ... để làm mật báo viên cho Biệt Ðội. Số cộng tác viên cộng tác nhiều gấp rất nhiều lần số nhân viên chính thức.

Các nhân viên Trung Ương đi công tác hoạt vụ đều có học khóa chuyên môn tình báo để được hướng dẫn rõ ràng chi tiết công tác họ phải đảm nhận cũng như cách thức bảo vệ an ninh tối đa cho họ. Các nữ nhân viên hoạt vụ đều có bí số và bí danh. Tùy vào công tác, họ được tạo cho một ngụy tích với tất cả giấy tờ tùy thân và lý lịch mới.

Nhằm đáp ứng nhu cầu bảo mật công tác, Biệt Ðội Thiên Nga Trung Ương có những kiosque buôn bán lẻ, có điện thoại công cộng để làm nơi liên lạc (hộp thư sống và chết) ... và một nhà an toàn làm nơi tiếp xúc với tình báo viên, mật báo viên, nhất là các tình báo viên từ mật khu về.

Vì là Biệt Ðội Tình Báo nữ mang tên loài chim Thiên Nga, nên mỗi kế hoạch công tác đều có ám danh của một loài chim khác như Sơn Ca, Họa Mi, Hải Âu, Hoàng Oanh, Hoàng Yến, v.v. Còn các công tác phối hợp với các cơ quan bạn thì dùng ám danh của sông núi như Trùng Dương, Trường Sơn ... Do sự thay đổi cơ cấu của Khối Ðặc Biệt và để thích ứng với tình hình chính trị phức tạp nên cuối năm 1972, Biệt Ðội Thiên Nga mang ám danh mới Ðoàn Ðặc Nhiệm G4231g để bảo mật hoạt động.

Song song với việc xây dựng tổ chức, đào tạo nhân viên, Biệt Ðội Thiên Nga Trung Ương luôn nỗ lực tìm đầu mối, lập kế hoạch công tác, tìm cách xâm nhập, len lỏi vào các hội đoàn Phụ nữ Việt Nam, hội đoàn bạn hàng các chợ, Hội Phụ Nữ Ðòi Quyền Sống, các lực lượng đấu tranh thuộc thành phần thứ ba, các thành phần tôn giáo khuynh tả có Việt Cộng sách động, các tổ chức sinh viên học sinh đấu tranh thân Cộng Sản để kịp thời ngăn chặn những tên Việt Cộng nằm vùng, triệt phá những âm mưu có nguy hại cho an ninh quốc gia. Không những thế, Biệt Ðội Thiên Nga còn xâm nhập vào tận mật khu của Việt Cộng để thu thập tin tức tình báo góp phần tiêu diệt các cơ sở đầu não của Cộng Sản.

Nhìn lại quá trình công tác của các nữ nhân viên Thiên Nga, phải thừa nhận rằng công việc của họ rất nguy hiểm, tánh mạng lúc nào cũng bị đe dọa. Qua các tài liệu tịch thu được của Việt Cộng, sau những thất bại nặng nề, chúng rất đề cao cảnh giác “nữ Thiên Nga”. Việt Cộng luôn tìm cách để bắt cóc, đụng xe gây án mạng hay ám sát những ai chúng nghi ngờ là nhân viên Thiên Nga. Còn các nhân viên Thiên Nga len lỏi vào các hội đoàn, tham dự các cuộc biểu tình, tuyệt thực, chống đối nên cũng phải chịu “hưởng” hơi cay, dùi cui của Cảnh Sát. Các chị em Thiên Nga còn phải hy sinh những tình cảm riêng tư, thời gian dành cho gia đình, vượt qua nhiều khó khăn trở ngại để làm tròn bổn phận công dân yêu nước đấu tranh cho lý tưởng tự do.

Thật khó có thể ghi lại hết những chiến công thầm lặng của các nữ chiến sĩ tình báo Thiên Nga, tuy vậy những công tác sau đây là vài ví dụ điển hình về các hoạt động của Biệt Ðội Thiên Nga.

Một trong các công tác mà Việt Cộng vẫn còn tức tối là việc cung cấp lương thực thực phẩm cho phái đoàn Quân Sự Bốn Bên vào họp tại trại David, Tân Sơn Nhất Sài Gòn. Mặc dù chúng nghi ngờ nên chúng đề nghị để tự chúng chọn nhà thầu cung cấp thực phẩm cho hai phái đoàn Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa (tức Cộng Sản Bắc Việt) và Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam, nhưng cuối cùng nhà thầu chúng chọn lại là của Biệt Ðội Thiên Nga. Công tác này mang ám danh là Trùng Dương, hoạt động cho đến ngày cuối cùng 28/04/1975.

- Công tác mang ám danh là Hải Âu đã cài được một nhân viên Thiên Nga vào Hội đoàn phụ nữ đối lập và tạo được niềm tin nên được Việt Cộng chọn đi học lớp tình báo và hoạt động chung với chúng.

- Công tác len lỏi vào Hội Phụ nữ Ðòi Quyền Sống, hoạt động chung với một cán bộ nằm vùng. Mãi đến sau 1975, tên nữ cán bộ mới biết người thư ký của Ban Xã hội là nhân viên Thiên Nga. Lúc ấy, tên nữ cán bộ là Ðại úy Công an tức tối đề nghị gia tăng 6 tháng tù trong khi chị nhân viên Thiên Nga đã có giấy ra trại. Công tác này mang ám danh Họa Mi.

- Trong 5 năm liền, một nữ Huyện ủy viên của Việt Cộng đã hợp tác với Biệt Ðội Thiên Nga. Sau 30/04/1975, chị vẫn giữ chức Huyện ủy của một Huyện gần Sài Gòn. Cho đến sáu tháng sau đó, Việt Cộng mới truy ra được từ hồ sơ còn sót lại ở địa phương, nên đã khai trừ chị khỏi Ðảng Cộng Sản và giam chị ở Chí Hòa. Chị đã may mắn không bị chúng xử tử hình. Sau tôi gặp lại chị tại trại Hàm Tân, chị mới vỡ lẽ tôi ,người tên Năm tiếp xúc với chị năm xưa, là Thiếu Tá Biệt Ðội Trưởng Thiên Nga. Công tác này được mang tên Hoàng Oanh.

Các công tác, hoạt động của Thiên Nga càng thành công tốt đẹp bao nhiêu thì Việt Cộng càng tức tối lên án, càng đề cao cảnh giác với nhân viên Thiên Nga. Do đó những bản án không xét xử trả thù hèn hạ dành cho các nữ nhân viên Thiên Nga của Cộng Sản là từ 3 năm đến 13 năm trong các trại tù cải tạo. Tuy vậy các chị em nhân viên của Thiên Nga vẫn hãnh diện, giữ vững nhân cách, lập trường, vượt qua những gian lao của năm tháng tù đày.

Tôi rất xúc động khi phải nhắc lại quá khứ của Biệt Ðội Thiên Nga, với những anh thư đã đem hết những hăng say, nhiệt tình, tinh thần chống Cộng mãnh liệt của tuổi trẻ, hiến dâng để bảo vệ đất nước miền Nam Việt Nam. Tôi rất hãnh diện về Biệt Ðội Thiên Nga, các nữ nhân viên từ Hạ Sĩ Quan cho đến Sĩ Quan, cùng các cộng tác viên đã giữ trọn khí tiết trong lúc sống khổ sở trong lao tù hay trong sự kèm kẹp của chế độ Cộng Sản ngoài xã hội, sau khi được thả về.

Tôi mong ước một ngày gần đây, những nữ Thiên Nga hải ngoại sẽ gặp lại các bạn Thiên Nga còn ở lại Việt Nam, tay bắt mặt mừng trong niềm vui thấy đất nước thật sự có tự do dân chủ.

Tôi viết bài này, cũng mong quý bạn có cái nhìn rõ hơn về người Cảnh Sát Quốc Gia, trong đó có những nữ Cảnh Sát, những chị bán hàng, những anh chị em sinh viên ... đã có một thời hiến dâng xương máu cho đất nước.

Cuối cùng, xin được thắp nén hương cho những Thiên Nga đã hy sinh trước và sau ngày 30/04/1975 trên khắp mọi nẻo đường Việt Nam.

Nguyễn Thanh Thủy
Cựu Biệt Ðội Trưởng Thiên Nga

No comments:

Thời Sự "Nóng"





------------------------------------------

---------------------------------------------------------
Vân Anh -Ngày 1 tháng 10 Hà Nội Chính Thức Bán Nước Cho Bắc Kinh
----------------------------------------