Trong dịp Tết Nhâm Thìn năm nay, hai chữ “hoạt mai” đã trở thành cụm từ được nhắc tới nhiều nhất và gây chú ý nhiều nhất trong cộng đồng microblog ở Trung Quốc. Hai chữ “Hoạt mai” - có nghĩa là chôn sống, đã thịnh hành sau khi một nhà văn bất đồng chính kiến nổi tiếng cho biết rằng đảng Cộng Sản Trung Quốc đã có một kế hoạch phòng hờ là sẽ chôn sống 200 nhà trí thức chống đảng trong trường hợp quyền cai trị của họ bị đe dọa.

Ông Dư Kiệt, Phó Hội trưởng Hội Văn bút Độc lập Trung Quốc, mới đây đã sang Hoa Kỳ tị nạn và cho biết tại một cuộc họp báo ở Washington rằng ông đã bị nhà cầm quyền Trung Quốc tra tấn một cách tàn nhẫn và đe dọa chôn sống. Ông kể lại rằng một viên công an nói với ông là “Nếu trên ra lệnh thì trong vòng nửa giờ đồng hồ là chúng tôi sẽ đào xong một cái hố để chôn sống ông và sẽ không có một ai trên trái đất này hay biết gì cả.” Viên công an đó nói thêm rằng “Giới hữu trách đã nắm rõ tình hình là con số những nhà trí thức trong nước chống đảng và có ảnh hưởng hiện nay không tới 200 người; một khi trung ương cảm thấy quyền cai trị bị đe dọa thì chỉ trong vòng một đêm là chúng tôi có thể bắt hết 200 người rồi đem ra chôn sống cùng một lúc.”

Ông Dư Kiệt là tác giả cuốn “Ảnh đế Ôn Gia Bảo” từng gây xôn xao dư luận hồi cuối năm 2009. Ông đã xác nhận lời hăm dọa đó trong cuộc phỏng vấn dành cho đài VOA hôm thứ hai (24-01-2012) vừa qua:

Ông Dư Kiệt nói: "Họ đã đánh đập, hành hạ tôi vào tối ngày mồng 9 tháng 12 năm 2010. Lúc đó trong phòng có 3 viên công an mặc thường phục. Người cầm đầu toán công an này đứng trước chiếc bàn và đã nói rõ với tôi như vậy."

Nhà văn Dư Kiệt cho biết ông đã bị lột hết quần áo và bị đánh đập cho tới bất tỉnh, một ngày trước khi Ủy ban Nobel ở Na Uy trao giải Nobel Hòa bình cho một người bạn thân của ông là nhà văn Lưu Hiểu Ba. Ông nói thêm rằng đó không phải là lần đầu tiên ông bị những nhân viên phụ trách công tác bảo vệ an ninh quốc gia, gọi tắt là “quốc bảo”, dọa chôn sống.

Ông Dư Kiệt cho biết: "Thật ra thì hồi tháng 12 năm 2004, khi tôi cùng với ông Lưu Hiểu Ba soạn bản báo cáo hàng năm về tình hình nhân quyền, chiều hôm đó chúng tôi bị “quốc bảo” triệu tập, và trong cuộc thẩm vấn suốt đêm đó họ đã dùng những lời lẽ như vậy để hăm dọa tôi."

Ngoài việc cầm bút, nhà văn năm nay 38 tuổi này còn tích cực tranh đấu cho quyền tự do tín ngưỡng và thường được giới truyền thông Tây phương phỏng vấn về tình hình của các giáo hội Cơ đốc không được chính phủ Trung Quốc cho phép hoạt động. Ông cho biết cảm nghĩ như sau về sự quan tâm của dư luận đối với kế hoạch chôn sống 200 nhà trí thức chống đảng Cộng Sản Trung Quốc.

Ông Dư Kiệt nói thêm: "Trong những năm gần đây, nhiều người bạn của tôi cũng đã bị hăm dọa như vậy trong những cuộc tiếp xúc với nhân viên công an. Những người bạn tôi như luật sư Đằng Báo, như anh Lý Hòa Bình, họ đều viết bài kể lại chuyện này. Nhưng có điều đáng tiếc là khi họ phổ biến các bài viết cách nay vài năm, lời hăm dọa chôn sống đã không được nhiều người chú ý. Lần này, sự tiết lộ của tôi đã làm dấy lên sự quan tâm trong cộng đồng microblog và trong giới truyền thông quốc tế. Tôi nghĩ rằng đây là một diễn tiến rất tích cực."

Năm 2009 nhà văn Dư Kiệt đã gây xôn xao dư luận khi ông cho xuất bản tại Hồng Kông cuốn sách có nhan đề “Ảnh đế Ôn Gia Bảo”. Trong cuốn sách này, ông Dư Kiệt đã chỉ trích ông Ôn Gia Bảo là một người “đạo đức giả”, “đóng kịch rất khéo”; mặc dù vị thủ tướng này được nhiều người nhìn nhận là có những phát biểu có tính chất tiến bộ để cổ xướng cho tự do, dân chủ và có những hành động thân thiện, gần gũi với dân nghèo. Ông Dư Kiệt cho biết một trong những lý do ông bị đánh đập một cách dã man hồi cuối năm 2010 là đã không tuân theo yêu cầu của công an để không cho ra đời cuốn “Ảnh đế Ôn Gia Bảo”. Ông nhận xét như sau về vị thủ tướng của Trung Quốc.

Ông Dư Kiệt nói: "Theo quan điểm của cá nhân tôi, quan hệ giữa Hồ Cẩm Đào với Ôn Gia Bảo giống như hai mặt của một đồng tiền. Họ phối hợp với nhau. Giống như liên hệ giữa Mao Trạch Đông với Chu Ân Lai thời trước. Đó cũng chính là mô thức thống trị truyền thống của Trung Quốc. Có nghĩa là chúng ta có bạo chúa, nhưng đồng thời cũng có hiền thần, hai bên cùng nhau nắm quyền cai trị. Hai bên có chung mục đích là duy trì quyền cai trị của mình. Những phát biểu có tính chất tiến bộ của Ôn Gia Bảo, theo nhận xét của tôi, là được thực hiện theo sự phân công, sau khi 9 người trong Bộ Chính Trị đã nhóm họp và bàn bạc với nhau."

Những lời tố cáo của nhà văn Dư Kiệt được đưa ra vài ngày sau khi Đại sứ Hoa Kỳ tại Trung Quốc, ông Gary Locke (Lạc Gia Huy), nói rằng tình hình nhân quyền ở Trung Quốc đã xuống cấp trong lúc giới lãnh đạo cộng sản cảm thấy bị đe dọa vì những cuộc nổi dậy đòi dân chủ ở Trung Đông và Bắc Phi. Ông Locke cho biết trong cuộc phỏng vấn trên đài truyền hình Mỹ rằng “Các nhà lãnh đạo Trung Quốc đang lo ngại là những sự việc tương tự đang xảy ra bên trong Trung Quốc.”

Bản phúc trình hàng năm của Human Rights Watch về tình hình nhân quyền toàn cầu năm 2012, công bố hôm 22 tháng 1, cũng cho rằng “Trung Quốc vẫn là một quốc gia độc đảng, độc quyền, áp đặt sự kiểm soát chặt chẽ nhằm khống chế các quyền tự do ngôn luận, lập hội và tôn giáo; công khai ngăn cấm tự do báo chí và tư pháp độc lập; tùy tiện cản trở và đàn áp các tổ chức và cá nhân bảo vệ nhân quyền, thường với các biện pháp ngoài vòng pháp luật.”

Nhà cầm quyền Bắc Kinh lâu nay vẫn nhất mực phản bác sự chỉ trích của các tổ chức nhân quyền quốc tế và các chính phủ Tây phương là “có ác ý”, “không phù hợp với tình hình thực tế”, và “can thiệp thô bạo vào công việc nội bộ của Trung Quốc”.


 Thứ sáu 03 Tháng Hai 2012

Quốc tế không dám gây áp lực mạnh lên Trung Quốc về vấn đề Tây Tạng

Những người Tây Tạng lưu vong biểu tình tại New Delhi ngày 29/01/2012 với chân dung và quan tài giả của những người Tây Tạng mà họ cho rằng đã bị giết chết tại Tứ Xuyên.
Những người Tây Tạng lưu vong biểu tình tại New Delhi ngày 29/01/2012 với chân dung và quan tài giả của những người Tây Tạng mà họ cho rằng đã bị giết chết tại Tứ Xuyên.
REUTERS/Parivartan Sharma

Thanh Phương
Vì không muốn làm phật lòng Trung Quốc, cường quốc kinh tế và ngoại giao ngày càng hùng mạnh, cộng đồng quốc tế cho tới nay vẫn tỏ ra rất thận trọng trên vấn đề Tây Tạng, không dám gây áp lực mạnh lên Bắc Kinh.

Khác với những sắc tộc nổi dậy chống chế độ Cộng sản Bắc Kinh, chẳng hạn như người Duy Ngô Nhĩ Hồi giáo, người Tây Tạng từ lâu vẫn được sự ủng hộ mạnh mẽ của dư luận quốc tế. Đức Đại Lạt Lạt Ma đi đến đâu cũng được đón tiếp như thượng khách. Báo chí phương Tây lúc nào cũng bênh vực cho cuộc đấu tranh của người Tây Tạng.
Sau những cuộc biểu tình bị đàn áp đẫm máu ở các vùng Tây Tạng ở Tứ Xuyên, Thủ tướng của chính phủ Tây Tạng lưu vong, Lobsang Sangay, vào tuần trước đã kêu gọi quốc tế can thiệp. Ông cũng yêu cầu Liên Hiệp Quốc gởi một phái đoàn đến điều tra về những vụ công an Trung Quốc nổ súng giết chết người biểu tình Tây Tạng.
Thế nhưng, các nhà quan sát cho rằng lời kêu gọi của lãnh đạo chính phủ Tây Tạng lưu vong sẽ chẳng được ai hưởng ứng. Như nhận định của bà Katia Buffetrille, một nhà dân tộc học và Tây Tạng học ở Paris, cộng đồng quốc tế vẫn tỏ ra rất « kín đáo và dè dặt », do sự trỗi dậy ngày càng mạnh của cường quốc kinh tế Trung Quốc, và do mối quan tâm hàng đầu của các nước vẫn là giành thị phần ở Trung Quốc.
Toàn bộ 172 quốc gia có quan hệ ngoại giao với Bắc Kinh đều mặc nhiên công nhận Tây Tạng là một phần lãnh thổ của Trung Quốc. Ngay cả Anh Quốc, mà từ năm 1914 đã có một hiệp ước với Tây Tạng, vào năm 2008 cũng đã lần đầu tiên công nhận Tây Tạng là một bộ phận không thể tách rời của Trung Quốc.
Cho nên, thay vì dọa trừng phạt Bắc Kinh hay tẩy chay hàng Trung Quốc, cộng đồng quốc tế cho tới nay chỉ kêu gọi đối thoại và hòa dịu. Ngay cả Hoa Kỳ, nơi mà giới vận động hành lang cho Tây Tạng hoạt động rất mạnh, cũng chỉ yêu cầu chính quyền Trung Quốc giữ thái độ « chừng mực » sau vụ đàn áp biểu tình ở Tứ Xuyên.
Theo giải thích của ông Barry Sautman, nhà Tây Tạng học thuộc trường Đại học Khoa học và Công nghệ Hồng Kông, các chính phủ phương Tây thấy rằng chỉ trích Bắc Kinh cũng chẳng có tác dụng gì, cho nên họ kêu gọi đàm phán giữa người Tây Tạng với chính phủ Trung Quốc. Ông Sautman cho rằng : « Đây là phương cách duy nhất để tìm ra một giải pháp dài hạn ».
Dưới áp lực của quốc tế, vào năm 2002, Bắc Kinh đã mở các cuộc thương lượng với các đặc sứ của Đức Đạt Lai Lạt Ma. Nhưng chín lần đàm phán kéo dài đến năm 2010 đã không mang lại kết quả gì.
Nhà Tây Tạng học Robbie Barnett, thuộc Đại học Columbia ( New York ), đề nghị cộng đồng quốc tế nên khuyến khích Trung Quốc ngừng đả kích Đức Đạt Lai Lạt Ma, ngưng ép buộc các tu sĩ Phật giáo tố cáo Ngài và hạn chế việc di dân sắc tộc Hán đến các vùng Tây Tạng. Nhưng vấn đề là phải nói làm sao cho thuận lỗ tai của Bắc Kinh.
Liên hiệp châu Âu và Liên Hiệp Quốc thật ra đã có những cuộc thảo luận kín đáo và thường xuyên với Trung Quốc về vấn đề Tây Tạng, nhưng từ năm 2006 đến nay, Bắc Kinh không chấp nhận bất cứ phái đoàn nào của Liên Hiệp Quốc đến Tây Tạng. Lý do là vào năm đó, báo cáo viên về tra tấn của Liên Hiệp Quốc đã đến tìm hiểu tình hình ở Tây Tạng, và sau đó đã ra một báo cáo lên án Trung Quốc.
Không chỉ phản ứng yếu ớt, các nước Tây phương còn không có một tiếng nói đồng nhất trên vấn đề Tây Tạng, không chỉ giữa Hoa Kỳ với châu Âu, mà còn giữa các nước châu Âu với nhau