Đại Tướng Việt Gian Võ Nguyên Giáp Và Giai Thoại
Hinh thang Vi Dien bien va 2 dua con gai Vo Thi Hoa binh va Vo Hanh Phuc con cua thang Vo Nguyen Giap
Escorting the PM were Deputy PMs Nguyen Sinh Hung, Hoang Trung Hai, and the Chairman of the Government Office Nguyen Xuan Phuc.
Điện Biên Phủ
Việt Thường
Võ Nguyên Giáp là đại tướng đầu tiên của lực lượng quân sự cộng sản Việt Nam. Y sinh đầu năm 1912 (tuổi Tân hợi), ở Quảng Bình, cùng quê hương của ông Ngô Đình Diệm, tổng thống nền đệ nhất cộng hòa ở miền Nam Việt Nam. Xuất thân từ một gia đình nho học, quan lại lâu đời ở đất Quảng Bình nên thiếu thời Võ Nguyên Giáp có một cuộc sống đầy đủ so với phần lớn thanh niên Việt Nam lúc ấy, và được ăn học đến nơi đến chốn. Cái gốc nho gia của gia đình đã nuôi dưỡng Y trong tinh thần chống thực dân Pháp.
Tổ chức cách mạng đầu tiên Võ Nguyên Giáp tham gia là Tân Việt, một đảng chống Pháp có xu hướng mác-xít, thời kỳ nhà học giả Đào Duy Anh làm tổng bí thư.
Do tham gia phong trào thanh niên học sinh chống thực dân Pháp, Võ Nguyên Giáp bị giặc Pháp bắt tù ở Hỏa Lò Hà Nội. Có tài liệu nói ông bị kết án 3 năm tù. Nhưng chính lời ông Giáp nói với người xung quanh thì ông chỉ bị giam vài tháng. Chính tài liệu của Phòng Nhì thực dân Pháp để lại là án 3 năm tù, nhưng thực tế ông chỉ bị có vài tháng tù, sau đó ông tiếp tục được đi học trở lại và lá đơn có bút tích của ông gởi cho chính quyền thực dân Pháp lúc đó, đã thành cái “mầm họa” để sau này những người chống ông trong đảng cộng sản Việt Nam đem ra làm vũ khí khống chế ông. Là học sinh trường Albert Sarraut, trường trung học nổi tiếng nhất Đông Dương lúc bấy giờ, phần lớn học sinh là người Pháp, còn người Việt Nam, Lào hoặc Miên chỉ loáng thoáng những người hoàng tộc, như anh em hoàng thân Su-va-na Phu-ma, Su-va-na Phu-vông (của Lào) và số ít tầng lớp trên của xã hội Việt Nam lúc đó. Võ Nguyên Giáp đậu xuất sắc các bằng tú tài Tây (phần I và phần II) và tiếp tục theo học khoa luật ở trường đại-học Hà-Nội, trường đại học duy nhất cho toàn xứ Đông Dương và đậu cử nhân luật. Tuy nhiên, Võ Nguyên Giáp rất yêu môn Sử và để có thêm tiền, ông đã vừa dạy môn Sử ở trường trung học Thăng Long, một trường tư thục nổi tiếng thời bấy giờ về tinh thần bài thực dân Pháp của học sinh và cả một số giáo sư của trường vừa theo học luật ở đại học. Hàng năm, cứ ngày kỷ niệm Hai Bà Trưng được tổ chức chung với ngày kỷ niệm Jean d’Arc, là dịp để học sinh các trường Bưởi và Thăng Long... đánh nhau với học sinh Pháp ở trường Albert Sarraut.
Võ Nguyên Giáp say sưa với những gì liên quan đến Napoleon ngay từ khi còn là học sinh, cho đến ngày đeo quân hàm đại tướng. Có lẽ cuốn tiểu sử Napoleon mà ông thích nhất là cuốn do Tarlé biên soạn. Có khổ người cũng nhỏ con như Napoleon, cái mặc cảm về tầm vóc đó có thể làm cho Võ Nguyên Giáp tìm thấy chỗ dựa để bùng lên lòng tự tín nơi Napoleon. Và, cũng có thể ông còn dùng những mẫu chuyện tình của Napoleon để vừa tự bào chữa, vừa tự an ủi những chuyện tình của đời ông, cũng thật là éo le.
Lối giảng sử của Võ Nguyên Giáp vừa xúc tích về tài liệu, vừa thống thiết của một người đang sống trong men yêu nước, nên ông được học trò yêu mến và đồng nghiệp lớn tuổi hơn như Đặng Thái Mai, Hoàng Minh Giám... nể vì. Võ Nguyên Giáp được Trường Chinh đưa vào đảng Cộng sản Đông Dương. Ông được thường vụ trung ủy lúc bấy giờ coi trọng (gồm Trường Chinh, Hoàng Quốc Việt, Hoàng Văn Thụ v.v...) nhưng thực ra ông chưa giữ nhiệm vụ một cấp ủy nào.
Sau khi Mặt trận Bình Dân ở Pháp bị đổ, chính phủ Pháp năm 1939 đặt đảng Cộng sản Đông Dương ra ngoài vòng Pháp luật, Võ Nguyên Giáp được cho qua Trung Hoa học quân sự ở trường Hoàng Phố, và cũng là lần đầu tiên Võ Nguyên Giáp được gặp Hồ Chí Minh, lấy bí danh lúc ấy là Vương. Học được vài tháng, vì tình hình mới lúc đó, Võ Nguyên Giáp được điều về hoạt động trong nước cùng một số đảng viên cộng sản khác.
Dưới quyền trực tiếp của Phùng Chí Kiên, ủy viên trung ương đảng cộng sản Đông Dương, đã từng học trường quân sự cao cấp ở Nga-xô và đã từng phục vụ trong lực lượng hồng quân Nga, Võ Nguyên Giáp được phụ giúp vào việc tổ chức và huấn luyện (với cái vốn mấy tháng học ở Hoàng Phố) những người tự vệ đầu tiên, mà hầu hết là người Thổ hoặc Nùng.
Giữa năm 1944, Phùng Chí Kiên bị lực lượng của thực dân Pháp phục kích bắn chết. Cái chết này, đến nay còn là một nghi vấn mà các tài liệu của cộng sản Việt Nam hết sức né tránh nói đến. Đương nhiên Võ Nguyên Giáp và Chu Văn Tấn cùng được cử thay thế Phùng Chí Kiên để lãnh đạo lực lượng vũ trang. Ngày 22-12-1944 tại Tân Trào thuộc tỉnh Thái Nguyên, trung đội vũ trang đầu tiên của đảng cộng sản Đông Dương làm lễ ra mắt. Hoàng Quốc Việt thay mặt thường vụ trung ương đảng cộng sản Đông Dương làm lễ trao cờ và trao nhiệm vụ cho trung đội, lấy tên là “Đội tuyên truyền giải phóng quân”, Võ Nguyên Giáp được cử làm trung đội trưởng và Chu Văn Tấn làm chính trị viên của trung đội.
Sự nổi dậy của nhân dân Việt Nam trên toàn quốc vào năm 1945 thực ra không hoàn toàn là công lao của Việt Minh, một tổ chức do Hồ Chí Minh cùng Hồ Tùng Mậu và vài đảng phái khác hợp thành để mang màu sắc toàn dân, mà nó là sự kế tiếp của các phong trào yêu nước chống thực dân Pháp trong suốt 80 năm, từ Cần Vương đến Đông Kinh Nghiã Thục; từ Phan Đình Phùng và Trương Công Định; Từ Hoàng Hoa Thám và Nguyễn Thiện Thuật, rồi đến khởi nghiã Yên bái của Việt Nam QDĐ do Nguyễn Thái Học lãnh đạo. Tháng 8-1945 chỉ là trung tâm của thời điểm mà ngọn sóng thần dân tộc trổi dậy bởi cái động lực của nạn đói do phát-xít Nhật gây ra; bởi sự mâu thuẫn đảo chính lẫn nhau của Pháp-Nhật, đã làm rõ bộ mặt hèn yếu của những tên lính Pháp thực dân, cộng với hào khí của thanh niên học sinh Việt Nam được nuôi dưỡng âm ỉ qua những trang sử oanh liệt của dân tộc. Rất nhiều đô thị, nhân dân đã tự phát cướp kho thóc, gạo của phát-xít Nhật cũng như kho quân nhu của Pháp và hình thành những chính quyền tự quản trước khi các đảng phái khác đến “tiếp thu”. Thí dụ : ở Yên Bái, nhân dân đã tự động phá kho quân nhu ở Đồn Cao, cướp gạo và quần áo và đã bầu viên chủ sự nhà giây thép tỉnh tạm thời làm tỉnh trưởng. Sau đó người của VNQDĐ theo quân đội Lư Hán sang giải giới quân Nhật mới tiếp thu chính quyền. Ở Phú Thọ thì chính quyền lâm thời trong tay viên tham tá tòa công sứ, Nguyễn Hữu Chỉnh, trước khi Việt Minh tới do một đội khố xanh giải ngũ làm quản lý đồn điền cho bác sĩ Lương ở Cẩm Khê, mới được kết nạp Việt Minh, đại diện thường được quen gọi là Đội Phiên.
Cho nên cái lực lượng quân sự nhỏ bé của Võ Nguyên Giáp chỉ làm nhiệm vụ hậu thuẫn cho Hồ Chí Minh về Hà-nội và bảo vệ các cơ quan của Việt minh, đàn áp các lực lượng của các đảng phái khác như VNQDĐ, Đại Việt, Việt Nam Cách Mạng Đồng Minh Hội v.v... Lúc đầu Võ Nguyên Giáp giữ bộ trưởng Nội vụ trong chính phủ lâm thời của Hồ chí Minh. Khi thành lập chính phủ Liên hiệp, Võ Nguyên Giáp được giữ chức thứ trưởng quốc phòng mà ông Vũ Hồng Khanh giữ chức bộ trưởng. Nắm được lòng dân cũng như quốc tế “ngán” cộng sản, nên Hồ Chí Minh khôn ngoan “giả vờ” giải tán đảng cộng sản Đông Dương, chuyển thành hội nghiên cứu chủ nghĩa Mác, do Trường Chinh đứng đầu. Đó mới chính là bộ tham mưu và ban lãnh đạo quyền lực nhất ở sau lưng Hồ Chí Minh. Còn bề ngoài, Hồ Chí Minh tận dụng khối đảng viên cộng sản là trí thức hoặc những trí thức được móc nối để “nằm vùng” trong các đảng phái như Trần Huy Liệu, Trần Đăng Khoa, Hoàng Minh Giám, Hoàng Hữu Nam, Cù Huy Cận và Võ Nguyên Giáp. Cần lưu ý là cho đến tận 1946, vị trí của Võ Nguyên Giáp được đề cao ở cả trong nước cũng như đối với Pháp, nhưng ông ta vẫn chưa được là thành viên của Ban chấp hành trung ương đảng cộng sản Đông Dương.
Võ Nguyễn Giáp, với kiến thức khá uyên bác của mình, với nhãn quan của một nhà sử học, với lòng yêu thích nghiệp võ, ông ta đã đóng góp rất to lớn và hiệu quả cho việc hình thành và phát triển các đơn vị vũ trang mới cho Việt Minh, núp dưới danh nghĩa của Chính phủ Liên hiệp đa đảng, như các khóa quân sự cấp tốc cho tự vệ, mở trường đào tạo sĩ quan lục quân đầu tiên mang tên Trần Quốc Tuấn v.v... Đồng thời Võ Nguyên Giáp cũng hoạch định các kế hoạch cho quân chiếm lại chính quyền ở các địa phương mà các đảng phái khác đang nắm giữ như Huyện Thường Tín (Hà Đông) do Đại Việt giữ; Vĩnh Yên, Yên Bái, Lao Cai v.v... do VNQDĐ giữ. Cùng các tổ chức các đơn vị Nam tiến mà trong con mắt của những người công sản có thực quyền lúc ấy đã nhìn xa được rằng phải đem quyền lực của miền Bắc Việt Nam bằng quân sự vào Nam.
Hồ Chí Minh đã khôn ngoan chấp nhận cùng các đảng phái khác tham chính nhưng chỉ có tiếng mà không có miếng. Tất cả tổ chức của cộng sản là mượn cái danh của chính phủ Liên hiệp đa đảng để động viên các thành phần nhân dân, trong khí thế yêu nước bảo vệ Tổ quốc chống thực dân Pháp, thật là dễ dàng đưa họ vào lực lượng vũ trang để nắm lấy họ, sức mạnh thực sự của lúc giao thời và nhờ vào sức mạnh đó mà đã gạt được các đảng phái quốc gia, các tổ chức tôn giáo, các đoàn thể và nhân sĩ trí thức yêu nước.
Những ngày Hồ Chí Minh cùng phái đoàn PhạmVăn Đồng, Phan Anh, Nguyễn Mạnh Hà v.v...qua họp với Pháp ở Fontainebleau thì Võ Nguyên Giáp với cương vị thành viên của chính phủ Liên hiệp đa đảng, dưới sự lãnh đạo của quyền chủ tịch nước Huỳnh Thúc Kháng, một nhân sĩ yêu nước, là bộ mặt công khai của cộng sản về quốc phòng, chuẩn bị chiến tranh, mà Hà-nội và Hải-phòng được coi là trọng điểm. Công sản đem hết lực lượng toàn đảng ra đổ vào lĩnh vực quân sự. Bên cạnh Võ Nguyên Giáp, những nhân vật không tham gia chính phủ, nhưng đầy quyền lực trực tiếp ra mặt như Nguyễn Văn Trân và Nguyễn Khang ở Hà-nội; Lê Thanh Nghị ở Hải-phòng; Phan Điền ở Nam-định; vùng Lạng-sơn có Phùng Thế Tài; khu vực Lai-châu, Sơn-la có Bằng Giang; vùng Phú-thọ, Yên-bái, Lao-cai có Ngô Minh Loan, Trần Quang Bình, Việt Hồng, Lộc Giang. Nguyễn Chí Thanh và Trần Hữu Dực ở miền Trung; Trần Văn Trà, Tô Ký, Ung Văn Khiêm, Phạm Ngọc Thạch, Trần Văn Giàu v.v... ở miền Nam, được bổ xung thêm những cán bộ đảng ở Bắc vào như Phan Trọng Tuệ (ở khu 5), Lê Hiến Mai ở Nam v.v...
Kháng chiến toàn quốc bùng nổ, vai trò của Võ Nguyên Giáp nổi bật, nhất là từ lúc được phong hàm đại tướng, giữ chức tổng tư lệnh. Đó là giai đoạn được trọng dụng nhất của ông ta ở mức từ một trung đội trưởng nhảy lên vị trí đại tướng đầu tiên và giữ nhiệm vụ tổng tư lệnh; cũng như trong đại hội 2 của đảng Lao động (cộng sản trá hình), Võ Nguyễn Giáp nhảy thẳng vào bộ chính trị, ở ngôi vị thứ 4, nếu không kể Hồ Chí Minh, sau Trường Chinh, Lê Duẩn và Phạm Văn Đồng. Xung quanh ông ta có các thiếu tướng Trần Đăng Ninh (hậu cần), thiếu tướng Lê Liêm (tổng cục chính trị), Hoàng Văn Thái (tổng tham mưu), Trần Văn Quang (cục tác chiến), Nguyễn Trọng Vĩnh (tổ chức cán bộ). Và, trong các chiến dịch lớn như : biên giới và điện biên, được bổ xung thêm cán bộ đảng làm công tác chính trị là Nguyễn Văn Trân, phụ trách bí thư đảng ủy mật trận. Riêng ở trận điện biên, Nguyễn Chí Thanh cũng được phong hàm đại tướng và thay thế thiếu tướng Lê Liêm ở nhiệm vụ chủ nhiệm tổng cục chính trị. Ngược lại, Võ Nguyên Giáp được kiêm thêm nhiệm vụ bí thư đảng ủy mặt trận.
Giai đoạn oanh liệt nhất của Võ Nguyên Giáp là năm 1954, bước vào những chiến thắng đầu tiên ở mặt trận Điện-biên-phủ, người ta đã quên trận thua của ông trước tướng De Lattre ở Vĩnh Yên cũng như vẫn còn là cái bí mật về việc ông được đại tướng Trung cộng Trần Canh cố vấn trong trận biên giới, tướng La Quý Ba cố vấn trong xây dựng tổ chức, và ở Điện-biên thì có cả đại tướng Trần Canh, La Quý Ba và thêm nguyên soái Vi Quốc Thanh. Nhà thơ cung đình trước đó đã làm thơ ca ngợi Staline, Hồ Chí Minh, nay thì ca ngợi Võ Nguyên Giáp. Ông còn “vinh dự” được nhà thơ Bút Tre ca ngợi rằng :
“Hoan hô đại tướng Võ Nguyên
Giáp ta thắng trận Điện-biên lẫy lừng.”
Sau này, thanh niên học sinh ở miền Bắc Việt nam rất ít người biết bài thơ “nịnh” của Tố Hữu, mà chỉ nhớ hai câu trên của Bút Tre, cho đến cả các bà, các chị bán hàng ở chợ cũng đều nhớ, như họ nhớ đến đại tướng Nguyễn Chí Thanh, người luôn đối đầu với Võ Nguyên Giáp, cũng trong hai câu thơ của Bút Tre :
“Anh Thanh, ơi hỡi anh Thanh,
Anh về phân bắc, phân xanh đầy chuồng”!!!
Dựa vào hiệp định Genève về Việt Nam năm 1954, chính phủ Hồ Chí Minh, tiếp quản Việt Nam từ vĩ tuyến 17 ra Bắc. Buổi ra mắt nhân dân thủ đô Hà-nội, Võ Nguyên Giáp là ngôi sao sáng sau Hồ Chí Minh trên lễ đài tạm thời dựng ở quảng trường Ba-đình. Ngoài ảnh Mác, Ăng-ghen, Lê-nin, Staline, Ma-len-cốp, Vô-rô-si-lốp, Mao Trạch Đông, Chu Đức, Lưu Thiếu Kỳ, Chu Ân Lai được treo khắp cơ quan, phố phường, trong nước chỉ có ảnh Hồ Chí Minh, Trường Chinh, Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp và Hoàng Quốc Việt. Cái hào quang ấy nhanh chóng tắt với cái báo hiệu nho nhỏ trên báo Nhân Dân rằng đại tướng tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp sang sân bay Gia Lâm đón đại tá Phạm Hùng từ miền nam tập kết ra Bắc, và chỉ một tháng sau thì ngôi thứ trong bộ chính trị có chút thay đổi : Phạm Hùng được bổ xung là ủy viên chính thức của bộ chính trị và xếp hàng thứ 4, đẩy Võ Nguyên Giáp xuống hàng thứ 5.
Những cuộc chỉnh quân, chỉnh huấn, cải cách ruộng đất, trăm hoa đua nở v.v... đẩy mạnh cao trào “đấu tranh giai cấp”, khiến từ thành thị đến nông thôn đều tang hoang và tiêu điều. Nỗi hân hoan về chiến thắng Điện-biên-phủ không còn háo hức lòng dân nữa vì ai ai cũng lo sợ, cũng đói. Anh hùng quân đội Nguyễn Quốc Trị, chiến sĩ thi đua toàn quốc Giáp Văn Khương, tổ trưởng tổ xích hầu đã hạ chết trung úy Bernard de Lattre, không còn được báo đài nhắc đến nữa. Người anh hùng ở trận Điện-biên Nguyễn Quốc Trị bị qui kết thành phần địa chủ và Giáp Văn Khương can tội kiêu ngạo của tầng lớp tiểu tư sản. Đại tướng Nguyễn Chí Thanh, người luôn tự hào vì mới chỉ học đến lớp 4 nổi lên và áp đảo Võ Nguyên Giáp.
Là một trí thức, lại giòng dõi quan lại nên Võ Nguyên Giáp mặc dù đã được “rèn luyện” trong cách mạng nhưng tác phong vẫn không phải là cái mẫu vô sản như Hồ Chí Minh, mặc bộ áo nông dân phanh cúc ngực, cổ quấn chiếc khăn mặt bông, hoặc như đại tướng Nguyễn Chí Thanh, mặc bộ áo lính nhàu nát, bạc màu, vai không đeo sao, chân đi dép lốp và sẵn sàng ngồi ăn cơm với lính ngay dưới đất một cách thoải mái. Ông Giáp lúc nào cũng tề chỉnh mà theo quan niệm của ông, đó là tính “chính qui”, còn Nguyễn Chí Thanh thì chỉ nói đến tính “cách mạng” và lập trường “vô sản”. Trong quân đội, người ta phục tướng Giáp nhưng người ta yêu và gần gũi với tướng Thanh nhiều hơn. Nếu cho bỏ phiếu, chắc chắn tướng Giáp sẽ thua phiếu, nhưng bàn tay cầm cân nẩy mực của Hồ Chí Minh vẫn không cho tướng Thanh, dù được phép bắt giam những đại tá thân cận nhất của tướng Giáp, nhưng vẫn không được chiếm chỗ của tướng Giáp. Bên đại diện cho “hồng”, bên đại diện cho “chuyên” mâu thuẫn nhau liên tục là điều đảm bảo để Hồ Chí Minh nắm chắc được quân đội, không sợ có đảo chính từ phiá vũ trang.
Ngay từ trước 1960, cộng sản Hà-nội đã cho những đơn vị vũ trang chính qui thâm nhập miền Nam để phối hợp với những đơn vị cộng sản nằm vùng sau 1954 nhằm chiếm nốt miền Nam Việt Nam. Sĩ quan cao cấp nhất bị chết trước 1960 khi vượt quá vĩ tuyến 17 về phiá Nam là thiếu tướng Bùi Xuân Đăng, từng là tiểu đoàn trưởng tiểu đoàn độc lập 159, một sĩ quan rất được tướng Giáp yêu mến, hệt như Vũ Lăng, viên tướng từng là học sinh trường Thăng Long ở Hà-nội. Sự xáo trộn nhân sự từ khi có cuộc xâm lăng miền Nam khiến tướng Giáp bị tước tay chân; có lúc đã ngồi chơi xơi nước ở Đồ Sơn trong tòa biệt thự mà công binh phải vất vả phá đi đập lại hai lần xây mới vừa ý tướng Giáp. Các lãng phí vô tội vạ trong lúc dân còn đói và thiếu chỗ ở, chẳng riêng gì của tướng Giáp, đã làm hình ảnh viên anh hùng (mặc dù là anh hùng có bệ đỡ) ở Điện-biên càng xuống giá trong lòng người dân miền Bắc Việt Nam. (Cần lưu ý là ngay Tôn Đức Thắng cũng cho xây 1 biệt thự lớn ở Hải-dương, tỉnh kết nghĩa với Vĩnh-long, quê của Tôn Đức Thắng, và khóa cửa bỏ đấy làm... cảnh.) Đã thế lại có những chuyện từ trong quân đội kể ra là trong chiến dịch Điện-biên, đã có nhiều cô gái Thái đêm đêm được bí mật đưa đến chỗ tướng Giáp giúp cho ông ta được minh mẫn đầu óc. Cũng lúc ấy thì tướng Giáp muốn học piano để
cho tinh thần được thư duỗi. Và ông ta đã chọn một người dạy cho mình tại nhà riêng : đó là vợ một nhà văn kiêm dịch giả cũng loại “thường thường bậc trung”, khá đẹp với cặp mắt lá răm và thân hình chắc lẳn. Câu chuyện đáng ra có thể ầm ỹ, nhưng may cho ông Giáp là cùng lúc thì nhiều tướng lĩnh và lãnh đạo đảng cao cấp cũng mắc phải cái chuyện bê bối ấy như Bộ trưởng phủ thủ tướng Nguyễn Khang; bí thư thành ủy Hà-nội Nguyễn Văn Trân; bộ trưởng nội vụ Ung Văn Khiêm; bộ trưởng vật tư Trần Danh Tuyên; thứ trưởng giao thông bưu điện Hông Xích Tâm; thiếu tướng Nguyễn Trọng Vĩnh, cố vấn tối cao cho thủ tướng Lào, Cay-xon Phôm-vi-hản và v.v... Và, người ta cũng thông cảm với tướng Giáp khi nhớ ra rằng bí thư thứ nhất của đảng là Lê Duẫn cũng ba vợ; trưởng ban tổ chức trung ương Lê Đức Thọ cũng hai vợ và nhà thơ cung đình Tố Hữu, thường tung tin là bất lực, nhưng cũng có bồ. Chỉ cho đến khi mọi người xì xào cái tin tướng Giáp bị mọc sừng qua bài thơ truyền khẩu ở Hà-nội rằng :
“Phạm Huy Thông, Phạm Huy Thông
Giáo sư nổi tiếng tô hồng, bẻ hoa
Một tay bóp méo sử nhà
Một tay nắn bóp lệnh bà tướng công
Tướng bà dám cắm sừng chồng
Bởi chưng biết thóp tướng ông nhập nhèm
Chồng ăn chả, vợ ăn nem
Thôi thì cùng cảnh lèm nhèm như nhau
Tướng ông trong bụng rất đau
Nhưng Thông lại có đỡ đầu quan trên
Mưu sâu là chước lặng yên
Đội mũ đạo đức, đeo kiềng nhân luân
Nghĩ rằng việc ở trong quần
Nào ngờ dân đã xa gần đều hay
Khen tài Thông : đúng là Tây !
Tất nhiên những chuyện truyền miệng như thế không qua được Cục bảo vệ chính trị và Cục bảo vệ văn hóa của bộ công an, cũng như Cục bảo vệ của quân đội dưới quyền tướng Kinh Chi. Nhưng, người ta chẳng những không tìm cách xóa bỏ mà còn khéo léo khẳng định bằng cách đưa Phạm Huy Thông về phụ trách Viện trưởng viện khảo cổ, rút Văn Trọng từ báo Nhân Dân về làm viện phó, nhưng thực quyền là ở trong tay ông viện phó này. Và, cái ghế bộ trưởng bộ đại học đáng ra là của Phạm Huy Thông được trao cho người khác. Những người còn “yêu” tướng Giáp bèn liên hệ đến việc Napoleon bị Joséphine cắm cho hàng tá sừng và họ kết luận đó là số phận dành cho “vĩ nhân”.
Thời kỳ đó, một cách tự phát, khi lòng tin của dân chúng vào đảng vào lãnh tụ không còn nữa, thì người ta quay về với tôn giáo, với tử vi và tướng số. Một số trong giới trí thức trẻ vội vào thư viện, xử dụng thẻ đặc biệt, để lén đọc các sách tử vi v.v... mới ngã ngửa ra là hầu hết các sách đó đã được thiếu tướng Vũ Kỳ, thư ký riêng của Hồ Chí Minh, mượn dài hạn !
Họ bình rằng tử vi của tướng Giáp : trong cung quan lộc có cách Vũ khúc, Văn khúc đồng cung lại gặp Hồng loan nên là người văn võ song toàn, thành danh lúc còn trẻ; cung mệnh có cách phiếm thủy đào hoa nên “lẳng lơ” là phải; cung thê có tham lang gặp hóa kỵ thì đúng với cảnh ngộ của tướng Giáp trăm phần trăm.
Có một sự thực là gần như chẳng ai chê trách những mẩu tình hoa lá của tướng Giáp, mà họ còn tô điểm, tiểu thuyết hóa, thi vị hóa. Phải chăng bên cạnh những chuyện tình của từ Hồ Chí Minh đến Lê Duẩn, Le Đức Thọ, Văn Tiến Dũng, Tố Hữu, Nguyễn Văn Trân v.v... nó không bẩn thỉu đến như vậy.
Trong những chuyện tai tiếng mà người ta (dân Hà-nội) không tha thứ cho ông Giáp lại chỉ từ một câu chuyện cỏn con. Đó là viên trung tá quân y, bác sĩ riêng của tướng Giáp được đưa về làm Giám-đốc Sở y-tế Hà-nội thay Lê Cương. Mới chân ướt chân ráo ở chức vụ Giám đốc, ông ta đã dụ dỗ một nữ y tá ở bệnh viện Saint Paul ra bờ đê, chân cầu Long Biên, “hội ý công tác đặc biệt”. Nào ngờ cả hai bị thanh niên cờ đỏ bắt được quả tang đang làm chuyện “con heo” ở bờ đê. Cô y tá khai là bị cưỡng bức để được cho lên lương và có thể được đi học đại học y khoa ở Thái Bình. Cả Hà-nội phẫn nộ. Đúng lúc ấy tướng Giáp cho mời viên Giám đốc này lên nhà riêng ăn cơm thân mật trong gia đình. Mọi người tin chắc chí ít ra viên Giám đốc cũng bị thuyên chuyển, nhưng ai ngờ kẻ bị thuyên chuyển ra khỏi ngành y tế là cô y tá trẻ nhẹ dạ ở bệnh viện Saint Paul, còn viên trung tá bác sĩ quân y vẫn được giữ lại trên ghế Giám đốc Sở y tế Hà-nội. Người ta bảo :“Tướng Giáp thù phụ nữ !”
Chiến dịch đánh chiếm miền Nam vào năm 1975, nếu theo cuốn “Đại thắng mùa Xuân” của Văn Tiến Dũng (do Hồng Hà viết hộ) thì người ta thấy các nhân vật nổi lên trong công trạng xâm lăng này, trừ tướng Dũng, có đủ mặt Lê Duẩn, Lê Đức Thọ, Phạm Văn Đồng, Phạm Hùng. Còn Trường Chinh và Võ Nguyên Giáp chỉ le lói bên lề. Phải nhiều năm sau, khi tranh cãi trong việc biên soạn lịch sử, những người “trung thực” mới công bố các bức điện do tướng Giáp ra lệnh và gỡ bí trong suốt 55 ngày của chiến dịch, và kết luận rằng tướng Giáp vẫn cứ là Napoleon còn tướng Dũng không thể hơn được Murat.
Ngôi sao quan lộc của tướng Giáp bị lu mờ dần từ đại hội 5 của cộng đảng ở Việt Nam. Nhưng trong lòng trí thức Hà-nội thì nó tắt ngấm từ lâu, từ những câu nói “nổi tiếng” của ông ta :”Dù cho cả nước có mặc quần xà lỏn vẫn phải làm bom nguyên tử”. Với cương vị phụ trách công tác khoa học kỹ thuật của đảng, ông ta đã không muốn nghe những lời nói chân tình của các tiến sĩ Phan Đình Diệu, tiến sĩ Hoàng Phương v.v... Ông ta ủng hộ các tiến sĩ Nguyễn Đình Tứ và Nguyễn Văn Hiệu... những người muốn Việt Nam phải có “sức mạnh nguyên tử”. Nhưng, những người được ông ta ủng hộ, khi có chỗ đứng, đã nhanh chóng quay lưng lại với ông ta để tìm chỗ dựa chắc chắn hơn, đó là gia đình nhà Lê Đức Thọ. Dư luận cũng nói đến ngôi sao của tướng Giáp đã bị những bàn tay thế lực trong gia đình Lê Đức Thọ che phủ. Có nhiều mâu thuẫn giữa hai người, nhưng có hai sự việc nhỏ như hạt cát nhưng lại có khả năng làm mù mắt (chứ không cần to như trái núi), đó là đã có lúc trên báo Nhân Dân (có 1 lần thôi) đưa nguyên văn tin của ban tổ chức trung ương, trong đó không biết vô tình hay hữu ý mà thứ tự trong bộ chính trị lại để tên Lê Đức Thọ trên tên Võ Nguyên Giáp. Ngay lập tức, văn phòng tướng Giáp điện thoại khiển trách báo Nhân Dân và từ hôm sau cái thứ tự tướng Giáp trên Lê Đức Thọ lại được duy trì. Còn hạt cát nhỏ thứ hai là khi nghe tin Lê Đức Thọ được đề nghị nhận giải Nobel về hòa bình chung với Kissinger, tướng Giáp đã ngửa mặt cười khẩy !
Những vấp ngã trên bước đường quan lại mới đã làm cho tướng Giáp bước đầu hé mắt nhìn ra ngoài bốn bức tường giáo điều; hé mắt nhìn đến đời sống của lính, những người đã dùng xương máu xây đài vinh quang cho ông, có khi còn cao hơn cái Kim-tự-tháp mà Napoleon đã nói khi đánh sang Ai-cập :”Trên đỉnh Kim-tự-Tháp này, 20 thế kỷ sau họ còn chiêm ngưỡng chúng ta”. Người thay thế ông trong chức bộ trưởng quốc phòng là tướng Văn Tiến Dũng, có bà vợ từng là giao liên của thường vụ trung ủy, từng đóng vai vợ của Lý Chính Thắng để vào Nam chuyển chỉ thị của trung ương cho xứ ủy Nam-kỳ, từng là cán bộ của ban tổ chức trung ương (dưới quyền Lê Đức Thọ) rất có “khiếu buôn bán, mánh mung”. Bà ta đã tổ chức một mạng lưới “mánh mung” trong quân đội để buôn bán, vận chuyển các hàng “quốc cấm”. Được bật đèn xanh bằng hành động của phu nhân bộ trưởng quốc phòng tầng lớp trên trong quân đội bung ra kiếm chác. Một vài phê bình của tướng Giáp về thực trạng đó, tuy còn yếu ớt, nhưng đã giúp ông lấy lại được chút ít uy tín trong quân đội. Lê Đức Anh, viên đại tá ở khu 9 vọt lên đột ngột, thay thế Văn Tiến Dũng, nhưng cái gọi là những hành động “tiêu cực” càng phát triển mạnh như cỏ gặp mưa. Quân đội bán cả xe tăng, máy bay Mig, nhôm tấm lát sân bay, đạn đại bác, súng, xăng dầu, gỗ quý, vàng, hạt xoàn, đô-la Mỹ v.v... Doanh trại là kho chứa hàng lậu, dùng cả máy bay chở hàng lậu. Khu gia binh thành những điểm chiếu video con heo. Nhiều nhóm sĩ quan đã cho vợ hoặc họ hàng thành lập các “dịch vụ cầm đồ ma” để che bề thật là nơi cho vay nặng lãi : cả vàng, tiền Việt Nam và đô-la Mỹ. Chẳng còn gì là bí mật nữa vì khách hàng không chỉ là tư nhân mà còn là cơ quan, các công ty quốc doanh.
Thành phần yếu thế trong quân đội bất mãn và tướng Giáp được chọn làm “minh chủ” để... “chống đối”! Đó là lý do trước đại hội 7 của cộng đảng, tướng Giáp sức khỏe còn tốt, sáng điểm tâm vẫn còn ăn được một tô lớn phở tái và hai hột vịt lộn, ra sức vận động cả trong và ngoài nước, nhưng ông ta đã thất bại thảm hại : bị đá ra khỏi trung ương đảng cộng. Kẻ thù của ông ta quá nhiều, quá giàu về tiền bạc, đàn em lắm, đầy quyền lực và đầy thủ đoạn hơn ông ta.
Mới đây, có những tin đồn từ Việt Nam rằng Võ Nguyên Giáp bị quản thúc tại nhà. Rồi lại tin nước ngoài cho hay ông ta được một trường đại học ở Mỹ mời cả hai vợ chồng qua “giảng bài”. Và, đi xa hơn, có nguồn tin rằng ông đại tướng đầu tiên của lực lượng vũ trang của cộng sản Việt Nam, đã 80 tuổi này, đã mua nhà ở Pháp để... an nghỉ tuổi già.
Nếu ghép lại với cái phần cuối của ký giả Pháp Jean Larteguy viết trên tờ Paris Match số ra ngày 18-6-1992 rằng :“Tương lai của Việt nam sẽ ra sao với dân số hiện nay là 67 triệu... nước Pháp vẫn duy trì những ràng buộc sâu đậm với Việt Nam, có thể sẽ đóng vai trò vị hoàng tử của người đẹp ngủ trong rừng...” Phải chăng viên đại tướng ngã ngựa, không phải vì địch mà vì đồng chí của mình, đã 80 tuổi này lại muốn làm “người dẫn đường” cho hoàng tử Pháp đi tìm người đẹp ngủ trong rừng... nguyên thủy Cúc Phương ở Ninh Bình, thuộc miền Bắc Việt nam ?
Ngày 7-7-1992
Việt Thường
No comments:
Post a Comment