Pages/ Tác giả

Saturday, January 8, 2011

Tạ Dzu:-Mô hình kiến thiết nào cho Việt Nam và thế giới?


Mô hình kiến thiết nào cho Việt Nam và thế giới?

Tạ Dzu:

Đạo nghĩa gớm cho quân lợm khẩu,

Nhân quyền khiếp cả lũ xanh ngươi!

Ngẫm xem muôn vật đều đắc ý

Rẽ rạch Hồng Bàng tính cổ thời.

(Đạo Trường Ngâm – Lý Đông A)

Kể từ khi Liên Sô và khối Đông Âu sụp đổ, cụm từ toàn cầu hóa – globalization – bắt đầu được nhiều người nói tới. Cường độ giao lưu giữa các quốc gia từ kinh tế chính trị, đến văn hóa xã hội ngày càng gia tăng mạnh mẽ. Biên cương các quốc gia như gần lại nhau hơn. Sự phát triển của khoa học kỹ thuật, nhất là hệ thống mạng toàn cầu làm cho thế giới trở thành một ngôi làng nhỏ. Những gì xảy ra bên đây bờ Thái Bình Dương, trong nháy mắt, bên kia bờ cũng biết.

Những bức tường tre, tường sắt sụp đổ. Các bức tường lửa ngăn chặn sự tìm hiểu thông tin khắp nơi của con người cũng bị dập tắt. Tri thức được nâng cao và loài người nhờ vậy mà thông cảm, hiểu biết nhau hơn. Các chế độ độc tài ngày càng phải chùn bước mặc dù không muốn. Đây là cuộc hướng tha vận động, vươn tay đến với nhau trên căn bản hợp tác hữu nghị, chung sống hòa bình và giúp nhau tiến bộ.

Liên Sô và Đông Âu lật đổ chế độ cộng sản, chối từ sự vong thân, vong bản để quay về với dân tộc nhằm phục hồi truyền thống, văn hoá cổ truyền đã bị văn hóa nô dịch cộng sản đè bẹp. Khắp nơi, tất cả các quốc gia đều hòa vào trào lưu của nhân loại là dân chủ hóa đất nước. Đây là công cuộc hướng tâm vận động. Các chế độ độc tài và cộng sản còn lại đều tìm cách trì hoãn và ngăn cản tiến trình dân chủ của quần chúng để thủ lợi, nhưng khó có thể chống lại xu thế chung.

Những hiện tượng nói trên đặt ra cho mỗi dân tộc hai con đường sống mới mà nhà cách mạng Lý Đông A từ thập niên 40 của thế kỷ trước gọi là đường sống quốc dân của dân tộc và đường sống quốc tế của dân tộc (1), hay còn gọi là hướng tâm và hướng tha vận động. Hướng tâm là để trở về với những giá trị đặc thù mỗi dân tộc rồi xiển dương lên cho rực rỡ. Hướng tha là để tranh đua sôi nổi, hòa nhịp với các dân tộc khác, tạo ra một giá trị, một nền văn hóa chung cho nhân loại.Nó không chỉ xảy đến cho dân Việt mà là xu hướng của thế giới. Điều đó có nghĩa là mỗi quốc gia không còn có thể sống riêng rẽ, mà sự sống còn của mỗi dân tộc đều lệ thuộc vào nhau.

Đường sống quốc dân của dân tộc

Thế sự nhiễu nhương của Việt Nam trong thế kỷ vừa qua đều làm cho mỗi chúng ta phải xót xa, cay đắng và tủi nhục. Trong khi lân bang và thế giới miệt mài tiến lên thì Việt Nam trở thành điểm nóng của cuộc chiến tranh lạnh giữa tư bản và cộng sản. Với kế hoạch trăm năm trồng người bởi văn hóa ngoại lai khốc hại, con người dưới chế độ cộng sản bị vong thân và vong bản. Những cố gắng gìn vàng giữ ngọc cho văn hóa truyền thống không bị nhiễm độc bởi văn hóa nô dịch quá yếu ớt, còn bị chủ trương quốc tế tìm mọi cách khống chế và tiêu diệt khiến chúng ta không hội tụ được nội lực dân tộc để thoát khỏi cơn bão tàn phá kinh hoàng cộng sản.

Đất nước tan hoang. Văn hóa suy đồi. Lòng người rã rời.

Sự kiện đó thúc bách mỗi con dân Việt phải mau mau thức tỉnh, bấu víu nương nhau mà đứng lên thay vì tiếp tục chống phá lẫn nhau. Tình trạng phân ly, kiệt quệ thua kém của dân tộc còn đòi hỏi toàn thể quốc dân phải mau chóng góp phần rũ bỏ chủ nghĩa lỗi thời Mác Lê và quan hệ tình nghĩa anh em độc hại Việt-Trung dưới thể chế cộng sản. Mỗi người hãy vận dụng vị trí và hoàn cảnh thuận lợi của mình trong thế toàn dân vi binh để đẩy lùi chế độ độc tài đảng trị, thay thế bằng đa nguyên quốc dân trị.

Quốc dân trị nghĩa là thể chế chính trị phải được trao về cho toàn thể quốc dân định đoạt, trong đó mọi đảng phái, kể cả đảng cộng sản chỉcó thể có vai trò thích đáng nếu hành động phù hợp lòng dân và được quốc dân tín nhiệm. Quốc dân trị là rẽ rạch lại đường sống văn hóa từ cổ thời Hồng Bàng đang bị văn hóa nô dịch cộng sản phủ lấp. Quốc dân trị là dựa vào quốc dân chứ không sử dụng đảng cộng sản làm phương tiện dựa vào quốc tế cộng sản – đã bị toàn thể nhân loại vứt vào sọt rác khắp nơi và ngay chính trên quê hương đã sản sinh ra nó – để cướp chính quyền rồi vô ơn, ngồi xổm trên đầu trên cổ, thao túng quốc dân. Quốc dân trị là “quyền quốc dân, lực nhà nước” chứ không phải thâu tóm toàn bộ quyền lực về cho chính quyền chuyên chế độc tài. Quốc dân trị là phát huy nhân tính, giải trừ thú tính. Quốc dân trị là vận động kết hợp giữa tâm và vật, chứ không phải đời sống chỉ do vật chất hạ tầng quyết định thượng tầng tư tưởng tinh thần như Mác chủ trương. Quốc dân trị là thống nhất lòng người, là trên dưới một lòng, có họa cùng chia có vinh cùng hưởng chứ không phải có họa thì bắt dân chia mà vinh thì đảng hưởng trọn.

Tất cả những điều đó là công cuộc hướng tâm vận động, chuyển hóa tâm thức dân tộc để đi từ quốc tế cộng sản lừa bịp trở về với đời sống quốc dân, nối lại mạch sống ngàn đời cha ông đã bị đứt quãng bởi các trào lưu thực dân và cộng sản. Dân chủ phải đi theo hướng quốc dân và dân tộc này mới là dân chủ chân chính và toàn dân. Nếu không, chỉ là dân chủ hình thức và vì quyền lợi của thiểu số có tiền hoặc có thế lực. Đây là đường sống quốc dân của dân tộc mà Lý Đông A đã đề ra.

Đường sống quốc tế của dân tộc

Thế giới sau gần một thế kỷ chiến tranh khốc liệt mới bắt đầu nhận ra rằng cuộc tranh giành ngôi thứ bá chủ không phải là con đường nhân loại nhắm tới, mà phải hòa hợp, nương nhau cùng sống và giúp nhau tiến bộ mới là con đường đúng đắn. Đã có những ý kiến như của cựu Chủ tịch Liên Sô, ông Gobachev, là nhân loại phải tìm kiếm con đường thứ ba sau cộng sản và tư bản, hoặc phải thúc đẩy toàn cầu hóa không chỉ bằng kinh tế, mà còn bằng văn hóa để mọi quốc gia tôn trọng lẫn nhau và sinh hoạt bình đẳng, bất kể nước lớn hay nhỏ. Nói chung, nhân loại đang dò dẫm mong tìm ra một giải pháp hợp lý nhất.

Điều này cho thấy rằng các cuộc tranh thắng trước đây bằng quân sự và bây giờ là chiến tranh kinh tế có đem đến hòa bình cho nhân loại hay không? Chắc hẳn là không, nếu trong tương quan thương mại kinh tế, ai cũng muốn thủ lợi về mình và dành bất lợi cho đối tác theo kiểu mạnh được yếu thua một chiều, mà phải là sự hợp tác trong sáng, bình đẳng hai chiều. Muốn vậy, cả nhân loại phải vận động cùng nhau xây dựng một nền văn hóa chung, có sự đóng góp văn hóa đặc thù của mỗi dân tộc, và quốc gia nào cũng phải tôn trọng những giá trị nhân bản và nhân quyền phổ quát trên toàn thế giới.

Những hình thức tranh hùng xưng bá cổ xưa, kéo bè lập cánh chống đối tiêu diệt nhau của cuộc Chiến tranh Lạnh trước đây – trong đó có cả ý đồ của chính phủ Mỹ sử dụng CIA để lật đổ các chính quyền chống Mỹ hầu lập những tập đoàn thân Mỹ khắp nơi, hoặc ý chí ỷ mạnh hiếp yếu như trường hợp Trung Quốc hàng ngàn năm qua và hiện nay – đều bị nhân loại chỉ trích và chống đối. Tất nhiên sẽ còn những tranh chấp, chiến tranh cục bộ ở một số vùng, nhưng nói chung, xu hướng thế giới ngày nay là hợp tác trong hòa bình, liên phòng bảo vệ nhau để cùng tồn tại. Sự kiện Wikileaks gần đây tiết lộ những thông tin hậu trường chính trị càng khiến những ý đồ “phân ranh”, chia vùng ảnh hưởng thế giới giữa các nước lớn – như Hội nghị Yalta của các quốc gia thuộc phe Đồng minh thắng trận Thế chiến 2, hoặc ý đồ móc ngoặc với Mỹ chia đôi thiên hạ của Trung Quốc mới đây – phải kiêng dè nể sợ. Nó đòi hỏi cả nhân loại phải tìm ra mô hình cho cuộc chơi mới, không còn là tương quan lỗi thời mạnh được yếu thua trong quá khứ. Nó cũng đòi hỏi dân tộc ta tìm đường phát triển trong trào lưu chung của nhân lọai mà theo Lý Đông A, kể từ 1950 trở đi là thời kỳ phát triển nội tại ra cùng với quốc tế của dân tộc. Ông gọi đó là “quốc tế biên tế phát triển”.

Mô hình nào cho Việt Nam lẫn thế giới để vừa dân tộc lại vừa quốc tế như thế?

Mô hình cơ năng bản vị

Để thực hiện đường hướng phát triển cộng đồng dân tộc trong một cộng đồng nhân loại hài hòa như vậy, cách đây 60 năm, một thiên tài tư tưởng Việt là Lý Đông A đã đưa ra mô hình tổ chức xã hội từ quốc gia lên thế giới, mà ông gọi là học thuyết bản vị (2). Chúng tôi trình bày dưới đây sự hiểu biết riêng về học thuyết hết sức thích hợp với sự phát triển của thời đại toàn cầu hiện nay, vừa như một lời giới thiệu về học thuyết này, vừa mong được học hỏi thêm từ các vị cao kiến hơn.

Bản vị được xem là một cá nhân hay tập thể, với đầy đủ khả năng và chức năng sinh hoạt như một đơn vị độc lập, tự sinh tự hóa mà không cần đến ngoại lực, trong đó có những phần tử cấu tạo ra nó. Những phần tử cấu tạo kia chính là cơ năng thành phần cho bản vị chung. Bản vị này lại được cơ năng hoá để trở thành đơn vị lớn hơn, tạo thành một mạng lưới liên quan chặt chẽ và bổ túc cho nhau.

Mỗi gia đình là một bản vị độc lập, bao gồm cha mẹ và con cái. Trong kiến trúc kim tự tháp của văn hóa Hán và Tây phương trước kia, người cha phái nam ngồi trên đỉnh tháp có quyền lực gần như tuyệt đối, con cái phải nghe lời mà không được bàn cãi cho dù ông ta có sai trái. Người vợ phái nữ phải phục tòng phái nam: tại gia tòng phụ, xuất giá tòng phu, phu tử tòng tử. Ở nhà phải nghe lời cha, lấy chồng phải nghe chồng và khi chồng mất phải theo ý con trai (trưởng) chứ không được quyết định những việc lớn trong gia đình. Nền văn hóa ấy ưu đãi phái nam và khinh rẻ phái nữ. Con trai được truyền những bí quyết nghề nghiệp buôn bán, con gái thì không. Trái lại, trong văn hóa Việt, con nào cũng là con, vẫn còn được truyền tụng qua các câu ca dao tục ngữ:

Trăm trai không bằng một dái tai con gái,

trăm gái không bằng một cái dái con trai.

Phái nữ được dân Việt tôn trọng, khi về nhà chồng, xã hội còn trao gởi họ trách nhiệm nặng nề: gánh vác giang sơn nhà chồng. Với truyền thống chăm lo cho gia đình nên những khó khăn đều được các thành viên chia sẻ trách nhiệm, mọi người đều cố gắng góp phần cho sự thăng tiến chung. Hạnh phúc của mỗi người là hạnh phúc của gia đình và vinh quang của gia đình là niềm vinh dự của mỗi thành viên.

Sự sinh hoạt lấy gia đình làm bản vị trung tâm mà vẫn quan tâm và bảo vệ quyền lợi các thành viên cơ năng chính là hình ảnh gia đình hạch tâm của xã hội Việt trước kia. Khi các cơ năng đều thích tính đắc vị, thi hành hoàn hảo vị trí của mình thì bản vị sẽ vận hành xuông sẻ, thuận tình hợp lý tựa các điện tử vận động hài hòa trong một nguyên tử.

Từ mô hình gia đình hạch tâm (nucleus family) nói trên, các bản vị lớn hơn sinh hoạt theo cùng một mô thức để đạt đến xã hội hạch tâm.

Mỗi hộ là một cơ năng thành phần của bản vị phường. Ở một đơn vị cao hơn, phường được cơ năng hóa để trở thành cơ năng cho bản vị xã. Cùng một phương cách tổ chức như thế để tiến đến bản vị quốc gia. Học thuyết này không chỉ áp dụng cho quốc gia, mà còn được áp dụng trên bình diện quốc tế nhằm tạo lập một thế giới hòa bình an lạc.

Ngoài những đơn vị hành chánh, các cơ quan xã hội, bộ ngành đều được tổ chức như nhau, tạo thành một hệ thống network có liên quan chặt chẽ với nhau. Chính quyền trở thành bản vị trung tâm. Nhà nước điều hành và tạo cơ hội thuận lợi chứ không phải ngất ngưởng trên đỉnh kim tự tháp nắm quyền và ra lệnh cho mọi sinh hoạt của nhân dân dưới đáy. Những đơn vị phường xã thấp nhất là những chính quyền tự trị địa phương. Người dân trong các phường/ấp tự bầu bán và đưa ra kế hoạch hoạt động xung quanh bản vị trung tâm xã. Nhờ vậy, nhu cầu quần chúng ở ngay địa phương được quan tâm đúng mức. Cũng nhờ sự tự trị ở tầm mức tương đối nhỏ, bản vị xã hay một bộ trở nên sinh động và có thể tự điều chỉnh những sai trái tại chỗ, không làm bùng lên bức xúc liên quan đến cả xã hội, dễ đưa đến rối loạn trật tự công cộng và giảm thiểu những vụ kiện tụng tốn kém nếu có. Mỗi xã đều có các chương trình kinh tế, xã hội, văn hóa, giáo dục… địa phương, trở thành cơ năng thành phần cho bản vị các bộ liên quan trên quy mô toàn quốc.

Sự tự điều chỉnh không chỉ ở các đơn vị hành chánh, các bộ ngành cũng có khả năng chỉnh đốn nội bộ, cho phép nhà nước dễ dàng điều hành quốc gia. Các cơ quan hành chánh và các bộ sinh hoạt hài hòa với nhau cả ngang lẫn dọc (mạng lưới) chung quanh bản vị trung tâm nhà nước, được chính nhân dân trực tiếp tổ chức sẽ tạo hiệu quả cao và giới hạn sự trương phình chính phủ nặng nề như ta thấy ở các quốc gia hiện nay.

Mặt khác, sinh hoạt theo cơ chế hạch tâm thì quyền lực tập trung hay quyền lực nằm trên đỉnh kim tự tháp sẽ được nhà nước tản quyền về cho toàn dân, chính phủ đóng vai trò điều hợp các hoạt động xã hội chứ không phải là nơi xuất phát các mệnh lệnh lãnh đạo, hay biến thành bộ phận sản xuất nghị quyết buộc nhân dân phải thi hành. Liên hệ giữa nhân dân và nhà nước là liên hệ hai chiều, phân công và hợp tác với nhau trong công cuộc xây dựng đất nước chứ không còn là sự phân quyền, khiến cho nhà nước luôn có khuynh hướng lạm dụng danh nghĩa bầu cử hoặc ngay cả tiếm đoạt quyền lực để ngự trị trên đỉnh, cai trị toàn dân bên dưới.

Điển mẫu mới

Mô hình cơ năng bản vị được Lý Đông A khám phá và đề ra vào thập niên 1940 của thế kỷ trước, khi ông tập đại thành tư tưởng về chủ thuyết Duy Dân, ngày nay đang được khoa học soi sáng hơn. Trong tác phẩm Beloging to the Universe (Explorations on the Frontiers of Science and Spirituality) xuất bản năm 1991 (3),nơi phần dẫn nhập có tường thuật lại cuộc đàm thoại giữa nhà vật lý Fritjof Capra và nhà thần học David Steindl-Rast, nói về điển mẫu (paradigm) tư duy mới theo quan điểm khoa học. Họ đề ra năm tiêu chuẩn, trong đó hai tiêu chuẩn trình bày về vũ trụ quan (view of nature) và ba tiêu chuẩn đề cập đến khảo sát (qui trình) khoa học luận (epistemology). Các tiêu chuẩn rọi sáng bản vị học thuyết được trình bày tóm tắt như sau:

1. Sự chuyển hướng từ bộ phận sang tổng thể. Ở thời đại của Descartes, Newton và Bacon, theo điển mẫu cũ thì trong bất cứ hệ thống phức tạp nào, sự năng động của tổng thể được hiểu bằng đặc tính của cục bộ (chuyên biệt hóa và thiếu sự phối hợp với nhau). Với điển mẫu mới, các đặc tính của cục bộ (cơ năng) chỉ có thể hiểu được từ động lực của tổng thể (bản vị). Điều gọi là cục bộ chỉ là mẫu thức trong một mạng lưới các tương quan bất khả phân.

2. Sự chuyển hướng từ cấu trúc sang tiến trình. Ở điển mẫu cũ, người ta nhìn thực tại với các cấu trúc căn bản, có những lực và cơ chế tác động lẫn nhau tạo ra tiến trình. Trong điển mẫu mới, mỗi cấu trúc biểu thị cơ sở đặt nền tảng cho một tiến trình. Toàn thể mạng lưới các tương quan đều mang tính cách năng động nội tại (tự sinh tự hóa và tự điều chỉnh theo ngôn ngữ Lý Đông A).

3. Sự chuyển hướng từ khối thiết định nền tảng sang mạng lưới. Quan niệm về khối thiết định nền tảng (basic building block) của phép ẩn dụ tri thức đã được triết học và khoa học Tây phương sử dụng hàng ngàn năm qua. Điển mẫu mới cho rằng mọi ẩn dụ được thay thế bằng mạng lưới. Mạng lưới ấy không phân biệt về đẳng cấp cao thấp, cũng không có khái niệm nào là nền tảng. Mạng lưới là một hệ thống sinh động mở, cấu trúc là hệ thống xơ cứng khép kín. Tính trọng yếu của mạng lưới là sự kiên định không thay đổi (consistency) của mối tương quan liên lập giữa các cơ năng thành phần, dù thành phần ấy có thay hình đổi dạng.

Mô hình cơ năng bản vị – với chính trị và tổ chức xã hội là chính phủ trao quyền về cho quốc dân để người dân có thực quyền – không chỉ nằm trên sách vở hay được giới trí thức nghiên cứu trong trường ốc, mà đã được các quốc gia tiên tiến bắt đầu ứng dụng, tuy rằng mới chỉ ở quy mô nhỏ.

Bên Anh, chính phủ cho phép phụ huynh học sinh điều hành trường học và để cử tri chọn lấy các nhân viên công lực, thay vì được tuyển lựa bởi chính quyền. Họ đưa ra các từ ngữ và ý niệm mới như social innovation (canh tân xã hội), social entreprenuer (nhà thầu xã hội), tức những người tìm ra phương thức cải tổ đối với các vấn nạn xã hội, chẳng hạn, đề ra mô hình thương mại nhằm giảm thiểu sự nghèo đói (4). Hai thập niên qua, chính phủ ký hợp đồng với các tập đoàn kinh doanh lớn hay các hội thiện nguyện để lo các dịch vụ xã hội. Nhưng nay, họ thay đổi phương cách, đề ra sự hợp tác giữa nhà nước và tư nhân, giảm thiểu chi phí và tạo cơ hội cho nhân dân phục vụ nhân dân.

Ở Mỹ, hệ thống charterfundamental schools ngày càng phát triển. Tuy rằng vẫn phải theo tiêu chuẩn giáo dục của tiểu bang, nhưng nhà trường được quyền quyết định chương trình và phương pháp đào tạo học trò. Họ đề ra sự hợp tác chặt chẽ giữa học sinh, học đường và phụ huynh. Phụ huynh phải ký “hợp đồng học tập” với nhà trường, bảo đảm rằng con em phải đạt tối thiểu một thang điểm nào đó do nhà trường đề ra. Nếu không đạt được tiêu chuẩn, học sinh sẽ bị từ chối và phải học ở hệ thống công lập bình thường. Ngược lại, nhà trường sẽ bị tước đi danh hiệu charter nếu không cung ứng cho học sinh một nền giáo dục phẩm chất cao. Nó đòi hỏi sự cố gắng ở cả hai phía. Tính chất quan trọng của tự quản học đường có sự hợp tác giữa phụ huynh và trường học được ông Steven Holguin, giám đốc khu vực của hệ thống charter ở quận San Bernadino, California phát biểu, “charter schools là một phần rất quan trọng của việc cải tổ giáo dục tương lai” (5). Trong hệ thống này, có trường chú trọng tới sự chuẩn bị cho học sinh lên đại học ở những năm cuối trung học; có trường quan tâm đến giáo dục song ngữ; có trường lại khai thác kỹ năng lãnh đạo. Khi được trao thêm quyền tự quản, lãnh đạo học đường thấy rõ nhu cầu của cha mẹ và học trò mà đề ra phương pháp giáo dục hợp lý, tạo môi trường học tập tốt nhất cho học sinh. Ý thức được tầm giáo dục quan trọng của hệ thống, rất nhiều em muốn theo học đành phải nằm trong danh sách chờ đợi cho tới khi được nhận vào.

Đây là hình thức “tản quyền” dần cho người dân để biến thành phân công và hợp tác giữa bộ giáo dục và giới lãnh đạo học đường tại địa phương, sinh hoạt theo mô hình hạch tâm cơ năng-bản vị.

Lời kết

Giai đoạn hô hào nghĩa vụ quốc tế nhằm tranh quyền đoạt lợi đầy máu và nước mắt của thế kỷ 20 đã qua đi. Trở về xiển dương đặc thù truyền thống nhằm gia tăng nội lực dân tộc, dân chủ hóa đất nước và đóng góp phần mình vào nền hòa bình, thịnh vượng chung đang là xu thế của toàn thể nhân loại. Nỗ lực nối lại mạch sống bị đứt quãng bởi những trận cuồng phong thực dân và cộng sản, chúng ta nhận ra rằng văn hóa và nếp sống Việt rất phù hợp với mô hình sinh hoạt thế giới trong tương lai. Dân tộc chúng ta có đón đầu, bắt kịp trào lưu sắp tới thì mới có cơ may ngẩng mặt với đời. Nó đòi hỏi một nỗ lực chung, kể cả những người cộng sản. Những tiếng nói ngày càng đông đảo của mọi tầng lớp nhân dân, nhất là các đảng viên cao cấp đang đòi đảng cs phải xét lại vai trò của họ trong dòng sống dân tộc, cho chúng ta niềm hy vọng vào tương lai tươi sáng của đất nước. Hãy siết chặt tay nhau đẩy tiến trình dân chủ hóa đất nước mau chóng thành công.

Trên dưới 50 năm nay, viễn kiến về sự hình thành thế giới theo bản vị học thuyết của Lý Đông A dần dần hiện rõ hơn. Chúng ta đã chứng kiến các quốc gia đối đầu nhau trong thế kỷ vừa qua tiến dần đến những cố gắng thành lập các khối vùng dựa trên phân bố địa lý và văn hóa tương đồng, có thể được coi là các tập đoàn an toàn, liên phòng bảo vệ và thúc đẩy nhau cùng tiến bộ. Khi sự vận động kết hợp các khối này đặt căn bản trên bình đẳng và hợp tác trong sáng giữa các cơ năng thành viên thì càng ngày sự sinh hoạt hỗ tương giữa các nước càng vững chắc hơn, tựa như các khối Liên Hiệp Âu Châu, khối Bắc Mỹ hay khối Đông Nam Á (ASEAN) đang tự hoàn chỉnh; các khối khác cũng đang dần thành lập. Ông còn đi xa hơn, đặt giả thuyết các nước Đông Nam Á sẽ hình thành một liên bang Đại Nam Hải.

Ngược lại, kết hợp chỉ để thủ lợi cho riêng mình hoặc dựa vào sự kết-hợp-vùng giả trá mang mộng ước bá đạo đều bị tan rã. Sự tự vỡ của khối cộng sản quốc tế là một điển hình; sự tan hàng của khối các nước thứ ba do Trung Cộng chủ trương trước kia là một thí dụ khác.

Như vậy, để giải quyết xung đột biển Đông Nam Á lẫn Bắc Á và các cuộc đối đầu trên thế giới hiện nay, các cơ năng thành viên phải tôn trọng lẫn nhau trên căn bản hợp tác bình đẳng cùng có lợi, không thể có sự nổi trội đàn áp của bá quyền nước lớn. Bản vị không những phải tôn trọng tính độc lập, mà còn phải bảo vệ sự hiện hữu của mỗi cơ năng thành viên. Nếu không có cơ năng hoặc cơ năng èo uột yếu kém, không thể hình thành một bản vị vững chắc. Các cơ năng kết-hợp-vùng này sẽ sinh hoạt hài hòa với nhau, đóng góp văn hóa đặc thù của mỗi thành viên tạo nên bản vị nhân loại. Nó không cho phép cổ súy dân tộc cực đoan hay dân tộc ưu việt, mạnh được yếu thua trong quá khứ. Những nỗ lực lũng đoạn sự kết hợp chân tình sẽ bị chống đối và khó có cơ thành tựu, vì trái chiều với trào lưu chung.

Đây chính là hình ảnh của thế giới đại đồng tương lai. Dân tộc Việt đã kịp chuẩn bị để hòa vào nhịp sống của nhân loại hay chưa?

Tạ Dzu

Ghi chú:

(1) Lý Đông A, Chu Tri Lục. Nhà xuất bản Sóng Đáy, Sài Gòn: 1966.

(2) Lý Đông A, Chìa Khóa Thắng Nghĩa. Chưa xuất bản.

(3) Fritjof Capra and David Steindl-Rast, Belonging to the Universe. Harper, San

Francisco: 1991.

(4) http://www.economist.com/node/16789766

(5) Debbie P. Trunnell, “Group: Charters growing”. The Sun, Nov. 29, 2010.

No comments:

Post a Comment