Pages/ Tác giả

Friday, January 7, 2011

NB Việt Thường -Nổi Ám Ảnh Quá Khứ của Trần Quốc Vượng

Viet Thuong- Chuyện Thâm Cung HCM 21

http://www.youtube.com/watch?v=XuFvxo1BXyo







Nhân đọc bài: “nỗi ám ảnh của quá khứ”
của ông Trần Quốc Vượng, đăng lại trên Nguyệt san
QUANG PHỤC số 46 ngày 25-11-1991

sử nô vgcs, Trần Quốc Vượng




Tôi khá quen thuộc với lối nói và viết của ông Trần quốc Vượng từ những ngày trước tháng 4-1975. Tưởng rằng sau gần 20 năm sẽ đươc đọc những phát hiện mới mẻ của ông theo nhãn quan của một nhà sử học loại bất cơ “không chịu ràng buộc”(1), về chế độ cộng sản Việt Nam cũng như những kẻ đã khai sinh ra nó. Thú thật tôi vô cùng thất vọng vì ông là người có cái may mắn được học chính quy từ dưới lên trên, nên bài viết của ông được chữ nghĩa che đậy khéo hơn cái giọng ồ ề của Bùi Tín mược đài BBC để quảng cáo cho Võ nguyên Giáp trước ngày khai mạc đấu trường của đại hội 7 cộng đảng Việt Nam, nhưng đã thất bại. Có thể tóm tắt những ý chính trong bài viết của ông như sau:


1- Ông tự giới thiệu nguồn gốc xuất thân là trí thức, một người không đảng phái (cho có vẻ khách quan) có cái nhìn nhạy bén và cởi mở hơn một số giới chức cộng sản cầm quyền ở Việt Nam. Ông bị H.T. (Hoàng Tùng) đại diện có thẩm quyền của cộng sản Việt Nam công khai đề bạt là một trong 4 trí thức chống đối (?) bao gồm: Nguyễn khắc Viện, Trần quốc Vượng, Trần văn Giàu và Trần bạch Đằng.


2- Ông phủ nhận sự kế thừa của các phong trào chống ách thống trị của thực dân Pháp là một chuỗi liên tục gắn bó với nhau. Ông phủ nhận công lao của các đảng phái, các tổ chức không cộng sản dẫn đến việc hình thành nước Việt Nam độc lập cũng như những cống hiến của các đảng phái, các tổ chức đó trong suốt cuộc chiến đấu nhằm xóa bỏ chủ nghĩa thực dân Pháp ở Việt Nam. Ông khẳng định mọi công lao đều là của những người cộng sản. Ông cho rằng mô hình xã hội chủ nghĩa của một hai kiểu nào đó không thành công là tại thực tiễn “bướng bỉnh” của một nước Việt Nam nhỏ bé – tiểu nông mà thôi.


3- Từ đó ông đưa ra lời kêu gọi: “Tóm một chữ thì không phải là chữ “ĐẤU” mà là chữ “HÒA”: hòa bình, hòa hợp, hòa thuận, hòa giải…


Về ý thứ (1), nhiều người ở trong nước và nhất là ở hải ngoại, có thể không biết về lý lịch của ông, nhưng tôi thì biết khá rành rẽ. Cái đó không quan trọng lắm. Mọi người cũng như tôi chỉ muốn biết sự giải thích rõ ràng hơn về quan điểm của ông với tính cách vừa là công dân Việt Nam vừa là một nhà sử học loại bất cơ về cái xã hội Việt Nam mà ông đã trưởng thành và đang già đi ở đó. Khỏi cần phải dẫn chứng ông này ông nọ ở nước ngoài viết ra sao mà hãy viết về những điều ông đã và đang nghe, thấy tại Việt Nam một cách trung thực và bất cơ như Tư Mã Thiên. Còn về cá nhân ông thì nhận xét của ông giáo sư “rất thân, học với nhau từ thuở “hàn vi”, lại cùng làm việc dưới một mái trường Đại học trên ba chục năm trường “rằng” cậu “thành phần” tốt, ăn nói táo tợn thì quá lắm người ta cũng chỉ bảo cậu là “bất mãn cá nhân thôi”.


Cái nhận xét ấy nhắn gọn nhưng khá đầy đủ và cả chính xác nữa. Còn về 3 trí thức chống đối kia như thế nào? Xin trả lời rằng câu nhận xét của ông giáo sư bạn thân của ông về ông cũng đúng với cả ba ông đó. Có khác tí chút là bọn họ thuộc “thành phần” tốt hơn ông “rất nhiều” và cũng “bất mãn cá nhân” hơn ông rất nhiều. Còn về ăn nói thì thực tình những người hiểu biết có đủ bằng chứng để kết luận rằng sự ăn nói táo tợn của cả 4 trí thức chống đối so với quần chúng Việt Nam không có điều kiện được ăn học như mấy ông thì chưa là cái đinh gì. Có chăng các ông ấy chỉ hơn ở chỗ dùng nhiều uyển ngữ, mỹ tự, quanh co lắt léo và màu mè riêu cua. Hơn nữa, những điều mà 4 trí thức chống đối nói và viết thì ai cũng biết từ lâu và còn biết nhiều và rõ hơn. Còn những điều mà nhân dân Việt Nam, vì bị tụi cộng sản cầm quyền tước đoạt hết mọi quyền tự do, không được phép đi, đọc, gặp gỡ nên muốn biết thấu đáo thì không một ai trong 4 ông dám táo tợn nói cho dân biết (chưa kể đến việc 4 ông còn góp phần khá tích cực trong việc đổi trắng thay đen của tụi cộng sản cầm quyền).


Về ông Nguyễn khắc Viện, khi phong trào Nhân-văn – Giai-phẩm bị họ Hồ và tay chân đàn áp, giáo sư thạc sĩ triết học Trần đức Thảo, bạn của ông Viện từ khi còn cùng theo học tại Pháp và cùng gia nhập đảng cộng sản Pháp trước khi về Việt Nam, bị giáo sư Phạm (tức Phạm huy Thông, người mà ông Vượng nêu trong bài với đầy tự hào và thán phục) bôi nhọ là “đạo văn”, bị vợ tố giác là chống đảng (cộng sảnVN) và xin ly hôn. Bà ta được họ Hồ thưởng cho cái ghế vụ trưởng Vụ Mẫu giáo thuộc bộ giáo dục và ông Nguyễn khắc Viện đã lấy bà ta làm vợ. Nếu cụ Nghè Nguyễn khắc Niêm còn sống chắc chắn sẽ rất đau lòng. Khi một số những nhà “giả khoa học” của Bắc Việt Nam, theo lệnh của Tố Hữu, cố chứng minh rằng “7 ki-lô lá sắn bổ tương đương 1 kg thịt bò, ngô bổ hơn gạo và ốc sên có nhiều đạm v.v…”, thì dù chẳng phải phận sự của mình, ông Nguyễn khắc Viện cũng nhanh nhẩu hưởng ứng chủ trương “rau cỏ hóa bữa ăn của toàn dân” bằng bài “rau muống” đăng trên tờ Văn-hóa. Chỉ thiếu điều ông Viện chưa kịp bàn đến làm thế nào để cải tạo hệ thống tiêu hóa của nhân dân Việt Nam sao cho giống với trâu, bò hoặc như loại tằm ăn lá sắn do Nhật-bản giúp giống (vì ông Viện là bác sỹ y khoa mà!). Sau tháng 4-1975, người miền Bắc khi vào Nam trở ra đều khen nhà cửa, thành thị, đường xá v.v… của miền Nam, thì ông Viện (cũng không phải phận sự) lại nhanh nhẩu viết bài chửi sự đê nhục của những xa-lộ ở miền Nam và hết lời ca ngợi cùng tự hào về những đường ổ gà, sống trâu ở miền Bắc, đúng mẫu mực của họ Hồ là “Mỹ mà xấu” (1), nghĩa là cái gì của “ta” cũng đều “tốt” và cái gì của “ngụy” cũng đều “xấu”(?)! Ngòi bút của ông Viện như cây kích của Điển Vi, tả xung hữu đột để bảo vệ sự thống trị của họ Hồ và bè lũ. Nhiều người, nhất là Việt kiều và giới trí thức ngoại quốc vì nhìn vào cái gốc gác của ông Viện cũng như cái bằng bác sỹ Tây học của ông ta mà tin vào lời nói và bài viết của ông ta khiến họ đã hiểu rất xa với sự thật về tình trạng Việt Nam, chỉ có lợi cho họ Hồ và bè lũ thống trị, không có chút ích gì cho nhân dân Việt Nam. Ông Viện cũng đã góp khá nhiều công sức, nếu không nói là loại có công nhất, trong việc dịch thơ của Hồ chí Minh và của Tố Hữu để phổ biến ra nước ngoài. Công lao to như vậy, thân phận lại đúng với công thức: “Vừa hồng vừa chuyên”, lại rất mẫn cán thế nhưng cuối đời, trong nấc thang “quan lại mới” ông ta mới chỉ mon men bên rìa, phải coi loại vô học và so với ông ta chỉ là hạng “nhãi tép” trên mọi phương diện như Cù thị hậu, Nguyễn thị Hằng v.v… là “lãnh đạo” hoặc loại kiến thức chỉ đáng học trò như Nguyễn thành Lê, Cù huy Cận, Trần trọng Tân, Hồng Hà v.v… cũng trên ông ta cả trăm bậc và ngay gần đây nhất thì cái anh chàng cơ hội “cò mồi” Bùi Tín (2) cũng nhỉnh hơn ông ta tý chút. Nguyên nhân chống đối của ông Viện là như vậy. Còn ông chống đối ai và như thế nào thì sẽ nói về sau.


Nhân vật Trần văn Giàu cũng thế, luôn luôn vỗ ngực là bạn đồng song với những Maurice Thorez và Tito, và thường úp mở rằng kiến thức có phần trội hơn hai ông trên. Sự so sánh đầy hậm hực đó đủ cho thấy cái tham vọng lớn lao của Trần văn Giàu về ngôi thứ. Có thể ông ta giỏi thật – về lý thuyết cộng sản. Nhưng ông ta cũng mắc phải cái sai lầm của Hàn Phi về với Tần, dù giỏi hơn Lý Tư nhưng đến sau lại không thủ đoạn bằng. Ngay từ 1945, ông ta bốc đồng trong một cuộc mít-tinh rằng: “Hồ chí Minh là ai mà dám làm chủ tịch nước?” Bi kịch của ông Giàu bắt nguồn từ chỗ đó. Ông ta chót có lời nói “khi quân” nên hoạn lộ bị họ Hồ xếp cho khi cao nhất cũng chỉ đến cái chức “bí thư đảng ủy các trường đại học ở Bắc Việt Nam”. Mặc dù ông cố chuộc tội bằng cách hết sức năng nổ cùng các đồng chí Mai văn Bộ và Nguyễn xuân Chữ của ông trong việc đàn áp sinh viên và giáo sư cùng các trí thức, ở Bắc Việt Nam, có tư tưởng dân chủ trong phong trào Nhân-văn – Giai-phẩm, nhưng vẫn không vượt được ngưỡng, thua xa những đồng chí đàn em của ông cả về “hồng” lẫn “chuyên” như bộ trưởng Phạm ngọc Thạch, bộ trưởng Ung văn Khiêm, chủ nhiệm Nguyễn khánh Toàn, phó ban tuyên huấn trung ương Hà huy Giáp…; thua cả loại trí thức theo đuôi như Phạm văn Bạch, Huỳnh văn Tiểng và cả loại con của “Việt gian” Phạm Quỳnh là Phạm Tuyên, chỉ nhờ có sự đỡ đầu của Trần huy Liệu vì, đã giết anh ruột của Phạm Tuyên để cướp người chị dâu xinh đẹp về làm vợ lẽ, nhân dịp nhận lệnh Hồ và Huế nhận ấn, kiếm thoái vị của vua Bảo-Đại và giết Phạm Quỳnh. Và, đau nhất là có lúc còn bị đưa về làm một tổ viên mà tổ trưởng là nhà sử học Phan gia Bền, học trò của ông ta!


Còn Trần bạch Đằng, người từng là bí thư thành ủy Sài-gòn trước cả Võ văn Kiệt, Mai chí Thọ, và, khi Đằng ngồi ở cái ghế bí thư đảng của thành phố thì những Võ trần Chí mới ở cấp quận, Phan văn Khải còn ở cái xó nào đó tận sân quần ngựa ở Hà-nội tán dóc cho qua tháng ngày với nhà nặn tượng Song Văn. Trần bạch Đằng là một loại “thư ký riêng” của Nguyễn văn Linh, cặp kè theo suốt cho đến cả khi Nguyễn văn Linh ra Hà-nội giữ chức trưởng ban dân vận trung ương, thì Đằng làm phó cho Nguyễn văn Linh. Khi Nguyễn văn Linh về Sài-gòn thì Đằng lại theo về, làm một thứ trùm văn hóa ở miền Nam. Mặc dù luôn luôn biểu hiện như một loại trên thông thiên văn dưới tường địa lý (omniscience) và tuy có cái dù là “tổng bí thư Nguyễn văn Linh”, thân phận lại đảm bảo cả hai mặt “hồng” thắm và “chuyên” nhiều, nhưng vẫn không sao leo lên được cái ghế “dự khuyết trung ương” (trong lúc mà cả Chí lẫn Khải đều thoải mái vào trung ương chính thức rồi cũng thoải mái vào bộ chính trị chính thức) Đau thật! Những điều ông ta nói và viết nghe cũng là lạ so với giới chức cộng sản cầm quyền, có lẽ vì giới chức này còn bận công việc thống trị, hưởng thụ và trình độ cũng hạn chế nên họ ít đọc, ít nghe. Thói quen của họ cũng chỉ là nói mà không nghe, hệt như ông ta, có khác tí chút là họ nói không bay bướm như ông ta và cũng không đa dạng về đề tài như thể loại. Tiếc rằng ông ta nói nhiều, nhưng theo quan điểm người dân thường Việt Nam, ưa thiết thực, thì hầu như vừa trật, vừa nói và làm không đi đôi với nhau. Trí thức Việt Nam đâu có thiếu nhưng không được ông ta dùng mà ông ta “ô dù” cho nguyên đội trưởng bảo vệ của ông ta, xuất thân từ lơ-xe (tất nhiên lơ-xe không phải là một nghề xấu) trình độ văn hóa quá thấp, là Phạm công Cảnh nhảy vọt lên làm tổng giám đốc Liên hiệp xí nghiệp điện ảnh và băng từ Sài-gòn cùng một loạt những diễn viên cải lương ở cục R mà văn hóa chưa qua cấp 1 bổ túc văn hóa, đẻ kẻ thì giám đốc công ty Movimex này, kẻ thì giám đốc kia của các ngành về văn hóa và điện ảnh. Với loại nhân sự như thế cho nên mới xảy ra đủ thứ bê bối về các thứ dịch hạch băng từ và các công ty ấy làm ăn “lấy lỗ là chính”, lấy lãi từ sự tưởng tượng. (Khổ nỗi ông ta cũng là một thứ thầy bàn về đủ thứ mô hình kinh tế đông, tây, kim, cổ. Buồn thật!). Ông ta nhận quà biếu từ nước ngoài hai bộ phim video tựa đề “Võ tắc Thiên” và “Thái Bình công chúa”, giao cho Phạm công Cảnh tổ chức chiếu và đòi chia 20% tiền lời về quyền là “chủ bộ băng video” (chứ không phải bản quyền tác giả). Riêng với bộ “Võ tắc Thiên”, trong lần chia chác đầu tiên của năm 1987, ông ta nhận ngon ơ 20 triệu đồng Việt Nam (thời điểm mà vàng 10 giá mua là 350 ngàn một lạng). Ông ta chưa được đề bạt là chống đối tiền và vàng phải không ông Vượng? Tất cả các báo chí, cơ quan ấn loát xuất bản và điện ảnh v.v… ở khu vực miền Nam phải ưu tiên in, tái bản và dựng thành phim các “tác phẩm” của ông ta (đúng là một thứ tiểu Tố Hữu!). Tự khoe mình là con giòng cháu dõi, gia giáo, nhưng có một điều không văn hóa chút nào mà cả hai vợ chồng ông ta đã hành xử ngay mới giữa năm 1991 này thôi. Đó lá thằng con trai “cục cưng” mê một cô gái xinh đẹp, vợ chồng ông ta phải nhượng bộ “cục cưng” cho cưới cô gái đó làm vợ, nhưng “kiên trì giữ vững nguyên tắc” là tiệc cưới không cho phép mẹ cô dâu dự, chỉ một lý do vì trước đây 16 năm (nghĩa là trước tháng 4-1975) bà ấy là nhân viên cảnh sát của Chính phủ Sàigòn cũ, tuy đã nhiều năm nay bà ấy phải làm nhân viên lao công quét dọn vệ sinh ở rạp Lê Lợi (gần chợ Bến Thành). Xin hỏi ông Vượng rằng lối ứng xử như vậy của vợ chồng Trần bạch Đằng là “hòa” hay “đấu”? Thế là đủ chứng minh rằng cho đến giờ phút này (1991) Trần bạch Đằng “kiên trì” chống đối ai không? Tóm lại, chúng ta có thể tàm tạm thấy được diện mạo của 4 trí thức chống đối. Điều quan trọng là hiểu thêm xem họ chống đối như thế nào.


Hiện nay cả thế giới đã lên án chủ nghĩa cộng sản và những đảng chính trị được đẻ ra từ cái chủ thuyết hổ lốn, duy ý chí, phản khoa học và phi nhân bản ấy, ngay cả tại chính cái nôi của cộng sản là Liên-xô. Va, chế độ cộng sản trên thế giới như con thằn lằn đã chết, chỉ còn cái đuôi Việt Nam (và hai, ba nước khác) đang nghí ngoáy chờ chết hẳn thôi. Thử hỏi 4 trí thức chống đối có dám táo tợn tý chút để nói và viết về cái chế độ cộng sản ở Việt Nam với đảng của nó và kẻ mang mầm bệnh “aids chính trị” đó về Việt Nam, là Hồ chí Minh, một cách tàm tạm thẳng thắn không? Bởi vì cả 4 trí thức chống đối đều đã và đang có đặc quyền được đọc, nghe, thấy và đi, không như quần chúng Việt Nam đã bị tước đoạt tất cả các quyền ấy từ lần đầu tiên họ Hồ xuất hiện ở Ba-đình, Hà-nội cho đến nay. Dù đã được đề bạt danh hiệu trí thức chống đối thì họ vẫn nhởn nhơ nhà lầu, xe hơi, đi Tây, đi Mỹ (như ông Vượng đây) chứ đâu có bị úm cả đời (ngay cả khi đã được “cởi trói” và “tháo mũ”) như với ông Trần Dần, đang phải ngồi ở cái lều, đầu phố Khâm Thiên, Hà-nội, bán mấy quyển sách cũ đủ ngày hai bữa cơm rau muống (thứ mà bác sỹ Nguyễn khắc Viện đã ca ngợi hết lời), hoặc sinh sống bằng nghề “xe thồ” ở cái đất Thanh Hóa như nhà thơ (thứ thiệt, chứ không phải như kiểu Sông Hồng) Hữu Loan đã phải gánh chịu mới có gần 40 năm nay đâu! Hoặc bị hãm hại như với cụ Phan Khôi hay gia đình ông Lưu quang Vũ v.v… hay bị bỏ tù như các ông Doãn quốc Sỹ, Thái Thủy, Hoàng hải Thủy, bs Nguyễn đan Quế, ts Nguyễn mộng Giao (học ở Nga về chỉ vì tham luận trong hội nghị trí thức do thành ủy cộng sản Sài-gòn tổ chức chuẩn bị “lấy ý kiến trí thức đóng góp” cho đại hội 7 cộng đảng, đòi đa đảng và bỏ hệ tư tưởng Mác-Lê, mà bị bắt ngồi tù, hiện đang bị giam ở trại giam đường Bạch-đằng. Sài-gòn chứ đâu có được đề bạt đo Cornell như ông Vượng hay ngồi đếm tiền và vàng như Trần bạch Đằng v.v…) Một câu hỏi khác được đặt ra là phải chăng giới cộng sản cầm quyền hiện nay ở Việt Nam “ngán” cái uy danh của 4 trí thức chống đối? Chắc chắn là không, bởi cả 4 ông đó cộng lại cũng chẳng nghĩa gì so với Võ nguyên Giáp, mới có ý kiến yếu ớt chống đối trong đại hội 7 của cộng đảng đã bị Nguyễn cơ Thạch sửa gáy tại chỗ. Những cỡ ủy viên trung ương đảng kỳ cựu như Dương bạch Mai, Nguyễn văn Vịnh, Ung văn Khiêm Bùi công Trừng, Lê Liêm v.v… còn bị giam lỏng tại nhà cho đến chết, hoặc tống vào trại giam như các cỡ trung tướng Đặng kim Giang, thượng tướng Chu văn Tấn, nguyên bí thư của họ Hồ là Vũ đình Huỳnh (cả hai cha con), tử hình (dù là vắng mặt) cả Hoàng văn Hoan v.v… Dẫn chứng nói trên tuy chỉ là tóm lược nhưng cũng đã quá dư thừa để so sánh từ đó cho thấy mục tiêu cũng như mức độ chống đối của 4 ông mà ông Vượng có vẻ tự hào một cách ngây thơ về cụm từ “4 trí thức chống đối”. Thành thật mà nói, tổng hợp toàn bộ sự chống đối của 4 ông thì còn thua xa chỉ hai câu thơ của thĩ sỹ Trần Dần, khóc nước Việt Nam dưới chế độ cộng sản, sau khi thi sỹ Trần Dần đã được”cởi trói”:


“Tôi khóc cho những người không có chân trời
Vá khóc cho chân trời không có người!”
Hay của nhân dân miền Nam sau 4-1975:
Nam kỳ Khởi nghĩa tiêu Công lý
Đồng khởi miền Nam mất Tự do
Đôi dép râu xéo nát đời son trẻ
Nón tai bèo che lấp hêt tương lai!”
Hoặc người dân Hà-nội khi thấy dựng tượng Lê-nin:
“Lê-nin quê ở nước Nga
Cớ sao ông đứng vườn hoa nước này
Ông vênh mặt, ông chỉ tay:
Tự do, hạnh phúc chúng mày còn xa
Kìa xem gương của nước Nga
Bảy mươi năm lẻ có ra thế nào!”


Này ông Vượng, mấy điều tôi dẫn chứng cũng chính là những điều ông đã biết và những bạn cùng uống cà-phê Sính với ông cũng biết (bà Sính đang ở Canada đấy) chỉ có thể là chưa đưa hết ra được vì quá nhiều.


Giờ xin nói về nhận xét của ông Vượng với một vài nhân vật cộng sản Việt Nam trong giới chức cầm quyền. Đọc kỷ bài của ông thì thấy rành rành ông nịnh cộng sản (nói chung). Cái kiểu lớn lối nhưng không rõ ràng đó (thí dụ: Hoàng Tùng thì ông chỉ dám táo tợn viết “H.T.”; về cái ông ủy viên bộ chính trị thì ông không dám gọi đích danh. Về Trường Chinh thì chưa được coi là “đụng” mà ngay dưới đó chút ít đã vội nịnh rồi) nôm na gọi là đầy tớ vỗ lưng chủ để phủi bụi ở áo của chủ (có đúng là câu nói ông đã từng dùng khi uống cà-phê Sính ở Hà-nội không?). Bây giờ xin dẫn chứng về cái nịnh cộng sản nói chung ngay trong bài viết của ông. Ông viết: “Người cộng sản Việt Nam có căn tính nông dân – Nho giáo đã gần dân hơn người tiểu tư sản Tây học ở thành thị.” Thế thì khi ông viết về nhân vật ủy viên bộ chính trị đi Paris rằng: Ai chẳng nghĩ là ông ấy cộng sản hơn ai hết (có nghĩa là gần dân hơn ai hết) nhưng thực ra thì ứng xử của ông ấy từ Hà-nội đến Paris lại “gia trưởng” “nho giáo cuối mùa” hơn ai hết! Có đúng là nịnh không, vì nhờ cái “gia trưởng, nho giáo” ấy mà, như ông viết tiếp theo đó, gần dân nên “đã vận động và tổ chức phong trào nông dân và toàn dân đánh Pháp, đuổi Nhật, làm cách mạng tháng tám thành công.” Chống đối kiểu đó của ông Vượng cũng chẳng khác nào những quả đấm như mưa bão và những cái bẻ tay, bẻ chân kêu răng rắc của anh chàng làm nghề tẩm quất đấm bóp cho thân chủ! Càng thêm khỏe, phải không ông Trần quốc Vượng? Những nhận xét của ông Vượng về giới chức cầm quyền cộng sản Việt Nam ở vào thời điểm này (1991) chỉ bằng con số âm so với cụ Phan Khôi, cách đây gần 40 năm , đã vạch mặt cho mọi người thấy rằng thực chất Hồ chí Minh chỉ là “một ông bình vôi, càng sống càng tồi, càng sống càng bé lại” (Phan Khôi – Báo Nhân-văn), hay Trường Chinh chỉ là anh chàng Năm Chuột (vì Trường Chinh có bí danh là Năm) chuyên lấy tác phẩm của người khác phóng tác thành của mình; và cộng sản chỉ là lũ người “không tim”, lũ “khổng lồ” nhưng chân “đất sét” (chứ không phải gần dân như nhận xét táo tợn của ông Vượng). Có lẽ sự khác biệt nhau về mục tiêu và mức độ chống đối đó nên cụ Phan Khôi thì đi “suối vàng”, vợ và con gái bị làm nhục, còn 4 trí thức chống đối thì đi đủ cả Nam cả Bắc, cả cộng sản cả tư bản! Thế là rõ quá rồi, phải không ông Vượng?


Về ý thứ (2), tôi xin sao lại câu chữ của ông Vượng viết. Ông thật táo tợn khi tóm tắt bằng sự khẳng định rằng:
“Yêu nước chống Pháp kiểu Nho của cụ Phan Bội Châu thất bại ờ 2 thập kỷ đầu thế kỷ XX. Và dòng trí thức nho gia tàn lụi. Một số con cháu nhà Nho, một số con cháu nông dân, một số con cháu nhà công thương mới trở thành lớp trí thức Tây học. Một số ấy chấp nhận le fait colonial và trở thành công chức cho Tây, như ông cụ ông kỹ sư canh nông, như ông cụ tôi (bác sỹ)… Một số khác, yêu nước hơn, mong áp dụng ở Việt Nam những lý tưởng chính trị cận hiện đại đã được chế tạo sẵn (“ready made” modern political ideas) ở châu Âu, từ những tư tưởng của thế kỷ ánh sáng thế kỷ XVIII đến những ý tưởng Mác-Lê thế kỷ XIX. Cái chủ nghĩa quốc gia của tiểu tư sản mà ông Nguyễn Thái Học, ông Xứ Nhu… kể cả ông cậu ruột ông đã khởi xướng với Việt Nam Quốc Dân Đảng thì đã bị thực dân vùi dập khủng bố tan hoang từ thập kỷ 30. Còn lại cái chủ nghĩa quốc tế của Mác-Lê mà Nguyễn ái Quốc và những nhà cộng sản mang về áp dụng vào một xã hội nông dân châu á nghèo khổ, khác hẳn cơ địa xã hội tư sản Tây Âu, nơi hình thành chủ nghĩa Marxisme. Người cộng sản Việt Nam có căn tính nông dân – Nho giáo đã gần dân hơn người tiểu tư sản Tây học ở thành thị. Họ đã vận động và tổ chức được phong trào nông dân và toàn dân đánh Pháp, đuổi Nhật, làm cách mạng tháng Tám thành công. Kháng chiến là sự nối dài của cách mạng tháng Tám. Kháng chiến đã thắng lợi. Chủ nghĩa thực dân phương Tây đã bị hóa giải (décolonisation).”


Về phần này, nếu cần có dịp, tôi sẽ trình bày đầy đủ hơn, không thể chấp nhận lối khẳng định tóm tắt, chẳng chứng minh gì cả của ông Vượng le fait communiste. Ông Vượng chắc không thể thiếu tài liệu và chữ nghĩa, nhưng ông muốn viết theo kiểu lớt phớt cưỡi ngựa xem hoa, cốt để đưa cái nhân cốt lõi ở những dòng cuối của phần này. Đó là ông cố tình phủ nhận những sự thật mà ngay chính họ Hồ và bè lũ cũng không dán trắng trợn như ông. Ông viết: “Họ (cộng sản) đã vận động và tổ chức được phong trào nông dân và toàn dân đánh Pháp, đuổi Nhật, làm cách mạng tháng Tám thành công, kháng chiến là sự nối dài của cách mạng tháng Tám.” Xin hỏi ông Vượng với tư cách là một giáo sư sử học Việt Nam rằng ông vô ý hay cố tình quên vai trò to lớn của các đảng phái khác, không cộng sản, các đoàn thể tôn giáo, các nhân sỹ kể cả các vua quan? Thế thì tại sao cái Chính phủ ra đời thời kỳ 1945-46 cho đến kháng chiến chống Pháp và sau đó lại gọi là Liên-hiệp? Quốc hội khóa I phải chăng chỉ có cộng sản? Ông cố tình bỏ qua những bài nói của Hồ chí Minh công nhận sự đóng góp của các đảng phái, các tôn giáo… và ngay Hoàng quốc Việt (cộng sản thứ thiệt, chứ không phải loại làm công ăn lương của cộng sản như ông Vượng đâu) trong các báo cáo tổng kết công tác Mặt trận cũng phải nói đến các công lao đó. Hay ông Vượng muốn tỏ ra táo tợn nên để riêng cộng sản ra một vế, còn các đảng phái… không cộng sản thì gói chung trong khái niệm “nông dân” và “toàn dân”? Quả là ông Vượng có tài chơi chữ hơn là loại bất cơ như Tư mã Thiên nhiều lắm thay!


Qua cải cách tuộng đất và chấn chỉnh tổ chức, chỉ riêng khu vực Nghệ-Tĩnh đã có gần 5 vạn cán bộ chủ chốt của Chính quyền kháng chiến chống Pháp, từ cấp xã lên đến huyện, tỉnh và khu, bị quy chụp là Đại Việt, Việt Nam Quốc Dân Đảng… nằm vùng. Theo ông Vượng viết thì họ bị tan hoang từ thập niên 30, vậy mà đến thập niên 50 còn nằm vùng nhiều như thế thì hiểu không nổi ý của ông. Tôi không lầm thì ông Vượng lớn lên ở cái đất Thanh-hóa, cho đến sau 1954 mới thành người Hà-nội và làm rể “tư sản Hà-nội”, chẳng lẽ ông không thấy và nghe về những chuyện đó sao? Ông hiểu như thế nào về sự thất bại của cụ Phan Bội Châu và sự tan hoang từ thập kỷ 30 của Việt Nam Quốc Dân Đảng? (Có tan hoang bằng hai đảng Dân chủ (của Dương đức Hiền) và Xã hội (của Nguyễn Xiểng) vì đã hòa hợp với họ Hồ và đảng cộng sản của họ Hồ không, trong gần nửa thế kỷ kia đấy! Quả sự vùi dập khủng bố của thực dân chỉ đáng loại học trò của họ Hồ và bè lũ, phải không ông Vượng?) Là một nhà sử học do cộng sản Việt Nam đào tạo và sử dụng, chắc chắn ông phải đọc qua những tài liệu của chính cộng sản về mối liên quan giữa cụ Phan Bội Châu và Hồ chí Minh. Vậy ông có dám táo tợn nhớ và nhắc lại tài liệu đó để xem ai là kẻ đã báo cho mật thám Tây phục kích bắt cụ Phan Bội Châu vào lúc cụ lên đường thăm Nga-xô theo lời mời của điện Kremlin hay không? Thực bụng ông nghĩ người cộng sản Việt Nam có căn tính nông dân – Nho giáo đã gần Dân hơn, để nắm được tâm lý quần chúng hơn mà lừa dối họ, nhưng vì căn tính chống đối của ông nên ông táo tợn bỏ qua phần dưới là phần quan trọng nhất, phải không? Quan điểm lịch sử của ông đúng là quan điểm lịch sử của tụi cộng sản cầm quyền ở Việt Nam, cho nên ở Sài-gòn, tên của hai cụ Phan Bội Châu và Phan Chu Trinh mới phải đứng ở hai bên hông chợ Bến Thành, tầm vóc còn bị thua rất xa so với những loại mà chả ai biết từ lỗ nẻ lịch sử nào chui ra như Huỳnh văn Bánh, Lê thị Riêng… và Võ thị Sáu cùng Phạm ngọc Thạch thì xóa sổ luôn Hiền Vương và Duy Tân (hẳn tụi cộng sản không muốn cho người Việt Nam cũng như người ngoại quốc đến thăm Việt Nam nhớ rằng Duy Tân dám bỏ ngai vàng đánh thực dân Pháp trong lúc Nguyễn sinh Sắc, thân phụ của họ Hồ, thì Pháp mới ngoắc tay đã vội ra hợp tác làm quan “hựu nô lệ chi nô lệ”). Cũng như ông Vượng trích dẫn từ Alexander Woodside cho đến Nho Khổng, Nho Tống, Khổng Mạnh để chứng minh cho cái tài và cái đức của Hồ chí Minh và cũng là thanh minh khéo cho họ Hồ, hay bị phê phán về câu “Vì lợi ích mười năm trồng cây, vì lợi ích trăm năm trồng người”, rằng câu đó là của người xưa. Xin ông Vượng nói lại cho rõ xem câu ấy trong sách nào thời xưa chứ cứ nhét lộn xộn như vậy thì ai mà tin cho được! Còn Hồ chí Minh không mấy nhắc đến cha đẻ trong lúc kè kè giữ món tóc của người vợ Tàu, chết trong vụ công xã Quảng-châu, thì thuộc căn tính gì? Đã Hồ hóa chưa? Ông Vượng còn cho rằng mô hình xã hội chủ nghĩa kiểu Staline hay kiểu Mao (Staline-Hoa hóa) dù đã ít nhiều Hồ hóa, Việt Nam hóa cũng tỏ ra không thành công là lỗi tại cái thực tiễn “bướng bỉnh” của một nước Việt Nam nhỏ bé – tiểu nông. Ở thời điểm này của lịch sử mà ông còn dám viết như vậy thì quả là táo tợn thật. Ai cũng thấy sự không thành công ngày nay của Việt Nam là do có nguồn gốc từ chủ nghĩa cộng sản là một điều láo toét, không tưởng, phi nhân bản mà họ Hồ và bè lũ đã bướng bỉnh áp đặt vì quyền lợi ích kỷ của chúng. Câu nói trên của ông Vượng còn bắt người đọc phải hiểu rằng mô hình kiểu Staline hay kiểu Mao (Staline – Hoa hóa) dù đã ít nhiều Hồ hóa, Việt Nam hóa cũng tỏ ra không thành công, vậy thì có thể thành công ở một mô hình xã hội chủ nghĩa kiểu khác chăng? Suy nghĩ của ông Vượng quả là suy nghĩ của tập đoàn thống trị ở Việt Nam hiện nay là “kiên trì đi theo con đường xã hội chủ nghĩa”. Cái nhãn “chống đối” của ông Trần quốc Vượng đến đoạn này đã lật tẩy rằng ông ta ăn nói táo tợn để chống đối ai. Chắc chắn không phải là chống họ Hồ và chủ nghĩa xã hội, cho nên ông cũng khéo dùng chữ là được “đề bạt” trong 4 trí thức chống đối chứ không phải là bị trừng phạt như các trí thức chống đối khác kiểu cụ Phan Khôi, luật sư Nguyễn mạnh Tường, Bs Nguyễn đan Quế, Ts Nguyễn mộng Giao và các nhà văn, nhà thơ khác như Trần Dần, Doãn quốc Sĩ, Hoàng hải Thủy, Hữu Loan, Thái Thủy và v.v… Quả táo tợn thay là nhà sử học cộng sản Trần quốc Vượng!


Bước sang phần…”Mong lắm thay!” của ông Vượng thì thấy ông lại táo tợn hơn khi đưa ra đề nghị: “Tóm một chữ thì không phải là chữ “đấu” mà là chữ “hòa”: hòa bình, hòa hợp, hòa thuận, hòa giải…” Đọc đến đoạn này của ông Vượng, tôi không biết ở trường đại học Cornell ông đang đọc những gì, nghĩ rằng nếu quên thật thì ông hãy đọc lại lịch sử Việt Nam để thấy rằng ngay từ 1945 các đảng phái không cộng sản (có cả Quốc Dân Đảng mà ông cho là bị tan hoang từ thập niên 30), các tôn giáo, các trí thức nhân sỹ, các quan lại trong đó có cả thượng thư Bùi bằng Đoàn (2) và ngay chính cả vua Bảo Đại đã “hòa”: hòa bình, hòa hợp, hòa thuận, hòa giải… với nhau và cả với Việt Minh của họ Hồ nên mới có Chính phủ Liên Hiệp và Quốc hội của một nước Việt Nam độc lập. Ông có quen con trai cụ Phan kế Toại, chắc ông phải nhớ rằng nếu “đấu” thì Cụ ấy đã chấp nhận đề nghị diệt Việt Minh của Nhật, mà vì “hòa” nên mới nhanh chóng có Chính phủ Liên hiệp. Lực lượng cộng sản khi đó còn rời rạc, là sử gia cộng sản chắc ông phải nhớ rằng bí thư tỉnh ủy cộng sản ở Hải Dương khi đó là Đặng Tính, vừa mới gia nhập cộng sản được hai tháng. Nếu cộng sản có lực lượng thì đâu có chuyện một đảng viên mới hai tháng tuổi đảng đã ngồi ghế bí thư tỉnh ủy! Kết quả của cái “hòa” đó với họ Hồ và bè lũ đã đưa từ vua Bảo Đại đến các đảng phái, tôn giáo, nhân sỹ trí thức có khác gì cảnh “công tử Khánh Kị hòa với Yếu Ly để rồi bị hắn đâm chết” (3). Khi Tàu cộng thành công năm 1949, họ Hồ dựa vào Tàu cộng, bắt đầu trở mặt tiêu diệt các đảng phái… đã hòa với hắn trong trò ảo thuật cải cách ruộng đất, chấn chỉnh tổ chức, rèn cán chỉnh quân, trăm hoa đua nở v.v… chỉ để lại hai cái đảng Dân chủ và Xã hội, đã bị hắn đàn áp vùi dập tan hoang, làm lá chắn che bộ mặt độc tài nham nhở, vậy mà sau đại hội 6 của đảng cộng, cùng lúc tuyên bố đổi mới và mở cửa thì lũ đàn em của họ Hồ cũng xóa sổ luôn hai cái đảng ấy, chết không kèn không trống sau nửa thế kỷ HÒA với cộng sản! Ông Vượng hẳn không lạ gì cộng sản đã ấn định cho số phận của những người vì lòng yêu nước mà hòa với chúng để đến nỗi phải bơm xe đạp ở đầu đường Tăng Bạt Hổ kiếm sống như lưỡng khoa tiến sỹ Nguyễn mạnh Tường, uất hộc máu mồm mà chết như ông Dương đức Hiền, người khai sáng ra đảng Dân chủ, bị giam lỏng tại Hà-nội cho đến chết như vua Mèo, Vương chí Sình, hoặc chết một cách mờ ám như thượng thư Bùi bằng Đoàn (ông cứ điện thoại hỏi Bùi Tín sẽ rõ) và v.v…, kể có cả đời người cũng chưa hết dẫn chứng. Tóm lại chỉ xin nhắc ông về câu nói của con trai cụ Phan kế Toại, trong bữa cơm cúng 100 ngày mất của cụ, có mặt ông tham dự, rằng: “Ông (tức người viết bài này) bấm hộ tử vi xem ông cụ nhà tôi có sao gì chiếu mệnh mà mang tiếng là bù nhìn, hết Tây đến Nhật rồi lại đến cộng sản, mà dưới chế độ cộng sản ông Cụ mới thực sự là bù nhìn!”


Trong bài của ông Vượng có đoạn khá là thống thiết: “Người ra đi hàng triệu, bỏ xác ngoài biển khơi hàng ngàn, vạn, biết bao em gái ta, chị ta, cả mẹ ta nữa… bị kẻ hải tặc khốn kiếm dày vò làm nhục! Chưa nói đến của cải, ai còn sống thì đều cảm thấy mất quê hương!” Tại sao họ ra đi? Ông Vượng hẳn phải thừa biết vì họ đã chót hòa với cộng sản, hòa giải, hòa hợp để đến nỗi hơn một triệu người bị nhốt trong các trại tập trung, bị làm nhục, bị bỏ đói, bị giết hại, bị đưa làm mồi cho bệnh tật, bị chịu đựng sự vùi dập tan hoang bằng những thủ đoạn tàn bạo, bỉ ổi nhất mà chỉ sinh ra và tồn tại trong chế độ cộng sản (dù ở bất cứ nước nào). Chính tôi đã chứng kiến những việc đó hàng chục năm liền và cũng là nạn nhân. Vụ tên tướng công an của cộng sản, Mười Vân, ở Đồng Nai không gợi gì cho ông Vượng trong lúc viết những dòng trên hay sao? Có thể cái quần chúng đông đảo ấy không có tên riêng để gợi lại trí nhớ của ông Vượng, nhưng chắc ông Vượng phải nhớ những cái tên Ls Trịnh đình Thảo, Bs Phùng văn Cung, các ông Lâm văn Tết, Trương như Tảng, Trần văn Thành v.v… chứ? Ở vị trí như ông Vượng làm sao ông không hiểu được cái chuyện bình thường về cảnh “bù nhìn” theo kiểu “gái ngồi phải cọc” của mấy tên tuổi như Ls Nguyễn hữu Thọ và Kts Huỳnh tấn Phát (đã chết) v.v… đang lập lại vết xe của các cụ Phan kế Toại, Vương chí Sình v.v… đã đi qua. Ngay tại cái nôi của cộng sản là Liên-xô, ông Gorbachev cũng muốn hòa đấy, nhưng kết quả ra sao? Đọc những văn kiện công khai (chưa kể đến những loại lưu hành nội bộ) của cộng sản, ông Vượng có thấy họ bỏ chữ đấu không mà ông đề nghị chữ hòa? Việc bọn cộng sản cầm quyền vừa đóng cửa hai đảng Dân chủ và Xã hội cùng hai tờ báo của hai đảng ấy, đã hòa thuận với cộng sản trên chặng đường hàng nửa thế kỷ, có làm cho mọi người tin được chúng là không đấu tan hoang những ai không là cộng sản mà lại muốn theo đường lối dân chủ đa đảng không. Khi gặp khó khăn, tụi cộng sản thường theo cẩm nang của tiền bối chúng để lại là lùi một bước để tiến hai bước và có lợi cho cách mạng (tức bọn cộng sản) dù ôm hôn kẻ thù cũng làm. Tôi tin ông Vượng thuộc lòng hai câu đó từ khi mới ngồi học năm thứ nhất ở khoa sử. Mong ông đừng vì cái ghế làm công được hưởng một số ưu ái nào đó của cộng sản mà làm người Việt Nam ở hải ngoại, còn có người chưa hiểu rõ thực chất tập đoàn cộng sản cầm quyền ở Việt Nam, bị rơi vào cái bẫy hòa để rồi bị vùi dập tan hoang (như trường hợp hai đảng Dân chủ và Xã hội ở Bắc Việt Nam mới rồi). Nếu nhận thấy kiến thức lịch sử còn nhiều lỗ hổng cũng như bị nhồi nhét các thứ tài liệu đã bị đổi trắng thay đen của cộng sản, tôi nghĩ ông Vượng nên tận dụng lúc này đang được học ở Cornell mà bổ khuyết lại, hơn là làm cái việc mà kẻ sĩ và người dân thứ thiệt chẳng ai khom lưng làm như vậy. Chắc chắn Tư Mã Thiên càng không làm như thế vì là loại bất cơ thứ thiệt.


Nửa thế kỷ cộng sản cầm quyền (sau khi cướp công người khác, tráo trở lật mặt) đã đẩy nước Việt Nam ta xuống vực thẳm của nghèo nàn lạc hậu, đạo đức suy đồi, tương lai đen tối, tắm trong máu và nước mắt, đấu tố nghi kị, đúng là mỗi người dân phải sống “như một con thú” như nhà văn Nguyễn huy Thiệp trả lời phỏng vấn của báo Libération. Không còn vô lý nào hơn mà dân tộc và đất nước ta lại cứ phải chấp nhận làm vật hy sinh cho bè lũ cộng sản cầm quyền thí nghiệm hết mô hình xã hội chủ nghĩa này đến mô hình xã hội chủ nghĩa khác! Ông Vượng có biết rằng bao nhiêu triệu người Việt Nam đã bị chết thảm khốc vì trò thí nghiệm đó không, và vì sao đến lúc này mọi người vẫn phải bỏ quê hương ra đi để chịu chết trên biển cả, bị đối xử tàn tệ trong các trại tị nạn mà vẫn không muốn quay về? Ấy là chưa kể đến hàng nhiều triệu người bị tù đày, tàn tật và những hệ lụy của nó!


Chỉ còn một cách để “đổi đời” cho dân, cho nước là hòa giữa toàn dân Việt Nam (kể cả những người cộng sản đã khỏi căn bệnh hoang tưởng về xã hội chủ nghĩa, cái bánh vẽ của tụi cộng sản cầm quyền) và đấu bằng mọi phương thức, mọi phương tiện buộc bọn cộng sản cầm quyền ở Việt Nam không được bướng bỉnh tiếp tục đem đất nước và dân tộc Việt Nam làm vật thí nghiệm của chúng, mà giúp chúng quay lại làm một công dân Việt Nam lương thiện (về khoản này bọn chúng thua rất xa vua Bảo Đại). Phải khẳng định rằng chỉ có loại bỏ hoàn toàn chủ nghĩa cộng sản với những hệ lụy của nó cũng như sự độc đảng độc tài, công an trị thì mới có thể thực hiện được nội dung đứng đắn như ông Vượng đề nghị là: “… xây dựng một chế độ dân chủ, một nhà nước pháp quyền, một nền kinh tế công nông nghiệp với thị trường tự do, một nền văn hóa đa dạng, giữ cho được bản sắc tốt đẹp của dân tộc nhưng biết hòa nhập với thế giới, với nhân gian…”, nếu không sẽ chỉ là cái bánh vẽ có kích thước lớn hơn mà thôi, như cái bánh vẽ ngắn gọn hơn của ông Vượng đề nghị rất nhiều, vì chỉ có vỏn vẹn 6 tiếng là độc lập, tự do, hạnh phúc mà cả nửa thế kỷ nay chỉ được chiêm ngưỡng như tiêu đề ở mọi công văn, nghị quyết… của tập đoàn cộng sản cầm quyền! Nếu như thực lòng ông Vượng mong lắm thay những mục tiêu đó thì chỉ cần ông Vượng (là một sử gia kia mà) mang đúng tinh thần bất cơ kiểu Tư Mã Thiên để phân tích xem vì sao “giờ đây, ai ai cũng mang một mặc cảm hoành đoạt (complexe de frustation) nói nôm na là mất mát, trước hết là người dân thường” như ông nêu ra vậy.


Chẳng biết có phải tiêm nhiễm cái bệnh “suy diễn” của cộng sản hay không, mà khi đọc đến giòng cuối bài viết của ông Vượng, với cái nội dung như thế và cái dòng cuối này, “Trấn quốc Vượng, Cornell 1-5-1991”, tôi cứ nghĩ rằng ông Vượng tuy đang ngồi trên đất Mỹ nhưng vẫn bị nỗi ám ảnh của quá khứ của nhiều chục năm làm việc trong chế độ cộng sản ở Việt Nam, vào dịp tháng 4 hàng năm, mọi người, mọi giới phải chấp hành chỉ thị lập thành tích để chào mừng (thường là kết hợp) ngày quốc tế lao động 1-5 và ngày 19-5 (ngày sinh của Hồ). Cũng mong với ông đây là trường hợp ngẫu nhiên, phải không ông Vượng?


Tạm dừng bài viết ở đây, tôi tin ông Vượng, dù có thích cái căn tính bất cơ (không chịu ràng buộc) thì giờ đây cũng xin quay về ràng buộc với quyền lợi của toàn dân Việt Nam và của đất nước Việt Nam, cho dù ông tự xếp mình là kẻ sĩ hay người dân.

Tháng 12-1991

Chú thích:
1) Đầu đề một bài báo của Hồ chí Minh đăng trên tờ Nhân dân, Hà-nội.
2) Thân phụ của nhân vật Bùi Tín, cả tên là Bùi thành Tín, sau cải cách ruộng đất sợ liên lụy nên bỏ họ Bùi, lấy tên là Thành Tín. Chẳng biết vì sao lại bỏ chữ Thành mà nhận lại chữ Bùi để thành Bùi Tín.
3) Dẫn chuyện ở nước Ngô thời Đông Chu.

No comments:

Post a Comment