trân trọng.
Thư hàng tháng Nguyệt San Chiến Sĩ Cộng Hòa
Số 41 ,Tháng 11-2012
Hoàng Dược Thảo
Cuối tháng 10, cơn bão của thế kỷ thổi qua nhiều tiểu bang vùng Đông Bắc Hoa Kỳ. Thủ đô tài chánh của thế giới là Manhattan bị ảnh hưởng nặng nề. Mười ngày sau, kết quả cuộc bầu cử tổng thống Hoa Kỳ chưa làm dịu cơn sốt chính trị trong lòng người dân Hoa Kỳ thì một cơn bão tuyết lại thổi vào những vùng bị tai họa trước đây. Nhà con gái tôi bị mất điện đã 10 ngày, cây đổ phía trước vẫn chưa được dọn dẹp. Phân nửa thành phố Manhattan chưa có điện, cư dân phải di tản ra ngoài thành phố để tạm trú, phương tiện giao thông chưa được phục hồi, những trạm xăng chưa có điện hay trạm có điện thì hết xăng khiến đời sống của những người dân vùng bão lụt thật khó khăn. Một đoạn đường từ Long Island về trung tâm Manhattan khoảng trên 20 dậm mất khoảng 4 giờ di chuyển. Hệ thống điện, gas của nhiều thành phố bị hư hại khiến việc trở lại đời sống bình thường chắc phải còn lâu. Thử tưởng tượng những cao ốc hàng 50, 70 tầng mà không có điện trong vòng 5, 10 ngày nữa thì mới hình dung được những khốn khổ và thiệt hại mà trận bão Sandy đã gây hại cho đất nước này. Cũng may mà tổn thất về nhân mạng thì không đáng kể nhưng tổn thất về tài chánh thì con số di hại về sau có thể nhiều hơn con số ước tính là 30-40 tỷ bây giờ.
Nhưng cũng nhờ thế mà dân Mỹ đỡ khổ trong tuần lễ trước ngày 6 tháng 11, ngày bầu cử tổng thống Hoa Kỳ. Những cuộc tranh luận, những quảng cáo tố cáo nhau những điều lập đi, lập lại nghe đến phiền lòng. Nhất là trên các diễn đàn, người Việt học đòi dân chủ phản bác nhau, chửi bới nhau bằng một thứ ngôn ngữ thật thô bỉ để bênh vực chính kiến của mình. Người này dựa trên một thăm dò của đài này, chê bai người kia là ngu khi dựa trên một bảng thăm dò hoặc một bản tin khác… không cùng nhận định so với bản tin mà họ đọc được. Tin trên NY Times, trên Washington Post thì chắc chắn là khác với Wall Street Journal, CBS, ABC; Fox News thì khác với CNN…. Rồi có người cho rằng dù với 60,899.460 triệu người đi bầu (ông Mitt Romney có 57,961,045 – theo Huff Post) thì so với 300 triệu người Mỹ, ông cũng chỉ “đại diện” được 1/5 dân số Hoa Kỳ trong đó không có “mấy ổng”. Dù sao thì hai con số này sai biệt khoảng 2 triệu phiếu nên tránh được trường hợp phải đếm đi đếm lại như năm 2000 giữa Bush và Al Gore.
Cuộc Tổng kiểm kê dân số US Census 2010 cho biết có 244 triệu người Mỹ tuổi từ 18 đến trên 65. Như vậy có khoảng 50% người Mỹ trưởng thành thuộc thành phần "thầm lặng" "sao cũng được", thờ ơ với thời cuộc, vì cho rằng ai lên, ai xuống thì cũng vậy (124=244-120) . Thái độ tiêu cực này là một tai họa cho bất cứ quốc gia nào. Tưởng cũng nên nhắc lại một câu nói của Mục Sư Marther Luther King: “Tôi không sợ sự tàn bạo cuả kẻ ác mà chỉ sợ sự thờ ơ của người thiện”. Thành phần này chống hay theo ông Obama? Chống hay theo ông Mitt Romney? Trong khi đó, tại các quốc gia cộng sản như Tàu Cộng, như Việt Cộng thì chưa hé miệng, chỉ cần có một ý tưởng phản kháng thì đã bị xử tù rất nặng để gây kinh hoàng, sợ hãi thường trực cho người dân.
Nhưng quả thật là một điều phiền lòng khi phải đọc trên các diễn đàn trước cuộc bầu cử 6/11 vừa qua, một số người Việt mô tả vị tổng thống Hoa Kỳ đương nhiệm, nơi họ được định cư và được hưởng mọi phúc lợi xã hội là: "Thằng mọi đen, sinh ở Kenya, theo đạo Hồi, làm lợi cho Cộng sản" … Cũng như trong sinh hoạt của cộng đồng Người Việt hải ngoại, chúng ta cứ phải nghe những danh xưng như “thằng” dân biểu, “thằng” thị trưởng, “thằng” nghị viên, “thằng” chủ tịch cộng đồng nơi công chúng.
Trong cuộc bầu cử 2012 nầy, các tổ chức Thiên chúa giáo Hoa Kỳ đã xuất toàn lực để chống tổng thống Obama và cái gọi là Obamacare để phản đối vụ hôn nhân đồng tính, chống chánh sách cho phép Phá thai (là phạm điều răn cấm giết người) và nhất là không đồng ý cho các tổ chức bảo hiểm sức khỏe cung cấp thuốc ngừa thai trong chương trình bảo hiểm. Dĩ nhiên cộng đồng Công giáo Việt Nam tại Mỹ đã chấp hành những "giáo lệnh" đó thật nghiêm chỉnh và những cây viết Thiên Chuá giáo Việt Nam đã mạt sát tổng thống Obama không tiếc lời. Các tổ chức tôn giáo tại Hoa Kỳ đã quên đi sự phân chia rõ rệt giữa đạo vào đời. Đạo thì được miễn thuế để phục vụ vấn đề tín ngưỡng, đức tin và không được có quan điểm về chính trị.
Nhưng tổng thống Obama vẫn đắc cử. Khi xuất hiện trước công chúng lần cuối cùng trước khi quay về khách sạn chờ đợi kết quả của cuộc bầu cử, tổng thống Obama đã cám ơn những người thiện nguyện trong cuộc vận động tranh cử cam go này: Cam go vì ông không có nhiều dữ liệu có thể gọi là thành công trong hai lãnh vực kinh tế và tài chánh trong nhiệm kỳ đầu tiên. Hầu như không có một tổng thống đương nhiệm nào được tái đắc cử khi chỉ số người thất nghiệp lên cao như hiện nay. Điều gì đã đi qua trí ông khi ông rơi lệ giã từ đám đông: vì đây có thể là lần cuối cùng, ông đứng trước đám đông với tư cách tổng thống của Hiệp Chủng Quốc Hoa Kỳ. Tất cả mọi điều đều có thể xảy ra trong chính trị.
Tổng thống Barack Hussein Obama sinh ngày 4 tháng 8, 1961 ở Honolulu, Hawaii. Mẹ cuả ông, bà Ann Dunham, sinh quán tại thành phố Wichita thuộc tiểu bang Kansas. Thân phụ ông, người cho ông cái tên Barack Obama, nguồn gốc là người Kenya. Sinh trưởng trong một trại nuôi dê ở xứ Châu Phi nghèo khổ, vậy mà ông Obama Sr. đã đoạt được một học bổng giúp ông có thể rời Kenya và theo đuổi giấc mộng tốt nghiệp đại học ở Hoa Kỳ. Khi theo học tại trường đại học Hawaii ở Manoa, ông Obama Sr. gặp người bạn đồng học là cô Ann Dunham. Họ lấy nhau vào ngày 2 tháng 2, 1961. Vị tổng thống thứ 44 của Hoa Kỳ ra đời vào cuối năm đó. Nhưng cuộc hôn nhân này không làm cho ông Obama Sr. bỏ dỡ giấc mộng hoàn tất việc học của ông. Sau khi cậu bé Obama chào đời không bao lâu, thì ông Obama Sr. di chuyển về Massachusetts để theo học chương trình tiến sĩ tại đại học Harvard danh tiếng. Hai ông bà ly dị nhau vào tháng 3 năm 1964, cậu bé Obama mới lên 2. Năm 1965, tiến sĩ Obama Sr. trở về nguyên quán Kenya. Cậu bé Obama gần như không có mối liên lạc nào với cha ruột của mình. Khi bà Dunham lập gia đình lại với một sinh viên người Indonesia, ông Lolo Soetoro năm 1965 thì cả gia đình di chuyển về thủ đô Jakarta. Cậu bé Obama có thêm một cô em gái cùng mẹ khác cha, Maya Soetoro Ng. Khi cậu bé Obama được 10 tuổi thì bà gửi con về lại Hawaii để sống với ông bà ngoại. Sau đó, bà Dunham cũng mang con gái về sống tại đây.
Obama được gặp cha chỉ một lần, năm 1971, khi ông Obama Sr. trở lại Hawaii viếng thăm gia đình ông bà ngoại của cậu bé Obama. Không ai nói với cậu bé Obama là người đàn ông đó là cha của cậu. Ông Obama Sr. qua đời vì tai nạn xe hơi năm 1981 khi Obama đã 20 tuổi.
Cậu bé nhà nghèo với hai dòng máu trong huyết quản, học rất giỏi để sau cùng ông được nhận vào đại học luật khoa danh tiếng năm 1988. Khi đó, người vợ tương lai cuả ông, cô Michelle Robinson, đã là một luật sư của VP Luật sư danh tiếng ở Chicago, tổ hợp Sidley Austin. Cô được chỉ định là người hướng dẫn cho anh sinh viên tập sự Obama. Vào tháng 2 1990, anh sinh viên Obama được bầu vào chức chủ biên của tập san Harvard Law Review, một sinh viên da màu đầu tiên được bầu vào vị thế này. Năm sau, 1991, ông tốt nghiệp thủ khoa trường luật Harvard, magna cum laude.
Luật sư Barack Obama vừa là luật sư cho tổ hợp Miner, Barnhill & Galland tại Chicago vừa là giáo sư thực thụ cho đại học Luật Khoa Chicago (1992-2004). Ngày 3, tháng 10, 1992, ông lập gia đình với luật sư Michelle Robinson, một người cũng tốt nghiệp trường Luật Khao tại Harvard. Nhưng mãi đến 6 năm sau họ mới có con: Malia (1998) và Sasha (2001).
*
Tôi không hiểu những người Việt Nam đã gọi ông Obama bằng nhiều danh từ như:thằng ăn cắp, tên lừa đảo, thằng mất dạy… có khi nào nhìn lại thân phận của một người di dân, một công dân gốc thiểu số cuả mình trước khi đặt bút viết không? Đây là vị tổng thống duy nhất của Hoa Kỳ là một giáo sư đại học thực thụ mà là giáo sư tại một trường danh tiếng là trường Luật tại Chicago. Tôi không hiểu họ có biết rằng để đạt được những thành tích về học vấn như tổng thống Bill Clinton (Rhode Scholar) hay như tổng thống Barack Obama thì thật là không dễ. Đoạn đường họ phải đi qua, từ những đứa trẻ nhà nghèo, không có được sự săn sóc, nuôi dạy của cha mẹ, sống với ông bà ngoại để trở thành tổng thống của đất nước lãnh đạo thế giới này chắc chắn không phải chỉ tùy thuộc hoàn toàn vào may mắn.
Nhưng tổng thống Obama còn có một “thiên tài” khác mà chức vị tổng thống Hoa Kỳ khiến nó trở nên mờ nhạt. Đó là tài viết văn. Quyển tự truyện ông xuất bản năm 1995, trước khi bước chân vào chính trường, Dreams From My Father: A Story of Race and Inheritance được dịch ra 10 ngôn ngữ trên thế giới luôn cả tiếng Hoa, tiếng Thụy Điển và tiếng Do Thái và được nhiều nhà văn thế giới ca ngợi trong đó có nhà văn nữ đã đoạt giải Nobel về văn chương Toni Morrison. Quyển sách được tái bản năm 2004 và vì nội dung nặng về giáo dục của nó khiến nhà xuất bản đã viết lại một ấn bản dành cho trẻ con. Khi được thu âm thành DVD, sách mang tên ngắn hơn là Giấc Mơ – Dreams. Cuốn Audio Book viết bởi nhà văn Barack Obama đoạt giải Oscar - Grammy Award cho quyển truyện đọc hay nhất trong năm 2006 (best spoken word album).
Nhưng tất cả thành quả đó, tài năng đó không thể trở thành tổng thống Hoa Kỳ nếu không có bàn tay mầu nhiệm cuả Thượng Đế. Thế giới chính trị của Hoa Kỳ không phải là một trò chơi trao tay mà chúng ta thường thấy ở các quốc gia nhược tiểu hay cộng sản. Đó là một cuộc tranh cử gay go với nhiều thử thách, nhiều qui luật bất thành văn phía sau mà thường thì người dân hay cử tri chỉ biết sau đó sự thật vài thập niên! Điều gì khiến một anh trí thức mang hai giòng máu trắng- đen, nhà nghèo, không hậu thuẩn, vừa bước chân lơ ngơ vào chính trị mà có thể trở thành một tổng thống của Hoa Kỳ? Có phải vì thế giới quyền lực hậu trường của Hoa Kỳ sợ sự cứng đầu của bà Hillary Clinton sẽ phá vở kế hoạch của họ vêà tài chánh, về hệ thống ngân hàng nên đã chọn ông Obama thay vì bà Hillary Clinton năm 2008? Hay vì họ xếp đặt để một người mang tên Barack Obama sẽ kết thúc cuộc đời của “trùm khủng bố” Osama Bin Laden để xoa dịu ít nhiều tâm lý “bài Mỹ” của khối Ả Rập Hồi giáo? Thử tưởng tượng nếu vị tổng thống Hoa Kỳ ra lệnh giết Osama Bin Laden có một cái tên Do Thái như Joe Liebermann, như Henry Kissinger thì sẽ ra sau?
Hạ Viện Hoa Kỳ mà đa số là Cộng Hoà trong 2 năm qua chỉ có một “chính sách” phải làm và quan trọng nhất là phải hạ bệ - Obama phải là tổng thống cuả một nhiệm kỳ. Nhưng ông vẫn tái đắc cử vì đối thủ của ông là một người thuộc giáo phái Mormon? Hay vì dân chúng Mỹ không tin ông Mitt Romney sẽ có bản lãnh chính trị, có tầm nhìn rộng hơn tổng thống Obama? Thành quả kinh tế của tổng thống Obama trong 4 năm qua tại nội điạ không được vẻ vang trong bối cảnh kinh tế toàn cầu hiện nay không phải là một điều đáng ngạc nhiên. Tuần này, thống kê cho biết tỷ lệ thất nghiệp tại 17 quốc gia thuộc Liên Hiệp Âu Châu đạt đến mức kỷ lục là 11.6% tổng thể nhưng tại các quốc gia như Tây Ban Nha, Hy lạp, Ý thì tỷ số này lên đến 25%. Trong chương trình GPS của đài CNN Chủ nhật vừa qua, một chuyên viên kinh tế Á Châu tiên đoán trong năm 2013, quỹ dự trữ của các nước Âu Châu và Hoa Lục sẽ không còn đủ để duy trì sự quân bình về sản xuất và xuất khẩu vì nhiều công ty cuả Âu Châu và Hoa Lục đã ngưng sản xuất từ 2 năm nay.
Kết quả bầu cử năm 2012 cho thấy một Hoa Kỳ cuả thế kỷ 21 chia rẽ cùng cực về vấn đề chủng tộc: hầu hết cử tri da trắng đã bầu cho ứng cử viên tổng thống của đảng Cộng Hoà Mitt Romney nhưng đa số người thiểu số da màu như người Mỹ gốc Phi Châu, người Mỹ gốc Mễ những Mỹ gốc Á đều bầu cho ông Obama. Trong số những người Mỹ trắng bầu cho ông Obama thì phụ nữ chiếm đa số hơn là phái nam.
Dù có khác chính kiến thì tư cách, đạo đức và khả năng cuả vị tổng thống thứ 44 của Hoa Kỳ tức luật sư, giáo sư đại học, nhà văn Barack Obama rất xứng đáng để được ghi vào lịch sử của Hoa Kỳ: ông là vị tổng thống có màu da đen đầu tiên dù ông là một người Mỹ mang hai giòng máu trắng-đen. Cả cha và mẹ ông đều là những tiến sĩ của đại học Hoa Kỳ. Việc đa số người Mỹ da trắng vẫn coi ông như một người Mỹ da đen cho thấy vấn nạn kỳ thị chủng tộc của đất nước này vẫn còn trầm trọng mà ít khi nhớ đến việc ông là giáo sư đại học thực thụ đầu tiên trở thành tổng thống Hoa Kỳ và là một người chồng, một người cha gương mẫu khá hơn đa số những ông tổng thống da trắng trong lịch sử Hoa Kỳ.
Dù kết quả bầu cử tổng thống ra sao thì người Mỹ gốc Việt chúng ta nên ghi nhớ một điều: không có đảng nào “lo” cho vấn đề nhân quyền hay yểm trợ công cuộc chống cộng của chúng ta cả. Vì chính phủ nào cũng lo cho quyền lợi của đất nước họ. Giao dịch, trao đổi về kinh tế, quân sự với Việt Cộng đang cầm quyền có lợi cho họ hơn là những vấn đề “chính trị” của cộng đồng Người Việt tị nạn cộng sản tại Hoa Kỳ. Do đó, đừng ngạc nhiên cũng đừng thất vọng rồi kêu gào trên Net như các ông “trí ngủ” ở hải ngoại chỉ làm rát tai đồng bào đang cần sự yên tỉnh để nghĩ ngợi làm cách nào để có thể lật đổ được bạo quyền cộng sản mà cứu nước, cứu dân!
*
Đài SBTN lại kêu gọi ký Thỉnh Nguyên Thư Nhân quyền cho Việt Nam như sau: (Trích):
Đài SBTN cùng với các hội đoàn, cơ quan truyền thông, nhân ngày QUỐC TẾ NHÂN QUYỀN 10 THÁNG 12 sắp tới, quyết định phát động phong trào vận động “NHÂN QUYỀN CHO VIỆT NAM” để phản đối các bản án nói trên, đồng thời đòi hỏi nhà cầm quyền Cộng Sản Việt Nam phải tôn trọng những quyền căn bản của người dân, đã được công nhận trong bản tuyên ngôn Quốc Tế Nhân Quyền mà Việt Nam đã ký kết.
Cuộc vận động sẽ kéo dài 2 tháng, bắt đầu từ ngày 15 tháng 10 năm 2012 đến hết ngày Quốc Tế Nhân Quyền 10 tháng 12 năm 2012.
Đài SBTN trân trọng kêu gọi qúy Đồng Hương và tất cả mọi tổ chức trên toàn thế giới, hãy hưởng ứng tham gia cuộc vận động này. Chúng ta triệu triệu con tim nhưng cùng một Tiếng nói đòi hỏi NHÂN QUYỀN CHO VIỆT NAM. Để cho thế giới biết đến những sự vi phạm trầm trọng về nhân quyền của CSVN, xin tất cả mọi người hãy:
1. Cùng nhau ký vào thỉnh nguyện thư cho Ủy Ban Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc, Liên Hiệp Châu Âu và các Quốc Gia Tự Do nhân ngày Quốc Tế Nhân Quyền để kêu gọi can thiệp và yểm trợ. Đài truyền hình SBTN sẽ có một số thiện nguyện viên từ các hội đoàn, đảng phái sẽ cùng tham gia thỉnh nguyện thư gứi Liên Hiệp Quốc qua hệ thống internet. Số điện thoại để liên lạc là: 714-636-1121 Ext. 4120 nếu quý vị có những thắc mắc.
2. Kêu gọi tất cả mọi người cùng đồng bào trong nước gọi điện thoại & Fax đến các Lãnh sự quán và Đại sứ quán của nhà nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam trên toàn thế giới, phản đối chính sách đàn áp độc tài, thô bạo của chế độ hiện hành đối với các nhà yêu nước. Danh sách và số điện thoại của các Lãnh sự quán và Đại sứ quán Việt Nam đã có đăng trên website sbtn.tv hoặcwww.democracyforvietnam.net
Chúng tôi tha thiết kêu gọi sự hợp tác của tất cả các cơ quan truyền thông, báo chí, hội đoàn, tổ chức để cùng tham gia phong trào này. Xin qúy Đồng Hương hãy cùng SBTN vận động cho Đồng Bào ta tại quê nhà được Tư Do & Công Bằng.
Hãy vì Quê Hương và Đồng bào,cùng nhau hưởng ứng cuộc vận động này
Trân trọng
SBTN
(ngưng trích)
Tạm gọi Thỉnh Nguyên Thư (TNT) này là TNT thứ 2 cuả đài SBTN và Thỉnh Nguyện Thư đòi chính phủ Hoa Kỳ can thiệp cho nhạc sĩ Việt Khang vào tháng 3 năm nay là TNT số 1. Cả hai đều do đài SBTN phát động trong năm 2012.
Thất bại của TNT số 1 không phải vì niềm tin cuả đồng bào vào các mục đích tranh đấu cho nhân quyền hay dân chủ cho VN suy giảm mà vì đối tượng vận động không chính danh, vì khả năng yếu kém, không thông hiểu về phương cách vận động chính trị ở Hoa Kỳ của đài SBTN. Khi vận động chính phủ Hoa Kỳ can thiệp cho “nhạc sĩ Việt Khang”, cộng đồng Người Việt hải ngoại không biết nhiều về danh phận của người nhạc sĩ này ngoài hai bản nhạc do đài SBTN phổ biến. Giá trị nghệ thuật hay nội dung chống Tàu cộng cứu nước của hai bản nhạc này dù có cũng chưa đủ để tạo cho chính phủ Hoa Kỳ chú ý và can thiệp. Do đó, con số người ký TNT số 1 có cao hơn con số 130,000 chữ ký mà đài SBTN thu thập được sau 1 tháng kêu gọi đã không đi đến đâu.
Ngày Thứ Hai 29 tháng 10, khi trả lời cuộc phỏng vấn của đài BBC, luật sư Trần Vũ Hải cho biết nhạc sĩ Việt Khang đã “bất ngờ” khi đọc được cáo trạng của Viện kiểm sát Việt Cộng: ông bị truy tố về tội ‘Tuyên truyền chống Nhà nước’ theo điều 88 Bộ Luật hình sư, với mức án từ 10 đến 20 năm tù cho việc ‘phạm tội đặc biệt nghiêm trọng’. Luật sư Trần Vũ Hải cho đài BBC biết ông “Việt Khang xác định ông là một người hòa âm, một người không có ý đồ hoạt động chính trị, ông có vợ và con nhỏ và chỉ muốn đoàn tụ với gia đình.”
Như Đào Nương tôi đã viết trong kỳ TNT thứ 1: lợi dụng niềm tin, xử dụng tài lực, nhân lực của quốc gia, của người dân vào những mục tiêu không chính đáng là một trọng tội. Bây giờ đài SBTN và ông Trúc Hồ lại lập lại sự bẽ bàng này qua lời kêu gọi cho cái TNT số 2 này.
Người Việt có triệu triệu con tim khao khát nhân quyền. Nhưng ngày nay, “Nhân quyền” đã trở thành một món hàng “xa xỉ phẩm” không “ưu tiên’ trong chính sách ngoại giao của Hoa Kỳ và các nước Tây Phương. Người Hoa khắp nơi đã xuống đường thắp nến yêu cầu Tàu cộng thả nhà vận động nhân quyền thứ thiệât Lưu Hiển Ba để ông này có thể sang Thụy Điện nhận giải Nobel về Hoà Bình nhưng Tàu cộng không những không đáp ứng mà còn đàn áp, ngăn cản không cho vợ ông đi lãnh giải thay thì phản ứng cuả thế giới ra sao? Liệu đài SBTN và ông Trúc Hồ đạt được 1 triệu chữ ký thì LHQ và Hoa Kỳ sẽ khác hơn chăng?
Lần này, đài SBTN kêu gọi: tất cả mọi người cùng đồng bào trong nước gọi điện thoại & Fax đến các Lãnh sự quán và Đại sứ quán của nhà nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam trên toàn thế giới!
Để cho TNT có tinh thần đúng đắn, nghiêm túc thì người ký tên phải là người thật, việc thật. Lời kêu gọi này của đài SBTN có khác gì kêu gọi cộng đồng người Việt lưu vong tránh hiểm hoạ cộng sản ở hải ngoại hã y “đăng ký” với “nhà nước” Việt Cộng, có nghĩa là “van xin”!
Báo Time tuần này có một bài viết về nghệ sĩ Trung Hoa Ngãi Vị Vị và những tác phẩm nghệ thuật dựa trên những đau thương mà người dân nước ông đang phải gánh chịu dưới chế độ Tàu cộng. Năm 2008, ông tập trung tất cả những cái túi đeo lưng trẻ em thu nhặt được từ trong cuộc động đất tại Trùng Khánh giết hại 5,000 trẻ vì nạn xây cất trường học cẩu thả của chính quyền điạ phương Tàu cộng và xếp thành một tác phẩm nghệ thuật. Sau đó, ông bị Tàu cộng bắt giam và đánh ông đến thổ huyết đường tiêu hóa. Sau thời gian bị tù về tội “trốn thuế” ông đã bị quản thúc tại gia, xưởng điêu khắc của ông bị ủi sập. Năm nay, giải Nobel về văn chương được trao cho một nhà văn thuộc hàng văn nô của Tàu cộng. Mạc Ngôn. Trong khi đó thì ông Lưu Hiển Ba, người được giải Nobel về Hoà Bình 2008 vẫn còn trả bản án 10 năm tù vì tội tranh đấu cho nhân quyền. Những điều này không biết có giúp cho ban lãnh đạo đài SBTN nhìn ra tầm “quan trọng” của vấn đề kêu gọi của các ông không? Tha thiết, đau buồn vì đất nước và những người dân Việt đang lầm than và khốn khổ trong tay bạo quyền cộng sản thì chúng ta nên tập trung nhân lực và tài lực để chống cộng, để kêu gọi lật đổ bạo quyền cộng sản. Nhân quyền không phải là một vấn đề “phải xin” mới có mà là quyền của một công dân sống trong đất nước của mình. Cứu dân, cứu nước không phải là đi xin một chính quyền độc tài tôn trọng nhân quyền hay quyên tiền đi về Việt Nam cứu trợ cho một vài nhóm người cùng khổ để được tiếng là người từ tâm khi làm công việc được gọi từ thiện tại Việt Nam. Câu hỏi được nhiều người đặt ra cho đài SBTN là: quí vị chỉ “xin” Việt Cộng phải tôn trọng nhân quyền nhưng chấp nhận chế độ cộng sản tại Việt Nam?
Sau đây là danh sách những đoàn thể, tổ chức mà đài SBTN loan báo đã đồng ý cùng đứng tên với họ trong cuộc kêu gọi cộng đồng Người Việt hải ngoại ký TNT thứ 2 này:
Human Rights For VN PAC
Đảng Dân Chủ Nhân Dân
Đảng Việt Tân
Đài Truyền Hình SBTN
Đài Truyền Hình SET
Đài Truyền Hình VHN
Trung Tâm Bang Nhạc Asia
Đài Radio Bolsa / Radio San Jose
Đài Radio Tiếng Nước Tôi San Diego, Sacramento, Atlanta, Austin, Kansas City, Boston, Phoenix, và tại Úc Đại Lợi TNT: Adelaide, Melbourne, Brisbane va Sydney
Báo Viet Times Atlanta, Toronto
Trong số này, thì Đài Truyền Hình SBTN, Đài Truyền Hình SET, Trung Tâm Bang Nhạc Asia, Đài Radio Bolsa / Radio San Jose là “ổ” SBTN, còn lại là đảng Việât Tân. Sự kiện này khiến cộng đồng Người Việt đã không bị lôi cuốn vào cơn lốc “TNT số 2” của đài SBTN như trong cơn lốc “TNT số 1” hồi tháng 3 đầu năm nay.
Như đã viết, lợi dụng niềm tin, tài lực, nhân lực của người dân để trục lợi là một trọng tội với quốc gia và dân tộc. Hay đã đến lúc, Người Việt tị nạn cộng sản chống cộng tại nam California khỏi cần nhìn xa cũng thấy được lằn ranh quốc cộng hiện ra trước mặt. Wait and see!
*
Nguyệt san CSCH số 39 tháng 9, 2012 trang 29 có đăng một bài phú của một nhà văn trong nước là ông Kha Tiệm Ly. Bài phú có tên là Điểm Mặt Quân Thù Phú. Đây là một người cầm bút ở miền Nam trước 1975, ông có nhiều bài thơ, truyện ngắn trên một số báo văn học tại miền Nam. Bài phú này nguyệt san CSCH nhận được từ một thân hữu, nội dung nói về sự đoàn kết của dân tộc Việt Nam khi gặp hiểm hoạ Bắc Phương. Nhưng một số người tự nhận là “chiến hữu” không đồng ý như thế nên đã có những bài viết “tố cáo” rằng nguyệt san CSCH đã đổi chiều khi đăng bài của một “văn nô” vì bút hiệt Kha Tiệm Ly này có cộng tác với vài diễn đàn trong nước và … tệ hơn nữa là có bài còn ca tụng ông Hồ. Một bài viết tiêu biểu trong những bài “tố cáo” này như sau:
(trích)
Tập San Chiến Sĩ Cộng Hòa ra đời vài năm nay, thoát thai từ bao dù của tờ nhật báo Saigon Nhỏ ở Nam California, do bà Hoàng Dược Thảo chủ xướng. Về lập trường, tờ Saigon Nhỏ là cơ quan truyền thông phức tạp, khi thì chống cộng rất mạnh qua một số bài viết, nổi bật là chính cá nhân bà Hoàng Dược Thảo trực tiếp đương đầu với băng đảng Việt Tân trong vụ Nguyễn Chí Thiện, kẻ mạo nhận là tác giả tập thơ Hoa Địa Ngục, mà ai cũng biết bất cứ người tù nào dám làm thơ chống lại đảng, nhất là chủ tịch Hồ Chí Minh, thì làm sao sống sót để xuất ngoại, sang Hoa Kỳ?. Tờ Saigon Nhỏ là đối thủ tờ Người Việt, mạnh dạn tố cáo bài viết của Sơn Hào, lý luận như thời" chống Mỹ cứu nước", nên nghe đâu là báo Người Việt nộp đơn kiện…tuy nhiên, đứa con đẻ của tờ Saigon Nhỏ là Tập San Chiến Sĩ Cộng Hòa, do cựu trung tá tên Tuấn, nguyên hạm trưởng H.Q 6 làm chủ nhiệm, là điều mà quân nhân hải ngoại tin tưởng đầu tiên. Trung tá Tuấn, người tù cải tại hàng chục năm, bị lưu đài ra miền bắc, sống sót, sau đó sang Hoa Kỳ, nay trở thành người chủ xướng tập san Chiến Sĩ Cộng Hòa. Tuy nhiên, vị tư lệnh tối cao của tập san nầy chính là bà Hoàng Dược Thảo, mà không hệ thống chỉ huy hải quân, trung tá phải đặt dưới quyền cấp trên, thường có chữ ĐỐC đi kèm như phó đề đốc, đề đốc, đô đốc…thế nên bà Hoàng Dược Thảo phải là cao cấp nên mới chỉ huy được cựu hạm trưởng.
(trích: Không Thể Tin Nguyệt San CSCH - Phan Đông Anh)
Qua đoạn văn này, chúng ta thấy gì? Người “tố cáo” này chưa hề đọc nguyệt san CSCH hay có trong tay một tờ CSCH vì ngay cả tên vị sĩ quan cao cấp QLVNCH đang là chủ bút CSCH cũng không biết chính xác, tên chiến hạm mà Hải Quân Trung Tá Trần Trọng Hải là Hạm trưởng thì cũng biết sai. Trung tá Trần Trọng Hải lại không phải là người chủ xướng tập san Chiến Sĩ Cộng Hòa. Ngoài ra, người “tố cáo” lại cho thấy kiến thức hạn hẹp khi không phân biệt được tập san hay nguyệt san. Nguyệt san CSCH là báo phát hành mỗi tháng còn “tập san” là một tuyển tập đặc biệt có chủ đề xuất bản không định kỳ của một tổ chức hay một hội đoàn.
Điều quan trọng hơn, người “tố cáo” lại cho thấy một tinh thần phong kiến và chủ bại khi viết “bà Hoàng Dược Thảo phải là cao cấp nên mới chỉ huy được cựu hạm trưởng”. Nếu “người chủ xướng tập san Chiến Sĩ Cộng Hòa” không phải là một người đàn bà có tên l à Hoàng Dược Thảo thì quí vị có cần phải đặt ai là “tư lệnh tối cao” của ông Trần Trọng Hải nay không?
Chưa hết, mời quí vị đọc tiếp lời “tố cáo”của người có tên là Phan Đông Anh này:
Tờ Saigon Nhỏ là nơi tung hoành của cựu chánh án Nguyễn Cần, người học tập tốt, cải tạo tốt từ trong tù, sau năm 1975, sau đó phục vụ các cơ quan truyền thông trong nước, bút hiệu Lữ Giang. Sau khi Tú Rua (nhà báo Lê Triết), cây viết nổi tiếng của tờ Văn Nghệ Tiền Phong, do Nguyễn Thanh Hoàng chủ xướng, vợ chồng Lê Triết bị tổ chức khủng bố K-9, Mặt Trận Hoàng Cơ Minh ám sát, thì Nguyễn Cần thay thế, lấy bút hiệu là Tú Gàn. Nhưng sau vài bài viết, chủ bút Nguyễn Thanh Hoàng nhận ra chân tướng gã chánh án nầy có vấn đề, nên không dùng nữa, thế là Tú Gàn sang Cali, được Hoàng Dược Thảo trọng dụng. Những bài viết của Tù Gàn gây nhiều tranh cải, nhất là năm 2000, Trần Văn Trường, kẻ treo cờ đỏ sao vàng và chân dung Hồ Chí Minh ở tiệm Hi Tech, Little Saigon, bị hàng chục nghìn người Việt biểu tình suốt 2 tháng, trong khi các cơ quan truyền thông đều lên án Trần Văn Trường, thì tờ Saigon Nhỏ qua bài viết của Tú Gàn lại bênh vực , cho là Trần Văn Trường có quyền tự do ngôn luận tại nước tự do, dân chủ… (ngưng trích)
Loại bài viết như thế này phổ biến trên diễn đàn là một sự khinh thường dư luận. Ký giả Tú Rua Lê Triết bị ám sát vào cuối thập niên 80. Lúc đó ông Tú Gàn Lữ Giang chưa có mặt tại Hoa Kỳ. Làm gì có chuyện Nguyễn Thanh Hoàng dùng Tú Gàn thay thế Tú Rua. Tú Gàn là bút danh của thẩm phán Lữ Giang từ trước 1975 chứ không phải vì viết thay cho Tú Rua mà lấy tên là Tú Gàn. Ông Tú Gàn chính thức cộng tác với Saigon Nhỏ từ năm 1994. Những bài viết của ông gây nhiều tranh cãi nhưng ông Tú Gàn và Saigon Nhỏ là cơ quan ngôn luận đứng đầu trong việc tố cáo Trần Trường có liên hệ với toà lãnh sự Việt Cộng ở San Francisco để treo cờ gây rối loạn chứ không phải thực sự hành động vì tự do phát biểu hay tự do ngôn luận (vì Trần Trường đâu có làm báo mà đòi tự do ngôn luận). Báo Saigon Nhỏ còn lưu giữ những tài liệu này.
Chỉ trích hay ‘tố cáo” nguyệt san CSCH mà không hề biết tên tuổi chính xác của người “được” đề cập tới, bịa đặt những điều sai sự thật, dựa vào một bài thơ của một nhà văn miền Nam còn ở lại trong nước được đăng trên một mặt báo hải ngoại để “tố cáo” là thủ đoạn không xứng đáng với tư cách của một quân nhân cũng như của một người dân VNCH.
Dĩ nhiên, nguyệt san CSCH có thể chọn lựa thái độ “không trả lời” những bài viết ‘tố cáo” này. Vì chúng tôi tự hỏi những “chiến hữu” loại này ở đâu khi báo Người Việt đăng bài mạ lỵ toàn thể Quân, Dân, Cán Chính VNCH là tay sai cho giặc Mỹ? Con đường đấu tranh chống Cộng có phải vì thế mà dài hơn, khó khăn hơn cho một cơ quan ngôn luận chọn cây bút thay cho cây súng như nguyệt san Chiến Sĩ Cộng Hoà?
Hoàng Dược Thảo
TRUYỀN ĐƠN TỐ CÁO.
ReplyDeleteTỔNG BÍ THƯ ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM NGUYỄN PHÚ TRỌNG NHẬN HỐI LỘ 100 LƯỢNG VÀNG ĐỂ DUNG TÚNG BAO CHE CHO NHỮNG TỘI ÁC CƯỚP CỦA - GIẾT NGƯỜI.