Pages/ Tác giả

Friday, September 23, 2011

Biệt Ðội Thiên Nga, những nữ chiến sĩ thầm lặng, oai hùng VNCH


Biệt Ðội Thiên Nga, những nữ chiến sĩ oai hùng Góc Chiến Trường Xưa
 
Biệt Ðội Thiên Nga ra đời trong những năm cao điểm của cuộc chiến tranh bảo quốc của quân dân miền Nam đối với bọn xâm lược Cộng Sản phương Bắc.
Những nữ quân nhân nhân trong một buổi tập nhẩy dù. Ai trong số này sẽ được đưa về Biệt Ðội Thiên Nga?
Sau năm 1954, nền Ðệ Nhất Cộng Hòa đã được hình thành ở miền Nam Việt Nam, do đó, lực lượng Cảnh Sát Quốc Gia cũng được củng cố lại để lo an ninh quốc gia và bảo vệ mọi tầng lớp dân chúng. Thành phần nữ nhân viên trong lực lượng cảnh sát vẫn còn được sử dụng hạn chế trong các phần vụ như: văn phòng hành chánh, kiểm soát tài nguyên, cảnh sát an ninh phi cảng, hải cảng, cảnh sát ngoại kiều, tiếp tân, trại giam, giáo dục, v.v... Những nữ nhân viên này được tuyển dụng tùy theo nhu cầu công tác, theo từng giai đoạn, chứ chưa có một trường lớp chính quy nào, v.v...
Mãi cho đến cuối năm 1965, chính phủ Việt Nam Cộng Hòa mới mở một Học Viện Cảnh Sát Quốc Gia, nhận thi tuyển cả nam và nữ sinh viên Sĩ Quan Cảnh Sát. Ðiều kiện tối thiểu về trình độ học vấn là có bằng cấp Tú Tài I trở lên. Sau khi tốt nghiệp, các nữ Sĩ Quan Cảnh Sát được phân phối về Tổng Nha Cảnh Sát, Khối Ðặc Biệt và một số ít được phân phối về các nha, tỉnh thuộc bốn vùng chiến thuật của miền Nam Việt Nam.
Sau hai lần đẩy lui các cuộc tổng tấn công của Việt Cộng vào miền Nam Việt Nam trong Tết Mậu Thân và tháng 5, 1968, chính phủ Việt Nam Cộng Hòa cần tăng cường lực lượng cảnh sát trong việc bảo vệ an ninh đất nước, ngăn chận Việt Cộng xâm nhập miền Nam Việt Nam bằng đường bộ cũng như đường thủy. Vai trò cảnh sát được đặt nặng và quan trọng hơn, đặc biệt là sự cần thiết để có một tổ chức toàn những nữ cảnh sát để hoạt động trong công tác tình báo, hoạt động riêng rẽ hay phối hợp với các công tác của nam cảnh sát đang hoạt động.
Tháng 8, 1968, do một sự vụ văn thư của Bộ Tư Lệnh Cảnh Sát Quốc Gia, quyết định thành lập một tổ chức toàn là nữ nhân viên, có tên gọi là: “Biệt Ðội Thiên Nga,” trực thuộc Khối Ðặc Biệt thuộc Bộ Tư Lệnh Cảnh Sát Quốc Gia, hoạt động độc lập, song song với các tổ chức đã được thành lập trước đó. Nhiệm vụ của Biệt Ðội Thiên Nga là sưu tầm, phân tích tin tức, tổ chức xâm nhập và phá vỡ các tổ chức, các hạ tầng cơ sở của Việt Cộng tại thủ đô Sài Gòn cũng như tại các tỉnh địa phương trên toàn miền Nam Việt Nam.
Công việc khởi đầu gặp rất nhiều khó khăn, từ vấn đề tuyển mộ, đào tạo nhân viên... cho đến công tác tìm đầu mối, xây dựng cơ sở, giám thị, v.v...
Sau đây là tổ chức của Biệt Ðội Thiên Nga:
-Tại Trung Ương có văn phòng tại Khối Ðặc Biệt.
-Tại Thủ Ðô Saigon và 11 quận có văn phòng tại Bộ Chỉ Huy Cảnh Sát Quận Ðô Thành.
-Tại các Vùng I, II, III, IV và tại các tỉnh trên toàn quốc từ Quảng Trị đến Cà Mau đều có văn phòng của Biệt Ðội.
Biệt Ðội Thiên Nga Trung Ương có 4 ban: Ban Hành Chánh, Ban Tổ Chức Phát Triển, Ban Huấn Luyện và Ban Hoạt Vụ. Nhiệm vụ của Thiên Nga Trung Ương là thành lập cơ sở văn phòng, tuyển mộ nhân viên, tổ chức huấn luyện, tìm đầu mối, phát triển công tác. Ðồng thời, Biệt Ðội Thiên Nga Trung Ương đôn đốc và hướng dẫn các Bộ Chỉ Huy Cảnh Sát Quốc Gia, thành lập Biệt Ðội Thiên Nga địa phương ở 11 quận Ðô Thành và tại các tỉnh.
Biệt Ðội Thiên Nga địa phương tuyển mộ nữ nhân viên gửi về Biệt Ðội Thiên Nga Trung Ương ở Sài Gòn để đưa đi thụ huấn các khóa học tình báo tại trường Tình Báo Trung Ương. Các phụ nữ được tuyển mộ phải có ít nhất là văn bằng Trung Học Ðệ Nhất Cấp hoặc cao hơn, ngoại trừ các quả phụ của cảnh sát không đòi hỏi điều kiện văn bằng như trên, nhưng ít nhất phải có bằng tiểu học.
Các nữ nhân viên được tuyển lựa này gồm đủ mọi lứa tuổi, mọi thành phần khác nhau trong xã hội: có thể là người bán rau cải ở chợ, bán hàng rong, bán vé xe bus, nhân viên bưu điện, điện lực, thư ký văn phòng, học sinh, sinh viên, cô giáo và vũ nữ, v.v... Các nữ nhân viên lần lượt được học qua các lớp Tình Báo Căn Bản (4 tuần), Theo Dõi (6 tuần), Cán Bộ Ðiều Khiển (8 tuần),... và đặc biệt là khóa Tác Xạ tại trường Tình Báo Trung Ương. Khóa sinh phải đủ điểm cho lớp trước mới có thể lên lớp kế tiếp. Trong thời gian thụ huấn, các khóa sinh phải ở nội trú và mang bí số.
Việc giảng dạy do các giảng viên tình báo phụ trách, còn giám thị do các nhân viên Thiên Nga Trung Ương đảm nhận. Các khóa sinh sau khi thụ huấn chuyên môn trở về đơn vị tại các địa phương, nơi đã gởi đi học, và bắt đầu nhận công tác do các ngành Ðặc Biệt phân nhiệm. Công tác trực thuộc sự hướng dẫn của phụ tá Ðặc Biệt địa phương và báo cáo thành quả công tác về Thiên Nga Trung Ương.
Tại trung ương, ngoài các lớp kể trên, các nữ nhân viên Thiên Nga còn theo học các lớp kỹ thuật như: nhiếp ảnh (chụp hình bí mật), học lái xe gắn máy và xe hơi, một số được học thêm các lớp thẩm vấn. Biệt đội trưởng, phụ tá biệt đội trưởng Thiên Nga Trung Ương và các cán bộ điều khiển đều là nữ sĩ quan cảnh sát tốt nghiệp khóa I Học Viện Cảnh Sát Quốc Gia. Riêng biệt đội trưởng và phụ tá đã tốt nghiệp thêm khóa Trưởng Phòng Ðặc Biệt tại trường Tình Báo Trung Ương vào năm 1967.
Ngoài các nữ sĩ quan và nhân viên cảnh sát chính thức, Biệt Ðội Thiên Nga còn sử dụng một số rất đông nữ hồi chánh viên, nữ can phạm chính trị, các công nhân hãng, xưởng, nhân viên các cơ quan chính phủ (ngoài cơ quan cảnh sát), các bạn hàng chợ, các học sinh sinh viên trường trung học và đại học... để làm mật báo viên cho biệt đội.
Số cộng tác viên gấp nhiều lần số nhân viên chính thức.
Các nhân viên trung ương đi công tác hoạt vụ đều có học khóa chuyên môn tình báo để được hướng dẫn rõ ràng chi tiết công tác họ phải đảm nhận cũng như cách thức bảo vệ an ninh tối đa cho họ. Các nữ nhân viên hoạt vụ đều có bí số và bí danh. Tùy vào công tác, họ được tạo cho một ngụy tích với tất cả giấy tờ tùy thân và lý lịch mới.
Nhằm mục đích nhu cầu bảo mật công tác, Biệt Ðội Thiên Nga Trung Ương có những kiosque buôn bán lẻ, có điện thoại công cộng để làm nơi liên lạc (hộp thư sống và chết), v.v... và một nhà an toàn làm nơi tiếp xúc với tình báo viên, mật báo viên, nhất là tình báo viên từ mật khu về. Vì là biệt đội tình báo nữ mang tên loài chim Thiên Nga, nên mỗi kế hoạch công tác đều có ám danh của một loài chim khác như Sơn Ca, Họa Mi, Hải Âu, Hoàng Oanh, Hoàng Yến, v.v... Còn các công tác phối hợp với các cơ quan bạn thì dùng ám danh của sông núi như Trùng Dương, Trường Sơn, v.v... Do sự thay đổi cơ cấu của Khối Ðặc Biệt và để thích ứng với tình hình chính trị phức tạp nên cuối năm 1972, Biệt Ðội Thiên Nga mang ám danh mới: Ðoàn Ðặc Nhiệm G423g để bảo mật hoạt động.
Song song với việc xây dựng tổ chức, đào tạo nhân viên, Biệt Ðội Thiên Nga Trung Ương luôn nỗ lực tìm đầu mối, lập kế hoạch công tác, tìm cách xâm nhập, len lỏi vào các hội đoàn phụ nữ Việt Nam, hội đoàn bạn hàng các chợ, hội Phụ Nữ Ðòi Quyền Sống, các lực lượng đấu tranh thuộc thành phần thứ ba, các thành phần tôn giáo khuynh tả có Việt Cộng xách động, các tổ chức sinh viên học sinh đấu tranh thân cộng sản để kịp thời ngăn chặn những tên Việt Cộng nằm vùng, triệt phá những âm mưu có nguy hại cho an ninh quốc gia. Không những thế, Biệt Ðội Thiên Nga còn xâm nhập vào tận mật khu của Việt Cộng để thu thập tin tức tình báo góp phần tiêu diệt các cơ sở đầu não của cộng sản.
Nhìn lại quá trình công tác của các nữ nhân viên Thiên Nga, phải thừa nhận rằng công việc của họ rất nguy hiểm, tính mạng lúc nào cũng bị đe dọa. Qua các tài liệu tịch thu được của Việt Cộng, sau những thất bại nặng nề, chúng rất đề cao cảnh giác “nữ Thiên Nga.” Việt Cộng luôn tìm cách ám sát những ai chúng nghi ngờ là nhân viên Thiên Nga. Còn các nhân viên Thiên Nga len lỏi vào các hội đoàn tham dự các cuộc biểu tình, tuyệt thực, chống đối nên cũng phải chịu “hưởng” hơi, cay, dùi cui của cảnh sát. Các chị em Thiên Nga còn phải hy sinh những tình cảm riêng tư, thời gian dành cho gia đình, vượt qua nhiều khó khăn trở ngại để làm tròn bổn phận công dân yêu nước đấu tranh cho lý tưởng tự do.
Thật khó có thể ghi lại hết những chiến công thầm lặng của các nữ chiến sĩ tình báo Thiên Nga, tuy vậy những công tác sau đây là ví dụ điển hình về các hoạt động của Biệt Ðội Thiên Nga.
Một trong các công tác mà Việt Cộng vẫn còn tức tối là việc cung cấp lương thực thực phẩm cho phái đoàn Quân Sự Bốn Bên vào họp tại trại David, Tân Sơn Nhất, Sài Gòn. Mặc dù chúng nghi ngờ nên chúng đề nghị chọn nhà thầu cung cấp thực phẩm cho hai phái đoàn Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa (tức CS Bắc Việt) và Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam, nhưng cuối cùng nhà thầu chúng chọn lại là của Biệt Ðội Thiên Nga. Công tác này mang ám danh là Trùng Dương, hoạt động cho đến ngày cuối cùng 28 tháng 4, 1975.
Công tác mang ám danh là Hải Âu đã cài được một nhân viên Thiên Nga vào hội đoàn phụ nữ đối lập và tạo được niềm tin nên được Việt Cộng chọn đi học lớp tình báo chung với chúng.
Công tác len lỏi vào Hội Phụ Nữ Ðòi Quyền Sống, hoạt động chung với một cán bộ nằm vùng. Mãi đến sau 1975, tên nữ cán bộ mới biết đến người thư ký của Ban Xã Hội là nhân viên Thiên Nga. Lúc ấy tên nữ cán bộ là đại úy công an tức tối đề nghị gia tăng 6 tháng tù trong khi chị nhân viên Thiên Nga đã có giấy ra trại. Công tác này mang ám danh Họa Mi.
Trong 5 năm liền, một nữ huyện ủy viên của Việt Cộng đã hợp tác với Biệt Ðội Thiên Nga. Sau 30 tháng 4, 1975, chị vẫn giữ chức huyện ủy của một huyện gần Saigon. Cho đến sáu tháng sau đó, Việt Cộng mới truy ra được từ hồ sơ còn sót lại ở địa phương, nên đã khai trừ chị khỏi Ðảng Cộng Sản và giam chị ở Chí Hòa. Chị đã may mắn không bị chúng xử tử hình. Sau tôi gặp lại chị ở trại Hàm Tân, chị mới vỡ lẽ tôi - người tên Năm tiếp xúc với chị năm xưa - là thiếu tá biệt đội trưởng Thiên Nga. Công tác này được mang tên Hoàng Oanh.
Các công tác, hoạt động của Thiên Nga càng thành công tốt đẹp bao nhiêu thì Việt Cộng càng tức tối lên án, càng đề cao cảnh giác với nhân viên Thiên Nga. Do đó những bản án không xét xử trả thù hèn hạ dành cho các nữ nhân viên Thiên Nga của cộng sản là từ 3 năm đến 13 năm trong các trại tù “cải tạo.” Tuy vậy các chị em nhân viên của Thiên Nga vẫn hãnh diện, giữ vững nhân cách, lập trường, vượt qua những giao lao của năm tháng tù đày.

No comments:

Post a Comment