Pages/ Tác giả

Saturday, December 4, 2010

VNCH-Đại úy Trần Ngọc Huế một chiến binh anh dủng và trunh thành với Tổ Quốc


Đại úy Trần Ngọc Huế một chiến binh anh dủng và trunh thành với Tổ Quốc


FALLS CHURCH, Virginia (NV) - “Harry Trần Ngọc Huế là một chiến binh lỗi lạc và ông đã phải trả giá đắt cho sự trung thành với tổ quốc mình trong cuộc chiến Việt Nam.” Ðó là lời mà Thượng Nghị Sĩ Hoa Kỳ James Webb (Dân Chủ-Virginia) viết về người cựu sĩ quan Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa (QLVNCH) này trong một bức thư đề ngày 4 Tháng Tư vừa qua.

Qua một người bạn giới thiệu, tôi được gặp người đàn ông mà nhiều người trong Hải Quân và Thủy Quân Lục Chiến Hoa Kỳ, trong đó có Thượng Nghị Sĩ Webb, từng là bộ trưởng Bộ Hải Quân, gọi là “anh hùng của những anh hùng (Hero of the Heroes).”

Tướng cao to, khỏe mạnh, mặc dù tuổi đã ngoài 60, bàn tay trái chỉ còn hai ngón nguyên vẹn, cộng với một vài vết thẹo trên khuôn mặt và phía dưới cằm, ít ai ngờ rằng, con người này đã từng vào sinh ra tử biết bao lần, nhất là cuộc chiến lấy lại Bộ Tư Lệnh Sư Ðoàn 1 Bộ Binh và Ðại Nội Huế, hồi Tết Mậu Thân 1968.
Vì những hành động anh hùng của mình, ông Harry Trần Ngọc Huế đã được Hoa Kỳ tặng thưởng một huy chương “Ngôi Sao Bạc” (Silver Star) và một huy chương “Ngôi Sao Ðồng” (Bronze Star). Ngoài ra, ông cũng được chính phủ Việt Nam Cộng Hòa tặng Ðệ Ngũ Ðẳng Bảo Quốc Huân Chương cùng nhiều huy chương cao quý khác. Harry là tên các cố vấn Mỹ đặt cho ông.

Cuộc tái chiếm Bộ Tư Lệnh Sư Ðoàn 1 Bộ Binh
Là đại đội trưởng Ðại đội Hắc Báo, lực lượng tổng trừ bị của Sư Ðoàn 1 Bộ Binh QLVNCH, Trung úy Trần Ngọc Huế đã khôn khéo và dũng cảm chỉ huy trận chiến một mất một còn với quân đội Bắc Việt để lấy lại quyền kiểm soát Bộ Tư Lệnh Sư Ðoàn 1, nơi đầu não chỉ huy tái chiếm lại Huế vào Tết Mậu Thân 1968.

Người cựu chiến binh này kể: “Lúc đó, Ðại đội Hắc Báo của chúng tôi là Lực Lượng Phản Ứng Cấp Thời (Fast Reaction Forces) đóng tại sân bay Thành Nội. Ðêm đó là mùng một Tết và quân đội Bắc Việt đã tấn công nhà đèn, Thiết Ðoàn 7 Thiết Giáp, Phú Văn Lâu, Tòa Hành Chính Tỉnh và Bộ Tư Lệnh Sư Ðoàn 1. Ngoài đường phố tràn ngập lính Bắc Việt, phi trường bị pháo kích dữ dội...”

Ông kể tiếp: “Chúng tôi có 6 trung đội, sau khi bố trí quân, tôi về nhà nghỉ. Một lúc sau, thấy pháo dữ dội quá, tôi trở dậy, mặc đồ lính đi. Trong đêm tối, tôi thấy đặc công Bắc Việt đi hàng hàng lớp lớp ngoài đường.”

“Lúc đó, tôi rất lưỡng lự, không biết có nên đi hay không vì con gái đầu lòng của tôi mới sinh được một tháng. Tôi có thể trở về nhà với vợ con, nhưng nghĩ lại trách nhiệm của người lính và một chỉ huy. Hơn nữa, nếu nước mất nhà tan, thì chưa chắc gia đình tôi yên ổn. Thế là tôi tiếp tục đi phía sau họ để đến phi trường,” người anh hùng này kể tiếp.
Khi đến sân bay, theo lời ông kể, đặc công Bắc Việt đã tiếp cận bộ chỉ huy Ðại đội Hắc Báo của Trung úy Huế.

“Họ chiến đấu rất hăng say. Họ mặc quần đùi, đeo súng AK bá xếp. Tuy nhiên, các anh em Hắc Báo đã dũng cảm chiến đấu và đánh bật đối phương ra khỏi phi trường. Chúng tôi cứu được hai lính thủy quân lục chiến Hoa Kỳ, lúc đó có nhiệm vụ bảo vệ phi trường, khỏi tay quân địch,” ông Huế kể tiếp.

Sau đó, đơn vị Hắc Báo lại được lệnh của Trung tá Ngô Văn Chung, trưởng phòng 3, Sư Ðoàn 1, qua giải cứu Bộ Tư Lệnh Sư Ðoàn, đang bị địch vây hãm.

“Liền đó, tôi nghe trên điện đàm tiếng Trung tá Chung nói: Ðây là lệnh của mặt trời (ẩn danh của Tướng Ngô Quang Trưởng). Nếu không thi hành sẽ bị đưa ra tòa án mặt trận”. Ông Huế kể.

Qua hệ thống vô tuyến chỉ huy, ông Huế cũng nghe được lệnh của Trung tá Chung ra lệnh cho Thiết Ðoàn 7, đồn trú tại An Cựu, đưa xe tăng sang cứu Bộ Tư Lệnh Sư Ðoàn.

“Tuy nhiên, Trung tá Chí, thiết đoàn trưởng Thiết Ðoàn 7 Thiết Giáp, cho sư đoàn biết là hiện tại bộ chỉ huy của ông đang bị pháo và đặc công uy hiếp nặng nề,” ông Huế kể tiếp.

Sau khi ổn định tình hình, Trung úy Huế tập trung anh em Hắc Báo lại và ban lệnh hành quân kế tiếp.

Ông kể: “Tôi nói với anh em rằng, một nửa đại đội phòng thủ phía Nam sông Hương đã chiến đấu đến viên đạn cuối cùng và tôi đã mất liên lạc. Nay Bộ Tư Lệnh Sư Ðoàn đang bị vây hãm, tình thế thập tử nhất sinh, tất cả đều trông cậy vào Hắc Báo chúng tôi. Vì sự sống còn của anh em và gia đình, vì sự sống còn của đồng bào và thành phố, chúng tôi quyết phải đánh, dù bất cứ giá nào.”
Sau khi nghe đại đội trưởng Huế nói, tất cả đều hô to “Xin thề! Xin thề! Xin thề!” và “Huế ơi, có chúng tôi đây!”

“Ðó là lời thề của các chiến sĩ Hắc Báo trước khi xung trận,” cựu đại đội trưởng Hắc Báo cho biết tiếp.

Nhờ sống ở Huế lâu và rất rành đường đi nước bước trong thành phố, nên ông Huế dễ dàng dẫn quân luồn lách qua những ngả đường, đến nơi mà địch hoàn toàn không biết.

Người cựu chiến binh QLVNCH này say sưa kể: “Khi đến bên này Cầu Kho, tôi thấy bên kia cầu, gần cổng chính vào Bộ Tư Lệnh Sư Ðoàn, địch đang lúc nhúc đào công sự, chuẩn bị tấn công. Bên trong bộ tư lệnh không thể nào ra được. Ngoài nhân viên Việt Nam còn có một số cố vấn Mỹ trong đó. Nếu bộ tư lệnh mà bị chiếm là coi như rắn mất đầu. Thế là chúng tôi phải dốc toàn lực đánh một mất một còn với địch.”

Theo ông Huế, Hắc Báo là đơn vị đầu tiên của Sư Ðoàn 1 có súng M16, được coi là tối tân nhất lúc đó. Họ cũng sử dụng súng phóng hỏa tiễn M72, đại liên 30ly và đại bác 57ly không giật.

“Từ bên này cầu, tôi cho bố trí ba khẩu đại liên bắn trực xạ làm quân địch rối loạn. Cùng lúc đó, chúng tôi dùng cả lựu đạn khói làm địch không thấy đường. Sau khi hy sinh một tiểu đội, chúng tôi chiếm lại cầu và mở đường vào bên trong bộ tư lệnh,” ông Huế kể tiếp như vậy.

Người đầu tiên Trung úy Huế gặp khi vào bên trong bộ tư lệnh là Trung tá Trần Văn Cẩm, tham mưu trưởng sư đoàn. Trung tá Cẩm liền chỉ cho đại đội trưởng đại đội Hắc Báo biết nơi địch quân đang chiếm đóng trong khu vực. Ðó là khu vực Ðại đội 1 Quân Y Sư Ðoàn, bệnh xá và câu lạc bộ.

“Không chần chờ, tôi cho lệnh chiến đấu,” ông Huế kể.

Ðơn vị Hắc Báo dùng lựu đạn đi đến tấn công từng phòng, giết và bắt một số tù binh một cách dễ dàng.

“Chiến thuật của Hắc Báo lúc đó là cận chiến nhằm bắt sống tù binh để khai thác. Nếu không được mới dùng lựu đạn tấn công,” ông Huế cho biết như vậy.

Tôi hỏi: “Làm sao mà đặc công có thể thoát bãi mìn để vào được bên trong bộ tư lệnh nhiều thế?”

“Ðó là một đường cống, lỗ thoát nước. Ðó chính là nơi mà đặc công bò vào,” ông trả lời.

“Sau khi chiếm cửa hậu phía Bắc của thành Mang Cá, tôi thấy một cảnh hãi hùng. Ðịch đang bò lê bò càng dọc theo bên ngoài bờ thành. Thế là các khẩu đại liên của Hắc Báo cứ thế mà ‘quét’ vào. Cuộc chiến bắt đầu từ 10 giờ sáng mà mãi đến 3 giờ chiều mới kết thúc,” ông Trần Ngọc Huế nói.

Ông nói tiếp: “Lúc đó, chúng tôi chiến đấu với tinh thần sống tự do hay là chết.”

Ngay sau đó, ông đã được tặng thưởng huy chương Anh Dũng Bội Tinh với Ngôi Sao Bạc (Gallantry Cross with Silver Star) do chính Tướng Creighton Abrams, tư lệnh Các Lực Lượng Quân Ðội Hoa Kỳ tại Việt Nam, gắn lên ngực áo. Cũng trong dịp này, ông được lên đại úy và chính Tướng Ngô Quang Trưởng gắn lon cho ông.

Ngày 19 Tháng Sáu, 1969, Ngày Quân Lực VNCH, ông Trần Ngọc Huế được thăng cấp thiếu tá.

Viên ngọc của “Huế”

Sinh ra và lớn lên tại Huế, cái tên Trần Ngọc Huế của ông còn có nghĩa là “hòn ngọc của Huế xuất phát từ nhà Trần.”

Năm 12 tuổi ông đã vào trường Thiếu Sinh Quân. Sau khi đậu tú tài, chàng thanh niên Trần Ngọc Huế vào trường Võ Bị Quốc Gia Ðà Lạt, khóa 18. Ra trường năm 1963, ông được điều ngay về Sư Ðoàn 1 Bộ Binh.

Kể từ năm 1969, ông lần lượt làm tiểu đoàn trưởng các tiểu đoàn 1/3, 5/2 và 2/2 thuộc Sư Ðoàn 1 Bộ Binh.

Tháng Ba, 1971, Tiểu Ðoàn 2/2 của ông cùng với các tiểu đoàn khác, dưới sự chỉ huy của Ðại tá Ngô Văn Chung, trung đoàn trưởng Trung Ðoàn 2, được điều động tham gia cuộc hành quân Lam Sơn 719 với nhiệm vụ đột kích bằng trực thăng vận vào mục tiêu chiến lược Tchepone, Nam Lào. Theo kế hoạch, sau khi hoàn thành nhiệm vụ chiếm và kiểm soát mục tiêu chính của cuộc hành quân, ông Huế sẽ được Tướng Phạm Văn Phú đáp trực thăng xuống gắn lon trung tá và tiểu đoàn của ông sẽ được lệnh hành quân về phía Tây Nam Lào, giải vây cho hai tiểu đoàn 3/3 và 4/3.

Sau khi giải vây được cho tiểu đoàn bạn, Tiểu Ðoàn 2/2 lại bị địch bao vây.

Ông Huế kể: “Lúc đó, pháo bắn vào dữ quá. Tôi bị thương nặng nơi mặt, đầu và cổ. Ban chỉ huy ra lệnh mở đường máu rút lui. Anh em đòi khiêng tôi rút lui, nhưng tôi không chịu. Tôi không muốn anh em bị thiệt hại vì mang tôi đi. Chúng tôi xuống 600 người nhưng chỉ thoát được 50 người. Toàn bộ số còn lại bị bắt hoặc hy sinh. Ðó là ngày 21 Tháng Ba, 1971.”

Sau đó, ông Huế được anh em tù binh khiêng đi dọc đường mòn Hồ Chí Minh về tới Vĩnh Linh. Phía địch quân đưa ông lên xe lửa và mang ra nhốt tại nhà tù Hỏa Lò. Vài tháng sau, ông bị đưa lên nhốt ở các trại tại Sơn Tây, Hoàng Liên Sơn, Yên Bái, Lạng Sơn và Cao Bằng.

Ông Huế kể tiếp: “Sau khi Hiệp Ðịnh Paris được ký kết hôm 27 Tháng Giêng, 1973, theo quy định, địch phải thả tôi. Lúc đó, tôi đang ở Kỳ Cùng thì địch đưa về Hà Tây. Sau đó, họ đưa tôi cùng một số anh em khác vào bờ sông Thạch Hãn để trao trả tù binh. Nhưng tự nhiên địch chia chúng tôi ra làm hai nhóm, nhóm bị bắt tại các nơi khác và nhóm bị bắt ở Lào. Lúc đó, tôi đã mường tượng một điều gì đó không tốt.”

“Các anh bị bắt ở Lào là thuộc quyền Mặt Trận Lào Yêu Nước,” một cán bộ Bắc Việt nói với ông Huế như vậy, theo lời kể của ông.

Ông kể tiếp: “Thế là họ đưa chúng tôi về ngã ba Ðường Thành, Hà Nội, và giam tiếp. Chúng tôi phản đối bằng cách tuyệt thực và cạo đầu. Thế là chúng còng tay và đánh đập chúng tôi. Sau đó, chúng tôi bị đưa đi Yên Bái và nhốt cách ly. Kế đến, chúng lựa ra 11 người đầu não, trong đó có tôi, đưa lên nhốt ở Cao Bằng.”

“Năm 1974, chúng tôi bị đưa về Nghĩa Lộ làm trại cải tạo chuẩn bị đón thêm tù binh. Sau đó, chúng tôi lại bị đưa trở lại về Yên Bái để làm đường chiến lược Tây Bắc,” ông kể tiếp.

Năm 1978, khi Việt Nam rục rịch chiến tranh với Trung Quốc, ông Huế lại bị đưa về Nam Hà. Ðến Tháng Tư, 1982, ông được chuyển về Hàm Tân. Tháng Bảy, 1983, ông được thả.

Về Sài Gòn, ông bị quản thúc tại gia trong nhiều năm cho đến năm 1991, ông sang Hoa Kỳ diện cựu sĩ quan chế độ cũ.

Cuộc sống mới tại Hoa Kỳ

Hồi ở Tiểu Ðoàn 2, Trung Ðoàn 2 của Sư Ðoàn 1, ông Huế có một người bạn thân là David Wiseman, lúc đó là cố vấn Mỹ. Ông Wiseman cũng từng bị thương ba lần tại Việt Nam và rất cảm kích tinh thần chiến đấu của người bạn Trần Ngọc Huế.

Sau năm 1975, ông David Wiseman không biết người bạn của mình sống chết ra sao. Ông cầm tấm hình của ông Huế đi khắp vùng thủ đô Washington D.C. và đưa cho mọi người xem. Mỗi lần ông đưa tấm hình ra, ông đều nhận được một cái lắc đầu.

Cho đến một hôm, ông Wiseman tham dự một buổi tiệc gây quỹ của Hội Gia Ðình Cựu Tù Nhân Chính Trị Việt Nam tại Virginia và gặp ông Ngô Ðức Am, em rể của bà Khúc Minh Thơ, chủ tịch hội.

Thật là may mắn cho ông Wiseman vì ông Am chính là người ở chung trại tù với ông Huế.

Sau khi xem tấm hình, ông Am cho ông Wiseman biết ông Huế vẫn còn sống ở Việt Nam. Thế là ông Wiseman tìm cách liên lạc với ông Huế.

Việc đầu tiên là ông Wiseman gởi cho ông Harry một bức thư ngắn trong đó kèm theo năm tờ giấy $20.

Bức thư chỉ có vài hàng: “Harry, tôi biết anh còn sống. Tôi đã tìm anh 20 năm nay. Tôi sẽ tìm mọi cách đưa anh sang Mỹ. Nếu anh qua Mỹ tôi sẽ giúp. Nếu anh muốn ở lại, tôi sẽ gởi tiền về giúp. Anh còn thích hút thuốc Salem không?”

Khi đến Hoa Kỳ năm 1991, chính ông Wiseman là người ra đón gia đình ông Huế tại phi trường Washington National Airport. Sau đó, ông Wiseman lo mướn nhà cho gia đình ông Huế, giúp mua sắm một số vật dụng cần thiết.

Theo ông Huế cho biết, ông Wiseman đã qua đời cách đây bốn năm.

Kể từ khi biết Harry đến Hoa Kỳ, các cố vấn Mỹ, mà nhiều người sau này trở thành bạn thân và coi Harry như anh em ruột, gọi điện thoại và đến thăm tới tấp. Ai cũng muốn giúp ông ổn định cuộc sống mới.

Năm 1994, nhờ bạn bè Mỹ giúp đỡ, cựu chiến binh Trần Ngọc Huế và ba cô con gái, Coco, Vicky và Elly, vào làm cho ngân hàng Navy Federal Credit Union cho đến nay.

Một người lính đầy danh dự

Dù trong hoàn cảnh nào, cựu chiến binh Harry Trần Ngọc Huế luôn giữ được khí tiết và danh dự của một người lính QLVNCH. Vì thế, ông được nhiều người rất kính nể.

“Mỗi người có một cách sống riêng. Bản thân tôi luôn sống với danh dự của một quân nhân QLVNCH. Người ta (các cố vấn Mỹ) đã rời bỏ quê hương sang giúp mình thì mình phải giúp họ hoàn thành nhiệm vụ. Sống với họ phải sống xứng danh quân đội VNCH. Vì thế, tôi có những cảm tình rất khó tin với các cố vấn Mỹ,” ông Huế chia sẻ như vậy.
Ông Ned Devereaux, cố vấn cũ và từng bị thương với ông cố vấn Wiseman và ông Huế ngày 8 Tháng Mười Một, 1970, cho biết: “Khi tôi gặp Harry lần đầu tiên, tôi biết ngay ông là một người lính chuyên nghiệp, một sĩ quan chuyên nghiệp, một người mà khi ra lệnh tôi sẽ theo ngay, không thắc mắc. Harry đã làm tôi cảm thấy mình là một thành viên trong gia đình quân đội của ông. Những gì ông làm đã giúp tôi hoàn thành nhiệm vụ dễ dàng.”

“Nếu phải viết một câu về Harry, tôi sẽ viết, Harry thật sự là một anh hùng, một người trung thành với tổ quốc, cấp trên, gia đình và binh sĩ của mình và tôi coi Harry như một người anh em cùng huyết thống và thật sự kính nể ông,” ông Devereaux viết như vậy trong email gởi cho tôi.

Ông Thái Quang Ty, một trung sĩ đại đội Hắc Báo tham gia trận đánh lấy lại Bộ Tư Lệnh Sư Ðoàn 1 Bộ Binh, đang sống tại thành phố Atlanta, Georgia, kể: “Anh Huế là một chỉ huy tài giỏi và mưu lược. Lúc tôi ở cùng đơn vị với anh, Hắc Báo đánh đâu thắng đó, chưa thua một trận nào. Ở mỗi trận đánh, anh đều quan sát trước địa hình trước khi giàn quân. Các chỉ huy khác thường xua binh sĩ đi trước, riêng bản thân anh lúc nào cũng đi sát binh sĩ. Chính vì vậy làm cho tinh thần anh em hăng say.”

Qua điện thoại, ông Richard Weyand, cố vấn đại đội Hắc Báo từ năm 1967 đến 1969 và hiện sống tại thành phố Kenosha, Wisconsin, nói: “Harry là người dấn thân nhất cho cuộc chiến. Cách chỉ huy của ông, sự trung thành của ông và sự can đảm của ông làm tôi tự hào khi được làm việc với ông trong hai năm trời.”

Một cố vấn khác của đơn vị Hắc Báo, ông William Bolt, hiện là trung tướng hồi hưu sống tại thành phố Columbia, South Carolina, kể qua điện thoại: “Trong một trận đánh tại phía Nam thành phố Huế vào cuối năm 1968, chính ông Harry đã cõng ông Richard Weyand ra sau khi ông này bị thương trong một bãi mìn. Harry quả thực là một người can đảm. Ông là một người yêu nước và là người hy sinh nhiều nhất cho đất nước của ông mà tôi được biết.
Khi Giáo Sư Sử Học Andrew Wiest, trường đại học University of Southern Mississippi, chuẩn bị viết tác phẩm “Vietnam's Forgotten Army, Heroism and Betrayal in the ARVN,” ông vô tình biết được Harry Trần Ngọc Huế qua ông Jim Coolican, cựu Ðại Tá Thủy Quân Lục Chiến Hoa Kỳ và là cố vấn của ông Huế hồi Tết Mậu Thân 1968.

Giáo Sư Wiest kể: “Tôi sang thăm Việt Nam năm 2000 và thấy rất nhiều. Một điều tôi ít thấy nói đến là QLVNCH. Về Mỹ tôi quyết định viết một cuốn sách về đề tài này. Trong lúc nghiên cứu tìm tài liệu, nhiều người cho tôi biết phải tìm và viết về Harry Trần Ngọc Huế. Thế là tôi nhờ cựu cố vấn Jim Coolican giúp tôi.”

“Tôi nghĩ Harry là một biểu tượng xứng đáng nhất của Việt Nam và Hoa Kỳ. Cũng như bao nhiêu người khác sau chiến tranh, đến Hoa Kỳ với hai bàn tay trắng. Giờ đây, cả ba cô con gái của ông đều tốt nghiệp đại học và có việc làm ổn định. Harry đã thực hiện được giấc mơ Mỹ của mình,” giáo sư này nói tiếp.

Ông kết luận: “Harry là người yêu nước nhất mà tôi gặp từ trước đến nay.”

Vào Tháng Mười Hai tới đây, Giáo Sư Andrew Wiest sẽ cho ra mắt tác phẩm nêu trên.


Ðại úy Harry Trần Ngọc Huế được Tướng Creighton Abrams, Tư Lệnh Quân Ðội Hoa Kỳ tại Việt Nam, gắn huy chương “Anh Dũng Bội Tinh với Ngôi Sao Bạc” (Gallantry Cross with Silver Star), sau trận Mậu Thân 1968


Bàn tay chỉ còn hai ngón nguyên vẹn của Harry Trần Ngọc Huế và những tấm huy chương.


Harry Trần Ngọc Huế: “Lúc đó, chúng tôi chiến đấu với tinh thần sống tự do hay là chết.”


Cựu hắc báo Harry Trần Ngọc Huế đứng cạnh bức hình mà cựu cố vấn David Wiseman đã cầm để đi tìm ông trong một thời gian dài.


Hài cốt nạn nhân của Việt cộng Tết Mậu Thân năm 1968




Ðại úy Harry Trần Ngọc Huế một trong hửng anh hùng của QLVNCH

Đọc bài trên tôi rất nể phục Ðại úy Harry Trần Ngọc Huế một trong nhửng anh hùng của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa , hy vọng quyển sách của Giáo Sư Sử Học Andrew Wiest, trường đại học University of Southern Mississippi, viết về Vietnam's Forgotten Army, Heroism and Betrayal in the ARVN sẻ ra kịp vào tháng 12 nầy

ALĐ

No comments:

Post a Comment