Pages/ Tác giả

Wednesday, October 20, 2010

NB Việt Thường - Chuyện Ngoài Lề Về Bầu Cử Quốc Hội VGCS Khóa 9

























NB Việt Thường - Chuyện Thâm Cung Bí Sử Dưới Triểu Đại Hồ Chí Minh
Chương 4

Chuyện Ngoài Lề Về Bầu Cử Quốc Hội VGCS Khóa 9

Audio

http://blip.tv/file/get/Kynguyen2000-NBVietThuongChuynThmCungDiTriuIHChMinh4350.wmv


Chuyện ngoài lề về bầu cử Quốc Hội khóa 9 của cộng sản Việt Nam

Việt Thường

Cộng sản Việt Nam đã cho phép tổ chức bầu cử Quốc hội "bù nhìn" khóa 9 vào ngày chủ nhật 19-7-1992 trên toàn quốc.


Hầu hết 601 người được đưa ra trong trò hề bầu cử này là do Mặt Trận Tổ Quốc Việt Nam, một công cụ do cộng sản Việt Nam nặn ra để gom tất cả các thành phần dân chúng Việt Nam vào trong tổ chức ngõ hầu dễ lãnh đạo và còn có lợi ở chỗ như là một tổ chức có tính "toàn dân", làm cái mặt nạ "dân chủ" cho cộng đảng.


395 người đã được cho trúng cử. Đương nhiên đó là những người đương chức đương quyền như Đỗ Mười, Võ Văn Kiệt, Phan Văn Khải v.v... Số còn lại hầu hết là những người có quyền lợi gắn bó chặt chẽ với cộng sản hoặc có quá trình "gọi dạ bảo vâng" với cộng sản. Còn lại đếm chưa hết đầu ngón tay là những người đã thấm nhuần chân lý sống trong xã hội cộng sản là "thứ nhất ngồi ỳ, thứ nhì đồng ý". Và nếu có ai đó không đồng ý thì cũng chỉ là "hạt cát trong sa mạc".



Dù không trực tiếp chứng kiến nhưng cũng có thể thấy được giới lãnh đạo cộng sản Việt
Nam hí hửng ra sao với cái cấu trúc Quốc Hội con rối lần này.


Phải chăng nhân dân Việt
Nam lại chấp nhận để cộng sản lừa quả thứ 9 ? Không phải vậy. Chỉ xét kết quả bầu cử ở hai thành phố tiêu biểu là Hà-nội và Sài-gòn thì rõ :


- Ở Hà-nội, giáo sư trường đại học y khoa là bác sỹ Tôn Thất Bách được cao phiếu nhất 91,96% trong khi Đỗ Mười, tổng bí thư cộng đảng chỉ được 80,29%. Còn ở Sài-gòn, đầy tớ trung thành bậc nhất của đảng là Phạm Thị Thanh Vân, quen được gọi là luật sư Ngô Bá Thành, bị đảng "đuổi việc" một cách khéo léo là dựa vào "ý dân"!


Mặc dù bị siết chặt bằng một thể chế chính trị hà khắc và độc tài nhất trong lịch sử Việt Nam (hơn cả thời thực dân Pháp thống trị), nhưng người dân Hà-nội vẫn có 1001 kiểu chống cộng - tầng lớp thống trị - trên mọi bình diện. Phong trào Nhân Văn-Giai Phẩm và kế tiếp là các chuyện tiếu lâm thời đại, sửa lời bài hát; các bài thơ ghế đá; sự kiện thơ Lý Phương Liên; nhại thơ Bút Tre; đi lễ cả Nhà Thờ, lẫn Chùa và Miếu; cúng lễ tổ tiên; chế riễu những thiếu nhi đeo khăn quàng đỏ, thanh niên đeo huy hiệu đoàn; phong trào học Anh ngữ rầm rộ, né tránh học tiếng Nga và tiếng Tàu. Cao hơn nữa là tụ họp đánh phá các đồn công an, các nhà hàng quốc doanh, ăn cắp chiếc xe hơi của Trường Chinh, đặt chất nổ ở tòa soạn báo quân đội nhân dân, rồi sự kiện Tạ Đình Đề v.v... Còn trong bầu cử Quốc Hội bù nhìn, ngay lần bầu khóa 2, lần đầu tiên tên của Hồ Chí Minh đã bị một phiếu xóa bỏ ở ngay khu bầu cử Ba-đình, nơi tọa lạc biệt điện của Hồ Chí Minh. Người anh hùng dấu tên đó đã làm cho Sở công an Hà-nội; Cục bảo vệ chính trị, Cục 78 bộ công an điên cuồng lên. Trong cơ quan, ngoài đường phố một thời chuyện lén về "cái anh chàng liều mạng" đó. Từ lần bầu khóa 3 trở đi, cộng sản Việt Nam rút kinh nghiệm để có thể dễ dàng điều tra ra "kẻ" dám xóa tên "lãnh tụ" trong phiếu bầu thì người Hà-nội không xóa nữa mà cố tình vi phạm điều lệ bầu. Thí dụ : phiếu bầu in 7 tên, được bầu 6 thì hoặc cứ để cả 7 tên hoặc xóa cả 7 tên. Cho dù bắt toàn thể cử tri đi bầu nhưng không một ai được 100% số phiếu, kể cả Hồ Chí Minh



Dưới chế độ công sản, đi bầu cử là một điều bắt buộc chứ không phải là quyền lợi của cử tri. Bởi vì ứng cử viên phải là người do tổ chức của cộng sản đưa ra, ngay cả người sẽ phải là vật hy sinh để bị gạch tên cũng thuộc thành phần mà lý lịch đã được Cục 78 thuộc bộ công an nhận xét là "tốt", là "không có vấn đề". Mỗi lần bầu cử là một lần cộng sản kiểm tra lại "bộ máy thống trị" của cộng sản xem có khả năng kiểm tra tư tưởng nhân dân, tổ chức cho nhân dân tuân lệnh của đảng đến mức độ nào. Vì thế ứng cử viên là ai, cử tri không được phép biết; nguyện vọng của cử tri là gì, ứng cử viên chẳng thèm bận tâm. Chỉ có điều biết là tất cả cử tri, theo sự lãnh đạo của các tổ chức đảng ở cơ sở, phải "hồ hỡi, phấn khởi" đi bỏ phiếu. Mọi người được học tập phải ăn mặc những bộ áo quần đẹp nhất, phải có nét mặt tươi cười cho dù là gia đình đang có đại tang. Vì, đại tang chỉ là nỗi "buồn riêng", còn ngày bầu cử là cái "vui lớn của cả nước". Công sản tổ chức sao cho người hấp hối cũng phải bỏ phiếu, bằng cách mang hòm phiếu đến tận giường người sắp chết, rồi con cháu hoặc tổ dân phố cử người bỏ phiếu hộ. Cho nên cái mà báo chí cộng sản thường đưa tin đại loại như 99% hoặc !00% cử tri đi bỏ phiếu thì người đọc phải hiểu là ở khu vực bầu cử đó, tổ chức đảng cơ sở đã phối hợp với các cục hay phòng chức năng của Sở công an và Bộ công an làm được tốt cái việc kiểm tra định kỳ (các dịp bầu cử quốc hội hoặc hội đồng nhân dân) tư tưởng nhân dân ở địa phương mình quản lý vẫn khuất phục đảng là bao nhiêu phần trăm. Trước tháng tư 1975, có lẽ cả miền Bắc Việt Nam chỉ có một người duy nhất "tẩy chay" trò hề bầu cử của cộng sản mà chính quyền cộng sản phải nuốt hận làm vui, đó là đức Hồng-y Trịnh Như Khuê. Còn cán bộ và nhân dân thì bị tước luôn cả cái quyền "không muốn đi bầu cử" cũng không được. Bởi vì chính quyền cộng sản ngoài việc khủng bố tư tưởng trước và trong khi bầu cử, còn gắn việc bầu cử vào các quyền lợi hàng ngày của cán bộ và nhân dân, như muốn đi đâu phải xin giấy thông hành mà công an chỉ cấp thông hành với điều kiện đương sự phải xuất trình thẻ cử tri có đóng dấu của ban tổ chức bầu cử xác nhận đã đi bầu, nghĩa là đã bầu đúng như đảng hướng dẫn; phụ nữ có con mong muốn mua sữa tiêu chuẩn cho con nhỏ cũng phải xuất trình thẻ cử tri cùng tem phiếu cung cấp sữa; các hộ đi mua gạo, đi khám bệnh, đi làm giấy khai sinh, khai tử, hôn thú v.v... cũng phải xuất trình thẻ cử tri hợp lệ. Phóng viên báo chí và cơ quan thông tấn nước ngoài chỉ nhìn thấy nơi bỏ phiếu nhộn nhịp, mọi người ăn mặc chỉnh tề, nét mặt "phấn khởi" chứ chẳng bao giờ họ có thể thấy được những sơị dây vô hình và oan trái mà đảng cộng sản Việt Nam cột chặt cử tri với thùng phiếu mà đảng nặn ra. Sau năm 1975, nhân dân ở miền Nam Việt Nam chắc không thể quên được việc họ phải giữ gìn thẻ cử tri như bùa hộ mạng, kể từ lúc được làm công dân nước Việt Nam dân chủ cộng hòa và liền ngay đó đảng hứng trí đổi sang thành nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam.



Đảng cộng sản Việt
Nam đã dùng mọi biện pháp để đảm bảo tất cả đại biểu quốc hội là "nghị gật", là con bài của đảng đưa ra. Nhưng chắc chẳng ai có thể hiểu được những sự thực phũ phàng ở trong cái quốc hội bù nhìn ấy, là đảng còn cẩn thận cho hầu hết đại biểu của quốc hội là đảng viên, phải theo kỷ luật đảng là tán thành tất cả ý kiến đảng dù cho mình có ý kiến khác đôi chút. Đảng tuyển lựa những đại biểu quốc hội vốn là thành viên của chính phủ, của lãnh đạo đảng ở các tỉnh, số còn lại là đảng viên nhưng phải hoàn toàn "ngu dốt" như làm nghề quét rác, đổ phân, cu ly làm đường, đồ tể mổ bò v.v... bởi vì dốt thì chỉ có con đường duy nhất là "đồng ý" trong các cuộc họp của quốc hội, vì có biết mô tê gì đâu mà có ý kiến.


Trong quốc hội bù nhìn, cũng có một vài ngưới là nhân sĩ hoặc đảng phái khác mà cộng sản cho phép hoạt động như đảng Dân Chủ, đảng Xã Hội. Thế nhưng trong các cuộc họp của quốc hội, các đại biểu đó không được phép tự do tham luận, mà ai tham luận và nội dung tham luận cái gì là do Ban thư ký của quốc hội "giao nhiệm vụ". Đã thế, tham luận còn bị đại diện của cộng sản kiểm duyệt trước và cho ý kiến sửa chữa và xác nhận mới được nộp lên Ban thư ký Quốc Hội. Thí dụ : ngay như Trần Đăng Khoa, phó tổng thư ký đảng Dân Chủ Việt Nam kiêm phó chủ tịch quốc hội, ấy thế mà bản tham luận của ông ta phải đưa cho Nguyễn Việt Nam duyệt, là đảng viên cộng sản giữ chức ủy viên trung ương đảng Dân Chủ, phụ trách tuyên huấn và tổ chức của đảng Dân Chủ kiêm tổng biên tập tuần báo Độc lập, cơ quan "ngôn luận" của đảng Dân Chủ Việt Nam!!! (Sau tháng 4-1975, Nguyễn Việt Nam vào Sài-gòn và giữ chức chủ tịch hội đồng nhân dân Sài-gòn). Ngay như sinh thời của bộ trưởng giáo dục Nguyễn Văn Huyên, vốn là nhân sỹ trí thức, gần cuối đời được kết nạp đảng (kiểu làm cảnh như Nguyễn Hữu Thọ), nhưng bao giờ tham luận hoặc các bài nói chuyện của ông ta đều phải được đại diện đảng đoàn cộng sản ở Bộ Giáo Dục duyệt trước, mặc dù tất cả đều do thư ký riêng của ông ta (là đảng viên cộng sản và do ban tổ chức trung ương chỉ định) soạn thảo. Những người có "quyền" duyệt bài của bộ trưởng Nguyễn Văn Huyên lại là các "phó" của ông ta : các thứ trưởng giáo dục Hà Huy Giáp (bí thư đảng đoàn cộng sản), Võ Thuần Nho (ủy viên đảng đoàn, là em của tướng Võ Nguyên Giáp), Hồ Trúc (ủy viên đảng đoàn còn kiêm thêm ủy viên ban bí thư đoàn thanh niên cộng sản). Giờ đây, người nước ngoài và kể cả người Việt
Nam vẫn còn ngộ nhận cho rằng Nguyễn Hữu Thọ là người có quyền lực. Sự thật ông ta (tuy cũng đã được vào đảng cộng sản, kiểu như Nguyễn Văn Huyên) vẫn là bù nhìn, có khác là bù nhìn có tầm vóc lớn hơn và trang sức lòe loẹt hơn mà thôi. Hiện nay, tuy mang danh chủ tịch đoàn chủ tịch Mặt Trận Tổ Quốc, nhưng mọi việc là do phó của ông ta, nhân vật Phạm Văn Kiết tức Năm Vận, người đã được là một trong số 101 ủy viên chính thức của trung ương cộng sản Việt Nam sau đại hội cộng đảng lần thứ 4, quyết định.

Đảng cộng sản Việt Nam có thể quá kém cỏi trong lãnh đạo và quản lý kinh tế, nhưng họ rất "vô địch" về mặt đàn áp, thống trị, về tổ chức khống chế dân, bảo vệ an ninh chính trị, quản lý các nhà tù và lừa đảo, trí trá. Cho nên, trong lần bầu cử quốc hội bù nhìn lần thứ 9 này, có vẻ như "mới" hơn tám lần trước, ví dụ có cho "tự do ứng cử" bên cạnh sự giới thiệu của Mặt Trận Tổ Quốc; thành phần trí thức nhiều hơn; có người tưởng phải đắc cử lại rớt đài như Phạm Thị Thanh Vân, có người uy tín ở khu vực bầu cử còn cao hơn cả uy tín của người đứng đầu cộng đảng, như giáo sư Tôn Thất Bách được 91,96%, còn Đỗ Mười chỉ được 80,29%.


Nếu cộng sản đẻ ra 1001 cách đàn áp nhân dân thì nhân dân cũng có 1001 sáng kiến để chống trả. Tỷ lệ đắc cử 91,96% của giáo sư Tôn Thất Bách là một thí dụ. Vậy giáo sư Tôn Thất Bách là ai ? Sao ông giáo sư này có uy tín lớn như vậy ở cái đất Hà-nội, thủ đô của nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam với biểu tượng là cái lăng của ông Hồ Chí Minh được xây ở sân đua xe đạp do thực dân Pháp làm ra ?


Giáo sư bác sỹ Tôn Thất Bách là nhà phẩu thuật có tài, con trai của cố giáo sư bác sỹ Tôn Thất Tùng, nguyên giám đốc bệnh viện Việt-Đức (tức bệnh viện Phủ doãn ở Hà-nội). người tìm ra phương pháp mổ gan khô, người được qua Mỹ hội thảo về chất độc màu da cam sau năm 1975, khi về có một loạt bài đăng ở báo Nhân Dân (nếu đọc kỹ sẽ thấy sự ca ngợi nền tự do và giàu có ở Mỹ), và sau loạt bài viết đó thì đột ngột chết vì bệnh tim, mặc dù trước đó cả vợ con (đều ở ngành y) cũng như bạn bè, họ hàng và đồng nghiệp không ai nghe nói giáo sư Tôn Thất Tùng có bệnh tim bao giờ. Là một nhà chuyên môn đơn thuần, không đảng phái, trực tính nhưng cộng sản Việt Nam lợi dụng được nhiều ở uy tín cũng như lý lịch của giáo sư Tôn Thất Tùng để bôi bóng cho cái bánh vẽ "dân chủ", cho nên có nhiều câu nói và việc làm của giáo sư Tôn Thất Tùng, nếu là ở người khác chắc phải đi cải tạo mút chỉ, như giáo sư Tôn Thất Tùng rất coi thường "chuyên gia" nước đàn anh. Quan điểm cộng đảng Việt
Nam là phải coi "chuyên gia" như cha, chú, như thầy. Ngoài ra, giáo sư Tôn Thất Tùng còn có những câu nói kiểu "bạo phổi" như ông thường nói rằng ngoài sách về y khoa ra ông chưa bao giờ có thể xem một cuốn sách chính trị hoặc thơ văn của Việt Nam(tức của cộng sản) mà ông chỉ thích các loại "Série Noire" với các tác giả như Peter Cheney, Jean Bruce, Agatha Christie v.v... Là cháu rể của tổng đốc Vi Văn Định, có quan hệ cột chèo với giáo sư thạc sỹ Hồ Đắc Di và tiến sỹ bộ trưởng giáo dục Nguyễn Văn Huyên (hai ông này là con rể của tổng đốc Vi Văn Định), giáo sư Tôn Thất Tùng gần như ít chơi với ai ngoài 2 người họ hàng này. Giáo sư Tôn Thất Tùng tự hào dòng dõi hoàng phái của mình một cách công khai và ông thường tỏ vẻ "coi thường" công trình "súp-ti-lít" phòng lao của bác sỹ bộ trưởng y tế Phạm Ngọc Thạch (đảng viên cộng sản) là phản khoa học và ông xin từ chức thứ trưởng bộ y tế. Đây là trường hợp từ chức duy nhất trong chế độ cộng sản ở Việt Nam cho đến nay. Giáo sư Tôn Thất Tùng là thể hiện chủ nghĩa dân tộc của Việt Nam trong trí thức ở chế độ cộng sản miền Bắc Việt Nam. Đó là điều người Hà-nội yêu mến ông ta vì từ lý lịch đến nói và hành động hoàn toàn ngược lại với dòng "chính thống" của cộng sản Việt Nam. Có lẽ do ảnh hưởng của gia đình, nên ngay từ lúc còn ngồi ở trường Phổ thông 3A ở Hà-nội, giáo sư Tôn Thất Bách đã có hành động được nhiều thanh niên cùng lứa tuổi kính phục : đó là từ chối làm đơn gia nhập đoàn thanh niên cộng sản. Nếu không phải là con giáo sư Tôn Thất Tùng, lá bài "dân chủ" của đảng, thì chắc học sinh Tôn Thất Bách đã bị đuổi học.

Trong trò hề bầu cử quốc hội khóa 9 này, nắm bắt được giáo sư Tôn Thất Bách cũng giống cha, là nhà chuyên môn đơn thuần nên cộng đảng giới thiệu ra ứng cử cho đủ màu sắc. Người dân Hà-nội, quá quen võ của cộng sản nên đã lách qua chỗ sơ hở không thể tránh được của đảng mà biểu lộ ý kiến của mình một cách "hợp pháp". Cái ý kiến đó là : chúng tôi tín nhiệm một người phải là trí thức; một người lý lịch gia đình và bản thân không nằm trong công thức của cộng sản; một người mà lúc còn trẻ đã ý thức được rằng không nên gia nhập một tổ chức "cánh tay mặt" của đảng cộng (có lẽ vì mường tượng thấy nó là tổ chức "không đàng hoàng").


Đỗ Mười, người quyền hành nhất ở Việt Nam bấy giờ bị thua tín nhiệm khá xa (dù trong bầu bán lòe bịp) đối với một người không quyền hành, xuất thân "phong kiến", ngay ở khu vực bầu cử thuộc thủ đô Hà-nội (đại diện của cả nước) là bằng chứng rõ ràng rằng nhân dân Việt Nam sẽ lựa chọn chế độ chính trị nào nếu có một cuộc bầu cử thực sự công bằng và tự do !



Còn việc bầu cử ở Sài-gòn thì sao ? Có hai sự việc đáng lưu ý : một là bà luật sư Ngô Bá Thành (tên khai sinh là Phạm Thị Thanh Vân) được Mặt Trận Tổ Quốc giới thiệu ra ứng cử ở đơn vị bầu cử số 4 ở Sài-gòn bị... rớt đài. Theo bà Ngô Bá Thành tuyên bố lý do ngã ngựa của bà, ấy là do có gian lận trong khu vực bầu cử 4 nhằm loại trừ bà ra khỏi quốc hội khóa 9. Qua trả lời phỏng vấn của phóng viên đài BBC, bà luật sư Ngô Bá Thành nói rằng :"...ở những tổ mà người ta mạn đàm về việc bầu cử thì đả có những sự hướng dẫn là đừng có bỏ phiếu cho tôi, vì tôi nhiều lần ở quốc hội đã đưa ra những ý kiến rất là thẳng thắn lên án những người vi phạm luật pháp, dù người đó là ai, trong đó tất nhiên dẫn đầu là tham nhũng..."



Trước khi nhận xét ý kiến của bà luật sư Ngô Bá Thành, nghĩ rằng cần thiết nhắc lại "quá trình làm cách mạng" của bà Ngô Bá Thành. Là một trí thức được đào tạo tại phương Tây, bà luật sư Ngô Bá Thành làm việc và sinh sống ở Sài-gòn. Ông thân sinh ra bà là thú y sỹ Phạm Văn Huyến cũng từng hăng hái chống chính quyền Sài-gòn, ủng hộ Hà-nội nên bị tướng Nguyễn Cao Kỳ cho đẩy ra miền Bắc. Chắc cũng tưởng sẽ được đón tiếp như một anh hùng (loại hoang tưởng), nào ngờ cộng sản Hà-nội coi ông thú y sỹ Huyến quá tầm thường, cho ở một căn phòng độ 12m2, tháng tháng ra Mặt Trận Tổ Quốc lãnh 45 đồng tiền Hà-nội (bằng lương bậc 2 của nhân viên bưng cà phê ở cửa hàng quốc doanh). Chỉ mãi đến khi cộng đảng quyết định dùng lá bài Ngô Bá Thành quấy phá chính quyền Nguyễn Văn Thiệu nhằm làm suy yếu lực lượng quốc gia chống sự xâm lăng của cộng sản thì thú y sỹ Huyến mới được nâng "trợ cấp" lên gần 80 đồng, được đổi sang một căn phòng rộng hơn tý chút và được quét vôi lại tường cho "vệ sinh". Bà luật sư Ngô Bá Thành bị chính phủ Nguyễn Văn Thiệu bắt giam tại đề lao Gia-định, bà tuyệt thực (nhưng vẫn húp trứng gà và uống sữa). Tuy ở tù nhưng bà vẫn được họp báo để phê phán chế độ Sài-gòn.

Sau tháng 4-1975, cộng sản Hà-nội chưa lường đúng chỗ "yếu" của miền Nam nên hết sức quan tâm công tác "địch vận". Họ tuyên bố chính sách "hòa hợp, hòa giải dân tộc", tuyên bố "duy trì năm thành phần kinh tế". Viên tướng hậu cần Đinh Đức Thiện cho mở lớp nghiên cứu chính trị cho trí thức ở miền
Nam làm như đảng cộng thực lòng yêu quí trí thức. Trong khi đó, ở Hà-nội, Xuân Thuỷ, bí thư trung ương cộng đảng, phó chủ tịch quốc hội cho mời cựu thị trưởng Hà-nội trước 1954 là ông dược sỹ Thẩm Hoàng Tín ăn cơm, gặp gỡ thú y sỹ Phạm Văn Huyến ủy lạo và gợi ý có thể sẽ đề cử bà luật sư Ngô Bá Thành làm chủ tịch ủy ban nhân dân Sài-gòn sau khi thành phố này hết thời kỳ do quân quản cai trị. Được tin này, bà luật sư Ngô Bá Thành ngồi trong căn nhà riêng ở kế Nhà Đèn (chắc là) ngửa mặt lên trời cười lớn ba tiếng cho rằng ngôi mộ tam đại bắt đầu phát !

Nào ngờ, hầu hết các tướng tá, quân đội cũng như nhân viên chính quyền, tổ chức đảng phái ở miền
Nam đều mắc quả lừa "hoà hợp, hòa giải" của cộng đảng, đem thân vào chốn tù đày. Đó là lý do sự chống đối quá yếu ớt của miền Nam. Cho nên cộng đảng thấy không cần thiết phải đeo "mặt nạ" dựng "con rối" nữa. Nhiệm vụ bù nhìn của Mặt Trận Giải Phóng, của Chính Phủ Lâm Thời Cộng Hòa Miền Nam Việt Nam, của đảng Nhân Dân cách mạng đã hết. Lịch sử đã sang trang, cộng đảng lộ nguyên hình không cần biến hóa nữa; cụ Thẩm Hoàng Tín không được Xuân Thuỷ mời ăn cơm lần thứ hai. Phương án "chủ tịch Sài-gòn Ngô Bá Thành" bị quăng vào sọt rác. Tiếc rằng bà luật sư Ngô Bá Thành, có thể có học về luật nhưng "nhẹ dạ" về chính trị và cứ "hoang tưởng" sẽ là một thứ Nguyễn Thị Định chăng. Bà ta từ chối cái ghế giáo sư ở đại học Mỹ, ra sức "ca ngợi" cộng sản Hà-nội (bảo hoàng hơn cả nhà vua), tưởng rằng nếu không làm chủ tịch Sài-gòn thì chí ít cũng giữ một ghế bộ trưởng. Bà đã chuẩn bị tư tưởng và kiến thức nên khuân về nhà đủ các sách lý luận chính trị của nhà xuất bản Sự Thật, từ Marx, Lénine đến Hồ Chí Minh, Lê Duẩn, Trường Chinh và Phạm văn Đồng v.v... Quyết tâm theo cộng sản nhưng bà chẳng hiểu gì về cộng sản . Sở dĩ bà Nguyễn Thị Bình được làm bộ trưởng giáo dục trong chính phủ thống nhất, cũng như trước đó là bộ trưởng ngoại giao của chính phủ lâm thời con rối Cộng Hòa Miền Nam Việt Nam, cướp chỗ của Trần Bửu Kiếm, để đọc các bài được viết sẵn ở hội nghị Paris về Việt Nam, là vì bà Bình đã từng là thư ký riêng của Nguyễn Thị Thập, ủy viên trung ương đảng cộng từ khóa 2, chủ tịch hội Liên Hiệp Phụ Nữ. Bà Bình đã vào đảng cộng từ lâu, do Nguyễn Thị Thập kết nạp, và đã được cho làm Vụ phó Vụ lễ tân bộ ngoại giao của chính phủ cộng sản Hà-nội. Chính ở đây, bà Bình với vẻ duyên dáng, giọng nói ấm áp, đã lọt vào "mắt xanh" của bộ trưởng Xuân Thủy, bí thư trung ương đảng cộng. Xuân Thủy giữ chức vụ bộ trưởng ngoại giao cho đến khi làm nhiệm vụ hòa đàm ở Paris mới bàn giao cho Nguyễn Duy Trinh. Trong con mắt của ông lang băm Xuân Thủy, bỏ nghề dao cầu đi làm cách mạng vô sản, thì phụ nữ muốn tham chính phải có tiêu chuẩn "đẹp". Cho nên ngoài bà Bình là người được Xuân Thủy nâng đỡ, còn một cô gái đẹp nữa là cô tự vệ ở thị xã Thanh Hóa, tên Nguyễn Thị Hằng, tuy chỉ là chiến sỹ thi đua, còn thua xa về thành tích so với Ngô Thị Tuyển là anh hùng toàn quốc. Nhưng Tuyển hơi "xấu", còn Hằng cao lớn, trông như lai, thật là mát mắt, cho nên đã được Xuân Thủy lôi về từ hợp tác xã đan cói, hấp một cái thành đại biểu quốc hội, thành viên có giá của ủy ban đối ngoại. (hiện nay Hằng là ủy viên trung ương chính thức cộng đảng khóa 7). Còn bà Ngô Bá Thành, đã chẳng phải là đảng viên, về hình thức, dung nhan ở dưới mức trung bình thì làm sao đủ "tiêu chuẩn làm quan tắt" được.



Được cộng đảng cho một chân đại biểu quốc hội. Tất nhiên là được Mặt Trận Tổ Quốc "hiệp thương" giới thiệu ra ứng cử ở Sài-gòn. Tất nhiên là được "ở những tổ mà người ta mạn đàm về việc bầu cử thì đã có những sự hướng dẫn là bỏ phiếu cho" bà luật sư Ngô Bá Thành, và quả nhiên bà Ngô Bá Thành đã trúng cử theo đúng cách thức bầu bán như lần này bà thất cử. Nhưng chỉ lần này, vì rớt đài bà Thành mới thấy "sự gian lận", mới chua chát "phủ nhận giá trị pháp lý, chính trị, đạo lý của cuộc bầu cử" . Bà khoe với phóng viên đài BBC rằng :"nhiều lần ở quốc hội đã đưa ra những ý kiến rất là thẳng thắn lên án những người vi phạm luật pháp, dù người đó là ai...". Chuyện "lên án" này chắc chỉ có bà Ngô Bá Thành và người bị bà lên án biết với nhau. Còn người dân, người ta chỉ thấy bà là con người tráo trở "ăn cơm của miền Nam (trước 4-1975) để quấy phá miền Nam", hãnh tiến vì nhiều cuộc họp của dân phố Sài-gòn, nhân dân yêu cầu bà đến dự, nhưng bà "khinh", không thèm đến dù cho chỉ là một lần. Bà nghĩ là gần gũi với "trung ương" nên xem thường "địa phương", thậm chí bà cũng chẳng thèm đến họp với đoàn đại biểu quốc hội (bù nhìn) thuộc thành phố Sài-gòn. Đã từ lâu, trên các báo Sài-gòn Giải phóng, Tuổi trẻ v.v... người ta lên án thái độ nịnh trên, coi thường cử tri của bà. Giới lãnh đạo cộng sản coi bà là đày tớ trung thành, căn cứ vào những phát biểu của bà khi công du ra nước ngoài, nào là chính sách giam giữ sỹ quan, nhân viên... chính quyền ở Sài-gòn cũ là đúng, là nhân đạo v.v... trong khi mà bà đã từng được đối xử ra sao khi bị chính phủ Nguyễn Văn Thiệu giam ở đề lao Gia-định. Cũng cái đề lao đó nay đổi thành T.20 (hoặc trại giam Phan Đăng Lưu), tù nhân bị giam tàn bạo như thế nào, đã bao giờ bà dám "thẳng thắn lên án những người vi phạm luật pháp" chưa ? Chưa bao giờ. Nếu còn trong thời hoàng kim, chắc chắn giới lãnh đạo cộng sản tiếc gì bà một chỗ ngồi "gật đầu" trong quốc hội bù nhìn. Nhưng giờ đây chính bọn họ đã thấy sức mạnh của nhân dân ở Nga Xô (xưa) và các nước Đông Âu (cũ) cũng như lòng căm phẫn của nhân dân Việt Nam ở trong và ngoài nước. Họ đành "thí" bà, hy vọng nhất thời xoa dịu được chút nào lòng dân đang bất mãn với chế độ hiện hành. Ngã đau thật, nhưng bà luật sư Ngô Bá Thành vẫn hoang tưởng suy diễn rằng :"Tôi hiện giờ là chủ nhiệm ủy ban pháp luật của quốc hội khóa 8, nếu tôi đắc cử lần này thì chắc là quốc hội cũng sẽ bầu tôi tiếp tục làm chủ nhiệm ủy ban". Đọc câu phát biểu trên, dù là con nít cũng thấy bà Ngô Bá Thành tâm thần không ổn định.


Là người trong cuộc của những tró hề bầu cử và ứng cử của cộng sản; là người có bằng cấp chứng nhận kiến thức về luật pháp, vậy mà điều đơn giản là tất cả các cuộc bầu bán dưới chế độ cộng sản đều là gian lận có tổ chức chặt chẽ, là phi pháp lý, phi chính trị, phi đạo lý, bà luật sư Ngô Bá Thành vẫn chưa nhận ra và "thẳng thắn" nêu những điều đó khoanh tròn trong đơn vị bầu cử 4 ở Sài-gòn, nơi bà bị gãy ghế. Quả là thẳng thắn vậy thay ! Nhất là đoạn thư bà gửi cho Hội đồng bầu cử, rằng :... "Tôi phải công khai bày tỏ thái độ của mình trước sự bôi nhọ nền dân chủ xã hội chủ nghĩa mà tôi đã dày công vun đắp trong quá trình làm người đày tớ thật trung thành của nhân dân tại quốc hội, từ ngày đất nước sạch bóng quân thù và tiến lên xây dựng chủ nghĩa xã hội trong cả nước dưới sự lãnh đạo của đảng cộng sản Việt Nam." Đọc những dòng lâm ly trên của một phụ nữ tuổi đã xế chiều, vốn không nhan sắc, dù Xuân Thủy còn sống chắc cũng mủi lòng cho "người đày tớ thật trung thành"; bị chủ vứt sọt rác mà vẫn "trung thành"; còn nhà trường và các giáo sư đã có công đào tạo ra cái loại "trí thức, luật gia" đó chắc phải che mặt xấu hổ.


Sự việc thứ hai đáng chú ý ở Sài-gòn trong bầu cử là việc Nguyễn Hữu Khương, đại tá, giám đốc sở công an Sài-gòn, đã đắc cử. Vậy Nguyễn Hữu Khương là con người như thế nào ? Ông ta vốn xuất thân bên quân đội, từng là đệ tử ruột của viên đại tá quân đội mang họ Hồ, chuyển ngành ra làm phó ban kinh tế của Mặt Trận Tổ Quốc Việt Nam mà trưởng ban là bà Nguyễn Thị Dung, mẹ vợ của Huỳnh Tấn Mẫm, có một thời gian làm đại sứ cho cộng sản Hà-nội ở Liên hiệp quốc. Viên đại tá họ Hồ này có dính liú vào nhiều vụ việc bê bối về kinh tế ở Mặt Trận Tổ Quốc, và đột ngột chết, một cái chết còn nhiều bí ẩn ở nhà riêng tại đường Võ Thị Sáu (Hiền Vương cũ) Sài-gòn. Khương được chuyển qua Sở công an Sài-gòn khi đeo lon đại úy, rồi lên thiếu tá trưởng phòng quản lý trật tự an ninh chính trị và an toàn xã hội, một đệ tử thân tín của thượng tướng công an Lâm Văn Thê. Năm 1987, Khương được thăng phó giám đốc phụ trách thường trực Sở công an Sài-gòn, đeo lon trung tá. Và, khi Lâm Văn Thê chết, Nguyễn Hữu Khương được giữ chức quyền giám đốc Sở công an và đầu năm 1991 được vào thành ủy của Sài-gòn. Con đường quan lại thật trôi chảy bởi Nguyễn Hữu Khương được "phe cộng sản miền Nam" coi là người "Nam" hoàn toàn, không dính dáng gì đến miền Bắc, nhất là chưa bao giờ có quan hệ với giới chức công an chóp bu ở Hà-nội. Đã thế Nguyễn Hữu Khương lại cực kỳ khôn ngoan với các cấp lãnh đạo của thành phố, đã giúp Võ Trần Chí và nhóm Nguyễn Vĩnh Nghiệp đẩy Phan Văn Khải ra Hà-nội bằng một số "tang chứng" cụ thể; đã làm lớn vụ Đường xuân quán nhưng lại cho chìm luôn vụ cháy Immexco, cũng như các vụ bê bối khác của con rể Nguyễn Vĩnh Nghiệp (chủ tịch thành phố Sài-gòn, thay Phan Văn Khải) v.v... cũng như của Ba Thi (giám đốc công ty lương thực Sài-gòn) là người làm kinh tài riêng cho giới chức cộng sản "miền Nam". Cho nên Nguyễn Hữu Khương đã nhanh chóng được nhận chức giám đốc thực thụ của Sở công an Sài-gòn và đeo lon đại tá. Giờ đây, đại tá Nguyễn Hữu Khương được vào quốc hội khóa 9 chính là do ý đồ của nhóm miền Nam (cộng sản) muốn đánh bóng lá bài này, chuẩn bị cho việc giành giật chỗ đứng trong ngành công an của cả nước. Vì công an không chỉ là công cụ chuyên chính của chế độ, mà lúc này, cái lúc "mở cửa" làm ăn buôn bán, các chức sắc cộng sản chóp bu ở cả hai miền Nam và Bắc của Việt Nam đều cho vợ con, họ hàng và tay chân thân tín "bung ra" làm ăn kinh tế, cố vơ vét thật nhiều đề phòng khi nhân dân nổi dậy còn "dọt" ra nước ngoài có vàng và dollars Mỹ mà xài, độ vài đời, thì phải có người trong phe mình nắm chức vụ chủ chốt trong ngành công an và hải quan để bảo vệ và giúp đỡ cho những "dịch vụ bê bối" được thuận buồm xuôi gió. Đó cũng là lý do Giám đốc Hải quan Sài-gòn mới vừa bị đình chỉ công tác nhưng có lẽ lại được thăng lên Tổng cục phó Hải quan !(?)


Bản hiến pháp 1992 của cộng sản Việt Nam đã ra đời. Dù cho có cởi mở tý chút trong bầu cử quốc hội bù nhìn khóa 9 lần này thì cũng chẳng ai làm gì vượt được ra ngoài quỹ đạo mà hiến pháp qui định cho đảng cộng sản địa vị độc quyền cai trị đất nước; phải xây dựng chủ nghĩa xã hội (nghĩa là điều khỏan cho phép đến một lúc nào đó có thể ăn cướp của dân dưới hình thức gọi là "thủ tiêu quyền tư hữu về tư liệu sản xuất"; phải lấy tư tưởng Hồ Chí Minh làm gốc (nghĩa là được phép vô liêm sỉ trong ứng cử).


Tuy nhiên, qua lần bầu quốc hội bù nhìn khóa 9 lần này, chúng ta thấy được sự lúng túng của giới chức cầm quyền cộng sản trước cao trào giành dân chủ thực sự của nhân dân Việt Nam; thấy được sự phân hóa trong giới lãnh đạo, chia thành bè nhóm; và nhất là thấy được lòng dân Việt Nam quá chán ghét và căm phẫn những gì là "cộng sản".


Đối với cộng đồng Việt Nam ở hải ngoại, những ai còn lăm le "đi đêm" để "theo đóm ăn tàn" của cộng sản hãy nhìn vào tấm gương "thí quân" mà Ngô Bá Thành là nạn nhân tự nguyện.

15-8-1992
Việt Thường

No comments:

Post a Comment