Pages/ Tác giả

Monday, September 27, 2010

Dân oan-Nhất Tâm-Linh-mục và tôi

Linh-mục và tôi.

Nhất Tâm Atlanta, Georgia USA.

Hồi nhỏ tôi hay đến nhà cha xứ chơi .
Thường thì vào những ngày không đi học và cũng không phải là ngày chủ nhật.
Tôi thích đến chơi với cha, vì cha có khẩu súng hai nòng, chiều chiều cha con đi bắn chim .
Buổi sáng đi lễ về, ăn mấy củ khoai hay chén cơm chiên , rồi vội vã
‘’Thưa ba má con đi chơi, mẹ tôi hỏi con đi mô.
_Con đi ra cụ, mẹ nói, trưa lo về mà ăn cơm.’’.
Thế là tôi chạy ù một mạch đến nhà xứ.
Gặp cha, tôi vòng tay ‘’Thưa cha ‘’.
_ Bữa ni con không đi học à ?
_ Dạ không.
_ Thì vô đây vê đạn với cha, chiều rồi cha con ta đi bắn.
_ Dạ.

Công việc của tôi là lấy những thỏi chì dài, tròn bằng chiếc đũa mà cắt nhỏ bằng hạt đậu, vì nó không tròn nên phải vê cho tròn ,bỏ vào vỏ đạn, (cà tút) bên dưới là thuốc súng (cha tự chế cũng có, mà đôi khi cha mua của những người làm pháo ) một miếng giấy cứng cắt tròn ,bỏ vào để ngăn thuốc súng với những hòn chì đã vê tròn.
Thông thường là chín viên, cũng có loại viên nhỏ bỏ vào đến mười hai viên .Lại có loại đặc biệt chỉ có một viên thôi, viên nầy to bằng đốt ngón tay nhưng phải vê cho tròn , vì những viên chì vo tròn, khi bắn viên đạn đi mới chính xác,
Khi đã bỏ những viên chì vào vỏ đạn thì lại bỏ một miếng bià cứng cắt tròn đè lên rồi nấu sáp chảy ra và đổ lên trên. Sau cùng là phần hạt nổ. Đàng sau vỏ đạn (cà tút ) có cái lỗ nhỏ bằng hạt đậu xanh thì gắn cái hạt nổ vào (cha tự chế) và lấy sáp chà cho khít lại, thế là xong qui trình một viên đạn cho súng hai nòng mà thường người ta gọi là súng ‘’cà líp đu.’’

Loại đạn mười hai viên dùng để bắn chim bầy và gần, gọi là đạn ria.
Loại chín viên thì bắn môt mục tiêu mà xa, gọi là đạn chín.
Loại một viên thì dùng để bắn thú, gọi là đạn độc.
Cách làm tròn viên chì thì cũng không khó, nhưng mất nhiều giờ mà cũng đổ mồ hôi .

Cha K. sống rất dản dị, vui vẻ mà nghiêm, khi đi ra ngoài thì luôn luôn mặc áo chùng đen (áo linh-mục ), ở nhà thì Ngài mặc bộ đồ trắng trông rất hiền từ thanh thoát.
.Trong nhà chỉ có một ông già nấu ăn cho cha, người xứ đạo chúng tôi gọi ông ta là ông ‘’Bọ’’.
Ngài sống với mọi người rất bình dân và hài hòa, ai đến với Ngài lúc nào cũng được.
Ai đến mà công việc không có gì quan trọng thì ngồi ở ghế dài, nơi chỗ cha con tôi đang làm đạn, cùng nói chuyện.
Nếu ai nói, con có việc thưa cha, thì cha đứng dậy rửa tay, mặc áo linh mục rồi mới ra phòng khách.

Những ngày tôi đến với Ngài, không có ngày nào lại không có người đến. Thường là dân trong xứ đạo đến để cho cha vật nầy vật nọ hoặc xin lễ.

_Thưa cha, bữa ni nhà con bắt được con cá to đưa đến hầu cha.(hầu là biếu)
_Thưa cha, cha mẹ con nói có buồng chuối chín, sai con đem nải ả đến hầu cha.(nải ả là nải chuối đầu to nhất)
_ Thưa cha, ngày X là ngày giổ của cha con, mà con không có tiền, xin cha làm cho cha con một lễ cầu cho linh-hồn Y.Con có gánh đến hầu cha gánh củi.

Đêm khuya, ông trùm ( chủ tịch giáo xứ) đến thưa cha có kẻ liệt là Ngài sốt sắng đi liền
Ông trùm cầm đèn đi trước , cha xứ mang áo mưa xắn quần lội bùn theo sau,vào những ngày mưa phùn gíó bắc. Ngài không có xe ô-tô cũng không có xe máy, (Dream) như quí cha thời nay, cũng không có xe đạp, chỉ có đôi chân con cò mà thôi, nhưng nơi nào cần là có Ngài, nhà nào Ngài cũng viếng thăm, có khi cho cả chim chóc mà Ngài bắn được.

Mùa mưa bão là mùa nhiều ông bà già về chầu Thiên Chúa nhất. Ai xin lễ cầu cho linh hồn ông bà, cha, mẹ, hay cho linh hồn nào khác, dù có tiền hay không thì Ngài cũng làm như nhau.Giữa nhà thờ gần cung thánh có lập một cái quan tài gỉa,che phủ khăn đen viền trắng, nến đèn, thánh-giá. Sau thánh lễ cha vào phòng trong thay áo choàng, rồi với chú giúp lễ ra làm phép mồ, rảy nước thánh, xông hương và cùng giáo dân đọc kinh cầu hồn.

Ngài lo việc phần hồn. Sáng nào cũng dâng thánh lễ Misa, chiều tối ngồi toà và đọc kinh chung.
Sáng thứ năm, lễ dành cho đoàn Nghiã-binh thánh thể.
Chiều thứ sáu Ngài cùng đi đàng thánh giá với dân xứ đạo, chiều thứ bảy chầu thánh thể và ngồi toà.

Từ ngày tôi đến với Ngài cho đến khi Ngài rời khỏi quê tôi, tôi chưa thấy lúc nào Ngài đau ốm. Tôi cũng không thấy Ngài đi nghỉ (Vacation),hay đi du lịch cho biết đó biết đây.Ngài làm việc CHÚA không lương.
Việc điều hành xứ đạo thì xứ đạo chung lo. Không bao giờ Ngài bận tâm đến tiền bạc, hay việc xây nhà thờ nhà xứ cho hơn xứ khác.
Đó là việc quản trị của người dân xứ đạo quê tôi.

Thưa cha , thưa cha và thưa cha. Tình cụ xứ với dân xứ đạo Vạn-căn quê nghèo mà sao êm ấm vậy?Tình cha con chân tình khăn khít vậy?.

Không phải chỉ một cha K. xứ đạo Vạn-căn như thế đâu, mà tôi biết xứ đạo Thọ-vực có cha già T. xứ Tri-bản có cha già CH. xứ Kẻ-vang có cha H.và xứ Thổ-hoàng có cha A.,cha nào trong địa hạt mà tôi biết cũng đối xử với giáo dân như vậy cả.Cha với dân xứ đạo, mà cũng như người cha hiền lành trong gia đình vậy.

Từ ngày đảng cướp quyền cai trị ở miền bắc phát động phong trào giảm tô, thì tình cha xứ với dân xứ đạo dần dần phai lạt, ai vào cha thường bị gán cho tội ’’ làm tay sai phản động’’.
Cho đến khi có đội cán bộ về huyện, xã, thôn tuyên bố : ‘’Phóng tay phát động phong trào cải cách ruộng đất, bắt giết địa chủ, đấu tố các cha, thì nhà xứ không còn ai dám lui tới nữa".Tình cha con chỉ còn trong ánh mắt và tiếng kinh cầu...
Tại địa phận Vinh, Đức giám-mục Gioan Baotixita Trần hữu Đức cũng bị chúng đem ra đấu tố tả tơi, rồi đem đi nhốt hết chùa hoang nầy đến lều hoang nọ cho chết đói. Thế mà không chết mới là lạ cho bọn chúng chứ.
Chủ chiên bị đánh tơi bời mà đàn chiên địa phận Vinh vẫn kiên gan âm thần sinh hoạt và tồn tại, nhờ gương sáng của chủ chiên
Chủ chiên bị đánh nhưng không gục ngã, vẫn kiên trung không khuất phục, sẵn sàng chịu chết, chịu tù vì sự công chính, phản bác sự dối trá lừa bịp của kẻ cướp quyền cai trị. Đã có nhiều linh mục bị tù đày và đã chết trong tù như linh-mục H. giáo xứ Tràng-lưu mà tôi biết rõ.

Từ ngày tôi rời quê tôi, tháng giêng năm 1959 đến nay tôi đã ngoài bảy bó tuổi đời, đi khắp bốn miền chiến thuật, từ bắc vào nam, từ Việt-nam sang Mỹ, mà chưa có cơ duyên gặp được một linh-mục như linh-mục quê tôi ngày ấy,
Nỗi buồn cho tôi ? cho Giáo-dân ? hay cho Giáo hội công-giáo Việt-nam???

Tôi nhớ mãi trong tâm trí, không bao giờ quên được, một ngày Chúa nhật, ngày mà cha K. đọc bài-sai (sự vụ lệnh ) của Đức Giám-mục địa phận Vinh : Đức cha Gioan Baotixita Trần hữu Đức, chỉ định Ngài đi nhận xứ khác.
Cả nhà thờ sáng hôm đó đều khóc thút tha thút thít.

Xứ đạo quê tôi tiễn Ngài ra bến đò.
Ngài lên đò nói lời từ biệt.
Ông trùm nói lời tiễn đưa, nhưng có ai nghe gì đâu. Chỉ nghe tiếng khóc cha ơi! Cha ơi là cha ơi , cảnh tượng như một đám tang không có quan tài.
Thuyền rời bến đỗ, thuyền càng ra xa, tiếng cha ơi càng lớn.

Tôi trở về nhà với cặp mắt sưng vù.


Nhất Tâm Atlanta, Georgia USA.

No comments:

Post a Comment