Pages/ Tác giả

Sunday, September 5, 2010

DLHTN-Dòng chính


Duyên-Lãng Hà Tiến Nhất

Lúc này, từ ngữ “Dòng Chính” được sử dụng khá phổ biến trong cộng đồng người Việt tỵ nạn tại Hoa Kỳ. Nhan nhản trên báo chí, trên radio, trên talkshow, trên internet, người ta không ngớt nói đến báo chí dòng chính, chính trị dòng chính. Thiển nghĩ, trong tương lai, biết đâu sẽ có thêm: Tôn giáo dòng chính, Thương mại dòng chính, Kỹ nghệ dòng chính, Dịch vụ dòng chính nữa v.v. Những chữ mới ước đoán chưa đi vào sử dụng, chúng tôi chưa dám bàn tới, chỉ xin tản mạn đôi điều về hai từ ngữ đang được nói hoặc viết nhiều là các chữ truyền thông dòng chính, và chính trị dòng chính thôi.

Truyền Thông Dòng Chính

Nhóm chữ “truyền thông dòng chính” là một chuyển ngữ từ Mainstream Media của tiếng Mỹ. Chắc chắn thế rồi. Đã “chính”, thì tất nhiên phải có “tà”. Chính/tà là hai phạm trù đối nghịch. Đã có truyền thông dòng chính thì ắt phải có truyền thông dòng tà, nhưng không nghe ai nói đến truyền thông dòng tà. Cũng vậy, có chính thì không thể không có phụ. Chính/phụ là hai giá trị đẳng cấp. Có truyền thông dòng chính, nhưng không thấy có truyền thông dòng phụ ở nước Mỹ này. Ít nữa bên VN hiện nay, người ta còn phân biệt ra báo chí lề phải của bọn thống trị, với báo chí lề trái tức báo chui của người dân bị trị. Hoặc, thông tin trong luồng do các ống loa chính thức phát ra, với thông tin ngoài luồng của dân chúng ngoài đường, ngoài chợ. Chung nhất, có cái chính thì ít ra cũng phải có cái gọi là “không chính” nào đó. Như thế mới phải. Nhưng đáng tiếc, chúng ta đã không có truyền thông nào là truyền thông ngoài dòng chính cả. Như thế có phải truyền thông dòng chính một mình một chợ trong cái chế độ dân chủ đa nguyên của nước Mỹ mà chúng ta đang sống không? Tò mò một chút, đi tìm câu giải đáp cho cái thắc mắc này có lẽ cũng không phải là chuyện vô ích.

Trong Thế Chiến I, qua những thỏa thuận bí mật và xảo quyệt, sau khi nước Mỹ cam kết tham gia vào cuộc chiến, các chiến lược gia chính trị nhận ra rằng mọi sự đã sẵn sàng, nhưng còn có một cái gì đó chưa ổn, đó là vấn đề lòng dân. Làm sao chinh phục được cảm tình của quần chúng là vấn đề cần phải đặt ra. Lúc đó Wall Street kiểm soát nhiều bộ phận quan trọng đáng kể của ngành truyền thông. Gia đình Morgan, một thế lực nổi tiếng về ngành ngân hàng, phát triển tới mức thành một đế quốc tài chánh và kỹ nghệ, đã lựa chọn những nhà quản lý hàng đầu để điều khiển nhà phát hành Harper & Brothers lúc đó đang gặp khó khăn. Riêng trong lãnh vực báo chí, Pierpont Morgan đã kiểm soát các tờ The New York Sun, The Boston, News Bureau, Barron’s magazine, và The Wall Street Journal. Tháng 3 năm 1915, khả năng của nhà Morgan, của các ngành sắt thép, đóng tầu và vũ khí, cũng như những cơ sở phụ thuộc của họ đã tập hợp được 12 nhà báo thượng thặng trên thế giới. Những nhà báo này được mướn để làm công việc là lựa ra một số tờ báo có ảnh hưởng nhất tại Hoa Kỳ và đủ hữu hiệu để kiểm soát chính sách chung hàng ngày của báo chí. Họ thấy rằng cần phải mua chuộc sự kiểm soát của 25 tờ báo và các hãng tin lớn như NewYork Times, Washington Post, NBC, CBS v.v. Sự thỏa thuận đạt được tức là đường lối của tờ báo đã bị mua đứt. Mỗi tờ báo được đặt một chủ bút để giám sát cặn kẽ mọi thông tin liên hệ tới các vấn đề thời sự, quân sự, các chính sách về tài chánh, và tất cả các vấn đề quốc gia cũng như quốc tế được coi là sống còn đối với lợi ích của những người đã bỏ tiền mua các tờ báo đó. Đến năm 1937, tập đoàn Morgan đã kiểm soát được dịch vụ quảng cáo hơn bất cứ một nhóm tài chánh đơn độc nào. Đấy là bước khởi đầu báo chí Mỹ sắp hàng đi vào hệ thống, có lãnh đạo, và được chỉ đạo cho mục đích làm ăn của các “đại gia”.

Qua thời gian và qua những tiến bộ của khoa học kỹ thuật, truyền thông trở thành một sức mạnh có thể nói là vô địch. Kết quả thần sầu quỉ khốc của chiến dịch phản chiến của hệ thống truyền thông Mỹ trong cuộc chiến VN là một thí dụ điển hình nhất. Thời Đệ I VNCH, trong biến cố HT Thích Quảng Đức “tự thiêu”, chỉ có hai nhà báo thuộc truyền thông dòng chính Mỹ được mời đến chụp hình và làm phóng sự là David Halberstam của New York Times và Malcolm Brownes của AP. Hai nhà báo này sau đó được lãnh giải thưởng Pulitzer vì công lao thổi lửa thiêu rụi được cả chế độ Đệ I VNCH, đưa miền Nam dần đến chỗ mất nước hoàn toàn. Hệ thống này bao gồm không những báo viết, radio, mà lợi hại nhất là truyền hình và internet. Chính vì thế các tập đoàn tư bản, các chính quyền, dù là dân chủ hay độc tài, đều muốn nắm truyền thông trong tay. Hệ thống truyền thông đề cập đến trên đây hiện nay được xây dựng thành một đội ngũ, mà những cơ quan truyền thông khác của Mỹ nằm ngoài nó gọi nó là Truyền thông dòng chính, tức Mainstream Media. Cũng có khi người Mỹ gọi là truyền thông cấp tiến (Liberal Media). Và đôi khi nữa là truyền thông tả phái (Leftist Media). Mainstream Media do đó mà có. Như vậy là người Mỹ muốn gọi Mainstream Media là nhóm truyền thông khuynh tả hoặc cấp tiến để phân biệt với những cơ sở truyền thông khác theo đường lối bảo thủ (conservative) hay độc lập. Người Việt tỵ nạn thường quen gọi là báo chí khuynh tả hay truyền thông phản chiến. Mainstream Media là sở hữu của các tập đoàn tư bản. Nhiệm vụ của nó là phục vụ cho các mục tiêu của tư bản.

Truyền thông dòng chính hiện nay do Hội Đồng Liên Lạc Ngoại Giao (The Council On Foreign Relations viết tắt là CFR) nắm giữ. CFR do Edward Mandell House, một tay Marxist, cố vấn trưởng của TT Woodrow Wilson (1913-1921) sáng lập năm 1921 và được nhà Rockefeller tài trợ. CFR là một hội vô vị lợi (non profit), vô đảng phải (non partisan). Kết luận của phái đoàn điều tra Reece của Quốc Hội năm 1953 cho thấy CFR công khai truyền bá khái niệm toàn cầu hóa thế giới với mục tiêu thiết lập một Trật Tự Thế Giới Mới (New World Order). Ảnh hưởng của CFR tập trung vào các Bộ Ngoại Giao, Quốc Phòng, và Tài Chánh Mỹ. Hội viên của CFR có mặt và giữ nhiều trọng trách tại các bộ vừa kể và hầu như tại tất cả các cơ quan quyền lực khác của chính quyền Hoa Kỳ. Tháng 10-1993 Richard Harwood của tờ Washington Post tiết lộ một chút về phận sự của các nhà báo của CFR. Ông nói: Tư cách thành viên của CFR là việc thừa nhận mình được bước lên giai cấp cai trị, qua đó, họ không thuần chỉ phân tách và cắt nghĩa chính sách ngoại giao của Hoa Kỳ, mà còn giúp thiết lập ra chính sách nữa (Their membership is an acknowledgment of their ascension into the American ruling class where they do not merely analyze and interpret foreign policy for the United States, they help make it). Các tạp chí lớn có liên hệ với CFR là các tờ Life, Money, People, Fotune, Time, US News and World Report, Newsweek và một số khác nữa. Những nhà phát hành nổi tiếng đại diện cho CFR như IBM Publishing and Printing, Xerox, Viking Press, Harper and Row, Random House, và Harper Brothers. Song song với các hệ thống chính, báo và tạp chí, cơ sở Rockfeller còn có mặt ở trong ngành xuất bản sách. Tính ra có chừng 50 gia đình kiểm soát toàn bộ báo chí Mỹ. Qua CFR, Bộ Ngoại Giao, Ngũ Giác Đài, và Tòa Bạch Ốc đòi nắm quyền điều hành mọi tin tức. Do đó, người dân chỉ được nghe những gì mà người ta muốn cho nghe. Sự thể này chính đáng dẫn đến sự dị nghị về các giá trị của tính vô tư và trung thực của truyền thông dòng chính Mỹ.

Chính Trị Dòng Chính

Tiếng Mỹ chữ “Chính Trị Dòng Chính” có lẽ là Mainstream Politics? Trong phạm vi hiểu biết hạn hẹp của mình, người viết thú thực chưa gặp thấy chữ này trên sách báo Mỹ, mà chỉ thấy một số các nhà hoạt động chính trị và cộng đồng người Việt sử dụng. Nếu có thì hẳn là người Mỹ sử dụng với một ý nghĩa nào đó riêng của họ. Những người VN này hình như muốn ngụ ý rằng Chính Trị Dòng Chính tức là tham gia chính quyền các cấp thông qua các cuộc bầu cử. Như vậy, người ta có thể nêu thắc mắc rằng: vậy thì những người Mỹ hoạt động chính trị ngoài hệ thống công quyền và không do dân bầu, phải nên gọi họ là chính trị dòng gì? Nhiều người hoạt động chính trị rất thành công ngoài hệ thống công quyền như Mục Sư Luther Martin King Jr., các thành viên của CFR v.v., phải gọi họ là gì? Như trên vừa nói, CFR là một tổ chức phi chính phủ hoạch định ra các chính sách cho chính quyền Mỹ. Họ chỉ là một hội tư nhân, không đảng phái. Đàng khác từ trước tới nay, hai chính đảng Cộng Hòa và Dân Chủ thay nhau cầm quyền, nhưng đường lối chính sách của Mỹ tại VN vẫn liên tục chứ có thay đổi gì đâu. Điều đó cho thấy cái mà nhiều người VN gọi là chính trị dòng chính là một sản phẩm hoàn toàn tưởng tượng. Dù Cộng Hoà hay Dân Chủ, chỉ có một dòng là dòng nắm quyền thi hành mục tiêu toàn cầu hóa của tư bản Mỹ.

Bằng vào thực tại CFR, và như mọi người đều tin tưởng: nước Mỹ được cai trị bởi một chính phủ vô hình. Chính phủ vô hình nói trắng ra là CFR mới là những người lãnh đạo thật sư đang “Run” nước Mỹ tại hậu trường. Chính quyền Hoa Kỳ tại Washington chỉ là những nhà điều hành công việc của nước Mỹ. Hai hệ quả phát sinh từ thực tế chính trị này là: thứ nhất, nền dân chủ Mỹ trở thành một nền dân chủ có định hướng. Và thứ hai, chính quyền Mỹ là một cơ chế được điều hành bằng remote control. Nền dân chủ Mỹ được cả thế giới ngưỡng mộ, và coi là mô hình đáng bắt chước nó là như thế. Đường lối chính trị đặc thù này, ngoài việc phục vụ quyền lợi quốc gia, còn nhắm tới cái chủ đích của những người làm ra chính sách là thiết lập một trật tự thế giới mới (New World Order), hoặc còn gọi là nền Cộng Hòa Toàn Cầu (Universal Republic). Tất cả chính sách đối ngoại do CFR hoạch định đều nằm trong mục tiêu toàn cầu hóa (globalization) của Mỹ. Như thế thì những người cho rằng gia nhập cái gọi là chính trị dòng chính Hoa Kỳ để mưu đồ giải trừ chế độ CS trong nước, nghĩa là làm thay đổi chính sách của Mỹ về VN, là một chủ trương hoàn toàn phiêu lưu và không tưởng. Phiêu lưu bởi vì nó chẳng đi đến đâu cả. Và không tưởng ở chỗ là đã tỵ nạn CS trên đất Mỹ, sống với người Mỹ, mà cứ còn mơ tưởng rằng Hoa Kỳ sẽ giúp mình tiêu diệt CS để khôi phục lại đất nước. Nhiều nhà lãnh đạo Mỹ và thế giới như Truman, Eisenhower, Nixon, cha con Bush, Churchill, Gorbachev … chủ trương việc toàn cầu hóa. TT Bush con trong bài Diễn Văn Tình Trạng Liên Bang năm 1991, cổ võ cho cái trật tự này như sau: …. để hoàn thành khát vọng của toàn nhân loại, dựa trên sự chia sẻ các nguyên tắc và luật lệ, nó là ánh sáng của hàng ngàn đốm sáng, là những luồng gió thay đối đến với chúng ta.

Xây dựng một trật tự thế giới thật ra không phải là một khái niệm mới mẻ gì. Khoảng năm thế kỷ trước Công Nguyên, ở bên Tầu, Khổng Tử đã rao giảng một trật tự xã hội phong kiến dựa trên 3 trụ cột “Quân, Sư, Phụ”. Người đàn bà trong xã hội phong kiến không có tư cách độc lập, mà chỉ là một nhân tố phụ thuộc: tại gia tòng phụ, xuất giá tòng phu, và phu tử tòng tử. It lâu sau tại Âu Châu, triết gia và nhà toán học Hy Lạp Plato cổ võ một mô hình quản lý xã hội khác. Ông hô hào dẹp bỏ chính phủ và các cấu trúc xã hội đang có, để thiết lập một trật tự mới, trong đó có 3 giai cấp: giai cấp cầm quyền, giai cấp quân nhân để bảo vệ giai cấp nắm quyền, và giai cấp lao động. Bãi bỏ hôn nhân, gia đình và tư hữu. Tất cả đàn bà là của chung đàn ông và ngược lại. Trẻ con sinh ra được xã hội nuôi. Khái niệm cộng sản bắt nguồn từ tư tưởng của Plato. Tầng lớp chóp bu nắm quyền quản lý xã hội, Plato gọi là triết gia (philosopher). Tại Mỹ ngày nay, philosopher là các elite của các hội kín như CFR, Trilateral Commision, Skull & Bones v.v. Trật tư xã hội của Plato được các elite cải biên và đang từ từ hình thành. Vì thế về nhiều mặt, tư bản và cộng sản có những điểm giống nhau, vì đều bắt nguồn từ tư tưởng của Plato, nhưng tư bản ở tầng trên cao hơn cộng sản.

Trật tự thế giới mới được thiết lập bằng con đường Toàn Cầu Hóa. Thế giới mới được điều hành bởi một nhà nước. Hội Quốc Liên rồi Liên Hiệp Quốc ngày nay là những bước hình thành của cái cơ chế nhà nước toàn cầu. Cơ chế toàn cầu này nắm tất cả quyền lực chính trị, tiền tệ, tinh thần và các giáo hội. Việc lưu động hóa các nhà máy sản xuất có tác dụng làm phát triển đồng đều tất cả mọi khu vực trên thế giới. Phong trào tự do luyến ái và tự do phá thai sẽ chận dứng sự bùng nổ dân số, quân bình và ổn định nền kinh tế trên toàn cầu. Điểm đáng nhấn mạnh là Nền trật tự thế giới mới sẽ đưa đến một tôn giáo toàn cầu, đó là đạo thờ Thần Tài (Mammonism, đúng ra là thờ Satan). Các chiến dịch chống phá, bài bác tôn giáo, đặc biệt là Thiên Chúa Giáo, tục hóa các nếp sống và văn hóa mang tính cách tôn giáo v.v. đều nhắm đến mục đích tối hậu này. Đại cương cho thấy những điểm gần như tương đồng giữa tư bản và cộng sản: xóa mờ các ranh giới quốc gia để tiến tới một thế giới “đại đồng”, biến con người thành công cụ sản xuất, phá bỏ mọi tôn giáo, cách riêng Thiên Chúa Giáo. Để tiến tới một thế giới như thế, CS áp dụng đường lối cưỡng bách, trong khi tư bản sử dụng các biện pháp kinh tế, nhẹ nhàng nhưng hiệu quả hơn nhiều. Tư bản ở bậc cao hơn CS là như thế.

Đường lối chính trị tại Mỹ có thể tóm gọn trong một câu ngắn, rất thông dụng: Có tiền mua tiên cũng được, hay, đồng tiền làm nên tất cả. Sự giầu sang luôn luôn mơ ước quyền lực, và quyền lực đẻ ra sự giầu sang. Quyền lực và tiền tài là chị em sinh đôi. Chúng là mơ ước bất tận của nhiều người. Để đạt được chúng, người ta gạt bỏ tinh thần dân tộc, lòng yêu tổ quốc, chối bỏ mọi lý tưởng, và đạp tên mọi lâp trường chính trị. Vì thế không lạ gì khi thấy nước Mỹ đã đẻ ra kẻ thù, nuôi dưỡng nó, rồi diệt nó. Tất cả chỉ để thu lợi. Sự thể xẩy ra đã quá nhiều. Mỹ đã giúp đỡ tiền bạc cho cuộc Cách Mạng Vô Sản Nga thành công. Mỹ đã giúp cho Sadam Hussein nắm quyền tại Irak. Mỹ đã giúp kỹ thuật nguyên tử và hỗ trợ kinh tế cho Trung Cộng trở thành một cường quốc như ngày nay. Và chính quyền Obama đang ngấm ngầm nâng đỡ khủng bố tại Hoa Kỳ. Tất cả những chính sách ngoài binh thơ đó đều được báo chí dòng chính ủng hộ triệt để.

Chính sách của Mỹ tại VN cũng nằm ngoài binh thư, sách vở như đã thấy. Trong khi chiến tranh nghiêng về phía có lợi là VNCH, thì truyền thông dòng chính Mỹ thổi phong trào phản chiến bùng lên để giúp quân đội Mỹ rút lui. Nước Mỹ chẳng cảm thấy hổ thẹn là một cường quốc số một phải thua trận. Đợi hơn ba thập niên sau cho đến khi VGCS cùng đường, rơi vào ngõ bí không lối thoát, Mỹ mới chứng minh việc tự ý thua trận của mình là có lý. Đây rõ ràng là mưu đồ của nước Mỹ mà những chính khách tỵ nạn không nhìn ra. Đã có đồng minh VNCH để ngăn Trung Cộng thì lý do gì Mỹ lại triệt bỏ VNCH? Tại sao Mỹ cố tình dung túng VGCS đến ngày nay để dùng nó làm lực lượng án ngữ Tầu cộng? Có ba lý do để giải thích:

- Thứ nhất, VN là một vị trí chiến lược tối quan trọng tại Á Châu, lại giầu tài nguyên trong mắt bất cứ một cường quốc nào. Do đó Mỹ không thể bỏ mặc.

- Thứ hai, bản chất của đảng VGCS là bán nước nên chúng sãn sàng làm đầy tớ cho bất cứ kẻ nào miễn là được sống còn. VGCS hiện ở vào cái thế nếu muốn sống bắt buộc phải làm tay sai, không tay sai cho Mỹ thì tay sai cho Tầu. Người Quốc Gia không như thế. Chịu cúi đầu làm tay sai phục vụ cho quyền lợi của ngoại bang để được sống, người QG không thể làm được. Người Mỹ hiểu điều này.

- Thứ ba, trên bình diện lý thuyết, với chủ trương xây dựng một Trật Tự Thế Giới Mới, Mỹ không thể chấp nhận học thuyết Cần Lao Nhân Vị, vì học thuyết này chủ trương phục vụ con người trong tư cách là một nhân vị, trong khi Trật Tự Thế Giới Mới cũng giống như CS, phục vụ tập thể (class) chứ không phục vụ cá nhân. Vì thế Mỹ phải giết TT Ngô Đình Diệm và lý thuyết Cần Lao Nhân Vị của ông. Nên nhớ, William Averell harriman, phụ tá Bộ Trưởng Ngoại Giao phụ trách Á Đông Sự Vụ dưới thời TT Kennedy, là người cực kỳ nham hiểm và độc ác đã dùng mọi thủ đoạn và biện pháp lươn lẹo để giết anh em TT Ngô Đình Diệm và cố vấn Ngô Đình Nhu. Ông ta là hội viên hội kín Skull & Bones và là thành viên rất có thế giá của CFR. Năm 1968 khi làm đại diện Hoa Kỳ tại Hội Đàn Paris , Harriman thực hiện mưu đồ trao miền Nam cho cộng sản bắc Việt. Văn bản kết thúc hội đàm chứng minh điều đó.

Sự thật rành rành là Hoa Kỳ chủ tâm nuôi dưỡng và sử dụng VGCS, thế mà còn có nhiều ngưòi còn mơ ngủ, tưởng dựa vào Hoa Kỳ để giải quyết chế độ CS là xong thì có điên không. Họ không thể dựa vào Hoa Kỳ để muốn làm gì thì làm. Trái lại, chắc chắn họ sẽ bị người Mỹ lợi dụng cho những mục tiêu của Mỹ. Việc có thể tiên đoán được là một ngày nào đó, họ sẽ được tham gia vào chế độ dân chủ cuội tại VN, một kiểu hòa hợp hòa giải mà Mỹ và VGCS đang ra sức tiền chế. Nhưng nhiệm vụ chính của họ là làm chó canh giữ cho quyền lợi của các tập đoàn tư bản của Hoa Kỳ tại VN. Có ông chính khách còn đem cộng đồng Do Thái ra so sánh để bênh vực cho quan điểm của mình. Họ không biết rằng vào đầu thập niên 1990 người ta ước lượng nhà Rothschild có thể kiểm soát số tài sản tương tương với một nửa của cải của cả thế giới. Rothschild là một gia đình Âu gốc Do Thái. Cho nên người Do Thái nắm đầu các chính quyền Âu Mỹ bắt phải bảo vệ Israel không lạ gì.

Một vài ông dân cử VN cấp làng xã hoặc quận huyện trên nước Mỹ tin tưởng xoay chuyển được chính sách của Mỹ về VN là chuyện hão huyền. Một đàng họ nên học bài học của tướng Vang Pao của nước Lào. Một đàng hãy có thực lực như người Do Thái và đoàn kết mưu đồ phục quốc như người Do Thái rồi hãy nói đến chuyện lợi dụng Hoa Kỳ để làm việc này việc nọ. Một mình, không thương cũng chẳng ngựa, lại không được đồng hương hậu thuẫn như Hoàng Duy Hùng mà tính chuyện về VN để xoay chuyển càn khôn có phải là tức cười không? Dân cử cấp xã ấp hay tỉnh thành chỉ có thể làm công việc ở xã ấp tỉnh thành. Cho dù có là dân cử liên bang, việc xoay chuyển vận mệnh quốc gia nơi quê hương vẫn là chuyện đội đá vá trời, bởi vì quí vị không phải là người đẻ ra chính sách của nước Mỹ. Muốn đảo ngược lại chính sách Mỹ để cứu nước, quí vị cần có tiền bạc như nhà Rothschild hay ít là Rockefeller. Hoặc quí vị phải chui vào thật đông các tổ chức CFR, Illuminati, Trilateral, Skull & Bones. Nếu không, quí vị chỉ còn cách là người tỵ nạn nên làm theo cách thức riêng của người tỵ nạn. Dựa hơi mất mạng dễ như chơi. Có như thế, độc lập tự chủ cho dân tộc mới được bảo đảm, nhân dân VN mới có thể nhìn bạn bè năm châu một cách kiêu hãnh, và việc làm của quí vị mới vẻ vang được.

Nỗ lực đóng góp cho cộng đồng để thăng tiến và bảo vệ quyền lợi của cộng đồng, phát huy những giá trị truyền thống của cộng đồng đều là những việc làm rất đáng khen và cần được khuyến khích, nhưng cần phải biết người biết mình mới trăm trận trăm thắng được. Nói rằng tham gia chính trị dòng chính để dựa vào Mỹ hầu lật đổ CS chỉ là huênh hoang phét lác. Trên bình diện quốc tế, để giải quyết các vấn đề thế gìới, nước Mỹ đã có một sách lược chung do CFR làm ra. Chẳng hạn về vấn đề chống CS, sách lược độc đáo này được nữ biên tập viên Edith Kermit Roosevelt, cháu gái của TT Theodore Roosevelt, trình bầy đơn giản như sau: Cách chống cộng hữu hiệu nhất là dùng một nhà nước xã hội chủ nghĩa toàn cầu được cai trị bởi các chuyên gia theo chuyên môn của họ (The best way to fight communism is by a One World socialist state governed by experts like themselves). Từ sách lược chống CS, người ta có thể suy ra sách lược chống khủng bố cũng như vậy chăng: Cách chống khủng bố hữu hiệu nhất là dùng một nhà nước khủng bố toàn cầu được cai trị bởi các chuyên gia?!

Nước Mỹ Bừng Tỉnh

Thời gian hai tuần lễ đầu tháng 8-2010, sinh viên Mỹ tại Texas và một số tiểu bang kề cận đã kéo nhau xuống đường biểu tình. Họ xuống đường không mang khẩu hiệu “Make love, not war” (làm tình chứ không gây chiến) như thời xưa, mà với biểu ngữ rất khác lạ là “ May God protect America from Socialism” (xin Chúa gìn giữ nước Mỹ khỏi chủ nghĩa xã hội). Và đây là vài câu trao đổi chớp nhoáng trên đường phố:

- Các em thấy xã hội chủ nghĩa có gì mà khó chịu? - một người phụ nữ đi đường hỏi.

Sinh viên trả lời:

- Có nhiều lắm, ăn cắp của người giầu cho người ngèo là một. Điều đó không đúng. Không chỉ là sai lầm, mà bất cứ ở đâu có chủ nghĩa xã hội hoặc CS, chỉ có người nghèo càng nghèo thêm. Hãy nhìn vào các nước mà lý tưởng đại đồng ngự trị như Cuba, Tầu, Vietnam, Nga, Venezuela, ở đó mọi tư hữu bị triệt tiêu hết.

Thứ Bẩy cuối tuần rồi (28-8-2010), một cuộc xuống đường tuần hành khác vĩ đại với trên nửa triệu người tham dự diễn ra tại Washington do nhà truyền thông Glenn Beck tổ chức. Cuộc tuần hành đặt tên là Phục Hồi Danh Dự (Restoring Honor Rally). Cuộc tuần hành kêu gọi sự hồi sinh tôn giáo và văn hóa Mỹ, bởi vì nước Mỹ ngày nay đã đi lạc quá lâu vào đêm tối. Nước Mỹ cần trở về với Thượng Đế.

Từ hai năm nay, phong trào Tea Party (Tea Party Movement) với mục đích kêu gọi nước Mỹ trở về nguồn với các giá trị truyền thống đã gây được những ảnh hưởng đáng kể. Tại nhiều nơi, các ứng cử viên đi theo đường lối của Phong Trào và được Phong Trào ủng hộ đã gặt hái thành công.

Nước Mỹ lâu nay đi vào đêm tối do cái mà một số người tưởng tượng ra và gọi nó là “chính trị dòng chính” hướng dẫn và được giới “truyền thông dòng chính” hỗ trợ. Đó là con đường nhầm lạc. Sự thật là nước Mỹ đang đi theo vết chân xã hội chủ nghĩa qua toàn cầu hóa. Và sự thật còn là truyền thông dòng chính thiên tả đã từng hủy diệt VN, và nay đang hủy hoại các giá trị nhân bản của nước Mỹ. Nhiều người Mỹ đã nhận thức điều đó, và họ đã bầy tỏ ý thức bằng hành động. Các chính khách, các nhà truyền thông tỵ nạn không biết đã thức tỉnh chưa?

Duyên-Lãng Hà Tiến Nhất

No comments:

Post a Comment