Pages/ Tác giả

Wednesday, June 16, 2010

Nguyễn Thiếu Nhẫn-THƯ NGỎ KÍNH GỬI ÔNG NGUYỄN HUỆ CHI VỀ VỤ KIỆN WILLIAM JOINER CENTER

THƯ NGỎ KÍNH GỬI ÔNG NGUYỄN HUỆ CHI VỀ VỤ KIỆN WILLIAM JOINER CENTER

Nguyễn Thiếu Nhẫn

Kính thưa ông,

Chúng tôi xin tự giới thiệu là Nguyễn Thiếu Nhẫn, chủ nhiệm, chủ bút tuần báo Tiếng Dân phát hành ở San José.

Chúng tôi có đọc bài “Ngẫm Nghĩ Về 3 Tư Cách Văn Hoá Của Tôi Trong Những Ngày Làm Việc ở WJC” của ông được đọc trong trong cuộc “Hội Thảo Văn học Việt Nam – Hoa Kỳ sau chiến tranh” do Đại học Văn hoá Hà Nội và Trung Tâm William Joiner thuộc đại học Massachussetts tổ chức tại Hà Nội và khu du lịch V Resort Kim Bôi, Hoà Bình.

Và được đăng tải trên trang mạng bauxitvn. Trong bài viết có đoạn như sau:

“…Ấy thế mà oái oăm thay, sang Hoa Kỳ chưa được bao lâu, chưa biết nếp tẻ ra sao thì chúng tôi đã vấp phải một cú sốc rất mạnh. Hóa ra việc mời 2 chúng tôi của WJC bị phản đối trong cộng đồng dưới sự xướng xuất của 1 vị sinh viên vốn từng theo học chương trình Thạc sĩ về Mỹ quốc học tại trường Đại học Massachussetts tên Nguyễn Hữu Luyện. Và sau tôi mới biết động cơ của việc phản đối này của người xướng xuất vốn liên quan đến một vài đòi hỏi riêng tư nào đấy, nếu tôi nhớ không nhầm thì hình như là việc xin ở lại làm giảng viên trường Massachusetts và cả xin vào làm nhân viên của WJC của ông Luyện đều không có kết quả. Đơn giản chỉ có thế…”

Kính thưa ông,

Theo ý kiến của chúng tôi, có thể không phải “ông nhớ không nhầm”, mà có thể các ông Kevin Bowen và cả ông Nguyễn Bá Chung không nói rõ cho ông biết vì sao ông Nguyễn Hữu Luyện và 11 người khác đã dùng “tố quyền tập thể” để kiện Trung Tâm William Joiner. Chuyện “xin làm giảng viên” và “xin làm nhân viên của WJC” nếu có thì chỉ là cái cớ để ông Nguyễn Hữu Luyện xúc tiến vụ kiện mà thôi.

Liêm khiết trí năng vốn là tính phải có của người trí thức! Nguyên nhân vụ kiện do ông dẫn giải trong bài viết vốn không chính xác.

Chúng tôi xin gửi đến ông bài viết này, hy vọng qua bài viết ông sẽ có cái nhìn “khác hơn” và hiểu rõ vì sao đã có vụ kiện.

Cùng lúc gửi đến ông, chúng tôi cũng sẽ phổ biến tài liệu này trên các trang báo điện tử ở hải ngoại để rộng đường dư luận.

HAI VỤ KIỆN LỊCH SỬ

I - VỤ KIỆN WJC TẠI BOSTON - DIỄN TIẾN SỰ VIỆC:

Vào năm 1993, tại phòng họp của quận hạt Santa Clara tại số 70 West Hedding, có một buổi ra mắt sách cùng được tổ chức với một buổi hội thảo về giao lưu văn hóa. Người ra mắt sách là nhà văn Nguyễn Bá Trạc với quyển sách có tựa là "Người Di Cư Nhức Đầu Vừa Phải". Người tổ chức buổi hội thảo giao lưu văn hóa này là nhà văn Giao Chỉ tức cựu Đại Tá QLVNCH Vũ Văn Lộc. Tham dự cuộc hội thảo về giao lưu văn hóa gồm các ông: cố nhà báo Lê Đình Điểu (nhật báo Người Việt), nhà báo Thượng Văn tức Lâm Văn Sang - thay thế nhà thơ Hà Thượng Nhân (theo lời Ban tổ chức là bị bệnh bất ngờ), nhà phê bình Bùi Vĩnh Phúc, các nhà vănNguyễn Mộng Giác, Hoàng Khởi Phong, Hoàng Liên (tức ông Nguyễn Văn Đãi, cựu Đại biểu Chính phủ Miền Trung, bị VC bắt đi vào năm 1968?), Đào Khanh, Nguyễn Bá Trạc.

Cuộc hội thảo coi như không thành công vì các câu hỏi được nhắm vào các tác phẩm của hai nhà văn Nguyễn Mộng Giác và Khánh Trường (ông nhà văn này không có mặt trong tham luận đoàn - Ghi chú của người viết bài này). Cựu Trung tá Nhảy Dù Bùi Đức Lạc chất vấn nhà văn Nguyễn Mộng Giác về việc nhà văn này đã viết về việc lính Nhảy Dù QLVNCH đã cắt lỗ tai cán binh Việt Cộng xỏ xâu đeo trong truyện dài "Mùa Biển Động".Một tham dự viên chất vấn nhà văn Khánh Trường về chuyện ông nhà văn này đã viết trong một truyện ngắn khi đưa quan tài của người bạn về cho gia đình và sau đó, nhân vật trong truyện đã làm tình với em gái của người đã chết kế bên quan tài của người lính Nhảy Dù QLVNCH đã hy sinh. Sau khi câu hỏi này được đặt ra, chủ tọa đoàn đã mời nhà văn Khánh Trường lên trả lời nhưng nhà văn này đã lỉnh đi từ lúc nào. Câu hỏi có dính líu đến buổi hội thảo về vấn đề giao lưu văn hóa là câu hỏi của nhà văn Diệu Tần khi nhà văn Đào Khanh (lúc đó còn đảm trách việc dịch tin cho tờ Thời Báo ở San José) nêu lên ý kiến là người cầm bút ở hải ngoại "không nên chống Cộng một cách quá đáng (sic!)". Nhà văn Diệu Tần đã gay gắt hỏi: "Vì sao 'người di cư thì nhức đầu vừa phải' mà những nhà văn ở hải ngoại không nên chống Cộng một cách quá đáng."

Người viết bài này có đặt câu hỏi có phải ông Giao Chỉ Vũ Văn Lộc là người tổ chức buổi hội thảo giao lưu văn hóa này thì ông ta xác nhận do chính ông ta tổ chức, nhưng ông ta chống hợp lưu và giao lưu văn hóa (sic!).

Tưởng cũng nên nhắc lại một chi tiết là cô Đoan Trang, lúc đó là xướng ngôn viên của đài phát thanh Quê Hương Việt Nam (không phải đài phát thanh Quê Hương hiện nay), người phụ trách vai trò M.C. của buổi hội thảo và ra mắt sách này, đã trở thành người tham dự và đưa tay xin phát biểu để chất vấn ban tổ chức về cái gọi là giao lưu văn hóa và công kích nhà văn Đào Khanh về quan niệm "chống Cộng vừa vừa" của nhà văn này.

*

Vào năm 1995, tại cuộc hội thảo "Bể Dâu Confrerence Vietnam and America 1995" tại San Francisco, nhà văn Nguyễn Mộng Giác đã là khách thuyết trình để đọc tham luận về vai trò văn học của hải ngoại. Nhà văn Nguyễn Mộng Giác rất can đảm và thẳng thắn khi viết trong bài tham luận những dòng sau đây:

"... Khi nhận lời mời của Đại học San Francisco đến tham dự cuộc hội luận này, tôi biết rõ những gì bạn bè của tôi trong cộng đồng đang nghĩ và sẽ làm. Cái chỗ tôi đang ngồi, những điều tôi sắp nói, nhiều nhà văn có uy tín xứng đáng hơn tôi để ngồi ở đây. Nhưng không ai muốn tự đưa mình vào tình thế khó khăn, không ai muốn bận tâm về những chuyện tranh luận thị phi, nên cuối cùng tôi trở thành một người hết sức bất bình thường: không ai ủy nhiệm, cũng không đại diện cho ai cả, tôi lấy tư cách cá nhân của một người cầm bút trình bày một đôi điều về sinh hoạt văn chương của người Việt hải ngoại. Đúng hay sai, cá nhân tôi chịu trách nhiệm cho quan niệm này: Thay vì tẩy chay, vắng mặt trong các cuộc hội thảo về các vấn đề liên quan đến Mỹ và Việt Nam, người Việt hải ngoại cần có mặt để trình bày quan điểm của mình."

Tưởng cũng nên biết, cuộc hội luận này gồm hai phần. Phần thứ nhất, có tựa là "A Soldier Named Tony D." thực hiện bởi Nguyễn Quý Đức dựa vào truyện ngắn của nhà văn Việt Nam còn ở trong nước là Lê Minh Khuê. Phần thứ hai là bình văn lấy từ cuốn tuyển tập truyện ngắn "The Other Side of Heaven" (Phía Bên Kia Thiên Đường). Tuyển tập này gồm 18 truyện ngắn (6 truyện ngắn nguyên bản Anh ngữ, 12 truyện ngắn của các tác giả Việt Nam gồm 4 truyện ở trong nước là các tác giả Nguyễn Huy Thiệp, Bảo Ninh, Lê Minh Khuê, Hồ Anh Thái và 8 truyện ngắn của nhà văn Việt Nam hải ngoại (Võ Phiến, Hoàng Khởi Phong, Nguyễn Mộng Giác,Nguyễn Xuân Hoàng, Andrew Lâm, Phan Huy Đuờng Lai Thanh Hà). Cuộc hội thảo có "mục đích hàn gắn những vết thương xưa cũ, tiến tới sự thông cảm để tăng cường các giao lưu về giáo dục và văn hóa giữa Mỹ và Việt Nam."

Chuyện lạ đối với tôi lúc đó là nhà văn Nguyễn Mộng Giác đã viết trong bài tham luận của ông ta những dòng như sau:

"... Cho nên theo tôi, vấn đề chính là những người có trách nhiệm về chính sách văn hóa Việt Nam có thực sự muốn hàn gắn những vết thương xưa cũ và hòa giải dân tộc hay không? Nếu còn cấm đoán không cho sách báo hải ngoại phổ biến trong nước, hay ít nhất không tạo điều kiện cho những người cầm bút tiếp cận với văn học hải ngoại, thì những lời tuyên bố như trên chỉ là những lời tuyên truyền chính trị."

*

Tám năm sau, mọi chuyện đều đã khác. Theo tin báo chí ở hải ngoại thì, nhà văn Nguyễn Mộng Giác đã được Đảng và Nhà Nước Việt Cộng cho phép in và phát hành ở Việt Nam quyển truyện "Sông Côn Mùa Lũ" mà ông ta là tác giả. Cũng như nhà văn Nhật Tiến được phép xuất bản tập truyện "Quê Hương, Quê Người" với người em là nhà văn Nhật Tuấn, tác giả truyện dài "Đi Về Nơi Hoang Dã" đã được nhà văn Hoàng Khởi Phong, là người có tham dự cuộc hội thảo "Bể Dâu" hết lời khen ngợi tại hải ngoại. Nhà văn Hoàng Khởi Phong cũng là người đã viết bài khen ngợi tuyển tập "Phía Bên Kia Thiên Đường" (mà trong đó nhà văn này có đăng tải một truyện ngắn được dịch ra Anh ngữ) là "những bông hoa nở muộn của tình người (sic!)."

Sau cuộc hội thảo Bể Dâu tại San Francisco, một biến cố quan trọng đã xảy ra là Trung tâm William Joiner Center (WJC) thuộc trường đại học Massachusetts Boston (từ nay viết tắt là UMASS Boston) đã thuê mướn hai học giả ở trong nước là Hoàng Ngọc Hiến Nguyễn Huệ Chi viết các luận văn tập chú vào chủ đề "Reconstructing Identity and Place in the Vietnamese Diaspora." được WJC dịch ra Việt ngữ với nguyên văn như sau: "Tái Xây Dựng Diện Mạo và Quê Hương Người Việt Ở Nước Ngoài."

Hoàng Ngọc Hiến nguyên là Giám đốc trường dạy viết văn Nguyễn Du, Hà Nội và Nguyễn Huệ Chi là chủ nhiệm Ban Nghiên cứu và Lý luận Văn học của Viện Văn học Việt Nam.

Nhận thấy việc đem hai viên chức cao cấp trong guồng máy tuyên truyền của nhà nước CSVN sang Mỹ để mô tả người Việt tỵ nạn là một nghịch lý trong lịch sử văn học thế giới, nên ông Nguyễn Hữu Luyện, một sinh viên Cao Học của UMASS Boston đã cùng 11 người dùng tố quyền tập thể (class action) để khởi tố WJC/UMASS Boston.

Để trả lời sự tố giác của ông Nguyễn Hữu Luyện, một trong 12 nguyên đơn của vụ kiện WJC đối với hai cán bộ cộng sản Nguyễn Huệ Chi và Hoàng Ngọc Hiến, Kevin Bowen của WJC nói rằng: "Hai giáo sư này đã được đón tiếp nồng nhiệt và đã được cộng đồng người Việt mời đi nói chuyện tại Washington D.C., Texas và California" và rằng "những cuộc thăm viếng ấy là những thành công lớn."

Thực ra đây chỉ là sự bịa đặt của Kevin Bowen và Nguyễn Bá Chung, vì không có cộng đồng nào mời hai ông này đến nói chuyện thì làm sao có sự thành công to lớn?

Có điều hai "học giả" VC này, nhất là Hoàng Ngọc Hiến đã được một số người ở hải ngoại chuẩn bị từ lâu.

Từ năm 1990, nhà phê bình văn học Thụy Khuê, một người sinh sống tại miền Nam, du học tại Pháp từ trước năm 1975, đã tốt nghiệp và đã ở lại Pháp đã "chuẩn bị" cho Hoàng Ngọc Hiến là "một nhà văn phản kháng" như sau: "... Ở miền Bắc, khi Việt Minh lên nắm chính quyền, sự bạo tàn của đảng Cộng sản đối với tư tưởng đã tàn khốc hơn sự hy sinh xương máu con người, và hủy diệt nhiều thế hệ tâm hồn, biến đất nước thành một ngục tù giam hãm tư tưởng. Phan Khôi, Trương Tửu, Trần Dần, Phùng Quán, Hữu Loan, Hoàng Cầm... Rồi Nguyễn Minh Châu, Hoàng Ngọc Hiến, Nguyên Ngọc, Nguyễn Huy Thiệp, Dương Thu Hương đã nói nhiều, nói rõ, đã vẽ lên nỗi oan khuất của một thế kỷ văn học mà nhà văn chỉ là công cụ cho đảng."(1)

Hai tạp chí Văn Học (do Nguyễn Mộng Giác và Hoàng Khởi Phong thay thế nhau trong vai trò chủ bút) và Hợp Lưu của Khánh Trường đã đánh bóng rất kỹ cho hai cán bộ VC Hoàng Ngọc Hiến và Nguyễn Huệ Chi.

Tại San José, nhà văn Giao Chỉ Vũ Văn Lộc đã trang trọng giới thiệu Hoàng Ngọc Hiến là "một người khách thuộc chương trình khách quốc tế của Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ, là người viết bài đầu tiên trong đợt gọi là văn chương phản kháng của thời kỳ Thống Nhất đất nước..." (với chữ "Thống Nhất" do ông nhà văn Giao Chỉ viết hoa) khi đăng tải lại bài viết "Ngọn gió thổi những chiếc lá bay qua đại dương" trên tờ Thời Báo ở San José, để ông cán bộ văn hóa VC Hoàng Ngọc Hiến "kề vai, cọ vế" với các nhà văn ở hải ngoại.

Tạp chí Văn Học của Nguyễn Mộng Giác và Hoàng Khởi Phong đã tạo diễn đàn để Nguyễn Huệ Chi lấy tên của các tác phẩm "phe ta" làm ý diễn đạt quan điểm của mình như sau: "Trong khi một số nhà văn lớp trước bớt nói đến ẩn ức chính trị, đi tìm cảm hứng trong lịch sử hoặc trong những chiêm nghiệm thân thế, trầm mặc về đời người - những 'ngọn cỏ bồng', cánh 'bèo giạt', 'nụ cười tre trúc', 'ngọn hải đăng mù' - sau nửa thế kỷ vần vũ không biết bao nhiêu 'lớp sóng phế hưng', 'mùa biển động', 'gió lửa', thì đông đảo các nhà văn trẻ - mà số lượng nữ khá vượt trội - lại mãi mê ghi lại vô vàn cảnh lý thú, nực cười của cuộc mưu sinh tất bật nơi quê hương mới, nhiều nhà văn trẻ khác dồn năng lực tìm tòi cách viết mới, cách xếp đặt câu xếp đặt chữ tân kỳ, cách ám dụ bằng biểu tượng cho văn chương thêm đa nghĩa, và cũng không có ít nhà văn không chút thờ ơ trước luồng gió đổi mới từ trong nước, đang cố gắng thoát ra khỏi những mặc cảm quá khứ, chủ động lên tiếng 'hợp lưu' để cùng với dòng văn học Việt có trong có ngoài, trong sự cảm thông của những người cầm bút."(2)

Và, tại Bắc Califonia, Thượng Văn (tức ký giả Lâm Văn Sang - đã từng là phóng viên của tuần báo "ốc Mỹ mượn hồn Việt" Việt Mercury (đã đình bản), hiện là Tổng thư ký tuần báo V.Times do Trần Đệ làm chủ nhiệm), một trong những người chủ trương tạp chí Nhân Văn (đã đình bản từ lâu) đã tạo môi trường là đã phỏng vấn có những câu hỏi cò mồi để Nguyễn Huệ Chi có dịp nhi nhô về chuyện WJC đã bị kiện ra tòa án Hoa Kỳ vì đã mời ông ta và Hoàng Ngọc Hiến viết về người Việt tỵ nạn cộng sản. Cuộc phỏng vấn vào tháng 9 năm 2001 có câu hỏi cò mồi như sau:

-Thượng Văn (Lâm Văn Sang) hỏi: Anh nghĩ gì về phản ứng của người Việt hải ngoại chống đối sự có mặt của anh Hoàng Ngọc Hiến và anh trong chương trình của WJC?

- Nguyễn Huệ Chi đáp: Theo tôi đấy không phải là phản ứng của mọi người Việt mà chỉ là thiểu số. Người đứng đầu là ông Nguyễn Hữu Luyện. Tôi không hiểu rõ động cơ đích thực của ông Luyện trong việc phản đối này, nhưng nói rằng người trong nước không hiểu gì về đời sống người Việt hải ngoại thì không thể viết được là không hợp lý. Khi có một chương trình như thế cần phải có cái nhìn từ nhiều phía, trong cũng như ngoài nước mới soi rọi được mẫu số chung. WJC muốn như thế nên đợt đầu đã tuyển hai người Mỹ và hai chúng tôi. Đợt hai sắp tới nghe nói có 8 người: một người ở Canada, một người ở Pháp và 6 người ở Mỹ. Thế là WJC tương đối công bình chứ không phải có cái nhìn thiên vị. Thứ hai, theo tôi nghĩ, đâu cứ phải cử người nào sang đây cũng có cái nhìn méo mó về người Việt bên này. Những người đã nghe theo ông Nguyễn Hữu Luyện chống chúng tôi, tôi không muốn nghĩ xấu về họ. Mỗi người có thể xuất phát từ những hoàn cảnh éo le nào đấy mà bày tỏ thái độ, chẳng hạn trong gia đình có người vượt biên chẳng may đi không đến, nỗi đau đó của họ tôi sao có thể thờ ơ. Khi ở xa nhìn nhau đôi khi ta tưởng có thể đánh nhau được đây nhưng đến gần thì sao. Thấy mặt mũi anh này có khi cũng có thể nói dăm ba câu. Nói dăm ba câu lại thấy có thể chơi nhau một tuần. Chơi nhau một tuần hóa ra có thể chơi lâu. Tôi nghĩ chỗ đó là mẫu số chung của người Việt. Chấp nhận sự khác nhau, trọng hòa hơn đồng, nét đặc sắc văn hóa Việt là ở đó."

Hơn ai hết, chắc ông Lâm Văn Sang phải thấy đây là một câu trả lời lố bịch của "học giả" Nguyễn Huệ Chi. Ông "học giả" Nguyễn Huệ Chi có thể vì thiếu thông tin mà cho rằng: "đấy không phải là phản ứng của mọi người Việt mà chỉ là thiểu số." Hơn ai hết, ông Lâm Văn Sang phải biết vụ kiện WJC không phải chỉ có ông Nguyễn Hữu Luyện và 11 nguyên đơn đứng tên kiện mà là vụ án của 3 triệu người Việt tỵ nạn cộng sản tại hải ngoại. Bằng chứng là ông Nguyễn Hữu Luyện được các cộng đồng tại Canada, Úc, Hoa Kỳ đông đảo lên tiếng ủng hộ và đóng góp tiền bạc để ông Nguyễn Hữu Luyện và 11 nguyên đơn đi kiện WJC. Trong trường hợp ông Lâm Văn Sang và những-người-cùng-đi-một-đường với ông Lâm Văn Sang đồng ý với câu trả lời của ông "học giả" Nguyễn Huệ Chi vì các ông không đứng chung với 3 triệu người Việt Quốc Gia tỵ nạn cộng sản thì chúng tôi xin tôn trọng ý kiến của ông. Chúng tôi xin không dám nói như nhà văn Sơn Tùng là: "Sự thật hai ông Nguyễn Huệ Chi và Hoàng Ngọc Hiến đã đến Mỹ trong âm thầm và cũng đã trở về Việt Nam trong âm thầm. Không có cộng đồng người Việt ở hải ngoại mời họ đến nói chuyện thì làm sao có sự thành công lớn? Họ có đi Hoa Thịnh Đốn, Texas và California thật, nhưng cũng đã đi trong âm thầm dưới sự che giấu của vài người quen hay những tổ chức thân cộng nằm vùng để cho biết đó biết đây, thu nhặt ít đồ kỷ niệm hay quà cáp của tư bản, đem về khoác lác với bà con, bạn bè và viết vài bài báo bịa đặt - như Bowen đã bịa đặt."

*

Tám người được tuyển chọn cho chương trình của WJC niên khóa 2001-2002 gồm có:

1. Karin Aigular-San Juan, Giáo sư ngành bắc Mỹ Đại học Macalester.

2. Đặng Tiến, Giáo sư Văn học Cổ điển Việt Nam, đại học Paris VII.

3. Đỗ Quyên, nhà phê bình văn học.

4. Nguyễn Hữu Liêm, Giáo sư Triết học Đại học San Jose City College.

5. Nguyễn Thị Thanh, Giáo sư Giáo dục, University of Massachusetts.

6. Nguyễn Văn Trung, Giáo sư Triết, Cựu Khoa trưởng Đại học Văn khoa Sàigòn.

7. Tạ Chí Đại Trường, Sử gia.

8. Trin Yarborough, Ký giả.

Mười lăm người được tuyển chọn cho "Chương trình Rockefeller Nghiên Cứu Về Người Việt ở Nước Ngoài" cho niên khóa 2002-2003 gồm có:

1. Mariam Beevi, sinh viên Tiến sĩ ngành Văn chương Tỷ giảo, University of California Irvine.

2. Sergei Balgov, Nhà Nghiên cứu và Chuyên gia về đạo Cao Đài và Hòa Hảo.

3. Bùi Thị Lan Hương, Nhà văn, nhà báo.

4. Đỗ Minh Tuấn, Đạo diễn, Nhà văn, Nhà báo, Họa sỹ, và Kịch gia.

5. Maureen Feeney, Sinh viên Tiến sĩ ngành Nhân chủng học Văn hóa, University of Michigan, Ann Arbor.

6. Hoàng Khởi Phong, Nhà văn, Nhà báo, cựu đại úy QLVNCH.

7. Nguyễn Ý Đức, bác sĩ Gia đình và Lão khoa, sáng lập tổ chức Cộng đồng Việt Nam tại Baton Rouge và vùng phụ cận.

8. Nguyễn Mộng Giác, Chủ bút tạp chí Văn Học, nhà văn.

9. Nguyễn Mạnh Hùng (Nam Dao), Nhà Kinh tế, nhà văn, nhà thơ, kịch gia.

10. Nguyễn Vy Khanh, Nhà thư viện học, Nhà phê bình, sáng lập viên và Tổng Thư ký Liên Hội Người Việt Tự Do Hải Ngoại (1994-1997).

11. Phạm Xuân Nguyên, Nhà phê bình, Chuyên gia về Văn học miền Nam trước 1975.

12. Phan Huy Đường, dịch giả, triết gia, phê bình gia.

13. Meridel Rubenstein, Nhà Nghệ thuật, Nhiếp ảnh gia, Giáo sư Thỉnh giảng tại Smith College.

14. Trần Văn Thủy, Nhà đạo diễn phim tài liệu xã hội.

15. Indigo A. Williams, nhà hoạt động xã hội, Nghiên cứu gia.

Trong danh sách đợt 2 của WJC, người ta thấy có 2 người chuyên viết những bài vở có lợi cho VC là Giáo sư Đặng Tiến ở Paris và luật sư Nguyễn Hữu Liêm ở San Jose.

Trong danh sách đợt 3 của WJC, người ta thấy có 3 nhà văn đã có tác phẩm được in trong quyển "The Other Side of Heaven" (Phía Bên Kia Thiên Đường) là quyển sách được đem ra bình văn với mục đích giao lưu văn hóa trong cuộc hội thảo "Bể Dâu" tại San Francisco là các ông Hoàng Khởi Phong, Nguyễn Mộng Giác, Phan Huy Đường.

Theo tuyên bố của tên Việt gian Nguyễn Bá Chung thì nhà văn Hoàng Khởi Phong sẽ viết về đề tài "Những Nhà Văn Gốc Quân Đội Trong Cộng Đồng Việt Nam Hải Ngoại," Nguyễn Mộng Giác với "Sơ Thảo Về Các Giai Đoạn Thành Hình và Phát Triễn của Giòng Văn Xuôi ở Hải Ngoại Từ Năm 1975 đến 2000."

*

Cách đây 8 năm, khi nhà văn Nguyễn Mộng Giác chọn làm người cầm bút "bất thường" - nói theo cách nói của ông ta - đi vào bên trong cuộc hội thảo "Bể Dâu" do Vũ Đức Vượng, một du sinh trước năm 1975 tổ chức, chúng tôi đã viết bài "Máu Nào Đã Đổ Xuống, Mực Nào Đã Viết Ra Trong Cuộc 'Bể Dâu' này" để lên tiếng về việc làm này là đã tạo diễn đàn để Cộng sản Việt Nam giao lưu văn hóa một chiều trong trận "vận động chiến" tấn công vào "mặt trận giao lưu văn hóa một chiều" ở hải ngoại. Bài viết này đã được in trong tập tạp luận "Máu Mực Bể Dâu" do Hội Văn Nghệ Sĩ Việt Nam Tự Do Hải Ngoại xuất bản vào năm 2002.

Tám năm sau, lời than vãn của nhà văn Nguyễn Mộng Giác về việc nhà cầm quyền CSVN "cấm đoán không cho sách báo hải ngoại phổ biến trong nước, hay ít nhất không tạo điều kiện cho những người cầm bút tiếp cận với văn học hải ngoại, thì những lời tuyên bố như trên chỉ là những lời tuyên truyền chính trị" đã không còn đúng với ông ta nữa. Nhà văn Nguyễn Mộng Giác và nhà văn Nhật Tiến đã được CSVN cho phép in và phổ biến tác phẩm ở trong nước. Nguyễn Mộng Giác và Hoàng Khởi Phong lại được tên Việt gian Nguyễn Bá Chung, một du sinh trước năm 1975 móc nối để cùng Hoàng Ngọc Hiến, Nguyễn Huệ Chi và WJC thực hiện âm mưu thâm độc là viết "tờ căn cước đỏ" cho 3 triệu người Việt Quốc Gia tỵ nạn cộng sản.

Chuyện này không phải là chuyện lạ vì thời nào chẳng có những kẻ bám đuôi theo kẻ mạnh để kiếm miếng đỉnh chung, kiếm chút danh lợi cuối đời. Nhưng thời nào cũng thế: nếu đã có "Tụng Tây Hồ phú" thì ắt có "Chiến Tụng Tây Hồ phú"; nếu đã có Tôn Thọ Tường vì tham miếng đỉnh chung, cam tâm cúi đầu theo giặc Pháp, mượn hơi giặc Pháp hăm he những người yêu nước:

"Miệng cọp, hàm rồng đâu dễ chọc

Khuyên đàn con trẻ chớ thày lay."

thì ắt sẽ có Phan Văn Trị nói lời khẳng khái, quyết liệt:

"Chớ mượn hơi hùm rung nhát khỉ

Lòng ta sắt đá há lung lay!"

*

Ngày 23 tháng 5 năm 2003, truyền hình Việt Nam tại Boston có tường trình vụ WJC họp với một số nhà văn Việt Nam và Mỹ tại trường đại học Harvard.

Toàn bộ vấn đề nhà văn Nguyễn Mộng Giác nêu lên bằng Việt ngữ được Nguyễn Bá Chung chuyển qua Anh ngữ gồm hai điểm chính:

- Giới nhà văn trẻ du học trước năm 1975 tham dự phong trào phản chiến bị cộng đồng gọi là Việt Cộng (sic!)

-Nguồn văn học hải ngoại hiện nay đang tập trung tại Hoa Kỳ, nhưng trong tương lai, các nhà văn trẻ tại Đức vốn sẵn có nhiều quan tâm đến tình hình trong nước và có nhiều hiểu biết về những vấn đề trong nước hơn, sẽ giành ưu thế và chuyển trung tâm văn học Mỹ sang Âu Châu.

Xin không đề cập đến việc nhà văn Nguyễn Mộng Giác tiên đoán "trung tâm văn học Mỹ sẽ chuyển sang Âu Châu" trong tương lai, để, từ đó, "Ủy ban người Việt nước ngoài" của CSVN thiết lập chiến lược tiêu diệt những hoạt động văn hóa của cộng đồng người Việt Quốc Gia tỵ nạn cộng sản có hiệu quả hơn, vì đó là quyền tự do của nhà văn Nguyễn Mộng giác và những người đang-cùng-đi-một-đường với ông ta.

Trong bài viết này chúng tôi xin được đề cập đến việc nhà văn Nguyễn Mộng Giác "gán tội" cho cộng đồng người Việt Quốc Gia tỵ nạn cộng sản "đã gọi những nhà văn trẻ du học trước năm 1975 tham dự phong trào phản chiến là Việt Cộng." Theo tôi, đây là một nhận định không được chính xác, nếu không muốn nói là hàm hồ. Không có cộng đồng nào gọi "những nhà văn trẻ du học trước năm 1975 tham dự phong trào phản chiến là Việt Cộng" cả, mà chính những người này đã tự khắc lên trán mình mấy chữ "Việt gian", "tay sai Việt Cộng" - cũng giống như cộng đồng người Việt Quốc Gia tỵ nạn cộng sản đã dùng những chữ "Việt gian", "tay sai Việt Cộng" để gọi những kẻ đã từng là sĩ quan phục vụ trong hàng ngũ QLVNCH, đã sợ VC trả thù khi chúng chiếm được miền Nam nên đã phải "di tản" từ tháng 4 năm 1975, nhưng khi được tên văn nô VC Trần Văn Thủy phỏng vấn và đăng lại trong quyển "Nếu Đi Hết Biển" lại tuyên bố là mình "trốn chạy tổ quốc". Cũng như cộng đồng người Việt Quốc Gia tỵ nạn cộng sản đã gọi những tên nhà văn đã tạo diễn dàn để VC có cơ hội tấn công vào mặt trận giao lưu văn hóa tại hải ngoại là "bọn Việt gian", "bọn tay sai Việt Cộng!" Không cộng đồng người Việt Quốc Gia tỵ nạn cộng sản gọi những kẻ này là Việt Cộng. Việt Cộng cũng không coi những kẻ này là đồng bọn mà chỉ coi là những kẻ tay sai, là bọn “bồi thần” (chữ dùng của sử gia Tư Mã Thiên để gọi lũ tay sai của bọn tay sai, bọn đầy tớ của lũ đầy tớ!).

Nguyễn Bá Chung, du học sinh trước năm 1975, kẻ đã chê bai chế độ miền Nam đã tham nhũng, đã nhận tiền hối lộ để cấp giấy phép cho anh ta đi du học trong lúc hàng trăm ngàn thanh niên khác cùng trang lứa với anh ta đang phải hy sinh xương máu để bảo vệ chế độ miền Nam, kẻ đã làm bài thơ "Nguyễn Bính" với hai câu:

"Nửa đời mới biết công danh hảo

Giày cỏ gươm cùn đến trắng tay"

để Hoàng Ngọc Hiến dùng thủ thuật trích dẫn để diễn giải là "có thể hiểu với ý nghĩa thời sự là tác giả mượn thân phận của nhà thơ giang hồ họ Nguyễn để cảm khái tâm trạng vỡ mộng của mình và những chàng trai cùng thế hệ hiện đương long đong nơi đất khách quê người."

Với tư cách Giám đốc Chương trình Nghiên cứu về người tỵ nạn cộng sản, Nguyễn Bá Chung đã làm bài thơ "Di tản" mô tả thế hệ di tản như sau:

"Là mảnh vụn của sỏi đá

là giọt nước của ao tù

là tia nắng cuối cùng mong manh

là viên đạn lép

cuối lòng súng rỉ

là ngôn ngữ bất lực

của tháng ngày bất lực

là vết bầm cuối cùng

của cuộc nội thương

là vết rêu của sỏi đá

là hơi sương trên ao tù

là tia nắng cuối đời mong manh

là viên đạn lép

không bao giờ bắn nữa

là ngôn ngữ khởi đầu

khi tiếng bom chấm dứt

là những gì còn đọng lại

sau cơn động đất cuối mùa."(3)

Thử hỏi với bài thơ bêu rếu những người di tản như trên, với việc làm tiếp tay với WJC để viết "tờ căn cước đỏ" cho 3 triệu người Việt tỵ nạn, cộng đồng người Việt Quốc Gia tỵ nạn Cộng sản tại hải ngoại nếu không dùng mấy chữ "Việt gian", "tay sai Việt Cộng" để gọi "ông du học sinh trước năm 1975" Nguyễn Bá Chung thì cộng đồng người Việt Quốc Gia tỵ nạn phải gọi ông du học sinh này là gì?

Không cộng đồng người Việt Quốc Gia tỵ nạn cộng sản nào gọi "du học sinh trước năm 1975" Vũ Đức Vượng (4) là Việt Cộng. Là Giám đốc Trung tâm Định Cư Đông Nam Á, Vượng đã bị Ban Giám đốc Trung tâm này tống cổ ra khỏi Trung tâm vì những việc làm có lợi cho Việt Cộng như kêu gọi bỏ cấm vận, tổ chức hội thảo "Bể Dâu", tổ chức Việt Expo, công khai bày bán các báo chí của VC và những việc làm tác hại khác. Cộng đồng người Việt Quốc Gia tỵ nạn cộng sản không gọi Vượng là Việt Cộng, cộng đồng đã dùng mấy chữ "Việt gian", "tay sai Việt Cộng" để gọi ông này. Mới đây, ông "Việt gian" này lại nỏ mồm ra chê bai báo chí Việt ngữ tại Bắc California, cũng không ai gọi ông này là "Việt Cộng" - như ông nhà văn Nguyễn Mộng Giác đã hồ đồ kết tội cộng đồng!

Những người có quan tâm đến văn học, đến việc làm của các du học sinh trước năm 1975, đều biết Đặng Tiến, kẻ đã du học tại Pháp, đã đổ đạt và đã ở lại Pháp. Trong bút hiệu Nam Chi, Đặng Tiến đã viết những bài phê bình văn học đăng trên tờ Đoàn Kết, tờ báo của "Việt kiều yêu nước" tại Paris. Trong các bài viết về các nhà văn, nhà thơ hải ngoại, Nam Chi không hề để lộ ra bất cứ một dấu vết nào chứng tỏ mình là cộng sản. Biện minh lý do tại sao mình thích và chọn bình thơ Nguyễn Bá Trạc, Nam Chi cho biết ông yêu cái "tia nắng an lành... niềm vui mới" của nhà thơ này. Qua một số bài viết khác, những người có theo dõi cũng được biết Nam Chi Đặng Tiến đã nhiệt liệt khen ngợi bài thơ "Tôi đi trên những con đường rừng cũ" của "kháng chiến quân" Hoàng Phủ Ngọc Tường là "kết hợp được ý chí chiến đấu với một niềm u hoài khó tả" và khi đọc bài viết của Nam Chi viết vềTố Hữu với câu kết thúc bằng một lời "phảng phất ngọc lan chi vị": "Đọc thơ Tố Hữu, càng đọc càng yêu" thì người ta mới thấy cái thái độ xum xoe, bợ đỡ, "hôn đít bạo quyền" (kiss asser) của Đặng Tiến cứ như là một đối tượng Đảng không bằng! (5)

Các ông nhà văn, nhà thơ, nhà báo "du học sinh trước năm 1975" như các ông Nguyễn Bá Chung, Vũ Đức Vượng, Đặng Tiến v.v...được những người Việt Quốc Gia tỵ nạn cộng sản gọi họ là "Việt gian", là "tay sai Việt Cộng" bởi vì chính các ông này đã khắc lên trán mình mấy chữ này, chứ không có cộng đồng người Việt nào gọi mấy ông này là "Việt Cộng" cả. Đề nghị nhà văn Nguyễn Mộng Giác muốn xum xoe, bợ đỡ những người này để được tiếp tay với họ để làm "Việt gian", làm "tay sai Việt Cộng" thì cứ làm. Đừng tìm cách biện minh này nọ mà làm gì.

Cùng với Hoàng Khởi Phong, nhà văn Nguyễn Mộng Giác đã được "Việt gian" Nguyễn Bá Chung "trả công bội hậu" là đã được WJC tuyển chọn trong đợt 3 để tiếp tục công việc viết lại "tờ căn cước đỏ" cho cộng đồng người Việt Quốc Gia tỵ nạn Cộng sản mà hai cán bộ VC Hoàng Ngọc Hiến, Nguyễn Huệ Chi với sự tiếp tay của Kevin Bowen và Nguyễn Bá Chung đã khởi đầu và đã gặp sự kháng cự mãnh liệt của "những người không chịu vui niềm vui mới giữa những tang thương và đau khổ của đất nước" , đã dẫn đến vụ kiện Trung tâm William Joiner ra trước tòa án Hoa Kỳ.

Theo bản tin ngày 22 tháng 5 năm 2003 của ông Nguyễn Hữu Luyện gửi cho cộng đồng thì phía bị cáo WJC đã xin hoãn phiên xử tới ngày 16-12- 2003 để xin giải quyết ngoài tòa án và xin bồi thường 250.000 Mỹ kim và một lá thư xin lỗi, nhưng ông Nguyễn Hữu Luyện đã không đồng ý, vì theo ông Luyện, chúng ta cần một bản án để vô hiệu hóa chương trình nghiên cứu đầy tội ác của WJC nhằm bảo vệ vị trí lịch sử của 3 triệu người Việt Quốc Gia tỵ nạn Cộng sản.

Ngày 20-5-2006, ông Nguyễn Hữu Luyện đã thông báo đến cộng đồng kết quả mới nhất của vụ kiện như sau:

"Kính thưa quý vị,

Nhóm nguyên đơn xin kính báo, ngày 11 tháng 5 năm 2006, tòa Phúc Thẩm (Appeals Court) đã ra quyết định bác đơn chống phán quyết về vụ kiện WJC/UMB của tòa superior. Trong vụ kiện này, ngoài cộng đồng người Việt tại Hoa Kỳ, đồng bào ta tại nhiều quốc gia khác, đặc biệt là Úc Châu và Canada, đã tận tình yểm trợ vụ kiện cả về tài chánh lẫn tinh thần trong suốt sáu năm qua để cuộc đấu tranh trong lãnh vực pháp lý giành thắng lợi cho tiếng nói chân chính của các thế hệ tỵ nạn và hậu tỵ nạn (post refugee era) trong dòng sử Hoa Kỳ và thế giới. Hôm nay chúng tôi rất buồn và cảm thấy có lỗi với cộng đồng người Việt ở khắp nơi về thất bại này, tuy nhiên, đây chưa phải là thất bại cuối cùng. Trên thế gian này, việc gì xảy ra cũng có nguyên nhân của nó. Nhóm nguyên đơn không đưa ra bất cứ một nguyên nhân nào để quy sự thất bại này vào đó.

Kính xin quý vị xem bản thông báo của Tổ Hợp Luật Sư Baker Donelson, qua đó, quý vị sẽ rõ những việc tổ hợp luật sư sẽ làm để tiếp tục cuộc đấu tranh này."

Sau đây là lá thư đề ngày 17-5-2006 của Luật sư Bradley S.Clanton, được ông Nguyễn Hữu Luyện đại diện nhóm nguyên đơn, chuyển ngữ như sau:

"Với sự thất vọng cao độ, chúng tôi kính báo quý vị việc tòa Phúc Thẩm (Appeals Court) của tiểu bang Massachusetts bác đơn của chúng ta chống phán quyết về vụ kiện WJC/UBM của tòa Superior. Quyết định của tòa phúc thẩm được ban hành ngày 11 tháng 5-2006. Theo tòa phúc thẩm thì nguyên đơn không dẫn chứng được thành phần nạn nhân bị kỳ thị là thành phần được che chở bởi luật của tiểu bang Massachusetts. Chúng tôi hoàn toàn không đồng ý với quyết định của tòa Phúc Thẩm, do đó chúng tôi phải xin duyệt xét lại quyết định đó.

Công việc đầu tiên của chúng tôi là xin tòa Phúc Thẩm cho "Tái Điều Trần" về quyết định này. Đệ đơn xin như vậy là một việc phải làm trước khi chuyển lên tòa tối cao của tiểu bang Massachusetts. Đơn xin đó phải đệ trình trong vòng 14 ngày sau khi tòa phúc thẩm bác đơn xin của chúng ta, lúc đó chúng ta mới được xin toà tối cao của tiểu bang Massachusetts xét lại quyết định của tòa phúc thẩm.

Chúng tôi thấy rằng không thể nào đoán trước được một cách chính xác là tòa án tối cao của tiểu bang Massachusetts sẽ xét lại quyết định đó như thế nào. Tuy nhiên, xin hãy vững lòng tin rằng chúng tôi sẽ theo đuổi việc này với tất cả nỗ lực của chúng tôi."

*

Chương trình nghiên cứu của WJC là một chương trình nghiên cứu đầy tội ác nhằm viết lại "tờ căn cước đỏ" cho 3 triệu người Việt Quốc Gia tỵ nạn cộng sản. Tiếc thay, có một số người Việt tỵ nạn cộng sản mau quên quá khứ, vì chút danh lợi cuối đời đã tham dự chương trình WJC để làm bình phong cho WJC thực hiện công trình tội ác do nhóm phản chiến Hoa Kỳ (David Hunt và Kevin Bowen) và tay sai Việt Cộng như Nguyễn Bá Chung chủ trương thực hiện.

Việc ông Nguyễn Hữu Luyện cùng 11 nguyên đơn đứng ra kiện WJC là một việc làm thiên kinh, địa nghĩa đã được đồng bào khắp nơi nhiệt tình hỗ trợ tinh thần lẫn vật chất.

I I - VỤ KIỆN BROWN ACT TẠI SAN JOSE - DIỄN TIẾN SỰ VIỆC:

Đêm 20-11-2007, có người gọi là “đêm dài nhất” đối với cộng đồng người Mỹ gốc Việt tại thành phố San Jose thuộc tiểu bang California. Đây là đêm của tráo trở, lật lọng của một nghị viên người Mỹ gốc Việt là bà Madison Nguyễn, người đã nhờ lá phiếu của cử tri người Mỹ gốc Việt đã đắc cử chức Nghị viên Hội Đồng thành phố San Jose trong năm 2006. Bằng “thủ đoạn chính trị nhơ bẩn” (dirty politic game), bà này và Thị Trưởng Chuck Reed đã áp đặt cái tên SAIGON BUSINESS DISTRICT cho khu thương mại trên đoạn đường Story; trong khi ước vọng của cử tri người Mỹ gốc Việt (khu vực 7 mà Madison Nguyễn là nghị viên) đã chọn tên LITTLE SAIGON. Điều oái oăm là cái tên Saigon Business District chỉ có 5% tổng số phiếu bầu trong khi cái tên Little Saigon chiếm 87% tổng số phiếu bầu theo thăm dò của Cơ quan Tái Phát Triễn Thành Phố (RDA). Theo tiết lộ sau đó của Madison Nguyễn thì sở dĩ bà không chọn tên Little Saigòn vì “tên này mang âm hưởng chống Cộng (sic!)”. Với quyết định độc đoán này, đa số báo chí Việt, Mỹ tại San Jose đều tiên đoán đây chính là “hồi chuông báo tử” cho sự nghiệp chính trị của Madison Nguyễn. (6)

Những cuộc biểu tình “Thứ Ba Đen”, Lý Tống tuyệt thực 28 ngày và “Ủy Ban Bãi Nhiệm Madison Nguyễn” đã thu thập được hơn 5.000 chữ ký của cử tri khu vực 7. Thành phố San Jose đã phải tổ chức cuộc bầu cử đặc biệt vào ngày 3-3-2009 theo luật định. Cuộc bầu cử bãi nhiệm (recall election) đã làm tốn kém tiền thuế của dân khoảng 400.000 Mỹ kim. Nhờ sự hỗ trợ hết công suất của bộ máy quyền lực thành phố và các thế lực đảng phái, nghiệp đoàn, tài phiệt cùng bao che, bênh đỡ và vận động tối đa cho nên bà Madison mới thoát nạn, mới may mắn qua khỏi trận đấu sinh tử (báo Mỹ gọi là “the fight of her life”). (7)

Thành phố San Jose vì bà Madison Nguyễn đã chịu bao nhiêu xáo trộn, ông TT Chuck Reed bị dư luận và báo chí phê phán nặng nề là thiếu tài lãnh đạo.

Vấn đề tốn kém ngân sách của thành phố do Madison Nguyễn gây ra chưa dừng ở đây vì luật sư James Chadwick, luật sư của Cộng Đồng Việt Nam Bắc California (CĐVNBC), đã tống đạt một văn thư (8) đòi hỏi thành phố SJ phải canh cải và sửa đổi nghị quyết chọn đặt tên “Saigon Business District”, do đa số các nghị viên đã bí mật bàn luận trước buổi họp công khai ngày 20-11-2007, đưa đến sự vi phạm luật Brown Act (BA). Luật sư của Hội Đồng Thành Phố nộp Kháng Biện Thư (Demurrer), luật sư Chadwick nộp thủ tục Bác Luận (Opposition) . Ngày 25-7-2008, Chánh án Emerson nghe luật sư đôi bên tranh biện xong và liền tức thì ra phán quyết bác bỏ Kháng Biện Thư của TPSJ, và chỉ thị CĐVNBC nộp bản Cải Biến Tố Trạng Thứ Nhì.

Trong tháng 3 và tháng 4 năm 2009, luật sư James Chadwick đã thực hiện việc hỏi cung hữu thệ hai nghị viên Forest Williams và Madison Nguyễn.

Theo tài liệu được phổ biến thì cuộc hỏi cung Madison Nguyễn chưa kết thúc. CĐVNBC vẫn dự định tiếp tục việc này trong tháng 5 hoặc tháng 6-2009 sau khi tiếp nhận toàn bộ hoặc hầu hết các tài liệu mà CĐVNBC yêu cầu thành phố chuyển giao.

“Nền dân chủ không những cho người dân có quyền bầu cử và quyền tự do ngôn luận, mà còn phải được thể hiện qua một chính quyền trong sáng. Đạo luật Ralph M. Brown Act nhằm duy trì tinh thần dân chủ qua cách bảo vệ sự trong sáng của các cơ cấu chính quyền thuộc tiểu bang California, mà thành phố San Jose là một. Luật Brown Act (BA) cấm các nghị viên bàn luận hoặc bí mật họp riêng và thảo luận về một vấn đề đặc biệt trước khi đưa ra nghị quyết trước công chúng. Khi có những viên chức của thành phố vi phạm luật Brown Act, thì người dân có quyền tiến hành một vụ tố tụng dân sự, để đòi thành phố phải “canh cải và sửa đổi” một quyết định nào đã mang tính vi phạm luật BA, và tránh

các vi phạm khác trong tương lai, hầu giữ cho chính quyền được quang minh và giữ gìn nền dân chủ.”

CĐVNBC, qua luật sư James Chadwick, đã phổ biến “các điều căn bản về luật Brown Act” trong buổi tiệc gây quỹ tranh đấu cho vụ kiện BA tại San Jose vào ngày 3-5-2009 vừa qua với khoảng 600 đồng hương tham dự.

Đây là một vụ kiện lịch sử vì trong suốt lịch sử nước Mỹ chưa hề có một sắc dân nào bị chính quyền dùng luật pháp để chèn ép, chà đạp nguyện vọng của tuyệt đại đa số như trường hợp cộng đồng người Mỹ gốc Việt tại San Jose trong hai năm qua liên quan đến việc đặt tên Little Saigon. Và cũng chưa hề có sắc dân nào tại Hoa Kỳ đã dùng chính pháp luật của Mỹ để tranh đấu đòi được tôn trọng và đòi thực thi dân chủ để ĐÒI LẠI DANH DỰ BỊ CHÀ ĐẠP và NỀN DÂN CHỦ BỊ TƯỚC ĐOẠT!

*

- Việc “người tù kiệt xuất” Nguyễn Hữu Luyện và 11 nguyên đơn dùng tố quyền tập thể kiện WJC không được thành công như ước muốn vì phải đối đầu với thế lực và tài lực dồi dào tiểu bang Massachusetts và trường đại học UMASS, nhưng công trình nghiên cứu “Tái Xây Dựng Diện Mạo Và Quê Hương Người Việt Ở Nước Ngoài” với ý đồ viết “tờ căn cước đỏ” cho 3 triệu người Việt tỵ nạn cộng sản đã bị HÀ TÌ, KHÔNG CÒN GIÁ TRỊ.

- Trong một bài viết phổ biến trên nhựt báo San Jose Mercury News ngày 28-4-2009, với tựa đề “Thành phố San Jose đã khước từ không thi hành những cải tổ thực hiện một chính quyền quang minh chính đại mà trước đây Thị Trưởng đã hết lời quảng bá”, luật sư James Chadwich đã kết án việc thành lập “Ủy ban Đặc nhiệm Cải tổ Chính quyền” của Thị Trưởng Chuck Reed là “một trò ngụy quân tử.”

Theo luật sư James Chadwick thì: “Người dân San Jose xứng đáng được hưởng những ích lợi của việc thành lập một chính quyền theo tinh thần của luật “sunshine”. Nhưng họ sẽ không có một chính quyền lương hảo đó, nếu họ không đứng lên đòi hỏi cho bằng được.”

Cũng cùng nguyên lý trên, cộng đồng người Mỹ gốc Việt sẽ KHÔNG ĐÒI LẠI ĐƯỢC DANH DỰ BỊ CHÀ ĐẠP và NỀN DÂN CHỦ BỊ TƯỚC ĐOẠT.

No comments:

Post a Comment