Pages/ Tác giả

Wednesday, June 2, 2010

Hồn Việt UK online với Nhà Báo Việt Thường "trả lời Bạn Đọc quốc nội"

Hồn Việt UK online với Nhà Báo Việt Thường:

"trả lời Bạn Đọc quốc nội"

(ngày 2 tháng 6 năm 2010)

Download this audio file

Tham khảo:

http://www.laodong.com.vn/Utilities/PrintView.aspx?ID=186483

Lá thư đầy “uất nghẹn” của một công nhân
Lao Động số 123 Ngày 01/06/2010 Cập nhật: Thứ Ba, 01/06/2010 - 7:44 AM
(LĐ) - Mới đây, chị Nguyễn Thị Thắm - một công nhân (CN) làm việc tại Cty TNHH Hansoll (KCN Bàu Xéo, huyện Trảng Bom, Đồng Nai) đã gửi một lá thư nói về những bức xúc, nỗi khổ, nỗi uất nghẹn mà nhiều CN như chị phải chịu đựng tại Cty Han soll, tới người lãnh đạo cao nhất của tổ chức CĐVN - Chủ tịch Tổng LĐLĐVN Đặng Ngọc Tùng.

Nhận được thư chị Thắm, Chủ tịch Đặng Ngọc Tùng đã đọc đi, đọc lại nhiều lần với tình cảm trân trọng, xúc động và ngay lập tức đã viết thư trả lời chị. Lao Động xin trân trọng đăng hai bức thư nói trên.

Kính gửi: Ông Chủ tịch Tổng LĐLĐVN

Tôi tên: Nguyễn Thị Thắm - Công nhân (CN) kiểm hàng (QC) của Cty TNHH Hansoll Đồng Nai - Khu công nghiệp (KCN) Bàu Xéo - Trảng Bom - Đồng Nai.

CN chúng tôi ở đây có rất nhiều bức xúc mà không biết đi đâu để tìm ra lẽ công bằng. Tôi cũng đã tìm sự giúp đỡ từ các tổ chức xã hội nhưng chưa thấy hồi âm. Sau thời gian tìm địa chỉ, tôi cũng đã suy xét kỹ càng và quyết định viết lá thư này gửi đến ông. Không! Tôi không “kiện” Cty, tôi viết ra tiếng nói của tôi - NLĐ, mong ông bớt chút thời gian để lắng nghe và thấu hiểu tiếng “than ôi” trong lòng chúng tôi. Mong ông đặt mình vào vị trí của tôi - NLĐ để cảm thông cho số phận CN, cương vị Chủ tịch Tổng LĐLĐVN nhận xét xem công dân của nước Việt đang làm việc trong cảnh thế nào.

Trước khi viết ra những bức xúc, tôi có lời xin lỗi trước. Nói một cách chua chát thì Cty lấy “tiền” dán “miệng thiên hạ” để che đậy cho cái gọi là “áp bức, bóc lột sức lao động”. Sự thiếu tri thức và hiểu biết Luật Lao động đã xiềng xích quyền lợi hợp pháp của NLĐ. Chúng tôi đã phải vất vả lao động, trái lại đồng lương thì ít ỏi mà “luật” thì quá nhiều. Cty yêu cầu CN đi sớm để họp “trước giờ”, nhưng về trễ thì chẳng có thêm đồng nào, làm hành chính nghỉ trưa 1h mà cũng bị “chém đầu, chém đuôi” 20 phút.

Vào giờ là làm đến có chuông mới được rời vị trí đi ăn cơm, trong giờ đi tiểu hoặc uống nước còn bị dòm ngó, chửi bới. Chính tôi đây kiểm hàng một mình một làn, vội đi vệ sinh để trống bàn, chuyên gia người Hàn Quốc (tôi cũng chưa biết tên) la lối ầm lên, chưa được 5 phút tôi đã quay ra và được giội xối xả những câu chửi tiếng Hàn, bực quá tôi cũng nạt lại “đi vệ sinh mà cũng cấm sao” mặc bà ấy muốn nói thêm gì thì nói...

Tàn nhẫn hơn là họ chỉ ký nghỉ việc, đi trễ, về sớm... trước 10h, sau thì không giải quyết, đã có lần CN may khóc lóc xin về vì con họ sốt, nhưng quá giờ họ khó dễ và sau thế nào tôi cũng không rõ chỉ nghe: Bất quá thì bỏ việc, không cho tôi cũng về. Hôm thứ 7 ngày 15.5.2010, cạnh chỗ tôi, QC - Line 1 tên là Tâm bị sốt nổi ban vì hôm trước nghỉ chưa xin phép nên nghỉ thêm mấy hôm. Giải quyết cũng không, mà cũng không ký giấy cho về sớm, vừa sốt, vừa mệt mỏi vẫn phải đứng kiểm hàng, chúng tôi cũng khuyên lên y tế nằm, nhưng Tâm nói “phức tạp lắm!”, vì họ cho uống thuốc “tủi nhục” nên chẳng thể nằm lâu được.

Có quy định cấm CN mang đồ dùng cá nhân, chai lọ, dù, nón, áo khoác vào xưởng, vào xưởng phải tắt nguồn điện thoại di động. Cty treo tấm bảng trước phòng Bảo trì trong cách cư xử có câu: “Không phân biệt đối xử”, nhưng thực chất thì khỏi bàn cãi. Văn phòng thì được mang đồ dùng cá nhân vào, được uống nước bằng ly/chai, được dùng điện thoại di động dù cho việc “công” hay việc “tư”, nhà ăn xa thì được mang dù, nón để che, ăn cơm thì được “phục vụ tận tình”.

CN thì cấm mang đồ dùng cá nhân vào xưởng, lúc bấm thẻ bị bảo vệ soi mói xem có gì trong túi không, CN may có người bị bắt vì mang giấy vệ sinh và “phụ kiện” của chị em phụ nữ trong túi, uống nước thì phải ghé miệng vào cái vòi chẳng biết họ xem CN là “con gì”, ăn cơm thì đội đầu trần, nếu mang dù, nón thì phải lén lút như kẻ ăn cắp, ăn cơm thì chen chúc, tranh giành, lúc chưa phân hai xưởng thì CN ăn giành nhau như trong “trại tị nạn”...

Có người rơi nước mắt vì miếng cơm, lấy khay cơm mà như thể xin ăn. Phần ăn thì chẳng khác phần cho “mèo” ăn, không hiểu Cty có xem CN chúng tôi là “con người” hay không.

Thưa ông, ông cảm thấy thế nào khi các chuyên gia người Hàn chửi mắng CN chẳng tiếc lời và còn ném cả áo vào mặt CN? Chính bản thân các chuyên gia, quản lý họ chưa làm ra được sản phẩm tốt, họ ép CN may đạt 100%, không làm được thì họ chửi mắng chẳng cần biết đúng sai, có tình có lý. Quản lý bị chửi thì chửi lại các tổ trưởng, tổ trưởng lại trút cơn giận lên CN còn CN tức tưởi “nuốt” nỗi tủi nhục ấy.

Chị Phương tổ trưởng may chuyền 2 kể tôi nghe “Ông Kim gọi lại họp, giả sử đây là mặt em” rồi chị vo cái áo chọi thẳng vào vật giả dụ là mặt mình và nhắc lại lời ông Kim (GĐ xưởng) “Sáng giờ chỉ lên được 5 cái áo?”. “Nhục như con chó chị ạ”. Cái “tủi nhục” ấy chẳng riêng người “lãnh” được cái áo, mà cả tôi và những người cùng nghe cũng thấy nhục, cái tủi nhục của NLĐ.

Sau ông Kim nghỉ thì có một chuyên gia khác tạm quản xưởng 1 là người mắng tôi khi tôi đi vệ sinh ra, QC in line bắt hàng bà ấy cầm áo quăng vào mặt QC. Minh Thư, QC cùng Line nói lại với tổ trưởng, nhưng chị ấy chỉ yên lặng, lắc đầu CN chúng tôi không bị “câm”, chúng tôi cũng biết lên tiếng, nhưng phía quản lý xưởng yêu cầu nói ý kiến của mình với tổ trưởng rồi tổ trưởng ý kiến lên. Nhưng vì chén cơm chẳng ai lên tiếng cho CN, cả CĐCS cũng chẳng thấy ai. Vậy đấy, CN chỉ là cái “giẻ rách” trong mắt người sử dụng lao động, ngay cả người Việt với nhau cũng chẳng biết “đùm bọc” lẫn nhau lại chà đạp lên nhau để thăng tiến...

Cũng chẳng biết là đồng lương và bảo hiểm họ có tính đúng không nhưng chỉ biết sau mỗi đợt lĩnh lương là CN lại bỏ ngang rất nhiều, CN làm thì than lương tính không đúng, Cty công bố một bảng tính lương mà tôi cũng “mới thấy lần đầu”, nhưng họ không thể cãi vì họ có biết luật quy định bảng tính lương của Nhà nước ra sao đâu, chị họ tôi thắc mắc thì nhận được câu xanh rờn: “Luật Cty là vậy đấy chị ạ”. Luật gì?

Bất công quá, CN bỏ việc nhưng họ cũng chẳng giải quyết với bất cứ lý do gì, CN đành bỏ ngang và chấp nhận mất mấy ngày lương và sổ bảo hiểm (nếu có). Còn và còn rất nhiều những bất công mà chúng tôi phải chịu đựng. Tôi nghĩ với cương vị Chủ tịch Tổng LĐLĐVN, ông cũng từng nghĩ đến cảnh tình này của CN, nhưng ông có cảm nhận được cái uất nghẹn đang trào lên trong ruột gan chúng tôi, đã đấu tranh, có đình công nhưng chẳng thay đổi được gì.

Chính tôi đây không cam tâm, tôi tìm đến toà soạn báo Đồng Nai, báo Người Lao Động, báo Lao Động nhờ giúp đỡ về mặt pháp lý, nhưng chưa thấy hồi âm. Tôi nghĩ với bề dày kinh nghiệm ông sẽ hiểu những thứ đang “lung lay” trong lòng NLĐ, mong rằng nó sẽ không phải tiếng “oán trách”.

Tôi cũng như toàn thể CN ở đây mong ông hiểu được cái quyền bình đẳng, quyền được tôn trọng, quyền nhân sinh đang bị người sử dụng lao động chà đạp, chúng tôi không biết phải làm sao, đấu tranh hay không, nếu đấu tranh thì như thế nào là đúng đắn, dựa vào ai, tin vào ai? Tôi luôn chờ nghe lời hồi âm, ít ra tôi cũng tự hào rằng mình là người VN, thừa hưởng tinh thần kiên cường của cha ông mình.

Cuối thư xin cảm ơn vì ông đã lắng nghe!

Nguyễn Thị Thắm

Không thể chấp nhận tình trạng thiếu tôn trọng người lao động

Đó là khẳng định của Chủ tịch Tổng LĐLĐVN Đặng Ngọc Tùng trong bức thư gửi chị Nguyễn Thị Thắm

Hà Nội, ngày 1 tháng 6 năm 2010
Kính gửi: Chị Nguyễn Thị Thắm - Công nhân Cty TNHH Hansoll Đồng Nai (KCN Bàu Xéo, huyện Trảng Bom, Đồng Nai)

Trước hết, tôi xin rất cảm ơn chị đã viết thư thông báo cho tôi biết những gì đang diễn ra tại Cty nơi chị đang công tác.


Tôi đã đọc thư chị nhiều lần, càng đọc tôi càng xúc động và trân trọng chị nhiều hơn… vì đấy cũng chính là hình ảnh, là tình cảnh, là trăn trở suy nghĩ và tâm trạng của tôi 37 năm về trước khi tôi đang làm công nhân (CN) cho một đơn vị xây dựng của chính quyền miền Nam. Chính những trăn trở và suy nghĩ ấy là động lực để tôi trở thành một cán bộ CĐCS kể từ ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng.

Thưa chị Thắm, ngày nay đất nước đã thống nhất, độc lập, tự do, chúng ta đã trở thành công dân của một đất nước tự do, một CN của một giai cấp tiên phong hiện đang đi đầu trong sự nghiệp xây dựng một nước Việt Nam “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” thì nhất định chúng ta không thể nào chấp nhận sự “áp bức bóc lột sức lao động”, quyền bình đẳng, quyền được tôn trọng, quyền nhân sinh của NLĐ, đang bị người sử dụng lao động không tôn trọng như vậy.

Tôi đã chỉ đạo cho LĐLĐ tỉnh Đồng Nai, yêu cầu cơ quan quản lý nhà nước về lao động của tỉnh kiểm tra xử lý thật nghiêm minh những vi phạm của Cty. Và phải xây dựng CĐCS Cty thật sự vững mạnh để bảo vệ có hiệu quả quyền lợi của NLĐ, phải thương thảo cùng người sử dụng lao động ký kết thoả ước lao động tập thể, xây dựng quan hệ lao động hài hoà ổn định và bền vững tại Cty.

Tôi đề nghị chị góp phần xây dựng tổ chức CĐ Cty, xung phong làm cán bộ CĐ bán chuyên trách hoặc chuyên trách và ứng cử vào ban chấp hành CĐ Cty, ra sức xây dựng CĐCS vững mạnh, xây dựng tập thể NLĐ của Cty đoàn kết, thống nhất xung quanh ban chấp hành CĐCS để đấu tranh bảo vệ có hiệu quả hơn quyền lợi của NLĐ. Tôi tin tưởng rằng quan hệ lao động tại Cty sẽ tốt hơn sau khi các cơ quan chức năng của tỉnh kiểm tra.

Cuối cùng tôi xin chúc chị và gia đình khoẻ mạnh, qua chị xin chuyển lời thăm hỏi và chúc sức khoẻ của tôi đến toàn thể anh chị em CN của Cty.

Tôi sẽ đến thăm anh chị em CN của Cty và hy vọng sẽ được gặp chị và nghe được trực tiếp những vấn đề còn đang bức xúc trong anh chị em CN chúng ta.
Trân trọng!

Đặng Ngọc Tùng - Chủ tịch Tổng LĐLĐVN

No comments:

Post a Comment