Pages/ Tác giả

Tuesday, October 20, 2009

Nguyệt San Chiến Sĩ Cộng Hòa số 4- Chủ đề: Việt Nam chống xâm lăng



Nguyệt San Chiến Sĩ Cộng Hoà số 4

Thư tháng 10

"Hoa Kỳ nên trân quí những nguyên tắc lập quốc của tiền nhân.

Lới Đức Đạt Lai Lạt Ma

Trước tiên, tôi xin thay mặt Ban Biên Tập để cám ơn sự ủng hộ của toàn thể bạn đọc. Hiện nay, Chiến Sĩ Cộng Hoà số 1 và số 2 đã hết, nhưng số độc giả muốn mua dài hạn cũng như các đại lý yêu cầu cung cấp vẫn còn tiếp tục. Sự kiện này khiến chúng tôi vô cùng phấn khởi vì con đường tranh đấu cho một Việt Nam không cộng sản là một con đường thênh thang rộng mở và người Việt khắp nơi sẽ nắm tay nhau về xây dựng lại quê hương tan hoang sau 65 năm cộng sản, không phải chỉ là một giấc mơ.

Cũng trân trọng thông báo luôn về một nổ lực nhằm triệt hạ báo CSCH, bằng cách rỉ tai rằng: Các cơ sở thương mại phổ biến nguyệt san CSCH sẽ gặp khó khăn trong việc giao thương làm ăn với trong nước .!

Chúng tôi đã liên lạc với các đại lý khắp nơi và được sự xác nhận của quí vị này là tinh thần chống cộng của Người Việt hải ngoại rất cao và nguyệt san CSCH được sự yểm trợ nồng nhiệt của độc giả. Nhiều đại lý đề nghị chúng tôi chuyển sang bán nguyệt san và Ban Chủ Trương đang nghiên cứu về đề nghị này. Sự thành công của nguyệt san Chiến Sĩ Cộng Hoà cho thấy lời tiên đoán báo tranh đấu chống cộng không có người viết, không có người đọc là vô căn cứ. Từ trước đến nay những bài viết ghi lại những chi tiết cuả lịch sử Việt Nam thời cận đại bởi những nhân chứng sống, những chiến tích anh dũng của quân lực VNCH, những kinh nghiệm xương máu của dân tộc Việt Nam dưới chế độ cộng sản, thường chỉ được đăng tải rải rác trên các tạp chí hay do các tác giả tự xuất bản. Vì số lượng phát hành hạn chế nên những tài liệu hay chứng tích lịch sử này không tạo được nhiều tiếng vang và ít được phổ biến rộng rãi trong quần chúng. Với sự tiếp tay nồng nhiệt của bạn đọc, chúng tôi hy vọng nguyệt san Chiến Sĩ Cộng Hòa sẽ là những tập tài liệu lịch sử lưu giữ cho thế hệ mai sau, sẽ là những ngọn đuốc soi đường cho chúng ta trên con đường tiến về Việt Nam, quê hương thanh bình không còn bóng Việt gian cộng sản.

Chủ đề của số 4, số báo nằm trong tay quí vị hướng về vùng biển Đông, hướng về Trường Sa, hướng về Hoàng Sa mà hiện nay, bọn Việt gian cộng sản đã dâng hiến và bán cho Tàu cộng. Trong 128 trang báo kế tiếp, quí vị sẽ được đọc lại những oai hùng của các chiến sĩ Hải Quân VNCH khi chiến đấu chống Tàu cộng xâm lăng Hoàng Sa năm 1974, đọc lại gương chiến đấu khi dùng chiến thuyền diệt quân xâm lăng Bắc Phương của Hưng Đạo Vương, lịch sử thành lập hải quân Việt Nam Cộng Hòa. Và nhất là sự hy sinh anh dũng của thiếu tá Hải Quân VNCH Ngụy Văn Thà mà ngày nay chính báo Tuổi Trẻ xuất bản trong nước cũng phải đăng bài ca tụng.

Nhưng nếu chúng ta nhìn lại chính sách ngoại giao của Hoa Kỳ từ 40 năm qua, về những kế sách yểm trợ ngầm cho các nước cộng sản còn sót lại như Việt Nam, như Trung Hoa, phát triển về kinh tế nhưng không phải để giúp những quốc gia này giàu mạnh, nhằm cải thiện mức sống của dân chúng mà chỉ để giúp các chính quyền cộng sản này thành những tập đoàn tư bản đỏ, những bọn cướp của giữa ban ngày, mà mọi hành động vi phạm nhân quyền, phản dân chủ, bóp ngẹt tự do không còn là những điều phải che đậy…! Những vị Tiền Nhân khai phóng Lý Tưởng Tự Do-Dân Chủ và thành lập ra Hiệp Chủng Quốc Hoa Kỳ nếu còn sống đến ngày nay để nhìn thấy Hoa Kỳ mất đi điạ vị độc tôn trên thương trường, kinh tế thụt lùi, đồng đô la mất giá cũng như thị trường điạ ốc, chứng khoán của Hoa Kỳ rơi xuống như thắng không phanh thì chắc sẽ rất đau lòng….! Nhưng điều làm cho những vị Vĩ Nhân dựng nên đất nước này đau lòng gấp bội là khi Hoa Kỳ không còn là quốc gia kiểu mẫu cho thế giới về dân chủ và nhân quyền! Từ trước đến nay, vấn đề nhân quyền luôn luôn được Hoa Kỳ đưa lên hàng đầu để áp lực các quốc gia khác trên thế giới tôn trọng, nếu muốn có được các quyền lợi về kinh tế và chính trị với Hoa Kỳ. Nhưng ngay khi nhậm chức ngoại trưởng, trong chuyến đi đầu tiên đến Hoa Lục, bà ngoại trưởng Hillary Clinton đã làm thế giới thất vọng khi tuyên bố vấn đề Trung Cộng vi phạm nhân quyền không thể chi phối các yếu tố thương mại và môi trường khí hậu trong bang giao với Hoa Kỳ.

Do đó chúng ta có quyền lạc quan không, khi mà ngày thứ Ba 6 tháng 10, 09, Quôác hội Hoa Kỳ đã mở cửa chào đón Đức Đạt Lai Lạt Ma tại Hoa Thịnh Đốn và đã trao tặng cho ngài một huy chương để bày tỏ sự hậu thuẫn sau lưng vị lãnh tụ Phật Giáo Tây Tạng lưu vong này nhưng Tổng Thống Obama thì đã từ chối không gặp Đức Đạt Lai Lạt Ma lần này, mà hứa hẹn sẽ gặp ngài sau khi chính thức viếng thăm Trung Cộng vào tháng 11 sắp tới. Trung Cộng là nước đã xâm lăng Tây Tạng từ năm 1950. Chính sách diệt chủng người Tây Tạng do Trung Cộng chủ trương tàn ác đến nổi hiện nay, theo báo NewsWeek thì trong 6 người sinh sống tại thủ đô Tibet hiện nay chỉ có một người Tây Tạng, còn thì hầu hết đều là quân lính Trung Cộng sang chiếm đóng và ở lại, mang theo gia đình và định cư ở đây vĩnh viễn. Trung Cộng tái xác nhận chống đối bất cứ nước nào dang tay đón chào vị lãnh đạo tinh thần của Phật Giáo và dân tộc Tây Tạng 74 tuổi này. Tình trạng tại Cao Miên và Lào, hai nước láng giềng của Việt Nam không khá hơn! Hiện nay 10% dân cư ngụ tại thủ đô Vạn Tượng là người Hoa, tại Cao Miên, con số còn cao hơn. Bộ Chính Trị đảng cộng sản tại các nước này không khác gì ở Việt Nam: tất cả đều được huấn luyện và tuyệt đối trung thành với Tàu cộng.

Sự kiện Đức Đạt Lai Lạt Ma được tiếp đón ở điện Capitol bởi các thành viên quan trọng của Quốc hội Hoa Kỳ, cơ quan đại diện cho dân chúng, nhận giải thưởng Tom Lantos vì quá trình tranh đấu cho nhân quyền của ngài (Tom Lantos là tên của cố dân biểu đã vận động cho Đức Đạt Lai Lạt Ma ghé thăm Quốc Hội Hoa Kỳ lần đầu tiên vào năm 1987) là một thông điệp của nhân dân Hoa Kỳ gửi cho toàn thế giới về lời cam kết bảo vệ những giá trị đạo đức về dân chủ và nhân quyền, mà những vị tiền nhân của quốc gia này đã đặt ra khi lập quốc. Phát ngôn viên Hạ Viện, dân biểu Nancy Pelosi, cựu ứng cử viên tổng thống Thượng Nghị Sĩ John McCain, đều tuyên bố hết lòng hậu thuẫn Đức Đạt Lai Lạt Ma.

Bà Pelosi tuyên bố Tây Tạng là một thách thức của lương tâm thế giới. Quốc gia này, Tổng Thống Hoa Kỳ, Quốc Hội Hoa Kỳ, và nhân dân Hoa Kỳ sẽ tiếp tục ngưỡng mộ thông điệp hòa bình, bất bạo động, nhân quyền và thông hiểu mục đích của Ngài trong việc mưu tìm cho dân chúng Tây Tạng đang bị Trung Cộng kiểm soát được có thêm nhiều quyền tự do hơn. Bà Pelosi hy vọng: Chính Quyền Trung Cộng sẽ nhìn thấy qua những diễn biến ngày hôm nay để đồng ý việc đi tìm một giải pháp an bình cho vấn đề Tây Tạng.

Câu trả lời của Đức Đạt Lai Lạt Ma khi ông nhân cơ hội này để hoan nghênh Hoa Kỳ đã hậu thuẫn cổ súy cho vấn đề dân chủ trên thế giới là một câu nói mà chính phủ Hoa Kỳ nên suy gẫm khi đặt ra những kế sách ngoại giao với thế giới bên ngoài: Vũ khí và lực lượng quân sự của Mỹ khiến Hoa Kỳ là một quốc gia hùng mạnh, nhưng theo tôi cái vĩ đại thật sự của Hoa Kỳ chính là những nguyên tắc của tiền nhân quí vị đã đặt ra khi lập quốc. Trong bất cứ tình huống nào, Hoa Kỳ nên trân quí những nguyên tắc ấy.

Nhắc lại, Đức Đạt Lai Lạt Ma đã gặp gỡ tất cả Tổng Thống của Hoa Kỳ, từ Tổng Thống George H.W Bush vào năm 1991, đến Tổng Thống Bill Clinton năm 1997. Năm 2007, TT George W Bush trở thành Tổng Thống đầu tiên của Mỹ xuất hiện công khai với Đức Đạt Lai Lạt Ma, khi Tổng Thống Bush trao tặng Ngài huy chương của Quốc Hội, Congressional Gold Medal, một huy chương do cố dân biểu Lantos vận động. Lantos, một nạn nhân sống sót của vụ tàn sát Holocaust, và là nhà vận động cho nhân quyền không mệt mỏi. Ông Lantos đã chết bốn tháng sau đó.

Kinh nghiệm người, đất nước mình. Dân số Tây Tạng ít hơn Việt Nam, lãnh thổ Tây Tạng nhỏ bé hơn Việt Nam nhưng với một vị lãnh tụ tinh thần như Đức Đạt Lai Lạt Ma, vấn đề Tây Tạng xuất hiện hàng ngày trên các mặt báo thế giới như một bằng chứng hiển nhiên và cụ thể nhất tố cáo giấc mộng đế quốc xâm lược của Tàu cộng đối với các quốc gia lân bang. Từ hình ảnh của Đức Đạt Lại Lạt Ma, tôi nghĩ về hiện tượng “thiền sư” Nhất Hạnh của Việt Nam mà đau lòng, khi nghe có người ví von rằng trong thế giới Phật giáo, người thứ hai sau Đức Đạt Lai Lạt Ma là thiền sư Nhất Hạnh….! Từ đó nghiệm ra sự quan trọng của chữ Tâm vì nó nói lên nhân cách của một người. Những gì xảy ra hiện nay tại tu viện Bát Nhã và số phận cuả 400 tăng nhân Làng Mai mà “Thiền Sư” Nhất Hạnh mang về Việt Nam sau chuyến đi lập đàn giải oan năm 2005 hợp tác với Việt gian cộng sản là một bài học thêm cho những ai còn có ý định hòa giải, hòa hợp với Việt gian cộng sản !

Theo “sư cô” Chân Không thì việc xảy ra tại tu viện Bát Nhã là do áp lực của Tàu cộng với Việt gian cộng sản, sau khi ông Nhất Hạnh trả lời một cuộc phỏng vấn của một đài truyền hình Ý và bênh vực Tây Tạng. Do đó, ta có thể hiểu rằng ngày nay, Tàu cộng không còn cần phải giữ thểá diện cho người đầy tớ láng giềng phương Nam, mà sách sử Tàu gọi sách mé là Nam man nữa. Báo Tàu cho rằng được Tàu cộng đô hộ là một điều may mắn cho Việt Nam, vì khi đó ngư dân Việt Nam đánh cá trên vùng biển của ... mình, không còn sợ vì xâm phạm hải phận của ... thiên triều và có thể bị bắt giam hay bắn chết như trong thời gian qua. Các quặng mõ của Việt Nam nằm dưới đất, không có tài chánh và kỹ thuật của Tàu thì Việt Nam làm sao khai thác? Tóm lại, khi dân tộc Việt Nam trong và ngoài nước kêu than là nhục nhưng bọn Việt gian cộng sản thì đê đầu dâng đất, dâng biển cho Tàu cộng và xem như đó là một vinh dự khi được hợp tác hữu nghị với Trung Quốc vĩ đại.

Những tin tức về sự hàng phục của bọn Việt gian cộng sản với Tàu cộng không còn là một điều nghi ngờ hay khó hiểu. Sự vi phạm nhân quyền, vi phạm tự do tín ngưỡng tại Việt Nam, vụ dân oan đòi đất, đòi nhà được đăng tải trên các mặt báo ở Hoa Kỳ,...Nhưng tựu chung, chính sách ngoại giao của Hoa Kỳ là tiếp tục yểm trợ bọn Việt gian cộng sản. Không còn nghe Hoa Kỳ nêu vấn đề vi phạm nhân quyền, tự do dân chủ, tự do tín ngưỡng hay tự do ngôn luận khi bang giao với bọn Việt gian cộng sản, mà chỉ nghe tin tức về việc yểm trợ Việt gian cộng sản trong nước bốc lột dân nghèo đến tận xương tủy…! Chính sách ngoại giao này của chính phủ Hoa Kỳ vô hình chung còn yểm trợ cho bọn tư bản đỏ chế ngự cộng đồng Người Việt hải ngoại về thương mãi và chính trị. Điển hình là tại Orange County, San Jose, nơi có đông đảo người Việt cư ngụ, hầu hết các thương xá sầm uất tại các nơi này lần lượt lọt vào tay các tư bản đỏ. Thị trường điạ ốc của nước Mỹ đang suy thoái nhất là các cơ sở thương mại, nên các tay tư bản đỏ dễ dàng trong việc thu mua. Các chuyên viên điạ ốc tại đây cho biết, hầu hết nhà cửa tại đây được bán rất nhanh, nên thị trường nhà cửa tuy hạ giá nhưng người dân vẫn rất khó mua khi cần vay tiền ngân hàng khi muốn cạnh tranh với bọn tư bản đỏ mua bằng tiền mặt.

Những số tiền của Việt gian cộng sản chuyển ra nước ngoài như thế rất lớn. Việt gian cộng sản không làm được điều này nếu không có sự đồng thuận và yểm trợ của chính quyền Hoa Kỳ. Những nguyên tắc của tiền nhân lập quốc gia này hình như chính quyền Mỹ đã bỏ quên trong chính sách ngoại giao của họ với dân tộc Việt Nam. Tổng Thống Hoa Kỳ Obama vừa được Hàn Lâm Viện Thụy Điển trao tặng giải Nobel về Hoà Bình vì ông đã “thu hút được sự chú ý của thế giới và 'đem lại cho nhân dân thế giới một hy vọng tốt đẹp hơn cho tương lai

Chủ tịch Ủy Ban Nobel, ông Thorbjorn Jagland nói việc ông Obama trúng giải Nobel hòa bình gây ngạc nhiên cho nhiều người vì cho là hãy còn quá sớm trong nhiệm kỳ Tổng Thống của ông Obama để ông được nhận giải này, nhưng Hàn Lâm Viện Thụy Điển cho rằng, dưới sự lãnh đạo của ông Obama, đối thoại và đàm phán đã được sử dụng để giải quyết ngay cả những xung đột quốc tế khó khăn nhất…. Có thể nói khi trao giải Nobel về Hoà Bình cho vị tổng thống mới 9 tháng của nhiệm kỳ này là một cách phản đối, mà Hàn Lâm Viện Thụy Điển muốn dành cho chính phủ Hoa Kỳ tiền nhiệm George W. Bush, vì chủ trương dùng chiến tranh để giải quyết tại Iraq và Trung Đông. Chúng ta có quyền hy vọng là ông Obama sẽ không làm thế giới thất vọng: Hòa bình chỉ có giá trị khi đi đôi với tự do dân chủ và nhân quyền. Tình trạng “hoà bình” tại Việt Nam khiến tôi nghi ngờ câu nói của Benjamin Franklin “There was never a good war nor a bad peace (Không có cuộc chiến tranh nào tốt cũng như không có nền hòa bình nào xấu ca). “Hoà bình” mà phụ nữ nước tôi phải bán thân đi làm nô lệ tình dục cho ngoại bang, thì đó có phải là một nền hoà bình mà dân tôi mong đợi? Vào thời điểm mà ông Obama không muốn gặp Đức Đạt Lai Lạt Ma vì áp lực của Trung cộng, thì ông lại đoạt được giải Nobel về hòa bình. Tôi nghe lưỡi mình đắng lại, cảm giác như những lần nhìn thấy ảnh hai ông Henry Kissinger và Lê Đức Thọ đoạt giải này. Vì từ ngày ấy đến nay, có thống kê nào cho biết dân Việt Nam đã có bao nhiêu người thiệt mạng, bao nhiêu gia đình ly tán, bao nhiêu người mẹ mất con, bao nhiêu người vợ mất chồng, con mất cha trên lãnh thổ Việt Nam độc lập, tự do và thống nhất và... hoà bình?

*

Trong 25 nãm làm báo, tôi đã nhiều lần được phỏng vấn bởi báo chí ngoại quốc vì lý do tại sao tôi tiếp tục chống cộng sau khi đất nước Việt Nam đã thống nhất và hoà bình. Đã nhiều lần tôi cho biết tôi rất ân hận là sau 35 năm cá nhân tôi và cộng đồng Người Việt hải ngoại vẫn không thể tiếp tay xây dựng đất nước mà tiềm năng của chúng tôi chỉ được dùng vào việc đấu tranh để lật đổ chế độ cộng sản tại Việt Nam. Bọn Việt gian cộng sản đã tìm đủ mọi cách đến gần với cộng đồng Người Việt hải ngoại và với bao nhiêu là phương tiện, bao nhiêu là mưu mô, thủ đoạn, bao nhiêu là tay sai, với cả sự tiếp tay của những chính phủ của các nước tự do không còn đặt nặng vấn đề lương tâm nhân loại mà chỉ còn nhìn thấy lợi nhuận nhưng chúng vẫn thất bại…! Có hai nguyên nhân chính đưa tới tình trạng này:

- Nguyên nhân chính là vì người dân Việt không ai còn tin tưởng vào tinh thần dân tộc và khả năng lãnh đạo của bọn Việt gian cộng sản.

- Nguyên nhân khác, sâu xa hơn, đó là do sự trả thù tàn độc của bọn Việt gian cộng sản dành cho người không cùng chánh kiến sau khi chiếm miền Bắc năm 54, và miền Nam từ năm 1975 đã tạo thành một hố sâu thù hận... Hố sâu này tỷ lệ thuận với khoảng cách giữa giàu - nghèo của giai cấp tư bản đỏ và dân đen trong nước. Tôi nghe tin về nhà hàng Long Đình ở Hà Nội mà một phần ăn là 2,000 đô la, đồng thời với tin một bà mẹ ép con bán trinh ở Saigon với giá 200 đồng.

Nhưng tôi vẫn nghĩ tôi chống cộng không phải vì nguyên nhân thứ hai này. Tôi chống cộng vì bọn Việt gian cộng sản không làm cho nước giàu, dân mạnh và ngày nay, chúng công khai dâng đất, dâng biển cho Tàu cộng, chúng đã không còn là ... giống người trong tương quan với dân chúng mà chúng đang cai trị như nô lệ. Cho đến khi tôi đọc quyển Tiền Tam Giang, Hậu Thất Lĩnh của đại tá Dương Thanh Tồn, trong đó có một đoạn ông viết về cụ Luơng Trọng Tường, Hội Trưởng Phâït Giáo Hoà Hảo. Sau 1975, ông bị cộng sản bắt giam và bỏ đói rất ngặt như mọi chí sĩ khác của Việt Nam Cộng Hòa.

Trích Tiền Tam Giang, Hậu Thất Lĩnh, trang 990-993:

Vào ngày lễ tết Nguyên Đán, cụ được họ dẫn ra khỏi phòng giam và trỏ dưới đất. Cụ nhìn thấy một bức hình, bên kia cách vài bước là một dĩa thức ăn. Tên quản giáo Bắc Kỳ bảo: bước qua bức ảnh đó rồi được ăn. Bức hình đó là chân dung của Đức Huỳnh Giáo Chủ.

Tù nhân được bố trí đứng chung quanh như xem hát để chứng kiến kịch bản của tên cai tù. Tên này lập lại:

-Bước qua bức ảnh đi rồi sẽ được hưởng trọn bữa ăn.

Mùi thơm thứùc ăn bay lên.

-Bước qua đi. Chỉ một bước thôi. Bức ảnh kia có ăn được đâu ông già!

Cụ Lương Trong Tường, phải đó chính là cụ Lương Trọng Tường đứng im trước tấm ảnh và những cặp mắt của bạn tù. Cụ vụt quỳ xuống.

Tên quản giáo cười gằn:

-Bò qua cũng được. Bò qua đi rồi sẽ được no bụng ông già.

Cụ Luơng Trọng Tường vụt nhoài người tới trước cặp mắt hả hê của tên quản giáo.

-Phải đấy, chỉ bò vụt qua một cái là xong. Ởû đây không có mấy người nom thấy. Tôi hứa sẽ giữ bí mật này cho ông.

Nhưng với hai bàn tay xanh lét, những ngón tay như những đốt tro vói tới, đỡ nhẹ tấm ảnh nâng lên, nâng lên cao hơn nữa và đặt trên đầu:

- Phật giáo Hoà Hảo muôn năm.

- Đức Huỳnh Giáo Chủ vạn tuế.

Tên quản giáo nhẩy cởn lên. Hắn vung dùi cui, thứ dùi cui bằng cao su mà bọn cai ngục Tây đã từng đập lên đầu người dân Việt.

Nhưng hắn chưa kịp đập xuống thì có một bàn tay chặn lại. Và một tiếng ai đó:

-Nếu đó là hình Hồ Chí Minh, ông có bước qua không?

Tiếng tù nhân vang dội cả khám đường:

-Hoan hô cụ Lương Trọng Tường. (ngưng trích)

Vì đây là một quyển sách viết theo kiểu ký sự nên tôi vẫn không muốn tin đây là sự thật. Chỉ biết rằng tôi đọc được những giòng chữ này vào giữa đêm khi tôi nhớ thương mẹ già đang cách xa. Tôi đã chảy nước mắt, dù nhiều chi tiết trong đoạn văn trên đây có thể không thật. Vì qua biết bao nhiêu câu chuyện tù đã được kể lại trong 35 năm qua, cây dùi cui trong tay tên quản giáo đã không ngừng lại đó và thân phận người tù dưới chế độ cộng sản không bằng con vật. Số phận của cụ Lương Trọng Tường sau đó ra sao?

Nhưng đó không phải là hình ảnh tôi có về cậu Ba của tôi tức ông Lương Trọng Tường. Mẹ tôi, bà Lương Ngọc Trâm là em gái út của ông Tường. Cậu tôi đẹp người, trắng trẻo, cao, to lớn như người Tây Phương. Mỗi lần từ Long Xuyên lên Saigon là cậu đều đến thăm gia đình tôi và vuốt đầu từng đứa cháu một nhắn nhủ phải lo học và nhất là thương mẹ. Cậu Ba tôi rất thương mẹ tôi. Ba tôi là bạn học của ông Tường ở trường Cao Đẳng Công Chánh Hà nội. Sau khi ra trường, ba tôi được bổ nhiệm vào Saigon và gặp lại cậu ba Tường. Ông mang ba tôi về gã cô em gái út cho. Tuổûi thơ của tôi trôi đi trong ngôi nhà từ đường mát lạnh với tiếng thở nặng nề của bà ngoại tôi những ngày cuối đời, tiếng thì thầm của mẹ tôi những ngày câu Ba Tường bị tù chính trị. Chúng tôi vẫn thường tự hỏi điều gì khiến một người theo tây học, con nhà giầu, lại bỏ hết đi về miền quê sống với đạo và làm chính trị. Bởi vì với bọn con nít Saigon, bốn chữ Phật giáo Hoà Hảo ngày đó mang theo ít nhiều huyền bí, hoang sơ.

Nhớ lại những ngày sau 30 tháng 4, 1975, mới thấy sự hiểm độc của bọn Việt gian cộng sản sao mà khôn lường. Cậu Ba tôi được nhiều người mời đi ra nước ngoài nhưng ông đã ở lại. Những ngày trước khi bị bắt, ba mẹ tôi chiều nào cũng ra thăm ông ở ngôi nhà nằm trên đường Trương Minh Giảng. Ngày ông bị bắt, tất cả đàn ông có mặt trong nhà đều bị bắt theo ông, dù có dính dấp tới chính trị hay không? Như người em thứ tám, câu Tám Lương Trọng Đậu hiền lành, lúc nào cũng cười hề hề. Như người trưởng nam Lương Trọng Lễ. Như người con rễ Lý Trang. Tất cả đều đi tù. Chiều hôm đó, cha mẹ tôi lại không ghé qua. nếu không số phận cha tôi chắc cũng không khác gì hai cậâu tôi. Cả hai cậu ba Lương Trọng Tường và cậu tám Lương Trọng Đâu chỉ được trở về nhà để chết. Anh Lý Trang sang được Hoa Kỳ diện HO nhưng cũng đã mất vài năm sau đó vì bệnh tật do lao tù!

Có vài người bạn đồng tù với cậu Ba tôi, sang Hoa Kỳ có kể tôi nghe về những ngày cộng sản bỏ đói ông. Nhưng đoạn văn trên đây của ông Dương Thanh Tồn vẫn làm tôi muốn khóc, khi nghĩ đến những ngày cuối cùng cuả cậu ba Tường. Cậu tôi mất vào tháng 9 Tây, tháng mưa lũ ở quê nhà. Mấy hôm nay tin lũ lụt tràn ngập khắp ba miền đất nước. Tôi vẫn mong nước mưa sẽ cuốn trôi khỏi thân xác cậu tôi, thân xác những người dân Việt chết oan những phiền muộn của một kiếp người…! Biết đâu chừng những đám mây đen đang bay tản mát ở hải ngoại đã được tạo thành từ những hạt mưa mang nỗi phiền muộn đó! Nó sẽ giúp cho chúng ta nhớ rằng mỗi ngày, còn có biết bao nhiêu người nằm xuống ở quê hương. Nó sẽ nhắc chúng ta nhớ rằng, con đường chúng ta đi dù dài nhưng vẫn phải đi, đi cho đến cùng… Để khỏi phụ lòng những người đã nằm xuống oan uổng giữa ngục tù cộng sản, ngay trong lòng quê hương.

Hoàng Dược Thảo.

No comments:

Post a Comment