Pages/ Tác giả

Thursday, September 3, 2009

Thư gởi ‘thành phần thứ ba’ tại miền Nam Việt Nam trước đây

Thư gởi ‘thành phần thứ ba’ tại miền Nam Việt Nam trước đây

Khánh Hưng

I. Tôi có một người chú bà con, có học nhất, có tư cách nhất, và được tôn trọng nhất trong dòng họ. Trước năm 1975, ông ấy là một linh mục Công Giáo trẻ, là hiệu trưởng của một trường trung học, và có chân trong nhiều tổ chức xã hội có tiếng. Có thể nói, thời ấy, ông có đầy đủ, vừa danh dự, vừa quyền hành, và cả vật chất. Các tổ chức nhân đạo phi chính phủ cấp cho ông kinh phí một cách hào phóng để xây trường học và các cơ sở xã hội mà ông muốn. Ông có đủ các loại xe và phương tiện để phục vụ cho công việc của ông.

Các viên chức chính quyền miền Nam từ quận trưởng, tỉnh trưởng cho đến những cấp cao hơn luôn tỏ ra kính trọng và cả sợ hãi chú tôi. Tôi đã từng chứng kiến một tỉnh trưởng nói với ông, “Xin cha nguôi giận tha cho con,” dù ông tỉnh trưởng này lớn hơn ông trên 10 tuổi.

Thế nhưng ông là người thường xuyên tổ chức những cuộc biểu tình chống chính quyền miền Nam một cách quyết liệt. Tôi luôn nhớ cái khẩu hiệu của ông, “chính quyền miền Nam là một chính quyền tham nhũng, và thối nát.”

Ngày 30 Tháng Tư, 1975, ông tỏ ra vui vẻ khi bộ đội giải phóng đến mượn trường học và nhà ở của ông làm nơi đóng quân tạm. Sau ba tháng, bộ đội dọn đi và họ dọn luôn toàn bộ cái tài sản công lẫn tư của ông. Họ không chỉ tháo tôn, khung gỗ, mà cạy luôn cả gạch móng của tất cả những trường học và cơ sở của ông.

Tám tháng sau ngày miền Nam giải phóng, ông bị đưa đi “cải tạo” trong thời gian hai năm. Vậy mà, suốt ba mươi năm qua, tôi chưa hề thấy ông một lần dám cãi lại anh trưởng công an xã, một học trò của ông đã bỏ học từ năm lớp 7 để theo đám du côn trong vùng, và sau này thường xuyên bắt ông ngồi viết kiểm điểm.

II. Hôm nay tôi đọc trên báo Tuổi Trẻ bài “Sự Lựa Chọn Của Người Trí Thức”, nói về Luật Sư Nguyễn Hữu Thọ, một trí thức nổi tiếng ở miền Nam đi theo cộng sản và đã từng giữ chức chủ tịch Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam Việt Nam.

Luật Sư Thọ là người gốc Công Giáo và hoàn toàn trưởng thành trong nền giáo dục Pháp. Ở miền Nam, ông đã có tất cả, từ địa vị, vật chất, danh dự, và sự kính trọng.

Thế nhưng ông đã bỏ tất cả để đi theo cộng sản.

Sau năm 1975, gần như người ta không còn nghe đến tên ông. Tôi đã từng đến nhà ông trên đường Phạm Ngọc Thạch trong một dịp lễ đặc biệt, và đúng như lời đồn đãi, từ người gác cửa, lái xe, cho đến người y tá của ông, đều do cơ quan “bảo vệ nội bộ” của đảng cung cấp.

Người Sài Gòn kể rằng, trước lúc chết, ông có nguyện vọng được xưng tội với một linh

mục. Vì mục đích nhân đạo, chính quyền đã đồng ý với điều kiện là người “thư ký” của ông phải đứng bên cạnh cuộc xưng tội giữa ông với ông linh mục nọ.

III. Thế hệ của tôi đã học chữ quốc ngữ qua dòng nhạc phản chiến đầy hào khí Lạc Hồng của Trịnh Công Sơn. Khi tôi vào đại học, được nghe lời truyền tụng về huyền thoại chống chiến tranh, được cho nhìn những tấm ảnh nhạc sĩ họ Trịnh ốm yếu, với đôi kiếng cận dày, ôm cây đàn ngạo nghễ hát trên một sân khấu phản chiến, giữa trung tâm Sài Gòn với một “lực lượng cảnh sát và mật thám” dày đặc của một chính quyền miền Nam “tay sai, tàn bạo, thối nát”; Vì thế, hơn cả sự ngưỡng mộ tài hoa của một nhạc sĩ, trong lòng tôi còn dành cho họ Trịnh sự kính trọng đối với một chí sĩ bất khuất trước cường quyền. Nhưng sau này, khi đi làm và có cơ hội tiếp xúc với ông, tôi hoàn toàn thất vọng.

Trịnh Công Sơn rất sợ bị công an “thăm hỏi.” Dù là một người xa lánh với những kẻ quyền lực, Trịnh Công Sơn luôn treo tấm hình ông chụp chung với nguyên Thủ Tướng Võ Văn Kiệt ở phòng khách. Ông đã nhiều lần bày tỏ với bạn bè một ý định ngây thơ và hết sức tội nghiệp là tấm ảnh đó có thể giúp ông tránh bị công an chụp mũ.

Một nhạc sĩ hàng đầu của một dân tộc, từng hiên ngang công khai thách thức chính quyền miền Nam, đã trở nên hèn hạ đến mức phải dùng một tấm ảnh để đánh lừa nỗi sợ hãi của chính mình.

Trước khi ông mất vài năm, tôi đã vài lần gặp ông trong các hội nghị tổng kết của một số cơ quan tổ chức văn hóa tại Sài Gòn. Trong tất cả các hội nghị đó, những hàng ghế danh dự được dành cho các cán bộ văn hóa, tuyên huấn kể cả cấp quận huyện. Những cán bộ này phát biểu, chúc tụng nhau nhưng không ai để ý đến ông. Ông ngồi lọt thỏm ở các hàng ghế sau với một vài người bạn. Tôi xin lỗi vong hồn ông để nói điều này: Cộng sản đã dành cho nhạc sĩ huyền thoại Trịnh Công sơn vị trí của một trong số hàng ngàn “công nhân sản xuất nhạc...” không hơn không kém. Thân phận của ông trong hai mươi sáu năm sau 1975, chỉ trừ khi ông chết, còn kém hơn một cán bộ phòng văn hóa quận 1.

IV. Tôi đến Mỹ trễ sau khi miền Nam đã được giải phóng hơn 20 năm. Ở Mỹ, tôi có hai người bạn. Gọi là bạn nhưng họ đều lớn hơn tôi trên 10 tuổi, và cả hai là người miền Nam, đã đến Mỹ từ trước 30 Tháng Tư, 1975. Cả hai đều có bằng tiến sĩ và đều có địa vị cao trong xã hội Mỹ. Hai người bạn tôi nằm trong số những người thường hay về Việt Nam và luôn ao ước cơ hội để giúp đỡ và phụng sự quê hương Việt Nam.

Ðiều đáng nói là, hai người bạn tôi luôn chỉ trích xã hội Mỹ, hệ thống chính trị Mỹ, và các chính trị gia Mỹ. Nói về bất cứ lĩnh vực nào, họ cũng đều tìm ra cái xấu, cái đáng phê phán của nước Mỹ. Ngược lại, dường như bạn tôi tỏ ra dễ dãi hơn đối với tình trạng ở Việt Nam và dường như không có ấn tượng gì lớn đối với tình trạng tham nhũng - thối nát trong xã hội cộng sản Việt Nam hiện nay.

Có lần bạn tôi nói rằng, ông mới đến Mỹ mà sao ông chống cộng hơn tôi?

Vì sao? Tôi đã bỏ Việt Nam ra đi khi tôi ở lứa tuổi đã quá trễ để học một ngôn ngữ mới, để tạo lập một nghề nghiệp mới, để có một mối quan hệ xã hội mới, và để có thể làm quen với khí hậu ôn đới. Thế nhưng tôi đã phải ra đi vì tâm trí tôi không thể chịu đựng nỗi sự hành hạ của những điều bất công, thối nát, lừa dối, và tàn bạo đang xảy ra từng ngày xung quanh tôi.

Một buổi sáng, tôi thấy anh xe ôm đầu ngõ nhà tôi trên đường Lê Văn Sĩ, quận 3 dường như đang khóc. Tôi hỏi anh, và anh nói rằng chiếc xe honda cũ của anh đã bị công an thu giữ, không biết làm cách nào để xin lại. Lý do là vì xe honda ôm chỉ được chở 1 người khách nhưng hôm qua, anh đã chở một người khách - một phụ nữ có đứa con 5 tuổi. Tất nhiên, đứa bé 5 tuổi không thể ngồi một mình sau xe ôm được.

Nhưng “luật pháp” không phân biệt lớn nhỏ. Anh xe ôm nói, vì đó là chuyến xe đầu tiên trong ngày, nên anh không có đủ 50 ngàn để “dúi” cho anh cảnh sát giao thông, và vì thế, chiếc xe của anh đã bị tạm giữ.

Anh xe ôm này có ba đứa con. Chỉ riêng phải đóng “sổ vàng” để được giữ chỗ tại trường công lập gần nhà, mỗi đứa cần có 2 triệu, chưa kể tiền học thêm hàng tháng... Trung bình mỗi ngày anh kiếm được 100 ngàn đồng bằng nghề xe ôm. Vợ anh bán bánh canh trong hẻm mỗi ngày kiếm được khoảng 50 ngàn. Thu nhập của hai vợ chồng cộng lại tính ra chưa đủ tiền trường cho ba đứa con, chưa nói đến những bất trắc thường xuyên xảy ra như vụ chiếc xe bị tạm giữ.

Ở Việt Nam, cứ 10 người bạn gặp, sẽ có 7 người có hoàn cảnh như anh xe ôm nói trên.

Còn anh bạn tôi thì luôn chỉ trích nước Mỹ...

Tôi đã sống ở Mỹ hơn 5 năm, đã có ít nhất hai mươi lần liên hệ với các cơ quan chính quyền. Tôi chưa hề bắt gặp một công chức nào thiếu nhã nhặn và lịch sự với tôi ngay cả khi tôi đến để xin các khoản trợ cấp. Không ai trong số hàng chục gia đình bà con và quen biết của tôi đã sống tại Mỹ hơn 20 năm phàn nàn về một lần phải bị làm khó dễ hay phải lo lót cho công chức Mỹ.

Ở Mỹ, không nói đến chương trình phổ thông hoàn toàn miễn phí, mà bất cứ ai cũng có đủ cơ hội để đi học đại học. Gần như 100% người Việt Nam di cư đến Mỹ đều đủ tiêu chuẩn hưởng trợ cấp giáo dục (financial aid). Do đó mà đã có tới hơn 45% người Việt đến Mỹ dưới 20 tuổi học xong đại học hoặc trên đại học. (California, Department of Education, 2004-Survey) .

Ở Việt Nam hiện nay, không dám nói đến bậc đại học, ngay cả vào lớp một thôi, chỉ riêng tiền đóng “sổ vàng” trung bình là 1 triệu đồng cho một học sinh, khoản tiền này không được qui định bởi luật pháp nhưng không phi pháp...

Khoản tiền đóng “sổ vàng” này, như báo Tuổi Trẻ từng đưa tin, có trường lên tới 5 triệu đồng cho một quốc gia có mức thu nhập trên đầu người vào khoảng 7 triệu rưỡi.

Nhưng đó chỉ mới là khoản nhập môn. Tổng các khoản chi học thêm, quà cáp thầy cô giáo, và phương tiện học hành của mỗi học sinh chiếm tương đương với ít nhất là 1/3 số thu nhập của anh xe ôm kia.

Ở bất cứ phương diện nào, bạn cũng có thể thấy một khoảng cách rõ ràng giữa hai xã hội. Dì của tôi, năm nay trên 60 tuổi đang nhận chăm sóc một cháu bé 1 tuổi tại Santa Cruze (CA) cho vợ chồng một kỹ sư người Việt. Hàng tuần dì lái cũng một chiếc Toyota 2004 đi làm 5 ngày, mỗi tháng dì lãnh 1,000 dollars tiền lương, chưa kể ăn uống và quà cáp trong các dịp lễ. Mức thu nhập của dì tôi tương đương với mức lương trung bình của 4 kỹ sư điện toán giỏi tại Sài gòn hiện nay.

Truyền thông Mỹ hôm nay (18 Tháng Mười Hai, 2005) xôn xao đưa những chỉ trích và đánh giá gay gắt về việc Tổng Thống Bush đã có lần cho phép cơ quan an ninh quốc gia theo dõi điện thoại và email của nghi phạm khủng bố trong nước Mỹ.

Cũng trong thời gian này, ở Việt Nam xảy ra một chuyện ngược lại: Công an tống giam biệt tích hai anh em nhà ở đường Nguyễn Kiệm vì tội tham gia diễn đàn Paltalk nhưng không có một dòng tin nào xuất hiện trên 500 tờ báo hiện có tại Việt Nam.

Chỉ cần nhìn sơ qua, bạn cũng có thể thấy, những điều mà bạn chưa hài lòng ở nước Mỹ là những điều mà đồng bào của bạn dù nằm mơ cũng không thấy được. Chỉ cần lướt qua vài hình ảnh và số liệu, bạn cũng có thể thấy cái bất công trong xã hội Mỹ này chỉ bằng một viên bi trong một giỏ bi bất công dưới chế độ Cộng Sản.

Ở trên trái đất này, không hề có thiên đường. Ðiều mà anh và tôi tìm kiếm không phải là một xã hội hoàn hảo, mà là một xã hội có ít sự bất công hơn, có ít sự lừa dối hơn, và

có ít cái xấu hơn. Trong ý nghĩa này, thì nước Mỹ là một mô hình tốt hơn vạn lần so với cái xã hội Việt Nam Cộng Sản, nơi mà sự ác, sự bất công, và sự lừa dối đang thống trị xã hội.

Quí vị “thành phần thứ ba” giống như những đứa bé nhà giàu đang sống êm ấm trong một lâu đài nhưng luôn nhìn qua cửa sổ, mơ tưởng được làm một chú bé mò cua trên cánh đồng đàng xa, dưới bầu trời đầy nắng, và bên cạnh một khu rừng nhiệt đới bí ẩn... Nhưng khi nào quí vị trở thành chú bé nhà nghèo kia, thì quí vị sẽ thấy công việc mò cua hoàn toàn không có mảy may của sự lãng mạn, nhưng là một sự khốn khó đến cùng cực vì lạnh, vì đói, vì nắng, và những những cơn sốt nghiệt ngã do cánh rừng kia mang lại.

Tóm lại, “thành phần thứ ba” là những người có thừa nhiệt huyết và dũng khí để đấu tranh quyết liệt chống những chính quyền của những xã hội dân chủ nhưng thiếu sự can đảm tối thiểu để bảo vệ một sự công bằng căn bản nhất dưới những chế độ độc tài. Và như thế, dù không chủ ý, “thành phần thứ ba” đã bắc một nhịp cầu cho các chế độ độc tài như Cộng Sản Việt Nam.


No comments:

Post a Comment