Pages/ Tác giả

Friday, July 24, 2009

Truyền thông Mỹ trong chiến tranh Việt Nam-Walter Cronkite

http://nguoivietboston.com/wp-content/uploads/2009/07/cronkite.jpg

Truyền thông Mỹ trong chiến tranh Việt Nam

Trọng Ðạt:

Ngày 17-7-2009 Walter Cronkite, phóng viên đài truyền hình CBS (Columbia Broadcasting Services), một khuôn mặt nổi tiếng của thập niên 60, 70 từ trần, thọ 92 tuổi. Ông là tổng biên tập, quản lý chương trình CBS Evening news, là người chủ chốt đưa truyền hình lên hàng đầu trong lãnh vực thông tin của thời đại. Hồi thế chiến Thứ Hai ông là phóng viên tường thuật những chiến dịch quan trọng, từ 1962 tới 1981 ông làm giám đốc chương trình loan tin hàng đêm trong hệ thống CBS, giai đoạn này truyền hình có địa vị chính thức trong việc cung cấp tin tức thời sự cho đa số người Mỹ. CBS đã được nhiều người công nhận là thông tấn xã thu thập được tin tức nổi tiếng nhất thời đó mà Walter Cronkite đóng vai trò then chốt. Ông đã được khán thính giả đặc biệt tín nhiệm, được coi là con người khách quan, bản thông tin của ông thường được hai mươi triệu người nghe trong một đêm. Ông đã được bầu chọn là người được quần chúng tin tưởng nhất hơn cả Tổng thống, Phó tổng thống. Walter Cronkite cũng là một trong những nhân vật đóng vai trò then chốt trong việc làm sụp đổ miền nam Việt Nam, xoá bỏ một quốc gia trên bản đồ thế giới.

Từ 1964 tới 1967 trong những bài tường trình của ông về chiến tranh Việt Nam thường chỉ trích vai trò, chính sách chính sách quân sự Hoa Kỳ được rất nhiều người theo dõi. Các thông tin của ông đã ảnh hưởng rất lớn tới phong trào phản chiến Mỹ nhất là sau trận Mậu Thân 1968 Cronkite bay sang Việt Nam quan sát và đưa lên bản tin trong chương trình CSB Evening news đã tạo ảnh hưởng lớn lao với dư luận Mỹ. Cronkite không tin vào những bản báo cáo của chính phủ Mỹ về chiến tranh Việt Nam cho rằng Mỹ không thể thắng được. Bản tường trình của ông chẳng khác nào như đổ dầu vào lửa khiến cho phong trào phản chiến trở nên quyết liệt hơn, người dân Mỹ hoài nghi những báo cáo của chính phủ Hoa Kỳ. Năm 1981 được Huân chương Tự Do của Tổng thống, một vinh dự cao nhất, sau đó về hưu lãnh một triệu Mỹ kim một năm.

Sau cuộc đảo chính 1-11-1963, miền Nam rơi vào tình trạng xáo trộn, các tôn giáo tranh giành ành hưởng, Tướng lãnh tranh giành quyền hành, Bắc Việt thừa cơ nước đục thả câu chuyển quân ồ ạt vào miền Nam đánh phá khắp nơi. Giữa năm 1965 trung bình một tuần Việt Nam Cộng Hoà mất một tiểu đoàn và một quận, sau này vào năm 1969 Tướng Wesmoreland cựu tư lệnh Mỹ tại VN cho biết nếu Mỹ không đổ 160 ngàn quân vào miền Nam 1965 thì sẽ mất trong 6 tháng . Năm 1965 quân số Mỹ tại miền Nam là 184 ngàn, năm 1966 là 385 ngàn, năm 1968 lên 536 ngàn đó là đỉnh cao của sự hiện diện của Mỹ trong cuộc chiến

Nhờ can thiệp của Hoa Kỳ, VNCH đã lấy được thăng bằng, những năm 1965,1966, 1967 nhiều đơn vị chính qui BV được đưa vào Nam, họ đụng độ nhiều trận lớn với Mỹ và bị thương vong rất nhiều vì hoả lực Mỹ mạnh chính xác, Cộng quân bị kiệt lực, bổ sung không kịp. Hoả lực Mỹ quá mạnh nên CSBV không dám đánh trực diện, không quân, pháo binh Mỹ bắn ồ ạt gây tàn phá mạnh, các nơi sẩy ra đụng độ thường là miền duyên hải, cao nguyên, giới tuyến và vùng biên giới Việt Miên, Lào. Trong khoảng thời gian này Mỹ cùng vớiø Ðồng Minh và VNCH gia tăng hành quân tấn công để phá hủy các mật khu CS như chiến khu C, D tại phía bắc Sàigòn, tại Pleiku, Komtum, Bắc Quảng Trị tạo thuận lợi cho chương trình bình định phát triển. CSBV mất thế chủ động bị đẩy lui khỏi các vùng đông dân cư và các vùng tranh chấp, Cộng quân suy yếu rõ rệt. Năm 1967 CSBV tiếp tục chủ động tại khu phi quân sự và các vùng hẻo lánh, sâu về hướng Nam không còn hoạt động nào đáng kể nữa.

Sài Gòn và các tỉnh miền Nam tưng bừng đón xuân Mậu Thân 1968, năm nay dân Sài Gòn ăn Tết lớn, nêu cao, pháo nổ, bánh chưng xanh… Trong khi ấy cuối năm 1967 Tướng Wesmoreland họp báo ở Mỹ nói tình hình Việt Nam đã khả quan, Hoa Kỳ có thể rút quân từ 1969. Cộng Sản Bắc Việt mặc dù bị thảm bại nhưng họ chuẩn bị cuộc tấn công lớn để hy vọng lật ngược thế cờ. Bất ngờ ngay trong những ngày Tết Mậu Thân, mặc dù đã ký kết 36 giờ hưu chiến, BV đưa 100 tiểu đoàn khoảng 84 ngàn người vào trận tấn công đại qui mô vào 28 tỉnh và thị trấn của VNCH. Nói về mặt quân sự VNCH thắng VC ngay trong tuần lễ đầu, mặc dù Hà Nội tung vào mặt trận tới 84 ngàn quân và có yếu tố bất nhưng từ ngày mồng 5 trở đi Cộng quân đã bị dồn vào thế bị động phải rút lui và chịu nhiều rất thiệt hại về nhân mạng.

Tính tới tháng 3- 1968 có 58,372 cán binh Cộng Sản bị thiệt mạng và 9460 người bị bắt làm tù binh toàn.Trong số 84,000 cán binh được đưa vào trận tổng công kích chỉ còn 16,168 người chạy thoát, chưa tới 20%, vũ khí bị tịch thu gồm 17,439 khẩu súng đủ các loại. Phía VNCH có 4,950 người tử trận, 926 người bị mất tích, 15,097 người bị thương. Phía Ðồng minh có 4,120 người tử trận, 19,265 người bị thương, 600 người mất tích, về vũ khí VNCH mất hơn 2,000 khẩu súng, 63 máy bay bị tiêu hủy, 154 cái bị hư hại nặng, 99 chiếc bị hư hại nhẹ. Ðồng minh có 60 máy bay bị tiêu hủy, 60 cái hư hại nặng, 116 cái hư hại nhẹ. Thường dân chết trên toàn quốc có tới 14,300 người, 24 ngàn người bị thương và 627 ngàn người tị nạn .

Thiệt hại vật chất của VNCH rất cao tại Huế 2/3 tổng số nhà cửa bị phá hủy, Vùng 2 có 12 ngàn căn nhà bị phá hủy, Vùng 3 có 10 ngàn căn bị phá hủy, Sài Gòn có 19 ngàn căn bị hủy, Vùng 4 có 19 ngàn căn bị tiêu hủy. Những tỉnh bị thiệt hại nặng nề nhất là Kontum, Pleiku, Ban Mê Thuột, Mỹ Tho, Bến Tre, Vĩnh Long, Châu Ðốc, Cần Thơ, Sài Gòn, Huế và Phan Thiết. Kinh tế cũng bị ảnh hưởng tai hại, ngoài các thành phố thị trấn bị tàn phá, có tới 13 xưởng kỹ nghệ đổ nát vì bom đạn, 20 hãng xưởng khác bị hư hại, thiệt hại lên tới 25 triệu Mỹ kim. Nạn nhân chiến tranh lên cao gần 700 ngàn người, ngân quĩ cứu trợ ước lượng 100 tỷ đồng, tại Sài Gòn đã thiết lập hơn 100 trung tâm tạm cư để tiếp đón khoảng 200 ngàn người chạy loạn, 130 ngàn người không còn nhà cửa.

Mặc dù BV bị thiệt hại nặng nề trong trận Mậu Thân, tổn thất nhân mạng gần 60 ngàn người tức 70% lực lượng và 11% bị bắt làm tù binh, cơ sở nằm vùng bị bại lộ… nhưng địch đạt được một thắng lợi lớn bất ngờ về chính trị. Cuộc tổng công kích đã gây ảnh hưởng dữ dội tới phong trào phản chiến Mỹ tạo một khúc quành trong cuộc chiến tranh Việt nam.

Cuộc tấn công của CS vào dịp Tết Mậu Thân nhằm vào lúc cuộc tranh cử đợt đầu giữa các ứng cử viên trong đảng bắt đầu để gây tiếng vang và đã được bộ máy tuyên truyền của Liên sô giúp sức “đổ dầu vào lửa” cho phong trào phản chiến tại Mỹ cháy to hơn. Giới truyền thông Mỹ đã thổi phồng cuộc tấn công lên thành chiến thắng lớn lao của Cộng quân khiến cho người dân nghi ngờ những lời tuyên bố lạc quan của chính phủ Mỹ. Tướng Wesmoreland phúc trình cuối năm1967, trước Tết mấy ngày cho rằng Cộng quân đã bị đẩy lui khỏi những vùng đông dân, VC đã bị hoàn toàn yếu thế. Nhưng mấy ngày sau họ tung ra trận tổng công kích tàn khốc gây ảnh hưởng lớn lao đến báo chí truyền hình Mỹ tạo bước ngoặt cho cuộc chiến tranh Việt Nam và đã khiến cho nhóm nghiên cứu của Bộ trưởng quốc phòng đề nghị Mỹ hạn chế can thiệp vào VN để thay thế bằng Việt Nam hoá chiến tranh (Vietnamization) . Tướng Green, cựu tư lệnh TQLC lại bi quan nói dù có giết hết VC ta cũng vẫn có thể thất trận.

Ngoài việc tiếp tay cho các phong trào phản chiến Mỹ, bộ máy tuyên truyền của Nga Sô còn phát động phong trào chống Mỹ tại nhiều nước trên thế giới, nhất là tại Âu châu để tạo dư luận áp lực Mỹ phải rút quân bỏ VN.

Các nhà bình luận đã nhìn nhận trận Mậu Thân là một khúc quành đối với tinh thần ủng hộ của người dân Mỹ cho cuộc chiến tranh VN, nó khởi đầu một khúc quành bi đát cho số phận miền Nam. Phong trào phản chiến càng lên cao dữ dội hơn, hành pháp đã nghĩ tới hoà giải, Việt Nam hóa chiến tranh , rút quân về nước.

Dư luận chung cho rằng trận Tổng công kích Mậu thân kéo dài mấy tuần là một thảm bại về quân sự của Bắc Việt và Mặt Trận Giải Phóng nhưng lại là sự thắng lợi về tuyên truyền của họ đã tạo một khúc quành trên tinh thần ủng hộ của người Mỹ cho cuộc chiến (Commonly referred to as the Têt offensive, this period of several weeks is generally regarded as a military disaster, but a psychological and propaganda victory for the NFL and North Forces, as this marked a sharp turning point in American sentiment and support for the war effort - Massacre at Hue, from wikipedia, the free encyclopedia) .

Cuộc Tổng công kích đã khiến cho các lực lượng CS bị thiệt hại nặng nề cả về quân số cũng như tinh thần. Tuy nhiên nó lại tạo hậu quả bất lợi trên dư luận quần chúng Mỹ và đẩy mạnh phong trào phản chiến lên cao hơn (The large scale offensive resulted in drastic human and morale losses of the Communist forces. However, the offensive cause an extreme negative effect in the American public opinion and boost the more bitter protest against the war – From “my war”, unpublished by L.T, More about the 1968 Tet offensive.

Cho tới gần đây, bộ máy tuyên truyền của Hà Nội đã luôn ca ngợi trận Mậu Thân là một chiến thắng lớn lao về quân sự và không hề thấy họ nói đến thắng lợi của nó trên tinh thần nhân dân Mỹ … hiển nhiên giới lãnh đạo Hà Nội đã đạt được một chiến thắng vô giá mà họ không dự định (Until lately,The Hanoi propaganda and political indoctrination system has always claimed the Tet offensive their military victory, and never insisted on their victory over the morale of the American public… Obviously, Hanoi leaders won a priceless victory at an unintended objective - From “my war”…)
Khi Huế vừa được các đơn vị Việt Mỹ tái chiếm, đài VOA có nói: “Hôm nay ngày 26-2-1968, cố đô Huế đã được hoàn toàn giải toả, chấm dứt một cuộc chiến tranh bẩn thỉu nhất kéo dài từ gần một tháng qua….”

Người Mỹ gọi cuộc chiến VN là cuộc chiến tranh bẩn thỉu, một kẻ thù bẩn thỉu không từ một chiến thuật, chiến lược dơ dáy nào để giành thắng lợi. Họ tỏ ra khinh bỉ một kẻ thù tiểu nhân dùng toàn những thủ đoạn đê hèn như đánh cả trong ngày Tết một ngày thiêng liêng nhất của dân tộc VN, lợi dụng ngưng bắn, lợi dụng hưu chiến để tấn công, miệng nói hoà bình tay rình đánh trộm. CS đã tỏ ra quá hèn khi mở chiến dịch tấn công ngày Tết lợi dụng lúc nhân dân đang vui mừng xuân mới. Cuộc tổng công kích đã khiến cho Mặt trận Giải Phóng bị tổn thất gần hết lực lượng cơ hữu, bị dân chúng tại các thành phố cũng như thị trấn căm ghét vì chúng ï đã tỏ ra quá tàn ác nhẫn tâm sát hại hàng nghìn hằng vạn lương dân vô tội, đốt nhà dân để tháo chạy, chôn sống, tàn sát tù binh.

Mặc dù CS bị thất bại về quân sự và thất nhân tâm, nhưng cuộc Tổng công kích mặc nhiên lại mang nhiều bất lợi cho miền Nam, như đã nói ở trên nó trở thành một khúc quành bi thảm trong cuộc chiến tranh Ðông Dương lần thứ hai. Người Mỹ đã bắt đầu ghê tởm kẻ thù cố đấm ăn xôi, lì lợm, họ nghĩ rằng không thể thắng nổi thằng nghèo đói đánh thí mạng cùi.

CSBV đã thành công trong chiến lược cố đấm ăn xôi từ cuộc chiến tranh chống Pháp 1946-1954, họ đã tỏ ra lì lợm, dai như đỉa đói khiến cho người Pháp đã phải quá chán ghét, ghê sợ cuộc chiến tranh Ðông Dương đòi rút quân càng sớm càng tốt, 19 chính phủ đã bị đánh đổ trong suốt 8 năm khói lửa. CSVN được Nga sô tiếp tay đã ra sức mở mặt trận chính trị tại Pháp, đẩy mạnh phong trào chống chiến tranh, nay BV một lần nữa lại áp dụng cái chiến lược cũ rích ấy, họ đã ra lệnh cho các cán binh phải giết cho nhiều người Mỹ để thúc đẩy phong trào phản chiến tại hậu phương Ðế quốc. CS đã làm cho Ðế Quốc phải ghê tởm mình tức là họ đã thành công, đã khiến cho Ðế quốc phải rút quân bỏ lại chiến trường bẩn thỉu.

Cuộc Tổng công kích đã khiến cho phong trào phản chiến bùng nổ dữ dội hơn lên, người dân Mỹ cho rằng không thể thắng được cuộc chiến tranh dai dẳng này, chính phủ cũng bắt đầu thấm mệt vì vừa phải đương đầu với kẻ địch, lại phải đương đầu với phong trào chống chiến tranh ngay trong nước. Cuối tháng 3 1968, Tổng thống Johnson không tái tranh cử nhiệm kỳ 2 từ 1969-1973 để tìm cách rút chân ra khỏi VN. Ngày 10-5-1968 phiên họp đầu tiên của Hoà đàm Ba Lê bắt đầu. Tháng 1 năm 1969 Nixon nhậm chức Tổng thống, thực hiện Việt Nam Hóa chiến tranh, rút quân về nước. Khi chuyển sang giai đoạn Việt Nam hoá chiến tranh họ đã nghĩ đến việc rút quân bỏ Ðông Dương .

Phong trào phản chiến đã phát sinh từ năm 1965 ngay sau khi Tổng thống Johnson đổ quân vào Việt Nam giao chiến với Việt Cộng, hồi ấy khoảng 5,000 nhà khoa học phản đối chiến tranh hoá học khai quang. Ngày 15-5-1966 khoảng 12 ngàn người biểu tình chống chính sách của Tổng Thống Johson về Việt Nam. Ngày 23-10-1967 có khoảng 30 ngàn người biểu tình trước Ngũ Giác Ðài, họ trương biểu ngữ nói “Nhân danh nhân loại chúng tôi muốn nói chuyện với bọn người gây chiến”. Ngày 12-4-1969 tại Nữu Ước và 32 thành phố lớn biểu tình chống chiến tranh Việt Nam, thời điểm này có 31 ngàn người lính Mỹ chết ở Việt Nam.

Giữa tháng 10-1969 khoảng 1,000 người biểu tình phản chiến tại Chicago, 5,000 người phản chiến tại New Jeersey bị giải tán bằng lựu đạn cay. Ngày 11-11-1969 phe ủng hộ chính phủ Nixon, cựu chiến binh Mỹ.. tổng cộng 10 ngàn người biểu tình tại Hoa Thịnh Ðốn. Ngày 15-11-1969 có tới 300 ngàn người chống chiến tranh tại Hoa Thịnh Ðốn và các thành phố khác, Ba Lê có khoảng 20 ngàn người phản chiến. Ngày 4-5-1970 trong một cuộc biểu tình tại đại học Kent, Ohio 4 sinh viên phản chiến bị quân đội bắn chết, nhiều người khác bị thương khiến phong trào càng lên cao dữ dội.

Người Mỹ nói, đất nước dân tộc đã bị phân hoá (a people divided). Thật vậy toàn bộ nước Mỹ bị cấu xé vì chiến tranh VN, phe chống chiến tranh và phe ủng hộ chính phủ thường ẩu đả nhau vì lập trường trái ngược. Nhiều người cho rằng phản chiến do những cuộc biểu tình của sinh viên nhưng có lẽ quan trọng hơn là hai nguồn chống đối khác đó là những người nghèo và dân tộc thiểu số. Họ không được hoãn dịch vì lý do học vấn, dân da đen bị gọi nhập ngũ vì chính phủ cần nhân lực cho cuộc chiến tranh của Tổng thống Johnson khiến họ nghi ngờ chính phủ.

Suốt thời kỳ chiến tranh VN, có 11 triệu người Mỹ đã phục vụ (luân phiên) cho ngành Quốc phòng, 2 triệu người đã (luân phiên) ở VN, 600 ngàn đã trốn quân dịch, trong số này 200 ngàn bị buộc tội trốn quân dịch; 300 ngàn tìm cách xin hoãn dịch bị từ chối; 170 ngàn được hoãn dịch, khoảng từ 30 cho tới 50 ngàn người trốn sang Canada và 20 ngàn người trốn tại Mỹ hay ra ngoại quốc. Phong trào chống lệnh trưng binh lên cao.

Mục sư Martin Luther King lần đầu tiên tuyên bố chống chiến tranh tháng 7-1965, ông ta tránh đề cập tới chiến tranh một thời gian nhưng cuối 1966 ông nản lòng khi thấy chiến tranh leo thang và phản chiến lan rộng tại Mỹ. Trong khi ấy hai phe phản chiến và ủng hộ chính phủ chống đối ẩu đả nhau vì bất đồng chính kiến. Tháng 3-1967 Luther King dẫn đầu phong trào Antiwar tại Chicago. Ngày 4-4-1967 tại nhà thờ Riverside Church New York ông đã lớn tiếng chống đối chính sách chiến tranh của chính phủ, King vừa đòi nhân quyền vừa chống chiến tranh, ông bị ám sát năm 1968.

Ngay trong quân đội cũng có những người chống chiến tranh, năm 1967 có 6 cựu quân nhân thành lập một tổ chức lấy tên Cựu Chiến Binh Việt Nam Chống Chiến Tranh (Vietnam Veterans Against The War gọi tắt là VVAW). Họ lý luận rằng những người đã bị gọi nhập ngũ đưa sang Việt Nam tham chiến có quyền phản đối chiến tranh, năm 1970 VVAW có 600 hội viên, mấy năm sau tăng gấp bội.
Tháng 1-1971, họ tổ chức thuyết trình tại Detroit, 100 người cựu chiến binh dẫn chứng tội ác chiến tranh, từ 19-4 tới 23-4-1971 họ biểu tình tại Washington D.C rồi cắm dùi tại công viên Potomac Park. Họ diễn hành cùng những bà mẹ có con là lính chết trận ở Việt Nam đến Nghĩa trang Arlington National Cemetery. Những người này đã vận động Quốc Hội để sớm chấm dứt chiến tranh. Tình trạng đã đi đến chỗ thật bi đát khi những người này tìm cách trả lại huy chương cho Quốc Hội.

Chính phủ ban hành lệnh cấm cuộc cắm trại, lập hàng rào gỗ quanh điện Capitol, những người cựu chiến binh đã ném trả huy chương, trong số này có John Kerry, ứng cử viên Tổng Thống năm 2004. Kerry thất cử một phần vì bị người ta kết án là theo phản chiến và họ đã trưng được bằng cớ, người Mỹ nay cho rằng nhóm phản chiến là bọn phá rối trị an. Bọn họ tố cáo lính Mỹ khi hành quân vào các làng mạc ở Việt Nam đã hãm hiếp, đốt làng, cắt tai, chặt đầu người dân .. y như quân Mông cổ dưới thời Thành Cát Tư Hãn. Họ nói đất nước đã tạo dựng con quái vật hung dữ, đó là đạo quân một triệu người, và những người lính chiến đã được chỉ dậy dùng bạo lực và chết chẳng có mục đích nào cả ( … and who are given the chance to die for the biggest nothing in history, The Vietnam War, A History In Documents, trang 125), chúng tôi cựu chiến binh trở về trong uất hận vì bị chính phủ Hoa Kỳ lạm dụng.

Năm 1970, phó Tổng Thống Agnew tuyên bố tại trường Westpoint rằng chỉ có một thiểu số phóng đại những mặt xấu của bọn lưu manh côn đồ nhưng thực ra đa số chiến sĩ ta đã chiến đấu, chết tại những cánh đồng lúa Á Châu để bảo vệ tự do trong khi một thiểu số lợi dụng làm bậy. Bọn phản chiến đã dùng điểm này để công kích nỗ lực của ta ở Việt Nam.

Những cựu chiến binh này nói người dân Mỹ đã bị chính phủ đánh lừa, ta không thể thắng được cuộc chiến này nếu cứ tiếp tục như vậy và phải rút bỏ Việt Nam, họ nói tình hình Việt Nam không có gì để đe dọa Hoa Kỳ, thuyết môi hở răng lạnh là sai (.. in our opinion and from our experience, there is nothing in South Vietnam which could happen that realistically threatens the United States Of America, trang 126, sách đã dẫn). Chúng tôi đòi hỏi ở Quốc Hội Hoa Kỳ nơi có thẩm quyền tạo dựng và duy trì quân đội, chúng tôi đến đây không phải để gặp Tổng Thống mà tin rằng Quốc Hội có thể thoả mãn ý nguyện người dân để đưa chúng ta rút khỏi VN (…that we should be out of Vietnam now, Trang 127..)
Truyền thông Mỹ trong chiến tranh Việt Nam (1/2)
Trọng Ðạt:

Xã hội, đất nước bị phân hoán vì chiến tranh VN. Nhóm phản chiến in những tờ yết thị kêu gọi chấm dứt chiến tranh như một bích chương kêu gọi người da đen có in hình hai người lính da đen đang hành quân:
“Thời gian ra trận là chỉ có chết (The only time we’re in the front is when it’s time to die)… Ða số lính da đen ở Việt Nam phải ra tiền tuyến để chiến đấu và chết cho cuộc chiến này (The vast majority of Black troops in Vietnam are placed in the front lines… to fight and die for the war), hãy chấm dứt chiến tranh vì nó sát hại chúng ta.”.
(The Vietnam War… Trang 144)

Một tờ yết thị khác cho thấy ngân quĩ chính phủ Johnson dành cho chương trình chống nạn nghèo đói đã chuyển sang cho chiến tranh VN. Tổng thống hy vọng vừa giải quyết nạn nghèo đói vừa giải quyết chiến tranh, nhưng cuối cùng chỉ giải quyết chiến tranh. Họ đăng hình hai ông Tướng Thiệu, Kỳ trông dữ tợn, nhe răng trợn mắt và viết.

“Bọn họ ăn hết của chúng ta, ăn hết cả nhà cửa, thành phố, trường học y tế, môi trường .. bọn họ là Tổng thống Thiệu và Phó Tổng thống Kỳ, các quân nhân cầm quyền ở Việt Nam (They’re eating us out of house, home, city, school, medical care and clean air…)

Năm nay họ đã hút của ta 13 tỉ để xử dụng vào bộ máy chiến tranh của họ. Số tiền này đủ để xây 2,000 trường trung học, 10,000 chung cư bình dân, phục vụ y tế cho 165, 000 bệnh nhân, tăng chương trình chống ô nhiễm lên gấp 10 lần.

Cho dù có rút quân, chúng ta vẫn phải viện trợ 2 tỷ rưỡi quân sự và kinh tế cho Nam Việt Nam, số tiền này bằng tiền ta viện trợ cho tất cả các nước khác cộng lại.
Có lẽ đây là lúc ta không cần để ý tới những tiếng mơn trớn như Việt nam hoá chiến tranh, kinh tế hậu chiến .. mà hãy chú ý tới những con số. Hãy viết thư cho Dân biểu để xin một bản ngân sách Liên bang, nói cho ông ấy biết ta phải xử dụng 10 tỉ rưỡi ta tiết kiệm được như thế nào khi ta rút khỏi Việt nam”
(Trang 144, sách đã dẫn)

Một tấm bích chương khác cổ vũ chống chiến tranh in hình một người phế binh cụt chân đu mình trên chiếc nạng gỗ, chàng về nay đã cụt chân!!…

“Khi Johnny trở về nhà ! Hoan hô, Hoan hô!”.. Chấm dứt gây tàn phế, chấm dứt bắn giết, chấm dứt chiến tranh, hãy viết thư hay gọi điện thoại cho Dân biểu ngay hôm nay…( Trang 151)

Những tờ yết thị, bích chương đầy những hình ảnh khích động chống chiến tranh đã gây ảnh hưởng sâu rộng trong quần chúng khiến cho phong trào ngày càng lên cao. Nhiều ký giả, phóng viên truyền hình Mỹ .. săn tin chiến tranh ở Việt Nam về làm phóng sự chống chiến tranh thổi phồng những khía cạnh xấu của cuộc chiến, lên giọng đạo đức giả xuyên tạc sự thật…

Tại Âu châu phong trào phản chiến cũng bột phát không kém phần vì Pháp bị Mỹ hất cẳng ra khỏi Ðông Dương 1955 nay thọc gậy bánh xe phá Mỹ. Sau trận Ðiện Biên Phủ Pháp cay cú Mỹ đã không cứu họ, năm 1955 lại bị ông Diệm hất cẳng ra khỏi VN nên đã trả thù bằng cách bài kích Mỹ và VNCH suốt cuộc chiến tranh Quốc Cộng. Pháp tuyên truyền không công cho Hà Nội, trắng trợn hơn nữa họ còn cho Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam đặt văn phòng chính thức tại Paris. Ngoài ra CSBV cũng được CS Quốc tế tiếp tay quảng bá tuyên truyền chống Mỹ, một phần do sự sai lầm của người Mỹ đổ quân vào Ðông Dương làm mất chính nghĩa của cuộc chiến.

Tình hình phản chiến ở Hoa Kỳ từ 1965 đến 1971 khiến cho chính phủ ngày một suy yếu, đất nước bị phân hoá. Chúng ta có thể kết luận một cách giản dị phong trào phản chiến xuất phát từ tâm lý của anh nhà giầu sợ chết, dù được che đậy dưới hình thức nào cũng không thể dấu diếm được cái bản chất hèn nhát ấy.

Ðầu năm 1969 có vào khoảng 31 ngàn lính Mỹ tử thương tại Việt Nam, theo tin tức Mỹ riêng năm 1968 Cộng quân mất gần 290 ngàn cán binh, cho tới cuối 1968 có vào khoảng từ 500 cho tới 600 ngàn Việt Cộng tử thương. Tính ra số tổn thất nhân mạng của Mỹ chỉ bằng 5% hoặc 10% so với BV nhưng họ không bao giờ có một lời than vãn, như thế ta thấy người Mỹ đã sai lầm khi tham gia cuộc chiến tranh với một kẻ thù nghèo đói, thằng nghèo đói không bao giờ sợ chết. Người Mỹ đã sai lầm khi tham dự một cuộc chiến tranh không cân xứng giữa một anh nhà giầu sợ chết và một thằng nghèo đói đánh thí mạng cùi.

Phản chiến đã tạo niềm tin cho CSBV, họ chỉ chờ có thế. Vào những năm 1952, 1953 người dân Pháp lúc ấy quá chán ghét, ghê sợ cuộc chiến tranh Ðông Dương vừa chết người tốn của, trong suốt cuộc chiến tranh 1947-1954 đã có 19 chính phủ Pháp bị đánh đổ vì không giải quyết được cuộc chiến. CS chỉ trông chờ vào phong trào phản chiến để đối phương phải chán ghét rồi bỏ cuộc, chiến lược “cố đấm ăn xôi” của CS đã từng thành công từ cuộc chiến tranh Việt Pháp nay họ lại đem áp dụng vào cuộc chiến tranh chống Mỹ.

Như chúng ta đã biết truyền hình và báo chí Mỹ đã đổ dầu vào lửa, đã thổi phồng những khía cạnh xấu của cuộc chiến tranh VN và hướng dẫn các phong trào phản chiến chống đối chính phủ ép buộc họ phải rút quân bỏ Ðông Dương. Nếu không có truyền hình và báo chí chắc hẳn phong trào đã không lên cao như thế. Như đã nói ở trên sau khi ông Walter Cronkite sang thăm chiến trường Việt nam sau trận Mậu Thân 1968, bản tường của ông đã khiến cho phong trào phản chiến tại Mỹ lên cao dữ dội hơn trước, họ cho rằng người Mỹ không thể thắng nổi thằng nghèo đói cố đấm ăn xôi đánh thí mạng cùi. Tết Mậu Thân 1968, VNCH đánh thắng một trận lớn nhưng chúng ta đã thua cuộc chiến, nó là khúc quành trong cuộc chiến tranh dài nhất thế kỷ.

Cuối tháng 3-1968 Tổng thống Johnson tuyên bố không tái tranh cử nhiệm kỳ 2 từ 1969-1973, hạn chế oanh tạc Bắc Việt, công khai nhờ Anh và Nga Sô tìm cách hoà giải và để tìm cách rút chân ra khỏi VN. Ngày 13-5-1968 phiên họp đầu tiên của Hoà đàm Ba Lê bắt đầu. Tháng 1 năm 1969 Nixon nhậm chức Tổng thống, thực hiện Việt Nam Hóa chiến tranh, rút quân về nước. Khi chuyển sang giai đoạn Việt Nam hoá chiến tranh người Mỹ đã nghĩ đến việc rút quân bỏ Việt Nam.

Năm 1968 tổng số quân đội Mỹ tại Việt Nam lên tới đỉnh cao 536 ngàn người, năm sau 1969 rút 61 ngàn còn 475 ngàn, năm 1970 rút 141 ngàn còn 334 ngàn, năm 1971 rút 178 ngàn còn 156 ngàn, năm 1972 rút 132 ngàn còn 24 ngàn, sau Hiệp định Ba Lê 27-1-1973 họ rút gần hết chỉ còn lại một số rất ít tuỳ viên, cố vấn quân sự.

Không những Hoa Kỳ rút quân mà còn cắt giảm quân phí cho cuộc chiến tại miền Nam Việt Nam, quân phí tụt giảm rõ rệt nhất là từ sau 1969: Năm 1965 người Mỹ chi tiêu 646 triệu, năm 1966 tăng 5 tỷ 8, năm 1967 tăng 20 tỷ, năm 1968 tăng 26 tỷ, năm 1969 tăng 29 tỷ năm 1971, 72 tụt xuống còn 12 tỷ..
Trận mùa hè đỏ lửa 1972 là trận đánh lớn khốc liệt nhất kể từ sau 1965, BV đưa vào Quảng Trị khoảng 5, hoặc 6 sư đoàn, tai Kontum 2 sư đoàn, tại Bình Long An Lộc 3 sư đoàn tổng cộng 10 sư đoàn với xe tăng đại bác phòng không, hoả lực rất mạnh. Hoa Kỳ đã yểm trợ VNCH tối đa để lấy ưu thế tại bàn hội nghị Paris, tổng cộng có 150 máy bay B-52 tham chiến tại cả ba mặt trận và 20 tầu chiến gồm các khu trục hạm, tuần dương hạm để yểm trợ hải pháo tại chiến trường Quảng Trị . Tháng 3-1972 có tất cả 4237 phi xuất của không quân tại Nam VN, trong tháng 5 đã tăng lên 18,444 phi xuất do khoảng 700 chiến đấu cơ và 150 pháo đài bay B-52. Ngoài ra Mỹ còn yểm trợ vận chuyển bằng trực thăng và máy bay C-130 , sau này theo tiết lộ của ông Cao Văn Viên nếu không có yểm trợ của không quân và hải quân Mỹ VNCH có thể mất những tỉnh kể trên không hy vọng chiếm lại được. Hoa Kỳ muốn VNCH phải thắng để lấy ưu thế tại bàn hội nghị để ký Hiệp Ðịnh Paris ngày 27-1-1973, rút quân và đem về nước 587 tù binh, Nguyễn Ðức Phương đã nhận xét:
“ Người Mỹ ký hiệp định Ba Lê với mục đích rút ra khỏi vũng lầy VN đồng thời trao đổi tù binh Mỹ. Quyền lợi chính của miền Nam không được chú trọng đến. Một chuyên viên về du kích chiến, Sir R. Thompson, khi thảo luận về việc ký kết hiệp định Ba Lê đã viết “ Sự sống còn của miền Nam VN bị đe doạ chỉ vì để tránh cho nước Mỹ khỏi phải cấu xé nhau tan nát. Một điều trái ngược ở đây là miền Bắc VN bị bắt buộc phải ngồi vào bàn hội nghị tại Ba Lê không phải để tự cứu họ mà là để cứu nước Mỹ” Vì lý do vừa kể nên mặc dù có quá nhiều khuyết điểm, hiệp định Ba Lê vẫn phải được phê chuẩn với bất cứ giá nào”
Chiến Tranh Việt Nam Toàn Tập trang 811.

Sau Hiệp định Paris hơn nửa triệu quân Ðồng Minh đã rút đi, Quân đội VNCH một mình phải gánh vác toàn bộ chiến trường với nhiều khó khăn thiếu thốn. Tháng 6-1973 Quốc Hội Mỹ biểu quyết cắt ngân khoản cho tất cả các hoạt động quân sự Mỹ tại Ðông Dương Việt Mên lào, được áp dụng từ giữa tháng 8-1973 cấm hoạt động quân sự trên toàn cõi Ðông Dương. Tháng 10-1973 Quốc Hội Mỹ ra Ðạo luật hạn chế quyền Tổng Thống về chiến tranh (Wars Powers Act), đòi hỏi Tổng thống phải tham khảo ý kiến Quốc Hội trước khi gửi quân đi tham chiến. Cuối 1972 Hoa Kỳ rút hết quân sau Hiệp định Ba Lê, năm 1973 viện trợ quân sự cho VNCH xuống còn 2 tỷ 1, năm 1974 chỉ còn 1 tỷ 4, năm 1975 tụt xuống còn 700 triệu trong đó kể cả ngân khoản để trả lương cho nhân viên DAO Hoa Kỳ. So với 29 tỷ năm 1969 quân phí cho chiến tranh VN chỉ còn 2%.

Theo ông Cao Văn Viên (Những Ngày Cuối Của VNCH trang 86, 87, 92) Hậu quả của cắt giảm quân viện khiến cho Không quân VNCH phải giải tán hơn 200 phi cơ chiến đấu, oanh tạc, vận tải thám thính, giảm giờ bay thực tập và yểm trợ , yểm trợ giảm 50%, vận chuyễn trực thăng giảm 70%, không vận bằng vận tải cơ bị cắt giảm 50%. Hoạt động Hải quân bị cắt giảm 50%, , hoạt động từ tháng 7-1974 ở sông ngòi giảm 70%, giải tán 600 giang thuyền…Từ tháng 7-1974 quân đội chỉ xử dụng khoảng 19 ngàn tấn đạn một tháng so với 73 ngàn tấn một tháng thời gian trước đó, hoả lực giảm 60%. Vào tháng 2-1975, số lượng đạn tồn kho của tất cả các loại súng trường, phóng lựu, súng cối, đại bác, lựu đạn… tuột xuống con số nguy hiểm, chỉ còn đủ xử dụng từ 25 đến 31 ngày…Tháng 4-1975 , đạn tồn kho ở bốn kho dự trữ tuột dốc xuống mức thấp nhất chỉ đủ xài từ 14 đến 20 ngày…Kể từ sau Hiệp định Paris VNCH không còn trông cậy vào yểm trợ của B-52 nữa.

Phía Cộng Sản Bắc Việt: Lực lực lượng chính qui Bắc Việt 1975 có 4 Quân đoàn ( gọi theo thứ tự 1, 2, 3, 4) và đoàn 232 tương đương một Quân đoàn, mỗi Quân đoàn có 3 Sư đoàn, tổng cộng có 15 Sư đoàn chính qui, thêm vào đó một Sư đoàn đặc công, trên 10 trung đoàn độc lập, toàn bộ lực lượng vào khoảng 20 hoặc 21 Sư đoàn, trên 300 ngàn người. Lực lượng yểm trợ hùng hậu gồm trên 20 lữ đoàn, trung đoàn xe tăng, pháo binh, phòng không. Quân số CSBV tại miền Nam giai đoạn 1975 coi như gấp hai lần giai đoạn 1972.

Trong khi miền Nam bị Mỹ cắt giảm viện trợ thì BV được Cộng Sản Quốc Tế giúp đỡ không ngừng nghỉ. Trong buổi hội thảo qui mô tại Sài Gòn ngày 14 và 15-4-2006 do Viện Lịch Sử Quân Sự CSVN tổ chức, họ công bố khối lượng hàng viện trợ quân sự của CS quốc tế như sau: Trong giai đoạn 1969-1972 Nga, Tầu, Ðông Âu.. đã viện trợ cho Bắc Việt 684.666 tấn vũ khí đạn dược , trong giai đoạn 1973-1975 họ viện trợ cho BV 649,246 tấn vũ khí đạn dược. Chúng ta thấy khối lượng hàng viện trợ trong hai giai đoạn tương đương nhau nhưng giai đoạn trước (1969-72) sự vận chuyển vũ khí đạn dược gặp nhiều trở ngại vì bị không lực Mỹ trải bom, đánh phá, trái lại giai đoạn sau (1973-75) đường xâm nhập gần như bỏ ngỏ nên BV đã xử dụng 16 ngàn xe vận tải chuyên chở được nhiều vũ khí đạn dược gấp bội các giai đoạn trước. Sau ngày 30-4- 1975, báo Sài Gòn Giải Phóng tiết lộ vũ khí đan dược của BV năm 1975 nhiếu gấp ba lần năm 1972.

Nhìn bảng so sánh tương quan lực lượng trên chúng ta thấy rõ miền Nam VN năm 1975 không thể nào tồn tại được .

Phải nói rằng phong trào phản chiến là động cơ then chốt nhất cho sự sụp đổ miền Nam Việt Nam, nó đã gây lên sự chia rẽ cấu xé nhau trầm trọng tại nội bộ Hoa Kỳ. Dù là hành pháp hay lập pháp, dù Dân Chủ hay Cộng Hoà họ cũng đều phải mị dân để kiếm phiếu không thể đi ngược phong trào phản chiến, dù đảng nào thì họ cũng là người Mỹ phải vì quyền lợi của đất nước không thể tiếp tục chống biểu tình cắn xé nhau mãi được. Truyền hình báo chí Mỹ đã xuyên tạc cuộc chiến, đâm bị thóc chọc bị gạo gây nên xâu xé nội bộ tại đất nước họ đã ảnh hưởng sâu đậm trên chính sách của chính phủ và do đó sự tồn tại của miền Nam không thể nào đứng vững.
Nay người Mỹ vẫn kết án phong trào phản chiến, họ cho là không có tinh thần yêu nước, chống lại đường lối quốc gia. Năm 2004 ứng cử viên Dân chủ John Kerry bị người ta lật tẩy vì ông đã tích cực tham gia phong trào chống chiến tranh VN trước đây hậu quả là Kerry thất bại chua cay trong cuộc tranh cử. Rút kinh nghiệm trong chiến tranh VN sau này quân đội Mỹ không dễ dàng cho giới truyền thông lấy tin đem về nước để xuyên tạc cuộc chiến. Trong phim Desert Storm nói về chiến tranh 1992 của Mỹ đánh Iraq giải phóng Kuweit, một cảnh khi phóng viên tới lấy tin đã bị lính xua đuổi dữ dội “Get them out! Get them out !! Ðuổi chúng nó đi!!! Ðuổi chúng nó đi!!!

Cuộc chiến tranh từ 1964 tới 1975 có 58 ngàn lính Mỹ bị tử thương, phía VNCH có 183 ngàn quân thiệt mạng, thường dân khoảng 250 nghìn người chết. Nhân kỷ niệm hai mươi năm ngày 30-4-1975 chính quyền CS đã chính thức công bố thiệt hại nhân mạng gồm 1 triệu 1 cán binh, khoảng 2 triệu thường dân …

Dưới danh nghĩa giải phóng dân tộc Ðảng Cộng Sản Việt Nam đã gây lên cuộc chiến tranh cốt nhục tương tàn ba mươi năm đằng đẵng và đã làm đổ xương máu nhân dân quá nhiều, cố đấm ăn xôi đẩy hàng triệu thanh niên vào chỗ chết. Họ nói là để tiến lên xã hội chủ nghĩa ưu việt nhưng trớ trêu thay, từ những năm đầu thập niên 90, các nước xã hội chủ nghĩa lần lượt tan rã, từ bỏ xã hội chủ nghĩa trở về tư bản chủ nghĩa. Họ không thể ngoan cố theo đuổi mãi được vì xã hội chủ nghĩa là con đường chết đưa tới kiệt quệ, lầm tham đói khổ.

CSVN cũng đã phải từ bỏ kinh tế xã hội chủ nghĩa nhưng vẫn còn độc tài ngoan cố, bóc lột nhân dân xương tuỷ, họ không thể quay ngược bánh xe lịch sử. Sáu mươi năm trước đây, thánh Ghandi đãù nói “Chúng ta thấy qua lịch sử, con đường của sự thật và tình thương luôn luôn thắng bạo tàn, độc ác, bất nhân… Bạo tàn chỉ thắng lợi được một thời gian rồi cũng phải thất bại sụp đổ tan tành”

Trọng Ðạt

Tài Liệu tham khảo.

Ðiện báo www.Danchimviet. com ngày 17-7-2009: Walter Cronkite phóng viên huyền thoại của Mỹ từ trần thọ 92 tuổi.
Nguyễn Ðức Phương: Chiến Tranh Việt Nam Toàn Tập, 1963-1975, Làng Văn 2001.
Nguyễn Ðức Phương: Những Trận Ðánh Lịch Sử Trong Chiến Tranh Việt Nam, 1963-1975, Ðại Nam.
Cao Văn Viên: Những Ngày Cuối Của Việt Nam Cộng Hoà, Vietnambibliography , 2003.
Chánh Ðạo: Mậu Thân 68 Thắng Hay bại? Văn Hoá 1998.
Ðoàn Thêm: 1965 Việc Từng Ngày, Xuân Thu xuất bản.
Ðoàn Thêm: 1966 Việc Từng Ngày , Xuân Thu.
Ðoàn Thêm: 1969 Việc Từng Ngày, Xuân Thu.
Nguyễn Tiến Hưng: Khi Ðồng Minh Tháo Chạy, Hứa Chấn Minh, 2005.
Phạm Huấn: Những Uất Hận Trong Trận Chiến Mất Nước 1975, Cali 1988.
Phạm Huấn: Cuộc Triệt Thoái Cao Nguyên 1975, Cali 1987.
Văn Tiến Dũng: Ðại thắng Mùa Xuân, Nhà xuất bản Quân đội nhân dân, HàNội 2005.
Trần Ðông Phong: Việt Nam Cộng Hoà, 10 Ngày Cuối Cùng, Nam Việt 2006.
Dương Ðình Lập: Cuộc Tổng Tiến Công Và Nổi dậy Mùa Xuân 1975, Nhà xuất bản Tổng Hợp T.P.H.C.M 2005.
Hoàng Lạc, Hà Mai Việt: Việt Nam 1954-1975, Những Sự Thật Chưa Hề Nhắc Tới Texas 1990.
Lam Quang Thi: Autopsy The Death Of South Viet Nam, 1986, Sphinx Publishing.
The Word Almanac Of The Viet Nam War: John S. Bowman - General Editor, A Bison-book 1958.
Stanley Karnow: Viet Nam, A History, A Penguin Books 1991.
Marilyn B. Yuong, John J. Fitzgerald, A. Tom Grunfeld: The Viet Nam War, A history in documents, Oxford University Press 2002.
Người Mỹ Và Chiến Tranh Việt Nam: Người Việt Dallas 21-6-2006 .
Lewis Sorley: Lịch Sử Quân Lực Việt Nam Cộng Hoà, Trần Ðỗ Cung dịch, Người Việt Dallas số 26-4-2006.
Trung Tướng Lữ Lan: Cuộc Chiến Ba Mươi Năm Nhìn Lại Từ Ðầu, Sài Gòn nhỏ Dallas 28-4-2006.

No comments:

Post a Comment