Pages/ Tác giả

Sunday, July 12, 2009

VNCH-RFA-Andrew Wiest-Việt Nam, Một Quân Ðội Bị Bỏ Quên

Tác giả cuốn "Việt Nam, Một Quân Ðội Bị Bỏ Quên"
trả lời phỏng vấn RFA

Nguyễn Khanh, phóng viên đài RFA
19/02/2008

Quyển sách viết bằng Anh Ngữ mang nhan đề “Việt Nam, Một Quân Ðội Bị Bỏ Quên: Anh Hùng Và Kẻ Phản Bội Trong Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa” do Giáo Sư Tiến Sĩ Sử Học Andrew Wiest viết, mới được ra mắt hôm Chủ Nhật vừa rồi. Ngay sau buổi ra mắt sách, Tiến Sĩ Wiest đã dành cho Nguyễn Khanh của Ban Việt Ngữ chúng tôi cuộc phỏng vấn đặc biệt sau đây.

Tải xuống để nghe

Hình bìa cuốn "Việt Nam, Một Quân Ðội Bị Bỏ Quên"

Nguyễn Khanh: Là người chào đời trong thập niên 60, ông đâu có liên hệ gì với cuộc chiến Việt Nam. Tại sao ông lại viết quyển sách về cuộc chiến ông không hề liên quan?

Tiến sĩ Andrew Wiest: Mặc dù lúc đó tôi còn quá nhỏ, nhưng phải nói là tôi lớn lên với cuộc chiến Việt Nam. Lúc đó truyền hình, báo chí lúc nào cũng nói đến cuộc chiến, và cuộc chiến này có ảnh hưởng sâu đậm với những người lớn tuổi hơn tôi.

Ðây là cuộc chiến mang nhiều bí mật. Một cuộc chiến hầu như không được giảng dậy trong lớp học, không được viết thành sách để những thế hệ sau này có thể hiểu những chuyện gì đã xảy ra, một cuộc chiến mà theo tôi, hình như chính người Mỹ muốn quên đi, quên càng nhanh càng tốt, không ai muốn nói tới nó. Chính những bí mật đó đã khiến tôi chú ý đến cuộc chiến Việt Nam.

Khi tôi quyết định theo học các lớp sử quân sự, tôi hy vọng sẽ được giảng dậy về cuộc chiến này, nhưng chẳng ai nói tới cả. Tôi có cảm tưởng là mọi người muốn bảo tôi rằng quên nó đi, đừng nhắc tới làm gì, và điều đó lại làm tôi càng phải chú ý hơn.

Nguyễn Khanh: như vậy, phải chăng qua quyển sách này, ông muốn cho người đọc một cái nhìn, một hiểu biết đúng về cuộc chiến? Một cái nhìn, một hiểu biết cân bằng hơn?

Tiến sĩ Andrew Wiest: tôi hy vọng như vậy. Trong quyển sách, tôi có trình bày là quân đội miền Nam Việt Nam không được sử sách nhắc đến gì mấy, hoặc là quân đội miền Nam Việt Nam không được trình bày một cách cặn kẽ trước người đọc Mỹ. Vì thế trong quyển sách này, tôi giới thiệu đến người đọc hai nhân vật của quân đội Việt Nam Cộng Hòa, một anh hùng, một phản bội, và hy vọng từ đó tất cả mọi người nhìn cuộc chiến dưới những góc nhìn khác nhau.

Tôi cũng hy vọng là hình ảnh tương phản tuyệt đối và đặc biệt này, anh hùng tuyệt đối, phản bội cũng tuyệt đối, sẽ giúp tôi trình bày câu chuyện trong một khung cảnh báo quát hơn.

Nguyễn Khanh: nhưng thưa Giáo Sư, cuộc chiến kết thúc đã gần 33 năm rồi, các vết thương có lẽ cũng đã lành. Ở thời điểm như vậy mà ông vẫn bỏ thì giờ để viết về một cuộc chiến chính ông nói mọi người đều muốn quên?

Tiến sĩ Andrew Wiest: phải thành thật mà nói với ông rằng trong bối cảnh chiến tranh thời đó, thì câu chuyện mà tôi tìm được là một câu chuyện tuyệt vời. Khi lớn lên, tôi được đọc biết bao nhiêu chuyện tuyệt diệu nói về cuộc thế chiến thứ Hai, từ chuyện trốn thoát khỏi ngục từ Ðức Quốc Xã, cho đến những câu chuyện anh hùng ở trận chiến Normandy, kể cả chuyện những kẻ phản bội đồng đội.

Khi nghe được câu chuyện của ông Phạm Văn Ðính và chuyện của ông Trần Ngọc Huế, tôi cũng chỉ mong mình kể lại được một câu chuyện đầy sống động liên quan đến cuộc chiến Việt Nam, về cuộc chiến bị quên lãng.

Những người thật sự liên hệ đến cuộc chiến này chính là những người Việt Nam bị bỏ quên. Họ chiến đấu hết sức mình, chiến đấu dũng cảm hơn cả những người đã tham gia các cuộc chiến trước đó. Họ đã chiến đấu trong niềm tự hào của những kẻ anh hùng, và họ cũng đã chiến đấu trong những nỗi khốn cùng của người không may lâm vào cuộc chiến.

Là một sử gia, tôi quyết định tìm cho được những gì mới về chiến tranh Việt Nam, y hệt như những người đi tìm cái mới khi muốn viết về trận thế chiến thứ Nhất. Có cả tỷ tỷ quyển sách viết về trận thế chiến thứ nhất rồi, trong khi cuộc chiến Việt Nam thì chưa, nên tôi mừng vì tìm thấy được một viên hột xoàn quý giá nằm dưới đáy sông. Thành ra, tôi viết quyển sách với một niềm hứng thú.

Nguyễn Khanh: phải chăng vì thế mà một phần quyển sách được ông đặt là “Việt Nam: Một Quân Ðội Bị Bỏ Quên”? Tại sao họ lại bị bỏ quên và họ bị bỏ quên như thế nào?

Tiến sĩ Andrew Wiest: câu hỏi của ông hay quá!!! Thật ra tựa lúc đầu tôi đề nghị với nhà xuất bản là “Con Ðường Danh Dự” vì có một quyển sách thật hay đã được quay thành phim viết về Thế Chiến Thứ Nhất mang nhan đề là “Con Ðường Vinh Quang”. Tôi dùng “Con Ðường Danh Dự” vì muốn trình bày cho người đọc thấy cả hai nhân vật, một anh hùng, một phản bội đều mang trong lòng ý tưởng “danh dự”, và để cho người đọc phán quyết xem ai là người có thể tin được.

Khi tôi gửi quyển sách đến nhà xuất bản, thì người chịu trách nhiệm đọc và chọn quyển sách nói rằng tựa do tôi đặt không giúp người đọc biết là quyển sách họ cầm trong tay nói về cuộc chiến Việt Nam, cần phải có một cái tựa khác để độc giả biết ngay quyển sách của tôi nói về chuyện gì. Cuộc cùng, chúng tôi đồng ý “Việt Nam: Một Quân Ðội Bị Bỏ Quên” là một tựa sách hay, và chúng tôi cũng đồng ý dùng cả lá cờ vàng 3 sọc đỏ chạy ngay trên bìa quyển sách để tạo lôi cuốn.

Còn về câu hỏi ông đặt ra quân đội này đã bị bỏ quên như thế nào? Thưa ông, họ bị bỏ quên vì chẳng ai viết về họ cả. Thế giới Tây Phương không ai muốn viết, muốn nhắc về họ. Qua tiếp xúc với cộng đồng người Việt ở hải ngoại, điều tôi tìm thấy là một lịch sử đấu tranh anh hùng mà hầu như người khác, chẳng mấy ai biết.

Nguyễn Khanh: và đó là thông điệp mà ông muốn gửi đến người đọc???

Tiến sĩ Andrew Wiest: tôi nghĩ đây là một thông điệp mạnh mẽ được gửi đến người đọc. Ðương nhiên trong cộng đồng người miền Nam, quân đội này không bao giờ bị bỏ quên. Ðó là một quân đội trong quá khứ có một sức sống mãnh liệt, và sức sống này vẫn còn hiện diện với họ ngày hôm nay cũng như trong tương lai.

Tôi xin kể cho ông nghe một câu chuyện. Mới đây, khi đến thành phố Adelai ở Australia, tôi ghé thăm Ðài Tưởng Niệm Chiến Tranh Việt Nam và nhìn thấy người lính Australia bên cạnh người lính Miền Nam, nhìn thấy lá cờ Australia bên cạnh lá cờ Miền Nam Việt Nam. Nếu đến Ðài Tưởng Niệm ở thủ đô Washington, ông thấy tất cả đều là hình ảnh của người lính Mỹ. Tôi có thể nói là với nhân dân Hoa Kỳ, điều họ nhớ đến là quân đội Mỹ đã từng chiến đấu ở Việt Nam, nhớ những kinh nghiệm từ bài học Việt Nam. Và đó là lý do tại sao tôi lại dùng từ “bị bỏ quên”.

Nguyễn Khanh: tôi có cảm tưởng ông đang muốn làm điều mà tôi xin được gọi là sửa lại lịch sử cho đúng. Thưa ông, có phải như vậy không?

Tiến sĩ Andrew Wiest: tôi không dùng từ “sửa lại lịch sử” mà tôi muốn dùng từ “đóng góp thêm”. Lịch sử cuộc chiến Việt Nam thường chỉ được trình bầy ở bề nổi, không được trình bầy ở bề sâu. Tôi nghĩ rằng không phải chỉ quyển sách này, mà những quyển sách khác viết về nguyên nhân dẫn đến chiến tranh, nguyên nhân khu vực, nguyên nhân toàn cầu, nếu người viết thoát được cải vỏ bọc Mỹ Quốc, thì người viết sẽ có được cái nhìn sâu rộng hơn. Tôi tin đó là hướng mà tôi đang đi.

Nguyễn Khanh: sau quyển sách ra mắt ngày hôm nay, quyển sách kế tiếp ông sẽ viết về đề tài gì? Liệu có phải là cuộc chiến Việt Nam nữa không?

Tiến sĩ Andrew Wiest: tôi cũng hy vọng như vậy. Như ông thấy, tôi mất 7 năm trời mới hoàn tất được quyển sách này. Có thể là lần này tôi may mắn tìm được một câu chuyện thật tuyệt vời để kể lại với người đọc, đưa ra được những chứng cớ xác đáng để các nhà sử học dùng làm tài liệu nghiên cứu. Là một nhà sử học, đó là mục tiêu tôi đặt hàng đầu: các nhà sử học khác có tài liệu đích thực để tham khảo, và người đọc có được một quyển sách hay để đọc.

Nếu viết thêm về cuộc chiến Việt Nam, có thể tôi sẽ viết về những người đã được tưởng thưởng các huy chương cao quý của quân đội Hoa Kỳ, như huy chương Sao Bạc, Sao Ðồng. Tìm tài liệu chắc không khó, nhưng viết ra theo cái nhìn của người viết sử thì rất khó. Tôi không muốn viết một quyển sách để sau đó nghe mọi người bảo quyển sách đọc thì hay, nhưng chẳng có gì để đóng góp cho kho tàng sử liệu cả.

Ngay cả chuyện các cố vấn Mỹ cũng là đề tài đáng viết. Sách nói về cuộc chiến đều là sách nói về các trận đánh, và không ai nói về vai trò của các cố vấn Hoa Kỳ cả. Họ cũng thuộc thành phần bị bỏ quên, và tôi tin đó là một quyển sách đáng viết.

Nguyễn Khanh: cám ơn Tiến Sĩ Wiest.




No comments:

Post a Comment