Pages/ Tác giả

Saturday, June 6, 2009

NB Việt Thường -Lao Động Việt Nam Dưới Ách Việt Gian Cộng Sản-Viet Thuong

Lao Động Việt Nam Dưới Ách Việt Gian Cộng Sản


Viet Thuong
Ngay từ khi chưa có chính quyền, ông Hồ Chí Minh và các đệ tử thân cận của ông ta không chỉ tuyên bố công khai, mà còn ghi vào các văn kiện của đảng Cộng sản Đông dương, rằng giai cấp công nhân Việt Nam là lực lượng nòng cốt của cách mạng (vô sản) ở Việt Nam và chủ nghĩa cộng sản chính là thế giới quan của giai cấp công nhân. Tất nhiên đấy không phải là "phát minh" của ông Hồ và đệ tử mà đó chỉ là mớ lý luận hổ lốn được sao chép của đảng cộng sản Nga-xô và sau này thêm tý gia vị quan điểm của ông Mao Trạch Đông, nghĩa là cái khái niệm về sự liên minh của hai giai cấp công nhân và nông dân.

Cho nên, khi bằng sự lừa dối, ông Hồ Chí Minh và đệ tử cướp được quyền lãnh đạo đất nước Việt Nam, thì, đồng thời kêu gọi giai cấp công nhân phát huy tính tiên phong cách mạng, cùng chỉ thị cho các cấp lãnh đạo của đảng cộng sản và chính quyền phải chăm lo đặc biệt đến đời sống tinh thần và vật chất của giai cấp công nhân. Đáng buồn là tất cả những lời nói hoa mỹ đó và các văn kiện đầy từ ngữ nổ ròn như bắp rang đó, trong suốt nửa thế kỷ do cộng sản độc đảng cầm quyền ở Việt Nam, chưa bao giờ thành hiện thực trọn vẹn. Bởi chỉ có vế duy nhất được thực hiện là "tính tiên phong cách mạng". Nghĩa là, nói cho dễ hiểu, "thắt lưng buộc bụng trong hưởng thụ" và "làm ngày không đủ, tranh thủ làm đêm, làm thêm ngày nghỉ" với tinh thần "một người làm việc bằng hai; một người làm việc bằng ba để xây dựng và hoàn thiện chủ nghĩa xã hội" - một cái bánh vẽ vĩ đại, trừu tượng về nội dung và mơ hồ về thực hiện.

S Ự T H Ậ T Đ A U L Ò N G

Lý luận thì như trên, trong các văn bản giấy trắng mực đen, dấu son đỏ chói với chữ ký của đủ mọi bộ mặt "đầy tớ trung thành của nhân dân" như Hồ Chí Minh, Trường Chinh, Lê Duẩn, Phạm văn Đồng, Lê đức Thọ, Lê thanh Nghị và Hoàng quốc Việt. Nhưng thực tế hoàn toàn nguợc 180 độ. Nếu ở thế giới tự do, công đoàn là tổ chức của những người lao động nhằm bảo vệ quyền lợi trước giới chủ và chính quyền, thì ở Việt Nam dưới thời Hồ Chí Minh cho đến tận bây giờ, tổ chức công đoàn là cái xiềng pháp lý và tổ chức mà đảng cộng sản (có nghĩa tụi cầm quyền chóp bu) khoác vào cổ người công nhân, cũng giống kiểu quốc hội bù nhìn hiện nay đối với toàn dân.

Thí dụ : ở Đoạn bảo dưỡng đường bộ số 2, ban chủ nhiệm (tức chính quyền) qui định mức làm việc cho công nhân đào đất bậc một là 3 mét khối ngày, nhưng công đoàn phát động thi đua xin nâng lên là 3 mét khối rưỡi. Ở nhà máy số 2 bưu điện - truyền thanh, giám đốc định mức cho công nhân bậc một phải ép được 1.200 màng loa/ngày công, nhưng công đoàn động viên công nhân để nâng lên 1.500 rồi lại lên 1.800 màng loa/ngày công. Hai thí dụ cụ thể ở trên cũng là hình ảnh chung ở toàn thể nhà máy, công trường ở Việt Nam cộng sản. Đã thế, công nhân còn bị công đoàn liên kết với đảng và chính quyền tổ chức "hội thảo" (tức ngày hội thao tác kỹ thuật) để "phát hiện" ra năng suất cao nhất có thể được, nhằm đem chỉ tiêu năng suất của ngày "hội thảo" làm định mức thông thường trong sản suất hàng ngày. Nghĩa là những người công nhân dù ở tuổi tác khác nhau, sức khỏe khác nhau... đều phải nhận chung một định mức làm kiệt sức đến giọt mồ hôi cuối cùng. Còn nếu ai không đạt định mức thì cứ ở mãi bậc luơng cũ hoặc bị sa thải (tức ra khỏi biên chế) hoặc bị chuyển làm việc khác, đi nơi khác và bị hạ lương cho phù hợp với công việc mới.

Ngoài cái gọi là "8 giờ vàng ngọc" bắt buộc trong sản xuất, người công nhân còn bị các tổ chức công đoàn, nữ công, thanh niên và đảng huy động làm thêm dưới hình thức : làm ngoài ca vì chủ nghĩa xã hội để dọn vệ sinh công nghiệp ở nhà máy; làm thêm sản phẩm ngoài giờ để "đền ơn Bác Hồ", để ủng hộ đồng bào miền Nam; gánh thêm chỉ tiêu sản xuất của nhau để tách một số lao động luân phiên đi lao động nông nghiệp 3 tháng/năm. Chưa kể là còn phải chia nhau luân phiên canh gác ban đêm ở nhà máy, kho tàng và đường phố. Thậm chí, ngày Tết Nguyên Đán, được nghỉ có hai ngày rưỡi thì đã mất cả ngày Mùng Một đi trồng cây gây rừng, phải tự túc phương tiện đi lại và nhiều nơi, nhiều chỗ công nhân còn phải góp tiền mua cây giống !

Ngay đến ngày 1-5, ngày hội của người lao động thì công nhân từ trước đó cả vài tháng, "bị" thông qua tổ chức công đoàn đã làm quyết tâm thư gửi lên đảng và chính quyền xin tăng chỉ tiêu năng suất cụ thể, xin làm thêm giờ, xin hiến các ngày lễ, các ngày nghỉ phép, xin làm bù cho đồng đội bị ốm đau để lấy thành tích chào mừng ngày 1-5 và kết hợp ngày sinh (rởm) của Hồ Chí Minh 19-5. Vì không phải chỉ người lao động ở nhà máy, công trường mới bị trói trong tổ chức công đoàn, mà tất cả cán bộ, công nhân viên ở các trường, các văn phòng đều phải đeo cái gông kiểu mới đó, nghĩa là tất cả đều là đoàn viên công đoàn, bị công đoàn "cải tạo" lèo lái đến mức thành phản xạ có định hình. Một thí dụ cụ thể, ngay như giáo sư sử học của trường đại học tổng hợp Hà-nội là Trần quốc Vượng (cháu ruột của thẩm phán Trần Thúc Linh, cộng sản nằm vùng ở miền Nam trước tháng 4-1975) dù đã được cho qua Mỹ nghiên cứu thêm ở trường đại học Cornell, nhưng theo thói quen nên bàn tay "bồi bút" vẫn phải đóng góp thành tích chào mừng "bốc thơm" họ Hồ nhân dịp 1-5-1991 (đọc bài "Nỗi ám ảnh của quá khứ" trên báo Đất Mới, số 5-6 năm 1991).

Một dạng công nhân mới của chế độ cộng sản ở Việt Nam là các nghệ sỹ, diễn viên, cũng bị sử dụng theo lối vắt chanh bỏ vỏ. Điển hình là nhà văn Lê Bàu bị điều về làm nhân viên quét dọn đền Ngọc Sơn (Hà-nội); nhà văn Trần Lê Văn, làm nhân viên Ty văn hóa Hà Tây; nhà văn Quang Dũng (tác giả bài thơ Tây tiến và chuyện ngắn Xiếc khỉ...) có một thời về làm nhân viên ở Tổng cục lâm nghiệp; nhà ngôn ngữ học nổi tiếng Cao xuân Hạo (con trai học giả Cao xuân Huy) làm nhân viên trường đại học tổng hợp Hà-nội; soạn giả tự điển y-dược Pháp-Việt đầu tiên ở Bắc Việt Nam; Trần Đại Văn, làm nghề đào đất đặt giây điện thoại; ca sĩ Thanh Hiếu (cùng thời với Khuất duy Trác) là nhân viên sở văn hóa y như nữ ca sĩ nổi danh một thời Minh Đổ; anh em các nhạc sỹ Hoàng Giác - Hoàng Kim làm lao công lặt vặt; diễn viên xiếc nổi tiếng Mỹ Kim nay là nhân viên bán gạo ở cửa hàng lương thực Võ văn Tần (Sài-gòn); các cầu thủ đá bóng nổi tiếng một thời như Thịnh (cóc), Bẩy, Quang Minh, Qùy v.v... từ khi không còn ở đội Hoàng Diệu, nay về già vẫn chỉ là nhân viên bậc 2, bậc 3 hoặc công nhân bậc 2, bậc 3. Chính quyền cộng sản Việt Nam đã ma giáo tách lương của loại "công nhân nghệ sỹ" làm hai phần : lương cơ bản và phụ cấp bồi dưỡng. Thông thường lương cơ bản đều là 45 đồng/tháng (tiền Hà-nội), còn phụ cấp bồi dưỡng tùy mức độ và số đêm biểu diễn hoặc số trận thi đấu mà được từ 60 đồng/tháng đến 120 đồng/tháng. Nhưng khi không còn sử dụng họ trong biểu diễn, thi đấu được nữa thì họ chỉ còn đồng lương cơ bản mà bị cắt hết phần bồi dưỡng. Có người phẩn uất đã phát điên hoặc tự tử như ca sỹ nổi tiếng Khánh Vân hoặc nghệ sỹ xiếc Hoa (voi).

H Ệ T H Ố N G B Á N H V Ẽ

Nếu nghiên cứu theo kiểu trí thức "tháp ngà" thì chế độ do Hồ chí Minh thiết lập ở Việt Nam, cho đến tận hiện nay, có đủ loại chỉ thị, nghị quyết, pháp lệnh, luật v.v... để bảo vệ quyền lợi của người công nhân. Nhưng thực tế đó là mớ giấy lộn góp vào sản phẩm tuyên truyền, quảng cáo cho chế độ cộng sản; là cái mồi giun ở lưỡi câu để câu những người nhẹ dạ.

- Luật gốc (tức hiến pháp) qui định các quyền tự do bầu cử, ứng cử; quyền ngôn luận; đi lại; lập hội; quyền lợi được lao động (nghĩa là không bị thất nghiệp) v.v... Nhưng, trong thực tế người công nhân chẳng được hưởng một thứ quyền nào. Ngay đến bầu cử và ứng cử trong nội bộ cái gọi là "tổ chức của giai cấp công nhân" (tức công đoàn) cũng do đảng chỉ định. Thư ký công đoàn, dù ở cấp nào, đương nhiên phải có chân trong cấp ủy đảng tương đương và do cấp bộ đảng chỉ định ra giữ cái "ghế thư ký". Thí dụ ở Sài-gòn hiện nay, Thị Khánh là chủ tịch công đoàn thành phố vì có chân trong thành ủy và được phân công chịu trách nhiệm lãnh đạo công tác công đoàn, nên dù không có ai bầu thì Thị Khánh cũng vẫn cứ là chủ tịch công đoàn thành phố. Cũng như vậy, quyền ngôn luận được biểu hiện cụ thể qua tờ báo Công nhân giải phóng hay tờ Lao động, nhưng bộ biên tập của các tờ báo đó đều do chủ tịch tổng công đoàn hoặc công đoàn tỉnh thành chỉ định; ăn lương của cơ quan công đoàn và thường là tổng biên tập cũng chính là một ủy viên ban thư ký công đoàn và có chân trong cấp ủy đảng của cơ quan công đoàn. Cho nên, những tờ báo đó thực chất là tiếng nói của kẻ quản chế giai cấp công nhân, chưa bao giờ là tiếng nói của người công nhân. Vì thế, nó phản ảnh lệch lạc đời sống thực của người công nhân theo kiểu tô hồng hiện thực. Đôi khi trên báo cũng có vài bài "chống đối", nhưng đó chỉ là cái bẫy để những người công nhân nào có tâm huyết, giác ngộ quyền lợi của mình mà gửi bài đến tòa soạn là sẽ được ghi tên vào sổ đen, chuyển qua cơ quan an ninh. Thí dụ, đối với Sài-gòn hiện nay, tờ Công nhân giải phóng còn được công an cài chính cháu ruột của Mai chí Thọ vào cái ghế Phó tổng biên tập, mặc dù y thị văn hóa chưa qua bậc phổ thông và không viết nổi một câu văn cho đàng hoàng !

Còn quyền lợi lao động ư ? Đó là cái quyền rất mập mờ, bởi vì Hồ chí Minh và các đệ tử có đủ 1001 cách ma giáo nhằm đối phó với cái quyền lợi cơ bản đó của người công nhân. Trứơc hết, cần phải nói đến cái điều mà chính quyền cộng sản thường khoe khoang là chế độ chính trị của họ là vì sản xuất và phúc lợi của người dân cho nên không có nạn thất nghiệp trong xã hội xã hội chủ nghĩa. Đó là điều bịa đặt hoàn toàn. Bởi, trong xã hội cộng sản, giới cầm quyền chóp bu thực sự là những chủ nô, còn nhân dân đều là nô lệ. Cho nên xã hội nô lệ nào trong lịch sử cũng vậy, không bao giờ có nạn thất nghiệp. Tùy thời vụ, tùy nhu cầu, nô lệ được chủ nô sử dụng trong lao động, không cần tính đến khả năng ngành nghề mà chỉ dùng đến cơ bắp. Hôm nay nô lệ được dùng xây lăng cho lãnh chúa, nếu cần hôm sau lại có thể chuyển đi khai thác hầm mỏ, và hôm sau nữa mặc áo lính đi đổ xương máu làm nhiệm vụ mở rộng ảnh hưởng kinh tế hay chính trị cho chủ nô. Thân phận người công nhân, nói riêng, và chung cho toàn dân Việt Nam dưới chế độ cộng sản là như vậy. Xã hội Việt Nam từ khi có bàn tay của họ Hồ cho đến hôm nay là một xã hội nô lệ về nội dung, còn hình thức thì có phức tạp và màu mè hơn, vì ảnh hưởng của thời đại. Tính chất nô lệ đó biểu hiện không chỉ ở việc sử dụng lao động tùy tiện theo nhu cầu của tập đoàn lãnh đạo (tức chủ nô), theo ưu ái cá nhân, mà còn ở chỗ thực thi chủ nghĩa bình quân trong hưởng thụ, phân chia làm nhiều nấc thang hưởng thụ trong xã hội từ lúc vừa lọt lòng mẹ cho đến khi chết. Hãy xét một số thí dụ cụ thể : anh công nhân lắp đặt điện thoại Châu văn Huy, thuộc sở bưu điện Hà-nội, chỉ nhờ vào những ngày nằm ở rừng núi khu Năm, lấy gỗ mít trau chuốt thủ công thành một ống nghe điện thoại rồi gửi ra Việt Bắc tặng "chủ tịch Hồ chí Minh" (nay là 1 hiện vật trong bảo tàng cách mạng ở Hà-nội), nhờ đó được phong danh hiệu "anh hùng lao động", được đưa lên chức vụ phó Giám đốc Sở Bưu điện Hà-nội, được đưa vào thành ủy Hà-nội và là đại biểu quốc hội. Trong lúc đó, chiến sĩ thi đua Nguyễn thị Điều, là giao liên tỉnh Hưng yên, người được chính Hồ chí Minh làm thơ tặng về thành tích chống Pháp, đáng ra còn xếp trên anh hùng quân đội Nguyễn thị Chiên (vì ưu tiên cho lực lương vũ trang) thì vẫn cứ là nhân viên lao công quét rác và nhà cầu ở cái sở bưu điện do Châu văn Huy làm phó giám đốc. Thật hệt như trường hợp chàng họa sỹ còn trong ẩn số Diệp minh Châu, nhờ lấy máu vẽ ảnh họ Hồ và gửi ra Việt Bắc mà đặc cách được chỉ định là đại biểu đi dự đại hội cộng đảng lần 2 ở Việt Bắc, được ở bên cạnh họ Hồ cả gần năm trời, được cho qua Ba Lan học nghề nặn tượng để về chuyên nặn tượng... họ Hồ. Năm 1991 vừa xong, họ Diệp còn làm một tượng Hồ đặt ở vườn bông trứơc vũ trường Rex và vũ trường Queen Bee, đường Nguyễn Huệ Sài-gòn!!! Phải chăng nhờ có nhiều năm tháng ở liền bên họ Hồ nên nhà nặn tượng Diệp minh Châu biết tính "Bác Hồ" thích ôm thắm thiết các cháu gái, nên đã chọn đặt đúng chỗ của chị em hành nghề mua vui cho khách quốc tế và Việt kiều "yêu nước" (giải khát như rượu, bia...). Còn hai thí dụ nữa cũng khá điển hình là cô thợ thủ công dệt chiếu cói ở thị xã Thanh hóa, Thị Hằng, được Xuân Thủy bí thư trung ương đảng ưu ái; và cô thợ dệt ở Nam-định, Thị Hậu, được nguyên bộ trưởng công nghiệp nhẹ Đặng vũ Chư quan tâm đến nên được lôi lên như diều, và khóa 7 cộng Đảng vừa xong đều thành ủy viên trung ương chính thúc của đảng (chủ nô) !

Khi kế hoạch sản xuất có trục trặc thì người công nhân bị cho về "hưu non" - một dạng sa thải; bị chuyển ngành nghề như đưa vào quân đội, đi lập nông trường quốc doanh; bị giảm lương, nợ lương vì không đủ việc; bị trả bằng sản phẩm. Đây là một thí dụ về cái nền kinh tế quái thai với danh xưng xã hội chủ nghĩa mà nội dung là chế độ nô lệ. Điều này được phản ảnh sâu sắc trong vở hài kịch dựng thành phim "Ứng cử viên thứ sáu" : vì sản phẩm không bán được nên nhà máy lấy sản phẩm làm lương, công nhân sản xuất nước hoa thì mang xô đến lĩnh nước hoa thay lương; công nhân sản xuất quan tài thì lấy quan tài thay lương v.v...!!!

Còn phải nói đến chế độ lương bỗng và nghỉ hưu. Người công nhân không được trả lương theo thâm niên tay nghề, mà vì phải luôn luôn bị điều động làm các việc khác nhau nên nhiều khi bị xuống lương chứ không phải là lên lương. Nếu ai đó có may mắn được làm chuyên một việc thì lại bị "quỹ lương" khống chế. Nghĩa là không phải có tay nghề mỗi năm mới thành thạo mà được nâng lương. Việc nâng lương do bình bầu đủ mọi loại tiêu chuẩn, mà tiêu chuẩn tay nghề lại là thứ yếu nhất. Tại sao vậy ? Bởi để tiết kiệm chi ra nên quỹ lương bị khống chế, thí dụ trong nhà máy có độ 20 người có tay nghề tiến bộ, xứng đáng phải được nâng lương, nhưng quỹ lương của nhà máy chỉ được phép nâng lương cho hai người. Như vậy 20 người phải bới móc, nói xấu nhau đủ điều làm sao cố cho bản thân được lọt vào chỗ nâng lương. Đây cũng là biện pháp của chính quyền cộng sản Việt Nam nhằm phá hoại sự đoàn kết của công nhân, khai thác được tài liệu về tư tưởng của công nhân để có cách khống chế cụ thể với từng đối tượng. Cho nên, kẻ được nâng lương hầu như không phải nhờ có tay nghề tiến bộ mà nhờ vào sự "gọi dạ bảo vâng" và tích cực tố giác, vu cáo cho đồng nghiệp. Cho nên, người công nhân nào cũng thuộc lòng câu :

"Hay làm thì chết đói

Hay nói thì vào tù

Gật gù thì lên lương !"

- Còn một số luật khác như luật công đoàn, luật lao động, luật bảo hiểm an toàn lao động v.v... cũng chỉ nhằm mục đích tuyên truyền đối ngoại là chính. Còn phần được thi hành chỉ là phần qui định những trói buộc người công nhân sao cho làm thật nhiều và hưởng thật ít. Những phần thuộc về quyền lợi của công nhân chỉ dùng trong mục giải đáp thắc mắc trên báo chí, nhưng không quên thòng một câu :"Còn tùy thuộc sự vận dụng sáng tạo trong hoàn cảnh cụ thể của xí nghiệp". Như thế có nghĩa là thắc mắc "bò trắng răng". Ngay đến quyền khiếu tố cũng thật lạ đời. Thắc mắc cấp nào thì gửi khiếu nại đến cấp đó, lỡ có gửi cho cấp trên thì đơn khiếu nại cũng được ghi chú bên cạnh :"Chuyển cơ sở xét giải quyết thích đáng và báo cáo cấp trên". Thật đúng là bài bản "Con kiến kiện củ khoai".

T Ứ C N Ư Ớ C V Ỡ B Ờ

Tụi cộng sản cầm quyền, trong mọi thời kỳ, đều có một điểm giống nhau là coi thường quần chúng, vừa nghi kỵ và sợ quần chúng nhân dân. Chúng nói láo không ngượng mồm bởi chúng cứ nghĩ nhân dân mù quáng. Chúng sợ nhân dân nổi dậy nên mọi chính sách, mọi tổ chức được nặn ra đều có mục đích ràng buộc người dân trong thân phận nô lệ. Số cán bộ trung gian toàn là nịnh thần, đến nỗi chính Phạm văn Đồng có lúc cao hứng thốt lên :"Cán bộ trung gian phần lớn gian mà không trung".

Thời đại ngày nay đã khác xa thời trung cổ. Cho nên người công nhân Việt Nam mau chóng giác ngộ thân phận nô lệ của mình. Nếu tụi công sản chóp bu cầm quyền đẻ ra 1001 cách để đàn áp và bóc lột tàn khốc người công nhân, thì, giai cấp công nhân cũng có 1001 cách chống trả. Mở đầu là những thơ ca hò vè như :

"Công nhân giai cấp tiên phong

Ăn đói, vác nặng, lưng còng mắt hoa

Một người làm việc bằng ba

Để cho lãnh đạo xây nhà xây lăng

Mọi người thi đua làm hăng

Để cho lãnh đạo ăn nằm thảnh thơi

Công nhân, vợ ốm con côi

Lãnh đạo nhà gác, xe hơi bộn bề

Bao giờ cho hết trò hề ? (!!!)"

Sách, báo và loa phóng thanh của chính quyền cộng sản ở Việt Nam thường lặp lại cái kiểu độc thoại của tập đoàn cầm quyền chóp bu rằng : tính ưu việt của xã hội chủ nghĩa là không có nạn thất nghiệp và nạn đình công của người lao động. Đó là sự tự huyển hoặc, tự lừa phỉnh. Sự thật về cái gọi là không có nạn thất nghiệp đã được chứng minh ở phần trên. Còn nạn đình công thì sao ? Trước khi nói đến những cuộc đình công cụ thể, cần nói đến một điều rất cơ bản đã là nguyên nhân quan trọng làm cho nền kinh tế của cộng sản Việt Nam bị sụp đổ : đó là nạn lãng công ở mọi ngành mọi nơi và nạn lấy của công và lãng phí.

Lãng công nghĩa là làm không đúng với năng xuất thật, không đảm bảo hiệu quả của giờ công, ngày công. Thí dụ cụ thể : cả 4 nhà máy bưu điện - truyền thanh với số lượng công nhân gấp hơn 10 lần xưởng bưu điện thời Pháp, lại làm thi đua thêm ca, thêm giờ ngày nghỉ mà hiệu quả công tác không hơn bao nhiêu, còn chất lượng công tác thua rất xa. Hay như ở nhà máy văn phòng phẩm Hồng Hà (Hà-nội), năng suất của cả tổ ép bút máy Trường sơn gần 20 người mà không bằng hai tư thương sản xuất lậu bút máy Trường sơn (giả). Nhà máy văn phòng phẩm này cũng cũng có công nhân tiện và nguội cao tay nghề nhưng vì chỉ được xếp lương ở bậc 3 nên họ bị coi là không đủ khả năng làm khuôn mẫu. Nhà máy phải chi khá nhiều tiền cho nhà máy cơ khí trung qui mô làm giùm. Trong khi đó, những công nhân tiện và nguội của họ dùng ngay mặt bằng của nhà máy, dụng cụ và giờ công để làm khuôn đúc các loại bút máy của Nhà máy cho tư nhân sản xuất lậu. Sự lãng công không chỉ trong thành phần lao động chân tay mà lan cả sang những lao động trí óc. Thí dụ : ở ủy ban khoa học nhà nước (Hà-nội) - nền tảng của Viện hàn lâm trong tương lai - dưới thời Trường Chinh làm chủ nhiệm, các tiến sỹ và phó tiến sỹ chỉ lè phè đánh cờ tướng hoặc ra cà phê Tuyên (đường Trần Hưng Đạo, Hà Nội) tán dóc ngay trong giờ lao động. Kế hoạch công tác là những nghiên cứu được cóp nhặt từ các công trình nghiên cứu của nước ngoài khi họ du học, mang về hàng va ly, nay cứ nửa năm hoặc một năm thò ra một cái. Làm việc lè phè đến mức tại hội nghị khoa học và triển lãm phát minh, sáng kiến kỹ thuật lần thứ nhất, họ đã giành cả hơn 15 trang báo cáo tổng kết do phó chủ nhiệm Lê Khắc đọc về cái gọi là "phát minh ra máy xẻ rãnh ốc vít" của công nhân lưu dung (thời Pháp để lại) Hồng văn Ốn ở sở bưu điện Hà-nội. Khổ thay, cái máy đó chỉ là sự sao chép nguyên mẫu của tờ tạp chí "Système D"! Kiểu làm việc đó cũng đang lặp lại hiện nay ở cả Hà- nội lẫn Sài-gòn trong các viện nghiên cứu, các cơ quan lớn như Sea Prodex, Immexco v.v... Các giáo sư, tiến sỹ, kỹ sư, bác sỹ... đều đặn có mặt trong giờ lao động ở các hàng quán. Đó là nguyên nhân sự "xuống cấp" của tất cả mọi sinh hoạt, văn hóa, sản xuất hiện nay ở Việt Nam.

Do bị bóc lột thậm tệ và giác nghộ thân phận nô lệ của mình, nên người công nhân nói riêng, người lao động nói chung, ở Việt Nam từ khi có chính quyền cộng sản đến nay còn đối phó bằng cách "lấy của công" và phá hoại công cụ sản xuất. Thí dụ : khi ở tay tư nhân thì những chiếc ô-tô nhãn Renault 4 CV (xuất hiện từ 1949), Peugeot 203 và Citroen 11 hoặc 15 CV, cho đến tận những năm 1992 vẫn còn được sử dụng làm taxi ở Sài-gòn, chạy tuyến Biên hòa - Sài-gòn hoặc Huế - Đà-nẳng. Nhưng ở miền Bắc Việt Nam, những xe đó đã bị làm tan tành từ khoảng 1960 - 1962 - nghĩa là từ 30 năm về trước ! Những phá hoại máy móc, dụng cụ thi công, làm thất thoát hư hại gỗ, sắt thép, xi-măng ở 3 công trình thủy điện : Thác Bà, Hòa Bình và Trị An có thể đủ để làm gần hoàn chỉnh một công trình như thủy điện Thác Bà. Sự phá hoại và lãng phí ở khu Gang thép Thái-nguyên do đích thân tướng Đinh Đức Thiện, em ruột cao thủ Lê đức Thọ trong bộ chính trị cộng đảng và anh ruột của Mai chí Thọ, viên đại tướng công an công sản đầu tiên, người có nhiều bồ trong giới nghệ sỹ cả "kim" cả "cổ" và cũng là cha đỡ đầu của các gian thương người Hoa loại như Triệu bỉnh Thiệt hoặc Tây "mũi tẹt" như Charles Đức (nguyên phó tổng giám đốc Immexco) - khiến bộ chính trị cộng đảng cũng chỉ còn biết giơ tay kêu trời. Còn ở mỏ than Cẩm -phả, một mỏ lộ thiên, thì công nhân phá hoại ngay vào sản phẩm, nghĩa là tỷ lệ than "don" quá lớn đến nỗi khó bán được hàng. Mặc dù nơi đây đã có những bàn tay đầy vuốt ma cà ròng của từ Lê thanh Nghị, Đỗ Mười, Nguyễn đức Tâm và cả Vũ Mão (từng là bí thư đoàn thanh niên của khu mỏ than) cũng chịu thua kiểu phá hoại tự phát và âm ỷ của công nhân. Còn một dạng phá hoại nữa có tính đồng lòng của tập thể trong hầu hết các công trình xây dựng, đó là "hoàn thành kế hoạch ma". Thí dụ : chương trình đặt cáp ngầm qua sông Hồng được giao chỉ tiêu : thời gian :a tháng; quỹ lương : b đồng; lao động : c công và tổng giá trị công trình : d đồng. Các đội thi công đồng tình sử dụng hết quỹ lương, hết khối lượng nhân công trong đúng thời hạn a tháng và hạ hết đường cáp (tức là đạt giá trị công trình) nhưng chưa lấp đất, chưa lắp máy. Tuy nhiên với kiểu làm đó, nghĩa là về danh nghĩa đã hoàn thành kế hoạch, thì công trình không đưa vào sử dụng được nhưng công nhân vẫn được khen là hoàn thành kế hoạch. Họ sẽ lắp đất và lắp máy vào dịp bàn giao nghiệm thu cho bên sử dụng sau và có khi kéo dài cả hai, ba năm trời, lấy cớ bất đồng ý kiến giữa hai bên A và B (nghĩa là bên thi công và bên đặt thi công). Đây cũng chính là cách đối phó của người lao động nô lệ thời trung cổ ! (Một công làm mười công sửa).

N H Ữ N G C U Ộ C Đ Ì N H C Ô N G L Ớ N

Bản chất nền truyền thống của chế độ cộng sản là tô hồng cho chế độ; bôi đen kẻ thù và bóp méo sự việc; thủ tiêu tài liệu; sản xuất tài liệu giả, chỉnh lý, biên soạn các tài liệu cũ sao cho có lợi cho tập đoàn cộng sản. Cho nên khó có thể tìm được một bài báo tường thuật dù rất sơ lược về những vụ đình công lớn, nhỏ trong chế độ cộng sản. Tuy nhiên, nếu biết cách gạn lọc thì cũng có thể qua báo Nhân dân và một vài tập san lý luận để thấy sự lúng túng của tụi cộng sản cầm quyền trước phong trào nổi dậy của người lao động ở khắp nơi, khắp ngành, đặc biệt quan trọng là khu mỏ Hồng-Quảng và cảng Hải-phòng.

Ngay khi vừa cướp được quyền thống trị ở Bắc Việt Nam giữa thập niên 50, thiếu tướng Đỗ Mười được cử làm bí thư thành ủy Hải-phòng - Kiến-an và khu vực Hòn-gai - Cẩm-phả. Đỗ Mười đã có sáng kiến dựng ra vụ án gián điệp Phan Năm ở khu mỏ than để trấn áp tinh thần công nhân mỏ. Nhờ đó, Đỗ Mười đã được Hồ lưu tâm cất nhắc. Rồi khi công nhân mỏ than bất mãn lên cao - lúc ấy Đỗ Mười đã được điều đi giết các nhà công thương - thì kẻ tội phạm trong cải cách ruộng đất, phó cho Hồ viết Thắng, là Nguyễn đức Tâm được đưa ra làm bí thư khu mỏ để tìm cách đối phó. Trong số chân tay thân tín của Nguyễn đức Tâm có Vũ Mão, khi đó là bí thư đoàn thanh niên của khu mỏ. Nhưng vô ích, công nhân toàn khu mỏ Đèo Nai và Mông Dương đã đình công. Đó là năm 1971. Cả Lê Duẩn, cả Phạm văn Đồng, cả Hoàng Quốc Việt chạy long tóc gáy ra khu mỏ nhưng vẫn không thể xoa dịu được sự phẫn nộ của công nhân, mặc dù có bày trò ma giáo cách chức một phó tổng giám đốc của mỏ và một số cán bộ lãnh đạo đảng và công đoàn (kiểu hình nhân thế mạng), rồi lại bỏ tù cả bác sĩ giám đốc bệnh viện khu mỏ cũng không xong. Lại bày trò đưa ông già Tôn đức Thắng, với cương vị người công nhân Ba-son ở Nam bộ, người tù ở Côn-đảo, vị chủ tịch nước để sụt sùi năn nỉ công nhân hãy chấm dứt đình công, đừng làm suy yếu lực lượng "chống Mỹ cứu nước", và mang các loại hàng viện trợ ra bán rẻ cho công nhân mỏ. Nhờ đó cuộc đình công kéo dài hơn hai tháng mới tạm yên. Sau đó, tất nhiên tụi cộng sản cầm quyền đã dùng các thủ đoạn mua chuộc, ly gián, đàn áp công nhân mỏ. Những người bị coi là "ngoan cố" thì bằng nhiều đòn phép đã bị khép đủ loại tội để đi "cải tạo". Số bị tình nghi thì "được vinh dự" gia nhập quân đội đưa vào miền Nam (nhờ Mỹ giết hộ). Một lực lượng công an được mặc áo thợ và gia nhập hàng ngũ thợ mỏ !

Cũng những năm 1971-72, công nhân cảng Hải-phòng đình công. Phạm văn Đồng cũng tất bật đi đi về về như con thoi và cũng bày trò khóc lóc, đau lòng vì thấy "giai cấp lãnh đạo cách mạng" đang phỉ nhổ vào "cách mạng".

Đấy là chưa kể đến các vụ lẻ tẻ, công nhân bắn chết cả lãnh đạo đảng cơ sở như ở nhà máy ô-tô 1-5 (tức AVIA cũ ở Phan chu Trinh, Hà-nội); công nhân đeo biển phản đối đàn áp ở Tổng cục Lâm nghiệp (phố Lò đúc, Hà-nội); ở bộ Nông trường (phố Tăng bạt Hổ Hà-nội) v.v...

H Ồ I K Ý C Ô N G N H Â N

Năm 1967, để xoa dịu sự bất mãn âm ỉ của công nhân, ông Hồ chí Minh đã bày trò cho ra đời Nghị quyết 67, hay còn gọi là nghị quyết trung ương về vai trò của giai cấp công nhân. Đó chỉ là một cái bánh vẽ, nhìn thì đẹp nhưng không... ăn được. Vì, cái nghị quyết ấy ra đời thì đời sống công nhân vẫn thế : đói khổ; nhà ở bình quân chưa được 0 m2 80 đầu người; một năm được cấp 4m phiếu mua vải cho một đầu người; công cụ lao động thô sơ, thiếu bảo hộ, bảo hiểm lao động; không được nâng lương; bị sa thải dưới hình thức cho hưu non; nhiều người làm trên 15 năm liên tục mà vẫn không được nâng lương 1 lần nào; ốm đau thiếu thuốc men; đến tuổi về hưu thì bị cắt mọi khoản phụ cấp nên dù sống một cách kham khổ cũng không đủ sống, đành lại gia nhập các loại làm gia công cho "tư sản đỏ", nghĩa là các mệnh phụ của quan lại đỏ như vợ Nguyễn duy Trinh, vợ Văn tiến Dũng, vợ Lê Nghĩa (phó giám đốc công an Hà-nội), vợ cả của Hoàng minh Giám v.v... Chỉ có tý chút khác, đó là cái ban tuyên huấn trung ương do Tố Hữu cầm cương, cùng cái tổng công đoàn do Hoàng quốc Việt lèo lái có dịp phát huy sáng kiến (tất nhiên là dựa vào tinh thần Nghị quyết 67) cộng tác với nhau cho ra đời một lô sản phẩm "tinh thần" về giai cấp công nhân : nào là ca khúc, kịch, hội họa, truyện ngắn, truyện dài, truyện vừa và đặc biệt nhất là hồi ký của công nhân. Mục đích của hồi ký công nhân là muốn nêu lên tội ác của thực dân Pháp ở Việt Nam, nhằm "giáo dục" cho công nhân thêm hiểu sự ưu việt tuyệt vời của xã hội chủ nghĩa, do đó mà hâm nóng lại lòng biết ơn đối với "Bác" và "đảng" đã có công cho công nhân và lao động được làm chủ nhà máy, công trường, hầm mỏ v.v... Cũng sáng kiến của Tố Hữu và Hoàng quốc Việt - Có sự ủng hộ của Trường Chinh - bắt các công đoàn cơ sở tổ chức học tập hồi ký của Nguyễn đức Thuận (phó chủ tịch Tổng công đoàn) do nhà báo Trần Đĩnh viết hộ có tựa đề là "Bất khuất" và tiểu thuyết "Hòn đất" của nhà văn Anh Đức, để nâng cao lập trường cách mạng. Chẳng biết lập trường có mọc cao thêm được mấy ly, chỉ biết công nhân lại phải khốn khổ mất bao nhiêu thời gian nghỉ riêng để học tập, liên hệ và bới móc, chụp mũ cho nhau. Riêng mục hồi ký công nhân thì đầu voi, đuôi chuột... nhắt. Bởi vì, ngoài mấy cái hồi ký được kẻ chấp bút "hư cấu" tối đa còn hầu hết không "sài" được, bởi nó quá... phản tuyên truyền. Thí dụ : lược qua hai bản thảo hồi ký thì rõ :

+ Bác công nhân già Nguyễn văn Tầm, đội trưởng đội lắp máy của Tổng cục bưu điện truyền thanh, chi ủy viên cộng đảng của đội đã kể đại ý :"17 tuổi bác Tầm rời quê ở huyện Thanh-hà, Hải-dương ra Hải-phòng làm "phu" cuốc đường đặt cáp ở Sở bưu điện Hải-phòng. Mỗi ngày phải đào 2 mét khối với lương công nhật 10 xu/ngày. Sau 6 tháng được tuyển chính thức, mức đào vẫn thế nhưng được tăng 11 xu/ngày. Năm thứ hai của nghề "phu" mức đào vẫn vậy nhưng lương tăng 12 xu/ngày. Gần cuối năm thứ hai mỗi tuần lễ được hai ngày hưởng nguyên lương để học nghề hàn cáp. Năm thứ ba được làm nghề hàn cáp với lương 16 xu/ngày. Và, năm sau được tăng 18 xu/ngày, được cấp một xe đạp, được cho một căn nhà hai phòng để ở, vợ và con mỗi người được trợ cấp 6 đồng/tháng. Bác Tầm nhận xét : một mình bác đi làm nuôi được vợ và 3 con với cuộc sống khiêm tốn nhưng no đủ. Về nâng luơng, cứ trong năm làm việc không bị nhận xét xấu nghiêm trọng 3 lần, thì tự động năm sau được tăng lương, không phải bình bầu, khai báo gì cả. Sở dĩ khi đào đất, mức đào vẫn vậy nhưng năm sau lương cao hơn vì "chủ Tây" nói là mức như vậy nhưng kỹ thuật khá hơn, và càng thâm niên thì sức khoẻ càng kém đi nên được tăng lương để bù đắp thêm cho sức khỏe và các nhu cầu mới như lấy vợ, có con v.v... Còn bây giờ, tuy là đội trưởng nhưng lương của bác chỉ đủ nuôi hai vợ chồng già theo chế độ tem phiếu của Nhà nước. Nếu phải về hưu, tiêu chuẩn tem phiếu bị giảm, các phụ cấp bị cắt, chỉ còn 90% lương chính thì không đủ sống, chắc "bà già" phải bán thêm quán nước và bác sẽ làm thêm bơm và sửa chữa xe đạp vậy thôi !"

+ Bác Trần đức Xương, quê ở Ninh Bình, năm 1946 là công nhân ở xưởng Caron, Hải-phòng, được bầu là thư ký công đoàn cơ khí của Hải-phòng. Sau đó được rút về làm giao liên đặc biệt cho Lê thanh Nghị, khi đó là bí thư Khu Đông Bắc. Bác kể đại ý :"19 tuổi bác phải bỏ quê ra Hải-phòng làm việc do một người cùng làng đưa đi. Lý do vì cha bác đánh bạc thua hết nhà và ruộng. Nhờ có được học, biết đọc và viết chữ quốc ngữ cũng như "đánh vần" được tiếng Pháp nên bác vào làm ở hãng Caron sau ba tháng "cu li" quét dọn thì được "chủ tây" cho học nghề. Một năm sau bác được ăn lương thợ phụ 18 đồng/tháng (giá gạo lúc đó là 1 đồng một tạ gạo; 1 xu một bát phở bò tái và có 1 hào là đi ăn tiệm được rồi). Hai năm sau, bác được lên thợ chính với lương 30 đồng/tháng. Bác đã gửi tiền về quê cho mẹ bác chuộc lại được ruộng, mua được trâu và làm được nhà mới (đến chiến tranh chống Pháp phải đốt đi theo khẩu hiệu "tiêu thổ kháng chiến"). Nay bác đang là bí thư đảng ủy kiêm phó giám đốc Công ty Công trình Bưu điện, đến tuổi về hưu. Bác sẽ được nguyên lương, nhưng sẽ bị cắt hết mọi trợ cấp. Bác lo vì nhà ở quê hiện là túp lều tạm bợ, làm sao đủ tiền làm nhà mới. Đồng lương hưu chỉ đủ cho hai vợ chồng bác sống tằn tiện mà thôi. Thời Tây thì bác có thể làm được nhà ngói 5 gian và có thể mua được ruộng cho cấy rẻ !!!"

Hồi ký công nhân mà như trên thì làm sao Tố Hữu và Hoàng quốc Việt dám cho in ! Cho nên nó được Nhà xuất bản lao động dùng dần vào việc đun nước pha trà cho ban biên tập tán chuyện tào lao. Trong số ủy viên biên tập của Nhà xuất bản, nay cũng có người lên thang quan lại văn nghệ đỏ : đó là nhà văn Trần thanh Giao, đương kim phó chủ tịch hội văn nghệ của Sài-gòn, người đã từng đốt biết bao loại hồi ký công nhân như vừa tóm tắt ở trên.

K Ế T L U Ậ N

Dù cho từ Hồ chí Minh cho đến bây giờ là các Đỗ Mười, Lê đức Anh, Võ văn Kiệt có ca tới 60 câu vọng cổ mùi mẫn thì công nhân nói riêng, giới lao động Việt Nam nói chung cũng vẫn giành cho mình quyền lãng công, quyền lấy "của công làm của riêng". Những đòn hiểm đó là sức mạnh rất quan trọng thúc đẩy tập đoàn cầm quyền tách dần quỹ đạo kinh tế xã hội chủ nghĩa một cách bị động. Tư tưởng (nếu có) Hồ chí Minh và thế giới quan cộng sản chủ nghĩa chỉ còn trên giấy. Chẳng ai còn tin vào nó - kể cả tụi cầm quyền và lũ văn nô. Có điều bọn họ còn chưa đủ can đảm và sáng suốt nhìn vào sự thật. Vi-ruýt HIV cộng sản dương tính trong đầu óc họ làm họ tê liệt tư duy lý trí.

Còn người công nhân và lao động Việt Nam đã và đang ngày càng giác ngộ thân phận và quyền lợi chính đáng của mình, đã từng nhủ nhau rằng :

"Ăn đại táo (cơm tập thể)
Ở đại gia (nhà tập thể)
Đi đại xa (xe bus hoặc xe tải)
Làm đại khái" (nghĩa là lãng công)

Cũng như :

"Chủ tịch nằm ngủ trong lăng
Trung ương nghỉ mát lăng xăng nước ngoài
Phu nhân buôn lậu dài dài
Cô chiêu, cậu ấm nước ngoài yên thân
Chung qui chỉ chết thằng dân !"

1992





No comments:

Post a Comment