Nhà Báo Việt Thường

Nhà Báo Việt Thường

Tìm kiếm bài Blog than huu cua Nha Bao Việt Thường xin gõ chữ vào đây

Friday, October 23, 2009

Phạm Bá Hoa-Vài mẫu chuyện trong tù 1-2

Ghi Chú: bài viết của Pham Bá Hoa cho thấy Phạm Bá Hoa được ưu đải, được hưởng nhiều đặc ân hơn số đông hàng triệu các nạn nhân bị tù Cộng Sản. Tại sao ông Phạm Bá Hoa được ưu đãi hơn những người khác? Pham Bá Hoa phải làm gì ở hải ngoại để trả ơn cho việt gian Cộng Sản? Được biết nhiều website không đăng bài của Phạm Bá Hoa vì lý do trên. Chúng tôi cũng đồng quan điểm không tiếp tục post thêm những bài viết cho đến khi ông Phạm Bá Hoa giải thích những thắc mắc của mọi người.

Vài mẫu chuyện trong tù


Phạm Bá Hoa

Ngày 30/4/1975, cộng sản Việt Nam (CSVN) đánh chiếm Việt Nam Cộng Hòa. Ngày 16/06/1975, tôi cùng các bạn cấp Đại Tá bị đưa đến trại tập trung Long Giao tỉnh Long Khánh do Đoàn 263 giam giữ. Ngày 23/10/1975, cộng sản chuyển chúng tôi đến trại tập trung Tam Hiệp tỉnh Biên Hòa do Đoàn 775 giam giữ. Ngày 16/06/1976, hầu hết chúng tôi bị chuyển ra Yên Bái do Đoàn 776 giam giữ. Cả ba Đoàn này thuộc Bộ Quốc Phòng cộng sản Việt Nam (CSVN).

Sự kiện kể lại trong bài này lúc tôi bị giam tại Trại Cốc (Hoàng Liên Sơn) và trại Nam Hà A (Hà Nam Ninh.

Đoàn xe từ phi trường dường như là Bái Thượng dừng lại bến phà Ô Lâu, bờ bắc Sông Hồng. Chúng tôi từng hai người một xuống xe. Bên tay phải là thị xã Yên Bái nhưng phút chốc bị che khuất bởi đám phụ nữ và đám “oắt tì” (con nít) kéo đến với thái độ sừng sỏ. Miệng hét tay xỉa xói vào nhóm chúng tôi đang chầm chậm xuống bờ sông để lên phà. Họ đứng cách chúng tôi khoảng vài chục thước, cùng lúc đến mấy chục cái miệng oan oác:
- “Đồ bán nước, giết hết chúng nó đi. Đồ ăn thịt con nít, đem bắn hết đi. Bọn giặc lái giết người, cho nó rục xương trong rừng đi.”
Đám lính cộng sản áp tải chúng tôi có vẻ hài lòng với nụ cười của tụi nó khi thấy đám phụ nữ và trẻ con sỉ vả chúng tôi. Chúng tôi im lặng. Lên phà. Cho dẫu mỗi chúng tôi có suy nghĩ gì đi nữa, tôi nghĩ, cũng đều ngỡ ngàng qua “cú sốc” đầu tiên kể từ ngày thua trận! Nhưng ngay bước đầu trên đất xã hội chủ nghĩa 20 năm, sự kiện vừa qua chứng tỏ cộng sản đã nhồi nhét trong đầu người dân từ bé đến lớn một lòng căm thù chúng tôi không thể nào tưởng tượng đến như vậy. Rõ ràng là từ trong quân ra đến dân và từ già đến trẻ trên cái đất xã hội chủ nghĩa này, chỉ có một cách hiểu một cách nói!
Phà Ô Lâu chỉ là chiếc xà-lan có chiếc tàu kéo cặp bên hông đẩy đi. Nó không giống bất cứ chiếc phà nào ở Mỹ Thuận hay Cần Thơ cả. Cũ kỹ, già nua, lỗi thời. Sông Hồng Hà mà tôi học trong sách “Quốc Văn Giáo Khoa Thư” từ cuối những năm 30, bây giờ mới trông thấy, nhưng là trông thấy trong một tình cảnh hoàn toàn ngoài ý muốn. Phà cặp vào bãi cát chớ không có cầu, anh Vũ Tiến Phúc (cựu Đại Tá Pháo Binh) xin đi cầu vì đau bụng chịu không nỗi. Tụi nó không cho, mãi đến khi thấy anh Phúc nắm cái quần đi tới đi lui với dáng vẻ quýnh quáng vì phân bón xã hội chủ nghĩa ưu việt sắp … ra quần, chúng nó mới cho anh chui vô rừng giải quyết.
Sang bờ nam Sông Hồng, đoàn xe lại lăn bánh trên đường liên tỉnh 37. Lại có một đám phụ nữ với con nít “dàn chào” nữa. Họ đứng một bên đường, ném đá vào xe chúng tôi nhưng chỉ trúng tấm bạt phũ kín nghe lịch bịch. Khi xe qua khỏi, tôi thấy mấy cái miệng nhóp nhép lia lịa. Họ chửi họ nghe luôn chớ chúng tôi có nghe gì đâu. Nghĩ đến con người trong cái xã hội chủ nghĩa này mà tức cười vì họ chẳng khác những cái máy cát-xét, thu thế nào phát ra thế ấy!
Họ đưa chúng tôi vào giam giữ giữa khu rừng già thuộc xã Việt Cường, quận Trấn Yên, tỉnh Hoàng Liên Sơn. Dù rất chật nhưng cũng không còn một chỗ trống, cho nên tôi trong số 20 anh em phải nằm trên đám cỏ giữa trời. Tuy không bị mưa nhưng sương đêm ướt đẫm áo quần mền chiếu. Ngay ngày hôm sau, chúng tôi phải lên núi đốn cây đốn chổm (giống như cây nứa trong Nam) cất những dãy nhà giam để giam mình giam bạn! Do thường xuyên vào rừng lên núi, chúng tôi có dịp gần gủi với người dân trong vùng, dần dần giúp chúng tôi nhìn ra bản chất của CSVN qua một số sự kiện sau đây:

1. Một buổi chiều khi vác bó củi xuống núi trên đường về ngang dòng suối cạn còn cách trại hơn cây số, anh em chúng tôi dừng lại giữa suối rửa tay chân mặt mũi. Cùng đứng giữa dòng suối với chúng tôi là hai ông già rửa xe đạp, trong khi tiếng loa phóng thanh từ khu cư xá Lâm Trường trên sườn đồi, vang vang tiếng người xướng ngôn loan tin về vụ mùa thắng lợi” ở Hà Nam Ninh. Một trong hai ông già, vừa rửa xe vừa chửi đổng:
- “Bố tiên sư nó, vụ nào cũng thắng lợi mà năm nào dân cũng đói. Nói khoét mãi mà không ngượng!”
Tôi ngẫng lên nhìn ông ta để đánh giá câu chửi của ông có phải là thật không. Ông ta cũng nhìn tôi kèm theo nụ cười héo hắt. Thấy thế tôi hỏi ông:
- “Có thật vậy không ông?”
Ông ta đáp ngay:
- “Các anh sống trong Nam, các anh chưa hiểu được họ đâu. Tôi khuyên các anh hãy hiểu ngược lại tất cả những gì họ nói thì đúng sự thật.” Rồi cả hai ông đẩy xe đạp lên bờ, đạp tiếp. Tôi khều anh Trần Ngọc Thống (cựu Đại Tá, Bộ Tổng Tham Mưu):
- “Anh có đồng ý với tôi rằng hai ông già này là người dân dưới chế độ cộng sản nhưng không phải cộng sản hông?”
- “Đúng. Tôi tin chắc là trong dân chúng cũng nhiều người như vậy chứ không ít đâu.”
- “Tôi nghe nói vùng này là vùng họ chỉ định cư trú số anh em quân nhân viên chức bị kẹt lại hồi năm 1954, có thể do vậy mà họ có cảm tình với mình, nên mình chưa thể đánh giá người dân ở vùng khác cũng như người dân vùng này đâu anh.”

2. Tháng 09 cùng năm (1976), tất cả tù chính trị cấp Đại Tá được lệnh chuyển từ trại này mang vác đi bộ đến “Trại Cốc” nằm sâu trong một thung lũng, cách nhau khoảng 4 cây số.
Một hôm chúng nó dẫn chúng tôi đào lỗ trồng cột bằng cây rừng để kéo dây điện thoại dọc theo đường đá lởm chởm, từ bộ chỉ huy Liên Trại 1 đến Trại Cốc chúng tôi. Ngoài tên bộ đội cầm súng canh giữ, còn có tên quản giáo hướng dẫn công việc. Hắn khoảng 25 tuổi, ăn nói tương đối dễ chịu chớ không quát tháo mắng chửi như cái đám gặp ngày đầu tiên. Những vị trí hắn chỉ chúng tôi đào lỗ hầu như toàn đá nên khá vất vả. Mọi người mồ hôi nhỏ giọt từ hai bên má. Hắn đến cạnh nhóm chúng tôi nói nhỏ:
- “Các anh chưa quen lao động dưới cái nắng oi bức của mùa hè miền Bắc nên mau mệt.” Nói xong, anh ta hướng sang tên cầm súng và nói lớn:
- “Các anh nghĩ giải lao 10 phút.”
Khi chúng tôi dừng tay, đến cạnh bếp đang nấu chảo nước sôi với lá bàng. Lá bàng là loại lá lớn bằng bàn tay xòe, mùa này nó rụng quanh gốc cây. Khi nấu nước, tên cầm súng bảo chúng tôi:
- “Các anh lượm những lá bàng chuyển màu nâu (sắp khô) bỏ vào chảo mà uống như uống chè (trà) cho đỡ khát”. Nói xong, tên này mang súng đến gốc cây bàng xa xa đằng kia ngồi canh giữ chúng tôi, tên quản giáo từng bước đến cạnh tôi với anh Thống, hắn nói thật nhỏ vì sợ tên cầm súng nghe:
- “Các anh có thiên đường mà các anh không biết giữ.”
Tôi nhìn anh Thống, anh Thống nhìn tôi. Tuy không nói ra, nhưng chúng tôi ngầm hiểu với nhau “không rõ tên này muốn bẫy mình hay sao đây”, nên hai đứa làm thinh. Chừng như hắn nhận ra điều đó, hắn nói tiếp:
- “Tôi đã vào Sài Gòn và tôi đã hiểu các anh.” Nói xong là anh ta bước đi ngay.
Qua thái độ của anh chàng gọi là cán bộ thông tin hay quản giáo vừa rồi, cho thấy giữa những người cộng sản với nhau, họ cũng canh chừng nhau nữa, huống gì là chúng tôi. Chúng tôi đến ngồi quây quần với các bạn cạnh chảo nước lá bàng như là cùng nhau giải khát, rồi thuật lại hai câu nói của anh ta cho các bạn nghe. Anh Thống nói:
- “Tôi thấy thằng này tuy trẻ nhưng câu nói của nó đáng cho mình để ý lắm.”
Tôi góp thêm:
- “Hoặc nó nói thật, hoặc nó xỏ mình. Nhưng quan sát thái độ của nó nhìn trước nhìn sau, khi nói xong là vội vàng đi ngay, tôi nghĩ là hắn nói thật. Vì hắn nói hắn đã vào Sài Gòn, được hiểu là hắn đã nghe tại chỗ về mình, được thấy tận mắt về cuộc sống của người miền Nam mình rồi.”
Anh Lê Minh Luân (cựu Đại Tá Không Quân) chen vào:
- “Liệu trên đất Bắc xã hội chủ nghĩa 20 năm này có một thằng bộ đội trẻ dám nhận xét ngược với đảng của nó không?”
Tôi đáp:
- “Chính tôi cũng tự hỏi như anh.”
Anh Thống:
- “Tôi vẫn tin không phải mọi người trên đất Bắc này đều là cộng sản. Riêng trường hợp thằng bộ đội này, tôi tin là hắn nói thật.”
Tôi tiếp lời:
- “Từ nay, anh em mình nên lắng nghe những mẫu chuyện của người dân quanh vùng mà mình gặp, tôi chắc là mình có thể tìm hiểu được ý thức chính trị của người dân đất Bắc xã hội chủ nghĩa này ra sao. Biết đâu mình sẽ ghi nhận được nhiều điều mà mình không ngờ như trường hợp thằng nhóc này cũng như với hai ông già rửa xe đạp hôm trước cũng nên.”

3. Vì trại chưa có rau ăn nên họ chỉ định 6 người đi mua rau ở chợ Yên Bái. Trong số này có tôi, anh Nguyễn Phán (cựu Đại Tá Quân Đoàn 2), và anh Dương Hiếu Nghĩa (cựu Đại Tá Thiết Giáp). Một tên cầm súng dẫn đi. Hắn đưa chúng tôi 3 cái đòn khiêng và 3 cái bao bố (loại đựng 100 kí lô), nghĩa là hai người một khiêng. Trên quảng đường đá lổm chổm chừng 6 cây số. Đến bờ nam sông Hồng, hắn không đưa toán chúng tôi sang phà Ô Lâu qua chợ Yên Bái mà ghé vào khu nhà bên nay Sông Hồng mua khoảng 150 kí lô chuối xanh còn trên cây để làm thức ăn mặn. Trông thấy cây ớt hiểm chín đỏ mà phát thèm, thèm chất cay của ớt để kích thích khẩu vị. Tôi mon men đến ông cụ đang ngồi hút thuốc lào ở thềm nhà:
- “Chào cụ. Cụ có thể cho tôi một trái ớt được không?”
Với giọng thiện cảm, ông hỏi tôi:
- “Ông ăn cay được không? Ớt này cay lắm đấy.”
- “Dạ được.” Nói xong, tôi bước đến cây ớt cạnh thềm nhà.
Ông cụ cười cười:
- “Ông ngồi đây xơi nước. Tôi bảo con gái tôi nó hái cho ông.”
Vừa nói ông ta vừa kéo cái ghế nhỏ cho tôi ngồi, rồi rót chun trà:
- “Hồng à! Con vặt (hái) cho ông này nắm ớt rồi gói lại đàng hoàng nghe con”.
- “Cám ơn cụ.”
- “Chè xanh đó. Xơi vào ông thấy thấm giọng và chống được cơn khát. Mùa hè của chúng tôi oi bức hơn trong Nam nhiều. Các ông chưa quen nên mau mệt lắm.”
Cô con gái đưa ông cụ một gói ớt lớn bằng cái chén ăn cơm. Ông cụ cho tôi hết gói đó. Tôi nói:
- “Cụ làm ơn nói với bộ đội võ trang giùm, nếu không thì tôi không dám nhận.”
Ông xoay qua hướng tên cầm súng:
- “Này anh bộ đội. Tôi cho ông này gói ớt đấy nhé!” Ông chỉ nói thế chớ không xin phép tắc gì cả, chứng tỏ ông cụ xem thường hắn. Chừng như hắn cũng nễ ông cụ, không biết có phải do hắn “tán” con gái ông cụ mà hắn nễ không?
Sau lời cám ơn rối rít, tôi chạy lại các bạn đang may mấy bao chuối. Tôi với anh Nghĩa một khiêng. Anh Nghĩa nghiêm giọng:
- “Ông cụ này có thiện cảm với anh em mình đó.”
- “Đúng anh. Ông ta gọi chúng mình là “các ông” với ý kính trọng, chớ không như cái đám phụ nữ với con nít trong ngày đầu tiên trên đất Bắc mà mình gặp ở gần phà Ô Lâu. Tôi nghĩ là rồi đây người dân vùng này sẽ nhìn mình tốt hơn, và cư xử với mình tốt hơn. Rõ ràng là mình có cơ hội tiếp xúc với người dân, mình với họ sẽ hiểu nhau hơn. Nghĩ cho cùng, đây cũng là một hình thức chiến tranh chính trị mà.”
Số chuối xanh mua về, họ bảo các anh nhà bếp xắc từng khoanh rồi chẻ làm hai cho vào chảo, cho thêm muối và bột ngọt vào, quậy những thứ ấy vào nhau gọi là “món ăn mặn” nhiều ngày của chúng tôi.

4. Lần đi chợ kế tiếp, chúng tôi vẫn 6 người do tên cầm súng hướng dẫn. Hắn ra lệnh:
- “Các anh lấy 2 xe cải tiến đi mua cải bắp.”
Tôi nhìn qua nhìn lại có ý tìm chiếc xe, hắn thấy tôi cứ nhìn qua nhìn lại, hắn quát:
- “Không đi lấy xe mà nhìn gì thế kia?”
- “Tôi không thấy xe ở đâu làm sao lấy.”
- “Thế cái gì kia?” Vừa gắt gỏng hắn vừa chỉ chiếc xe cút-kít bên kia dòng suối nhỏ.
- “Cái đó là xe cải tiến hả bộ đội?”
Hắn trừng mắt nhìn tôi:
- “Anh đùa à. Xe để đấy mà còn hỏi”.
- “Không. Tôi không biết đó là xe cải tiến mà cán bộ”.
- “Cái anh này buồn cười chưa. Thế các anh gọi nó là cái gì?”
- ‘Trong Nam chúng tôi gọi nó là “xe cút kít”.
- “Ra lấy đi, đừng có đứng đó mà lý sự”.

Chúng tôi qua chiếc cầu nhỏ, lôi hai chiếc cút-kít từ trong bờ rào ra. Chưa biết phải làm gì tiếp, hắn lại quát: - “Vào kho mượn giây để kéo. Đứng đó làm gì?”
Mỗi chiếc xe “cút kít” mà họ gọi là xe cải tiến do hai người kéo và một người đẩy. Đến đám bắp cải của hợp tác xã nào đó sát bờ nam Sông Hồng, nhìn thấy một cô gái mặc quần tây áo sơ-mi, mang giày ống, cổ quấn khăn quàng ấm vì là đầu mùa đông, tóc uốn dợn phần đuôi. Nhìn chung, đây là cô gái sáng sủa so với hai cô gái đang trong rẫy bắp cải. Cô ta giao việc cho hai cô kia đang quần quật chặt gốc bắp cải. Tên cầm súng bảo chúng tôi đứng chờ, hắn đến nói chuyện với cô gái mang giày ống chắc là về chuyện mua bán. Hắn trở lại anh em chúng tôi:
- “Đấy là con gái của nữ đồng chí lãnh đạo Công An Huyện (Trấn Yên). Người ta đưa bao nhiêu thì nhận bấy nhiêu, cho lên xe cột lại. Các anh cẩn thận, không được nói linh tinh nghe chưa?”
Nói xong, hắn đi về phía ngôi nhà gần bờ sông. Nghe hắn nói cô ta là con bà Trưởng Công An cũng hơi ớn, vì hai chữ Công An nghe lạnh lùng rồi, huống chi là con gái của Trưởng Công An quận. Một cô lo cân. Cân xong, cô kia chất sang một bên, lúc ấy có tiếng của cô mang giày ống:
- “Yến. Em gở hết những lá xanh bên ngoài rồi cân lại cho mấy anh đó.”
Thế là hai cô gái phụ việc làm lại từ đầu mà chẳng nghe càu nhàu gì cả, trong khi cô gái mang giày ống gọi chúng tôi đến nhận bắp cải. Đang chất bắp cải lên xe, cô ta đứng cạnh tôi:
- “Anh biết dùng lá cải bắp làm dưa ăn không?”
Tôi dùng chữ bắp cải còn cô ta dùng chữ cải bắp. Thấy cô ta nói chuyện có vẻ nhẹ nhàng và tự nhiên, tôi đáp:
- “Có. Tôi biết cách làm và cũng biết ăn nữa cô.”
- “Tôi cho các anh những lá này, đem về cắt ra phơi một nắng, nấu nước muối đổ vào. Vài hôm là ăn được.”
- “Không được đâu cô.”
- “Anh vừa nói anh ăn được mà?.”
- “Cô phải nói với anh bộ đội võ trang mới được. Nếu cô không nói thì anh bộ đội võ trang cho là tôi ăn cắp, tôi sẽ bị phạt giam khi về trại.”
- “Được. Tôi sẽ nói cho anh.”
Trong khi chờ tên võ trang trở lại, cô ta hỏi:
- “Quê anh ở đâu?”
- “Tôi ở vùng đồng bằng sông Cửu Long mà trong Nam chúng tôi thường gọi là Miền Tây, nhưng tôi sống ở Sài Gòn lâu rồi cô.”
- “Anh có thường được thư gia đình không?”
Tôi khựng lại, vì không hiểu cô ta hỏi thật hay dò xét. Con của Trưởng Công An quận mà. Thấy tôi ngập ngừng, cô ta nói:
- “Tôi hỏi thật, anh đừng sợ. Tôi có vào Nam rồi. Tôi thấy người miền Nam thành thật mà dễ mến nữa. Tôi nói thật đấy.”
Tôi có phần vững dạ:
- “Vâng. Thỉnh thoảng thôi, vì người ta ấn định thời gian chớ không phải lúc nào cũng được gởi đâu cô.”
- “Lần sau các anh có ra đây, mang theo thư đưa tôi gởi cho. Các anh đừng sợ. Tôi hỏi thêm, các anh có bị người ta đánh không?”
Tôi nhìn thẳng cô ta và chậm rãi trả lời để dò xem cô ta hỏi thật hay giăng bẫy:
- “Cám ơn cô. Chúng tôi không mang thư theo được đâu vì bộ đội võ trang xét kỹ lắm. Về đánh đập thì tôi và các bạn cùng Tổ với tôi chưa bị, nhưng chửi rủa nhục mạ thì thường lắm, thường đến mức mỗi khi người ta bắt đầu thì chúng tôi thuộc luôn mấy câu sau rồi. Đối với chúng tôi, điều đó còn đau hơn đánh đập vì trình độ của chúng tôi ít nhất cũng phải tốt nghiệp trung học rồi cô.”

Cô ta đứng yên một lúc, chừng như có chút xúc động:
- “Họ có cho các anh ăn no không?”
- “Nếu tôi nói với cô là chốc nữa đây tôi sẽ ăn hai củ khoai mì mà cô gọi là sắn, để chiều về tôi ăn một lúc hai phần, cô có tin tôi không? Hai phần gộp lại là hai chén cơm độn bắp, đó là hạnh phúc của chúng tôi!”
Cô ta xoay mặt ra bờ sông. Yên lặng.
Tôi tiếp:
- “Cô hỏi tôi những câu ẩn chứa tình người làm tôi cảm thấy ngại ngùng. Ngại ngùng vì vị trí giữa cô với anh em chúng tôi là một khoảng cách chính trị, mà chúng tôi là những người bị tù đày sau khi chúng tôi thua trận!”
Giọng cô ta trầm xuống:
- “Vào Nam, tôi mới hiểu người miền Nam các anh. Trong ấy có người thân của gia đình tôi vào đó từ năm 1954, cũng ở trong quân đội như mấy anh. Tôi muốn giúp các anh điều gì chớ không có ý dò xét anh đâu, anh đừng ngại. Bây giờ tôi lo công việc.”

Nói xong cô ta trở lại nhà lều ở đầu đám rẫy. Có lẽ cô ta thấy tên cầm súng đang đến nên cô ta không nói nữa thì phải? Tôi nói vói theo:
- “Cám ơn cô.”
Tên cầm súng đến bảo chúng tôi ăn trưa rồi chuẩn bị về trại. Nói xong, hắn quay lại nhà lúc nảy. Sáu anh em chúng tôi đang ngồi ăn khoai mì, cô gái mang giày ống đi ngang, đứng nhìn:
- “Các anh ăn thế làm sao no?”
- “Tôi nói với cô rồi. Chúng tôi đâu có cách nào khác. Hai củ khoai này là phần ăn của mỗi anh em chúng tôi đây!”
- “Các anh ráng giữ sức khỏe để về với gia đình. Chào các anh. Tôi về ăn trưa.”
- “Chào cô.”

Phải nói rằng, sau cái lần nghe ông cụ già rửa xe đạp vạch trần sự tuyên truyền dối trá trên làn sóng phát thanh, đến tên quản giáo nói như trách chúng tôi có thiên đường mà không biết giữ, đến lần mua chuối xanh nhìn thấy thái độ của ông cụ đối xử với chúng tôi rất tình người, hôm nay đến cô gái con bà Trưởng Công An quận mà họ gọi là huyện Trấn Yên này nói chuyện với chúng tôi ẩn chứa sự thông cảm với chúng tôi, cho phép tôi nhận ra rằng: “Không phải mọi người dân 20 năm xã hội chủ nghĩa trên đất Bắc đều là cộng sản dù họ sinh ra và lớn lên trong chính sách giáo dục của cộng sản, ngay cả cô con gái của Trưởng Công An quận Trấn Yên này cũng vậy. Tôi nghĩ, chúng ta thua trận gần hai năm rồi, nhưng có vẻ như chúng ta thắng cộng sản về chính nghĩa thì phải. Bởi vì qua nét nhìn, người dân xã hội chủ nghĩa vùng rừng núi nơi đây dù chưa thể xem là tiêu biểu cho cả miền Bắc, nhưng rõ ràng họ cư xử với chúng tôi có đạo nghĩa. Tôi nghĩ, điều đó không mang ý nghĩa của lòng thương hại, mà là ý nghĩa của sự đồng cảm ý thức chính trị. Phải chăng, sự thua trận của chúng ta lại giúp cho người dân có cơ hội cũng như hoàn cảnh nhận định được chế độ nào là chính nghĩa? Trong cái rủi (ro) có cái may (mắn), trong cái nguy (hiểm) có cái cơ (hội) là thế. Chúng tôi vẫn tiếp tục quan sát để có được nhận định vững vàng hơn”.

5. Tổ chúng tôi là Tổ cơ động nên hết việc này họ bảo làm việc kia mà hầu hết là leo núi đốn cây. Đầu tiên là đốn cây cung cấp cho mấy Tổ kia cất thêm căn trại. Cứ sáng sớm, mỗi người lãnh vài củ khoai mì cho vào túi áo treillis, lon guigoze nước chín xách tay, đến nhà kho gặp anh Tạ Văn Kiệt (năm 1955 là Quận Trưởng Quận Trà Ôn, Vĩnh Long) mượn dao. Tên cầm súng dắt đến chân núi, hắn chờ ở đó và chúng tôi cùng leo núi.
Một hôm, khi vác cây trên đường đỉnh để xuống núi, trông thấy một ông có lẽ cũng khoảng 50-60 gì đó đang ngồi ôm đứa con trai trong lòng, chúng tôi dừng lại nhưng cũng ngài ngại vì không biết thái độ ông ta đối với chúng tôi ra sao. Thấy ông không có vẻ gì phản đối, tôi hỏi:
- “Cháu làm sao mà ông ôm cháu vậy?”
Nhìn chúng tôi một lúc, ông đáp:
- “Cháu nhà tôi bị sốt rét ông à! Ở đây người ta chỉ phát cho mỗi thứ thuốc xuyên tâm liên không trị được gì hết.”
- “Nếu ngày mai ông với cháu có đến đây, tôi sẽ tặng cháu vài viên thuốc uống chống sốt rét. Ông cho cháu uống thử xem sao”.
- “Cám ơn ông. Mai tôi chờ ở đây. Ông coi chừng mấy đứa bộ đội bắt gặp là nó phạt ông đó.”

Ngày hôm sau là ngày chót chúng tôi đốn cây trên núi này. Tôi gặp ông già và đứa bé áng chừng 10 tuổi, hỏi ra mới biết cháu 16 tuổi. Tôi đưa ông già 10 viên Chloroquine và dặn mỗi ngày uống một viên. Tôi quá đổi ngạc nhiên về sự vui mừng của ông già:
- “Ông cho cháu uống thử chớ tôi không dám chắc là cháu hết bệnh ngay đâu, vì tôi không phải là thầy thuốc.”
- “Tôi mừng vì ở miền Bắc này có bao giờ tôi trông thấy thuốc ngoại đâu, tôi tin là cháu sẽ hết bệnh.”

Từ hôm sau tôi không có dịp gặp ông cho đến một hôm. Hôm ấy chúng tôi sang dãy núi khác để đốn cây chổm lợp nhà, làm vách nhà, và làm vạt giường nằm, xa hơn khu vực đốn cây làm cột nhà. Khi vừa leo đến đỉnh núi, tôi trông thấy ông với đứa bé mạnh khỏe. Ông nhìn qua nhìn lại, tôi đoán là ông sợ có thằng cầm súng đi theo, tôi nói ngay:
- “Bộ đội cầm súng ở dưới đường chớ không theo chúng tôi”. Ông đừng sợ”.
Hai bàn tay ông già nắm lấy tay tôi thật chặt, miệng ríu rít:
- “Cả gia đình tôi cám ơn ông. Cháu chỉ uống viên đầu tiên là hết sốt rét, tôi cho cháu uống thêm 2 viên nữa, mấy viên còn lại gia đình tôi chia cho hai đứa cháu cũng bị sốt rét. Tất cả chúng nó khỏe hết rồi. Thuốc ngoại hay lắm ông ơi!”
- “Sao ông biết tôi ở đây mà chờ?”
- “Mấy hôm tôi đến chỗ cũ không gặp ông, tôi phải tìm hỏi mãi mới biết là Tổ đốn cây đã chuyển sang đốn chổm. Tôi đoán mấy ông đốn ở núi này nên tôi chờ. May quá, được gặp ông.”
Rồi ông xuống giọng như tâm tình:
- “Gia đình tôi nghèo lắm, có cơm độn ngày hai bữa là khá rồi. Tôi có mang biếu ông hai củ lang (khoai lang) ông nhận giùm tôi. Ơn của ông to lắm.”

Vừa nói ông vừa bước đến gốc cây, hai tay bươi đám lá khô lôi ra cái gói lá chuối, sau khi thổi bụi trên củ khoai, ông cầm hai tay run run đưa tôi làm tôi xúc động thật sự. Sự xúc động của tôi một phần vì hai củ khoai mà như ông nói đã trích trong phần ăn của gia đình ông, phần khác là thái độ cùng cách xử sự của ông đối với anh em chúng tôi nói chung và với tôi nói riêng. Ông đã lặn lội tìm cách gặp tôi để đền ơn mà không ngại núi rừng, cũng không sợ bị tên quản giáo hay cầm súng bắt gặp, nếu không phải là tấm lòng thì ông đâu cần phải hành động như vậy. Nhưng ở đây tôi còn nhìn sang hai góc độ nữa: “Một là góc độ chính trị. Rõ ràng là người dân xã hội chủ nghĩa nơi đây không phải ai cũng ủng hộ chế độ cộng sản. Sống trong lòng chế độ nhưng sự phản kháng vẫn tiềm ẩn trong lòng họ, có cơ hội thích hợp là họ bộc lộ như trường hợp ông già nêu trên. Và hai là góc độ kinh tế. Cả một quốc gia chỉ uống toàn thuốc “xuyên tâm liên” thì một dân tộc bệnh hoạn yếu đuối là đúng thôi! Tuy ông chưa biết công hiệu của viên thuốc ra sao, chỉ cầm trong tay viên thuốc ngoại quốc đã đủ làm cho ông tin tưởng con của ông hết bệnh rồi. Tội nghiệp cho người dân 20 năm xã hội chủ nghĩa này biết bao!“

6. Tháng 4 năm 1978, chúng tôi bị chuyển từ Yên Bái xuống trại tập trung Nam Hà A tỉnh Hà Nam Ninh do Công An giam giữ. Dần dần anh em tù chính trị chúng tôi trong một Đội gồm đủ các cấp bậc các thành phần. Sự kiện trong đoạn này là lúc Đội chúng tôi phụ trách trồng bí rợ và trồng bắp trong thung lũng cỏ tranh, hai bên là vách núi, thượng nguồn dòng nước nhỏ là làng cùi và xa hơn chút nữa là Nông Trường trồng trà. Sáng sớm chúng tôi rời trại đến chiều mới về mà họ gọi là “làm thông tầm”. Mỗi ngày chúng tôi đi và về khoảng 8 cây số.
Nơi chúng tôi chọn là ngã ba đường mòn để làm cái lều nhỏ xíu nấu nước cho Đội và anh em tự nấu cái gì đó để ăn. Con đường mòn này dài theo thung lũng, có cái ngã ba leo lên dốc núi khá cao để qua thung lũng bên kia thuộc tỉnh Hà Sơn Bình, vì bên đó có nhiều người dân từ Phủ Lý vào khai phá trồng trọt. Trong số những người dân làm lụng bên đó có một gia đình bốn người, gồm: Một ông già khoảng 60 tuổi với 3 đứa cháu: Một cô gái khoảng 20 tuổi, với hai cậu bé 12 và 14 tuổi. Theo lời ông cụ, mỗi lần vào đó một tuần, về lại Phủ Lý vài ngày thì trở vô. Nhìn thấy cả gia đình gánh khoai mì từ thung lũng bên kia, leo lên đỉnh núi cao, tuột dốc xuống thung lũng chúng tôi đang làm, lại leo lên cái đỉnh núi nữa mới xuống đến con đường đá để ra Ba Sao rồi về Phủ Lý. Những củ khoai mì cột chặt ở hai đầu cây tre mà gánh. Ông cụ với cô gái, mỗi người khoảng 15 kí lô, mỗi cậu bé 7 kí lô. Nhìn tận mắt cái lam lũ của gia đình này thật là tội nghiệp! Cuộc sống của họ bi đát quá! Hơn 20 năm sống trong xã hội xã hội chủ nghĩa trên đất Bắc cằn cỗi này, họ chỉ được ăn những củ khoai mì mà họ đổ ra biết bao công lao cộng với hiểm nguy của núi rừng mới có được! Nếu muốn ăn gạo, phải bán 3 kí lô khoai mì mới đủ mua 1 kí lô gạo. Từ khi Đội chúng tôi vào đây, mỗi khi gia đình này cũng như những gia đình khác đi ngang đều ghé vào lều xin nước uống, vì chúng tôi luôn có nước trà. Một hôm tôi hỏi:
- “Mỗi lần vào rẫy, bác phải mang theo thức ăn hay vào mua trong đó?”
- “Đâu có mang gì theo ngoài ngô (bắp) hoặc gạo với muối. Trong đó cũng đâu có gì ăn được ngoài rau, mà rau đâu phải lúc nào cũng có. Khi trồng chưa ăn được, phải chia nhau vào rừng tìm những thứ ăn được hái về ăn”.
- “Bác làm gì ăn khi có rau?”
- “Luộc chấm với muối chớ có gì khác đâu ông”.
- “Bác có quen dùng bột ngọt không?”
Ông già hỏi lại:
- “Ông nói bột ngọt là gì thế?”
Cậu bé nhanh miệng:
- “Là mì chính đó Nội”.
Tôi hỏi cậu bé:
- “Vậy là ở nhà có dùng phải không cậu bé?”
- “Dạ có, nhưng ít khi lắm, vì phải mua”.
- “Bây giờ tôi biếu bác một ít đủ nấu canh trong mấy hôm ông với các cháu ở trong rẫy. Dù sao thì có chút canh dễ ăn hơn”.

Tôi quay sang chú Hổ:
- “Hổ ơi! Chú ráng cho ông cụ đầy hai muỗng bột ngọt nghe Hổ”. Chú Hổ trẻ lắm, trong tổ chức Phục Quốc bị bắt do Công An cộng sản gài bẫy.
Nhìn thằng bé cứ mân mê gói bột ngọt chút xíu trên tay với nụ cười vừa dễ thương vừa tội nghiệp! Chừng như nó đang nghĩ là sẽ được những bữa ăn ngon do cái gói nhỏ xíu này vậy!
Ông già run run:
- “Cám ơn ông. Thật là quí hóa quá”.
- “Không có chi đâu bác. Chắc bác cũng biết, trong hoàn cảnh chúng tôi chẳng phải nhiều nhỏi gì, nhưng giúp nhau được gì thì anh em chúng tôi không hẹp bụng đâu”.
- “Chúng tôi biết. Ngoài Phủ Lý cũng biết. Tuy các ông như vậy (ý nói ở tù), nhưng cuộc sống của các ông vẫn hơn chúng tôi nhiều. Chúng tôi làm gì có cơm trắng như các ông, chỉ mong ăn no chứ đâu dám mong ăn ngon”.
- “Thật tình tôi không ngờ cuộc sống của người dân đất Bắc xã hội chủ nghĩa này kém cuộc sống của người dân trong Nam chúng tôi không thể tưởng tượng được, dù rằng chúng tôi phải đương đầu với chiến tranh triền miên do ngoài này gây ra”.
Ông già buông một lời than rất tội nghiệp:
- “Ngoài này nghèo lắm ông ơi!”

Thưa quí vị quí bạn,
Chỉ một số sự kiện trên đây đã làm cho chúng tôi rất đỗi ngạc nhiên, từ ngạc nhiên dẫn chúng tôi đến suy nghĩ, và nhận ra rằng, không phải tất cả người dân xã hội chủ nghĩa đều là cộng sản, bởi:
“Về chính trị, CSVN sử dụng giáo dục học đường và giáo dục xã hội bằng những chính sách của họ để bịt mắt bịt tai bịt miệng người dân, làm cho người dân chỉ được thấy những gì chúng cho thấy, được nghe những gì chúng cho nghe, và được nói những gì chúng cho phép nói, cho nên mọi người chỉ thấy một mặt của cuộc sống theo mục đích chính trị của CSVN. Vì vậy mà họ nhìn chúng tôi bằng đôi mắt căm thù để rồi mạt sát chúng tôi. Nhưng khi họ được vào miền Nam hoặc nghe bà con nói lại, giúp họ hiểu người miền Nam nói chung và quân nhân chúng tôi nói riêng, từ căm thù họ chuyển sang thiện cảm đến mức tâm tình trong những lúc tiếp xúc trực tiếp. Chính những lúc tâm tình với “những người tù chính trị chúng tôi”, họ mới thật sự cảm nhận được ý nghĩa của cuộc sống khi được tự do nói lên những dồn nén ẩn ức trong lòng, hoàn toàn khác hẳn với cuộc sống đầy sợ hãi và dối trá dưới chế độ cộng sản”.
“Nhớ lại ngày đầu tiên đến bến phà Ô Lâu cạnh thị xã Yên Bái, anh em chúng tôi bị đám đàn bà con nít sỉ vả mắng chửi. Hai năm sau đó, anh em chúng tôi từ bến phà Ô Lâu bờ Bắc Sông Hồng đi bộ lên con đường sát cạnh thị xã Yên Bái, lại được đám đàn bà con nít chào đón và vẫy tay tiễn chúng tôi khi đoàn xe lăn bánh xuống hướng Hà Nội. Từ mắng chửi với lòng thù hận chuyển sang những cái vẫy tay thân thiện, rõ ràng là chính nghĩa Việt Nam Cộng Hòa đã thắng độc tài cộng sản: “Thắng trong chính nghĩa sau khi thua trong bạo lực”.
“Về kinh tế, CSVN đã đẩy người dân 20 năm xã hội chủ nghĩa trên đất Bắc xuống nghèo khổ đến tận cùng của nghèo khổ, so với người dân tự do 20 năm trên đất Nam đến mức dưới ánh mắt họ “miền Nam là một thiên đường”.

7. Để chấm hết bài này, mời quí vị theo dõi một chuyện vui vui cho bài viết nhẹ nhàng chút chút. Ở tù mà nói vui vui cũng khó nghe phải không quí vị. Biết vậy, nhưng chúng tôi phải tìm niềm vui trong nỗi khổ để giữ vững nghị lực mà hi vọng …

Chuyện là bếp của Đội chúng tôi có anh bạn sồn sồn và hai chú bạn trẻ. Trẻ là chú Hổ nấu cơm và chú Phùng A Ốn nấu nước, sồn sồn là anh Trương Đình Thăng (cựu Đốc Sự Hành Chánh) lấy củi cung cấp cho hai chú trẻ. Anh Thăng cẩn thận lắm, khi vác củi về còn chặt nhỏ phơi khô mới “giao nhà bếp”. Nhờ vậy mà cứ vào đến chòi một lúc là chú Ốn gọi các bạn đến lấy nước sôi, vì dòng nước bên cạnh trong khi có sẳn củi khô. Các bạn cần nấu cơm thì đến lạch nước nhỏ vo gạo, cho nước vào rồi đem gởi hai chú vừa nấu nước vừa nấu giùm những lon gô cơm hay luộc ít đọt bí rợ. Một hôm anh Thăng vác củi về là “tấn công” tôi:
- “Anh Hoa, hai dì cháu con nhỏ đó hỏi thăm anh kìa”.
- “Gì kỳ vậy. Hai dì cháu nào mà hỏi bất tử vậy cha nội?”
- “Đừng vờ vịt nữa. Tuần trước có hai người, một sồn sồn coi cũng được với một trẻ xinh xinh, ghé lều xin nước uống đó chớ ai. Có không? Khai mau lên?”
- “A! Hôm ấy là chú Hổ mời uống nước chớ hổng phải tôi à nghe. Lúc tôi vác cuốc về lều cũng là lúc bà ta đi ra, chớ có nói gì đâu mà bây giờ hỏi thăm”.
Anh Thăng cười cười:
- “Tôi hổng biết, người ta hỏi thăm thì tôi chuyển lời thôi. Còn muốn biết có hay không thì hôm nào dì cháu người ta ghé uống nước mà hỏi”.
- “Anh quỷ quái lắm. Bộ quen với ai trên núi rồi về đây kiếm chuyện với tôi phải hông? Khai thiệt nghe coi”.
Chú Hổ nhảy vào:
- “Anh Thăng có bồ rồi anh Hoa ơi”.
Anh Thăng xuống giọng chậm rãi:
- “Đi trên núi, người ta chào mình, mình chào người ta chớ bồ bịch gì đâu”.
Tôi bắt bí anh:
- “Vậy là nhận rồi hén. Người ta là ai? Khai lẹ lên”.
- “Người ta là dì cháu đấy. Sao hỏi kỹ thế”.
- “Hỏi kỹ đặng nghiên cứu xem có nên mét hay không vậy mà”.
Anh Thăng cười lớn:
- “Đó” thì chưa rõ, chớ “Đây” có hiếu với vợ lắm, đừng hòng mà đe với dọa”.
Tôi bèn cười theo:
- “Ô! Đây cũng thế. Vậy là phe ta rồi. Cho bắt tay cái đi”.

(trích trong quyển “Ký Sự Trong Tù” do nhà xuất bản Ngày Nay ấn loát và nhà sách Tú Quỳnh tổng phát hành hồi tháng 7 năm 2008)

Houston, mùa Thu 2008

Vài mẫu chuyện trong tù

(bài 2)

******

Phạm Bá Hoa

Ngày 30/4/1975, cộng sản Việt Nam đánh chiếm Việt Nam Cộng Hòa. Ngày 16/06/1975, tôi cùng các bạn cấp Đại Tá bị đưa đến trại tập trung Long Giao tỉnh Long Khánh do Đoàn 263 giam giữ. Ngày 23/10/1975, cộng sản chuyển chúng tôi đến trại tập trung Tam Hiệp tỉnh Biên Hòa do Đoàn 775 giam giữ. Ngày 16/06/1976, hầu hết chúng tôi bị chuyển ra Yên Bái do Đoàn 776 giam giữ. Cả ba Đoàn này thuộc Bộ Quốc Phòng cộng sản Việt Nam (CSVN). Tháng 4/1978, chúng tôi bị chuyển xuống trại Nam Hà A tỉnh Hà Nam Ninh do Công An CSVN giam giữ.

Sự kiện kể lại trong bài này lúc tôi bị giam tại trại Cốc (Hoàng Liên Sơn) và trại Nam Hà A (Hà Nam Ninh).

1. Ngưu ốc.

Trại Cốc nằm sâu trong một thung lũng hẹp vùng rừng già phía Nam Yên Bái khoảng 6 cây số. Chúng nó nhốt hơn 300 anh em chúng tôi tại Trại 2 và Trại 3 trong thung lũng Cốc này. Tôi trong số một nửa anh em bị nhốt ở Trại 2. Chúng nó tổ chức anh em chúng tôi theo từng Tổ, mỗi Tồ trung bình 20 người. Mỗi khi ra lao động, mỗi Tổ có một tên cộng sản cầm súng gọi là “bộ đội võ trang” canh giữ chúng tôi, và một tên sĩ quan gọi là “quản giáo” giao công việc mà chúng tôi phải làm. Những Tổ lên núi đốn cây hoặc tìm củi, chúng gọi là “Tổ cơ động”.

Một tuần trước Tết Nguyên Đán đầu năm 1978, “Tổ cơ động” chúng tôi được lệnh đi đắp đập cho xã Việt Cường, cách Trại Cốc khoảng 6 hay 7 cây số. Chúng tôi phải mang theo một ít đồ dùng vì ở lại đó một tuần lễ. Họ dự trù chúng tôi trở về trại vào chiều Ba Mươi Tết! Đang giữa mùa Đông, rất lạnh. Phải mang theo “áo bông”, mũ trùm đầu và vớ len. Những cái áo bông này đến tuổi về hưu đã lâu, đó là cách nói cho bớt sự ghê rợn vì nó cũ lắm rồi, đủ thứ mùi trong cái hôi hám đè nặng khứu giác, nhưng thay vi đem bỏ họ lại phát cho chúng tôi! Nói đến đây tôi nhớ lại mẫu chuyện ngắn. Khi chúng tôi từ trong Nam ra Bắc đến trại nhà ngói trước khi chuyển đến trại Cốc này, bọn chúng bắt chúng tôi bày ra tất cả đồ đạc để chúng nó xét. Chúng bắt từng người chúng tôi phải ghi từng món vào danh sách đưa chúng nó. Tên Trung Úy Khảm, cầm danh sách của tôi, hắn đọc món nào tôi đưa món ấy cho hắn đúng với số lượng đã ghi. Đến đôi vớ, hắn hỏi:

Vớ là gì?”

“Báo cáo cán bộ. Vớ là vớ chớ vớ là gì.”

“Đưa tôi xem.” Hắn gay gắt.

Khi trông thấy đôi vớ, hắn nói với giọng ngạo mạn tự cho là mình dùng chữ đúng:

“Bít tất thì kêu bít tất, tại sao anh gọi là vớ?”

“Cán bộ chạm tự ái người miền Nam chúng tôi rồi. Nếu như tôi đặt câu hỏi ngược lại, tại sao vớ gọi là bít tất, cán bộ có giận không? Mỗi miền có nét đặc thù trong văn hoá, cũng như giọng nói của 3 miền có giống nhau đâu.”

Hắn dịu giọng: “Trong Nam các anh gọi là vớ à?”

“Đúng. Cũng như cán bộ gọi là bít tất vậy.”

“Thôi. Không tranh luận nữa .Tiếp tục đi.”

Tổ chúng tôi và một Tổ nữa cùng toán nhà bếp, rời Trại Cốc trưa 23 Tết dưới cơn mưa phùn từng chập, trông như những đám bụi bay theo cơn gió nhẹ. Đến nơi thì áo quần chăn chiếu thấm ướt hết trơn. Tên quản giáo đứng canh chúng tôi, trong khi tên võ trang đi tìm người phụ trách của Xã. Thế rồi một người đại diện Xã với bốn cô gái đến. Hắn nói với tên võ trang:

“Đồng chí cho các anh ấy ở đây. Chật một chút, nhưng Xã không có địa điểm nào khác. Trên nóc còn trống, tôi bảo đem tranh đến lợp ngay bây giờ.”

Trời đất ơi! Lúc ấy nét mặt của gần 50 anh em chúng tôi trông như dài ngoằn xuống vì đây là cái chuồng trâu, nóc thì trống, nền đất loang lỗ với những bãi cứt trâu khô lổm chổm, làm sao mà nằm! Nhìn thấy được cái cảnh ấy của chúng tôi, một trong bốn cô gái lên tiếng:

“Đây là chuồng trâu nhưng không sử dụng lâu rồi. Chúng em sẽ mang rạ đến lót cho các anh.”

Anh Nguyễn Thế Lưỡng (Đại Tá Thủy Quân Lục Chiến) nói:

“Tôi đo rồi, may lắm thì mỗi anh chỉ được 4 tấc (0.4m). Đó là tôi tính nằm sát các cọc tre hai đầu.”

“Ở cái kiểu này làm sao mà kéo đất nỗi!” Một anh khác than thở!

Khoảng nửa giờ sau, một toán sáu cô gái mang tranh với rơm đến. Cũng chính các cô leo lên lợp lại nóc, và lót rơm trên nền. Có kêu ca gì thì cuối cùng cũng phải thu xếp với nhau chỗ nằm để mấy anh nhà bếp còn lo bữa ăn chiều. Sau khi gọi là thu xếp xong mới đứng quan sát. Chuồng trâu cạnh con đường làng và cách rìa làng khá xa, chung quanh là những đám rẫy chen lẫn với rừng. Từ xa, con nít khoảng trên dưới 10 tuổi, từng nhóm đến xem. Chúng nó nói với nhau:

Ngụy đó mầy.”

Đứa khác cãi lại: Không phải. Bố tao nói tù miền Nam. Mấy ông này làm đập cho mình đó.”

“Họ dữ không?”

“Họ có quát mình đâu mà biết.”

Đại để qua lời của các cô gái cùng với vài câu chuyện của trẻ con, nhận định sơ khởi là người dân vùng này chừng như có chút thiện cảm với chúng tôi thì phải?

Cơm xong, tên võ trang dẫn đến bốn thanh niên. Hắn nói:

“Ban đêm, các anh không được ra khỏi khu vực này. Các đồng chí Dân Quân đây có trách nhiệm canh giữ các anh, sẽ làm nhiệm vụ nếu các anh không chấp hành lệnh nghiêm cấm.”

Vừa ra lệnh vừa đe dọa đó!

Tuy không có muỗi nhưng vẫn phải giăng mùng cho đỡ lạnh, vì chuồng trâu không có vách mà chỉ có mấy cây tre nhỏ ngang dọc chung quanh để rào trâu bò thôi. Quí vị có thể hình dung khi chúng tôi giăng mùng xong thì không ai nhận ra được cái mùng của mình ở chỗ nào nữa nếu như không chui vô mùng sau khi giăng. Vì vậy mà mỗi người phải cột cái gì đó để làm dấu như mảnh giấy trắng chẳng hạn, để khi nửa đêm dậy đi tiểu xong còn nhìn ra được cái mùng của mình mà chui vô. Mỗi khi nằm xuống phải xuôi hai tay dọc theo cơ thể hoặc khoanh hai tay trước ngực, từ từ ngã lưng xuống. Còn ngồi dậy, vẫn tư thế đó, từ từ ngóc đầu lên với thân mình. Giống như tập thể dục ở động tác giữ cho bụng thon ngực nở, cũng là giữ cho cái xương sống mềm mại dẻo dai vậy. Có điều là nửa đêm mà ngồi dậy thì vai hai người bạn bên phải bên trái, tự động “giành dân lấn đất” cái cõi không gian bé tí của mình. Không sao. Khi xong cái việc xả nước cho nhẹ bụng trở vào, phải tìm được cái mùng, chui vô. Bắt đầu lách dần hai bạn để có được một chỗ ngồi, xuôi tay hoặc khoanh tay lại, hơi nghiêng về một bên, dùng vai lách hai bạn và từ từ hạ người xuống để “đòi lại” cái cõi không gian bé tí mà nằm. Khi xuống được một bên lúc ấy mới từ từ nằm ngửa trên cái “giường rơm” trong cái chuồng trâu hoang phế!

Chỉ một bên tựa vào triền núi, ba bên còn lại là đất trống, gió lạnh tự do thổi vào cái chuồng trâu tôi tàn chật chội và hôi hám, làm cho mấy chục anh em chúng tôi lạnh cả ngoài lẫn trong! Anh Kim (Đại Tá Tổng Nha Tài Chánh & Thanh Tra Quân Phí) vui tính, tạo chút không khí vui vui để phá bớt nỗi buồn giữa cái lạnh của mùa Đông núi rừng Tây Bắc:

“Đúng là chúng mình đang ở trong “ngưu ốc” các anh à! (chuồng trâu) Dã man thiệt! Mẹ kiếp! Mình ở trong chuồng trâu chật hẹp hôi thúi thế này, nếu còn gặp lại mấy thằng bạn ở Tây ở Mỹ, nói cho chúng nó nghe. Tôi nghĩ, đếch có thằng nào tin mình đâu. Không chừng chúng nó còn cho là mình bị cộng sản nhốt tù rồi tức mà nói xấu cộng sản nữa đó.”

Tiếng một anh nào đó trong bóng đêm mịt mù lạnh lẽo:

“Thì mình cứ tưởng như đang ở “Niu Dót” để có giấc ngủ yên lành còn hơn là nói đến mấy anh bên Tây bên Mỹ, hổng chừng họ còn nói chúng mình ngu mới bị tù là khác .”

“Thôi các bạn ơi! Cho có là Niu-Dót hay ngưu ốc đi nữa, chúng mình còn tệ hơn mấy con cá mòi trong hộp. Bạn bè nó có tin hay không tin mặc kệ. Thân mình chưa biết ra sao, ở đó mà nói đến bạn bè bên Tây bên Mỹ”.

“Ông chán đời thế! Sao hồi 30 tháng 4 ông không đi cho rồi, bây giờ nói chuyện vui một chút mà ông cũng trách.”

“Họ có cho đi đâu mà đi. Họ giành chỗ cho gia đình họ chớ đâu đến lượt mình. Thôi, đừng có nhắc nữa, tức lắm.”

“Thì ông nhắc chớ chúng tôi có nhắc đâu.”

“Thôi các anh à! Bạn tù với nhau, cùng nằm trong cái chuồng trâu hôi thúi này phải chia sẻ cho nhau không hết, lại còn gắt gỏng nhau cho thêm đau lòng!. Ngủ đi, để mai làm trâu kéo đất đắp đập cho người ta.”

Thưa quí vị, thật ra những lời bàn qua tán lại giữa anh em chúng tôi với nhau không phải là vô nghĩa, vì trong một ý nghĩa nào đó, tùy theo người nghe sẽ nhận ra tâm trạng cùng những ước vọng của mỗi người chúng tôi. Chẳng hạn như chữ Niu-Dót, dù thể hiện cái tâm trạng buồn khi ngủ trong chuồng trâu nhưng vẫn kèm theo tính khôi hài sẳn có. Nghĩ cho cùng, những câu chuyện đó cũng giúp anh em chúng tôi có những giây phút nhẹ nhàng trong đầu, vì bận nghe chuyện trên trời dưới biển mà quên đi nỗi buồn sâu thẳm!

Khẩu phần hằng ngày của chúng tôi được tăng thêm 200 gram gạo do Xã cung cấp, do vậy mà phần ăn sáng cũng nhiều một chút. Nói đến tiêu chuẩn gạo, chẳng những tù chính trị chúng tôi quan tâm đến lượng khẩu phần gạo hằng ngày, mà người dân xã hội chủ nghĩa, thậm chí đến các cấp lãnh đạo của cộng sản từ trong đảng đến bộ máy cầm quyền, cũng đều quan tâm đến. Xin trưng dẫn:

Số lượng gạo mà họ gọi là tiêu chuẩn bán cho mỗi thành phần xã hội, cấp càng cao càng được số lượng nhiều hơn với lý do viện dẫn là cấp lãnh đạo cần được bồi dưỡng có sức khỏe để lãnh đạo. Và bao trùm hơn hết là cái chính sách cai trị của cộng sản nắm chắc cái bao tử thông qua tờ hộ khẩu. Bất cứ ai trong gia đình nào đó mà không thi hành lệnh của địa phương thì họ cắt hộ khẩu, tức là không bán gạo theo tiêu chuẩn. Bởi trong xã hội xã hội chủ nghĩa, tất cả cơ sở mua bán kinh doanh sản xuất đều do đảng với nhà nước làm chủ, cho nên khi nhà nước không bán lương thực thực phẩm thì không còn chỗ nào để mua hết. Vậy là đói rồi, mà đói thì phải bò. Bò đến ông lãnh đạo địa phương làm kiểm điểm và cam kết sửa sai, tức là luôn luôn thi hành mệnh lệnh. Lúc ấy, lãnh đạo cứu xét cấp tiêu chuẩn trở lại.”

Hãi hùng chưa quí vị?

Cũng xã hội chủ nghĩa có cái chính sách rất ư kỳ lạ. Họ cưỡng bách phụ nữ đi làm, bằng cách chỉ cho các con của người mẹ có đi làm mới được hưởng quyền lợi dù hết sức nhỏ nhoi. Nếu trong gia đình chỉ có người chồng đi làm còn vợ ở nhà, thì các con của gia đình này không có chút quyền lợi gì trong cuộc sống cả. Nói rõ hơn là những đứa con đó không có tiêu chuẩn gạo hằng tháng. Trong một xã hội mà người dân chỉ biết có gạo với gạo, còn gì mà nói nữa!

Xin nói thêm rằng, những năm 50 khi nắm quyền cai trị nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa, Hồ Chí Minh (HCM) khoe cái chính sách gọi là “giải phóng phụ nữ”, nhưng thực tế người phụ nữ bị cưỡng bách đi làm như nói ở trên. Chưa hết, khi lao động mà cần đến đến sự vận chuyển, thì ngày trước phụ nữ dùng cái đòn gánh trên vai để gánh hai cái thúng hay thùng ở hai đầu đòn gánh. HCM giải phóng phụ nữ bằng cách dùng ba người phụ nữ đẩy cái xe cải tiến với trọng lượng 150 kí lô. Nghĩa là không cho gánh nữa mà là đẩy xe để chuyên chở trọng ượng nhiều hơn gánh. Nói rõ hơn, người phụ nữ phải làm việc nặng nhọc hơn! Chính sách “giải phóng phụ nữ” của HCM là như vậy đó!

Trở lại công việc đắp đập. Anh em chúng tôi trong hai Tổ này đã hai ba lần đắp đập nên tổ chức công việc nhanh lắm. Sau đó, cứ phá triền núi, kéo đất đổ xuống đường thông thủy ngăn dần dòng nước thượng lưu. Đào một đường bên cạnh đập gọi là đập tràn, để khi mực nước cao quá thì nước theo đường đó đổ xuống hạ lưu. Khi muốn bắt cá cứ cuốc giữa mặt đập mà xả nước. Bắt cá xong, muốn nuôi cá nữa thì đắp phần giữa mặt đập lại là có cái hồ như trước. Họ không làm cống để tháo nước, mà khoa học kỹ thuật của họ trong đắp đập nuôi cá là như vậy.

Nguồn nước dùng cho mọi nhu cầu của “cư dân trong ngưu ốc” bất đắc dĩ này là dòng suối nhỏ, cách chuồng trâu chúng tôi ở khoảng 100 thước. Nước thì có nhưng đục lắm, vì phía trên có chỗ cho trâu bò qua lại hai bên bờ. Đục thì đục, có nước dùng là may rồi. Mỗi chiều sau khi tắm giặt xong, nói nghe ngon lành lắm nhưng thật sự chỉ là qua loa cho có gọi là tắm, vì trời lạnh mà nước suối càng lạnh hơn. Nhóm “ca nhạc sĩ bất đắc dĩ” chúng tôi tập hát để “trình diễn” trong đêm Giao Thừa: Anh Nguyễn Thành Trí (Đại Tá, Thủy Quân Lục Chiến), anh Nguyễn Quang Chiểu (Đại Tá Bộ Binh), anh Nguyễn Phán (Đại Tá, Quân Đoàn 2), anh Nguyễn Thiều (Đại Tá Bộ Binh), và tôi. Anh Trí sáng tác bài “Đâu Cũng Là Quê Hương”. Tôi nói “bất đắc dĩ”, vì bộ chỉ huy trại bảo tù chính trị chúng tôi tổ chức ca hát mừng Xuân.

Trời lạnh nhưng vẫn phải tập, vì khi về đến trại là đêm Giao Thừa rồi, bây giờ không tập thì không có thì giờ nào khác. Còn nếu không tổ chức ca hát mừng Xuân, không khéo lại bị bọn họ chụp cho cái mũ “chống đối cải tạo” hay “lấy nạng chống trời” là lắm thứ rắc rối. Không ngờ khi tập hát, dân trong làng nhất là đám con nít với những cô gái tuổi choai choai, kéo nhau đến xem khá đông. Trông cũng hay hay với những “khán giả măng non” này.

Một tuần trôi qua, dưới cái lạnh đậm đà của ngày cuối năm âm lịch, chúng tôi giã từ “ngưu ốc”, nơi mà có muốn hay không muốn, cũng để lại trong chúng tôi những buổi chiều khó quên trong cuộc sống của người tù chính trị trong tay cộng sản. Về đến trại, tắm giặt, cơm xong là chuẩn bị vào chương trình “văn nghệ Giao Thừa”.

Tù trình diễn tù xem, nhưng cũng có một số quản giáo với võ trang ngồi xem từ đầu đến cuối. Sau phần văn nghệ đầu là màn Táo Quân. Các vai:

Ngọc Hoàng Thượng Đế: Anh Phạm Duy Khang (Đại Tá Bộ Binh).

Nam Tào Bắc Đẩu: Anh Huỳnh Minh Quang (Đại Tá Không Quân) với một anh nữa mà tôi quên tên.

Táo Trại 2: Anh Nguyễn Văn Sáu (Đại Tá Pháo Binh).

Màn này bắt đầu với hoạt cảnh Táo Trại 2 đội một bó củi vào thiên đình, áo quần xốc xếch, tay chân run rẩy. Táo quỳ xuống xin lỗi Ngọc Hoàng đến trễ, vì phải lên núi lấy củi cho nhà bếp. Ngọc Hoàng cảm động quá nên tha lỗi. Táo Trại 2 móc cái sớ bèo nhèo trong túi áo thứ 3 ra (mặc 3 áo), rồi bắt đầu đọc. Trong sớ có đoạn than phiền vấn đề lao động vất vả nhưng ăn không đủ no, đau ốm không thuốc uống, ..v..v.. Hai ông Nam Tào Bắc Đẩu mũi lòng, bèn lên tiếng ủng hộ Táo Trại 2 bằng cách cường điệu thêm khi tâu với Ngọc Hoàng. Thế là Ngọc Hoàng Thượng Đế Phạm Duy Khang nổi trận lôi đình, ra lệnh cho Táo trại 2 phải sửa sai. Tù chính trị chúng tôi vỗ tay thật dài và cười thật to, trong khi cả đám quản giáo với võ trang ngồi êm re. Anh em chúng tôi thì thầm với nhau:

“Chết cha rồi! Trông thằng nào thằng nấy cái mặt cũng hầm hầm kia kìa.”

“Sớ Táo Quân là trò giải trí truyền thống chớ có gì đâu mà sợ.”

“Đó là cách nhìn của mình, còn bọn nó là cộng sản. Chữ của nó có cùng nghĩa với mình đâu, bọn nó dám quần các anh Ngọc Hoàng Thượng Đế với Nam Tào Bắc Đẩu của mình lắm à!”

Và y như rằng, cả bốn anh “Ngọc Hoàng Thượng Đế, Táo Quân, Nam Tào, Bắc Đẩu” bị chúng gọi sang bộ chỉ huy quát mắng dữ dội. Cuối cùng, các anh phải làm kiểm điểm. Kiểm điểm cũng là một hình thức trừng phạt.

Như thường lệ, sau một ngày lên núi đốn cây, anh em kéo nhau xuống dòng suối bé tí tắm giặt, gặp anh Khang, tôi nửa đùa nửa thiệt:

“Ngọc Hoàng ơi! Vụ đó xong chưa?”

“Thôi đi bố! Tụi tôi bị chúng nó chửi như chó! Ngọc Hoàng cái mẹ gì nữa”.

***********

2. RX là gì?

Chuyện này xảy ra lúc anh em chúng tôi bị chuyển từ rừng núi Yên Bái xuống đồng bằng Sông Hồng, giam giữ trong Trại Nam Hà do Công An quản trị. Trại này có 5 trại: A, B, C, D, E. Chúng tôi ở Trại Nam Hà A. Ở đây chúng nó tổ chức anh em tù chính trị chúng tôi thành từng Đội, mỗi Đội 30 người. Tôi thuộc Đội 29. Đội Trưởng là anh Nguyễn Đức Khoái (Đại Tá Biệt Động Quân).

Chiều ngày 1 tháng 9 năm 1978, trong lúc Đội 29 với 30 chúng tôi ngồi viết khai báo trong câu lạc bộ gần loa phóng thanh. Thường ngày loa này không mở, nhưng chiều nay bỗng dưng chúng tôi “bị nghe” chương trình truyền thanh chuẩn bị cho ngày mai -2 tháng 9- lễ độc lập của chúng nó. Trong bài diễn văn dài lê thê của Phạm Văn Đồng, Thủ Tướng đảng SVN có một đoạn ngắn cuốn hút anh em chúng tôi đến mức đều ngưng viết. Đó là vấn đề tù chính trị, ông ta thẳng thừng:

“… Bọn ngụy quân ngụy quyền và đảng phái phản động là bọn đã gây tội ác tầy trời, ta không thể tha thứ chúng nó …”

Lúc ấy không có tên Công An nào có mặt, có lẽ chúng chuẩn bị về nhà sớm. Vì vậy mà điều đầu tiên là chúng tôi xúi hai anh Đội Trưởng xin về sớm với lý do viện dẫn ngày mai nghỉ lễ. Rồi cùng nhau tụm năm tụm ba bàn luận suy đoán với bao nhiêu là hình ảnh được vẽ ra và chồng lên nhau bắt nguồn từ lời tuyên bố của Phạm Văn Đồng, tên cộng sản mà năm 1958 đã chánh thức công nhận các đảo và quần đảo vùng Biển Đông thuộc về cộng sản Trung Hoa (CSTH). Qua bài diễn văn của Thủ Tướng đảng CSVN chẳng khác thùng nước lạnh tạt vào anh em chúng tôi choáng váng đến tối tăm mặt mũi, dù biết rằng đã là lãnh đạo cộng sản thì không có tên nào tử tế cả.

Sau bữa ăn bo-bo chiều, cửa buồng giam đóng rầm một cái, âm thanh cây sắt kéo ngang két két, rồi tiếng click khô khan của cái ống khóa vừa bấm lại, tiếng lẹp xẹp bởi dép râu của tên Công An trực trại xa dần, từng nhóm anh em chúng tôi tiếp tục bàn luận chung quanh lời tuyên bố của Phạm Văn Đồng lúc trưa. Một bạn trong nhóm chúng tôi ở cuối góc phòng mở đầu với câu ngắn mà không ai hiểu:

“Vậy là RX rồi”.

“RX là gì vậy cha nội?”

“RX là rục xương chớ là gì nữa! Rõ vớ vẫn”.

“Đấy. Các anh tin vào cái gọi là khoan hồng nhân đạo của chúng nó nữa đi. Nó lừa được bọn mình vô tù rồi nó nói huỵch toẹt ra đấy”.

“Thôi. Nóng làm chi bạn ơi! Thế bạn có tin cái chính sách 10 điểm của họ hay không mà bạn ngồi đây?”

“Tôi thì khác”.

“Cứ cho là bạn khác với bọn tôi, nhưng nhìn lại thì chúng mình cũng thế thôi bạn à! Là tù thua trận cả mà. Nặng nhẹ xách mé làm chi cho đau lòng nhau!”

“Tôi xin các anh cứ mặc cha nó! Cái quan trọng là mình phải vững tin rằng, chúng mình sẽ được ra khỏi trại tập trung dù chưa biết là sẽ ra như thế nào. Thế giới, nhất là Hoa Kỳ, vẫn xem Việt Nam là một vấn đề thì ta vẫn còn hy vọng mà. Bây giờ, vấn đề của chúng ta là giữ vững nghị lực để đừng bỏ xác trong nhà tù cộng sản. Thế thôi”.

“Các anh ơi! Khi bước vào hoạt động chính trị, người ta buộc phải sử dụng ngôn từ của chính trị, cái thứ ngôn ngữ không nhất thiết 1 với 1 là 2 đâu. Nhất là chính trị trong cái quốc gia nghèo giữa một thế giới cạnh tranh nhau vì quyền lợi thì sự ổn định khó mà có được, nếu không nói là ảo tưởng. Trong một quốc gia không có khả năng độc lập kinh tế như Việt Nam thì đừng hòng có độc lập chính trị. Với lại, những nhóm lãnh đạo cộng sản Việt Nam, được chọn từ thành phần 3 đời bần cố nông để đại diện công nhân nông dân thì họ có học hành gì đâu. Khi lãnh đạo mà không có kiến thức thì đất nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa càng ngày càng xuống vực thẳm là điều hiển nhiên. Rõ ràng nhất là cái nhóm lãnh đạo loại ấy lúc nào cũng vỗ ngực lớn tiếng là đỉnh cao trí tuệ, là bảo vệ đất nước”.

“Thằng cộng sản nó đếch cần đến kiến thức mà chỉ cần lưu manh để nắm quyền cả đời đấy. Cho nên chẳng phải riêng chúng mình, mà là cả dân tộc cứ như bị nhốt trong cái nhà tù bằng cả một quốc gia ấy”.

“Như thằng Tàu cộng thôi. Chúng nó định nhốt các Tướng Lãnh của Đài Loan đến rục xương trong tù đấy, thế nhưng mới bước đầu chấp nhận ảnh hưởng của Hoa Kỳ là chúng nó thả các ông ấy về Đài Loan sau 26 năm trong tù đấy”.

“Thôi các bạn ơi! Làm ơn ngưng lại mà ngủ cho có sức để mai còn khai báo tiếp. Không xong là chúng nó mắng đến phát tức các bạn à!”

Nằm cạnh tôi, bên phải là anh Ngô Văn Huế (Đại Tá Công Binh). Anh nói nho nhỏ:

“Hồi đi trình diện, tôi ước tính ít nhất cũng phải 5 năm chớ tôi không tin là 30 ngày, vì cộng sản từng chà đạp Hiệp Định Genève 1954 và Hiệp Định Paris 1973 thì còn chỗ nào để mà tin nó”.

Tôi tiếp lời cũng nho nhỏ như vậy:

“Thật ra đâu có ai trong chúng ta dám nghĩ là đến một lúc nào, chúng ta sẽ là nguồn lợi cho cộng sản, như sự kiện Cu Ba đã từng thả tù chính trị sang Mỹ để đổi lấy máy cày nông nghiệp đó. Trong chính trị việc gì cũng có thể xảy ra cả. Nói rõ hơn, điều mà tôi hy vọng là chúng mình sẽ ra khỏi nhà tù bắt nguồn từ phía Hoa Kỳ, và biết đâu Hoa Kỳ sẽ đổi chúng ta bằng cách cấp cho chúng nó (cộng sản Việt Nam) những thứ gì đó cũng nên.”

Anh Nguyễn Xuân Hường (Đại Tá Thiết Giáp) nằm bên trái tôi:

“Bây giờ tôi không còn tin bất cứ điều gì chúng nó nói cả. Tôi đồng ý là mình phải giữ vững nghị lực để sống, còn việc gì sẽ tới phải tới”.

(Trích trong quyển “Ký Sự Trong Tù” do nhà xuất bản Ngày Nay ấn loát và nhà sách Tú Quỳnh tổng phát hành hồi tháng 7 năm 2008)

Houston, mùa thu năm 2009


5 comments:

chí said...

xin phép thay anh phạm bá hoa để trả lời vì sao có sự ưu đãi của cs khi anh ấy ở tù. lúc ấy, không riêng gì anh hoa mà anh phạm kim quy, phạm văn sáu(pháo binh), anh nguyễn văn của(tỉnh trưởng châu đốc).v.v... và rất nhiều, các anh sĩ quan cấp tá...đều tìm cách nhàn thân trong chốn này. gia đình thăm nuôi, gởi quà...họ bèn dùng biện pháp mua chuộc. thế thôi. không có gì nghiêm trọng đâu. tôi ở cùng trại và làm chung bộ phận với anh Hoa nên biết rõ. đừng nghi oan người ta, tội nghiệp.

Anonymous said...

To^i ddo^`ng y' vo*i' anh Chi'

Anonymous said...

Tên Phạm bá Hoa bênh vực thằng phản tướng, phản quốc Trần Thiện Khiêm cùng mình, chắc chắn nó đã là đệ tử nâng bi bợ đít tên Khiêm chó đẻ nên hết sức thanh minh thanh nga cứu thầy của nó ngày xưa. Những thằng tướng lãnh có mặt trong Hội Đồng quân nhân cách mạng đều là bọn phản chủ. Tại sao những người Việt Nam không có một ai dám lên án chúng nó khi tụi nó ám sát Tổng Thống Diệm mà còn về hùa với những tên phản tướng reo hò cách mạng đấu tranh cho phật giáo?
Những thằng chó đẻ cuồng tín mù quáng đó bây giờ ở đâu? Có ăn năm sám hối hay cũng như những thằng đầu trọc vẫn hô hào chửi bới ông Diệm cho tới ngày nay.
Những thằng chó đẻ phản tướng phải bị tử hình; kể cả những thằng chó đẻ đệ tử như Phạm Bá Hoa thằng nâng bi bợ dái Trần Thiện Khiêm đã từng vỗ ngực tự xưng là quân nhân quân lực VNCH.
Chưa đánh Việt Cộng mà đã đào tẩu và đầu hàng vô điều kiệ

Unknown said...
This comment has been removed by the author.
Unknown said...

+ Ở một khía cạnh nào đó, Ông Phạm bá Hoa đã cung cấp môt số dữ liệu rất có giá trị về mặt lịch sử của thế hệ cha chú của chúng tôi
+ Chúng ta nên khách quan hơn về đánh giá tác phẩm và con nguời, không nên lẫn lộn 2 cái đó vào một, dân Mỹ thuờng có câu, bầu Bill Clinton làm tổng thống , chứ không bầu ônglàm giáo hoàng

Thời Sự "Nóng"





------------------------------------------

---------------------------------------------------------
Vân Anh -Ngày 1 tháng 10 Hà Nội Chính Thức Bán Nước Cho Bắc Kinh
----------------------------------------