Nhà Báo Việt Thường

Nhà Báo Việt Thường

Tìm kiếm bài Blog than huu cua Nha Bao Việt Thường xin gõ chữ vào đây

Wednesday, July 28, 2010

Keith Weller Taylor-việt nam khai quốc CI (2-3)

Việt Nam Khai Quốc: An Dương Vương (chương 1, phần 2)

Năm 222 TCN, nhà Tần chinh phục nhà Chu và đến năm sau, Tần Thủy Hoàng, vị đệ nhất Hoàng Đế của Tần sai nửa triệu binh mã xâm nhập đất Việt (Yueh). Bút lục đầu tiên còn lại về chiến dịch này được ghi lại bởi một sử gia người Hán chưa đầy một thế kỷ sau khi biến cố xảy ra và đáng được trích lại như sau:

Tần Thủy Hoàng quan tâm đến những thứ như sừng tê giác, ngà voi, lông chim trả và ngọc trai của đất Việt nên đã sai Đồ Thư chỉ huy 500.000 quân chia ra làm 5 đạo…Trong 3 năm trời, cung tên gươm giáo lúc nào cũng sẵn sàng. Giám quan họ Lư chuyên về tiếp liệu được phái đi theo và vì không có cách nào bảo đảm được việc chuyên chở lương thực, nên ông đã bắt quân sĩ đào 1 con kinh để chở lúa gạo. Vì thế nên mới gây chiến tranh với dân Nam Việt (Yueh). Thủ lãnh Tây Âu là Địch Hồ Long bị giết và dân Việt bỏ vào sống trong các vùng rừng hoang dại với các súc vật của họ; không ai chịu làm nô lệ cho quân Tần. Họ lựa chọn những người dũng mãnh tôn lên làm thủ lãnh và tấn công quân Tần vào ban đêm, gây cho chúng thiệt hại nặng nề. Tướng Đồ Thư bị giết, còn chết và bị thương vô số kể. Sau vụ ấy, Tần Thủy Hoàng lại sai giải những tù phạm đến để bắt phòng vệ doanh trại, chống lại quân Việt.

Năm đạo quân tiến xuống miền Nam năm 221 TCN. Một đạo khuất phục được Đông Âu và Mân Việt; hai đạo tiến đánh Nam Việt(Nan Yueh). Hai đạo còn lại tiến vào Quảng Tây ngày nay, nơi mà Giám Quân Lư được sai đến để lo việc tiếp liệu. Con kinh ông đào là con kinh Hằng An (Hsing An), đào xuyên qua phiá cực Tây của 5 ngọn đèo mở đường xuống Nam. Kinh này nối hệ thống sông Dương Tử với hệ thống sông Tích.

Quân Tần tấn công Tây Âu sau khi hoàn thành con kinh vào năm 219 TCN, và thắng lợi đầu tiên là giết được Địch Hồ Long. Nhưng sau đó là bao nhiêu năm chinh chiến đưa đến cảnh bại trận sâu cay với cái chết của Đồ Thư. Những sự kiện này được người Trung Quốc nhớ lại như sau:

Người Việt bỏ trốn vào những vùng sâu xa trong rừng núi và quân Tần không thể nào đuổi đánh dược họ. Quân sĩ đóng trong các đồn trại để canh chừng những vùng đất bỏ trống. Cứ thế kéo dài không biết bao lâu, rồi quân sĩ bị hao mòn và kiệt lực. Lúc đó, người Việt lại kéo đến tấn công và gây tổn thất nặng nề cho quân Tần. Cuối cùng những tù phạm được gởi đến để cho đóng ở những dồn trại chống quân Việt.

Thế là Tần bị sa lầy trong vùng núi non rừng rậm Quảng Tây. Đến năm 214 TCN, các tội phạm được gởi đến nơi để đóng giữ các đồn trại và đi theo bọn này còn có cả "những tên lưu manh, lười biếng và nhóm thương gia đến định cư ở những vùng đất chiếm được." Thái Úy Triệu Đà được cử đến để tổ chức việc chiếm đóng quân sự . Ông đòi phải gửi đến cho ông 30.000 phụ nữ và goá phụ để lập gia đình cho quân sĩ.

Trong những năm kế tiếp, quân đội Tần và quân Yueh chiến đấu sống còn để dành miền Nam. Trên phương diện chính thức, Trung Quốc chia đất Yeuh (Việt) ra thành từng quận và sử liệu ghi rằng các hoàng thân trong số dân Bách Việt, đầu cúi xuống, giây thừng quấn quanh cổ, đến nộp mình xin qui hàng các viên chức Tần. Điều này có vẻ quá lạc quan bởi vì một sử gia Trung Quốc, gần một thế kỷ sau, khi viết lại việc này, xác nhận rằng quân Tần

vẫn giằng co với quân Việt. Quân Tần đóng ở những nơi chẳng có giá trị gì, vì đã tiến lên rồi, khó mà rút lui được. Trong hơn 10 năm, đàn ông thì lăm lăm gươm giáo, đàn bà lo việc tiếp tế. Dọc đường người ta thấy cả những người treo cổ lên những cành cây vì không chịu nổi đau đớn hành hạ phải tự vẫn. Thế rồi xảy việc Tần Thủy Hoàng chết, và đất nước lại lâm vào cảnh đại loạn.

Tần Thủy Hoàng chết năm 210 TCN. Những tham vọng của ông đã gieo lên đất Việt như một con thú hung dữ, gây ra đợt tàn phá tan hoang bối cảnh yên tịnh của người Việt thời thượng cổ.

Vua Hùng Vương cuối cùng bị mất ngôi về tay một người đã áp đặt quyền hành của ông lên các Lạc Hầu, lập ra nước Âu Lạc và lấy tên là An Dương Vương. Tổ tiên của An Dương Vương không đuợc rõ rệt; điều duy nhất mà sử liệu nói đến, ông là người họ Thục, phiên âm tiếng Việt của Shu, và chính tên ông là Phán.

statute of an duong vuong Thục Phán là ai và từ đâu đến là 2 vấn đề quan trọng trong lịch sử Việt Nam từ buổi sơ khai. Họ Thục của ông khiến nghĩ rằng ông có liên hệ đến cấp cầm quyền của nước Thục ở Tứ Xuyên năm xưa, và đây là tư duy cổ của các sử gia Trung Quốc và Việt Nam. Nhưng dù có thực là như thế, Tứ Xuyên đã bị nhà Tần lấy từ 1 thế kỷ trước rồi, và gia đình Thục Phán tất đã phải đi định cư ở 1 nơi khác trong thời gian ấy.

Một lập luận khác được truyền khẩu, nhưng cũng chỉ mới thôi, cho rằng họ Thục sống ở thung lũng Cao Bằng, nơi mà sông Tích ở Hoa Nam ăn thông với đồng bằng sông Hồng. Theo ý kiến này, mà sự chính xác còn nhiều nghi ngờ, vào cuối thời các vua Hùng, họ Thục đang cai trị 1 xứ là Nam Cương, tức "biên cương phiá Nam". Gồm đất Cao Bằng và những phần đất thuộc Quảng Tây ở quá phiá Bắc. Khi phụ thân ông mất, Thục Phán vẫn còn bé. Nhưng tính thông minh xuất chúng của ông khiến ông đã bảo tồn được ngai vàng của vua cha. Xứ "Nam Cương" mạnh lên, và nước Văn Lang thành yếu đi; thế là Thục Phán chiếm lấy Văn Lang, lập ra nước Âu Lạc.

Việc họ Thục lập nghiệp ở biên thùy Văn lang trải qua nhiều thế hệ được hậu thuẫn bởi 1 huyền tích về cuộc đánh nhau giữa Sơn Tinh và Thủy Tinh, ghi trong 1 doạn trích dẫn hồi thế kỷ 14 từ một thư tịch của thế kỷ 9. Theo thư tịch này, một tiền bối của Thục Phán đã đến cầu hôn với một công chúa của vua Hùng. Mẵc dầu vua Hùng bằng lòng, nhưng các Lạc hầu lại không ưng và nói: "Họ chỉ muốn dòm ngó đất đai của ta thôi." Lại một nguồn thư tịch khác ở thế kỷ 14 thuật lại thời kỳ này để giải thích rằng về sau Thục Phán chiếm cứ Văn Lang để trả thù cho tiền bối của ông. Một bài thơ viết về Mê Linh của một quan chức Việt Nam ở thế kỷ 14 có câu viết: "Ôi hào quang rực rỡ của Văn Lang; Soi sáng cả non sông đất Thục." Ý muốn gợi nhớ đến họ Thục là láng giềng cũ của Văn Lang.

Việc họ Thục cai trị một xứ tên là "Nam Cương," có những chứng cứ như sau: Về mặt địa lý, đất Cao Bằng và những phụ cận gồm có miền biên thùy thiên nhiên ở phiá Nam bộ lạc Tây Âu. Với tư cách là một giòng họ, Thục có lẽ đã truy cập giòng dõi của mình lên tới thời nhà Thục ở Tứ Xuyên, nhưng thực tế chính trị của thời ấy và địa điểm chắc chắn đã buộc họ Thục phải có liên kết giữa họ với các thủ lãnh Âu Việt ở Quảng Tây.

Khi quân Tần tiến vào Quảng Tây và giết thủ lãnh Tây Âu, dân chúng bỏ trốn vào những vùng hoang dã, và lãnh thổ của họ Thục là một nơi ẩn trốn thiên nhiên rất tốt. Dưới sự chiếm đóng của quân Tần, họ Thục có thể đã lôi kéo được những thủ lãnh Tây Âu khác thất thế đang muốn lấy lại giang sơn của mình, và nhờ họ cùng thế lực ảnh hưởng của họ mà Thục trở nên cường thịnh và hiếu chiến đối với dân tộc láng giềng ở phiá Nam tức vùng đồng bằng sông Hồng. Cuộc chinh phục sau đó đã đưa đến 1 sự pha trộn ngưòi Âu kéo đến với dân Lạc thường trú mà thành nuớc Âu Lạc.

Sự hiểu biết của chúng ta về nước Âu Lạc là một sự lẫn lộn huyền tích với lịch sử. Vua An Dương là người đầu tiên trong lịch sử Việt Nam được minh xác bằng tài liệu xuyên qua những thư tịch đáng tin cậy, nhưng phần lớn những am hiểu của chúng ta về triều đại của ông lại đã tồn tại qua hình thức những huyền tích. Đất Mê Linh vẫn là một trung tâm quyền lực của Lạc. Các thủ lãnh Âu mới đến đã lập trị sở của họ ở Tây Vu, nơi đây họ xây thành mới gọi là Cổ Loa hay Cổ Loa Thành tức là "thành hình xoắn ốc." Danh hiệu này được gọi theo những bức tường thành được xây xoáy vào giữa như 1 con ốc. Những di chỉ khảo cổ ở Cổ Loa đã cho thấy một ảnh hưởng rất lớn của kiến trúc miền Bắc, nhưng những đồ gốm và những mũi tên bằng đồng lại là những phát triển của công nghiệp địa phương. Những sự kiện quanh viêc xây thành Cổ Loa đã được nhớ lại trong huyền tích con rủa vàng.

co loa thanh (Thành Cổ Loa ngày hôm nay)

Huyền tích kể rằng việc xây thành bị bế tắc vì mỗi đoạn xây xong lúc ban ngày lại bị bí mật phá vỡ trong đêm bởi các thần linh đất Cổ Loa. Những thần này muốn trợ giúp cho vị hoàng tử của vua trước trả thù việc ông bị mất ngôi kế vị. Các thần này được chỉ huy bởi một con gà trắng tuổi đã ngàn năm đậu ở núi Tam Đảo gần đó. Một con rùa vàng xuất hiện, khuất phục đuợc con gà lông trắng và đã ở lại với vua An Dương cho tới khi thành xây xong. Khi từ biệt, thần rùa đã đưa cho vua một cái móng rùa của mình để chế tạo thành 1 cái lẫy cho chiếc nỏ của nhà vua và quả quyết rằng với lẫy nỏ đó, vua có thể tiêu diệt được bất cứ kẻ thù nào. Vua An Dương trao trách nhiệm cho 1 ngưòi là Cao Lỗ làm nỏ và đặt tên là "Chiếc Nỏ Thần Của Móng Rùa Vàng Thiên Liêng."

Câu chuyện nỏ thần dường như đã được truyền vào Trung Quốc bởi các dân tộc Đông Nam Á ở phía Nam trong thế kỷ thứ 3 và 4 TCN. Vũ khí này nhanh chóng được công binh Tần nghiên cứu làm theo; lẫy nỏ có thể chịu được 1 sức ép rất lớn và có thể bắn đi 1 mũi tên với sức mạnh lớn hơn bất cứ loại nỏ nào. Việt Nam đã đào được 2 cái lẫy nỏ bằng đồng như thế và hầu hết những bộ phận khác được làm bằng tre. Chiếc móng rùa dùng làm lẫy nỏ chứng tỏ tính cách quân sự của những cuộc chinh phục của An Dưong Vương và có lẽ nền cai trị của ông được căn cứ trên sức mạnh hay sự đe dọa dùng sức mạnh.

Việc xây thành Cổ Loa và huyền tích móng rùa gợi lại kiểu kiến trúc thành được nhà Tần xây dựng ở Tứ Xuyên sau khi phá được nhà Thục một thế kỷ trước đó. Những nỗ lực cai trị trong suốt thế kỷ thứ 3 cũng được cho là có liên quan đến quyền lực của các vị thuỷ thần.

Chủ đề chính trong huyền tích An Dương Vương là sự so tài đọ sức giữa thần Bạch Kê (gà trắng) và thần Kim Quy. Gà là một biểu tượng bản xứ rất cổ. Một bức tượng gà bằng đồng từ cuối thiên niên kỷ thứ Nhất TCN đã được khảo cổ đào thấy ở Mê Linh. Mặt khác, rùa chính là biểu tượng của thần Chiến Tranh của Trung Quốc (tức là thần Trấn Vũ). Những câu chuyện về vật tổ (totem) cũng nói lên sự thay đổi vận mệnh chính trị. Theo một huyền tích khác cũng vào thời kỳ đó, vua An Dương được miêu tả như hiện thân của thần Kim Kê và các Lạc Hầu cầm tinh Khỉ Trắng (Bạch hầu). Sau khi đã khuất phục được Bạch Kê nhờ sự trợ giúp của thần Kim Quy, vua An Dương được cho là đã thâu hút được linh khí của Gà vào mình biến màu trắng của nó ra thành màu rùa vàng; còn màu trắng nguyên vẫn là biểu tượng của uy quyền bản xứ, tuy là màu của các Lạc Hầu.

Huyền thoại rùa vàng được thuật lại từ cái nhìn của kẻ đi chinh phục, tức vua An Dương, cũng như việc xây thành Cổ Loa và chuyện đánh đuổi được những lực lượng có ý cản trở công cuộc xây thành. Chuyện Rùa Vàng có truyền thống từ những chiến dịch xâm lược ở phía Bắc để tượng trưng cho thế thượng phong quân sự. Thế nhưng huyền tích này đã được lưu truyền với hàm ý Rùa Vàng là hiện thân của Lạc Long Quân trú đóng ở địa thế trong đồng bằng sông Hồng. Điều này biểu lộ chuyện các Lạc Hầu đã hội nhập cấu trúc chính trị mới vào những huyền thoại lập quốc sẵn có.

Tương tự, danh hiệu Âu Cơ có lẽ cũng đã được lồng vào huyền thoại Lạc lúc đó để tượng trưng sự kết hợp chính trị của Âu và Lạc qua cuộc hôn nhân của Âu Cơ là người đến cùng với kẻ xâm lăng từ phương Bắc, lấy Lạc Long Quân, người anh hùng văn hoá của phương Nam. Âu Cơ nguyên thủy là mẹ sinh ra các vua Hùng, nhưng lại có thể có liên quan đến Ngu Cơ, con hươu thần trong huyền thoại của người Mường là những bà con miền núi của người Việt.

Huyền tích Lý Ông Trọng duy chỉ nói đến sự tiếp súc của vua An Dương với nhà Tần. Lý Ông Trọng là một người Việt Nam to lớn đã được vua An Dương đem triều cống Tần Thủy Hoàng; và sau khi làm nhiệm vụ xuất sắc đánh được quân Hung Nô, ông đã được cho về quê cũ rồi chết ở đó. Tuy nhiên, việc tế thờ Lý Ông Trọng chỉ được khởi xướng vào thế kỷ 9 bởi một quan Thứ Sử ở Giao Chỉ; nên huyền tích về ông có lẽ ít liên quan đến những biến cố thời vua An Dương.

Triều vua An Dương là một thời đại chuyển tiếp. Ông đến từ miền Bắc, xây được 1 toà thành lớn. Mặc dầu đã khuất phục được các Lạc Hầu, nhà vua đã không tước mất quyền hành của họ. Chính ra, nhà vua đã được hấp thụ bởi chính truyền thống của dân tộc mà ông đã chinh phục. Về sau, ông lại bị làm mồi cho những lực lượng mạnh hơn từ miền Bắc kéo đến.

Wed, July 28, 2010 7:39:40 AM
[HOATUDO] Keith Weller Taylor :việt nam khai quốc: triệu đà (chương 1, phần 3)
...
From:
MY LOAN
...
View Contact
To:Hoa Tu Do ; Hoang DuocThao ; MY LOAN

Việt Nam Khai Quốc: triệu đà (chương 1, phần 3)

Trong khoảng thời gian ngắn ngủi nhà Tần cầm quyền, các vua của các xứ Đông Âu và Mân Việt bị hạ xuống làm chư hầu. Nhưng sau khi Tần Thủy Hoàng chết và triều đại của ông sụp đổ, các xứ ấy phục hồi được chút ít độc lập dưới triều Hán. Nhưng sự việc lại diễn tiến khác hẳn ở những địa thế xa hơn về phía Nam.

Khi Tần Thủy Hoàng mất và đế quốc Tần sụp đổ, quân đội của ông đến chiếm đóng đất Việt ở lưu vực sông Tích bị lạc lõng giữa đất địch. Theo lời 1 tác giả cổ, “họ đã gặp nhiều sự không may quá sức chịu đựng” và những tướng chỉ huy của họ “nghi ngờ lẫn nhau.”

Những thư tịch còn sót lại nói rằng khi Thứ Sử Quảng Châu sắp mất, ông gọi người duy nhất được ông tin cậy là Triệu Đà đến bên giuờng. Ông căn dặn Triệu Đà đừng nên liên lụy vào những cuộc nổi loạn đang diễn ra ở Hoa Bắc, và khi nhấn mạnh đến sự xa xôi của Quảng Châu, ông nói :” Với số đông các dân Trung Quốc ở đây, chúng ta có phương tiện để đứng lên dành quyền tự chủ và sáng lập 1 vương quốc”. Sau khi ông chết, Triệu Đà lên nắm quyền. Ông đóng cửa những ngọn đèo mở cửa lên miền Bắc và loại bỏ những quan chức nào không trung thành với ông. Ông nắm trọn quyền kiểm soát vùng lưu vực sông Tích và tự xưng là vua Nam Việt (Nan Yueh).

Triệu Đà thành công không phải chỉ vì ông có tài tập hợp được những người Trung Quốc di cư đến phía Nam, mà cũng còn vì ông rất được số những người phi Hoa yêu mến. Năm 196 TCN, 1 sứ giả của triều đình Hán mới thành lập đem ấn tín đến thừa nhận Triệu Đà làm vua Nam Việt. Triệu Đà đón tiếp sứ giả theo phong tục dân địa phương, “tóc kết thành búi và ngồi xổm.” Sứ giả trách Triệu Đà là quên cả tổ-tiên thực sự của mình và dám tách rời ra khỏi đế quốc Trung Hoa. Triệu Đà xin lỗi và nói, sau nhiều năm sống ở Nam, ông không còn nhớ những tập quán phong tục của Bắc phương nữa.

Thật vậy, Triệu Đà thu phục được lòng trung thành của các dân tộc địa phương nhờ sự ông chống lại nhà Hán. Điều này được chứng minh năm 185 TCN khi Lã Hậu nhà Hán có ý gờm thế lực của ông nên đã cấm bán sắt, vàng, vũ khí, ngựa và gia súc cho Nam Việt. Triệu Đà đáp lại bằng cách đánh chiếm 2 tỉnh của nhà Hán mà bây giờ là Hồ Nam. Ông lại còn tự xưng là Hoàng Đế và kết thúc quyền bá chủ của nhà Hán được ngầm hiểu trước đây qua việc ông nhận ấn tín năm 196 TCN. Lã Hậu bèn sai 1 đạo quân đến đánh nhưng quân sĩ bị bệnh tả hoành hành, và sau khi Lã Hậu mất vào năm 180 TCN, những binh sĩ được sai đi đánh Nam Việt được gọi về.

Sử viết: “với sức mạnh quân sự, Triệu Đà gây nên bao sự sợ hãi ở miền biên giới và với những quà cáp phong phú, ông thâu phục được xứ Mân Việt và Âu Lạc làm chư hầu. Những chi tiết của cuộc chinh phục này không được ghi lại chính xác. Tuy nhiên, huyền tích đã nói đến cuộc đổi chủ của chiếc móng rùa làm lẫy nỏ, từ tay An Dương Vương sang tay Triệu Đà. Cũng theo huyền tích, lẫy nỏ vào tay ai làm chủ là người ấy có quyền và có thế lực để cai trị. Theo lời của Cao Lỗ, người đã sáng chế ra lẫy nỏ:” ai được nỏ là ngưòi ấy làm chủ đất nước; ai không giữ được nỏ phải bị diệt vong.”

Vì không thắng được trên chiến trường, nên Triệu Đà xin hoà và sai con là Trọng Thủy sang ở triều đình An Dương Vương làm con tin. Trọng Thủy dần dà chiếm được lòng tin cậy của An Dương Vưong và trái tim của con gái An Dương Vương là Mỵ Châu. Nhờ Mỵ Châu nên Trọng Thủy lân la được đến kho võ khí của nhà vua, rồi ăn cắp được chiếc lẫy khiến cho nỏ thần thành vô dụng. Trọng Thủy quay trở về với vua cha và Triệu Đà lại gây chiến; lần này ông thắng. An Dương Vương bỏ chạy đến gần bờ biển và được ruà thần nổi lên đón, đưa về Thủy cung.

Chủ đề của câu chuyện là quyền thống trị của Triệu Đà được chính thống hóa. Người Việt Nam cổ bước chân vào thế giới các vương quốc và đế quốc bắt đầu từ triều đại An Dương Vương. Trước đó, và cứ theo 1 tác giả cổ Trung Quốc, người Việt Nam sống ở “trong vòng hoang dại tối tăm.” Nhưng giờ đây, thời tiền sử lâu dài trong sự cô lập tương đối đã hết: Người Trung Quốc đã đến nơi cửa ngõ! uyền tích móng rùa làm thành lẫy nỏ thần, tượng trưng cho 1 khuynh hướng chính trị đi lên chính là phương tiện để tiến tới quan niệm 1 thế giới đổi thay khác.

Triệu Đà chia đất Âu Lạc vừa chinh phục được ra thành 2 quận Giao Chỉ và Cửu Chân. Giao Chỉ nằm trong đồng bằng sông Hồng và Cửu Chân ở đồng bằng sông Mã, nhỏ hơn và ở xa về phíaNam. Cái tên Giao Chỉ được lấy ở kinh Lễ, một sách giáo khoa cổ của Trung Quốc. Trong sách đó, từ này được dùng để miêu tả thói quen quê mùa của bọn “Nam Man.” Giao Chỉ có nghĩa là những bàn chân quấn lấy nhau: đó là phong tục của những người hay nằm ngủ với nhau thành nhóm, mỗi người nằm, đầu hướng ra ngoài, chân chụm vào với nhau ở giữa.

Tuy vậy, không phải là người Giao Chỉ có cái tục đó, bởi vì Giao Chỉ là từ nói về gia đình của người họ Chương (Cheng) trong kinh Lễ, và họ này làm vua ở Hồ Nam từ năm 774 đến 500 TCN. Vào thời đó và theo địa danh đó, “Nam Man” có lẽ là những tộc dân ở lưu vực sông Dương Tử hay xa hơn nữa là lưu vực sông Tích chứ không phải là 1 nơi xa tít về mãi phiá Nam như lưu vực sông Hồng. Tuy nhiên kinh Lễ là sách giáo khoa của Trung Quốc, và ngôn từ của sách rất có uy tín, được áp dụng không phân biệt bởi hậu thế trong những điều kiện đương thời của họ.

Còn nguồn gốc của danh hiệu Cửu Chân thì không được biết rõ, vì không có sách cổ nào nói cả. Dịch nghĩa đen, là 9 chân lý, và có lẽ do 1 từ triết lý nào đó. Xét như vậy, 2 danh hiệu trên được đặt ra từ di sản của văn minh Trung Quốc. Nhưng vốn là 2 cái tên cố định địa-chính trị Việt Nam trong nhiều thế kỷ về sau nên chúng đã gợi thêm nhiều ý nghĩa mới được địa phương hóa và gợi ra những cách sử dụng mới hơn. Chẳng hạn như vào thế kỷ 16, Giao Chỉ đã được dịch nghiã là “Cochin” trong ngữ hệ Bồ Đào Nha và do đó, nảy sinh ra cái tên “Cochinchina” (chỉ miền Nam Việt khi người Pháp đánh chiếm đất này).

Triệu Đà sai hai sứ giả đến làm Thái Thú 2 quận mới này ở Việt Nam; còn các Lạc Hầu vẫn được giữ nguyên địa vị, chức tước; và triều đình vẫn đóng ở Cổ Loa. Các Lạc hầu vẫn có quyền như trước; nhưng bây giờ thành chư hầu của Triệu Đà Nam Việt. Các Thái Thú lo việc phát triển các trung tâm thương mại lúc đó là trọng tâm của Triệu Đà.

Lần đầu tiên trong lịch sử, dân tộc Việt Nam trở thành phần tử của một vương quốc bao gồm khắp cả miền Hoa Nam. Vương quốc này mang dấu ấn của người sáng lập ra nó, tức Triệu Đà. Thư tịch ghi rằng Triệu Đà trị vì trên 70 năm và chết năm 136 TCN, thọ 121 tuổi. Ông được người cháu 70 tuổi lên nối ngôi, là Triệu Hổ.

Triệu Đà được các sử gia Việt nam sau này viết là một ông vua đã bảo vệ đất đai Việt chống lại Trung Quốc xâm lược. Ông vẫn được thờ phụng ở nhiều nơi tại Bắc Việt. Giang sơn Nam Việt của ông là nguồn cảm hứng cho nhiều thế kỷ về sau. Ký ức Nam Việt đã khuyến khích các anh hùng nổi loạn địa phương xưng vương là vua Nam Việt. Đồng thời, các học giả Trung quốc xuống thăm miền Nam thường làm một hai bài thơ tưởng nhớ Triệu Đà, vị thủ lãnh Trung Quốc đầu tiên ở phương Nam xa xôi này. Hình ảnh của vị vương vĩ đại của đời xưa rất được lòng dân ấy đã sống mãi ở vùng Quảng Châu cho đến tận đời nhà Đường.

Dinh Phu SaĐình Phù Sa, huyện Yên Mô, Ninh Bình (nơi thờ đình hoàng Triệu Đà)

Triệu Đà có chân dung ở cả hai thế giới: miền Bắc là đế quốc đang bành trướng và miền Nam, là một vùng đang thu hẹp. Người Trung Quốc nhớ đến ông như một quan chức của Hoàng Triều nhưng lại có thái độ độc lập; và người Việt Nam nhớ đến ông như một vị vua vĩ đại dám chống lại nhà Hán. Ông là vị thủ lãnh cuối cùng có chỗ đứng trong huyền thoại Việt Nam thời cổ. Việc ông sở hữu chiếc móng rùa thần tượng trưng cho việc ông được nhận là chính thống trong lòng người dân Việt và cũng chính thức hóa việc ông kế ngôi vua An Dương. Nhưng sau khi ông chết, Nam Việt ngày càng rơi vào ảnh huởng nhà Hán.

Nguời Hán Đến Việt Nam

Ảnh hưởng của nhà Hán bành trướng xuống miền Nam, và những người còn sót lại của lớp thống trị Nam Việt cũ cảm thấy ngày càng lâm nguy. Khi Triệu Đà chết, nước Mân Việt ở Bồ Kiên vùng vẫy chống lại sự đe dọa bị tiêu diệt bằng những hành động hiếu chiến ngày càng mạnh. Vì sợ người Mân Việt, nên dân tộc Đông Âu, ít hung hăng hơn ở phiá Nam Chiết Giang, phải bỏ đi di cư, trong khoảng những năm từ 138 đến 135 TCN, đến vùng an toàn hơn nằm trong lãnh thổ của Hán. Năm 135 TCN, Mân Việt tấn công Nam Việt với hy vọng đánh thức được xứ này ra khỏi cái chính sách thụ động, thân Hán của họ. Nhưng Nam Việt lại không dám theo, mà thay vào đó, lại tâu lên với Hán triều xin làm 1 chư hầu trung thành. Việc Triệu Hổ, tức Triệu Vũ Đế của Nam Việt lệ thuộc nhà Hán trong khi có cuộc khủng khoảng Mân Việt là 1 điều đặc biệt trong vấn đề Nam Việt quan hệ với Hán.

Năm 124 TCN, Triệu Hổ chết và con là Triệu Anh Tề lên ngôi. Nhưng vì còn nhỏ tuổi nên Anh Tề được gởi sang phục vụ tại triều Hán; nhờ đó sau đã lấy được 1 thiếu nữ làm nghề hèn hạ tên là Cù thị làm vợ. Đến khi Anh Tề lên ngôi vua, Cù thị thành Hoàng Hậu; và đến khi ông chết vào năm 113 TCN, Cù thị thành Mẫu hậu Nhiếp chính, cầm quyền nhân danh con trai là Triệu Hưng tức Triệu Ai Vương.

Sau khi Triệu Anh Tề chết, nhà Hán bèn phái ngưòi tình nhân cũ của Cù thị sang làm sứ giả tại triều đình Nam Việt. Sứ giả này tìm cách nối lại tình xưa với Cù thị và Cù thị bằng lòng. Thế là phe theo Hán bèn đòi đem luật pháp Hán thi hành ở Nam Việt, rồi lại đề nghị nhà vua còn nhỏ tuổi sang ở triều Hán. Nhưng quân lực Nam Việt lúc ấy lại ở trong tay của Thừa tướng Lữ Gia, 1 người gốc Nam Việt mà cả giòng họ đã từng theo Triệu Đà từ ngày sáng lập ra Nam Việt; và qua nhiều thế hệ đã kết thông gia qua lại với hoàng gia.

Sách chép rằng “dân Yueh” tin cậy và yêu thương gia đình họ Lữ hơn cả nhà vua. Lữ Gia chống lại ảnh hưởng ngày càng tăng của nhà Hán nên triều đình chia ra làm 2 phe võ trang. Triều đình Hán bèn phái xuống Nam 2.000 binh sĩ để bảo vệ phe thân Hán ở quanh Thái hậu Nhiếp chính và nhà vua trẻ tuổi Triệu Hưng.

Được tin binh Hán kéo đến, Lữ Gia bèn huy động quân sĩ giết chết bất cứ người Hán nào có thể giết được, kể cả nhà vua Triệu ít tuổi. Rồi ông đưa người con rể của ông lên ngôi, tức là anh cùng cha khác mẹ với Triệu Hưng. Ông lại điều động quân sĩ lên miền biên thùy bố trí. Nhưng Hán triều phản ứng bằng cách phái xuống Nam 5 đạo quân dưới quyền chỉ huy của tướng Lộ Bác Đức, tước hiệu ” Phục Ba Tướng Quân”. Đó là vào năm 111 TCN, năm ấy triều đại Nam Việt chấm dứt. Cuộc kháng chiến của Lữ Gia đã được dân Việt Nam cảm phục và họ lập đền thờ ông ở Mê Linh.

Khi quân Lộ Bác Đức kéo đến gần đất Giao Chỉ, gặp 2 vị sứ giả mà Triệu Đà cử sang Giao Chỉ trước kia, ra đón. Sử chép rằng 2 sứ giả này đã dâng lên Lộ Bác Đức 100 gia súc, 1.000 cân rượu và bản kiểm tra dân số ở Giao Chỉ thuộc thẩm quyền của họ. Lộ Bác Đức công nhận hai người và xác nhận quyền hành của họ trên chức vị thái thú và các Lạc hầu được tiếp tục cai trị dân như cũ.

Nên cân nhắc dữ kiện về chuyện dâng tiến gia súc, rượu và bản kiểm tra dân số. Gia súc và rượu không thành vấn đề, bởi không có lý do gì để nghi ngờ khả năng của Giao Chỉ tiếp tế được những thứ đó. Nghênh đón một đạo quân bằng thực phẩm và đồ uống là một lễ nghi nhằm được sự thuận tiện về sau. Nhưng việc họ nộp bản kiểm tra dân số hàm ý công việc hành chánh đã ổn định. Dù sao đi nữa, chúng ta vẫn có thể tin rằng cuộc kiểm tra dân số đã không được tiến hành rộng rãi trên khắp xã hội Lạc bởi các Lạc hầu vẫn còn nắm quyền kiểm soát rộng lớn đất đai và dân chúng trong thời kỳ đó.

Các sứ giả Nam Việt vẫn tỏ ra quan tâm nhiều hơn đến việc quản lý những đường thông thương buôn bán và quản trị những trung tâm thương mại. Phạm vi hoạt động hành chánh của họ chắc chỉ nhắm vào những vùng tiếp cận với các thị trấn buôn bán nơi họ lưu trú. Có thể là quyền hành của các sứ giả cũng nới rộng ra một vài vùng xung quanh và dân chúng ở những nơi đó có thể đã được nhận biết chính thức theo một phương thức nào đó.

Nhưng ta nên nhớ làm được việc kiểm tra dân số có nghĩa là uy tín của những quan chức Trung Quốc dưới quyền Triệu Đà đã được hợp thức hóa, cho nên chuyện sở hữu của những bản kiểm tra dân số cần được lưu ý—nhất là qua những sự việc lịch sử mà chúng ta vừa thảo luận, khi các quan chức địa phương muốn thiết lập sự hữu hiệu của mình dưới mắt kẻ xâm lăng.

Sau lưng các sứ giả, các Lạc hầu cũng quan tâm đến việc giữ được địa vị của mình như cũ, và có thể cho rằng việc gặp gỡ của hai vị sứ giả với tuớng Lộ Bác Đức chính là kế hoạch của một chính sách chung mà hai bên, Lạc hầu và sứ giả, đã bàn định trước với nhau để đối phó với đạo quân viễn chinh mới đến. Có điều được thấy rõ là sau khi qui thuận nhà Hán, các “Lạc hầu vẫn được cai trị dân như cũ.”

Việc chuyển quyền bá chủ sang tay nhà Hán không phải là được hoàn toàn yên ổn, bởi vì vào năm 111 TCN, có một vị “Tả Tướng Quân của Âu Lạc cũ” được nhá Hán phong tước cho để thưởng công ông đã giết được “vua Tây Vu.” Nhà vua này có thể là người ở Cổ Loa, chư hầu của Nam Việt cũ. Và với sự sụp đổ của Nam Việt, ông có thể đã không chịu quy thuận nhà Hán và mưu toan chống cự. Vị Tả Tướng Quân đó có thể lại là 1 quan chức cao cấp đã phá vỡ được âm mưu này với sự giúp đỡ của 2 sứ giả kia; hoặc có thể ông đã giết nhà vua đó theo chỉ thị của triều Hán, để tự cứu mình. Dân chúng không gặp khó khăn gì sau biến cố này, và địa vị của các Lạc hầu không bị lung lay.

Việc sách chép sơ qua về “nhà vua Tây Vu” là lần đầu tiên tên “Tây Vu” được nhắc đến trong lịch sử Việt Nam. Chúng tôi cũng đã dùng tên này khi sưu tầm các danh xưng vùng đất thành Cổ Loa được xây dựng. Sau năm 111 TCN, nhà Hán có nhắc đến vùng này là “huyện Tây Vu”. Đến năm 43 sau CN, khi các Lạc hầu bị mất ngôi vị, Tây Vu được chia ra làm 2 quận mới và tên Tây Vu bị xoá bỏ. Có thể hữu lý khi liên kết Tây Vu vào di sản Âu Lạc. Chính 1 quan chức “của nước Âu Lạc cũ” đã giết vua Tây Vu và danh hiệu đó chỉ còn sống với thời gian mà Âu Lạc còn được nhắc đến, rồi sau đó nó biến mất khi các Lạc hầu bị các binh sĩ Hán khuất phục. Mặc dầu nguồn gốc chính xác của Tây Vu không đuợc biết rõ, nhưng có thể cho là nó hiện hữu vào thời gian mà An Dương Vương thiết lập triều đình ở Cổ Loa, và có lẽ nó cũng có ít nhiều liên hệ với nước Tây Âu.

Sự thay đổi từ Nam Việt sang nhà Hán không để lại vết tích gì trong tư duy của dân chúng Việt Nam, không như khi Âu Lạc bị mất. Năm 111 TCN đánh dấu sự khởi đầu nền thống trị của Trung Quốc, nhưng vẫn thấy các Lạc hầu tiếp tục cầm quyền cho tới mãi năm 42 SCN mới là năm tiêu biểu rõ rệt nhất cho sự mở đầu Việt Nam bị Trung Quốc thống trị lâu dài.

Nhà Hán đã chia đất Nam Việt cũ ra thành 7 quận: Nam Hải, Thương Ngô, Uất Lâm và Hợp Phố trong vùng đất Quảng Đông và Quảng Tây ngày nay; còn 3 quận kia nằm trong đất Việt Nam. Ngoài 2 quận Giao Chỉ và Cửu Chân, lại lập thêm Nhật Nam ở vùng cực Nam, tận bên kia dãy núi Hoành Sơn. Nhật Nam có nghĩa là “phía Nam của mặt trời. Vì thực tế nó nằm ở phiá nam mặt trời trong những tháng hè. Năm ngọn đèo từng là đường biên giới phiá Bắc của Nam Việt truớc, nay được giao thẩm quyền của những tỉnh về phiá Bắc. Và thế là phương Nam mất hẳn đường biên giới thiên nhiên của mình. Số 7 quận ở miền Nam được tổ chức lại dưới tên chung là Giao Chỉ Bộ, dưới quyền cai trị của một Thứ Sử.

Phủ Thứ Sử lúc đầu được đặt ở thành Luy Lâu trong quận Giao Chỉ, nhưng đến năm 106 TCN được di chuyển về Thương Ngô, ở trung tâm Giao Chỉ Bộ, là Quảng Tây bây giờ. Việc di chuyển Phủ Thứ sử ra khỏi Luy Lâu nằm dưới đồng bằng đông dân cư lên một thung lũng ở Thương Ngô, trên bề mặt xác nhận [chuyện] chính quyền cai trị Trung Hoa lo ngại sẽ bị xã tắc An Nam đồng hóa nếu không thiết lập bản doanh ở khu vực tương đối biệt lập.
Chỉ có tên của 3 vị Thứ Sử thời Tiền Hán được ghi lại: dưới triều Hán Vũ Đế (140-87 TCN); triều Hán Triệu Đế (80-74 TCN); và triều Hán Ngô Phương (57-54 TCN).

Thành Luy Lâu trở thành trung tâm hành chánh của quận Giao Chỉ. Khác với những trung tâm chính trị trước là Mê Linh và Tây Vu, tầm quan trọng ở chỗ “thành nằm kề miền núi”, thành Luy Lâu nay ở ngay giữa vùng đồng bằng. Việc này cho hay là việc định cư dân chúng đã lan sâu đến vùng đất trũng, cũng như tầm quan trọng chính trị đặt vào đường biển và ven biển về Trung Quốc đã tăng hơn lên. Thành Luy Lâu dường như đã là trị sở của 2 vị sứ giả thời Nam Việt cũ, và chính yếu là 1 trung tâm thương mại quan trọng.

Ngoài việc đặt trị sở của quận tại Luy Lâu, nhà Hán còn thiết lập một tiền đồn quân sự dưới quyền chỉ huy của một viên Đô Úy ở Mê Linh, có lẽ là để kiểm soát những con đường dẫn vào trong núi. Những đồn binh nhỏ của quân Hán được lập tại Mê Linh và Luy Lâu, nhưng phạm vi hoạt động của chúng rõ ràng được giới hạn vào việc bảo vệ tài sản và sinh mạng người Hán.

Quận giao Chỉ được chia làm 10 huyện, tất cả đều tập trung ở phiá Bắc và Tây vùng đồng bằng. Xa về phiá Nam, quận Cửu Chân gồm 7 huyện và cả trị sở của viên Đô Úy. Quận Nhật Nam có 5 huyện. Thay vì có quyền hành chánh trực tiếp, những huyện này được hiểu là chỉ đại diện cho những khu vực quá quen với người Trung Quốc, nơi thường có hình thức thương mại hay việc cống nộp nào đó qua địa phương.

Những tiền đồn Hán trước hết lại là những trung tâm thương mại. Nhà Hán vẫn chưa quan tâm đến việc thiết đặt một hệ thống hành chánh toàn diện ở phương trời xa xôi hẻo lánh này. Thực ra, họ chỉ muốn bảo đảm an toàn cho những đường thông thương về thương mại và đi tới được những địa phương có các loại hàng hoá xa xỉ, đắt tiền của miền nhiệt đới, trong biển Nam Hải. Thay đổi sẽ chẳng có lợi gì mà đưa binh sĩ đến những nơi đó lại còn tốn kém nhiều hơn nữa.

Mặc dầu các Lạc hầu vẫn tiếp tục cai trị như cũ, nhưng qui chế của họ bắt đầu có thay đổi nhẹ nhàng, nhưng rất có ý nghĩa. Nhà Hán “thiết đặt” ra những “quận” và “huyện” trong xã hội Lạc có nghĩa là các Lạc hầu chính thức được coi như viên chức cấp quận và huyện. Bằng cách nộp đồ cống lễ đều đều, họ sẽ được cấp cho “giải thao xanh và ấn đồng” để chính thức làm việc dưới con mắt người Hán và đề cao uy tín với những đồng nghiệp. Lớp quí tộc thời các vua cũ, dù là vua Hùng, vua An Dương hay vua “Tây Vu” nay được thay thế bằng những viên chức bàn giấy căn cứ theo cách thức tổ chức hành chánh quận hay huyện. Như vậy là trong khi nhà Hán chính thức cho các Lạc hầu được quyền cai trị theo đường lối cũ, nguyên tắc hành chánh mới đã được chính thức thành lập.

Không có thông tin gì về những biến cố chính trị ở Việt Nam trong thế kỷ 1 TCN, nhưng chúng ta có thể đặt giả thuyết là các Lạc hầu chấp nhận vai trò được chỉ định của họ theo lý thuyết trong khuôn khổ hành chánh cấp quận và huyện của Hán. Giả thuyết này được hậu thuẫn bởi việc kiểm tra dân số vào năm 2 SCN. Theo đó 7 quận huyện của Việt Nam kiểm tra được 143.643 hộ dân với 981.755 người; 67% tổng số hộ và 72% tổng số dân được đăng ký trong khắp Giao Chỉ Bộ năm ấy. (Xem bảng 1). Những số thống kê này cho thấy mức độ tham gia của các Lạc hầu vào công việc hành chánh của Hán, bởi việc đăng ký kiểm tra như thế chắc chắn phải được hoàn thành với sự trợ giúp của họ và có thể được coi như phản ánh xã hội Lạc thời đó.

Việc kiểm tra lại trùng hợp với thời kỳ ông Tích Quang làm Thái Thú Giao Chỉ. Ông ra làm quan dưới thời Hoàng Đế Bình (1-5 sau CN) và được tiếng là đã mở nhiều trường học, thi hành những tục lệ hôn nhân kiểu Trung Quốc, bắt dân phải đi giầy, đội nón cùng là “giáo dục họ về lễ nghĩa và luật pháp.” Những cải cách của ông Tích Quang cho thấy là các quan chức nhá Hán đang bắt đầu một chính sách tích cực hơn đối với đời sống dân bản xứ. Chính sách này được đẩy mạnh thêm trong những năm kế tiếp sau khi có một số dân tị nạn Trung Quốc kéo xuống miền Nam.

Năm 9 sau CN, 1 quan đại thần Trung Quốc là Vương Mãng cướp ngôi nhà Hán. Những cải cách hành chánh và kinh tế của Vương Mãng không thành công nên đã khiến 1 số lớn nông dân nổi loạn và đưa đến sự phục hưng nhà Hán vào năm 23 sau CN. Trong khoảng thời gian ngắn ngủi nhưng đầy rối loạn đó, nhiều người đã chạy trốn xuống miền Nam tị nạn, ở đấy đời sống còn được yên ổn hơn. Thứ Sử Giao Chỉ là Đặng Nhượng không chịu theo Vương Mãng và đóng cửa biên giới chống lại tình hình rối ren ở Bắc. Một số lớn những người Hán chức quyền cũng xuống miền Nam trú ẩn. Và những người này đã tăng cường thêm địa vị của những quan chức Hán địa phương và họ có một thái độ ít khoan nhượng hơn đối với xã hội địa phương.

Quan chức Hán nổi tiếng nhất ở Việt Nam trong thời Vương Mãng là Nhâm Diên được bổ làm Thái Thú Cửu Chân năm 25 sau CN. Cứ theo tiểu sử của ông được viết lại, ông thấy nhân dân Cửu Chân không dùng trâu bò trong nông nghiệp. Kết quả là sản xuất kém và phải mua thóc lúa của Giao Chỉ. Kinh tế địa phương chỉ căn cứ trên nghề săn bắt thú và đánh bắt cá. Và Nhâm Diên thấy như thế khó thu được thuế. Vì vậy ông cho làm những nông cụ bằng sắt và cho khai khẩn thêm đất đất hoang để trồng trọt.

Đất khẩn hoang để cầy cấy được mở rộng năm này qua năm khác. Đời sống nhân dân được an toàn hơn. Ông cũng lại thấy rằng đời sống gia đình của dân Cửu Chân không được vững bền. Đàn ông và đàn bà cứ tự nhiên cặp với nhau, không có tư duy vợ chồng, cha mẹ, con cái. Ông bèn ra lệnh bắt mỗi đàn ông trong tuổi 20 đến 50; và đàn bà trong tuổi 15 đến 40 phải lựa chọn cho mình 1 người phối ngẫu. Những quan chức địa phương được lệnh phải trả những chi phí về cưới hỏi cho những người quá nghèo không trả được chi phí đó. Ông lại dạy dân theo những tục lệ cưới hỏi của người Trung Quốc và đã từng đứng chủ hôn cho 1 ngàn cặp vợ chồng trong riêng 1 dịp. Nhiều trẻ em sinh ra sau những đám cưới ấy đều được mang họ của ông. Và sau khi ông trở về Trung Quốc, nhân dân đã lập đền thờ để tưởng nhớ ông.

Tất cả những điều kể trên đều được trích trong bản tiểu sử chính thức của ông. Cho nên chúng ta nên nhớ rằng đó là những quan điểm phiến diện, gần như chắc chắn chỉ đưa ra những nhận xét cường điệu về những thành tích tốt. Hơn nữa, các quan chức lại hay tô điểm cho bức tranh của mình thật xứng đáng để tìm cách thăng quan tiến chức. Đây có lẽ cũng là trường hợp đặc biệt ở Cửu Chân, 1 nơi cực kỳ xa xôi hẻo lánh, không thể kiểm soát được những lời khoe khoang của các quan chức. Và lại cũng là nơi mà các ông thường trú rất lo bị thuyên chuyển đi nơi khác.

Tiểu sử của Nhâm Diên vẫn hay được nói đến để làm bằng chứng rằng việc sử dụng những nông cụ bằng sắt và những trâu bò kéo đã được đưa vào Việt Nam thời đó. Đây là 1 điều xét đoán hơi vội vàng bởi vì những hoạt động của Nhâm Diên chỉ giới hạn trong vùng Cửu Chân, 1 địa phương tương đối lạc hậu. Nếu Giao Chỉ có thể sản xuất được thóc luá thặng dư để tiếp tế cho Cửu Chân thì nông nghiệp ở đồng bằng sông Hồng tất đã phải phát triển lắm rồi.

Những lưỡi cầy bằng đồng thuộc văn hoá Đông Sơn đã được đào thấy ở Mê Linh và những xương trâu cũng đào thấy ở đó đều có niên đại thiên niên kỷ 2 TCN. Chúng ta cũng đã thấy nói 100 đầu gia súc, có thể là trâu, được dâng nộp cho quân Hán năm 111 TCN. Hai đồ vật bằng đồng từ thời kỳ Đông Sơn đuợc đào thấy ở Mê Linh trông giống những mẫu cầy đã được súc vật kéo. Tuy bằng chứng này không đủ mạnh để hậu thuẫn cho điều xác định là trâu đã được dùng để kéo cầy trong thời tiền Hán. Nhưng nó cũng chứng tỏ việc dùng sức vật kéo vào những thời sơ khai như vậy không phải là không thể đuợc. Những cày có thể do người kéo, nhưng cứ theo ý niệm thông thường những súc vật kéo cũng có thể được đem dùng nếu như có nhiều súc vật.

Việc dùng súc vật kéo cày dễ tin được hơn bởi việc có những nông cụ bằng sắt, quá nặng, người không thể kéo đi dễ dàng được. Chúng ta đã thấy vào năm 158 TCN, bà Lã Hậu đã cấm xuất khẩu sắt và gia súc cùng những thứ khác sang Nam Việt như thế nào. Đây là bằng chứng đầu tiên nói trong sử liệu về chuyện sắt ở miền Nam. Có thể, nếu việc mua bán sắt bị cấm, truớc đó đã có mua bán sắt rồi. Sử gia Nhật Goto Kimpei đã đoán rằng sắt đầu tiên được đưa vào miền Nam bởi những thương nhân để đổi lấy những đồ hiếm hoi và quí báu vẫn được lớp cầm quyền Trung Quốc ham muốn.

Lại có những bằng chứng khác cho thấy chắc chắn rằng cầy sắt và súc vật kéo được dùng ở đồng bằng sông Hồng từ trước năm 111 TCN. – đây các ruộng Lạc thường cung cấp cho một xã hội đã đủ tiến bộ để áp dụng những cải tiến kỹ thuật trong nông nghiệp. Bất cứ kỹ thuật nào giúp tăng gia được sức sản xuất nông nghiệp, nhờ đó thu được thặng dư cũng được đem dùng để có lợi cho các Lạc hầu. Khó mà tin được với những đại diện của xứ Nam Việt ở ngay cạnh nách mà những Lạc hầu lại không được nghe nói gì đến những cầy sắt, và lại không biết lợi dụng những nông cụ mới ấy. Những sử liệu nói đến các ruộng Lạc dưòng như không nói đến Cửu Chân. – đó, việc phát triển nông nghiệp rõ ràng chậm hơn Giao Chỉ.

Tin tức nói về những cải cách của Nhâm Diên ngụ ý nói đến mục tiêu thu thuế trước đã. Một nền kinh tế săn thú và đánh cá thì không có thặng dư. Khi khuyến khích sử dụng cầy sắt và súc vật kéo, khẩn thêm đất hoang, Nhâm Diên nhắm mục tiêu có nguồn thu thuế ổn định. Những cố gắng của ông để cải cách hệ thống gia đình cũng vì mục đích đó. Bởi vì dân chúng không thể được kiểm tra và đánh thuế nếu không được nhận đúng là thuộc thành phần của 1 nhóm có họ hàng với nhau.

Nhưng chúng ta cũng có chút hoài nghi về những lời khoe khoang trong bản tiểu sử của Nhâm Diên nói rằng ông đã dạy dân Cửu Chân làm nông nghiệp, bởi cuộc kiểm tra làm năm 2 sau CN đưa ra 1 dân số kiểm tra là 35.743 hộ với 166.013 người. Số hộ đăng ký cho thấy có 1 đời sống nông nghiệp ổn định. Sự thật có thể là Nhâm Diên đã tăng gia được số đất canh tác và cố gắng hữu hiệu hoá việc trồng trọt bằng cách cho chế tạo những nông cụ bằng sắt và nhiều để có thể sẵn sàng sử dụng.

Những cải cách về hôn nhân mà Tích Quang và Nhâm Diên đưa ra cũng nói nên 1 sự khác biệt lớn lao giữa hệ thống gia đình của Việt Nam cổ so với Trung Quốc. Quan niệm hôn nhân của 1 xã hội phản ánh trực tiếp hệ thống gia dình của xã hội ấy. Tạo ra hệ thống gia đình Việt Nam với một quyền hành lỏng lẻo, những khuynh hướng cá nhân chủ nghiã, và với 1 đặc tính tay đôi là mục tiêu đầu tiên của chính quyền.

Quan niệm về một quyền hành chánh trị căn cứ trên một hệ thống gia đình phụ hệ được quản lý chặt chẽ. Gia đình Việt Nam, vì tính chất của nó, không phù hợp với gia đình kiểu Trung Quốc bởi vì nó thiếu mất những kỷ luật là thứ khiến cho gia đình Trung Quốc thành nền móng quyền lực Trung Quốc về chính trị và hành chánh. Chỉ tới mức độ nào mà có thể bắt người Việt Nam phải tuân theo hệ thống gia đình Trung Quốc khi ấy mới có thể cai trị được họ chiếu theo những quan niệm chính thống và sát nhập được họ vào thế giới Trung Quốc. Trung Quốc tìm cách khuyến khích lối hôn nhân ổn định một vợ một chồng để lấy đó làm cân bằng cai trị. Sự thất bại của Trung Quốc không thay đổi được chế độ gia đình ở Việt Nam trong bao nhiêu thế kỷ cầm quyền kiểm soát chính trị cuối cùng có nghĩa là sự thất bại trong cố gắng thống trị Việt Nam nói chung.

Chính sách của Trung Quốc trong những thập niên đầu của thế kỷ Thứ Nhất SCN nhằm hai mục tiêu. Một là phát triển nền kinh tế nông nghiệp cho ổn định dể dễ bề thu thuế. Hai là thiết lập một xã hội phụ hệ căn cứ trên hôn nhân, một vợ một chồng để có thể đáp ứng được lối cai trị của mình. Hai mục tiêu này tác động lẫn nhau. Nâng cao sản xuất nông nghiệp tức là tăng gia vai trò của người đàn ông trong nông nghiệp; điều này lại khuyến khích quan niệm của Trung Quốc về gia đình và xã hội. Với việc sử dụng cày sắt và những súc vật kéo, vai trò của người đàn ông trong nông nghiệp lai gia tăng cùng với sức sản xuất. Hơn nữa, những đơn vị gia đình một vợ một chồng lại khiến cho việc đăng ký và đánh thuế dễ dàng hơn.

Những chính sách ấy tượng trưng một sự thay đổi trong tư duy của Trung Quốc về Việt nam. Thay vì đơn giản thu vào những hàng hoá hiếm có và để các Lạc hầu tiếp tục động tác như cũ thì bây giờ Hán cố gắng phát triển nông nghiệp và thu thuế. Tư duy mới này dường như là do kết quả của sự hiểu biết ngày càng rõ về tiềm năng nông nghiệp của Việt Nam. Sự hiểu biết đó đã được đánh thức dậy bằng những thành công của các Lạc hầu khi có thặng dư đáng kể về luá gạo từ các ruộng Lạc. Thành công này cũng có thể được coi là hợp lý nhờ có ổn định về chính trị do hoà bình Hán đem lại cũng như nhờ những cải tiến kỹ thuật nông nghiệp.

Những cải cách trong thời Vương Mãng đặt ra một thử thách cho các Lạc hầu. Nếu các viên chức địa phương được yêu cầu đóng tiền lệ phí hôn nhân kiểu Trung Quốc cho những người nghèo theo bản tiểu sử của Nhâm Diên, như thế có nghiã là các Lạc hầu đang bị buộc phải trả tiền cho việc bành trướng ảnh hưởng của Trung Quốc lên đầu nhân dân mình, bởi vì chính các Lạc hầu là những viên chức địa phương đã lãnh ấn đồng và giây thao xanh của nhà Hán.

Trong khi quan niệm hôn nhân bành trướng khắp xã hội Lạc thì những hậu thuẫn văn hoá cho quyền hành của các Lạc hầu bắt đầu tan rã. Các Lạc hầu và những viên chức Hán tranh nhau kiểm soát những ruộng Lạc và số dân cầy các ruộng ấy. Vì những khác biệt giữa nguyên tắc cũ về giai cấp quí tộc và các nguyên tắc mới về hành chánh quận, huyện càng trở nên rõ rệt nên những Lạc hầu phải chọn lựa hoặc làm viên chức cấp dưới trong chính quyền Hán, hoặc là bỏ ra chiến đấu ngoài chiến trường.

No comments:

Thời Sự "Nóng"





------------------------------------------

---------------------------------------------------------
Vân Anh -Ngày 1 tháng 10 Hà Nội Chính Thức Bán Nước Cho Bắc Kinh
----------------------------------------