Pages/ Tác giả

Friday, July 31, 2009

Leslie H. Gelb -Tính tất yếu, sự lựa chọn, và tri thức thường nghiệm

The Hon. Leslie H. Gelb


Leslie H. Gelb

Leslie H. Gelb was president of the Council on Foreign Relations from 1993 to 2003. Before that, he was columnist, deputy editorial page editor, Op-ed page editor, national security correspondent, and diplomatic correspondent at the New York Times from 1981 to 1993. His other positions include senior associate, at the Carnegie Endowment from 1980 to 1981; assistant secretary of state for Political-/Military Affairs from 1977 to 1979; senior fellow, Brookings Institution from 1969 to 1973; director of Policy Planning and Arms Control for International Security Affairs, Department of Defense from 1967- to 1969; and executive assistant for U.S. Senator Jacob K. Javits from 1966 to 1967.


Tính tất yếu, sự lựa chọn, và tri thức thường nghiệm:

chính sách cho một thế giới hỗn mang

Leslie H. Gelb -

Trần Ngọc Cư dịch

Lời dịch giả: Leslie H. Gelb là Chủ tịch Danh dự của Hội đồng Tư vấn về Quan hệ Đối ngoại (the Council on Foreign Relations), một trung tâm nghiên cứu chuyên tìm hiểu các khuynh hướng chính trị toàn cầu và đóng góp ý kiến xây dựng cho chính sách đối ngoại Hoa Kì. Bài tiểu luận sau đây dựa vào nội dung một cuốn sách tác giả vừa cho xuất bản, Power Rules: How Common Sense Can Rescue American Policy (HarperCollins, 2009) [Những qui luật của quyền lực: Tri thức thường nghiệm sẽ cứu vớt chính sách đối ngoại của Mĩ như thế nào]. Theo Gelb, chính sách đối ngoại của Hoa Kì trong mấy thập kỉ qua đã bị ba con quỉ khống chế, đó là: ý thức hệ, chính trị trong nước, và tính kiêu ngạo quốc gia (ideologies, domestic politics, and national arrogance). Gelb cho rằng chính sách đối ngoại không phức tạp như “khoa học không gian” và ông kêu gọi những người làm chính sách phải trở lại với tri thức thường nghiệm (common sense), thoát khỏi sự trì kéo của ba con quỉ nói trên, dựa vào tình hình thực tế sao cho phù hợp với quyền lực hiện đang suy giảm của Mĩ trên trường quốc tế. Bài viết này mang tính báo động khá cao về sự tuột dốc của Hoa Kì không những chỉ về các vấn đề đối ngoại mà cả về kinh tế, cơ sở hạ tầng sức người sức của, và cái gọi là tinh thần Mĩ.

____________ _______

Hoa Kì vừa là một quốc gia vừa là một đại cường thế giới đang trên đà tuột dốc, mà người ta chỉ còn biết thở dài hay nhún vai để đánh dấu biến cố có tầm mức địa chấn này. Điều đáng ngạc nhiên là, có một số người lại không mảy may ý thức được rằng tình hình đã nghiêm trọng đến thế. Một thiểu số lại cho rằng tình hình vừa nghiêm trọng vừa vô vọng. Tôi tự xếp hàng cùng những kẻ cho rằng tình hình cực kì nghiêm trọng nhưng có thể đảo ngược được, nếu người Mĩ chịu sáng mắt tìm ra nguyên nhân và can đảm thực hiện những phép trị liệu.

Hoa Kì đang ở vào nguy cơ chỉ còn là một nước hàng đầu trong số các cường quốc chính và đang chúi mũi xuống một vị trí nằm ở khoảng giữa địa vị hãy còn được trọng vọng của nó hiện nay và địa vị hiện tại của Trung Quốc. Đây là điều không lành cho cả Hoa Kì lẫn thế giới. Nếu việc này có ngày trở thành hiện thực, các quốc gia sẽ mất một cường quốc lãnh đạo có khả năng duy trì trật tự thế giới và giúp giải quyết những vấn đề quốc tế. Người ta không quan niệm được có một quốc gia riêng lẻ nào hay một nhóm quốc gia nào, hay một định chế quốc tế nào, có thể thay thế Hoa Kì trong vai trò hiện nay – các nhà lãnh đạo của các quốc gia khắp thế giới biết rõ điều này.

Những cơ chế căn bản càng ngày càng trở nên yếu kém của Hoa Kì đã khởi động sự tuột dốc này. Nhược điểm đầu tiên là quốc gia này đã để cho kinh tế, cơ sở hạ tầng, trường học và hệ thống chính trị của mình trở nên suy yếu. Kết quả là sức mạnh kinh tế Mĩ đang suy giảm, chế độ dân chủ Mĩ mất dần sức sống, và tinh thần Mĩ trở nên nông cạn. Thật không dễ gì có thể đảo ngược tình trạng này. Nguyên do thứ hai gây ra sự tuột dốc là vì Hoa Kì đã không sử dụng quyền lực quốc tế của mình một cách hiệu quả, khiến cho những nan đề của chính nước Mĩ và của nhiều nước khác ngày càng trương to và nhức nhối thêm. Ở đây tôi chỉ chủ yếu bàn về chính sách đối ngoại.

Chính sách đối ngoại vốn dựa vào tri thức thường nghiệm (common sense), chứ không phức tạp như khoa học không gian. Nhưng Hoa Kì liên tục cho phép những nguyên tắc ý hệ xa xỉ, chính trị tồi dở, và thói kiêu ngạo quyền lực (the arrogance of power) trùm phủ lên chính sách đối ngoại của mình. Chính ba con quỉ này đã lấy mất của các viên chức chính phủ khả năng lựa chọn, một khả năng cốt lõi của chính sách ngoại giao dựa vào tri thức thường nghiệm. Việc ra quyết sách ngoại giao, mặc dù phức tạp tự bản chất thật đấy, vẫn là một tiến trình tương đối giản dị và dễ hiểu. Hầu hết các chuyên gia đối ngoại đều biết rõ điều này: đấy là, phát hiện những gì đang thực sự xảy ra ở các nước khác; nhận ra các nan đề và các vận hội, sự tương tác quyền lực có thể xảy ra, và những gì khả thi và bất khả thi. Mặc dù sẽ có những tranh luận và những sai lầm xảy ra trong phạm vi vừa phải, nhưng chính sách sẽ được điều chỉnh từng bước trong lúc các biến cố triển khai. Vấn đề là, người Mĩ thường biến tiến trình hợp lí này thành một trò khôi hài, rồi từ trò khôi hài thành bi kịch.

Rất nhiều lần, ba con quỉ ý thức hệ, thủ đoạn chính trị và kiêu căng tự đắc đã khống chế, hay ít ra đã có ảnh hưởng thiếu cân xứng lên cuộc tranh luận trong và ngoài chính phủ về chính sách đối ngoại. Chúng là những lực tác động dai dẳng và khá nhức nhối, không chịu theo cách ứng xử tương nhượng thông thường. Những kẻ chân tín lẫn người hoài nghi nào mà lợi dụng ba con quỉ nói trên đều khó mà phản biện lại những luận cứ dựa trên lí trí hoặc sự thật.

Ba con quỉ [ý thức hệ, chính trị, và kiêu căng] đưa đường dẫn lối khiến các nhà lãnh đạo bận tâm với những gì tưởng phải thực hiện mà quên đi những gì có thể thực hiện. Một khi ba con quỉ ấy nhập vào một chính sách, nhiều nhà lãnh đạo Mĩ liền nhảy tửng lên, mô tả những đe doạ khủng khiếp và xác lập những tiêu chí táo bạo, bất khả thi. Vào những thời điểm này, khi khoảng cách giữa khẩu khí và thực tế mở ra toang hoác, giới lãnh đạo Hoa Kì thường mắc phải những sai phạm bi thảm và tai hại nhất - những sai phạm mà nước Mĩ không còn sức chịu đựng.

Tri thức thường nghiệm (common sense) không bảo các nhà làm chính sách phải nghĩ gì về các vấn đề trước mắt nhưng hướng dẫn họ phương cách cân nhắc các vấn đề ấy một cách có hệ thống. Đấy chính là khả năng đã từng cứu nước Mĩ vào những thời kì nghiêm trọng trong lịch sử. Đấy chính là khả năng đã từng cứu vớt những giá trị truyền thống của Mĩ khỏi bị trôi dạt và trở thành những ước mơ rỗng tuyếch, và thay vì vậy đã tập trung những giá trị này vào những kế hoạch cụ thể nhằm tái thiết Tây Âu và Nhật Bản sau Thế chiến II. Đấy chính là phương cách mà Hoa Kì đã thắng cuộc chiến ở châu Á sau khi thất trận tại Việt Nam. Khó mà tưởng tượng ra một phương cách nào khác có thể phù hợp với thế giới mới mẻ và hỗn mang này—ngoài việc sử dụng tri thức thường nghiệm.

Tuy thế, muốn trở lại với lề thói giải quyết vấn đề một cách thực tiễn cũng không phải là chuyện dễ dàng. Những người bị ba con quỉ nói trên ám ảnh thường trở thành những chiến sĩ ngoan cường hơn nhiều so với những người ôn hoà (the moderates), những người biết tự chế vì chịu nghe theo sự hợp lí của tri thức thường nghiệm. Nhưng tri thức thường nghiệm rất đáng được bênh vực vì nó sẽ mở ra hi vọng tốt đẹp nhất cho việc sử dụng một cách hiệu quả sức mạnh to lớn của Hoa Kì và vì sức mạnh vẫn còn là phương tiện cần thiết để giải quyết các vấn đề quốc tế của thế kỉ 21.

Xuống dốc và hỗn loạn

Quyền lực của Hoa Kì trên trường quốc tế đặt cơ sở trên sức cạnh tranh kinh tế và sự đoàn kết chính trị nội bộ (political cohesion) của quốc gia, và không ai có thể chối cãi rằng cả hai cơ sở ấy hiện đang xuống cấp. Nhiều người nhìn nhận và chỉ trích một số bất cập ở nơi này hoặc nơi kia, nhưng không ai chịu giương mắt nhìn thẳng vào thảm trạng xuống cấp toàn bộ. Đa số người Mĩ sẽ trở nên trầm cảm và không chịu đựng nỗi nếu họ thấy rõ sự xuống cấp của quốc gia mình. Con số thâm thủng ngân sách liên bang dự kiến cho tài khoá 2009 là 1750 tỉ Mĩ kim. Nhưng với những chi phí an sinh xã hội và y tế cho người già tăng lên vùn vụt, con số thâm hụt này có khả năng trương to. Tổng số nợ liên bang đã là một con số chóng mặt: lên trên 10 ngàn tỉ Mĩ kim. Hoa Kì hiện nay là một con nợ vĩ đại nhất trong lịch sử loài người; và lịch sử cũng cho thấy rằng không một quốc gia nào mắc một món nợ khổng lồ như vậy mà vẫn duy trì được địa vị cường quốc của mình. Công nghiệp nặng hầu như biến mất tại Hoa Kì, vì đã được chuyển giao cho những nước hiện đang cạnh tranh với Mĩ, một hiện tượng gây tổn thương nghiêm trọng cho khả năng tự lập của Hoa Kì trong những lúc nguy biến. Học sinh tại các trường công lập Mĩ thua sút học sinh các nước công nghiệp khác về hai môn là toán và khoa học. Vì thế chúng sẽ không đủ trình độ để cạnh tranh trong nền kinh tế toàn cầu. Điều có thể gây sốc là, nhiều thế hệ người lớn tại Mĩ chỉ có khả năng đọc ngang tầm với một học sinh lớp 8 hoặc thấp hơn (grade school), và chẳng mấy ai biết gì về lịch sử, đừng nói chi đến địa lí. Những người này rõ ràng là không được đào tạo để trở thành những chiến sĩ bảo vệ một nền dân chủ.

Những tín hiệu này về sự tuột dốc vẫn chưa kích thích được các nhà chính trị chịu đặt quyền lợi quốc gia lên trên lợi ích đảng phái hay chịu ngồi lại giải quyết vấn đề thay vì chỉ quyết ăn thua với nhau. Nhiều chính trị gia Cộng hoà còn tỏ ra hung hãn hơn cả chó dại dù họ còn ở trong hay đã ra ngoài hành lang quyền lực và họ coi sự thật như là cỏ rác. Phía dân chủ thì thiếu quyết đoán, thiếu một viễn kiến rõ ràng, và thiếu cả sự cứng rắn cần thiết để cai trị. Tình trạng bế tắc chính trị quốc nội này đang đòi hỏi cung cách lãnh đạo mới. Hoa Kì, một quốc gia cách nay không lâu đã sản xuất vượt hẳn phần còn lại của thế giới cả dụng cụ chiến tranh lẫn hàng hoá tiêu dùng, một quốc gia từng được các nước khác kính nể và ganh tị vì óc sáng tạo, tinh thần lạc quan năng động, và khả năng đạt được những phép lạ kinh tế, đang trở nên bị động lúng túng trước những nhiệm vụ mà có thời nó đã thực hiện tốt và tương đối dễ dàng.

Tình hình tại nhiều nước trên thế giới đã được cải thiện đáng kể, nhưng tình hình tại nhiều nước khác vẫn còn rất thảm hại và đang trở nên tồi tệ hơn trước. Hiện nay thế giới đang chứng kiến một chuỗi liên tục các cuộc nội chiến và các vụ tàn sát diệt chủng, một loạt quốc gia đã và đang suy sụp, các bất ổn vì các cường quốc vẫn tiếp tục cạnh tranh gay gắt với nhau, một sự lây lan tội phạm quốc tế không ai kiểm soát nổi, những lo âu về một đại dịch toàn cầu, nạn khan hiếm thực phẩm ở nhiều nơi, những đại hoạ môi trường, nạn tôn giáo cực đoan đang gia tăng, cuộc khủng hoảng kinh tế đang làm mọi người lo lắng, và mối đe doạ khủng bố quốc tế vừa nguy hiểm vừa dai dẳng.

Thế giới ngày nay trưng bày một mức độ bán khai khó lường cùng với sự phồn vinh toàn cầu chưa hề thấy - nhờ của cải mới kiếm được tại các nước từng nghèo khó hàng thế kỉ, vì khoảng cách quá lớn giữa các nước giàu và các nước nghèo, và giữa người giàu và người nghèo trong mỗi nước. Cơ hồ một nửa thế giới đã trở lại tình trạng tự nhiên vô chính phủ theo cách mô tả của Hobbes (a Hobbesian state of nature), trong đó đời sống con người là “tồi tệ, thô bạo và ngắn ngủi”, một tình trạng tiền-quốc gia (a prestate condition) trong đó các bộ lạc thường xuyên tranh giành và tàn sát lẫn nhau. Trong khi đó, hầu hết các nước trong nửa kia của thế giới, gồm các quốc gia có lịch sử lâu dài và các quốc gia mới được thành lập, hiện đang phải dồn thì giờ và nguồn lực vào việc phục hồi nền kinh tế đang chao đảo của mình và vì thế không thể làm gì hơn để giúp những quốc gia đang suy vong giải quyết nạn thiếu đói hay bất an ninh.

Mối nguy đích thực trong thế giới gồm một nửa lạc hậu và một nửa phồn vinh không phải là những cuộc chiến tranh mới mẻ hay các xung đột bùng nổ giữa các cường quốc, hay một cuộc thế chiến, hay thậm chí một chiến tranh hạt nhân. Mối nguy đó chính là bóng ma các quốc gia đắm chìm trong cơn lũ khủng bố, trong hận thù tôn giáo và bộ lạc, trong tình trạng vô luật pháp, đói nghèo, bệnh tật, thảm hoạ môi trường và sự bất lực của chính quyền. Nhiều quốc gia đang bị phá sản chỉ vì chúng không đủ khả năng đối phó với tình hình và vì thế chúng sẽ kéo nhiều nước khác suy sụp theo.

Việc chế ngự những vấn đề này nằm ngoài khả năng của bản thân các quốc gia nghèo yếu. Mà những quốc gia này cũng chẳng nhận đưọc trợ giúp nào đáng kể từ các nước láng giềng hay các tổ chức trong vùng. Các cường quốc như Trung Quốc, Ấn Độ, và Nga không mấy sẵn sàng giúp các nước khác một tay, một phần vì các nước này chưa hoàn toàn tiến hoá, một phần khác vì chúng không có truyền thống giúp đỡ các quốc gia thiếu may mắn. Châu Âu và Nhật Bản có chương trình ngoại viện trong nhiều lãnh vực thật đấy, nhưng việc này phải phù hợp với mục đích duy trì một mức sống cao cho dân trong nước trước đã. Liên Hiệp Quốc có các chương trình trợ giúp người tị nạn, trợ giúp y tế, và nhiều lãnh vực khác, nhưng các thành viên LHQ không mấy sốt sắng nhận lãnh thêm trách nhiệm. Chính bàn tay nghĩa hiệp của các tổ chức phi chính phủ thường giúp cho cuộc sống người dân bình thường phần nào được dễ thở hơn trong những tình huống nghiệt ngã, trong khi các chính quyền địa phương hoàn toàn bệ rạc.

Điều bi thảm bất ngờ là, con số các quốc gia chới với chết chìm gia tăng nhiều lần vào chính cái lúc Hoa Kì đang xuống dốc - nghĩa là, vào cái lúc một quốc gia độc nhất luôn sẵn sàng giúp các nước bất hạnh lại không thể ra tay cứu độ như đã từng làm trong quá khứ. Nhiều thảm kịch hiện đang diễn ra nhiều nơi trên thế giới vào lúc Hoa Kì không còn đủ sức ngăn ngừa chúng bằng những chương trình Marshall mới và các tổ chức NATO mới.

Đối đầu với ba con quỉ

Sau khi đối diện với thực tế là sức mạnh của Hoa Kì hiện đang xuống dốc, bước tiếp theo nhằm phục hồi quyền lực của quốc gia này là phải nhìn nhận và đối đầu với sự tác hại của ba con quỉ trong nước: các nguyên tắc ý thức hệ, chính trị nội bộ, và tính kiêu ngạo quốc gia. Mọi người đều muốn đứng về phía xiển dương tự do và dân chủ, chống lại cộng sản và khủng bố. Nhưng ước muốn đó đã mở rộng đường cho giới lãnh đạo tự do đặt ra những tiêu chí bất khả thi. Không một viên chức nào do Tổng thống bổ nhiệm lại muốn bị qui kết là đã đưa ra những đề nghị mà nhiều người cho là nhu nhược hay có thể đưa đến sự thất bại cho Tổng thống hay cho đảng của mình vào kì bầu cử tới. Không một viên chức dân sự nào dám nói thẳng với quân đội Hoa Kì là nó không thực hiện được chức năng (nhất là khi chính bản thân các giới chức quân sự không chịu nhìn nhận những nhược điểm của mình). Thậm chí khi ba con quỉ không trực tiếp thắng được các cuộc tranh luận, chúng vẫn thành công trong việc định hướng chính sách hay loại bỏ các giải pháp khác khả thi hơn. Mọi viên chức chính quyền đều biết rằng phản ứng của dân chúng trong những tình hình do ba con quỉ giật dây này sẽ quyết định chiếc mũ nào họ sẽ bị chụp lên đầu - quá tự do, quá nhu nhược, thiếu cộng tác, tuyên bố bậy bạ - và rằng những chiếc mũ này thường sẽ ở mãi trên đầu kẻ bị qui chụp. Ít ai trong giới chức công quyền bị trừng phạt về cái tội bảo thủ hay diều hâu. Người ta không muốn bàn luận công khai về điều này, nhưng đấy là lời than phiền thường xuyên và có tính cách riêng tư giữa các viên chức tại thủ đô Washington.

Ba con quỉ này vừa là ân phước vừa là tai họa. Ý thức hệ vừa nhằm vinh danh chính nghĩa của Hoa Kì vừa tạo ra nhiều vụ việc quá đà. Chẳng hạn tại Ai Cập, có một đường ranh rất mờ nhạt giữa việc cổ vũ dân chủ và việc thúc đẩy các vị lãnh đạo của quốc gia này tiến đến việc đưa ra những nhượng bộ vừa thiếu thực tế vừa thiếu khôn ngoan đối với các phần tử cực đoan. Sinh hoạt chính trị vừa là một bộ phận thiết thân của tiến trình dân chủ tại Hoa Kì, vừa là nguyên nhân khiến cho các chính trị gia lắm khi đi ngược lại quyền lợi quốc gia chỉ vì họ muốn đắc cử hay giữ chức vụ lâu dài. Mặc dù hành động với lòng tự tin là tốt, nhưng không nên kiêu căng tin tưởng rằng người ta có thể làm bất cứ điều gì bất chấp cả khó khăn thực tế.

Phải có can đảm lắm mới nêu được câu hỏi là liệu một nước khác đã sẵn sàng để thực hiện dân chủ hay chưa và liệu Washington có thúc đẩy chính quyền nước ấy quá mạnh tay hay không. Bất cứ viên chức nào dám đặt một câu hỏi như thế đều có khả năng bị chụp mũ là đã thờ ơ lãnh đạm với những lí tưởng cao cả của Hoa Kì và không tôn trọng văn hoá nước ngoài. Vấn đề ý thức hệ này liên quan tới bất cứ hệ thống nguyên tắc nào đã được nâng lên hàng giáo điều, bao gồm chủ nghĩa chống cộng, chống khủng bố và chủ trương toàn cầu hoá. Những giáo điều này thảy đều dẫn đến những mục tiêu quá cường điệu và thiếu phương tiện thực hiện. Tất cả những tín điều này sẽ chia thế giới thành trắng đen rõ rệt, không cho phép người làm chính sách vạch ra những phân biệt tế nhị và nghiêm túc.

Trong khi những nguyên tắc ý thức hệ được được xiển dương một cách trắng trợn, những đòn phép chính trị trong chính sách đối ngoại cũng được tung ra lộ liễu như con voi ở ngay trong phòng mà mọi người giả vờ như không thấy. Chính trị nội bộ Mĩ thực sự xen vào chính sách đối ngoại, và mọi người đang rà soát hiệu ứng của nó. Nhưng không ai dám nhắc đến sự kiện này. Không ai muốn đưa những trò chính trị nội bộ đầy xú uế lên bàn thờ an ninh quốc gia. Các viên chức cấp cao đã nghỉ hưu thậm chí ít khi động đến đề tài này trong hồi kí của họ. Chính trị nội bộ chỉ được đưa ra công khai trên những vấn đề không liên quan an ninh quốc gia như mậu dịch và chính sách nhập cư, những vấn đề thường được nhìn nhận là có tính chính trị.

Cái giá khủng khiếp phải trả cho sự lặng lẽ này là, những tính toán chính trị quan trọng về tính khả thi trên bình diện chính trị của một chính sách không bao giờ được nghiên cứu một cách nghiêm túc. Các viên chức tham dự cuộc tranh luận thường đưa ra những đánh giá riêng về vấn đề chính trị và đưa những đánh giá này vào các đề xuất xây dựng chính sách. Thế nhưng không một bản đánh giá nào của họ được xét đến, và sự đồng thuận gần như luôn luôn có hướng làm cho chính sách đang được thảo luận trở nên cứng rắn hơn, mặc dù thường không có lí do thuyết phục nào để làm như thế. Ít có viên chức nào muốn tỏ ra mình thiếu cứng rắn và dám liều mất cơ may được mời tham dự kì họp tới. Thái độ im lặng khứng chịu này cũng mở cửa cho việc phóng đại những đe doạ từ bên ngoài nhằm biện minh cho việc phản pháo mạnh mẽ hơn đối với quốc gia thù nghịch.

Cùng với các nguyên tắc giáo điều và các đòn phép chính trị nội bộ, sự kiêu căng về quyền lực - tức là sự tự tin vô độ của người Mĩ khi nghĩ rằng họ có thể làm được bất cứ điều gì mà họ để tâm tới – cũng tham dự những phiên họp này. Giữ được tự tin khi đối diện với những thử thách, đấy là một điều tốt. Nhưng ôm đồm hết mọi khó khăn để rồi không có phương tiện cần thiết nhằm khắc phục chúng, đấy là thái độ phách lối. Không viên chức nào muốn mở miệng nói rằng Hoa Kì không đủ sức thực hiện một điều gì đó. Một sĩ quan quân đội có thể tự làm hỏng sự nghiệp của mình nếu ông dám vạch ra rằng các lực lượng do Bộ trưởng Quốc phòng chuẩn thuận là không đủ sức hoàn thành nhiệm vụ. Ông ta sẽ chuốc lấy sự cáo buộc là thiếu tinh thần lạc quan, dám làm. Các đại sứ rất ngại phản biện lại yêu sách của Washington, đòi hỏi họ phải lên lớp các viên chức chính phủ nước ngoài; vì cãi lại lệnh trên có thể tạo ra sự ngờ vực về bản lĩnh của người giữ chức vụ. Tỏ ra nhu nhược thì bị trừng phạt. Nhưng tỏ ra cứng rắn mà có thất bại thì cũng không sao.

Trong một ý nghĩa nào đó, người Mĩ thường bị thúc đẩy quá đà bởi chính những đức tính đã làm cho họ có bản sắc rất đặc biệt: lòng tự tin và bản năng nghĩa hiệp, muốn giúp người khác vươn tới một cuộc đời tốt đẹp hơn và tự do hơn. Nhưng những bản năng mãnh liệt này cũng cho phép những người cực đoan trong tập thể đi quá đà, cường điệu những mối đe dọa họ đang đối phó, bất chấp những giới hạn hợp lí, và thu hẹp cuộc tranh luận. Ba con quỉ nói trên của Hoa Kì cho phép những người cực đoan bỏ qua những yếu tố phức tạp và giản lược lí luận thành những chủ đề giản đơn nhưng mãnh liệt. Những chủ đề giản đơn này – điều thiện chống với điều ác, sự cứng rắn chống với sự yếu đuối – sau đó lại đi vào đấu trường chính trị rộng lớn hơn, đi vào khuynh hướng của báo đài thích tường trình những tấn tuồng trắng-đen rõ rệt, và đi vào trong bản năng thích sát phạt lẫn nhau tại Quốc hội Hoa Kì. Gần nửa thế kỉ vừa qua, những con quỉ này [ý thức hệ, chính trị trong nước, và tính kiêu căng] đã thắng thế trong những cuộc đấu đá nội bộ về chính sách đối ngoại của Hoa Kì.

Những bài học lịch sử

Nghiên cứu lại lịch sử Chiến tranh Lạnh, người ta mới thấy được ba con quỉ này đã tác hại như thế nào. Hẳn nhiên, Hoa Kì cũng đạt được những thành công rất ấn tượng, chẳng hạn sự thành lập một loạt các định chế quốc tế rất hữu ích do sáng kiến của Tổng thống Harry Truman, những thắng lợi ngoại giao khắp thế giới của Tổng thống Richard Nixon, và đường lối khôn khéo của Tổng thống George H. W. Bush [Bush Cha] đối với hồi kết thúc của cuộc Chiến tranh Lạnh. Nhưng những thành công này đã bị nhiều sai lầm nghiêm trọng làm lu mờ.

Vào thập niên 1950, Bộ trưởng Ngoại giao John Foster Dulles mải miết theo đuổi một cách công khai chủ đề “đẩy lùi” đế quốc Xô-viết tại Đông Âu và sách động các dân tộc bị trị tiến tới các cuộc nổi dậy vô vọng, mặc dù ông biết chắc Tổng thống Dwight Eisenhower sẽ không bao giờ liều lĩnh gây ra một cuộc thế chiến vì chính nghĩa của họ. Dulles đã bị chủ nghĩa chống cộng sáng ngời của chính ông thúc đẩy, mà theo ông nỗ lực này có khả năng biện minh cho bất cứ cái giá nào phải trả.

Tổng thống John F. Kennedy đã gửi mấy nghìn người tị nạn Cuba xuống địa ngục tại Vịnh Con Heo (the Bay of Pigs) năm 1961, mặc dù không ai có cơ hội giải thích cho ông phương cách để cuộc đổ bộ có thể thành công mà không cần đến yểm trợ của không lực Hoa Kì, một sự yểm trợ mà ông nhất định từ chối. Nhưng Kennedy sợ rằng nếu ông hủy bỏ cuộc đổ bộ thì phe Cộng hoà sẽ cáo buộc ông là người hèn nhát. Vì vậy, Kennedy sẵn sàng hi sinh tính mạng của những người Cuba đã tham dự cuộc đổ bộ để cứu lấy uy tín chính trị của mình.

Cả Tổng thống Kennedy lẫn Tổng thống Lyndon Johnson đã lao vào chiến tranh Việt Nam trên luận cứ là để chặn đứng khối cộng sản đoàn kết Trung-Xô, không cho nó chinh phục trước là châu Á sau là toàn thế giới. Nhưng kể từ cuối thập niên 1950 trở về sau, Cơ quan Tình báo Trung ương Mĩ (CIA) đã nắm bằng chứng vững chắc là không có một khối cố kết như vậy. Thật ra, CIA biết rõ rằng từ lâu đã có một sự rạn nứt Trung-Xô rất đáng được khai thác. Thế nhưng, cả hai vị Tổng thống thuộc Đảng Dân chủ và cả Nixon [Cộng hoà] đều bị thúc đẩy bởi chủ nghĩa chống cộng, bởi nỗi sợ hãi về hậu quả chính trị vì để thua một cuộc chiến, và bởi sự kiêu căng về sức mạnh Hoa Kì.

Sau khi bị toàn khối Á-rập cấm vận dầu hoả năm 1973 và nhận ra rõ ràng sự lệ thuộc của Hoa Kì vào một thương phẩm trọng yếu từ một vùng bất ổn nhất thế giới, Nixon và Ngoại trưởng Henry Kissinger cảm thấy đủ báo động để tạo ra chức “Sa hoàng năng lượng” [Bộ trưởng Bộ Năng lượng] và triệu tập một hội nghị về các nguồn năng lượng mới. Nhưng sau đó, cả hai ông và những người kế vị tiếp theo cũng chẳng làm gì hơn để giải quyết sự lệ thuộc đó, chỉ vì họ sợ những hậu quả chính trị do việc phải tăng thuế để phát triển các nguồn năng lượng. Cái giá cho sự bất động này là hai cuộc chiến tranh [vùng Vịnh], những ngân sách quốc phòng cực kì tốn kém, và biết bao của cải của Hoa Kì đã tuôn ra ngoài.

Tổng thống Jimmy Carter đã sai phạm trong tư duy khi nhấn mạnh ngay từ lúc lên nắm chính quyền rằng chiến tranh ý thức hệ đã chấm dứt, mặc dù lúc đó càng ngày càng có nhiều bằng chứng là Liên Xô đang trở nên xác quyết hơn về mặt ý thức hệ, chứ không giảm bớt chút nào. Carter tin chắc ý thức hệ chống cộng của Hoa Kì đã là đầu mối của nhiều sai lầm nghiêm trọng trong chính sách đối ngoại của Mĩ đến nỗi ông đã phát minh một phản ý hệ khá ngây thơ (a naïve counterideology) . Chính điều này đã làm suy yếu quyền lực và chính sách đối ngoại của Hoa Kì ở khắp mọi nơi, tiêu biểu là thái độ thụ động kì lạ của Carter khi những người tranh đấu Iran bắt 52 người Mĩ làm con tin đến 444 ngày. Carter là một trường hợp lạ thường, nếu không muốn nói là độc đáo, của một Tổng thổng bị một ý hệ chủ hoà chi phối. Tổng thống Ronald Reagan đã làm đúng khi giúp phe nổi dậy (mujahideen) đánh đuổi các lực lượng Xô-viết ra khỏi Afghanistan nhưng lại quá chú tâm vào chủ nghĩa chống cộng đến nỗi hoàn toàn bỏ quên mối đe doạ khủng bố đang manh nha tại đó. Và Reagan lại bỏ quên hiểm họa này thêm một lần nữa năm 1983 sau vụ tấn công làm thiệt mạng 241 binh sĩ Hoa Kì tại Li Băng. Rõ ràng, quân khủng bố đã nhận được tín hiệu là Reagan không muốn đương đầu với chúng. Reagan đang lao vào những cơn gió chướng chính trị trong nước và muốn tránh né phản ứng mãnh liệt của dân chúng về khả năng hi sinh thêm sinh mạng của Hoa Kì. Chính óc chống cộng điên cuồng của Reagan đã dẫn đến vụ Iran-contra: bán vũ khí cho Iran để đổi lấy con tin và gây ngân quĩ bất hợp pháp nhằm tài trợ các lực lượng phản cách mạng chống cộng (anticommunist contras) tại Nicaragua. Một cố vấn đã cho ông biết đây là một tội phạm có thể đưa đến “truy tố Tổng thổng”.

Tổng thống George H. W. Bush [Bush Cha], mặc dù có thừa khôn khéo để đạo diễn ngày tàn của Đế quốc Xô-viết và các phiêu lưu quốc tế khác, cũng đã phạm phải những lỗi lầm nghiêm trọng khi theo đuổi một chính sách đối ngoại thực tiễn. Thoạt đầu, ông liên minh với Saddam Hussein của Iraq để chống Iran bằng cách cung cấp vũ khí và tin tức tình báo cho nhà độc tài, như Reagan đã từng làm trước đó. Về sau, ông lại tỏ vẻ làm ngơ khi Saddam bắt đầu đe dọa Kuwait. Đại sứ Mĩ tại Iraq lúc bấy giờ là April Glaspie, thậm chí còn nói với Saddam: “Chúng tôi giữ thái độ vô tư đối với các cuộc tranh chấp giữa người Á-rập với nhau”. Chắc chắn, Saddam đã giải thích lời phát biểu này như là đèn xanh cho phép ông xua quân xâm chiếm Kuwait. Nếu có một thái độ cứng rắn từ đầu, chắc hẳn Bush đã chặn đứng được ý đồ xâm lược của Saddam. Tất cả sai phạm của Bush hầu như đã phát sinh từ sự theo đuổi quá đà một ý thức hệ thực tiễn (an ideology of realism), coi thường các giá trị đối ngoại truyền thống trong khi đánh giá quá cao tầm quan trọng của Saddam đối với Hoa Kì trong nỗ lực chặn đứng ảnh hưởng của Iran. Bush cũng gần như đã bật đèn xanh cho người Serbia phát động cuộc thanh tẩy chủng tộc (ethnic cleansing) tại Bosnia và Croatia khi ông đồng ý với lập trường của ngoại trưởng James Baker, cho rằng “quyền lợi của Hoa Kì không bị đe dọa trong cuộc xung đột ở vùng này”. Nỗ lực chặn đứng chiến tranh diệt chủng là không phù hợp với quan niệm thực tiễn của Bush về quyền lợi quốc gia.

Bản liệt kê các sai lầm của Tổng thống Bill Clinton gồm có các thái độ lưỡng lự, bất nhất, và bất động - những sai lầm tự bản chất của các nhà chính trị phóng khoáng. Vào đầu nhiệm kì thứ nhất, Clinton gần như tiến hành trên định kiến sai lầm rằng ông không cần đến một chính sách đối ngoại trong thế giới hậu-Chiến tranh Lạnh, rằng chỉ cần có chính sách đối nội và chính sách kinh tế là đủ. Trong khi vận động tranh cử Tổng thống nhiệm kì đầu, Clinton đưa ra lời hứa hẹn chấm dứt cuộc tàn sát diệt chủng đang diễn ra tại Bosnia, nhưng lần lữa đến 3 năm sau mới ra tay hành động. Clinton lại chần chờ thêm một lần nữa trước khi gửi quân tới Kosovo. Nhưng, như ông thú nhận, sai lầm tệ hại nhất chính là sự bất động của ông khi đối diện với cuộc tàn sát diệt chủng tại Rwanda. Không những Clinton đã bác bỏ kế hoạch khiêm nhường của Lầu Năm góc yêu cầu thiết lập một khu an toàn dọc theo biên giới Rwanda, ông và các viên chức thân cận lại còn phản đối việc gửi thêm binh sĩ Liên Hiệp Quốc vào can thiệp. Và trong những ngày cuối cùng còn ngồi ghế Tổng thống, Clinton lại cố tìm cách cứu vớt chính trị nội bộ bằng các nỗ lực ngoại giao quá nhiệt tình nhằm kí kết các thoả ước quan trọng với Yasir Arafat và Kim Jong Il. Trong suốt 8 năm tại Nhà Trắng, Clinton không mấy quan tâm đến tình hình ngoài nước bao lâu mà ông cảm thấy nhân dân Mĩ cũng chẳng quan tâm. Ông không muốn đi tiên phong trong các vấn đề quốc tế và tạo sơ hở trong các vấn đề chính trị nội bộ.

Về phần mình, Tổng thống George W. Bush [Bush Con] chỉ biết nhắm mắt lao vào chiến tranh Iraq không cần đến một chứng cớ vững chắc và kéo dài cuộc chiến nhiều năm mà không có phương hướng giải quyết - thiếu thông tin, thiếu kế hoạch, chỉ toàn là những tuyên bố huyênh hoang. Ông gác ra ngoài tai nhiều lời khuyên về những nan đề này, luôn luôn bác bỏ đường lối ngoại giao nghiêm chỉnh. Bush lại thường xuyên lên tiếng đe doạ Iran và Bắc Hàn, kêu gọi những nước này hãy ngưng ngay những chương trình hạt nhân nếu không sẽ bị trừng phạt - để rồi lại co vòi sau mỗi lần đe dọa. Bush bất chấp lời khuyên của các chuyên gia, rằng những đe nẹt của ông chỉ rơi vào tai những người điếc. Hiện nay, Bình Nhưỡng đã có vũ khí hạt nhân, còn Iran thì không còn cách sau Bắc Hàn bao xa. Bush tự giam mình trong một phiên bản riêng về một ý thức hệ chống khủng bố kiểu mới, tận tụy phục vụ sự ngông cuồng cực hữu về sức mạnh quân sự và xiển dương tính kiêu ngạo quốc gia, mà chính Bush đã trở thành hiện thân.



Những sự thật đáng buồn

Ba con quỉ chi phối đường lối ngoại giao của Hoa Kì [gồm ý thức hệ, chính trị nội bộ, và tính kiêu ngạo quốc gia] tỏ ra sẵn sàng ám ảnh cường quốc này trong thập niên thứ hai của thế kỉ 21. Người ta gần như cảm nhận được sự háo hức của bầy quỉ, khi nghe những lời tuyên bố của những nhà lãnh đạo Hoa Kì, Dân chủ cũng như Cộng hoà, về tình hình Afghanistan, về việc Nga đưa quân vào Georgia, và về nhiều vấn đề khác. Người ta có thể tiên đoán một số sự thật không mấy lạc quan về tình hình Afghanistan: Cả phe Dân chủ lẫn phe Cộng hoà sẽ tiếp tục hậu thuẫn việc gia tăng quân số Hoa Kì và những cam kết khác tại quốc gia này, vì Afghanistan có khả năng trở thành căn cứ địa trở lại cho một tổ chức al Qaeda nguy hiểm và vì tăng cường quân số tại đây sẽ là một lí do chính đáng khác để rút quân khỏi Iraq. Nhưng thậm chí với những nỗ lực to lớn hơn mà người Mĩ sẽ thực hiện tại Afghanistan, chắc chắn tình hình vẫn tiếp tục trở nên tồi tệ. Cả quân đội Anh lẫn quân đội Xô-viết có thể dạy bảo Hoa Kì một đôi điều về kinh nghiệm theo đuổi chiến tranh tại nước này - và đã thua trận như thế nào. Cuối cùng, chính người Afghanistan vẫn sẽ quyết định lấy số phận của mình.

Cuộc chiến chống Taliban và al Qaeda, thủ phạm vụ 9/11, vẫn còn là một nỗ lực được dân Mĩ ủng hộ rộng rãi. Tính cách được lòng dân này đã khiến các nhà tư tưởng chiến lược Hoa Kì biến chính nghĩa của cuộc chiến đấu thành một giáo điều. Hiện nay, ban đồng ca vẫn miệt mài hát câu đáng nhớ sau đây: không có con đường nào khác hơn là phải thắng cuộc chiến Afghanistan và chặn đứng việc quân khủng bố trở lại nắm quyền. Mặc dù nếu thực hiện được mục tiêu ấy là một điều rất tốt, nhưng những thực tế gai góc ở đây chứng tỏ rằng chính quyền Kabul do phương Tây hậu thuẫn là tham nhũng, không thể điều hành một đất nước, nói chi điều hành một cuộc chiến, và rằng phe Taliban có một hậu thuẫn đáng kể đồng thời họ biết cách chiến đấu.

Dù cho Hoa Kì có chồng chất thêm nhiều cam kết tại Afghanistan, cơ may thành công cũng chỉ là mong manh mà thôi. Sự kiện này đã thúc đẩy các nhà lãnh đạo Mĩ tích cực đi tìm những chính sách thay thế. Người ta đang nói đến một chiến lược mệnh danh là “vươn lên xốc tới và đàm phán hoà bình” (surge and negociate), bao gồm việc tăng cường cú đấm quân sự trước rồi mới đưa ra những nhượng bộ với địch sau. Đường lối này cần được soạn thảo một cách chi tiết và đầy đủ thông tin nhằm tạo cho Washington một cơ may tốt đẹp để đạt được một cuộc dàn xếp chính trị với đối phương, đồng thời triển khai một chiến lược nhằm đối phó với quân khủng bố trong trường hợp những nhượng bộ này không đi đến đâu. Người Anh đã sử dụng sách lược chia-để-trị nhằm chia rẽ các lực lượng đối phương và xúi giục họ đấm đá nhau. Sách lược này đạt một thành tích tốt đẹp: không một phe nhóm nào giữ được sự đoàn kết, và ở một mức độ nào đó tất cả các phe nhóm đều bị phân hoá, nhất là nếu những quyền lợi kinh tế to lớn được dùng để tưởng thưởng những phe nhóm chịu hợp tác.

Nhưng một phương án toàn bộ đòi hỏi nhiều hơn thế, nghĩa là cần có một lá bài quân sự, phòng khi bọn khủng bố quốc tế một lần nữa sử dụng lãnh thổ Afghanistan làm căn cứ. Trong trường hợp này, không thể loại trừ một chiến lược có mục đích chặn đứng bọn khủng bố từ đầu (a strategy of deterrence). Hoa Kì có đủ khả năng quân sự để gây thiệt hại to lớn cho bất cứ ai tại Afghanistan có ý đồ gây tổn thất cho các lực lượng Hoa Kì hay đồng minh. Hoa Kì có khả năng phá hủy các cánh đồng trồng cây thuốc phiện và mở các cuộc hành quân nhắm vào lãnh đạo và căn cứ chỉ huy của bọn khủng bố mà không cần tái chiếm Afghanistan. Thiết tưởng Tổng thống Barack Obama cần phải chứng tỏ từ đầu là Hoa Kì có khả năng trừng trị rất mãnh liệt.

Liền sau khi Nga đưa quân qua chiếm đóng các tỉnh Abkhazia, Nam Ossetia, và nhiều phần khác của Georgia vào mùa hè 2008, các nhà lãnh đạo chính trị Hoa Kì và châu Âu thi đua nhau đưa ra những lời cảnh báo mơ hồ đòi Moscow phải rút quân – nhưng họ không hề đe dọa dùng biện pháp quân sự hay tẩy chay dầu hỏa và khí đốt của Nga. Những đe dọa sau đây chỉ là những cái tát nhẹ trên cườm tay: không cho Nga gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), đuổi Nga ra khỏi nhóm G-8, rút lại thẻ hội viên của Nga trong các nhóm hội làm cảnh của NATO. Cuối cùng lãnh đạo Nga đã rút quân khỏi phần lãnh thổ không tranh chấp của Georgia, nhưng giọng điệu của hai bên vẫn đi quá đà và đáng lo lại.

Ba con quỉ nội tại trong chính sách đối ngoại Mĩ thường tạo ra những tất yếu chính trị và ý thức hệ (ideological and political necessities) – mà đã là tất yếu rồi thì không cần phải bàn thảo nghiêm túc. Tính tất yếu đã biến hàng thế kỉ văn hoá và lịch sử Việt Nam thành một ô trên bàn cờ chiến lược mà người ta tưởng dễ dàng kiểm soát; tính tất yếu đã khiến chiến thắng tại Iraq trông dễ dàng như cuộc chinh phục Panama. Tính tất yếu thường khiến nhiều vị Tổng thống và cố vấn của họ đặt ra những mục tiêu bất khả thi đến độ nguy hiểm, những mục tiêu vượt quá sức mạnh của quốc gia, những mục tiêu có lẽ có mà cũng có lẽ không tiêu biểu cho nguyện vọng nhân dân của nước mà các vị muốn giúp đỡ, những mục tiêu biện minh việc Hoa Kì bị sa lầy ở nước ngoài, mà chỉ có tính kiêu căng tạo ảo tưởng là sẽ có lối ra.

Đánh bại Hitler và Hirohito trong Thế chiến II là một tất yếu đích thực, nhưng Hoa Kì đã làm tốt nhiệm vụ này như thế nào thì cần phải tranh luận. Ngăn chặn sự bành trướng của chủ nghĩa cộng sản Xô-viết cũng là một tất yếu đích thực, nhưng ngăn chặn ở quốc gia nào và bằng phương tiện nào là vấn đề lẽ ra phải được đem ra tranh luận thì thường bị bỏ qua. Đánh bại bọn khủng bố là một tất yếu đích thực và mới mẻ, nhưng làm thế nào để nhận diện và chiến đấu chống lại chúng là một vấn đề cần nghiên cứu rộng rãi.

Các trường phái tư tưởng ngoại giao

Vấn đề chính yếu không phải là chế độ dân chủ Mĩ hay các lí tưởng của Mĩ hay là quyền lực Mĩ. Vấn đề cốt lõi chính là dân chúng Mĩ. Một phần, những nhà lãnh đạo Dân chủ và Cộng hoà không nắm vững vấn đề chính trị trong chính sách đối ngoại của Hoa Kì. Hầu hết các chính trị gia đảng Dân chủ tuân theo những tín lí tự do cơ bản về giá trị của các cuộc đàm phán và hợp tác với các quốc gia khác. Nhưng đồng thời, họ cũng phỏng đoán rằng thái độ này sẽ tỏ ra quá mềm yếu dưới mắt cuả người Mĩ dòng chính (mainstream Americans). Do đó, họ thường bị phân xé giữa những điều họ tin tưởng và hành động chính trị của họ. Họ tạo ra cảm tưởng là thoạt đầu họ ủng hộ một điều gì đó rồi về sau quay ra chống lại nó và chống nó rồi về sau lại quay ra ủng hộ. Những chính trị gia Dân chủ tỏ ra bất nhất về những gì họ sẽ làm; công chúng cảm nhận được điều này và do đó mất tin tưởng ở đường lối duy trì an ninh quốc gia của đảng Dân chủ.

Trái lại, phe Cộng hòa luôn bày tỏ niềm tin sắt son về những đức tính như là: phải hiếu chiến, phải đứng dậy thách đố với bất cứ đối phương nào, và tô vẽ thế giới bằng hai màu trắng, đen rõ rệt. Họ luôn luôn tuyên bố rằng họ sẽ không bao giờ để cho nước Mĩ bị các nước khác sai khiến. Và mặc dù phe Cộng hoà coi thường việc trình bày các vấn đề và những khó khăn một cách rõ ràng, có hệ thống, và công chúng cũng cảm thấy điều này, nhưng người Mĩ dòng chính vẫn tỏ ra ưa thích niềm tin tưởng của phía Cộng hoà. Như thế, trong các vấn đề quốc tế, công chúng Hoa Kì tin tưởng Đảng Cộng hoà hơn Đảng Dân chủ.

Một phần khác, những chính trị gia ôn hoà (moderates) ngại tranh thủ một lối trình bày hợp lí các vấn đề và phương cách giải quyết những vấn đề ấy. Những người ôn hoà biết rằng một chính sách lành mạnh đòi hỏi một sự duyệt xét công khai và thành thật về các sự kiện. Họ biết rằng muốn sử dụng quyền lực một cách hiệu quả, người nắm quyền phải có khả năng thử bấm một dãy nút cho đến khi nào tìm ra nút nào làm cho hệ thống hoạt động. Tuy vậy, những người ôn hoà không chịu tranh đấu cho quyền lựa chọn.

Hầu hết các chuyên gia về chính sách đối ngoại đang kêu đòi một chiến lược to lớn mới mẻ nhằm thay thế chiến lược ngăn chặn [cộng sản] cũ. Họ có khuynh hướng tìm kiếm những tư tưởng lớn và nhồi nhét tất cả các mảnh nhỏ của một vấn đề gọn vào trong một lí thuyết to lớn, đàng hoàng. Họ không mấy thích những việc dang dở hoặc những hậu quả ngoài ý muốn, những bất cập khiến người khác hoài nghi khả năng chuyên môn của họ. Đa số những chuyên gia này có công đóng góp viễn kiến và tri thức sâu sắc, mặc dù không phải là không có những khiếm khuyết.

Những người tân bảo thủ (neoconservatives) một cách đúng đắn đã nhắc nhở cho dân Mĩ biết rằng trên thế giới này vẫn còn tồn tại những kẻ ác không thể sửa đổi và không thể hoà giải được. Nhưng rồi họ mô tả hầu hết mọi kẻ thù ở nước ngoài (và một số đối thủ ở trong nước) bằng những đường nét tương tự. Họ coi những kẻ thù trong quá khứ, như Trung Quốc và Nga, cũng là kẻ thù tương lai. Ngoài ra, họ mô tả những đồng minh của Mĩ, đặc biệt các quốc gia châu Âu, gần như là vô dụng vì không có đủ sức mạnh quân sự và ngại dùng vũ lực. Thực tế là, những người tân bảo thủ sẽ không bao giờ toại nguyện trừ phi họ đang xiển dương một dạng thức chiến tranh ý thức hệ nào đó. Một vài người trong nhóm này lí giải rằng thay vì cuộc xung đột ý thức hệ giữa chế độ dân chủ và chủ nghĩa cộng sản, hiện đang có một cuộc xung đột mới: giữa dân chủ và độc tài – Hoa Kì chống lại Trung Quốc và Nga. Nhưng các nhà lãnh đạo Trung Quốc và Nga không đi vòng quanh thế giới để tuyên truyền cho thể chế chính quyền của họ ngày nay theo cách các lãnh tụ cộng sản trước đây đã làm. Nói đúng ra, Moscow đang chơi trò chơi quyền lực cố hữu cuả mình bằng cách o ép các nước láng giềng, nhưng lần này chủ yếu dùng sức mạnh kinh tế hơn là quân sự. Ở thời điểm này, các lãnh tụ Trung Quốc gần như chỉ bận tâm che chắn mình nhằm chống lại những đe dọa do động loạn trong nước. Sự tuyên truyền duy nhất mà hai chế độ độc tài này đang thực hiện là nhằm chống lại “chủ nghĩa đơn phương” (unilateralism) của Hoa Kì. Và sở dĩ họ làm vậy là để rộng đường theo đuổi những lợi ích toàn cầu có giới hạn của chính mình. Nếu có một điều gì gần như một trận chiến ý thức hệ trong thế giới ngày nay, đó chính là sự xung đột giữa cái điều mà các quốc gia khác cho là chủ nghĩa đơn phương của Mĩ và ý thức mới của các quốc gia ấy về quyền lợi đương nhiên của mình.

Những người theo khuynh hướng thực tế (the realists), vốn thích đứng với những ai có quyền lực, rất đúng đắn khi nhắc nhở Washington phải tập chú vào lợi ích quan trọng của Hoa Kì hơn là gánh vác hết mọi vấn đề của thế giới. Nhưng chính bản thân quyền lực (power per se) lại quá dễ gây ấn tượng lên họ. Nhiều người trong phái thực tế này đã quá hăm hở hậu thuẫn Saddam như là một thế lực chống lại Iran, bất chấp cả tội ác và sự trí trá của ông ta. Hiện nay cũng có nhiều người sẵn sàng bỏ qua hành vi thô bạo của Trung Quốc và Nga, coi đó chỉ là hành động bình thường của các nước lớn độc tài. Ngoài ra, phái thực tế không mấy quan tâm đến việc sử dụng quyền lực của Hoa Kì để giúp đỡ các nước “khố rách áo ôm” hay để giải quyết các vấn đề xuyên quốc gia, như vấn đề môi trường. Phái thực tế vẫn tiếp tục coi thường vai trò của các giá trị [như tự do, nhân quyền] trong chính sách ngoại giao và việc Tổng thống cần phải xiển dương những giá trị ấy nhằm củng cố chính sách đối ngoại của ông ta ngay cả đối với nhân dân trong nước. Nhưng chủ nghĩa thực tế của trường phái này lắm khi cũng chưa đủ thực tế cho lắm, và khi trường hợp này xảy ra, những người theo chủ nghĩa thực tế lại bỏ qua những lựa chọn và những lãnh vực chính sách đòi hỏi phải dùng đến quyền lực.

Ngày nay những người theo chủ nghĩa quốc tế phóng khoáng (liberal internationalists) vẫn tồn tại như một thành tố quan trọng trong Đảng Dân chủ. Đóng góp ấn tượng nhất của họ là liên tục nhắc nhở Washington cần phải cộng tác với các đồng minh và thương thuyết với các thế lực thù nghịch trong mọi tình huống. Nhưng kể từ thời Chiến tranh Việt Nam đến nay, họ liên tục kêu gọi thành lập thêm những định chế quốc tế mà không hề đưa ra bài bản rõ ràng hay thực tiễn, chỉ trôi giạt tới những quan niệm yếu ớt và thiếu thực tế về quyền lực. Việc phát biểu minh bạch một chiến lược đối ngoại là điều khó khăn đối với họ bởi vì chiến lược của họ chủ yếu là một lời kêu gọi đòi hỏi nhiều cuộc đàm phán hơn nữa và nhiều hoạt động ngoại giao đa phương hơn nữa đồng thời giảm bớt việc dựa vào sức mạnh quân sự. Phức tạp hơn nữa, khi phải chịu nhiều sức ép chính trị nặng nề, nhiều người trong nhóm quốc tế chủ nghĩa này muốn bỏ luôn những nguyên tắc nói trên và chính họ lại trở thành những kẻ hiếu chiến, như sự thể đã xảy ra khi quyết định xâm chiếm Iraq đang được tranh luận. Điều đáng chú ý là, một số chính khách Dân chủ cởi mở (liberal Democrats) đã liên kết với nhóm tân bảo thủ (neoconservatives) để thành lập một tập hợp mới mẻ, với chủ trương phối hợp các nước dân chủ, hoặc lập ra một loại liên minh có tính định chế nhằm củng cố các chế độ dân chủ có cùng lí tưởng. Việc này nghe ra như một đồ án hữu ích, và có lẽ đã thành một đồ án hữu ích nếu những người chủ trương chịu trình bày minh bạch phương thức họ sẽ đề xuất để tập hợp hơn một trăm quốc gia dân chủ trên toàn thế giới. Ngoài ra, họ gần như không dành một chỗ đứng nào trong tập hợp các nước dân chủ cho Trung Quốc và Nga, là những nước dù không theo thể chế dân chủ nhưng vẫn quan trọng hơn những nước như là Botswana, Costa Rica, Peru, hay Mauritus trong trường hợp Hoa Kì cần đến liên minh hay sức mạnh ngoại giao của những cường quốc này.

Và, đương nhiên, chúng ta phải kể đến những người theo chủ trương toàn cầu hoá (globalizers) , tức những người có công chứng minh vai trò trung tâm mới mẻ của khoa kinh tế, điều mà phái chuyên gia đối ngoại theo định hướng an ninh quốc gia (the national-security- oriented foreign policy clan) thường bỏ qua – vì thiếu kiến thức. Nhưng những người chủ trương toàn cầu hoá lại đi quá đà khi cho rằng phát triển kinh tế sẽ mang lại hoà bình và dân chủ. Tệ hại là, họ ít khi điếm xỉa đến những giải pháp ngoại giao và quân sự.

Cứu cánh và phương tiện

Chỉ có một chính sách đối ngoại đặt cơ sở trên tri thức thường nghiệm mới có thể cứu vãn thế đứng của Hoa Kì. Một chính sách như thế sẽ không gây ra xung đột quá đáng giữa các cường quốc hay tạo ra ảo tưởng là không có tranh chấp quyền lực giữa các nước. Một chính sách như vậy mới tận dụng tính đa dạng của thế giới trong thế kỉ 21. Tuy nhiên, một chính sách dựa vào tri thức thường nghiệm không phải là một chính sách tùy tiện hay chỉ nhắm vào nhiệm vụ trước mắt. Nó là đường lối cho phép các nhà lãnh đạo duyệt xét mỗi hoàn cảnh theo đặc tính riêng của nó và liên hệ hoàn cảnh này với các hoàn cảnh khác nếu sự liên hệ như thế được biện minh bằng chứng liệu và lí lẽ. Một chính sách như thế không phải là con tàu không bánh lái; thực vậy, tri thức thường nghiệm đòi hỏi chính sách phải đặt cơ sở trên chiến lược, trên những ưu tiên và phương hướng rõ ràng. Tri thức thường nghiệm cũng cho phép người ta coi chiến lược, những ưu tiên và phương hướng như là những hướng dẫn (guidelines) chứ không phải là những ràng buộc tù túng.

Tương phản với tất cả các chính sách tổng quát chung chung, một chính sách dựa vào tri thức thường nghiệm có thể khá luộm thuộm, nhưng những thuộc tính tích cực của nó là hiển nhiên, không cần phải tranh luận. Nó phù hợp với một thế giới hỗn mang và nó không loại trừ các dữ kiện không phù hợp với lí thuyết chỉ đạo (the guiding theory). Nó sẽ xét đến hầu hết mọi lựa chọn chính sách một cách công bằng. Một chính sách dựa vào tri thức thường nghiệm cũng sẽ đáp ứng những lí tưởng cao đẹp của Mĩ, nhưng nó sẽ nhấn mạnh tính khả thi (achievability) hơn là “lên gân” hay tung ra những lời hù dọa. Tri thức thường nghiệm không loại trừ việc diễu võ dương oai hay sử dụng sức mạnh quân sự; chặn đứng, ngăn chặn, và trừng phạt vẫn là những biện pháp quan trọng. Nhưng trước khi các khẩu đại pháo bắt đầu nhả đạn, tri thức thường nghiệm đòi hỏi một cuộc giải trình nghiêm túc các giải pháp khác nhau và những hậu quả đi kèm. Một chính sách dựa vào tri thức thường nghiệm sẽ tập trung vào sức mạnh kinh tế và ngoại giao nhưng luôn luôn duy trì sức mạnh quân sự ở hậu trường như là phương tiện chủ yếu để tạo sức ép lên các quốc gia khác và để giải quyết vấn đề.

Trong tình thế hiện nay, việc thiết kế một chính sách đối ngoại dựa vào tri thức thường nghiệm chung qui phải tuân theo năm điều sau đây. Một là, phải làm cho Hoa Kì hùng mạnh trở lại bằng cách phục hồi tính năng động kinh tế và tinh thần thực tiễn, dám làm của dân Mĩ. Các nguồn lực của Hoa Kì và thiện chí giúp đỡ thế giới của Hoa Kì là cơ sở lớn nhất của sức mạnh Mĩ trên trường quốc tế. Nếu hai yếu tố này suy giảm, sức mạnh của Hoa Kì ở nước ngoài sẽ suy giảm theo. Muốn ngăn ngừa sự xuống cấp này, Hoa Kì cần phải dành ưu tiên cao hơn nữa cho các yêu cầu: độc lập năng lượng, phát triển cơ sở hạ tầng cả sức người lẫn sức của, và củng cố nội an (homeland security). Trừ phi những nhược điểm trong các lãnh vực này được đảo ngược, thậm chí cả những chính sách khôn ngoan nhất của Hoa Kì cũng sẽ thất bại.

Hai là, phải quán triệt rằng sự tuyệt đối cần thiết đến nhau (mutual indispensability) là nguyên tắc hoạt động cơ bản để có được sức mạnh trong thế kỉ 21 – nghĩa là Hoa Kì là nước lãnh đạo không thể thiếu, nhưng cũng cần các quốc gia đối tác không thể thiếu để được thành công. Mục đích ở đây không phải là để thể hiện một chủ nghĩa đa phương ngu xuẩn (foolish multilateralism) , mà nhằm tạo ra các liên minh quyền lực cỡ nhỏ có tính đặc biệt nhằm giải quyết một số vấn đề.

Ba là, phải tập trung chính sách của Hoa Kì và các liên minh quyền lực cần được thành lập vào việc đối phó những đe dọa lớn nhất – nạn khủng bố, khủng hoảng kinh tế, nạn lan tràn vũ khí hạch nhân, thay đổi khí hậu, và đại dịch toàn cầu — rồi sau đó mới quan tâm các mối đe dọa khác được chừng nào hay chừng đó. Cả chính sách lẫn sức mạnh sẽ không có tác dụng hữu hiệu nếu không biết đặt ra những ưu tiên rõ ràng, đây là điều thường được rao giảng nhưng cũng là điều thường bị bỏ qua.

Bốn là, phải nhớ rằng sức mạnh quốc tế có khả năng đối phó với các vấn đề một cách hữu hiệu nhất trước khi chứ không phải sau khi các vấn đề này đã chín muồi. Điều này có nghĩa là cần phải triển khai các liên minh quyền lực ngay từ đầu nhằm chống lại những mối đe doạ có thể thấy trước và đã được các phe đối tác nhất trí. Một cách nói thời thượng cho rằng sức mạnh có tác dụng hữu hiệu nhất dưới sức ép của các cuộc khủng hoảng. Điều này có lẽ đúng cho các vấn đề trong nước; nhưng trong các vấn đề quốc tế, lịch sử đã chứng minh, vào những lúc tình hình trở nên khó khăn, các nước sẽ trở nên kiên định hơn trong lập trường của mình đến nỗi chiến tranh có nhiều khả năng xảy ra hơn là đạt được hoà bình vào những lúc như thế.

Năm là, phải nhận thức rằng mặc dù thực chất của sức mạnh vẫn là áp lực và sự ép buộc dựa vào nguồn lực và địa vị quốc tế của một quốc gia, nhưng mặt khác, quyền lực không còn được quan niệm như xưa. Những nước mạnh đừng hòng có thể sai khiến các nước yếu như trong quá khứ; ngày nay các nước yếu có thể chống lại, và từng làm như vậy. Sức mạnh theo quan niệm truyền thống là không mấy hữu hiệu khi đem đối phó với các vấn đề ngày nay, bởi vì những vấn đề này gần như hiện hữu trong phạm vi gồm có nhiều nước chứ không phải giữa các nước ấy với nhau. Khó mà giải quyết hoặc cô lập loại vấn đề này bằng sức mạnh thuần túy. Ngày nay các nước phải biết tập trung sức mạnh vào việc tranh thủ các cơ hội kinh tế và ngoại giao hơn là đi gây các cuộc binh đao. Điều này, do đó, có nghĩa là quyền lực của Hoa Kì sẽ tác dụng chậm chạp hơn trước. Phải biết rằng kiên nhẫn là một yếu tố rất quan trọng trong lãnh vực đối ngoại.

Những nguyên tắc thực tế và dựa vào tri thức thường nghiệm này không tự động trở thành hiện thực. Người ta phải phấn đấu giành chỗ đứng cho các nguyên tắc này trên các vũ đài chính sách và chính trị, nơi ba con quỉ [ý thức hệ, chính trị nội bộ và tính kiêu ngạo quốc gia] cùng những tay phù thủy sử dụng chúng vẫn chủ trì lâu nay. Nhưng những nhà lãnh đạo chính trị ôn hoà và các chuyên gia soạn chính sách ôn hoà có thể mạnh dạn cầm chiếc dùi cui tri thức thường nghiệm để ra lệnh và để thành công. Mặc dù một số người Mĩ đã nghiện tính cực đoan, nhưng các nhà lãnh đạo có thể thuyết phục tuyệt đại đa số tránh xa chủ nghĩa cực đoan bằng cách nhấn mạnh tính thực tiễn của tri thức thường nghiệm.

Vâng, những câu hỏi nảy sinh từ ý thức thường nghiệm thường bị chế ngự chỉ vì sợ bị trả thù chính trị và vì cuộc tranh luận công khai tại Hoa Kì bị chìm ngập trong sự ồn ào của những tuyên bố khẳng định các nguyên tắc truyền thống và sức mạnh quân sự của Hoa Kì. Nhưng những câu hỏi dựa trên tri thức thường nghiệm bị đè bẹp cũng chỉ vì những chính trị gia ôn hoà không chịu mạnh dạn tranh đấu. Liệu có cần đến một tai họa long trời lở đất mới thức tỉnh được người Mĩ hay không? Và thậm chí khi đó, liệu phe cởi mở và phe bảo thủ có còn tiếp tục cứa cổ lẫn nhau hay không?

Mọi quốc gia và mọi đế quốc rốt cuộc sẽ bị thối rã từ bên trong. Người ta có thể đã thấy Hoa Kì, thành trì quí giá của tự do và an ninh, bắt đầu tuột dốc trong các lãnh vực như giới lãnh đạo, các cơ chế chính tri-xã hội, cơ sở hạ tầng cả sức người lẫn sức của, đang trên đường trở thành chỉ là một cường quốc như bao nhiêu cường quốc khác, một quốc gia gần như không đáng được cho các nước khác kính sợ hay noi theo. Đã đến lúc phải bắn hoả châu báo động rằng Hoa Kì đang đi lạc đường và mất dần quyền lực, rằng nước Mĩ đang ở trong tình trạng đáng lo. Nhưng còn quan trọng hơn nữa là phải tái khẳng định rằng Hoa Kì rất đáng được bảo vệ cả ở trong nước lẫn ngoài nước. Không ai có thể chối cãi rằng Hoa Kì, quốc gia duy nhất trên thế giới, có khả năng đứng ra lãnh đạo nhằm giải quyết các vấn đề có thể nhận chìm cả thế giới. Không ai có thể chối cãi rằng, dù có sai lầm gì đi nữa, Hoa Kì vẫn cung ứng cơ may tuyệt hảo sau cùng để tạo ra cơ hội đồng đều, hi vọng, và tự do. Nhưng việc phục hồi những gì tốt đẹp và đặc biệt về nước Mĩ, việc phục hồi quyền lực của Mĩ trong khả năng giải quyết các vấn đề thế giới sẽ đòi hỏi một điều đã lâu rồi chưa từng xảy ra, đó là: những nhà chính trị thực tiễn, hiện thực, và ôn hoà phải đoàn kết lại mà tranh đấu cho quốc gia.

Leslie H. Gelb

Nguồn: (Xem bản gốc trong PDF) Foreign Affairs, tháng Năm/ tháng Sáu 2009


HDH-Vai trò "cha con" Nguyễn Hữu Lễ liên quan phim “Sự thật về Hồ Chí Minh

http://www.cand.com.vn/Uploaded_CANDONLINE/anhtu/hoang-duy-hung1106_320.jpg

Lạc đà Hoàng Duy Hùng

http://blog.ifrance.com/thanhuu/blogimage.php?t=0&i=599083
LM Chệch Hướng Nguyễn Hữu Lễ


Vai trò "cha con" Nguyn Hu L liên quan phim “S tht v H Chí Minh” .

Ông Nguyn Hu L được con chiên Hòang Duy Hùng gi là “CHA” xưng “CON” vì ông là mt linh mc. Ngòai ra, ông Nguyn Hu L có tui cũng đáng…cha Hòang Duy Hùng tuy c hai đu là “đng chí” trong Băng đng Mafia Vit Tân, đã thi hành xut sc công tác ph biến phim “S tht v H Chí Minh” sn xut bi Băng đng Mafia Vit Tân theo kế hach phác ha t Cng Sn Hà Ni. Do đó, tìm hiu thêm v hai cha con Nguyn Hu L và Hòang Duy Hùng cũng không phi là điu vô ích:

- Với “Tuyn Tp Lt Mt N Mt Trân QGTN Gii Phóng VN”, LS Hòang Duy Hùng, Chủ tịch CĐ Houston và VPC, Texas” đã đổ nguyên bô cứt lỏng và nước đái lên đầu Băng đảng Mafia Việt Tân rồi cũng chính hắn liếm và nuốt lại những cứt lỏng nước đái đó bằng hành động mà hắn gọi là “Hòang Duy Hùng ch hp tác giai đan vi Đng Vit Tân”. Thật buồn cười, Hòang Duy Hùng đã “ hợp tác giai đọan” với Băng đảng Mafia Việt Tân hơn mấy năm rồi, có lẽ đến khi Hòang Duy Hùng chính thức khai tử Phong Trào Quốc Dân Hàng Động của hắn thì mới xong giai đọan hợp tác, Hòang Duy Hùng chính thức và công khai bước sang giai đọan làm kẻ tôi đòi cho Băng đảng Mafia Việt Tân?

Người ta đón nhận kẻ lầm đường chứ không tha thứ kẻ PHẢN BỘI. Cộng Sản Việt Nam chỉ dùng kẻ phản bội nhất thời mà không tin, dùng xong vứt bỏ, không giết cũng là may. Băng đảng Mafia Việt Tân đâu có ngu tin KẺ HAI LÒNG, chỉ xài tạm tên sớm đánh tối đầu Hòang Duy Hùng mà thôi! Hắn phải biết thân phận “hàng thần lơ láo” của hắn!

- Hòang Duy Hùng, nhân danh Chủ tịch CĐNV Houston & VPC, Texas” đã lập công với Băng đảng Mafia Việt Tân khi hắn chia buồn cái chết của tên đại cán bộ VC Hòang Minh Chính và ủng hộ Lời Kêu Gọi hại Việt Dân lợi Việt Cộng ngày 29-3-2009 ký tên Sư Cộng rậm râu Quảng Độ. Sau 4 tháng lên tiếng ủng hộ Lời Kêu Gọi nầy Hòang Duy Hùng hãy cho biết Kết Qu thc hin như thế nào, có đạt bao nhiêu phần trăm chỉ tiêu 30 triệu người dân trong nước tham gia BTDS & BTTG đề ra bởi Sư Cộng rậm râu Quảng Độ? Nếu kết quả là con Zero to tướng thì Quảng Độ vốn là từ Sư Cộng lại thêm là Sư Cuội phải không Hòang Duy Hùng?

- Hòang Duy Hùng li thi hành lnh ca Băng đng Mafia Vit Tân, t chc chiếu phim “S tht v H Chí Minh” do LM “Cha phi Sng, Con chiên Đáng chết” Nguyn Hu L đng tên, đ xóa ti Vit Gian Phn Quc ca H Chí Minh, phù hp vi li ca ngi tên đi cán b VC Nguyn H là “mt nhà ái quc” trong bn tin Phân Ưu ca Băng đng Mafia v cái chết ca tên ny!

Rõ ràng, tên đại cán bộ VC Nguyễn Hộ là ‘nhà ái quốc” thì sư phụ hắn là Hồ Chí Minh làm sao phản quốc được, đúng theo quan điểm của Băng đảng Mafia Việt Tân là “H Chí Minh có công vi đt nước; CSVN là thành phn ca dân tc”!

- Do đó, phim “Sự thật về Hồ Chí Minh” do Băng đảng Mafia Việt Tân sản xuất, Nguyễn Hữu Lễ đứng tên, không hề nêu lên đại tội Việt Gian Phản Quốc của Hồ Chí Minh mà chỉ xoay quanh những tội thứ yếu của hắn, trong đó có tội độc tài.

- Do đó, con chiên đi trí thc GSTS/KT Nguyn Phúc Liên nh nhàng phi bi … “cha phi sng, con chiên đáng chết” Nguyn Hu L rng ngài “thiếu sót” (!?) không vch ra đi ti Vit gian phn quc ca H Chí Minh đã làm dân tc và đt nước Vit Nam phi điêu linh thng kh sut gn mt th k nay và đang có nguy cơ b Tàu Cng thôn tính!

- Do đó, phim “S tht v H Chí Minh” đang được Băng đng Mafia Vit Tân cho chiếu free ti nhiu nơi trong cng đng NVHN trên thế gii đ mi người quên đi đi ti Vit Gian Phn Quc ca H Chí Minh, ch nh đến các ti th yếu ca H Chí Minh mà thôi! Đây là đi âm mưu ca CSVN giao phó tay sai Băng đng Mafia Vit Tân thi hành hi ngai.

- LM “cha phi sng, con chiên đáng chết” Nguyn Hu L đng tên phim “S tht v H Chí Minh” theo s phân công ca Băng đng Mafia Vit Tân vì Nguyn Hu L là tu sĩ Thiên Chúa Giáo, tc thuc lai…cha ca con chiên ngoan đo, tương t …thy Qung Đ ca “Pht” t cung tín, được CSVN ân cn chiếu c, chon làm v bc an tòan che đy cái by MT ngt phết lên lưỡi dao, quyến d đông đo rui ln bu vào liếm cho đt lưỡi!

- M có Mc sư Hùynh Quc Bình, Tân Tây Lan có Linh mc “cha phi sng, con chiên đáng chết” Nguyn Hu L đu là thành viên, công c ca Băng đng Mafia Vit Tân nên mi người Vit Quc Gia không nên ngc nhiên khi hai tu sĩ Thiên Chúa và Tin Lành ny x thân cho Băng đng Vit Tân hơn là x thân cho Chúa, cho …bn phn mc v!

Đúng vy, theo mt nhân chng hin đang sng Oregon cho biết: Năm 1996, trong dp du lch đến thành ph Auckland, NZL vi cùng hai người bn, trong đó có mt người quen thân LM Nguyn Hu L; c ba người có đến thăm LM L ti tư gia. Khi ca nhà ca LM L va m thì c ba người đu thy chình ình sát vách gia phòng khách là bàn th c lãnh t Hòang Cơ Minh vi bc nh chân dung khá ln ca ông ny! Phía trên bàn th Hòang Cơ Minh là cây thánh giá có tc tượng Chúa Jesus b đóng đinh. Sau đó, nhân chng Oregon có t thái đ vi hai người đng hành bng li phê bình: “Ti sao LM Nguyn Hu L không th cha rut ca mình, li đi th Hòang Cơ Minh, k cm đu Mt Trn là t chc kháng chiến la bp và ăn cướp tin bc ca người Vit hi ngai?”

Và khi Nguyn Hu L tôn th thiên c ti nhân Hòang Cơ Minh, rp đu tuân lnh ca Băng đng Mafia Vit Tân, đng tên phim “S tht v H Chí Minh” đ xóa đi ti Vit gian phn quc ca H Chí Minh thì ông ta không đáng được gi là mt linh mc. Nguyn Hu L thun túy là thành mt thành viên ca Băng đng Mafia Vit Tân, tay sai CSVN, đã gây vô vàn ti ác cho dân tc và đt nước Vit Nam! T hu, nếu tôi buc phi nhc tên Nguyn Hu L, tôi s không nhc đến chc linh mc ca ông ta vì ông ta là mt thành viên ct cán, đi lp tu sĩ Thiên Chúa thuc Băng đng Mafia Vit Tân!

Quý v đng hương mun biết thêm con người nh ri liếm ca Hòang Duy Hùng thì xin đc li rt nhiu bài viết v hn mà hình như đã được sưu tm khá đy đ, cho vào mt website.

Quý v mun biết thêm mt trái làm li Vit Cng ca phim “S tht v H Chí Minh” xin đc các bài bình lun phân tích chính xác, rt giá tr ca các tác gi NVQG còn lưu tr trên đin báo <<>> đ thy rõ hơn vai trò ca hai cha Nguyn Hu L và Hòang Duy Hùng đóng góp cho âm mưu CSVN qua cun phim tài liu ny đang được Băng đng Mafia chiếu min phí có ng h tin tùy h nhiu nơi trong cng đng NVHN trên thế gii.

Tuấn Phan